Đọc tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt
Sau 3 năm im hơi lặng tiếng kể từ khi đoạt giải Văn học tuổi 20, Phan Việt xuất hiện trở lại với một cuốn tiểu thuyết sẽ bắt độc giả phải đọc từ đầu đến cuối...
Đúng ra, tôi chỉ muốn viết bài giới thiệu tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt đơn giản thế này: Tiếng Người là một truyện rất hay nhưng tôi không thể kể lại nội dung của nó vì nếu làm vậy sẽ mất hết cái hay. Nếu bạn không tin, hãy mua về một cuốn và đọc, tôi đảm bảo bạn sẽ không thất vọng.
Tiếng Người là câu chuyện xoay quanh cặp vợ chồng trí thức Duy và M. Hay đúng hơn là thế này: Truyện Tiếng Người có Duy và M. Họ là vợ chồng. Không gian nơi câu chuyện diễn ra ở cả Việt Nam và Mỹ. Nhưng chắc chắn đây không phải là một câu chuyện tình.
Đã có một khoảng thời gian nào đó họ đã tưởng, hay có vẻ đúng hơn là Duy đã tưởng, rằng họ đã hoàn toàn đủ cho nhau và không cần ai khác nữa.
“…Nhưng M đứng ngay ở đó, nắm tay anh. Thế là đủ. Bởi vì lúc ấy và lúc này, anh biết tất cả công việc, tiền bạc, chức vụ, bạn bè, du lịch, thậm chí cả cha mẹ anh em cộng lại cũng không bằng cái cảm giác biết chắc chắn có một người là M sẽ đi với anh đến cùng trời cuối đấu…”
Cho đến khi xuất hiện một vết nứt đầu tiên trong sự yên ổn đó, dưới hình hài một cô-gái-áo-đỏ. Một lúc nào đó hình ảnh M đột ngột lui vào một chỗ xa tít, thậm chí như biến mất khỏi cuộc đời Duy…
“Ngay lúc này, anh có thể nói anh không yêu M.
- Anh không yêu em – anh có thể nói thế. Và cảm thấy chính xác như thế.
Và anh có thể bỏ ra đi mà không nhớ nhung, tiếc nuối gì cả. Chỉ vào lúc này thôi. Sau đó, buổi sáng mai chẳng hạn, rất có thể anh tiếc nhớ nàng khủng khiếp.”
Bắt đầu từ sự hoài nghi, hoang mang dựa trên một cá nhân cụ thể “ở bên ngoài anh”, Duy dấn thân vào một hành trình tìm kiếm lớn hơn rất nhiều những thứ ở bên ngoài: đó là hành trình bên trong. Là hành trình bên trong nhưng nó đồng thời mở rộng thế giới mà anh nhìn thấy bên ngoài sang những chiều mới và ý nghĩa mới.
Tiếng Người đề cập đến đời sống của một thế hệ thanh niên lớn lên trong thời kì đổi mới, những người đang bước vào lứa tuổi 30 thông qua quan hệ của Duy và M. Họ có thể được xem như hai đại biểu ưu tú của thế hệ: thông minh, hiểu biết, được học hành đầy đủ, thành đạt và có sự tự tin vào chính mình. Bên cạnh câu chuyện về sự rạn vỡ và hàn gắn trong tình cảm vợ chồng, tác giả còn phác họa bối cảnh xã hội Việt Nam những năm gần đây, cuộc sống của những du học sinh ở Mỹ. Những khao khát ngộ nhận trong tình cảm, những cạnh tranh, giằng co trong công việc, tất cả phản ánh cuộc nhận chân đời sống tinh thần của những người trẻ. Tất cả vẫn cho thấy họ cô đơn, dễ đổ vỡ, và cần có một hạnh phúc. Họ trải nghiệm hạnh phúc với niềm vui thú lẫn cay đắng, qua đó họ mới cảm thấy mình thực sự trưởng thành. |
Với riêng tôi, một trong những thứ làm nên sự hấp dẫn của Tiếng Người nằm ở chỗ nó khiến người đọc có cảm giác sống lại chính xác cảm xúc của họ vào những thời điểm thực trong cuộc sống chứ không phải họ đang đọc những dòng mô tả cảm xúc trích ra từ một cuốn sách, dù của tác giả nào.
Nói cách khác, cuốn sách đã làm rất tốt việc tạo dựng lại cuộc sống với tất cả những phức tạp và hấp dẫn của nó.
Nếu bạn thích nghĩ cuộc sống là hành trình tìm lại chính mình trong sự hoang mang và cảm giác bất an thì có lẽ đó đúng là điều cuốn sách này nói đến.
Nếu bạn nghĩ hạnh phúc trong cuộc đời đôi khi là cái khó nắm bắt, và không ai dám chắc nó có phải là cái có thật hay không, thì có thể đó cũng vẫn lại đúng là điều mà cuốn sách này mô tả.
Còn nếu bạn nghĩ cuộc sống là vượt qua chính mình để đến với hạnh phúc thì chắc điều này cũng đúng nốt.
Có thể dùng chính câu đề từ mà Phan Việt chọn cho cuốn sách để tổng kết những điều này: “Những tiếng nói của một con người có thể một đời không bày tỏ hết”. Tiếng Người, thông qua sự quan sát tinh tế và cái nhìn hóm hỉnh, vốn là thế mạnh của tác giả, đã thu và thả những tiếng nói “một đời không bày tỏ hết đó” trở lại không gian tâm tưởng của bạn đọc.
Sau một chút ít lao xao trên các mặt báo vào năm 2005 khi đoạt giải Văn Học Tuổi 20 với tập truyện ngắn Phù Phiếm Truyện, Phan Việt gần như biến mất. Nhưng ngay từ tập truyện ngắn đầu tay đó, người ta đã có cảm giác có thể tin tưởng vào lời tác giả này: “Viết lách sẽ theo tôi cả đời”. Và bây giờ, sau 3 năm, chị trở lại với một tác phẩm sẽ bắt người đọc phải đọc một mạch từ đầu đến cuối, việc mà không nhiều cuốn sách làm được.
Tôi vẫn tin rằng một nhà văn, khi làm tốt công việc của mình, sẽ cho độc giả thấy những hình ảnh khác nhau của thế giới. Thế thì với tôi, Phan Việt đã làm được điều đó.
Lời bạt - Tiếng người
Trong câu cuối cùng của lời tự sự khép lại cuốn Phù phiếm truyện(*), Phan Việt đã viết: “Về viết văn, xin tóm lại hai điều mà tôi cảm thấy chắc chắn nhất: một là văn chương có sức mạnh rất lớn với con người; hai là viết văn đòi hỏi lao động rất trách nhiệm, nghiêm túc và kiên trì”.
Chứng tỏ một cách cụ thể điều thứ hai, trong vòng ba tháng, tác Phan Việt đã lần lượt 5 lần gửi cho tôi bản thảo cuốn Tiếng người này, từ cái tựa đầu tiên Bong bóng, để rồi chỉ chịu dừng lại với cái tựa cuối cùng sau khi đã bấm nút “send” gửi bản “ultimatum” (**) về cho tôi! Cô luôn áy náy sợ làm phiền tôi sau nhiều lần chỉnh sửa, dù tôi không ngừng trấn an cô rằng với nhà văn, viết một tác phẩm như sinh một đứa con, cố gắng làm sao để nó ra đời thật như ý vẫn tốt hơn là sinh phải đứa khuyết tật hoặc sau này phải đưa nó đi… thẩm mỹ viện. Và quả đúng là tôi không thể phiền, vì Tiếng người cứ hay dần lên sau mỗi lần tác giả tự sửa đổi.
Truyện viết về một gia đình trẻ thành đạt, hai vợ chồng cùng đi học ở nước ngoài về. Một tầng lớp thượng lưu, trí thức, với lối sống, lối nghĩ hiện đại, cùng cá tính rất riêng của từng nhân vật. Họ sống với nhau như thế nào; nghĩ và đối xử với công việc và gia đình, xã hội ra sao; xử lý những bí mật riêng của mỗi người theo kiểu gì…, là chuyện riêng của mỗi người (trong truyện này là rất riêng, vì mẫu người như Duy, như M, như Hoàng… hình như chưa được các cây bút trẻ khác đụng tới) nhưng cuối cùng vẫn là để đi tìm hạnh phúc thì người ta phải vượt qua rất nhiều trải nghiệm bản thân, và sau lưng hạnh phúc của mỗi con người quanh ta thật ra là ngổn ngang trăm thứ… “Người phụ nữ áo đỏ” thật ra là rất tầm thường, nhưng lại bất chợt trở thành một ám ảnh lý tưởng, một khát vọng mơ hồ trong đời của một con người dễ dẫn anh ta đến sự ngộ nhận; còn N như một hoài ức êm đềm cứ sống mãi trong ta…
Thật ra tôi đã rất thích cái tựa Bong bóng cùng một chủ đề lẩn khuất: Mọi thứ trên đời đều là… bong bóng, là phù vân, vô thường, vô nghĩa. Nhưng Phan Việt đã gác lại cái tựa đó. Cô muốn người đọc tự chiêm nghiệm về những điều cô muốn nói. Tiếng người không phải là một chuyện kể đơn giản (nó sẽ khó đọc hơn Oxford thương yêu của Dương Thụy) mà có nhiều tầng nấc để suy ngẫm về các giá trị của cuộc sống, có vẻ đáng nể với một cây bút vừa tròn 29 tuổi.
Cũng là hiếm hoi tôi được đọc một tác giả trẻ phân tích tâm lý nhân vật đến nơi đến chốn như Phan Việt. Truyện viết rất chặt, tỉnh táo, mạnh mẽ. Trong lời bạt cuối cuốn Phù Phiếm Truyện, nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương đã đưa ra dự báo về Phan Việt: “Nếu tác giả quyết tâm chọn lựa và theo đuổi con đường văn chương, thì đây sẽ là một trong những nhà văn trẻ tiên báo cho một chiều kích mới của văn học Việt Nam hiện đại”. Tôi nghĩ dự báo đó càng có thêm cơ sở, với cuốn Tiếng người này.
Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC
___________________
(*): Giải nhì Cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” lần III, do Hội nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức năm 2003-2005. Đã xuất bản.
(**): Bản sau cùng, tối hậu.
Đôi dòng về PHAN VIỆT
Tên thật: Nguyễn Ngọc Hường, sinh năm 1978
• 1995 – 2000: Học Đại học Ngoại thương Hà Nội, tốt nghiệp loại Giỏi.
• 2000 – 2002: Học thạc sĩ về truyền thông tại Omaha, Nebraska, Mỹ.
• 2002 – nay: Nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ về công tác xã hội tại Đại học Chicago, Mỹ.
• Về viết văn: Có tác phẩm thơ và truyện ngắn trên báo từ năm 12 tuổi. Bắt đầu viết nhiều khi vào ĐH Ngoại thương, chủ yếu là các bài bình luận và truyện ngắn bằng tiếng Anh cho báo Vietnam News. Từ cuối năm 1998, tạm ngưng viết để chuyển sang làm về phát triển cộng đồng. Sau khi sang Mỹ học, bắt đầu viết trở lại cho các báo và tạp chí như Thể thao – Văn hoá, Tuổi Trẻ, Tia Sáng… dưới nhiều bút danh khác nhau. Năm 2005: dự thi Văn học tuổi 20 lần III và đoạt giải Nhì với tập truyện ngắn Phù Phiếm Truyện.
• Truyện ngắn tiêu biểu:
- Bằng tiếng Anh: Vĩ cầm, Cái cân trong nhà tắm, Gỗ thông, Những điều bình thường… (đều đăng ở Vietnam News)
- Bằng tiếng Việt:
+/ Tập truyện ngắn Phù Phiếm Truyện: giải Nhì cuộc Vận Động Sáng Tác Văn Học Tuổi 20 (2005).
+/ Hãy buộc một dải ruybăng lên cây sồi (đăng trong tuyển tập Văn Mới 2007).
• Ngoài viết, Phan Việt còn hiệu đính tiểu thuyết Suối nguồn của Ayn Rand (NXB Trẻ, 2007)
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiĂn phở rất khó thấy ngon
25/02/2008Tản văn của Nguyễn Trương QuýĐến với “thế giới số” – ai là ai?
23/01/2008Đọc sách Suối Nguồn
19/12/2007Hoàng Hải VânThiên thần và ác quỷ
03/12/2007Nhật QuỳnhKafka bên bờ biển
21/11/2007Minh Thi