Chào Bill Gates!
Nếu tôi là người nghèo nhất hành tinh thì câu chào của tôi với Bill Gates - người giàu nhất hành tinh - sẽ thế nào nhỉ ? Đơn giản: chào Bill Gates! Còn nếu tôi chỉ là một nhà thơ, có thể giàu và có thể nghèo tùy lúc, đúng như sự dao động hằng năm của tài sản Bill Gates, thì câu chào sẽ thế nào? Đơn giản hơn: Chào Bill!
Một đất nước có thu nhập trên đầu người hằng năm 640 USD lại có một ngày được tiếp đón một người "giàu toàn diện" như Bill Gates đến thăm, có phải là một cơ hội lớn, một "big chance"? Khi hiểu từ "cơ hội" có lẽ nên hiểu từ cả hai phía: nếu với Bill Gates, được hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam mà nghe nói là ông rất mến yêu, là một cơ hội, thì với người Việt Nam, nếu chỉ đến với Bill bằng sự tò mò, bằng sự ngưỡng mộ nhiều khi quá đáng về "tài khoản" của Bill, thì đó chẳng bao giờ là một cơ hội. Kể cả những kinh nghiệm làm giàu của Bill Gates, nếu chỉ được người Việt Nam xuýt xoa ao ước hay mặc cảm né tránh, thì việc ông đến thăm cũng chưa phải là sự kiện gì quá lớn. Khi người ta chưa sẵn sàng cho một cơ hội, thì dẫu cơ hội ấy đến, ta cũng không sao nắm bắt được. Và cũng đừng ai nhân "cơ hội" này để tiếp tục "cơ chế xin - cho" với những lời năn nỉ ỉ ôi để "người giàu nhất hành tinh" đoái thương(?). Lâu nay, ở ta hay nghe nói về "kinh tế tri thức", và họ luôn dẫn Bill Gates như một điển hình, một trong những người khai sinh nền kinh tế này. Đúng vậy, nhưng liệu ở ta bao giờ thì có được "nền kinh tế tri thức" ấy, và ta sẽ đối xử với nó ra sao? Chẳng lẽ lại giống như cách mà PMU 18 đối xử với với vốn vay ODA? Khi trong một cơ quan, kể cả cơ quan làm khoa học, mà những ý kiến riêng, chứ chưa nói đến những ý tưởng táo bạo hay những sáng kiến kỳ lạ, chưa bao giờ được tôn trọng, chưa bao giờ "được nghe thấy", thì không thể có được một "nền kinh tế tri thức" - nền kinh tế vận hành hoàn toàn dựa trên sự độc lập và độc đáo của những ý tưởng, những sáng kiến, những bản lĩnh tri thức cá nhân và nhóm? Để có một "thế giới phẳng" như bây giờ người ta hay nói, Bill Gates và những cộng sự của ông đã không ngừng trong nhiều năm tưởng tượng về thế giới, không ngừng kích thích thế giới của trí tưởng tượng, và không ngừng bắt thế giới phải cùng suy nghĩ và tưởng tượng với mình. "Tốc độ của tư duy" là gì, nếu không phải là những lóe sáng, những chớp sáng của tưởng tượng, của tiên kiến và tiên báo? Nếu sự thông minh của con người vận hành với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, thì sự linh cảm, sự nhạy cảm lại vận hành với tốc độ gần với tốc độ ánh sáng. Tôi nghĩ, Bill Gates là người đặc biệt nhạy cảm, người luôn có những linh cảm, những phút xuất thần giống như một nhà thơ hay một nhạc sĩ. Đó là một "cây sậy biết linh cảm" của thế giới, nếu ta mượn lời của Blaise Pascal - một trong những người giàu trí tuệ và giàu linh cảm nhất thế kỷ 17 - để nói về ông - một trong những người giàu cùng hai thứ đó nhất thế kỷ 20 và 21. Với Bill Gates, tôi nghĩ, tiền bạc chỉ là một phần, có thể là phần rất nhỏ, trong cuộc đời ông. Con người này muốn thế giới "trong lòng bàn tay" và cũng muốn mình là một phần nhỏ bé sống động, một "tế bào sống" của thế giới chẳng hạn. Mục đích sống vì nhân loại, vì con người trên khắp hành tinh không phân biệt, chính là mục đích sống và làm việc của người đàn ông được coi là "bẽn lẽn" rất dễ thương nhưng đầy ma lực thu hút này. Không phải đã là người giàu thì luôn được lắng nghe, dù trong thực tế nhiều khi là vậy, nhưng với Bill Gates, nếu ta nghe được thông điệp của ông - chắc chắn sẽ có trong chuyến thăm Việt Nam lần này - thì hãy nghe một cách chậm rãi. Đó chính là "tốc độ tư duy" để ta thu nhận được, để nó sẽ thực sự là của ta. Mọi sự vội vàng nông nổi dù đầy cuồng nhiệt cũng sẽ không dẫn tới "kênh" mà Bill Gates muốn từ đó chuyển tải thông điệp... Chào Bill Gates !
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt