Ngày - hôm qua, Tôi - hôm qua, Em - hôm qua…
Thân này không phải là tôi. Vậy tôi là ai? (“Ai” hay “Cái gì” cách hỏi nào đúng?). Chẳng có gì làm căn cứ để tôi thấy được tôi. Soi gương ư! Chỉ là tôi trong các sát-na*) náy mắt này. Các tấm hình ư! Đúng, đó chỉ là cái bóng của tôi chứ không phải là tôi. Tôi như thế là xa lạ với chính tôi mất rồi.
Ba tôi là người thích chụp hình. Mười tuổi tôi đã có máy chụp hình riêng mà ông đặt mua qua hãng Sear ở Mỹ. Máy thì bình thường, nhưng phim là loại cho trẻ con với cuộn phim đúc thành một khối, gài vào máy là chụp không cần phải kéo đầu phim ra khỏi cuộn phim, rồi gài vào trục bên kia, tôi đóng nắp… như phim của người lớn, chụp xong cứ vậy mà lấy ra không cần phải trả phim lại. Lớn lên tôi đi làm báo và lai dính đến hình ảnh, tư liệu ảnh… Do đó, tôi có hầu như đầy đủ các hình ảnh về mình từ khi mới lọt lòng cho đến lúc bước vào tuổi 50. Và khi sắp xếp các hình ảnh của mình theo diễn biến nửa thế kỷ ấy tôi hết hồn vì chẳng biết mình là ai! Chẳng có “thằng tôi" nào giống “thằng tôi" nào cả, lúc 2 tuổi khác lúc 6 tuổi, khác lúc l0 tuổi, lúc 20 tuổi, khác lúc 30 tuổi và khác hẳn lúc 40 và đến gần 50 thì hoàn toàn là một… “người muôn năm cũ” chẳng còn giống cái gì, gì…
Lúc 50 ngoái lại trước một dãy hình bóng cũ (người miền Trung gọi chụp hình là chụp bóng, cái hình là cái bóng, nghệ triết lý hơn nhiều) bạn sẽ tự nhiên cảm thấy sự vô nghĩa của hình hài mà không cần thêm bất cứ một lý giải triết lý, tôn giáo hay thần học nào cả "Thân này không phải là ta". Câu nói của nhà phật, mới đầu nghe thật chói tai, buồn cười, âm lịch khi ta mới hai mươi sung mãn, đẹp đẽ và sống xoay vần theo cái tôi của hình hài. Lúc bất ngờ ngoái lại của tuổi 50, điều ấy là hoàn toàn thật.
Không nhận ra mình hôm nay, nên chúng ta luôn hoài niệm về ngày hôm qua, chữ "Yesterday" ngân vang khắp nơi trong cảm xúc, trong nghệ thuật, âm nhạc… Nhưng, bất ngờ nhất với tôi lại là một ý tứ lạ mà rất rung của ca sĩ huyền thoại Slevie Wonder, bài hát của ông thổn thức không chỉ về Yesterday mà còn là Yester-Me, Yester-you… (Ngày - hôm qua, Tôi - hôm qua và Em - hôm qua). Ca từ luyến láy theo giai điệu đen của ông thổn thức:
“Điều gì xảy ra cho thế giới quen thuộc này khi chúng ta mơ… Và khi thời gian trôi qua, tôi là Tôi - hôm qua, em là Em - hôm qua, ngày là Ngày hôm qua.
Ở đâu rồi ánh hào quang tươi sáng của ngày hôm qua khi chúng ta nhận ra bánh xe của cuộc đời xoay vần chúng ta…
Khi nhớ lại những gì chúng ta, có nỗi buồn nản vì sự vô nghĩa, trừ ký ức về Tình yêu - hôm qua (Yester - Love) và giờ đây dường như những Giấc mơ - hôm qua (Yester - Dream) ấy thật kinh khủng, nó như một trò chơi tồi mà chúng ta đã từ chơi…”.
Những lúc không thể chạy được vì đầu gối đau do “ lão hoá”( thằng nhóc trẻ trung như tôi gìơ là ông già, đã “ lão” thật tức cười!), tôi lại chuyển động bằng xe đạp. Xe đạp cho tôi cảm giác trôi y như dòng thời gian. Xe hơi thì chạy vù vù, không phải trôi. Xe gắn máy thì phải lo lạng lách …Hàng tuần tôi đều dành ngày cho xe đạp, nai nịt gọn gàng bằng chiếc quần chẽn chuyên dụng có miếng lót mông bên dưới, nón bảo hiểm…Tôi sung sướng cỡi lên chiếc xe đạp địa hình yêu thích và bắt đầu thả trôi mình theo dòng sự sống. Khi những vòng bánh xe bắt đầu kêu lạo xạo trên mặt đường là lúc tôi bắt đầu thấy mình trẻ lại. Tôi mơ về những vòng xe êm ái trên đường Bạch Đằng -Đà Nẵng buổi chiều cùng vài người bạn thân đạp xuống sông Hàn ngồi nhìn “mây phủ đỉnh Sơn Trà”, những con đường nửa mang chất tỉnh lẻ êm đềm, nửa mang cái khí vị hùng vĩ của một thiên nhiên khoáng đạt, thêm chút trí thức của một thành phố chưa kịp hoàn thiện… của thị xã Đà Nẵng những năm 60, 70 của thế kỷ 20 đã làm nở hoa những tâm hồn yên tịnh.
Rồi những năm sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, tôi lại lững thững đạp xe trên những đường phố Sài Gòn vắng ngắt nhưng ẩn chứa bên trong một cuộc cách mạng tư tưởng kinh tế, chính trị, xã hội chuẩn bị nổ bùng. Nhà tôi ngay ở góc Mạc Đỉnh Chi, Tự Đức, một trong những khu vực đẹp nhất Sài Gòn với những hàng me cao vút nhơ một công viên yên tĩnh, bốn giờ chiều là hết xe chạy. Khu vực này gắn với đường Phùng Khắc Khoan với các biệt thự ngoại giao, với nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, ẩn chưa bao nhiêu biến cố và gương mặt lịch sử. Với tòa đại sứ Hoa Kỳ buồn thảm sau 1975. Chiều chiều, những vòng xe của tuổi tôi vừa trưởng thành không biết đi về đâu trước một giai đoạn lịch sử khốc liệt thời hậu chiến. Những vòng xe lăn lóc cóc trên đường đầy lá me của Phùng Khắc Khoan chạy qua trước khu dinh thự cũ của đại sứ Hoa Kỳ vừa rút khỏi Sài Gòn thất thủ; Vòng xe dừng lại trước buổi khai quật hai nấm mồ không bia nằm ngay cổng vào nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi để được thấy một câu trả lời chứng tá của lịch sử: hai xác chết bên dưới chính là tổng thống và ông cố vấn của nền đệ nhất cộng hoà bị thanh toán năm 1963…
Giờ đây tôi lại trở về là người của xe đạp. Xe đạp giúp tôi thấy mình trôi.
Trôi, trôi… dưới những vòng bánh xe cọ xát vào lòng đường và có lúc thì nhịp nhàng luân chuyển tạo ra một cảm giác sống, cảm giác "in touch" với cuộc đời. Đành rằng, mọi thứ chuyển động đều tạo ra sự sống… và nghiệt ngã thay, cũng cũng tạo ra cái chết, nhưng chuyển động trôi bằng cơ bắp của mình là sống động nhất. Nó củng cố cho ta động thái dâng hiến thân xác cho một chuyến đi, một cuộc hành hương mà hành hương là chuyển động để đi tìm những “mấu chốt”, mục đích, nơi đến, không phải là chuyển động vô định, hư vô.
Và để chống lai quy luật “Cái gì cũng thay đổi, cũng tàn lụi” may thay những hình ảnh vẫn tồn tại như buổi ban đầu. Đó trở thành những điểm bất động, không tàn, không phai. Đó là "mấu chốt" cho đời sống, cho suy tưởng, cho ta còn là ta
Những gương mặt, những ngôi nhà, những góc phố… Đó là “gặp” Trôi là để được như thế: để gặp và bất động hóa ký ức, hóa thạch hóa thời gian. Tạo ra những điểm bất động không lão hóa, hoen gỉ. Gặp nhau là ân sủng, vì nó mang lại niềm vui, nhưng ân sủng lớn nhất là cung cấp những “điểm bất động” quý giá cho cuộc đời. Các tấm hình của tôi 50 năm qua là những “điểm bất động” ấy, nó giúp tôi không bị đánh mất, nó giúp tôi không thành hư vô.
*)Sát-na: Theo Phật giáo, sát na - một đơn vị thời gian siêu nhỏ, ngắn nhất của thời gian. Một niệm thoáng qua trong tâm thức có đến 90 sát na. Mỗi sát na là một tiểu niệm. Sự sinh diệt nhỏ nhiệm của mỗi sát na chỉ có Phật trí mới thấy được.
Nội dung khác
Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Xuân Quỳnh xin đi với Lưu Quang Vũ vào vùng chiến sự biên giới 1979
20/02/2019PGS.TS. Lưu Khánh ThơNhà thơ Dương Soái và câu chuyện 'Gửi em ở cuối sông Hồng'
05/02/2019Hoa ChanhTết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)Bạn đang "Sống" hay đang "tồn tại"?
28/09/2016Khả AnhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường