Viết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
Đặt cạnh nhau, có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa việc nhà thơ Hoàng Cầm viết tập thơ “Về Kinh Bắc” vào cuối năm 1959 đầu năm 1960, với việc nhà văn Trần Thanh Cảnh viết tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc” trong hai năm 2013 và 2014 (in năm 2015, NXB Trẻ, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng về văn xuôi cùng năm)...
.
Đó là ở chỗ cả hai đã lấy hành vi viết như một phương cách để cân bằng với cái thực tại khắc nghiệt mà họ đang phải đối mặt hàng ngày: với Hoàng Cầm là tình cảnh bị câu thúc, bị kiềm tỏa trong cái án văn chương lớn vào bậc nhất nhì của thế kỷ XX, với Trần Thanh Cảnh là những sóng gió thương trường đang làm lao đao cả nền kinh tế mà ông vật vã tồn tại trong đó với tư cách một doanh nghiệp. Nhưng cũng có những điểm khác. Hoàng Cầm viết về Kinh Bắc của tâm cảnh, trong một trạng thái hồi cố như chính ông giãi bày ở phần “Vĩ thanh” của tập thơ: “Hồn tôi cứ chìm dần, chìm sâu, chìm và lắng thật sâu vào vùng quê tôi ngày xưa, thời tôi còn nhỏ dại, với biết bao bóng dáng, đường nét, màu sắc, hương vị đã quá xa, đã không còn nữa”. Còn Kinh Bắc của Trần Thanh Cảnh là Kinh Bắc của thực cảnh, Kinh Bắc được viết trong một sự quan sát và tiếp xúc rất gần gũi, thậm chí ngay cả khi ông đẩy Kinh Bắc về phía quá khứ xa thì Kinh Bắc ấy vẫn chịu sự chi phối của lập trường hiện tại. Chưa hết, Hoàng Cầm gọi tên Kinh Bắc khi viết về Kinh Bắc, còn Trần Thanh Cảnh lại gom tất cả những nhận biết về Kinh Bắc của mình mà nhào nặn, hư cấu, tạo thành một cái làng giả định mà ông đặt tên là làng Ngọc. Chỉ vài khía cạnh như vậy thôi, có lẽ là đủ để thấy rằng với tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc”, Trần Thanh Cảnh đã cố gắng xác định một cái viết Kinh Bắc khác, khác với chính cái viết Kinh Bắc của người tiền bối đồng hương nổi danh trong làng thơ Việt.
Đọc “Về Kinh Bắc” – và không chỉ “Về Kinh Bắc”, mà còn là những kịch thơ “Kiều Loan” và “Trương Chi”, là trường ca “Tiếng hát quan họ”, là truyện thơ “Men đá vàng”… – qua diễn giải Kinh Bắc của Hoàng Cầm, người ta có thể dựng lên trong hình dung của mình về một Kinh Bắc mờ mờ trong sự đan quyện giữa huyền thoại và lịch sử, một Kinh Bắc vừa thâm trầm cổ kính vừa lả lơi tình tứ, một Kinh Bắc của những câu hát quan họ quyến luyến níu giữ hồn người, một Kinh Bắc của những hội hè đình đám miên man suốt mấy tháng xuân, một Kinh Bắc của những người con gái đẹp mặn mà và những khối tình uất kết chỉ chực chờ để bung tỏa. Đọc “Kỳ nhân làng Ngọc”, người ta không hình dung được nhiều đến thế. Bởi lẽ, dường như mối bận tâm lớn nhất của Trần Thanh Cảnh trong cái viết Kinh Bắc – qua những câu chuyện xảy ra ở làng Ngọc – chỉ là nhận diện và khám phá, theo cách của riêng ông, cái đặc tính nổi bật nhất, sâu gốc bền rễ nhất của đất và người Kinh Bắc. Đặc tính ấy, có thể nói một cách ngắn gọn, là đa tình và phóng dục. “Kỳ nhân làng Ngọc” gồm mười bốn truyện ngắn, không truyện nào không nói đến yêu đương nam nữ và cái sự “làm việc yêu” của con người. Ngay ở truyện đầu tiên của tập, “Hội làng”, Trần Thanh Cảnh đã đưa người đọc vào một không gian lễ hội còn bảo lưu rất đậm những thực hành của tín ngưỡng phồn thực: “Làng có lệ, đêm hội làng làm lễ trút xiêm y cho bà, mở khán lấy sinh thực khí, hai trai chưa vợ cầm chắc trong tay, theo nhịp hô của cụ từ: “Tình xòe tình phập, tình xòe tình phập”. Mỗi lần “phập” lại đưa sinh thực khí vào nường bà. Cứ thế ba lần, sau đó tắt đèn đuốc tháo khoán. Nam nữ, trai gái tha hồ mò mẫm tình tự đến sáng thì thôi”. Đoạn văn trên hoàn toàn là những mô tả khách quan, tuyệt đối không có lời đánh giá hay thái độ tình cảm của người kể chuyện xen vào. Nhưng nó là sự chuẩn bị cần thiết để sau đó hai trang sách sẽ có một đoạn văn, theo nghĩa nào đó, ánh xạ phát hiện của người kể chuyện về cái “nết đất” của làng Ngọc: “Cụ từ vừa hô: “Tắt đăng!”. Màn đêm đặc quánh, nồng ẩm, thơm nức hương xuân chợt trùm xuống như vừa có cái chăn khổng lồ trùm lên cả làng Ngọc. Tiếng chân người chạy cuống quýt. Tiếng gọi nhau âu yếm của bạn tình. Tiếng gắt yêu của những bàn tay nhầm chỗ… Rồi dần dần những âm thanh rạo rực huê tình tản ra khắp xóm ngõ, đầu sông, bến bãi”. Và không phải chỉ trong thời gian làng vào hội – tức “thời gian mạnh”, theo cách nói của nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo người Rumani Mircea Eliade – mà ngay trong những khoảng thời gian của đời sống thường nhật, “thời gian phàm”, thì người làng Ngọc vẫn trình ra hình ảnh của một kiểu sinh hoạt hồn nhiên đến mức phóng túng. Ở truyện ngắn được lấy tên chung cho cả tập, “Kỳ nhân làng Ngọc”, có đoạn mô tả: “Dân làng Ngọc từ xưa đến nay, già trẻ nam nữ thường hay ra tắm trần ngoài đầm. Trên cầu ao, các cô thôn nữ hồn nhiên cởi trần dội nước ào ào và kỳ cọ bộ ngực trinh nữ rắn chắc hồng hào. Ở bên cầu ao chỗ khác, mấy ông già làng thì lại điềm nhiên khỏa thân tắm gội, chim cò để thỗn thện cứ như cuộc đời này chả còn gì quan tâm”. Sống một đời sống hồn nhiên như thể không cần phải để ý đến bất cứ một ràng buộc hình thức nào trong những nguyên tắc lễ giáo, sự đa tình và phóng dục của người làng Ngọc hình thành như kết quả tất yếu của cuộc chuyển dịch từ “nết đất” vào “tính người”.
Nết đất, tính người. Và xét cho cùng, đặc tính đa tình và phóng dục của đất và người làng Ngọc chính là hiện thể cho một “cái sống” ngồn ngộn phong nhiêu, một sức sống mạnh mẽ, căng tràn, sôi sục, tựa như dòng nham thạch mà khi đã tuôn trào thì không gì có thể ngăn được nó. Chạm vào dòng mạch ấy, cái viết Kinh Bắc của Trần Thanh Cảnh đã đẻ ra một số nhân vật khá ấn tượng. Nhân vật Bình trong truyện “Kỳ nhân làng Ngọc” – một Alexis Zorba của văn chương Việt Nam, có thể nói vậy - là một ví dụ. Bình sống, từ trẻ đến già, như làm một cuộc rong chơi giữa cuộc đời, thích thì làm bằng được, không thích thì bỏ ngay tắp lự, không chấp nhận bất cứ sự lệ thuộc gò bó nào. Bình phóng túng trong quan hệ nam nữ là vì thế. Bình bỏ phắt đơn vị khi đang đường đường là tấm gương chiến đấu diệt Mỹ điển hình được tuyên dương trước toàn quân, cũng là vì thế. Về quê, Bình sống tự do, ngất ngưởng, “không giấy tờ, không hộ khẩu, không ruộng đất, không là xã viên hợp tác xã”, bảy mươi tuổi mà vẫn “có thể uống rượu cả ngày, từ sáng tới đêm rồi lại từ đêm tới sáng”, lúc say rượu “cứ bơi sông ùm ùm hàng ngày, hè cũng như đông, mãi không thấy chết đuối”. Nhưng “kỳ” nhất vẫn là sự kiện Bình dọn về ở với đứa con gái (nay đã thành bà) từng khiến ông bị tố cáo hiếp dâm năm nào. Một câu bình luận nơi quán xá của bọn trẻ trong làng bật ra, tếu táo, ngỗ ngược, nhưng cho thấy được “cái sống” của nhân vật này: “Đôi ấy già mà yêu nhau phê lắm nhé, rên cứ ồ ồ như trâu rống”. Một ví dụ khác, là nhân vật Hàn Xuân trong truyện “Giỗ hậu”. Không những sở hữu một nhan sắc quyến rũ đến mê hồn, Hàn Xuân còn được mô tả như một người đàn bà khát sống, khát yêu, một núi lửa luôn trong trạng thái chực chờ để được bùng lên dữ dội và thăng hoa ngây ngất trong cơn cuồng khấu yêu đương. Đàn ông mê mẩn tâm thần trước Hàn Xuân. Nhưng tất cả những người đàn ông đến được với nàng đều phải chịu kết cục bi thảm: hai ông chồng trước (người Việt Nam) bị chết vì thượng mã phong; ông thứ ba (Tây thực dân) bị hội kín ở thượng du Bắc Kỳ phục kích, ông may mắn thoát chết, nhưng lại chịu một mũi lao phóng thẳng vào hạ bộ, xén dương vật tới tận gốc, “đốc tờ Tây chịu chết, không làm gì được”. Bản thân Hàn Xuân cuối cùng cũng chết vì chính sắc đẹp của mình: nàng cắn lưỡi tự tử để cự tuyệt sự cưỡng đoạt của một tên tá điền thuộc loại vô sản lưu manh. Ở nhân vật này có sự lặp lại chủ đề “hồng nhan đa truân” vốn khá phổ biến trong văn chương Việt Nam, nhưng mặt khác, đó chính là sự khuếch đại năng lượng yêu đương, khuếch đại cái “chất” đa tình và phóng dục đã trở thành đặc tính nổi bật của người làng Ngọc.
“Giỗ hậu”, “Kỳ nhân làng Ngọc” – và cả “Hoa gạo tháng ba” hay “Hương đêm” nữa – là những truyện mà trong đó thời gian của chuyện kể được đẩy lùi về khá xa. Còn lại trong tập, là những truyện của/ về thời hiện tại tiếp diễn. Đọc chúng, không khó để ta có thể bắt gặp những dư ảnh hay tiếng đồng vọng của những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội ngày hôm nay. Ở truyện “Ngay trong đêm” là tệ nạn cờ bạc. Ở truyện “Có trời” là thói nhận hối lộ nơi công đường. Ở truyện “Sếp tổng” là cung cách làm ăn dối trá cốt để móc tiền của các doanh nghiệp nhà nước. Ở truyện “Ngôi biệt thự bỏ hoang” là đủ thứ trò vè đầy nhếch nhác ám muội của ngành giáo dục. Ở truyện “Giấc mơ” là cái thực tế sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường… Có thể nói, làng Ngọc/ Kinh Bắc của Trần Thanh Cảnh đang phải chứng kiến, thậm chí đang phải hứng chịu nhiều tác động dữ dội theo hướng tiêu cực. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, trong tất cả các truyện ngắn của ông – luôn được kể từ ngôi thứ ba số ít, từ điểm nhìn của một người kể chuyện vắng mặt và toàn tri - làng Ngọc vẫn luôn dư thừa sự đa tình và phóng dục, những phẩm chất cốt yếu làm nên “cái sống” nổi bật và bền vững của nó. Lẽ dĩ nhiên, một vài người đọc Kinh Bắc nghiêm trang đạo mạo nào đó có thể không thích, không chấp nhận điều này. Nhưng xin đừng quên rằng “Kỳ nhân làng Ngọc” của Trần Thanh Cảnh không phải một công trình nghiên cứu tâm lý xã hội học địa phương, mà nó là tác phẩm văn chương; nó không đóng khung trong sự phản ánh, mà nó là hư cấu. Nói tóm lại, “Kỳ nhân làng Ngọc” là một diễn giải Kinh Bắc theo cách của Trần Thanh Cảnh, là cái viết Kinh Bắc của chỉ riêng ông mà thôi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn