Giã biệt bóng tối
Đầu tháng 3-2008, Tạ Duy Anh trình làng tiểu thuyết Giã biệt bóng tối do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Nổi danh ngay từ truyện ngắn đầu tiên Bước qua lời nguyền, nhà văn Tạ Duy Anh thường mang lại cho đời sống văn chương không ít xôn xao mỗi khi tung ra tác phẩm mới...
- Đọc "Giã biệt bóng tối" của Tạ Duy Anh (Vietnamnet)
- Giã biệt bóng tối - tiểu thuyết mới nhất của Tạ Duy Anh (Fahasa)
- Khi nhà văn Tạ Duy Anh "Giã biệt bóng tối"(Nguyễn Thanh Bình)
- Quyết liệt với chính mình (Người lao động)
- Bóng tối hãy biến đi (Báo Thanh niên)
- Giã biệt bóng tối bằng gì? (Báo Thanh niên)
Tôi đã trải qua một đêm kinh hoàng nhất trong cuộc đời mình. Sau khi phát hiện ra thằng Thượng chính là thằng bé mà ả gái làm tiền nhờ tôi đi tìm , tôi chỉ muốn chết trước khi trời sáng. Làm thế nào để tôi thoát khỏi quá khứ do chính tôi gây ra nếu những năm tháng tiếp theo tôi còn tiếp tục tồn tại trên thế gian này. Mọi thứ giống như một vở kịch ấy tôi là vai diễn bất đắc dĩ, chỉ nhắc lại lời của kẻ khác, hành động theo sự giật dây của một gã đạo diễn đểu cáng. Không, tôi sẽ phải tự kết thúc tất cả trước khi gà gáy sáng, trước khi thằng bé lại hiện lên bằng xương bằng thịt như lời kết án kinh khủng với tôi. Tôi chỉ nên ở lại trong bóng tối mới mong thoát được chính cái bóng tối ấy.
Tôi nhớ mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng tối đang tàn lụi. Tôi biết chắc như vậy không phải nhờ tiếng con gà nào đó sẽ cất tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ vào tiếng bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu mặt. Ông ta và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ, khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt chúng tôi là gì và khi ánh sáng tràn đến...
Có lẽ anh đã chờ tôi từ rất lâu bên ngoài cửa ngôi miếu. Khuôn mặt anh im lìm qua lớp sương mỏng và cứ sáng dần lên cùng với những tia sáng đầu tiên của một ngày hứa hẹn sẽ đẹp trời. Phải mãi sau tôi mới để ý đến bọc tay nải dành cho chuyến đi xa, dài ngày mà anh khoác phía sau. tôi đã chờ cái ngày này. Tôi chụm tay, hướng về phía mặt trời hét lên một tiếng thay cho lời giã biệt bóng tối...
Đọc "Giã biệt bóng tối" của Tạ Duy Anh
Theo Vietnamnet
Cuốn tiểu thuyết mới của Tạ Duy Anh mang tựa đề như một lời đoạn tuyệt với những gì tăm tối không xứng đáng được tồn tại nhưng vẫn đang hiện diện...
Độc giả tiểu thuyết chắc chắn không xa lạ với cái tên Tạ Duy Anh, tác giả của những cuốn tiểu thuyết thường gây tranh luận không chỉ với cư dân làng văn mà với bất cứ ai còn biết quan tâm tới ý nghĩa thực của đời sống.
Với Giã biệt bóng tối, niềm hy vọng vào những gì tốt lành, thánh thiện; những gì xứng đáng được tồn tại dưới ánh mặt trời rất chắc chắn. Sự vững chắc ấy là kết quả của nhận thức cay đắng từ chính những trải nghiệm cuộc sống. Tác giả cảm nhận: Tôi nhớ là mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng tối đang tàn lụi.Tôi biết chắc như vậy không phải nhớ tiếng con gà nào đó sẽ cất tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ vào tiếng bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu mặt. Ông ta và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ, khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt chúng tôi là gì và khi ánh sáng tràn đến...".
Kẻ giấu mặt, người vô hình ở trong tác phẩm này luôn luôn hiện diện và chi phối và phán xét mọi suy nghĩ, hành vi của con người. Tồn tại mà như không có thực nên nỗi ám ảnh và sức mạnh của kẻ giấu mặt càng lớn, sức bao phủ của nó gần như là vô giới hạn. Cái mà nó cần là nỗi khiếp đảm và khuất phục nhưng kết quả thực thì không phải bao giờ và lúc nào cũng đạt được. Cái phần can đảm và khả năng tự nhận thức của một vài con người trong vô số chúng sinh đã khiến cho kẻ giấu mặt, người vô hình trở thành chính kết quả của của thử nghiệm khốc liệt này.
Một cuốn sách đáng đọc giữa thời điểm ứ thừa thông tin mà thiếu thốn trầm trọng ý tưởng nhận thức cuộc sống, nhận thức giá trị của con người.
Giã biệt bóng tối - tiểu thuyết mới nhất của Tạ Duy Anh
Fahasa
Sau khi gặp “sự cố” với cuốn tiểu thuyết Đi tìm nhân vật (2002) rồi nhất là sau khi Thiên thần sám hối (2004) ra đời và được tái bản nhiều lần trong một thời gian ngắn, tâm lý của những độc giả yêu mến (cũng như ghét bỏ) tác giả của truyện ngắn nổi tiếng Bước qua lời nguyền là tò mò muốn biết Tạ Duy Anh sẽ tiếp tục cho họ đọc gì, liệu có độc đáo, gây sốc như những tác phẩm đã công bố? Bởi vì đại đa số các nhà văn của ta thường chỉ đủ năng lượng cho một cuốn sách, thậm chí một truyện ngắn. Vì thế, việc Tạ Duy Anh vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Giã biệt bóng tối –NXB Hội nhà văn-trước hết giống như một thông điệp là anh vẫn đang viết. Giã biệt bóng tối dày gấp đôi Thiên thần sám hối, có một nội dung nửa thực nửa ảo, vô cùng kỳ lạ gắn với một ngôi làng nhỏ tên là Thổ Ô. Bạn đọc sẽ thấy thêm một lối kết cấu tiểu thuyết khác lạ, theo kiểu Tạ Duy Anh. Ngoài việc đảo lộn, xáo trộn thời gian như vẫn thường thấy ở tác giả này, cuốn sách xoá nhoà ranh giới giữa tác giả và nhân vật. Tác giả nhiều lúc phải chen ngang mới có cơ hội xuất hiện, đôi khi chỉ để đính chính hoặc giải thích cho lời kể của nhân vật rồi lại bị nhân vật thô bạo ngắt lời. Các nhân vật tự giới thiệu về mình, người thì xưng tôi, người xưng tao, người xưng tớ…và đôi khi cùng một sự kiện, mỗi người nhớ hoặc kể lại một khác. Và những con người tưởng chẳng hề liên quan đến nhau, với những mẩu tự bạch dài dòng hoá ra lại cùng tham gia vào một câu chuyện nửa hài nửa bi, không thiếu chỗ chảy nước mắt, trong một kết cấu chặt chẽ, người nọ là một phần cuộc đời của người kia, hành động của người này tạo ra số phận ở người khác… tạo ra một xã hội, một vũ trụ thu nhỏ với sự đối lập tối sáng trong từng con người và sự tha thứ, lòng khoan dung là cơ may cuối cùng để con người có thể sống được với nhau một cách xứng đáng .
Theo tác giả, Giã biệt bóng tối là kết quả của chính những trải nghiệm bí ẩn và đau đớn của ông.
Khi nhà văn Tạ Duy Anh "Giã biệt bóng tối"
Nguyễn Thanh Bình
Lâu nay, cái tên Tạ Duy Anh (bút danh Lão Tạ) đã vô cùng gần gũi với độc giả yêu văn học Việt Nam qua những tác phẩm như: Bước qua lời nguyền (1990); Khúc dạo đầu (1991); Lão Khổ (1992); Hiệp sĩ áo cỏ(1993); Luân hồi (tập 1994), Ngẫu hứng sáng, trưa, tối (2004) và Thiên thần sám hối (2004). Rồi cái tên Tạ Duy Anh ấy còn được giới văn nghệ lao xao bàn luận với cuốn sách bị thu hồi "Đi tìm nhân vật". Người ta cũng biết, Tạ Duy Anh là một cán bộ biên tập nổi danh ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhưng khi chuyển bản thảo tác phẩm của mình đến các Nhà xuất bản khác đều… không xin được giấy phép.
Có lẽ bởi thế, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Tạ Duy Anh mang tựa đề "Giã biệt bóng tối" vừa được FAHASA độc quyền phát hành, cũng chính do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép. Một số người trong giới xuất bản từng nghe đến chuyện này, lại còn nghe tin Lão Tạ đã viết xong một cuốn khác, với tựa đề Sinh ra để chết, nhưng đang “trùm mền” chờ thời điểm thích hợp để xuất bản.
Cuốn tiểu thuyết Giã biệt bóng tối được giới thiệu là “Bản tụng ca say đắm về sức của mạnh lòng khoan dung và tha thứ”, là tập sách đặc biệt mà theo tác giả, nó chất chứa những trải nghiệm bí ẩn và khổ đau của anh. Giã biệt bóng tối có nội dung hư hư thực thực, gắn với một ngôi làng nhỏ mang cái tên Thổ Ô: “Người dân làng Thổ Ô đang vô cùng hoảng loạn khi phải chứng kiến những sự kiện lạ lùng xảy ra liên tiếp trong vòng có vài tuần lễ. Đầu tiên là công việc ông Tung đang buổi trưa nắng chang chang, bỗng lên cơn thèm rượu bèn sang làng bên mua thì giữa đường bị sét đánh chết cháy thành than, trong tay vẫn cầm chiếc chai không. Đúng một tuần sau, khi những lời bàn tán kèm nỗi hoang mang chưa kịp lắng xuống thì anh Sang chuyên làm nghề chôm chỉa chỉ kịp lăn từ bụng vợ xuống là tắt thở, cơ thể tím tái, mặt méo xẹo. Rồi tiếp đến là vụ ông Thìn. Ông này chỉ vướng vào bó rau muống ai đó ai đó đánh rơi chưa kịp nhặt, cũng ngã sấp xuống mặt đường, trán đập vào hòn gạch sùi, thủng một lỗ bằng hạt mít đủ để phòi óc ra và chưa được vào nhà đã tắt thở...".
Đọc hết 262 trang sách, là chứng kiến thêm một lối kết cấu tiểu thuyết theo kiểu Tạ Duy Anh: không thấy đâu danh giới của tác giả và nhân vật. Tác giả có nhiều lúc phải chen ngang mới có cơ hội xuất hiện, đôi khi chỉ để đính chính hoặc giải thích cho lời kể của nhân vật rồi lại bị nhân vật “thô bạo” ngắt lời. Các nhân vật trong tác phẩm phải tự giới thiệu về mình, người thì xưng tôi, người xưng tao, người xưng tớ… và đôi khi cùng một sự kiện, mỗi người nhớ hoặc kể lại một khác. Những con người tưởng chẳng hề liên quan đến nhau, với những mẩu tự bạch dài dòng hoá ra lại cùng tham gia vào một câu chuyện nửa hài, nửa bi, không thiếu chỗ khiến người đọc phải rơi nước mắt, trong một kết cấu chặt chẽ, người nọ là một phần cuộc đời của người kia, hành động của người này tạo ra số phận của người khác… tạo ra một xã hội, một vũ trụ thu nhỏ với sự đối lập tối sáng trong từng con người và sự tha thứ, lòng khoan dung là cơ may cuối cùng để mọi người có thể sống được với nhau một cách xứng đáng.
Với một giọng văn khá hóm hỉnh, "Giã biệt bóng tối" có thể đã đánh dấu cho nhà văn Tạ Duy Anh một thời kì mới chăng?
Quyết liệt với chính mình
Lê Thiếu Nhơn thực hiện, Báo Người lao động
Nổi danh ngay từ truyện ngắn đầu tiên Bước qua lời nguyền, nhà văn Tạ Duy Anh thường mang lại cho đời sống văn chương không ít xôn xao mỗi khi tung ra tác phẩm mới. Đầu tháng 3-2008, Tạ Duy Anh trình làng tiểu thuyết Giã biệt bóng tối do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả về những gì phía sau Giã biệt bóng tối.
. Phóng viên: Trước hết, xin chúc mừng anh trở lại văn đàn bằng Giã biệt bóng tối. Với tên tuổi của Tạ Duy Anh, chắc chắn tiểu thuyết này sẽ được đón nhận một cách hào hứng. Với cá nhân anh, Giã biệt bóng tối có ý nghĩa đánh dấu một chặng đường mới không?
- Nhà văn Tạ Duy Anh: Cảm ơn anh đã đọc và có ấn tượng tốt đẹp về tôi và sự nghiệp văn chương của tôi. Chẳng phải ai cũng yêu quý tôi như vậy đâu. Thế nên tôi đâm lo chả biết có được như anh kỳ vọng không? Khi đặt bút viết bất cứ một tác phẩm nào, tôi phải có đủ niềm tin rằng nó chưa hề được thể hiện như vậy ở đâu đó, kể cả của chính mình, thì tôi mới có thể duy trì được cảm hứng và sức lực để “kéo cày” nhiều ngày nhiều tháng liền. Vì vậy, sau Giã biệt bóng tối, nếu tôi còn viết tiếp thì các thủ pháp, cách thể hiện sẽ phải hoàn toàn khác. Tóm lại, với tôi, mỗi cuốn sách chưa viết đều là một chặng đường mới và khi viết xong rồi thì chặng đường đó đã ở phía sau.
. Khi anh vừa theo nghề cầm bút, đã có ngay một truyện ngắn Bước qua lời nguyền vang dội, đến mức giáo sư Hoàng Ngọc Hiến dùng tên gọi ấy để đặt cho cả một dòng văn chương sau đổi mới. Tuy ở hai thể loại khác nhau, nhưng tôi thấy rằng yếu tố quyết liệt trong Giã biệt bóng tối cao hơn Bước qua lời nguyền rất nhiều. Liệu anh đã đủ tự tin để “bước qua lời nguyền” của chính mình?
- Một câu hỏi thật thú vị và dồn tôi vào chỗ khó, nơi chân tường. Trong trường hợp đó, nếu là anh thì anh sẽ làm gì? Còn tôi thì đành liều mình thôi. Tường thì có bức cao, bức thấp. Bức thấp có thể nhún mình bước qua. Còn gặp bức cao, lại có hàng rào gai bao bọc, bên dưới lại nhan nhản cạm bẫy thì phải lấy đà xa để nhảy qua, mà phải nhảy sao cho không bị rơi trở lại. Tức là phải thật quyết liệt với chính mình. Tôi nghĩ là đã trả lời vào câu hỏi của anh cho trường hợp Giã biệt bóng tối.
. Nếu theo lời tự giới thiệu của “người dẫn chuyện” thì Giã biệt bóng tối có phẩm chất “có vẻ như nó là một câu chuyện hoang đường và không phải dành cho người yếu bóng vía”. Thế nhưng, khép lại cuốn sách chưa hẳn là một tiểu thuyết “kinh dị”. Anh có thấy vậy không?
- Vâng, tạng của tôi không hợp cho truyện kinh dị, theo như cách định nghĩa có trong từ điển văn học. Nhưng gây cho người khác sợ không cứ phải là truyện kinh dị. Tôi muốn nói đến khả năng chịu đựng. Anh đọc Bước qua lời nguyền rồi đấy, nó thật hiền lành, giàu tình cảm... vậy mà khi ra đời vẫn khiến có người... sợ? Sẽ lại có những người sợ Giã biệt bóng tối, đúng hơn là không chịu đựng được nó và đương nhiên với tôi, họ là những người yếu bóng vía. Tôi không muốn những người đó trách tôi là đã không ghi cảnh báo trên sản phẩm.
. Khi đặt cạnh hai tiểu thuyết trước đây của anh là Đi tìm nhân vật và Thiên thần sám hối thì Giã biệt bóng tối có bước chuyển biến về bút pháp khá rõ nét. Bên cạnh ưu điểm ấy, liệu anh có chút băn khoăn về tính khái quát và tính “nóng bỏng” giảm sút của Giã biệt bóng tối so với hai tác phẩm trước đó?
- Nghe anh hỏi nhẹ nhàng thế mà tôi cảm thấy bị đè nặng cả ngàn cân về trách nhiệm không phải chỉ với anh, mà còn với độc giả, với chính mình. Vậy là nặng, nhẹ, nóng bỏng hay điềm đạm, đâu chỉ ở mức độ quyết liệt trong ngôn từ mà là khả năng xoáy sâu vào tâm can người khác lời cật vấn về điều mà chúng ta muốn họ quan tâm. Nhưng mà được anh hiểu cho thế thật mừng. Tôi đang lo có người bảo tôi càng già càng cay nghiệt hơn đấy.
. Anh có dòng “tự quảng cáo” rằng: “Nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của tiểu thuyết Sinh ra để chết (chưa công bố)! Thoạt nghe rất ấn tượng. Xin hỏi lại cho rõ, chưa công bố hay chưa chấp bút?
- Tôi sẽ không bao giờ khoe về một tác phẩm nào đó khi vẫn còn một vài dòng phải sửa chữa. Sinh ra để chết hoàn thành từ năm 2005, trước khi tôi bắt tay viết Giã biệt bóng tối một năm. Đó là cuốn tiểu thuyết mà tôi dành cho nhiều sự quan tâm nhất và tôi cũng muốn được nhiều người đọc nhất-so với những tác phẩm của tôi, trước hết vì nó sẽ cho họ sự sảng khoái. Tôi đã sửa đi sửa lại suốt mấy năm qua đến mức phải thề là không sửa nữa kẻo nát cả bản thảo.
. Nghe nói, ngày nào anh cũng viết. Vậy trung bình mỗi ngày anh “cày” được bao nhiêu trang?
- Không phải thế đâu. Ngày nào tôi cũng suy nghĩ về việc viết thì đúng hơn. Tôi nghĩ về tác phẩm nào đó thì lâu, nhưng thể hiện nó rất nhanh. Khi tôi bị cuốn vào bàn viết thì không có ngày, đêm, giờ giấc gì nữa. Có thời kỳ cả tuần tôi không ra khỏi ngõ. Nhiều phen, nửa đêm vợ tôi lên phòng làm việc của tôi nghiêm nghị yêu cầu tôi nghỉ. Nhưng chỉ một lát, thấy tôi cựa quậy trên giường thì lại bảo: Thôi, thà anh làm việc tiếp đi còn đỡ khổ hơn.
. Và thông thường, anh có phải chỉnh sửa lại bản thảo nhiều hay ít?
- Thời gian tôi sửa chữa một tác phẩm thường gấp 5-7 lần thời gian viết nó ra.
. Với thể loại tiểu thuyết mà anh đang theo đuổi, anh cho rằng tiểu thuyết Việt Nam có đáng đồng tiền bát gạo so với thực tế đời sống Việt Nam không?
- Tôi không biết khi độc giả bỏ ra vài chục ngàn đồng để mua một cuốn tiểu thuyết Việt Nam, trong đó có tiểu thuyết của tôi, thì họ có xót như khi bỏ ra ngần ấy tiền mua mấy cốc bia không? Tôi chỉ biết rằng sách ở Việt Nam rất rẻ căn cứ trên giá bìa. Đương nhiên, nếu họ mua xong để lại phải đem ném đi, thì một hào cũng là quá đắt. Vì vậy, phải căn cứ trên từng cuốn sách cụ thể anh ạ. Mà điều này thì tôi không thể biết được.
. Nếu so với tiểu thuyết các nước khác thì tiểu thuyết Việt Nam có đáng để tự hào chưa?
- Là một nhà văn nghiêm túc, cũng như một kinh tế gia nghiêm túc, hay một người bình thường nghiêm túc thì cũng nên thường xuyên nhìn ra bên ngoài để biết mình đang ở đâu. Và theo tôi, thái độ tự trọng sẽ giúp mỗi người cần phải làm gì. Tôi vẫn cho rằng đa phần người Việt đang quá lạm dụng lòng tự hào và tôi cố để không bị gộp chung vào số đó.
Bóng tối hãy biến đi
Ngô Thị Kim Cúc, Báo Thanh Niên
Câu chuyện tiểu thuyết vừa thật vừa không thật, không thật mà lại rất thật, với không gian biến ảo mà tác giả dành để thi thố khả năng sử dụng ngôn từ của một người viết tiểu thuyết.
Cái tên làng Thổ Ô có lẽ không tồn tại trong đời thật, nhưng những cái chết kỳ bí của một số dân làng thì rất thật, chết bất đắc kỳ tử, chết nhanh chóng dễ dàng một cách quá bí hiểm, không giải thích nổi... Nếu chỉ căn cứ vào lời lẽ của lão-già-bóng-tối thì chính lão đã ra tay để thực hiện những lời nguyền rủa không kiềm chế trong đầu thằng Thượng mồ côi khốn khổ mỗi khi nó bị những kẻ kia giày đạp. Cái cách mà lão-già-bóng-tối tự nói về mình bao giờ cũng đầy tự đắc, bởi lão tin rằng mình có toàn quyền sinh sát và sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống nơi này. "Tao là một thằng đứng đắn... hơn bất cứ thằng đứng đắn nào trên đời... Tao nói là làm... Chứ không phải hứa suông rồi để đấy chục năm này sang chục năm khác... Tao luôn luôn biết ai cần gì...". Lão bảo trợ kẻ xấu, khiến cho cuộc sống vốn đã đảo điên càng thêm điên đảo, cung cấp cho bọn xấu khả năng và điều kiện để có thể xấu đến tối đa. Nhưng lão cũng chẳng buông tha thằng bé mồ côi, bởi chính sự trong trắng của nó hình như mới là cái mà lão thèm khát hơn cả.
Còn cái làng Thổ Ô khủng khiếp ấy, xét về mặt nhân văn và những chuẩn mực đạo đức thì có thể cho điểm không, bởi nó có quá nhiều yếu tố để giống một địa ngục hơn là đất sống cho con người. Đa số dân nơi đó có rất ít yếu tố người mà lại giống nhiều hơn với quỷ. Cái ác tràn ngập và hầu như không thể giải thích, không thể thay đổi, không cứu chuộc được. Cái ác như một bản chất mông muội và quái gở. Con người sinh ra là để làm ác, làm khổ người khác, sỉ nhục cuộc sống và hạ thấp chính mình. Con người chỉ là những con quỷ đội lốt, chỉ có dục vọng, không có lòng nhân, không có liêm sỉ, không có tâm linh, không có văn hóa, không có những gì cần thiết để cấu tạo nên mối quan hệ người - người.
Cung cách mà thằng Thượng bị đối xử cho thấy sự trong trắng không có chỗ trong cái làng quỷ ám này, một cái làng hết thờ thành hoàng dỏm lại thờ thành hoàng giả, tôn sùng toàn những điều không thật. Tình yêu thương mà thằng Thượng dành cho bà ngoại, cho ngôi làng, cho cuộc sống không có cơ tồn tại. Cái nhìn trong trẻo của nó bị vây kín trong gian trá, tội lỗi, lòng tham, sự vô đạo đức trơ tráo khắp chốn, từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ kẻ quyền chức đến thứ cùng đinh...
Lão-già-bóng-tối chỉ muốn nhốt nó trong vòng vây đen tối của mình, sau khi đã thao túng được mọi kẻ khác. Thằng Thượng chính là đối tượng đáng giá nhất mà lão muốn khuất phục.
Người đọc có thể thấy ghê tởm với hầu hết nhân vật, bởi hành động, ngôn ngữ, tâm địa... của họ. Những cách nói kiểu "Rồi thì đâu có đó, thịt chó có lá mơ, cầy tơ có rượu lậu... Nói cho biết San này đáng lẽ làm quan lớn đại nhân ngồi xe bóng lộn đấy nhé... Cha tổ sư những con đĩ ăn nhiều rửng mỡ, lấp mề, lú lẫn. Tao sẽ xiên đũa khóa mồm chúng nó lại cho mày xem... Khôn thì ăn người, dại thì người ăn, tục ngữ tục nghiếc mày không thuộc câu nào à..." đầy trong các trang sách.
Chọn lối viết giễu nhại thẳng thừng, tàn nhẫn, tác giả đã vẽ nên một thế giới người tăm tối đến mức không còn thuốc chữa. Cái làng Thổ Ô đáng sợ đó, trong mắt nhìn của một nhân vật: "lịch sử làng tôi... luôn được kể lại mà không tuân theo thứ tự thời gian. Mỗi người đều lồng mục đích riêng của họ vào... tranh thủ tô vẽ mình và hạ bệ người khác... Bé thì ăn gio ăn trấu, tắm nước ao tù, giun lãi ghẻ lở đầy mình, còn khi lớn lên phải đi làm cửu vạn, làm đĩ đực, làm con sen thằng hầu cho thiên hạ...". Một ngôi làng với những con người như thế trách sao không trầm luân trong cõi vô minh.
Thế nhưng, như một tín điều bất ngờ, ở những trang cuối cùng, mọi thứ đã thay đổi. Thằng Thượng đã không rơi vào bẫy lão-già-bóng-tối, đã giữ được mình và khiến lão phải chấp nhận thất bại. "Những kẻ đóng vai trò sinh sôi trong thế kỷ này thực ra là những kẻ đã chết từ thế kỷ trước. Và vì thế nó tiếp tục chỉ đẻ ra quá khứ... Nay nó đến hồi hạ màn... muốn đốt thì đốt, muốn cho vào sọt rác thì cứ việc tùy...".
Giã biệt bóng tối khẳng định thêm một cách dựng tiểu thuyết luận đề của tác giả Tạ Duy Anh.
Giã biệt bóng tối bằng gì?
Vân Phương lược ghi, Báo Thanh niên
Mới phát hành cách đây 3 tháng, tiểu thuyết Giã biệt bóng tối của nhà văn Tạ Duy Anh (NXB Hội Nhà văn ấn hành) đã nhanh chóng gây sự chú ý của dư luận.
Giã biệt bóng tối xoay quanh câu chuyện ở làng Thổ Ô với những cái chết kỳ bí của một số dân làng. Nếu theo lời của lão-già-bóng-tối thì chính lão là thủ phạm gây ra những cái chết trên, thực hiện những lời nguyền rủa không kiềm chế của thằng Thượng mồ côi mỗi khi bị những người đó giày đạp...
Một cuộc tọa đàm với nhiều ý kiến trái chiều về tác phẩm này đã diễn ra tại Viện Văn học, Hà Nội sáng 15.5.
Khen, chê đều có, nhưng hấp dẫn
Hội trường lớn của Viện Văn học chật cứng. Đến dự buổi tọa đàm có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà phê bình nghiên cứu đang công tác tại Viện Văn học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường Viết văn Nguyễn Du (cũ), Báo Nhân Dân, Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, NXB Hội Nhà văn cùng khá nhiều sinh viên, bạn đọc. Mối quan tâm của mọi người còn có thể do trước đó có tin đồn sách bị thu hồi. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện phó Viện Văn học cho biết mục đích cuộc tọa đàm là bước đầu chuẩn bị cho một hội thảo lớn về văn học Việt Nam đương đại.
Đã có 20 tham luận được gửi trước nhưng hơn ba tiếng đồng hồ, không khí tọa đàm rất sôi nổi vì phát biểu, tranh cãi trực tiếp. Nhà phê bình Bích Thu, phụ trách phòng Văn học VN đương đại mở đầu tọa đàm, đánh giá Tạ Duy Anh đã có thêm một thành công mới trong tiểu thuyết. Đến từ Đại học Sư phạm, từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh làm luận văn về Tạ Duy Anh, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Phượng đều đưa ra những đánh giá đầy tính học thuật, rất thuyết phục về Giã biệt bóng tối trong bối cảnh tiểu thuyết Việt Nam đương đại, so sánh với các tiểu thuyết trước của ông. Cả hai cùng cho rằng đây là một tiểu thuyết đáng đọc nhưng chưa đúng với kỳ vọng mà họ đặt vào tác giả của Lão Khổ, Đi tìm nhân vật... Phó giám đốc NXB Hội Nhà văn Nguyễn Khắc Trường kể về quy trình duyệt in cuốn sách và những xì xào quanh việc ra đời của nó. Ông khen tác giả là người bản lĩnh, đáng khâm phục, văn hay. Nhưng ông cũng hóm hỉnh dẫn lại lời Trần Đăng Khoa, rằng, nếu chọn 5 truyện ngắn Việt Nam kể từ khi có văn xuôi nghệ thuật thì không thể thiếu Bước qua lời nguyền và đặt câu hỏi: Nếu in 5 tiểu thuyết thì có tiểu thuyết của Tạ Duy Anh hay không, để thấy rằng, tiểu thuyết của Tạ Duy Anh chưa ấn tượng bằng truyện ngắn.
Còn nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, sau khi khen Giã biệt bóng tối hấp dẫn, lại dẫn Kafka, để nêu ra những bất cập của tác giả như còn để lộ vấn đề. Đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Thanh Tú có bài viết công phu gây ngạc nhiên bởi phát hiện tính "nhại ý thức" trong Giã biệt bóng tối, nơi thế giới bị lộn trái và chỉ có quỷ là hiền minh.
Một khởi đầu thành công
Khép lại tọa đàm, PGS Phạm Vĩnh Cư khẳng định tiểu thuyết luận đề là xu hướng chính hiện nay trên thế giới, vì thế giới bận tâm với việc đúc kết lịch sử chứ không mô tả lịch sử. Với Giã biệt bóng tối, ông không nói về thủ pháp nghệ thuật vì thấy không đáng so với vấn đề rất thâm sâu mà cuốn sách đặt ra, không chỉ cho Việt Nam. Ông cho rằng hàng ngàn năm qua nhân loại luôn tìm cách giã từ bóng tối mà không giã từ nổi vì họ không chịu nghe theo các hiền nhân, là bóng tối không thể bị xua tan bằng bóng tối. Họ lúng túng không biết giã từ bóng tối bằng cách nào. Vì thế phải chúc mừng Tạ Duy Anh bởi câu trả lời đó đã có trong Giã biệt bóng tối. Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với Nguyễn Khắc Trường là đọc Giã biệt bóng tối thấy chưa thỏa mãn.
Từ đầu đến cuối tọa đàm, nhà văn Tạ Duy Anh ngồi nghe như một độc giả, chỉ nói vài lời ngắn gọn. Bất ngờ nhất khi ông đề xuất, nếu kỷ yếu về tọa đàm được in thì ông muốn nó mang tên Bảy nỗi thất vọng về Giã biệt bóng tối. Nhà phê bình Nguyễn Hòa đã cảm ơn nhã ý ấy nhưng không đồng ý vì không muốn PR cho bất kỳ tác phẩm nào...
Nhìn chung, cuộc tọa đàm đã thành công hơn mong đợi, khơi ra được nhiều điều cần thiết cho sự phát triển văn học nước nhà. Viện Văn học sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tọa đàm khác, về tất cả các thể loại.
Nội dung khác
Robert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiTruyện ngắn của "phu chữ" Lê Đạt
03/05/2008Sưu tầmVăn học trẻ - khát vọng lối đi riêng
27/04/2008Tiểu QuyênCọng rêu dưới đáy ao
22/04/2008Tu bụi
05/04/2008Trần Kiêm ĐoànTình ảo
02/04/2008Hương Đinh