Bill Gates và "chuyến phiêu du" mới
Gates lại có một quyết định "ra đi" trọng đại nữa. Gates sẽ rút khỏi Microsoft - hãng phần mềm lớn nhất thế giới hiện nay, để có thể toàn tâm toàn ý cống hiến sức lực cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation...
Dường như tiên đoán được một cuộc cách mạng mang tên máy tính cá nhân, chàng trai trẻ Bill Gates đã có một quyết định hết sức táo bạo vào năm 1975: Từ bỏ mái trường Harvard để lập công ty riêng.
Tài sản lớn - Trách nhiệm lớn
Cái công ty bé cỏn con ấy có tên là Microsoft, mang theo niềm hy vọng và cả sự tưởng tượng của Gates về một kỷ nguyên mà máy tính sẽ xuất hiện trên mọi chiếc bàn làm việc, trong mọi mái nhà.
Hơn 3 thập kỷ sau, Gates lại có một quyết định "ra đi" trọng đại nữa. Chỉ có điều, sự dứt áo lần này diễn ra theo chiều ngược lại mà thôi.
Gates sẽ rút khỏi Microsoft - hãng phần mềm lớn nhất thế giới hiện nay, để có thể toàn tâm toàn ý cống hiến sức lực cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation.
Không còn là người giàu nhất hành tinh (Gates đã bị nhà tài phiệt Warren Buffet và ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim soán ngôi), song tấm lòng hào hiệp của Gates thì vẫn mênh mông như thuở nào.
Gates từng nói: "Tài sản lớn phải đi đôi với trách nhiệm lớn".
Ở tuổi 52, Gates sẽ để lại phía sau những phòng thí nghiệm, những phần mềm còn đang viết dở.
Phần lớn thời gian của ông lúc này sẽ dùng để tìm kiếm một loại vaccine mới hoặc tài trợ cho các dự án xóa đói, giảm nghèo, diệt dốt ở các nước đang phát triển.
Được thành lập cách đây đúng 1 thập kỷ, quỹ Gates hoạt động hoàn toàn từ nguồn tài trợ của Bill.
Nhưng theo tiết lộ của Giám đốc điều hành Quỹ Patty Stonesifer, Gates sẽ không "tận tay quản lý hay can thiệp vào việc tuyển dụng, xây dựng trụ sở mới".
Thay vào đó, ông sẽ chỉ "hoạch định chính sách" và chỉ đạo các dự án từ thiện của quỹ mà thôi.
"Gates sẽ ngồi xuống thảo luận với các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để bàn cách chống lại đói nghèo, dịch bệnh, nạn mù chữ một cách hiệu quả nhất".
Xuất thân thuận lợi
Gates năm 1990, khi ra mắt hệ điều hành Windows ở New York. Nguồn: AP |
Tất nhiên, vì là cổ đông lớn nhất của Microsoft, Gates sẽ vẫn là Chủ tịch của hãng.
Ông cũng sẽ thi thoảng tham gia vào những dự án công nghệ đặc biệt, nhưng nên nhớ là chỉ "thi thoảng" thôi.
Theo ước tính, 8,7% cổ phần Microsoft mà Gates đang nắm giữ trong tay trị giá tới 23 tỷ USD.
Bạn bè vẫn còn nhớ về chàng thiếu niên Bill Gates như một kẻ lập dị, với cặp kính dày cộp, nụ cười ngây ngô và mái tóc màu xám.
Lần đầu tiên Gates lập trình là vào năm 13 tuổi, khi thiết lập hệ thống xây dựng thời khóa biểu cho lớp học của mình ở trường Cấp II Seattle.
"Năm 19 tuổi, tôi đã biết sự nghiệp của mình phải đi theo hướng nào. Rất may là tôi đã đúng", Gates tâm sự trong cuốn sách "The Road Ahead" xuất bản năm 1995.
Ngay từ cái thời trứng nước xa xôi của cuộc cách mạng PC, Gates đã nhìn ra một thực tế hiển nhiên: Phần mềm rồi sẽ quan trọng hơn phần cứng.
Bắt tay cùng người bạn từ thuở thiếu thời Paul Allen, Gates đã mạnh dạn lập ra Microsoft - với ý nghĩ công ty của mình có sứ mệnh cung cấp phần mềm cho máy tính cá nhân.
Gates sinh ngày 28/10/1955, là con thứ hai trong một gia đình trung lưu có 3 người con tại Seattle.
Cha ông, William Henry Gates Jr, là đối tác làm ăn của một trong những hãng luật hùng mạnh nhất thành phố, còn người mẹ quá cố của ông, bà Mary, là một chuyên gia gây quỹ từ thiện có tiếng.
Ngày xa xưa ấy
Gates bắt đầu làm quen với máy tính tại Lake Preparatory, một ngôi trường dành riêng cho giới quý tộc ở địa phương.
Chính tại nơi đây, Gates đã tập tọng viết những dòng lập trình bằng ngôn ngữ BASIC đầu tiên của mình, trên một chiếc máy tính ASR-33 Teletype không thể sơ khai hơn.
Và cũng chính tại Lakeside, Gates đã gặp Allen, một học sinh học trên Gates 2 lớp nhưng có chung niềm đam mê và kỳ vọng dành cho máy tính.
"Tất nhiên, hồi đó chúng tôi chỉ mơ và nghĩ thôi. Nào đã làm được cái gì cụ thể", Gates hồi tưởng trong "The Road Ahead".
Trong suốt 2 năm học ở Harvard, Gates dành phần lớn thời gian của mình cho lập trình.
Thế rồi Gates quyết định bỏ học, để có thể dành trọn vẹn thời gian mà viết ra phần mềm phục vụ Altair, một cỗ desktop cồng kềnh có giá 400 USD khi ấy.
"Thành quả" lớn nhất mà Gates gặt hái được ở Harvard, ấy là ông đã quen với một người bạn quê ở Detroit, rất hài hước và yêu thích môn toán.
Tên người đó là Steve Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft hiện nay.
Cũng giống như Gates, Ballmer đã quyết định rời mái trường Kinh doanh Harvard danh tiếng lẫy lừng để gia nhập Microsoft.
Gã khổng lồ xuất hiện
Với vốn kinh nghiệm tích lũy được, Gates nhận thấy rằng: phần mềm có một tiềm năng khổng lồ trong việc thay đổi cách thức con người làm việc, giải trí và giao tiếp với nhau.
Bước ngoặt lớn nhất trong đời bộ ba Gates - Allen - Ballmer xảy ra vào năm 1980, khi Microsoft ký được hợp đồng xây dựng hệ điều hành MS-DOS cho dòng máy tính cá nhân mới của IBM.
Dưới sự chống lưng và nhân nhượng hết sức của IBM, Microsoft được quyền bán giấy phép của hệ điều hành này cho các hãng khác.
Chính sách này đã mở ra cả một thế hệ "Máy tính tương thích với IBM", dựa trên nền tảng phần mềm MS-DOS.
"Gates là một trong những doanh nhân kiêm chuyên gia công nghệ vĩ đại nhất của thế kỷ 20", Giáo sư Michael Cusumano của Viện Công nghệ Massachusetts bình luận.
Microsoft phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 1986 - trong sự háo hức chờ đợi của cả thị trường lúc bấy giờ.
Chỉ một năm sau, giá cổ phiếu Microsoft đã tăng vọt đến mức chóng mặt, và Gates trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới ở tuổi 31.
Trong hành trình 32 năm phát triển của mình, Microsoft đã vươn vai trở thành một gã khổng lồ thống trị địa hạt phần mềm desktop. Hãng cũng biến thành mục tiêu của không ít vụ kiện chống độc quyền lùm xùm.
Còn trong mắt các đối thủ, Gates vừa là người để họ ngưỡng mộ, lại vừa là nhân vật bị căm ghét nhất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005