Ra mắt tác phẩm Giết con chim nhại
Giết con chim nhại của Harper Lee, cuốn sách từng được xếp trong danh sách những cuốn sách cần đọc trước khi qua đời bên cạnh Kinh thánh và Chúa tể của chiếc nhẫn. Tác phẩm sẽ ra mắt độc giả Việt Nam trong thời gian tới qua bản dịch của Phạm Viêm Phương và Huỳnh Thị Kim Oanh.
Lấy bối cảnh Alabama, một tiểu bang miền Nam nước Mỹ có thành kiến nặng nề với người da đen, Giết con chim nhại được kể qua giọng điệu và cái nhìn của cô bé Scout chín tuổi, con gái của vị luật sư đáng kính Atticus, người đã đứng ra bào chữa cho anh da đen Tom Robbinson bất chấp sự khinh rẻ của cả vùng.
Không dừng lại ở vấn đề chủng tộc, tác phẩm còn mở rộng và đề cập đến những thành kiến của con người, những thứ vốn là nền tảng dẫn đến thói đạo đức giả, bất công xã hội và nhiều tệ nạn khác.
Nổi tiếng bởi sự ấm ám và hài hước khi viết về những vấn đề khá nặng như nạn phân biệt chủng tộc và hãm hiếp, Giết con chim nhại còn thu hút người đọc bởi vẻ đẹp của lòng dũng cảm, sự dung thứ và tinh thần chiến đấu đến cùng cho chính nghĩa của hình tượng nhân vật luật sư Atticus...
Xuất bản năm 1960, đoạt giải thưởng Pulitzer, đứng đầu trong danh sách “Tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20” của tờ Literary Journal, đứng thứ năm trong danh sách “Một trăm tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất kể từ 1900” của nhà xuất bản Modern Library, đã được dịch ra hơn bốn mươi thứ tiếng và bán hơn ba mươi triệu bản, Harper Lee dường như đã nếm trải đủ những ngọt ngào cũng như những cay đắng mà một nhà văn có thể nhận được từ đứa con nổi tiếng của mình.
Được vào giảng dạy tại hệ thống các trường trung học và đại học của Mỹ từ năm 1963 cũng như tại nhiều quốc gia nói tiếng Anh khác, nhưng ngay sau đó tác phẩm nhận được phản hồi gay gắt của các nhà giáo dục cũng như các bậc phụ huynh yêu cầu đưa cuốn sách ra khỏi chương trình học phổ thông.
Theo thống kê của hiệp hội thư viện Mỹ, Giết con chim nhại xếp thứ bốn mốt trong danh sách một trăm cuốn sách thường bị xem xét lại giá trị nhất từ năm 1990 đến 2000. Cũng giống như số phận của Bắt trẻ đồng xanh, sự phản đối từ phía các nhà giáo dục là dấu hiệu tốt cho một kiệt tác. Và Giết con chim nhại là một trong không nhiều kiệt tác đề cập sâu sắc và thấu đáo nhất đến vấn đề phân biệt chủng tộc.
Sức hút của 'Giết con chim nhại'
(V. Gangadhar, H.T. dịch, nguồn eVan)
Chim nhại không bao giờ làm điều gì có hại, chúng mang đến niềm vui cho mọi người bằng tiếng hót từ tận trái tim. Thế nên, giết con chim nhại là một tội ác. Hình tượng này được lặp đi lặp lại như biểu tượng cho nạn nhân và sự trong trắng, vô tội của anh trong tác phẩm.
Khi được mời giảng dạy cuốn tiểu thuyết Giết con chim nhại cho sinh viên một trường đại học ở Ahmedabad, Ấn Độ, tôi không hề nghĩ mình và các em lại yêu cuốn sách đến như vậy. Tôi mời P. G. Mavlankar - một giáo sư về khoa học chính trị - đến nói chuyện với sinh viên về lịch sử nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ - một chủ đề tập trung của tiểu thuyết, tôi mới biết, ông cũng rất thích cuốn sách đầu tay và duy nhất này của Harper Lee. Tôi đã tặng Giết con chim nhại như một món quà sinh nhật cho nhiều đứa trẻ. Chúng đọc một mạch cuốn sách cho đến hết và còn đọc đi đọc lại nhiều lần sau đó.
Lee, nhà văn người Alabama, xuất bản cuốn tiểu thuyết khi bà mới 34 tuổi. Cuốn sách trở thành best-seller hàng tháng trời và hái về cho tác giả giải thưởng danh giá Pulitzer năm 1961. Thật khó tin rằng, một cuốn sách đậm đặc chất Mỹ như thế vẫn có khả năng hút hồn độc giả ở một vùng đất xa xôi như Ahmedabad. Tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu của tác phẩm đã giúp nhà văn nhận được danh hiệu cao quý - Huy chương tự do của Tổng thống Mỹ.
Vậy yếu tố nào thực sự tạo nên sức lôi cuốn toàn cầu này? Những trò nghịch ngợm hóm hỉnh của ba đứa trẻ Scout, Jem và Dill hút hồn độc giả trẻ. Người lớn lại tìm thấy những điều thú vị trong mối quan hệ giữa bố con Atticus Finch - Scout - Jem và tình trạng căng thẳng của nạn phân biệt chủng tộc diễn ra ở thị trấn Maycomb.
Miềm Nam nước Mỹ - mảnh đất được lấy làm bối cảnh của cuốn sách - là cái chảo lửa của những xung khắc về chủng tộc và thái độ thiếu bao dung của con người. Tom Robinson - một người đàn ông da đen nghèo khổ - bị vu khống cưỡng hiếp Myella Ewell - một phụ nữ da trắng tìm cách mồi chài anh nhưng không được. Robinson bị một bồi thẩm đoàn mang tư tưởng phân biệt chủng tộc kết án. Anh trốn ngục và bị cảnh sát bắn.
Lịch sử Mỹ đầy rẫy những trường hợp tương tự, về những người da đen vô tội bị bắt và làm nhục bằng những phán quyết vớ vẩn nhất có thể. Lee không che giấu hiện trạng đầy thành kiến này trong cuốn sách. Kẻ phân biệt chủng tộc có thể chỉ là một nhóm người khó ưa và những người da đen hầu như không thể hy vọng một chút bình đẳng nào từ hệ thống cảnh sát và tòa án địa phương. Nhưng cuốn sách không chỉ bao phủ bởi một màu tối tăm, ảm đảm bởi sự xuất hiện của nhân vật Atticus Finch - một trong những sáng tạo đặc sắc nhất của tiểu thuyết Mỹ hiện đại.
Atticus sống trong một xã hội phân biệt chủng tộc và giới tính, nhưng ông không bị ảnh hưởng tiêu cực của môi trường sống ấy. Ông chấp nhận bào chữa cho người đàn ông da đen, thể hiện quan điểm rộng rãi, phi thành kiến của mình và ước ao về những đổi thay trong thị trấn Maycomb. Một nhân vật trong cuốn sách đã nói về Atticus rằng: "Trong cuộc đời này, có những con người được sinh ra để làm những công việc không dễ chịu gì giúp chúng tôi. Atticus là một trong số đó".
Khi đọc Giết con chim nhại lần đầu tiên, tôi đang là một ông bố trẻ. Và tôi muốn trở thành một ông bố giống như Atticus - người đã một thân một mình nuôi dạy hai đứa con với sự trợ giúp đắc lực của bà đầu bếp da đen Calpurnia. Atticus đối xử với hai con tựa như chúng là những người lớn, nhưng sẵn sàng trừng phạt chúng thích đáng khi có lỗi.
Chính phương pháp giáo dục này đã rèn luyện cho hai đứa con cách đương đầu với những bất công, với sự phỉ báng của bạn bè khi ông bố nhận bảo vệ công lý cho một người da đen. Atticus dạy hai con rằng, chúng có thể "bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích" nhưng không được giết hại chim nhại. Vì chim nhại không bao giờ làm điều gì có hại, chúng mang đến niềm vui cho mọi người bằng tiếng hót từ tận trái tim. Thế nên, giết con chim nhại là một tội ác. Hình tượng này được lặp đi lặp lại như một biểu tượng cho nạn nhân và sự trong trắng, vô tội của anh trong tác phẩm.
Harper Lee - con chim chỉ một lần cất tiếng hót
(Hà Linh, eVan)
Năm 34 tuổi, Harper Lee xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay "To Kill a Mockingbird" (Giết con chim nhại). Tác phẩm nhanh chóng trở thành một best-seller trên toàn thế giới và được chuyển thể thành phim, biến Lee từ chỗ là một cái bóng bên cạnh người bạn thân nổi tiếng Truman Capote thành một nhà văn được giới truyền thông săn đón.
Nhưng hơn 4 thập kỷ qua, Lee chọn lối sống ẩn dật, lặng lẽ, như chưa từng là tác giả của cuốn tiểu thuyết làm mưa làm gió trên thị trường sách, thậm chí như chưa từng tồn tại. Đầu năm nay, nhà văn 80 tuổi này đã xuất hiện trước công chúng khi tham gia giao lưu với những sinh viên dự cuộc thi viết về tác phẩm Kill a Mockingbird, được tổ chức tại Đại học
Harper Lee sinh ra tại Monroeville, Alabama. Bố bà là chủ sở hữu đồng thời là tổng biên tập của một tờ báo. Ông còn là một luật sư, thượng nghị sĩ bang Alabama. Từ 1945 đến 1949, Lee học luật tại Đại học Alabama, sau đó, bà tham dự khóa học 1 năm theo diện trao đổi sinh viên giữa các trường tại Đại học Oxford. 6 tháng trước khi tốt nghiệp, Lee tìm đến New York theo đuổi nghiệp viết văn. Tại đây, bà làm nhân viên bán vé máy bay cho hãng hãng không Eastern Air Lines. Năm 1959, Lee đồng hành cùng người bạn thân thiết thuở niên thiếu của mình là Truman Capote đến Holcombe, Kansas để thu thập tư liệu cho cuốn In Cold Blood (1966) của Capote. Lee được đánh giá là người có vai trò rất lớn trong thành công của cuốn sách này.
Nhà văn Harper Lee. (Ảnh: todayinliterature)
To Kill a Mockingbird là sáng tác đầu tay của Lee. Tác phẩm lấy bối cảnh ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama trong những năm 1930. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định đứng ra bảo vệ Tom Robinson - một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng - Mayella Ewell.
Bối cảnh và một số nhân vật trong tác phẩm được rút từ cuộc đời thực. Finch là tên thời con gái của mẹ Lee còn nhân vật Dill được lấy nguyên mẫu từ Truman Capote.
Nhân vật người kể chuyện là Scout - con gái của luật sư Finch - một đứa trẻ thông minh và hay quan sát. Scout bắt đầu câu chuyện từ khi cô bé mới 6 tuổi. Mẹ mất sớm, Scout luôn tìm mọi cách ganh đua với người anh trai Jem. Một ngày, hai đứa trẻ gặp Dill - một người bạn 7 tuổi. Sau đó, chúng trở nên thân thiết với Boo Radley - một con người sống ẩn dật, khép mình khi chỉ mới ngoài 30 tuổi. Qua một loạt sự kiện vui, buồn những đứa trẻ dần rút ra được bài học phải - trái, về sự công bằng và lòng trắc ẩn. Lần theo dòng trần thuật của Scout, người đọc chắc chắn rằng cô bé sẽ không bao giờ giết con chim nhại hoặc trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc. Scout kể chuyện bằng giọng kể trẻ thơ nhưng cô bé có những phân tích về người lớn và những hành động của họ như là một người đã trưởng thành.
Bên cạnh tuyến truyện thứ nhất kể về Boo Radley, người bị coi là loạn trí, còn có tuyến truyện thứ hai về Tom Robinson. Một ban hội thẩm đoàn gồm 12 người da trắng đã phớt lờ những cuộc điều tra cần thiết, vội vàng buộc cho Robinson cái tội mà anh không bao giờ phạm phải: cưỡng hiếp.Atticus, người được chỉ định làm luật sư bào chữa cho Tom, thua tại tòa án. Tom tìm cách bỏ trốn và bị bắn chết. Bob Ewell, bố của Mayella mới chính là người đánh đập và hãm hiếp cô. Khi Atticus phát hiện ra sự thật, Bob đã tấn công con ông - Jem và Scout. Hai đứa trẻ được Boo Radley cứu thoát. Radley đã đánh Bob Ewell đến chết. Atticus và Calpurnia - một người đầu bếp da đen trong tác phẩm - dần dà trở thành những nhân vật trung tâm đại diện cho một xã hội không có thành kiến, phân biệt chủng tộc. Trong tác phẩm có câu: “Con chim nhại chẳng làm gì nên tội, chúng chỉ hót cho chúng ta những giai điệu đẹp. Không phá phách vườn tược, không hại đến hoa màu, chúng chỉ dâng hiến cho chúng ta những lời hát từ trái tim. Đó là lý do vì sao, giết con chim nhại là một tội ác”. Cuốn tiểu thuyết của Lee còn nhấn mạnh, trẻ em sinh ra vốn mang bản chất hướng thiện, coi trọng sự công bằng, chúng chỉ hấp thu những thành kiến xã hội trong quá trình lớn lên giữa cộng đồng.
Một cảnh trong phim "To Kill a Mockingbird " (Ảnh: talrton).
Mặc dù, tác phẩm đầu tay giành được những thành công vang dội, với 10 triệu bản được tiêu thụ, Lee đã không bao giờ xuất bản cuốn sách thứ hai. Bà rời New York, về Monroeville sống một cuộc đời lặng lẽ. Suốt hơn 40 năm qua, Lee từ chối mọi cuộc thăm viếng của giới báo chí. Câu trả lời nổi tiếng của bà khi nhận được lời đề nghị phỏng vấn của phóng viên là: “Không chỉ bây giờ mà khi xuống đến địa ngục, cũng không” ("Not just no, but hell no").
Chính vì thế, sự tồn tại của bà là cả một điều bí ẩn đối với công chúng. Trong lời mở đầu bản sách xuất bản năm 1977 tại Matxcơva, tiến sĩ Nadiya Matuzova đã nhầm lẫn tai hại khi ca ngợi bà với âm hưởng “điếu văn”: “Mặc dù, Harper Lee không sống được đến lễ sinh nhật lần thứ 50 nhưng kiệt tác của bà - cuốn tiểu thuyết tiếp nối truyền thống xuất sắc của những nhà văn nổi tiếng Mark Twain, William Faulkner, Erskine Caldwell và các tác giả khác - sẽ mãi mãi thuộc về di sản văn học Mỹ”.
Sự thực là năm nay, tác giả của To Kill a Mockingbird đã 80 tuổi, vẫn sống và vẫn tiếp tục từ chối giới truyền thông, nhưng sau 40 năm, bà kiệm lời hơn: “Hell, no” (Ở địa ngục, cũng không). Trong lần xuất hiện trước sinh viên đầu năm nay, bà chỉ nói: “Những gì mọi người đã dành cho tôi thật tuyệt vời. Bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cũng là một trong những tác phẩm được chuyển thể từ văn học thành công nhất”.
Đến nay, đã có nhiều phỏng đoán, nhưng chưa một ai nhận được câu trả lời chính thức từ tác giả cho câu hỏi, vì sao Lee không bao giờ viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai?
Harper Lee đồng ý nhận Huy chương tự do
(Thanh Huyền,eVan)
Tiểu thuyết gia hiếm khi xuất hiện trước công chúng vừa qua đã chịu lộ diện để đón nhận danh hiệu cao quý do Tổng thống Bush trao tặng. Cùng với 7 nhân vật ở các lĩnh vực khác, bà được George Bush tiếp đón tại Nhà Trắng và được đích thân ông gắn Huy chương.
Đánh giá về kiệt tác Giết con chim nhại của Lee, Bush phát biểu: "Câu chuyện về một trật tự cũ, nhưng sớm muộn gì cũng bị chủ nghĩa nhân văn xóa bỏ, đã được kể một cách hấp dẫn, không thể quên nổi trong cuốn sách của bà Harper Lee".
Theo ông, tác phẩm là một "món quà dành tặng cho cả thế giới", và "có tác động khiến nước Mỹ biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn".
Nhà văn nhận lời chúc mừng của Tổng thống.
Trước khi trở thành một "tiểu thuyết gia huyền thoại" như lời ngợi ca của Tổng thống, Harper Lee chỉ là một nhân viên bán vé máy bay. Giết con chim nhại là cuốn tiểu thuyết duy nhất của bà. Sau khi sách xuất bản, nhà văn đã phải đối diện với những tranh cãi quyết liệt của dư luận, cả lời khen lẫn tiếng chê về nội dung tác phẩm. Từ đó, bà không bao giờ viết cuốn sách nào nữa và quyết định chọn lối sống ẩn dật, tránh xa sự soi mói của công chúng và các phương tiện truyền thông.
Năm nay 81 tuổi, Lee tiến vào Phòng phía Đông của Nhà Trắng trên một chiếc xe lăn và cười rạng rỡ khi nhận được danh dự từ tay Tổng thống.
Tham dự lễ trao giải còn có Veronique Peck - vợ của cố diễn viên Gregory Peck - người thủ vai luật sư Atticus Finch trong bộ phim chuyển thể từ cuốn sách của Harper Lee.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnCông ty và Mắt bão
05/09/2008Bùi Quang MinhVài phân tích nội dung cuốn Mật mã Da Vinci
28/07/2008Minh BùiDòng sách best seller của Dan Brown
27/07/2008Minh BùiĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiGiã biệt bóng tối
25/05/2008Truyện ngắn của "phu chữ" Lê Đạt
03/05/2008Sưu tầm