"Diễm" cuối cùng: "Mãi yêu Trịnh Công Sơn"
"Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…” - Diễm của nhạc sĩ họ Trịnh khiến người ta hình dung đến bóng dáng của người con gái nhỏ bé, mong manh và người ta gọi Lương Hoàng Anh là “Diễm”. Cách đây không lâu, chúng tôi cũng có một bài, rằng: “Diễm cuối cùng đã lên xe hoa”. Không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có coi Hoàng Anh là “Diễm” không? Và nghe đâu “Diễm” là người con gái có thật! Nhưng tôi cũng như… người ta, xin tạm gọi Hoàng Anh là “Diễm”, “Diễm cuối cùng” của Trịnh Công Sơn!
Bởi dẫu sao, đây cũng là một trong những người tình của nhạc sĩ, và như Hoàng Anh tâm sự, dù cuộc tình đó không nói một tiếng yêu, nhưng nó kéo dài mười mấy năm, cho đến ngày Trịnh Công Sơn mất, họ vẫn xúc động khi cầm tay nhau và người cuối cùng Trịnh Công Sơn cầm tay vẫn là Hoàng Anh.
Thưa chị, ai cũng biết tình yêu lớn trong cuộc đời chị là tình yêu với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chị có tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu đó không?
Rất hạnh phúc! Vì tôi yêu được một người quá tài hoa, quá uyên bác. Tôi nói cái gì người ta cũng hiểu. Không cần phải cho tiền để tôi cảm thấy hạnh phúc, mà người ta chỉ cần một câu nói cũng đủ làm tôi sướng âm ỉ cả ngày rồi.
Có quá nhiều bà vợ ở với chồng, nhưng ông ấy chẳng hiểu gì về mình, nói ra thì vùng vằng, để họ phải ấm ức: tại sao cứ ra đường thì chồng cởi mở vui tươi với tất cả bạn gái, còn về nhà lại hầm hầm với mình.
Tôi may mắn vì bất cứ vấn đề gì nói ra anh Sơn đều hiểu. Có một người hiểu hết mình, làm sao không hạnh phúc cho được.
Trong tình yêu, hạnh phúc lớn nhất là yêu và được yêu. Nhưng, nhiều người quen biết của nhạc sĩ, lại nói đó là cuộc tình đơn phương của chị. Phải chăng vì yêu đơn phương, nên chỉ cần một nụ cười từ khóe miệng của người yêu cũng đủ để chị lâng lâng cả ngày?
Có yêu hay không nếu anh Sơn còn sống thì tôi mới hỏi được, còn giờ anh ấy mất rồi. Nhưng liệu có quan trọng không, nếu nói yêu nhau rồi cưới nhau ba tháng đã ly hôn, trong khi tôi không nói đến tình yêu, hôn nhân, nhưng mối quan hệ của tôi kéo dài đến mười mấy năm, cho đến trước ngày anh Sơn mất, chúng tôi vẫn xúc động khi cầm tay nhau, và người cuối cùng anh Sơn cầm tay là tôi?
Người phụ nữ bình thường nào khi yêu cũng chờ đợi một lời cầu hôn, còn chị, không muốn hay không thể chờ đợi lời cầu hôn đó?
Không phải là muốn hay không, mà với tôi, những thủ tục ấy chẳng có giá trị gì cả. Cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên người mình yêu, chỉ đơn giản thế thôi, chứ tôi không muốn sở hữu theo kiểu là cái xích, trói người yêu bên cạnh để hàng ngày đem tiền về cho mình.
Cuộc sống của tôi là được yêu và được người yêu trân trọng. Anh Sơn yêu tôi hay không thì không biết, nhưng năm nào sinh nhật tôi anh ấy cũng ngồi vẽ tranh tôi. Mà một người tạo cho mình nguồn cảm hứng trong suốt mười mấy năm thì chuyện yêu hay không đâu cần thiết nữa.
Tôi không hiểu yêu là gì, tôi chỉ biết mình cảm thấy hạnh phúc như thế nào. Ngay với Huy Khánh, tôi không biết là đến bây giờ vợ chồng tôi đã nói yêu nhau bao giờ chưa, nhưng chúng tôi sống rất tử tế với nhau và cảm thấy hạnh phúc khi có nhau, như thế không biết có phải là yêu không?
Tại sao cứ phải nói yêu nhau? Một người đàn ông cầm nhẫn hột xoàn tặng bạn, rồi nói là yêu bạn, bạn có tin không? Còn tôi chỉ tin mối quan hệ mà người ta bỏ cả đời ra để gắn bó với mình, chứ không tin vào những lời nói yêu thương.
Nhưng cả đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đâu chỉ có chị. Ông còn có “Diễm”, có “Bống” và biết bao giai nhân khác, trong âm nhạc lẫn trong cuộc sống? Liệu chị có hạnh phúc khi phải “chen chúc” với những người phụ nữ khác?
Có vấn đề gì đâu. Khi nào anh Sơn cần có tôi, tôi đến, khi nào tôi cần có anh Sơn, anh Sơn đến, đấy là mối quan hệ tuyệt vời, còn mỗi người phải có cuộc sống riêng, chứ đâu nhất thiết phải sở hữu bằng một sợi dây xích vô hình để cuộc sống thêm ngột ngạt.
Tôi có dịp đến thăm nhà cố nhạc sĩ Trịnh (khi ông đã mất), nhưng đáng tiếc là tôi không nghe người nhà nhắc gì đến Hoàng Anh, cứ như chị không có một vị thế gì?
Tôi cũng chẳng cần vị thế.
Đây là câu trả lời xuất phát từ trong lòng hay từ sự tự ái?
Hãy hiểu là bây giờ tôi đâu cần phải bám vào những cái đó để sống. Tôi có cuộc sống của tôi, tôi dành 13 năm yêu một người, khi người ấy không còn nữa thì tôi bắt đầu một tình yêu khác.
Vì tôi tự biết làm cho mình hạnh phúc, chứ không cần phải bám vào chuyện quen Trịnh Công Sơn để có tiền, hay để người này biết tới tôi, mua hàng của tôi, người kia biết tới tôi, nghe tôi hát.
Tôi không biết hát, tôi cũng không bán loại hàng gì liên quan tới những người như vậy. Vấn đề là cuộc sống của tôi có 60 năm, nên tôi dành thời gian của mình cho những việc có ích chứ không cần phải được ai nhắc đến.
Ngày xưa, khi yêu anh Sơn, tôi sống rất hạnh phúc, bây giờ yêu người mới, tôi cũng sống rất hạnh phúc. Thế thì chả có vấn đề gì phải nhắc đến tôi cả.
Tình yêu của chị với Trịnh Công Sơn được nhiều người hiểu như một cuốn tiểu thuyết vì chị nói sẽ không lấy chồng, sẽ mãi yêu Trịnh Công Sơn, kể cả khi ông đã ra đi, nhưng thực tế ngược lại?
Mãi yêu anh Sơn thì có, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không lấy chồng. Tôi từng nghĩ mình khó lấy chồng vì khó tìm được người nào sống hồn nhiên và độ lượng như anh Sơn để tôi cảm thấy hạnh phúc, chứ không phải là không lấy chồng.
Bởi khi đã yêu được một người quá tài hoa sẽ rất khó tìm được người có thể chia sẻ với mình. Ví dụ, là một đại gia, bạn rất dễ chinh phục những cô gái bình thường, thích quần là áo lượt, tiện nghi vật chất. Nhưng không hẳn đại gia sẽ “cua” được tất cả phụ nữ.
Ví như tôi, chẳng cần nước hoa đắt tiền, chẳng cần túi hàng hiệu, cũng không tốn tiền vào son phấn, thời trang. Nhưng tôi cần một đại gia có thể đọc cho tôi nghe một bài thơ của Pháp, hoặc một bài thơ tình nổi tiếng trong một trăm bài thơ tình của Trung Hoa!
Tôi thích văn thơ vì tôi xuất thân từ gia đình trí thức. Tôi không thích mỹ phẩm vì mẹ tôi cũng không xài. Tôi không có cảm hứng với những chiếc xe hơi hay đồ đắt tiền vì tôi được hưởng một nền giáo dục là hạnh phúc của mình do trải nghiệm qua lao động mà ra.
Nhu cầu của mỗi người khác nhau, “đầu ra” khác nhau là do “đầu vào” khác nhau, đơn giản vậy thôi.
Chị nói “mãi yêu anh Sơn”, có nghĩa đó là tình yêu vĩnh cửu. Nhưng sao lại có một cuộc hôn nhân với người khác chen vào thứ tình yêu vĩnh cửu đó, mà “đối tác” của cuộc hôn nhân mới lại khác hoàn toàn với nguyên mẫu?
Chính vì muốn giữ hình ảnh đẹp của anh Sơn trong lòng, nên tôi mới không tìm người giống anh Sơn để lấy. Tôi không muốn chia sẻ cảm xúc ấy với một người khác.
Người tôi lấy rất trân trọng quá khứ của tôi, anh ấy chưa bao giờ đả động, soi mói đến mối quan hệ của tôi. Hiện tôi vẫn để ảnh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong phòng ngủ, nhưng chồng tôi không bao giờ thắc mắc, mà luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi.
Mười mấy năm yêu Trịnh Công Sơn cũng đủ rồi, chị còn thờ di ảnh để làm gì?
Vì anh Sơn là một phần của cuộc đời tôi. Tôi không có cảm giác anh Sơn mất, mà có cảm giác anh ấy ở xung quanh đây.
Thực sự, tôi rất may mắn, tôi có chồng tốt, con ngoan, nhà cao cửa rộng, làm cái gì cũng thành công. Bây giờ, chồng tôi là một phần thế giới của tôi, anh Sơn cũng là một phần thế giới của tôi.
Trong cuộc đời, nếu may mắn thì mình được đi cùng một người đàn ông suốt cuộc đời, còn không may mắn thì có nhiều người đi cùng trong từng giai đoạn khác nhau, điều đó không quyết định bản chất của tình yêu.
Là phụ nữ, chị có tổn thương không, khi người ta nói vì Huy Khánh thất tình với Tăng Thanh Hà nên mới lấy chị?
Tôi là người như thế này, nếu ngày hôm nay tôi muốn ở đây với bạn, tôi có bạn ở bên, như vậy là hạnh phúc rồi. Còn chuyện trước và sau đó tôi không quan tâm. Vì con người khác cái máy, cũng không phải nữ tu hay là linh mục.
Còn sống được thất tình là hay, có nhiều người chả có cuộc tình nào tử tế để mà thất tình đâu, hay nhiều người yêu nhau được ba tháng bỏ nhau, bỏ hôm trước hôm sau đã có người khác, nên cũng không kịp để mà thất tình. Nên nếu Khánh thật sự thất tình thì anh ấy là một người hạnh phúc.
Nhưng chị là người đón nhận sự thất tình ấy?
Tôi cám ơn Tăng Thanh Hà vì đã bỏ Khánh, để tôi có một người chồng rất ngoan hiền và rất độ lượng!
Gần đây, có dư luận, hai đứa con đầu của chị là con của Trịnh Công Sơn nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo?
Không phải con anh Sơn, anh Sơn làm gì có con. Mà để tang anh Sơn một năm, một năm sau tôi mới quyết định có con.
Là phụ nữ chưa chồng và có khả năng sinh con, sao chị lại chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm?
Đây là một lý do tâm lí rất đơn giản: tôi đã ngoài 30 tuổi, để trễ hơn thì khả năng không sinh được con rất lớn, nhưng thời điểm đó tôi chưa có chồng, nên phải có con, chứ tôi không muốn vì có con mà lấy đại một người nào đó. Bởi kết hợp với một người đàn ông là chuyện hoàn toàn khác, tôi phải cảm thấy được hạnh phúc khi ở bên cạnh họ.
Nên gọi chị là một phụ nữ liều lĩnh hay một phụ nữ dũng cảm?
Thiên chức lớn nhất của người phụ nữ là làm mẹ để duy trì nòi giống. Ông bà mình cũng nói “cây độc không trái, gái độc không con”, chứ tôi chưa thấy ai nói “gái độc không chồng” cả.
Nếu mình phát triển bình thường, mình thông minh, xinh đẹp thì phải sinh con để công dân thông minh, xinh đẹp chứ.
Tôi tin tất cả phụ nữ đều muốn có con, đương nhiên họ muốn có chồng rồi có con. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn có con với người mình yêu.
Còn bạn đã dũng cảm thì có con như thế nào là quyền quyết định nơi bạn. Khi quyết định, bạn phải chịu trách nhiệm và hậu quả của nó.
Nếu nghĩ có con với một người nào đấy và nhận làm cha của con mình, bạn sẽ chịu cả cái hậu quả sau đấy, có thể người đó sẽ lằng nhằng suốt đời với bạn, nên tôi chọn giải pháp “mua đứt bán đoạn”! Vì tôi không giải quyết nổi vấn đề một người đàn ông tôi không yêu cứ suốt ngày lằng nhằng trước cửa nhà tôi!
Chị có vội vàng không, vì một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, nếu kiên trì sẽ tìm được chồng (bằng chứng là chị đã có chồng và tiếp tục có con) còn thụ tinh trong ống nghiệm thường dành cho trường hợp gặp trục trặc về vấn đề sinh con, chứ tôi hiếm thấy ai dùng nó để giải quyết vấn đề tuổi tác?
Vì tôi có khả năng sinh con, vì tôi xinh đẹp, thông minh, thành ra tôi mới chắc chắn việc mình có con ở độ tuổi 30 là để con thông minh và có sức khỏe tốt nhất.
Còn khi nào tôi thích lấy chồng, tôi vẫn lấy được, vì tôi biết khả năng của mình. Tôi tin, khi 60 tuổi, nếu tôi yêu ai, người ta vẫn lấy tôi làm vợ! Vì không phải tôi già và xấu, vấn đề là tôi biết mình làm cái gì và tôi sẽ chọn người tôi biết họ muốn cái gì.
Trong thời kỳ mang bầu, và sau này sinh con, chị đối phó với dư luận như thế nào, hay chị bất cần dư luận?
Tôi không bất cần dư luận, nhưng mà dư luận ấy có tác dụng gì? Dư luận dấy lên làm xã hội tốt đẹp hơn, gia đình tôi và một số người nữa hạnh phúc hơn, khác với dư luận thấy tôi già, không sinh được con thì vui vẻ, hứng thú.
Vậy nên dư luận ở đây để làm gì, khi bản thân nó không hề tích cực và nhân văn? Không lẽ vì yêu anh Sơn, dư luận bắt tôi ở giá cả đời không chồng con, bố mẹ nuôi tôi ra không có cháu, mới hả hê?
Tại sao dư luận không cảm thấy vui vẻ vì tôi mất đi người yêu, nhưng tôi vẫn sống và đóng góp cho xã hội, tôi vẫn có chồng và có những đứa con?
Tôi không thích dư luận kiểu ăn không ngồi rồi, suốt ngày xem có ai ngã để đạp thêm cho họ một cái nữa. Nên chẳng quan tâm đến dư luận, tôi vẫn mang bầu, sinh con như bình thường!
Suốt cuộc phỏng vấn, chị nói khá nhiều đến hạnh phúc. Chị cũng tự nhận mình là người hạnh phúc. Vậy hạnh phúc của chị là gì và có tự tin để nói mình không đau khổ?
Đau khổ cũng là hạnh phúc. Tôi quan niệm, hạnh phúc lớn nhất trên đời của một người là được sống, với tất cả vui buồn, đau khổ, hỉ nộ ái ố. Nếu một người nói suốt đời thành công thì đó không phải người hạnh phúc, vì không được nếm trải những gia vị của cuộc sống.
Ăn toàn bánh ngọt, chè thơm, sẽ không hiểu gỏi đu đủ cay và ngon như thế nào. Cái hạnh phúc của tôi là được sống và cuộc sống của tôi là một cuộc mưu sinh. Mỗi sáng ngủ dậy, mở mắt ra tôi vẫn thấy mình còn sống là một điều rất hạnh phúc rồi.
Vậy tại sao tôi không hưởng thụ cái ngày đó bằng việc lao động tích cực, chơi tích cực, ăn uống tích cực? Tôi sẽ không thấy hạnh phúc nếu ngày hôm nay lặp lại y như ngày hôm qua, dù ngày hôm qua là một ngày tôi hạnh phúc!
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng