Dòng sách best seller của Dan Brown

09:21 CH @ Chủ Nhật - 27 Tháng Bảy, 2008

Thiên thần và ác quỷ (tiếng Anh: Angels and Demons) và Mật mã Da Vinci (tiếng Anh: The Da Vinci Code) là 2 tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới thể loại khoa học giả tưởng kết hợp trinh thám, giật gân và âm mưu đen tối của tác giả người Mỹ Dan Brown.

Brown tốt nghiệp Trường Cao đẳng Amherst với hai tấm bằng Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha vào năm 1986, sau đó chân ướt chân ráo bước vào nghề soạn nhạc. Năm 1993, Dan Brown phát hành CD mang tên mình với nhiều ca khúc.

Năm 1994, trong khi đi nghỉ tại Tahiti ông đọc tiểu thuyết Âm mưu ngày tận thế (The Doomsday Conspiracy) của Sidney Sheldonvà quyết định mình sẽ viết một tiểu thuyết hay hơn về đề tài này. Đến nay, nhà văn Nelson Demile đã nhận xét: "Có một điều không thể chối cãi: Dan Brown là cây bút giỏi nhất, thông minh nhất và hoàn hảo nhất trên toàn nước Mỹ".

Năm 1996, chuyên tâm vào nghề viết văn và năm 1998 ông cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay Pháo đài số (Digital Fortress). Sau đó, Dan Brown dành thời gian viết bộ Tam phẩm (trilogy) - cùng nhân vật Robert Langdon với 3 cuộc phiêu lưu đầy kịch tính, đầy mạo hiểm, trí tuệ và mang màu sắc trinh thám, tôn giáo. Bộ Tam phẩm bắt đầu với quyển Thiên thần và Ác quỷ(Angels and Demons), Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) và sẽ kết thúc bằng Chìa khóa Solomon dự kiến sẽ được phát hành cuối năm 2008.

Bằng tài nghệ điêu luyện, xây dựng cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn cùng với các đoạn miêu tả tâm lý nhân vật rất sắc sảo, Dan Brown đã tạo cho độc giả những cảm xúc phức tạp: hồi hộp, háo hức, căng thẳng, khiếp sợ... Ngập trong những thủ đoạn tàn độc, lý giải siêu việt mỗi chương của 2 cuốn sách đều vẽ nên một nút thắt mới. Dan Brown quả thực là bậc thầy trong việc thu hút người đọc bởi hàng loạt kiến thức uyên bác về tôn giáo, chính trị, nghệ thuật, kiến trúc và cả những lĩnh vực công nghệ cao. Cả 2 tiểu thuyết đều đã và đang được Hollywood chuyển thể thành phim. Tác phẩm sách và phim đều đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc tranh luận trên thế giới và tạo nên những phản ứng nhiều chiều trong cộng đồng Thiên chúa giáo.

Tác giả Dan Brown đã xây dựng nhân vật Robert Langdon là giáo sư Trường đại học Harvard chuyên ngành Ký tượng Tôn giáo. Giáo sư có hiểu biết uyên thâm về lịch sử, nghệ thuật, biểu tượng học, mật mã, những tổ chức tôn giáo bí mật và vùng ranh giới giữa thiện và ác.

Tiểu thuyết Thiên thần và ác quỷ kể về cuộc hành trình định mệnh của nhà biểu tượng học Robert Langdon đến tòa thánh Vatincan.

Chuyện bắt đầu bằng việc một nhà khoa học tên tuổi của CERN Leonardo Vetra bị sát hại dã man, Robert Langdon, đã được mời đến hiện trường để xác nhận biểu tượng đầy bí hiểm mà hung thủ đã khắc lên ngực của nạn nhân. Langdon đã đi đến kết luận thủ phạm là Illuminati, một hội kín của các nhà khoa học vốn đã ngừng hoạt động từ gần bốn trăm năm nay, hiện tại đang sống lại để tiếp tục báo thù nhà thờ Thiên Chúa giáo, kẻ thù truyền kiếp của họ. Giáo hội và hội kín đã từng chiến đấu dai dẳng xuyên suốt hàng ngàn năm qua. Thế rồi đến thế kỉ XXI, hội kín ấy bất ngờ lộ diện trong dáng hình quỷ dữ.

Phản vật chất - kết quả công trình nghiên cứu của cha con Vetra tại CERN bỗng chốc trở thành một quả bom có sức công phá kinh khủng đe dọa thành phố Roma cũng như giáo hội Vatincan trong đêm Mật nghị Hồng y.

Kẻ giết người được sự điều khiển của kẻ giấu mặt mang tên Janus đã bắt cóc bốn vị hồng y là ứng cử viên cho chức giáo hoàng. Robert Langdon và Vittoria Vetra phải chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn Kẻ giết người hành quyết 4 vị Hồng y và ngăn chặn quả bom phản vật chất phát nổ.

Trên con đường truy đuổi Kẻ giết người, Robert Langdon và Vittoria phải giải được mật mã để đi tìm được “Con đường ánh sáng” - những địa điểm mà Kẻ giết người hành quyết. Nhưng tất cả đều thất bại khi cả 4 vị hồng y lần lượt bị giết hại một cách dã man đồng thời để lại các dấu hiệu: Đất, Khí, LửaNước - tất cả đều là những yếu tố quan trọng của hội “Illuminati”. Cuộc truy đuổi càng trở nên hấp dẫn khi Kẻ giết người bắt cóc Vittoria và định chiếm cô làm “chiến lợi phẩm”. Cuối cùng kẻ sát nhân đã chết sau một vụ vật lộn với Robert Langdon và Vittoria.

Nhưng sự thật dần dần được sáng tỏ khi Kohler - giám đốc của phòng thí nghiệm CERN xuất hiện và muốn gặp riêng giáo chủ Thị thần - Giáo chủ thị thần, người thân cận với giáo hoàng. Khi mọi người đến nơi là cảnh Giáo chủ thị thần đang bị đóng dấu bằng sắt nung trên ngực và Kohler chĩa súng về phía giáo chủ. Ngay lập tức đội cận vệ Thụy Sĩ đã xả súng bắn chết Kohler. Tiếp đó là một loạt các tình tiết bất ngờ khi giáo chủ thị thần nói rằng đã nghe được tiếng nói của Chúa và giải cứu Roma bằng cách đem quả bom phản vật chất nổ trên không trung. Người duy nhất leo lên máy bay để bảo vệ Roma khỏi quả bom là Robert Langdon. Và cuối cùng sự thật về Camerlengo Ventresca đã được hé lộ hết sức bất ngờ, kịch tính...

Tiểu thuyếtMật mã Da Vinci kể về một vụ giết người bí ẩn. Người quản lý của Bảo tàng Louvre bị sát hại trong đêm khuya trong một phòng tranh gần nơi trưng bày những kiệt tác thời Phục hưng. Một cú điện thoại lập tức báo tin này đến Robert Langdon đang có chuyến công tác ở Paris. Bên xác chết của người quản lý, cảnh sát tìm được một bản mật mã bị giấy khóa mã và Langdon được mời đến giải mã. Song, lý do thực sự là bởi ông ta bị nghi là thủ phạm sát nhân. Viên quản lý trước khi chết đã kịp ghi một dòng lời dặn khó hiểu, trong đó có tên Robert Langdon. Nhưng cô cháu gái của viên quản lý, cô Sophie Neveu là một chuyên gia người Pháp về giải mã đã phát hiện ra ý nghĩa thực của lời dặn này mà viên thanh tra xóa đi trước khi mời Langdon đến hiện trường. Sophie bí mật báo cho Langdon biết, rồi hai người hợp sức trong cuộc truy tìm mật mã bí ẩn đồng thời tìm kẻ chủ mưu giấu mặt của vụ giết người. Sophie biết người ông quá cố của cô - viên quản lý của Bảo tàng Louvre là một hội viên bí mật của Hội Thầy Cả Do Thái. Hội này có những thành viên cực kỳ nổi tiếng như Sir Isaac Newton - nhà vật lý vĩ đại, danh họa Italy Botticell, danh họa Leonardo da Vinci, văn hào Pháp Victor Hugo... Bản thân sự tồn tại và hoạt động của Hội này đã đầy bí ẩn và được xem như một trong những tác nhân của lịch sử Tây phương. Viên quản lý Bảo tàng Louvre đã cống hiến cả đời mình để bảo vệ một trong những sự thật bí mật nhất mà Hội Thầy Cả Do Thái nắm giữ: đó là nơi tàng trữ một thánh tích tối quan trọng của lịch sử Thiên Chúa giáo, đã bị che giấu suốt hàng thế kỷ qua. Nếu Sophie và Langdon không giải mã cái câu đối bí hiểm rối rắm mà viên quản lý để lại, mà phải giải kịp thời đúng lúc, thì điều bí mật kia sẽ vĩnh viễn mất đi. Đó là bí mật về chiếc Chén Thánh - nếu được công bố tất yếu sẽ làm đảo lộn tòa nhà văn minh phương Tây gắn với truyền thống Kitô.

Mật mã Da Vinci tuyên bố rằng nó đưa vào câu chuyện hư cấu này những sự thực lịch sử, những mô tả chính xác về những kiệt tác nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây: thân thế của danh họa Italy thời Phục Hưng Leonardo da Vinci, nhân vật huyền thoại trong Kinh Thánh tân Ước - bà thánh Mary Magdalene, các tổ chức nổi tiếng như Opus Dei (tức tu hội Công trình của Thiên Chúa), Priory of Sion (tức Hội Thầy Cả Do Thái), Knights Templat (tổ chức Hiệp sĩ Đền Thờ), các kiệt tác hội họa bức La Gioconda (hay Mona Lisa), bức Bữa tiệc ly (The Last Supper), bức Đức Trinh nữ bên Tảng đá (The Virgin of the Rocks)... đều là tác phẩm của Leonardo.

Sức lôi cuốn của câu chuyện và cuốn tiểu thuyết này, ngoài cốt truyện trinh thám ly kỳ hồi hộp được thêu dệt một cách siêu hạng, bất ngờ cho đến trang cuối cùng, chính là nằm ở những nghi vấn lịch sử - tôn giáo - chính trị mà cuốn sách khơi lên. Đó là bản chất thực của Chén Thánh, tương truyền là cái chén đã hứng những giọt máu của Jesu Kitô khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá ở Núi Sọ, bên ngoài thành cổ Jerusalem vào ngày Thứ Sáu, Tuần Thánh năm 33 sau CN.

Bí mật này thuộc về một giai thoại đụng tới phần cốt lõi của truyền thống Thiên Chúa giáo: đó là truyền thuyết kể rằng Jesu Kitô đã lấy Mary Magdalene và đã để lại dòng dõi trước khi về Trời. Và, kinh động hơn, các bậc quyền thế của giáo hội, sau đó đã hủy diệt dòng dõi này. Như vậy, Chén Thánh đích thực là thánh nữ Mary Magdalene và dòng dõi của Chúa Cứu thế (nghĩa của chữ Kitô) có lẽ vẫn còn tồn tại khiếm diện trong cõi trần gian này.

Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Brown có nhan đề là Chìa khóa của Solomon. Có thể coi đây là phần tiếp theo trực tiếp của cuốn Da Vinci Code (bắt đầu từ đoạn kết cuốn Da Vinci Code).

Mặc dù chưa ra mắt chính thức nhưng đã có vài cuốn sách “bật mí” những bí ẩn trong cuốn tiểu thuyết thứ 3 này như cuốn Secrets of the Widow’s Son (David A. Shugars), The Solomon Key and Beyond – Unauthorized Dan Brown Update (Frederick Zimmerman) và The guide to Dan Brown's: The Solomon Key (của Greg Taylor).

Nhân vật giáo sư Robert Langdon sẽ tiếp tục điều tra những chuyện thâm cung bí sử ở Washington liên quan đến CIA và Hội Tam Điểm (Franc-maconnerie) Pháp mà những thành viên có công xây dựng phần lớn nhà cửa và đền đài ở Washington. Đặc biệt là cuộc truy tìm một kho báu chôn giấu ở ngay tại thủ đô - một khu vực có tên là Rosselyn và còn có liên quan đến hội "Những cha đẻ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ” (tổ chức FFA - Founding Fathers of America).


Dan Brown viết văn vì đọc sách của Sydney Sheldon(theo evan.com.vn)

Tác giả của những quả bom tấn như "Mật mã Da Vinci", "Thiên thần và Ác quỷ"... tâm sự, ông nảy ra ý định sáng tác khi tình cờ nhận thấy, mình cũng viết được những truyện kiểu Sydney Sheldon. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà văn.

Ông sẽ miêu tả về "Mật mã Da Vinci" như thế nào cho những người chưa từng đọc tác phẩm nào trước đây của ông?

- The Da Vinci Code là câu chuyện về giáo sư biểu tượng học lừng danh Robert Langdon, người được mời đến bảo tàng Louvre nhằm giải mã một chuỗi biểu tượng bí ẩn liên quan đến tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci. Trong quá trình nghiên cứu, anh phát hiện ra chìa khóa dẫn tới bí mật lớn nhất mọi thời đại. Do đó, anh trở thành kẻ bị săn đuổi. Một trong rất nhiều đặc điểm khiến Mật mã Da Vinci trở nên độc đáo là ở tính chất có thực của câu chuyện. Tất cả các chi tiết lịch sử, tác phẩm nghệ thuật và nghi thức bí mật trong cuốn tiểu thuyết đều được miêu tả chính xác.

- Tác phẩm tiếp theo của ông sẽ lại là một cuốn sách về Robert Langdon?

- Chắc chắn. Tôi định xây dựng Robert Langdon là nhân vật chính trong tác phẩm của tôi trong nhiều năm tới. Sự tinh thông của anh trong lĩnh vực biểu tượng đủ để anh "xài" trong những chuyến phiêu lưu vô tận. Hiện tại, tôi đã có phác thảo cho hơn 10 cốt truyện trinh thám về Robert Langdon diễn ra ở những địa danh bí ẩn trên khắp thế giới.

Tôi cũng đang triển khai một cuốn trong số đó - phần tiếp theo Mật mã Da Vinnci. Lần đầu tiên, Langdon sẽ dấn thân vào khám phá một bí ẩn diễn ra trên đất Mỹ. Cuốn tiểu thuyết mới này khám phá lịch sử ẩn giấu ngay tại thủ đô chúng ta.

- Trong quá trình sưu tập tài liệu cho cuốn "Mật mã Da Vinci", điều gì khiến ông cảm thấy hứng thú nhất?

- Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là khi tôi nhận ra rằng, một trong những bí mật lớn nhất của lịch sử gần như lại không bí mật như chúng ta nghĩ. Manh mối để tiếp cận với sự thật ở ngay cạnh chúng ta... trong nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, huyền thoại và lịch sử. Nói như Robert Langdon là "Dấu vết ở khắp nơi".

- Nếu độc giả muốn tìm hiểu về Hội tam điểm, ông khuyên họ nên đọc những cuốn sách gì?

- Có quá nhiều sách về Hội tam điểm nên thật khó mà quyết định nên bắt đầu từ đâu. Là người nghiên cứu sâu về tổ chức này (qua sách vở và cả việc phỏng vấn với các hội viên), tôi chỉ xin lưu ý rằng, có một số lượng lớn sách viết không chính xác. Để có những thông tin xác thực, bạn chỉ nên đọc những đầu sách do các hội viên Hội tam điểm viết.

- Bây giờ ông đang đọc gì?

- Nghe hơi lạ, nhưng quả thực tôi rất ít đọc tiểu thuyết. Vì tác phẩm của tôi đòi hỏi phải đổ công sức nghiên cứu tài liệu rất nhiều, nên hầu như tôi chỉ đọc sách về lịch sử, tiểu sử, sách dịch và các văn bản cổ. Những nhà văn truyền cảm hứng cho tôi gồm có Robert Ludlum bởi khả năng xây dựng những cốt truyện phức tạp; John Steinbeck bởi nghệ thuật miêu tả và William Shakespeare bởi lối chơi chữ.

- Cuốn sách nào có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời ông?

- Cho tới khi tốt nghiệp đại học, tôi hầu như không đọc một cuốn tiểu thuyết thương mại hiện đại nào (chỉ tập trung vào những tác phẩm kinh điển được giới thiệu trong trường học). Năm 1994, trong thời gian đi nghỉ ở Tahiti, tôi "nhặt" được cuốn sách cũ - Doomsday Conspiracy (Âm mưu ngày tận thế) của Sydney Sheldon - trên bãi biển. Tôi đọc hết trang thứ nhất, sang trang thứ hai, trang thứ ba... rồi cứ thế... Vài tiếng sau, tôi đọc xong và nghĩ: mình cũng có thể viết được như vậy. Khi trở về nhà, tôi bắt đầu bắt tay vào viết cuốn sách đầu tiên. Digital Fortress (Pháo đài số) được xuất bản năm 1996.

Những đầu sách của Dan Brown. Ảnh: msnbc.

- Xin hãy kể tên 10 cuốn sách ông yêu thích nhất và nêu lý do?

- Of Mice and Men (Của chuột và người - John Steinbeck): Giản dị, hồi hộp và chua xót. Hơn thế, đoạn văn đầu tiên của mỗi chương luôn thể hiện nghệ thuật miêu tả bậc thày.

Gödel, Escher, Bach (Douglas Hofstadter): 3% mà tôi thực sự hiểu được từ cuốn sách là những điều thực sự thú vị.

Kane and Abel (Hai số phận - Jeffrey Archer): Tôi ngạc nhiên về tài năng của Archer trong việc sử dụng một tích cũ mà không làm mất tính hiện tại trong trần thuật. Đây là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về sự kình địch giữa anh em ruột thịt.

Plum Island (Đảo Plum - Nelson DeMille): DeMille vẫn là bậc thày về nghệ thuật châm biếm và khả năng kiểm soát điểm nhìn.

Loạt truyện The Bourne Identity (Ludlum): Những tác phẩm của Ludlum đầy sự phức tạp, đau khổ, nhưng vẫn giữ được nhịp độ phát triển rất nhanh.

Much Ado About Nothing (Ầm ĩ vì chuyện không đâu - William Shakespeare): Tôi chỉ hiểu đầy đủ tính hài hước của vở kịch này cho tới khi tôi trở thành giáo viên tiếng Anh và phải trực tiếp giảng dạy nó. Không ở đâu có những đối thoại hóm hỉnh như thế.

Wordplay: Ambigrams and Reflections on the Art of Ambigrams (John Langdon): John Langdon là một trong những thiên tài đích thực. Cuốn sách của ông đã thay đổi cách nhìn của tôi về tính cân xứng, biểu tượng và nghệ thuật.

Codes Ciphers & Other Cryptic & Clandestine Communication (Fred Wrixon): Một bộ sách bách khoa về nghệ thuật, khoa học, lịch sử, triết học và mật mã.

The Puzzle Palace (James Bamford): Mặc dù đã hơi lỗi thời nhưng cuốn sách này vẫn có sức mê đắm lòng người.

The Elements of Style (William Strunk và E.B. White): Bởi không ai có thể nhớ hết được các quy tắc ngữ pháp cũng như các sử dụng dấu chấm câu.

- Thế đâu là những bộ phim ông yêu thích?

- Những tác phẩm điện ảnh tôi thích là Fantasia, Life is Beautiful, Annie Hall và Romeo and Juliet của Zeffirelli. Tất nhiên, nếu nói về phim giải trí thuần túy thì có thể kể đến Indiana Jones hoặc loạt phim Pink Panther.

Pháo đài số- cuộc truy sát nhân tính của công nghệ cao?
(Quang Minh, VietnamNet)

Dan Brown sử dụng thành thạo hệ ngôn ngữ biểu tượng trong hầu hết các tác phẩm của ông. Những biểu tượng có hấp lực lôi cuốn độc giả bởi tính không rõ ràng và đầy bí ẩn. Chính những biểu tượng đã tạo nên không khí nhuốm màu thần bí trong một thế giới công nghệ cao đang tràn khắp thế giới.

Độc giả Việt Nam hẳn không còn lạ với cái tên Dan Brown, tác giả cuốn Mật mã Da Vinci đã được chuyển thể thành phim hốt bạc và những nhà phê bình điện ảnh Mỹ đang lên tiếng chỉ trích phim này không tiếc lời chỉ vì họ quá yêu tác phẩm văn học của Dan Brown!

Pháo đài số là tác phẩm đầu tay của Dan Brown và nó đã chinh phục được độc giả của trên 40 nước bởi một lẽ giản dị: nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn mang tính giải trí cao. Cái tài của Dan Brown trong Pháo đài số là thông qua những tình huống phức tạp, tốc độ tư duy nhanh giống như phim hành động Mỹ, ông đã cố gắng tiếp cận những vấn đề tự do cá nhân của thời đại số hoá: Con người sẽ ra sao nếu tất cả mọi hành vi sống đều bị kiểm soát? Tương lai của nhân loại sẽ rất ảm đạm và nhanh chóng đi đến kết cục huỷ diệt nếu không còn gì được coi là riêng tư, bí ẩn nữa.

Về thực chất, quan điểm nhân học này không có gì mới. Trong các tác phẩm bi kịch Hy Lạp cổ đại người ta đã nêu vấn đề thuộc phạm trù đạo đức: Nhân danh lợi ích quốc gia để hy sinh mạng sống cá nhân, tiêu diệt nhân tính cá thể có được coi là hợp lẽ không? Ngay từ thời cổ đại, câu trả lời đã là "không", mặc dù nó không thuyết phục được đám đông cũng như những nhà lập pháp.

Dan Brown sử dụng thành thạo hệ ngôn ngữ biểu tượng trong hầu hết các tác phẩm của ông. Những biểu tượng có hấp lực lôi cuốn độc giả bởi tính không rõ ràng và đầy bí ẩn. Chính những biểu tượng đã tạo nên không khí nhuốm màu thần bí trong một thế giới công nghệ cao đang tràn khắp thế giới.

Giống như Mật mã Dan Vinci, Pháo đài số được mở đầu bằng cái chết của Ensei Tankado, một trí tuệ siêu phàm trong lĩnh vực lập trình và giải mã. Ensei Tankado đã phát thệ trung thành với nền kỹ thuật số nhưng ảo tưởng về một tương lai tốt đẹp của thế giới kỹ trị đã tan theo mây khói khi anh ta phát hiện ra tất cả các bộ não ưu tú đều bị NSA lợi dụng để nhằm kiểm soát chặt email của tất cả mọi người:

" Bộ phận do thám toàn cầu của NSA - nơi tập trung một con số không thể tưởng tượng nỏi các trạm thu thập thông tin về đối tượng, các vệ tinh, các điệp viên và các điểm nghe lén điện thoại có mặt khắp nơi trên thế giới. Hàng ngày có hàng nghìn tài liệu chính thức của các cơ quan và các cuộc đàm thoại bị thu trộm. Toàn bộ chúng được chuyển tới các các chuyên gia NSA giải mã. FBI, CIA và cả các cố vấn chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đều dựa rất nhiều vào hoạt động tình báo của NSA để đưa ra quyết định của mình." Điều này được "sếp" của anh ta, ngài Strathmore giải thích giống như bạo chúa thời cổ đại: " dân chúng cần một ai đó đứng ra bảo vệ họ; dân chúng NSA bẻ khoá mật mã nhằm duy trì hoà bình...".

Mạch truyện xoay quanh số phận bấp bênh của hai nhân vật chính: Susan Fletcher, chuyên gia giải mã số 1 và David Becker, giảng viên đại học. Sống và tin theo nguyên lý Bergofsky: không có mã khoá nào không giải được, Susan Fletcher đã không thể giải mã được chính bản thân mình và những người xung quanh giống như cố máy giải mã tối tân nhất không thể giải mã được Pháo đài số. Bằng trí tuệ cá nhân, Tankado đã tạo ra Pháo đài số, một bí ẩn mà cỗ máy giải mã hiện đại nhất cũng không thể bẻ khoá được cũng tựa như lời tuyên bố, con người là một bí ẩn không thể giãi mã và không nên giải mã để chi phối nó nhân danh quyền lợi quốc gia, dân tộc.

Chìa khoá Pháo đài số bị thất lạc do cái chết của Ensei Tankado, nguy cơ không kiểm soát được hành vi cá nhân trong xã hội đe doạ sự tồn vong của những kẻ nắm quyền lực cao nhất trong xã hội. Cả một bộ máy khổng lồ NSA vào cuộc nhằm truy tìm chiếc nhẫn khắc mã khoá Pháo đài số và rất nhiều con người vô tội, vô hại đã bị giết chết: những cuộc truy đuổi đầy bất ngờ, những cái chết phi lý rải dọc con đường truy tìm mật mã trên khắp thế giới rất giống phim hành động Mỹ!

Trong các lời khen ngợi Pháo đài số, MacDonnell Ulsch, Giám đốc điều hành Viện An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ có lý hơn cả: “Còn nhiều bí mật tình báo hơn cả Tom Clancy... Pháo đài số gần với thực tế hơn bất cứ sự tưởng tượng nào của chúng ta”.

Điểm Dối Lừa(Deception Point)

Điểm dối lừa là tiểu thuyết khoa học giả tưởng do nhà văn Mỹ Dan Brown sáng tác vào năm 2001. Điểm dối lừa" là câu chuyện thám hiểm của các nhà du hành vũ trụ " Khi vệ tinh của họ phát hiện một vật thể lạ bị chôn vùi trong lòng băng hà Bắc cực, Nasa lập tức tận dụng cơ hội này để đưa ra tuyên bố về một kỳ tích - kỳ tích ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách quốc gia đối với Cơ quan vũ trụ cũng như đối với kỳ bầu cử tổng thống đang đến gần. Nhà trắng mời chuyên gia phân tích tin tình báo Rachel Sexton đến tận nơi để xác minh sự thật về sự phát kiến đó. Cùng một nhóm các nhà khoa học, trong đó có nhà Hải dương học rất uy tín Michael Tolland, Cô đã lên tận bắc cực và họ đã phát hiện ra một âm mưu đầy gian dối - một mưu đồ có thể gây ảnh hưởng đến cả thế giới. Chưa kịp báo cho tổng thống biết thì Rachel và các nhà khoa học bị một nhóm sát thủ tấn công. Trên vùng địa cực chết chóc và tăm tối, cả nhóm tìm mọi cách để vạch mặt kẻ chủ mưu, vì đó là điều kiện tiên quyết để bảo vệ mạng sống của họ. Và rồi sự thật kinh hoàn về âm mưu dối trá đã được hé lộ!".

Với một tác phẩm kinh dị kiệt xuất, một câu chuyện rất gần với đời thực, tình tiết dồn dập đến chóng mặt, bối cảnh hết sức thuyết phục và sự đang cài khéo léo những nhân vật thiện và ác, những âm mưu đen tối, những sự kiện dồn dập văn phong bóng bẩy có thể nói đây là một phát kiến khoa học đầy kinh ngạc, một âm mưu tài trí, một cuốn tiểu thuyết kinh dị có một không hai.

Nhân vật chính của truyện là Rachel Sexton, 1 phụ nữ 35 tuổi, con gái thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton, người đang tranh cử chức vụ tổng thống của hợp chủng quốc Hoa Kì với tổng thống đương nhiệm, Zachary Herney. Rachel Sexton làm việc cho NRO, cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kì dưới quyền giám đốc William Pickering.

Khi vệ tinh của NASA phát hiện 1 vật thể lạ bị chôn vùi trong lòng đại dương Bắc Cực đã cho thăm dò và phát hiện nên 1 sự kiện chấn động cả thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến NASA cùng cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Tổng thống Herney đã cử Rachel với tư cách là chuyên gia phân tích tin tình báo đến để xác minh sự thật phát kiến đó. Tại đây Rachel gặp nhiều nhà khoa học tên tuổi như Corky Marlinson, Waile Ming, Norah Mangor và đặc biệt là nhà hải dương học Michael Tolland. Sự kiện chấn động của NASA là việc họ đã phát hiện ra 1 tảng thiên thạch có chứa hóa thạch 1 loài bọ khổng lồ bên trong, bằng chứng về sự sống tồn tại ngoài trái đất. Nhiều bằng chứng chứng tỏ vật mà NASA tìm được là hóa thạch dựa trên các chondrule, lớp vỏ nóng chảy, thành phần hóa học và con bọ không giống với bất kì loài động vật nào từng tồn tại trên Trái Đất.

Tuy nhiên, phát kiến của NASA bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ. 1 giờ trước khi tổng thống công bố phát kiến của NASA đến toàn thế giới, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tảng thiên thạch đã được đưa từ dưới lớp băng lên chứ không phải nằm yên trong lòng nước như những suy đoán ban đầu của họ. Tuy nhiên ngay sau khi họ phát hiện ra điều này thì đã bị đuổi giết bởi lực lượng Delta, lực lượng đặc biệt của quân đội Hoa Kì. Tiến sĩ Waile Ming và Norah Mangor đã bị giết còn Tolland, Rachel và Corky may mắn thoát chết và được tàu ngầm của Hoa Kì đang hoạt động gần đó cứu sống.

Ngay sau khi được cứu sống, Rachel đã cố gắng liên hệ với tổng thống để ngưng buổi họp báo nhưng đã bị Marjorie Tench, cố vấn cấp cao của tổng thống ngăn chặn. Thất bại, Rachel liên hệ với sếp của mình, William Pickering. Pickering khuyên Rachel và 2 nhà khoa học kia rời bỏ tàu ngầm và cử 1 chiếc máy bay trực thăng G4 đến đưa họ đi Washington. Trên đường đi, Rachel và 2 người bạn của mình 1 lần nữa phát hiện ra thêm những điểm khả nghi của tảng thiên thạch như lớp vỏ bị nóng chảy với nhiệt độ không tưởng thực ra có thể thực hiện nhân tạo bằng một loại động cơ mới của NASA. Rachel ngay lập tức liên hệ với Pickering đề nghị không về Washington nữa mà sẽ đến GAS-AC (sân bay cứu hộ bờ biển Đại Tây Dương) rồi từ đó sẽ đáp máy bay đến tàu Goya, nơi làm việc của Michael Tolland nhưng cô không tiết lộ địa điểm này đến Pickering.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton choáng váng sau buổi họp báo của tổng thống nhưng 1 đối tác làm ăn của ông đã vạch ra cho ông thấy điểm bất hợp lí trong buổi họp báo. Sedgewick Sexton lệnh cho thư kí của mình là Gabrielle đến văn phòng NASA điều tra tiến sĩ Harper về dự án PODS, máy chụp cắt lớp độ đặm đặc địa cực trên quỹ đạo mà theo NASA nhờ dự án này mà họ đã tìm ra tảng thiên thạch trong khi dự án này đã tuyên bố thất bại vài tháng trước nên Sedgewick Sexton cho rằng Harper nói dối trong việc PODS đã tìm ra tảng thiên thạch. Tại đây, Gabrielle đã dụ Harper nói ra sự thật nhưng sau đó cô cũng nhận ra những phi vụ kinh doanh mờ ám của ngài thượng nghị sĩ nên bí mật đến điều tra văn phòng ông.

Trong khi đó, Marjorie Tench trên đường đến tượng đài FDR (Franklin Delano Roosevelt) gặp William Pickering đã bị đội Delta ám sát. Cùng lúc đó, tại tàu Goya, mọi bí mật về tảng thiên thạch đã được vạch trần. Các Chonrdule và thành phần hoá học của tảng đá thực ra là do tảng đá được lấy từ khe vực Mariana và con bọ hóa thạch trên tảng đá là 1 loài đang sống trên Trái Đất. Tuy nhiên ngay lập tức họ lại bị đội Delta sau khi ám sát Marjorie Tench chuyển sang tiếp tục truy sát họ.

Cả Rachel, Tolland và Corky lại tiếp tục lao vào 1 cuộc chiến sinh tồn lần hai. Rachel trong lúc nguy cấp đã gửi fax về cho bố toàn bộ bí mật về tảng thiên thạch. Nhờ mưu trí, họ đã bắt được Delta-Hai và Delta-Ba, 2 thành viên của đội Delta còn Corky chạy thoát thành công vè đất liền cầu cứu. Cuối cùng, kẻ đứng đằng sau điều khiển đội Delta thực hiện những vụ giết người đã lộ mặt, đó là William Pickering vì muốn trả thù cho con gái và cứu NASA. Lại một lần nữa nhờ mưu trí và may mắn, Rachel, Tolland lại chiến thắng nhưng 1 xoáy nước hình thành giữa lòng đại dương lại 1 lần nữa đe doạ tính mạng họ. Khi mọi chuyện tưởng chừng đã kết thúc thì Corky đã kịp nhờ người đến cứu họ còn Pickering bỏ mạng trong vòng xoáy nước.

Tại văn phòng thượng nghị sĩ Sexton, Gabrielle trong khi điều tra máy tính thượng nghị sĩ đã nhận ra bộ mặt thật của ông. Thượng nghị sĩ sau đó cũng có mặt và nhận được bản fax của Rachel gửi về và bản fax của Pickering sau đó đề nghị thượng nghị sĩ không công bố bản fax của Rachel để tránh tính mạng con gái mình bị đe doạ nhưng thượng nghị sĩ đã phớt lờ, kể cả lời can ngăn của Gabrielle và đã tổ chức 1 buổi họp báo để công bố bí mật về tảng thiên thạch. Trong buổi họp báo đó, Rachel đã có mặt để ngăn cha mình lại vì cô biết tổng thống không can dự đến âm mưu của Pickering nhưng thất bại. Tuy vậy đến cuối cùng cô thư kí Gabrielle đã đánh tráo các tài liệu về tảng thiên thạch bằng những tấm ảnh cảnh ái ân giữa cô và thượng nghị sĩ. Sự kiện này cũng đặt đấu chấm hết cho tham vọng trở thành tổng thống của thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton mặc dù sau đó tổng thống Zachary Herney cũng phải công bố cho thế giới sai lầm của NASA.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giải mã “Mật mã DaVinci”

    24/11/2005Đăng ThưHiện tượng Da Vinci Code – Điều gì khiến cuốn tiểu thuyết bestseller này gây sóng gió trên cả văn đàn lẫn xã hội, làm rung động cả nền tảng đức tin, dù đó chỉ là một tiểu thuyết trinh thám, sản phẩm của óc tưởng tượng...

Nội dung khác