Đến với “thế giới số” – ai là ai?
“Giỡn với số” là tập tạp văn mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Một cuộc sống số được đặt ra để bàn thảo ở nhiều góc độ. Giọng văn của anh làm người ta hứng thú, say sưa và thậm chí tạo xúc cảm cho nhiều người muốn cầm viết viết theo.Người ta trước thời đại công nghệ thông tin, chỉ sống một đời sống (nếu coi đời sống tâm linh cũng chỉ là một phần của đời sống). Nhưng trong thời đại công nghệ thông tin, người ta tự khai sinh cho mình, nhiều hơn một đời sống. Cứ tạm chia, thời đại @, công dân @ sống hai đời sống ảo – thực.
Những trang viết của Nguyên viết về hai đời sống đó. Anh tìm thấy đời sống này trong đời sống kia và ngược lại. Anh tìm được, nói được cả mối dây liên kết của hai đời sống đó. Giỡn với số mà như sống với số. Vì có rất nhiều điều để giật mình, để chiêm nghiệm, để dấn thân, để yêu thương với đời sống, dù ảo hay thực.
Xin được bắt đầu cầu chuyện của chúng ta bằng câu bạn đã viết trong Một ngày không nét...(tạp văn Giỡn với số - Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Trẻ - 2006): Khi mạng đã trở thành một thế giới để người ta buôn bán, giao lưu học hỏi và sống đúng nghĩa. ở đó, mỗi ngày con người thế giới xây hàng tỉ tỉ ngôi nhà và ... định cư. Và “một ngày không có internet là một ngày ngôi nhà, quê nhà của tôi bị... đóng cửa”. Xin hỏi một cách “gây sự” là nói như thế có cực đoan quá không?
• Tôi chấp nhận mang tiếng “quá cực đoan” để nhìn và gọi tên đúng một thực tế như nó diễn ra. Vì tôi cần đi tìm, nhận biết và mong một sự đồng cảm của người trong cuộc, những cư dân mạng hơn là đi chờ một sự chấp nhận hay làm vừa lòng những người không đủ khả năng bước vào, luôn đứng ngoài cuộc và chê bai, chỉ trích đời sống số.
Tôi lấy làm lạ, những gì được nói khác đi, về một thực tế khác, đều bị cho là một kiểu cực đoan theo hướng tiêu cực? Nếu cực đoan đến cùng vì những giá trị mới, chống lại sự bảo thủ để bảo vệ và đón trước những giá trị sẽ định hình thì theo tôi, là một điều nên. Vì sự phong phú của cuộc sống. Cực đoan theo hướng bảo thủ, cổ hủ, lạc hậu và kéo lùi sự phát triển... thì mới đáng lên án chứ!
Tôi nghĩ “cực đoan” không có nghĩa là “tiêu cực”. Trong trường hợp này cũng thế. Chỉ có điều - chẳng lẽ không có internet người ta sẽ không còn cánh cửa nào nữa để ra với thế giới ư?
• Có. Nhưng cánh cửa mở ra với thế giới thực ra không quan trọng cho bằng cái tâm thế của một thời đại, con người sống chung (chứ không chỉ sử dụng đơn thuần như chúng ta từng sử dụng cuốc, cày, giấy mực…) phương tiện công nghệ thông tin. Trước đây, chưa có internet, người ta đã có nhiều cách để mở đường ra với thế giới. Nhưng hẳn rằng, cái “đường truyền tư duy” ấy khác với “đường truyền tư duy” của người trẻ sử dụng công cụ internet để nhận thức thế giới thời bây giờ.
Tôi nghĩ rằng, trước đây con đường đi ra với thế giới là đường làng và người ta phải quá nhọc công mày mò tìm lối thì bây giờ với sự hỗ trợ của Net, con đường đó trở thành một xa lộ, với điều kiện người đó phải trang bị một năng lực, kỹ năng thích nghi với thời đại mình đang sống. Nếu đi ra xa lộ mà ấm ớ, ù ù cạc cạc thì dễ bị… hoang mang và chưa kể là có thể xảy ra những “tai nạn” đáng tiếc!
Bạn viết: “Với những người yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh mà phải xa nhau thì chiếc điện thoại di động đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ là những Ngưu Lang, Chức Nữ không cầu Ô Thước, chỉ có những dải sóng mobile làm nhiệm vụ “nối hai đầu nỗi nhớ”. Song phương tiện hiện đại đến mấy thì ở đây vẫn thiếu điều gì đó, rất thường trực.” (Ngưu Lang Chức Nữ thời hiện đại) Điều gì đó ...
• Khi nào cái xúc cảm, sự rung động kia vẫn còn là điều bí mật thì những nụ hôn bằng biểu tượng, Icon hay qua tin nhắn mobile đều trở nên thiếu thốn. Mạng càng rút ngắn khoảng cách hai con người yêu nhau nhưng chị biết đấy, người ta không thể chăm sóc nâng niu đúng nghĩa, hôn nhau hay làm tình qua mạng được. Điều đó lật đổ quan niệm cho rằng chỉ cần yêu bằng tâm hồn hay con tim, ý nghĩ... trong truyền thống. Người ta yêu nhau trọn vẹn, đủ đầy hơn nếu rung động cả với “phần hồn lẫn phần xác”. Chúng ta nên không ngần ngại khi nói điều đó.
Vậy tôi tin vào tình yêu thực ở thế giới ảo. Nhưng chỉ sống với chat, email, nhắn tin, gọi điện suốt ngày show- cam hay hôn nhau qua mạng thì... thú thật, tôi không yêu nổi!
Phải chăng đây cũng là một trong những lý do mà những người viết hiện nay đã mạnh bạo hơn khi bước qua những trang viết về tình yêu theo kiểu truyền thống? Bạn nghĩ sao?
• Net là kênh để người ta tự do, mạnh dạn bày tỏ những điều nhạy cảm lâu nay người ta nghĩ mà không dám nói hay nói mà không được chấp nhận. Người viết sống với không khí văn học mạng có thể cũng tự do hơn trong ý thức, tư duy cầm bút… và công bố những thứ trước đây bị cho là “bất bình thường”, “có vấn đề”. Trong đó, có những trang viết mà chị cho là “mạnh bạo bước qua những trang viết về tình yêu theo kiểu truyền thống”!
Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Sự tự do trên Net mà bạn đề cập đến ở trên cũng vậy. Bạn nghĩ sao?
Trong bối cảnh của chúng ta, tôi thích nhìn nhận nó ở mặt tích cực
Trong Tản mạn email bạn viết: “Tôi đã quen ngóng đợi và quen với hình ảnh bác đưa thư với những vòng xe trễ nải dừng trước ngõ, vuốt mồ hôi, cất tiếng : “Nhà có thư!”. Những lá thư được đưa đến tận tay kia đã bay qua biết bao nhiêu không gian, xa cách vẫn lành lặn, tươi nguyên mầu mực. Thật hồi hộp khi cắt chiếc phong bì ra, tay toi chạm được nét chữ thân quen, mắt tôi thấy được từng con chữ và mũi tôi nghe được mùi giấy thơm tho...”. Song giờ đây người ta dùng email, những lá thư không sợ thất lạc, tốc độ đảm bảo,và cước phí rất thấp...” . Cuộc sống đổi thay nhưng phải chăng có những điều không hề thay đổi?
• Những thay đổi về tiện nghi, điều kiện sống luôn làm cho người ta có những cái nhìn khác, suy nghĩ khác về một vấn đề đã xảy ra và đã trở thành thói quen trong quá khứ. Nhưng với tôi, hình như cũng với nhiều người trẻ, những tiếc nuối quá khứ cảm tính có khi không đủ mạnh bằng sức hấp dẫn của những cuộc khám phá và ý thức kiếm tìm những giá trị mới.
Bằng chứng là từ khi sử dụng email, tôi ít viết thư tay hơn. “Những điều không thể thay đổi” mà chị nói, hóa ra chỉ là một thói quen, một quán tính hay sự cảm tính nhất thời. Mỗi ngày check- mail trên hai lần và bao giờ tôi cũng có cảm giác hồi hộp chờ đợi những email mới của bạn bè, người thân không kém trông chờ đợi tiếng kêu “Nhà có thư!” của ông bưu tá già năm xưa... Hay sống quen với cái mobile, thỉnh thoảng đi du lịch xa ở nơi không sóng, tôi cứ có thói quen leo lên mái nhà hay cầm cái điện thoại huơ huơ lên trời để tìm sóng, nhận tin nhắn của người thân. Vậy có sự thay đổi đó chứ. Vẫn là chờ email, chờ điện thọai đấy thôi, nhưng tôi dám chắc rằng tâm trạng của một người chờ email và mobile bây giờ khác tâm trạng của chú nhóc năm xưa chờ thư nhiều. Những hình tượng chờ đợi đã khác và tâm trạng của chúng ta cũng đã khác đi nhiều !
Vậy liệu có thể nói rằng những cảm xúc của chúng ta ngày nay – trong thời đại số này – đang mất đi cái đẹp nguyên sơ ?
• Có lẽ khi sống và đặt mình hoàn toàn trong dòng chảy, tinh thần đời sống số, thời đại số, người ta sẽ thấy nó đẹp vẻ đẹp mới, những xúc cảm mới, hiện đại hơn. Không nhất thiết cái đẹp bao giờ cũng phải “nguyên sơ”!
“Chỉ cần một từ khoá, một học sinh chỉ tốn vài giây để search (tìm kiếm hay lên forum truy cập, trao đổi thông tin, tư liệu cần thiết với sự hỗ trợ tối ưu của mạng. Trong khi đó, nếu người thầy cổ hủ, ù ù cạc cạc công nghệ thông tin thì chuyện đọc sách trước trò một đêm để soạn giáo án có khi đã là lạc hậu và chậm chạp trên đường dẫn về chân lý. Vậy nên, vai trò người thầy trong thời đại mới cần được nhìn nhận lại. Hẳn người thầy không thể là thợ đứng khuôn trong lò bánh mì” (Tạp văn Thầy giáo hay thợ lò bánh mì). Bàn về vai trò của người thầy trong thời đại mới, theo bạn, yếu tố cần và đủ là gì? Kinh nghiệm có ý nghĩa như thế nào trong trường hợp này?
• Hình như xã hội hiện đã đang dần đẩy hình tượng những người thầy khắc khổ vào quên lãng, quá khứ. Tôi từng là một giáo sinh (trước đây học sư phạm), người thầy hướng dẫn chuyên môn cho tôi đã đi dạy văn từ năm tôi chưa ra đời. 24 năm sau vẫn với một bộ giáo án giấy vàng, rách nham nhở. 24 năm một cách cảm thụ và truyền đạt cũ. Cái khác mảy may có là hình như lâu lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉnh sửa sách hướng dẫn giảng dạy một lần và những thầy cô giáo phải “ôn luyện” trước khi truyền đạt bài học cho học sinh. Lúc ấy tôi và thầy đã xảy ra vài cuộc tranh luận. Sau đó tôi thương thầy nhiều hơn là hậm hực. Vì tôi nghĩ rằng, có những ông đồ của Vũ Đình Liên đang dần “biểu diễn sự biến mất” trước mắt chúng ta. Họ bị thực tế phủ định. Một thế hệ học trò mới vào lớp ngáp ngao ngán trước giờ sử, giờ văn chỉ bởi vì bọn chúng không tìm thấy ở đó sự liên hệ sống động nào với đời sống, nhịp sống bên ngoài.
Mặt khác, chúng cần những phương pháp, kỹ năng để tiếp cận kiến thức hơn là cảm giúp, tư duy giúp. Yếu tố cần là chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm chưa đủ. Vâng, còn một cái tâm. Nhưng cái tâm mới của người thầy còn đặt ở chỗ người đó phải tự trang bị cho mình một kỹ năng truy cập và lĩnh hội những phương tiện thông tin tri thức tốt nhất để làm vốn, nguồn tri thức dồi dào, đủ sức đưa học trò tham gia khám phá những dòng kiến thức lớn của nhân loại chứ không dừng lại ở giáo án giáo khoa.
Thầy giáo phải là người biết click chuột trước học trò một đêm chứ không chỉ là người biết đọc sách và hiểu biết trước học trò một buổi sáng.
Viết về tâm trạng của lớp trẻ hiện nay, bạn cho rằng: Một sự sụp đổ và thiếu niềm tin vào chính mình, chúng muốn nổi loạn với mình. Tuổi trẻ buồn. Tuổi trẻ dễ bốc đồng, xốc nổi. Họ đập phá chính mình đến đáng thương... (Tạp bút Tuổi trẻ buồn).Phải chăng họ - những người trẻ - lúng túng chưa tìm được con đường đi cho mình? Hay vấn đề là ở chỗ nào?
• Tôi nghĩ tuổi trẻ thời nào cũng băn khoăn tìm kiếm con đường và muốn khẳng định sự tồn tại, giá trị sống của mình. Trong hiện tại, tuổi trẻ không thể tiếp tục được đáp ứng cái gọi là lý tưởng cũ hay bị áp đặt bởi lối nghĩ, lối sống, lối quan niệm của lớp cha chú. Họ đang trằn trọc thậm chí đập phá những ô khung ràng buộc truyền thống để tìm giá trị riêng cho mình. Tôi nghĩ, nên để mọi thứ tự nhiên như nó diễn ra. Bởi không ai khác, chính họ đang ý thức chịu trách nhiệm trước đời sống của chính họ. Một cuộc kiếm tìm của khẳng định giá trị tuổi trẻ trong thời hội nhập, toàn cầu chắc chắn gay go còn hơn sự tìm đường của cha anh trong thời chiến nhiều.
Một trong những bài viết khá gây sốc trong tập sách của bạn đó là bài Đi shop ảo mua bán ... người thật. Mặt trái của “cuộc sống số” chăng?
• Đời sống nào cũng có những mặt trái của nó. Tôi không đủ khả năng và tài giỏi để lật mặt trái của đời sống số đâu. Và chị nên nhớ chuyện đi chợ mua người trong đời sống thật cũng có đầy rẫy trên mặt đất, nói chi đến một đời sống ảo đang được vận hành bởi những bộ óc con người!
Tình yêu qua mạng? Lãng mạn hay không lãng mạn? Thực hay ảo?
• Tình yêu trên mạng có sự lãng mạn riêng, với ngôn ngữ thời đại của nó. Đừng bắt mấy netizen bây giờ phải “thương nhau bụi cỏ cũng ngồi” như các cụ xưa. Họ cần một đường truyền tốt để ngồi trên mạng (online) với nhau suốt đêm nếu không gặp được nhau. Đó là một thế giới ảo nhưng tôi tin có những giá trị thực. Tôi đã từng có tình yêu qua mạng. Và tôi cũng có những tình bạn tốt qua mạng (Chỉ cần một trái tim và một... cái máy tính).
Bạn viết: Đến với games online (trò chơi trên mạng), khoảng cách giữa một tay khủng bố và một dũng sĩ chiến đấu vì nghĩa cử cao đẹp mong manh như sợi chỉ. Bạn có thể trở thành tên khủng bố với những cú nhấp phím điêu luyện và khát máu trong trò game này để tiêu diệt. Ngược lại, bạn sẽ là người anh hùng kể cả khi rơi vào tình trạng “game over”. Nhưng khoảng cách mong manh ấy, liệu có gì chắc chắn đây?
• Ngay cả trong đời thực những lằn ranh ấy cũng thật mong manh, không xác định được tọa độ bao giờ. Trong những chuyện cực kỳ nghiệm túc, những lằn ranh thật giả của con người tham gia vào đó cũng thật mong manh, nói chi đến những con người tham gia vào một trò chơi trong thế giới ảo! Tôi nghĩ thông qua những trò chơi như thế trong thế giới ảo, có khi con người dễ dàng quan sát và khám phá chính mình hơn!
Những thần tượng của tuổi teen, những cuộc chiến trên mạng để tranh cãi về thần tượng, nhiều khi chỉ là chuyện một cái nốt ruồi. Không hiểu sau này những cô bé cậu bé ấy sẽ nhớ về những chuyện này ra sao nhỉ?
• Tôi nghĩ việc của những người đang leo lên đỉnh núi là hãy tìm cách leo với cảm xúc, hứng thú lẫn sức lực và kỹ năng của mình. Hắn ta không cần thiết phải tưởng tượng đến lúc lên đỉnh, sẽ tự xấu hổ thế nào về chuyện mình leo núi với một... cái quần rách đáy! Có nhiều loại người trẻ không dám bày tỏ cái thích, cái nghĩ của mình một cách thẳng thắn và hồn nhiên. Họ thường xuyên ngồi dưới chân núi với cái quần thủng đáy và trêu bạn bè mình rằng; “Ê, mai mốt lên núi mày sẽ phải xấu hổ đấy!”
Bạn viết: “Chỉ cần một trái tim và một cái máy tính”. Sẽ ra sao nếu thiếu một trong hai thứ?
• Thực ra, đó là câu tôi nhặt được trên một forum của một cư dân mạng. Nó chưa thật đầy đủ lắm. Để gọi là đầy đủ đối với người trẻ trong thời hiện đại thì quả là không sao kể hết. Mỗi người có những tiêu chí cho mình.
Cuộc sống thời hiện đại, con người ta bị lệ thuộc vào nhiều thứ hơn, bạn có nghĩ như vậy không?
• Tôi không nhìn những phương tiện ở hướng “bị lệ thuộc” mà thường nhìn nó ở góc hưởng thụ và thưởng thức. Có khi tôi đứng trong nhiều thứ có khi tôi lại tách ra để nhìn nó một cách khách quan và sòng phẳng hơn.
Và văn chương thời hiện đại, cuộc sống số thâm nhập vào ở mức độ nào, theo cách “bắt mạch” của bạn? Văn chương đã thực sự “cập nhật” cuộc sống sôi động, thay đổi qua mỗi ngày, mỗi giờ hay chưa?
• Rất tiếc, tôi chưa có ý định “bắt mạch”. Nhưng chỉ thấy rằng sự quan tâm của nhà văn Việt Nam đến đời sống số chưa nhiều. Cái tâm lý dị ứng kỹ thuật vẫn còn kinh khủng lắm. Người ta không sống với nó một cách hứng thú và thích ứng nó một cách tốt nhất thì câu chuyện đi chậm bước đều như xưa là dễ hiểu. Tôi thấy những bạn viết trẻ của mình hầu hết đã viết bằng máy tính, viết trên forum, blog... Họ viết và công bố tác phẩm tự do hơn, không thỏa hiệp với một thực tế hay cơ chế còn mang tính “chậm cảm”, thức ứng chậm.
Tuy nhiên, chuyện “cập nhật” như chị nói hình như chức năng báo chí làm tốt hơn văn chương. Cuốn tạp văn về đời sống số mà chúng ta đang trò chuyện thực ra không gì mới, thậm chí có những điểm ngớ ngẩn và mang sự hoảng hốt của một kẻ ù ù cạc cạc lần đầu tiếp cận học cách thích nghi với thế giới số mà thôi. Tôi vẫn xem nó nặng tính báo chí hơn văn học. Nó được tập hợp từ những bài viết tôi đứng mục trên một số tờ báo, tạp chí công nghệ thông tin trong thời gian qua. Nhờ nó, tôi tiếp cận và khám phá thế giới số, văn hóa sống chung với công nghệ một cách tử tế để thai nghén những tác phẩm sâu hơn, bề thế hơn nay mai.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiĐọc sách Suối Nguồn
19/12/2007Hoàng Hải VânThiên thần và ác quỷ
03/12/2007Nhật QuỳnhKafka bên bờ biển
21/11/2007Minh ThiThực nghiệm tâm linh
12/10/2007R.TagoreNhà văn Nhật Chiêu: Chơi cùng giấc mơ
06/04/2007LINH THOẠI thực hiện