Công ty và Mắt bão

08:41 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Chín, 2008


Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Có lúc nhìn lại nhân vật, tôi cũng hoảng!
(Thu Đông thực hiện, Thanh niên)

Tháng 3.2008, Phan Hồn Nhiên phát hành truyện dài Công Ty (NXB Trẻ), tháng 5.2008, chị phát hành tiếp truyện dài Mắt Bão (NXB Văn Nghệ). Cả hai đều viết về giới trẻ (sinh viên, nhân viên văn phòng) và đều được đón nhận nhiệt tình...

* Chị làm việc thế nào để có hai bản thảo gần như cùng lúc?

- Tôi bắt đầu viết Công Ty từ đầu năm 2006, cuối năm thì hoàn tất, đều đặn mỗi tuần một chương. Mắt Bão cũng làm việc tương tự, năm 2007. Nhưng phải đến năm nay, cả hai mới được xuất bản trong thời gian khá ngắn.

* Cách viết Công Ty có vẻ kỹ thuật hơn so với Mắt Bão, vì sao vậy?

- Bắt tay vào viết Công Ty, tôi lưỡng lự rất lâu. Đây là truyện dài đầu tay của tôi. Tôi đặt mục tiêu phải điều khiển nhân vật qua tiến trình tâm lý, đặc biệt quan tâm tới kỹ thuật. Chọn cách để cho từng nhân vật tự sự, tôi có thể hóa thân, khảo sát tâm lý thoải mái hơn cách viết thông thường. Thoạt đầu, cách viết này có vẻ dễ dàng và hứng thú. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy khó khăn. Nhưng chính khi "điên cuồng" tháo gỡ những gút mắc nảy sinh, tôi rút được nhiều kinh nghiệm quan trọng. Những kinh nghiệm ấy đã giúp ích tôi trong Mắt Bão.

* Cả hai truyện đều mô tả cuộc sống giới văn phòng. Chị có nhiều hiểu biết về giới này?

- Tôi không có điều kiện giao du nhiều. Bù lại, tôi là người tò mò, háo hức với những người, những giới khác mình. Với tôi, sự ngạc nhiên thường dẫn đến hai trường hợp, hoặc là buồn cười khủng khiếp, hoặc "kích động" dữ dội. Nói cách khác, đó là cảm hứng. Viết là để tìm hiểu, giải thích sự ngạc nhiên đó.

* Việc làm báo gây khó khăn hay thuận lợi cho việc sáng tác của chị?

- Tôi vẫn thường xuyên mang bài vở về nhà xử lý. Nếu có khó khăn, thì đó là việc làm báo
lấy đi khá nhiều sức lực và thời gian. Nhưng bù lại, việc làm báo mang đến nhiều thứ rất đáng giá. Đó không phải thứ thực tế thô sơ kiểu đi nhiều, nghe nhiều nên biết nhiều. Mà quan trọng nhất, với tôi, là sự tỉnh táo để nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ.

* Bằng cấp về thiết kế có hỗ trợ cho việc viết văn của chị?

- Những người học thiết kế có điểm chung, là say mê kỹ thuật mới, thích thú các thay đổi, thử nghiệm và... mau chán. Điều này tạo ra vài ưu điểm lẫn không ít khuyết điểm. Khi viết truyện dài, tôi nghĩ kỹ về bố cục, trình tự, điểm nhấn... Nhưng trong lúc thực hiện, có khi lại sa đà vào những hứng thú mới phát hiện, thế là câu chuyện bị lái sang hướng khác.

* Chị có phải huy động trí tưởng tượng nhiều?

- Cho đến thời điểm này, những gì tôi viết đều hư cấu. Khi bị lệ thuộc vào bối cảnh hay nhân vật có thực, tôi mất hết hào hứng, không thể đẩy nhân vật đến cùng. Tuy nhiên, những điều mọc ra từ tưởng tượng, thực ra cũng chỉ là hình chiếu của các thực tế tôi từng trải qua.

* Chị có làm việc theo kiểu ngồi vào bàn đúng lúc, bất kể có cảm hứng? Và như thế, với cái đầu lạnh, liệu chị có cùng yêu đương, khổ đau, thất tình, thậm chí tự tử... với nhân vật của mình?

- Từ nhỏ, tôi có thói quen học liên tục, đến lớn thì làm việc liên tục. Tôi phát hiện, có dạng cảm hứng xuất hiện trong quá trình làm việc. Vì thế, việc ngồi vào bàn đối với tôi như một hứa hẹn, chẳng có gì nặng nề đáng sợ. Với từng nhân vật, tôi có cách ứng xử khác nhau. Có nhân vật tôi viết bằng lý trí, phân tích tối đa. Có nhân vật, tôi viết bằng cảm xúc, bằng sự hóa thân. Nhưng loại nhân vật sau rất hiếm vì tôi biết mình là người hơi lạnh, kém sinh động, làm nhân vật thiếu sức hấp dẫn. Khi viết, tôi chỉ sống với nhân vật, theo đuổi câu chuyện, mọi thứ bên ngoài chẳng tác động gì. Nhưng khi đã viết xong, tôi trở thành người ngoài, hoàn toàn không dính líu. Thậm chí, có lúc nhìn lại nhân vật, tôi cũng hơi hoảng.

* Chị nhận được phản hồi thế nào từ bạn đọc trẻ?

- Những bạn trẻ trung, năng động thì thích Công Ty. Những bạn chững chạc, sâu sắc thì thích Mắt Bão. Cũng có bạn thẳng thắn nhận xét nhân vật này chưa "đã", nhân vật kia hành động thiếu logic... Nhưng các bạn đều tìm thấy điểm tương đồng giữa mình và nhân vật.

* Chị giải trí bằng cách nào?

- Thú vui của tôi là thiết kế nội thất. Tôi thấy dễ chịu khi được sắp xếp không gian, lựa chọn màu sắc, phân tích kiểu dáng, nhìn ngắm chất liệu... Cuối tuần, nếu rảnh, tôi thường tư vấn hoặc thiết kế nội thất giúp bạn bè. Khi hoàn tất thì chụp hình, ngắm nghía. May là bạn bè cũng tin cậy, nên tôi được thỏa mãn niềm vui. Tối, tôi dành một, hai tiếng đọc sách. Gần đây, tôi hay đọc lại tác phẩm của Paul Auster.


Công Ty
Tác giả: Phan Hồn Nhiên.
Nhà xuất bản: Nxb Trẻ
Số trang: 452

"Công Ty" Câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ trong một công ty chuyên về thiết kế. Hầu hết các nhân vật đều còn rất trẻ, mới bước vào đời, bươn chải, với những mục tiêu và khát vọng riêng. Những cô gái chàng trai đã hớn hở sống và trải qua các biến cố lớn với cảm giác tự tin, tuyệt vọng, hy vọng…, những bài học về sự đánh đổi, trả giá và cảm nhận hạnh phúc.

Nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên đã thành công khi phác họa chân dung một bộ phận trí thức trẻ hiện đại qua truyện dài Công Ty. Với văn phong giản dị, cách sắp xếp các “scene” gần với tác phẩm điện ảnh gay cấn, câu chuyện của cô chắc chắn sẽ lôi cuốn những độc giả trẻ.


Trích đoạn

Buổi sáng thức giấc bên cạnh Peter Yeo, với tôi, chưa bao giờ là một cảm giác dễ chịu. Không chỉ lời nói hay ý nghĩ, mưu toan giấu kín gây nên nỗi sợ hãi, mà ngay cả bản thân con người ông ta khi gần gũi nhất, từ làn da cho đến hơi thở cũng phả ra làn hơi giá lạnh. Peter thường ghé qua chung cư đột xuất. Một đôi lần, tôi tỏ ý than phiền. Có thể tôi đi học ngoại ngữ buổi tối hoặc bận ghé qua cửa hàng mua sắm gì đó. Tôi muốn được báo trước để chủ động hơn về thời gian. Peter nhìn tôi bằng đôi mắt trống rỗng: “Nếu không có gì che giấu, tại sao em cần phải được báo trước?”. Tôi lặng im, chẳng tìm ra cách giải thích nào khả dĩ. Xuất hiện nửa như một chủ nhà lạnh nhạt, nửa như một vị khách ngạo mạn, Peter uống một chút rượu rồi bảo tôi vào giường. Đúng 2 giờ sáng ông ta rời đi, mọi hành động êm ru, như thể tay chân ông ta bọc kín bằng những miếng đệm chống âm thanh. Peter không biết tôi rất tỉnh ngủ. Mọi hành động ông ta đều được tôi quan sát qua đôi mắt khép hờ. Bóng người mặc quần áo hằn lên trong đêm tối. Cách ông ta hút vội điếu thuốc cho tỉnh táo. Cặp kính trắng lóe sáng khi phản chiếu thoáng qua bóng đèn hắt ra từ phòng tắm. Rồi ông ta rút ví, kiểm tra lại số tiền xem có bị lấy trộm hay không... Nhiều lần như thế mà tôi vẫn không sao quen được. Tôi nín thở, lặng đi vì bị sỉ nhục. Hệt như một kẻ bị ma ám, tôi luôn tự nhủ phải tẩy xóa những hình ảnh ấy ra khỏi óc càng sớm càng tốt.

Cách đây hơn một tháng, hơi khác thường, Peter đến sớm. Đi làm về, tôi đã thấy ông ta ngồi trong salon, uống rượu và mải mê theo đuổi ý nghĩ nào đó. Nghe tiếng cửa mở, ông ta nhìn lên, mỉm cười, ánh mặt dịu dàng khác lạ. Bất kể tôi đang nấu cơm trong phòng bếp, ông ta bước tới ôm tôi từ phía sau. Chảo mì cháy đen.

... Tôi uể oải cựa mình trên gối. Sáng chủ nhật dài. Tiếng nước loang toang bên trong phòng tắm là âm thanh duy nhất khua rộn sự im lặng. Tôi với tay bật nút dàn máy nghe đĩa. Một bài hát tiếng Hoa xưa cũ của Đặng Lệ Quân rỉ ra uể oải. Vỏ đĩa có lời đề tặng âu yếm và chữ ký của Hòa vứt dưới thảm. Peter đã tìm thấy đĩa hát trong đống đồ đạc của tôi ư? Khoảnh khắc rất ngắn, tim tôi như ngưng đập. Sinh nhật tôi cách đây gần một năm, Hòa đã tặng tôi đĩa nhạc. Lúc ấy, anh mới đăng ký học một lớp tiếng Hoa. Học ngoại ngữ bằng âm nhạc luôn là một cách học thú vị. Thú vị hơn nữa khi chia sẻ niềm vui ấy với người yêu. Hòa từng nói với tôi như vậy. Tôi nghe đĩa nhạc có kèm lời dịch mà anh tặng đúng một lần, không thiết tha gì. Dù lời lẽ ca từ cần phải mơ mộng khoa trương đôi chút, nhưng thứ tình yêu chỉ là hẹn hò, nhớ nhung, là ánh trăng, lá thu bay và hoa hồng đọng sương vẫn khiến tôi cồn lên cảm giác khó chịu. Liệu người ta có thể cảm nhận hết thảy những điều lãng mạn đó khi trong bụng phải tính toán từng bữa cơm, từng lít xăng đổ vào xe để chạy, ruột gan lúc nào cũng cồn cào nỗi lo khoản tiền điện nước phải đóng cuối tháng? Hòa khác. Anh tin rằng chính những thứ đó mới là phần quan trọng nhất của tình yêu. Tôi rời xa Hòa, vì anh nghèo, gắn bó với anh đời tôi vô vọng, nhưng cũng là vì tôi căm ghét những ý nghĩ viển vông như thế. Tôi đã cất tất cả đồ đạc liên quan tới Hòa vào một chỗ khuất. Chẳng rõ vì sao Peter lại lôi ra được cái đĩa nhạc ngớ ngẩn này. Tôi với tay tắt phụt đĩa nhạc. Peter hiện ra ngay, quấn ngang người mảnh khăn bông. Ông ta hất cằm, ra lệnh:

- Mở nhạc lên đi!

- Tôi không muốn nghe bản nhạc chết tiệt ấy! - Tôi phản đối.

- Đặng Lệ Quân hát, chứ không phải là đồ chết tiệt nào hết - Peter nói khẽ.

Thật lạ lùng và lố bịch nữa, một kẻ như Peter lại quan tâm đến âm nhạc. Peter chờ đến khi tôi mở lại bài hát buồn thảm ấy, rồi mới quay trở lại vào trong phòng tắm. Bất chợt, tôi nhận ra hình như ông ta đang khóc.

Ánh nắng luồn qua lớp ren trong suốt bên ngoài, in bóng những mũi tên lên tấm màn lụa màu vàng kim chói mắt. Vài lần, tôi đề nghị Peter Yeo cho người thay rèm bằng một màu khác dễ chịu hơn. Nhưng ông ta không đồng ý. Mọi thứ trong phòng ngủ phải được giữ y nguyên như khi Khanh ở, Peter ra lệnh. Từ chậu lá xanh, cho đến tiểu cảnh nước chảy, cho đến tấm gương đặt bên cạnh giường. Mãi về sau này, tôi mới đoán ra, ông ta tin vào thuật phong thủy. Phải chăng, tôi cũng là một phần mà ông ta tính toán thấy cần phải có, trong một giai đoạn nào đó trong đời, để làm ăn hanh thông, để đảm bảo tài lộc?

Một tối, mang về từ Red Sun nỗi uất ức vì một dự án bị phá vỡ, tôi đã ném vỡ tấm gương trước mặt Peter. Tấm gương nhỏ, chẳng đáng bao nhiêu tiền. Thế mà ông ta giận điên lên, vặn tay tôi ra sau đau điếng.

- Ngày mai, ông thừa sức kêu người tới thay tấm gương khác. Cái đồ vứt đi ấy! - Tôi đã gào lên.

- Câm đi! Cô nghĩ mình là ai? Cô thuộc về tôi, nên cô cũng chỉ là một đồ vật trong ngôi nhà này thôi, hiểu chưa? - Peter giận dữ, rít lên qua kẽ răng.

Câu nói quất vào tôi như một lằn roi duy nhất, thẳng thừng, cho tôi biết tôi là ai trong mắt Peter. Tôi khuỵu xuống sàn vì nhục nhã và đau đớn. Một mảnh kiếng vỡ cứa vào, làm đầu gối tôi chảy máu. Tôi lảo đảo đứng dậy, nghiến răng không để rơi nước mắt. Thế nhưng, hết sức bất ngờ, Peter thình lình lao đến, ôm chặt lấy tôi. Tôi không sao chống cự được ông ta vào lúc ấy.

Lúc hai giờ sáng, Peter tỉnh giấc, nhưng không bỏ về mà một lần nữa quờ tay ôm lấy tôi. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy ông ta để lộ chút tình cảm. Ông tìm kiếm một thứ gì đó trong người tôi, trong đầu tôi. Rồi ông ta thì thào xin lỗi, vì đã làm tôi đau. Peter trở dậy, xem kỹ vết thương của tôi nơi đầu gối. Sự ân cần của ông ta khiến tôi sợ hãi chẳng kém gì lúc ông ta im lặng lạnh lẽo. Tôi không hề nhận ra gã chủ với làn da lạnh như kim loại, với những nhận xét cay độc có thể buông ra bất cứ lúc nào. Peter biến thành một kẻ hoàn toàn khác lạ. Trong lúc bấn loạn đó, tôi không nhận ra Peter không hề sử dụng Durex như thường khi...

Một tháng liền sau đó, tôi không gặp Peter. Tại Red Sun, mọi người đều nhẹ nhõm khi Peter vắng mặt. CD Nguyên thông báo lý do Peter về nước là giải quyết việc gia đình. Vợ ông ta gặp tai nạn ô tô. Tôi choáng váng nhận ra ngày vợ Peter chết cũng chính là cái đêm ông ta biểu hiện tình cảm khác thường với tôi. Thật khủng khiếp, vợ chết và ăn nằm với một cô gái khác. Cô gái đó chính là tôi. Ý nghĩ ám ảnh đến nỗi tôi không sao nhúc nhích tay chân. Buổi chiều hôm ấy, tôi như kẻ thất thần. Ngỡ tôi làm việc kiệt sức, CD Nguyên đưa tôi về nhà. Lần đầu tiên, anh muốn lên căn hộ tôi sống xem sao. Điều này, tôi mong muốn từ lâu. Chỉ cần anh ngủ lại với tôi một lần, mọi việc sau đó sẽ diễn tiến dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng, đêm đó, tôi không sao chịu đựng nổi. Tôi đã từ chối Nguyên.

Dạo gần đây, sức khỏe tôi có vài điểm bất thường. Thể chất tôi vốn khỏe mạnh. Vậy mà tôi lại bị nhức đầu và mệt mỏi liên tục. Tôi gầy rộc đi, hệt như có một sinh vật nào đó đang ăn mòn tôi từ bên trong. CD Nguyên lo lắng mỗi khi nhìn tôi. Anh nhất định bắt tôi đi khám sức khỏe. Lần lữa mãi, sáng thứ năm, tôi xin nghỉ nửa buổi, ghé đến bệnh viện. Thật nhanh chóng, bác sĩ vui vẻ chúc mừng. Trước cái tin báo khủng khiếp không hề mong đợi như thế, tôi biết làm gì khác ngoài việc giữ vẻ mặt bình thản và mỉm cười. Một nụ cười đau nhói. Bước ra khỏi phòng khám, tôi bước đi loạng choạng. Lời nói của bác sĩ mãi âm oang trong đầu tôi: “Cô đã có thai... cô đã có thai...”

Peter Yeo vừa về thành phố. Ông ta đã trở lại bình thường. Tôi có nên báo tin cho Peter biết hay không? Tôi phải xử lý vụ này như thế nào? Câu hỏi như những dải dây thừng siết lấy cổ tôi, khiến tôi không sao thở được. Cuối cùng, tôi gọi điện, hẹn gặp ông ta vào buổi chiều. Qua điện thoại, Peter hẹn gặp nhau lúc chiều tối, dưới tầng hầm, khi các nhân viên Red Sun đã về hết để tránh sự nhòm ngó.


Mắt Bão

Tác giả: Phan Hồn Nhiên.
Nhà xuất bản: Nxb Văn Nghệ TP.HCM
Số trang: 364
Kích thước: 13.5x20.5 cm

Lấy bối cảnh tp. Hồ Chí Minh, Mắt bão là câu chuyện về những người trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường hoặc đã vào đời, với tất cả những hệ lụy từ cuộc sống đô thị. Với độ dày sách trên 350 trang, Mắt bão đang trong giai đoạn cuối để ra mắt bạn đọc. Phan Hồn Nhiên cũng vừa gửi đến bạn đọc tiểu thuyết Công ty trong dịp Hội sách TP.HCM 2008, viết về thế giới văn phòng, và cũng được giới trẻ, nhất là giới văn phòng, thích thú...


Trích đoạn

"...Bỗng phía trước, Vĩnh nhận ra một bóng người trong bộ váy rất ngắn đang co ro bước sát vỉa hè. Đôi khi, cái bóng lảo đảo như một nhánh cây oặt oẹo. Hai bàn tay gầy nhom cầm hai chiếc giày cao bị gãy gót. Dường như đọc được sự tò mò của khách, taxi chạy chậm lại. Đèn xe chiếu thẳng vào cô gái. Nổi hằn lên mấy thứ đồ lót loại phát sáng phía dưới lớp váy mỏng dinh, gần như trong suốt. Một con bướm đêm loạng choạng bay ra từ một cuộc chơi thâu đêm nào đó, Vĩnh nghĩ. Với sự tàn nhẫn vô thức, người tài xế ép sát vào lề đường, đột ngột bấm còi lớn. Con bướm đêm giật thót, quay phắt lại, thình lình ngã vật xuống, hai chân xoãi dài trên khoảng đất tối om. Với cái thế ngồi kỳ quặc đó, cô bé bỗng ngửa mặt lên, cười như điên dại. Chiếc xe tiến đến gần hơn. Đèn pha mạnh khiến cô gái nhỏ nhắm nghiền mắt. Vĩnh chẳng còn nghe gì hết. Anh co rúm. Hệt như cú quật lén vào anh, từ sau gáy. Vĩnh buồn nôn khủng khiếp. Em gái anh, không lẫn vào đâu được...

… Phía sau lớp vỏ kiên định, chấp nhận cạnh tranh và dễ dàng thành công, Vĩnh trống rỗng ghê gớm. Thực sự, thì anh khác gì Thái Vinh? Được nuôi dạy trong môi trường tử tế. Được tạo điều kiện để chiếm lĩnh những gì người đời thường thèm muốn. Nhưng, đó là những thứ người khác thèm muốn, chứ có phải thật sự anh mong đợi không? Một cách vô thức, Thái Vinh sớm nhận ra điều đó, đã chống cự và lăn xả vào các cuộc lùng kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời theo cái cách điên cuồng của cô. Còn anh thì đã sớm chấp nhận, với cả sự hài lòng và kiêu hãnh ngây thơ. Nhưng ai có thể đứng mãi trên lớp băng mỏng?...


Phan Hồn Nhiên: "Tôi luôn hồn nhiên như thời áo trắng ...."
(Song Minh thực hiện,Tuổi trẻ Online)

- Nhà văn Phan Hồn Nhiên hiện đang công tác tại báo Sinh Viên Việt Nam, là một cây bút quen thuộc với giới trẻ qua những tác phẩm đã xuất bản gồm các tập truyện ngắn Dốc mưa, Giao mùa, Đôi giày vuông, Cú nhảy ban mai, Một nắm mưa trên ngôi nhà Mondrian (in chung với Vũ Đình Giang), truyện dài Chiếc vòng đồng đen, Dạt vòm...

Mới đây nhất, chị cho ra đời tập truyện dài Công ty được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Chị đã dành cho chuyên mục này cuộc trò chuyện thân mật.

* Chị đến với văn chương từ bao giờ. Điều gì đã hấp dẫn chị gắn bó với nó đến hôm nay?

- Phan Hồn Nhiên: Tôi bắt đầu tập viết văn khi 21 tuổi bằng một bài viết ngắn và được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chọn đăng. Sau đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chỉ giáo cho tôi những bước đầu tiên đến với công việc viết.

Thật sự, tôi luôn trân trọng công việc sáng tác. Công việc viết văn có lẽ phù hợp với con người tôi, yên lặng, được suy nghĩ và tìm tòi những điều kỳ lạ ẩn giấu dưới bề mặt tưởng như đã quen thuộc trong cuộc sống.

* Là một cây bút quen thuộc của tuyển tập Áo Trắng một thời, chị có thể nhớ lại ngày đầu tiên mình đến với Áo Trắng?

- Lần đầu tiên tôi được in truyện trên Áo Trắng là năm 1992. Tôi còn nhớ bìa báo in trên giấy xốp rất sang và tươi tắn vào thời điểm ấy. Lúc cầm tuyển tập Áo Trắng có in truyện của mình, tôi mừng lắm dù chẳng biết khoe với ai.

* Quan niệm của một người viết trẻ khi cầm bút. Những băn khoăn, lạc quan cũng như bi quan về tình hình văn học trẻ hiện nay?

- Với hầu hết cây bút trẻ, viết văn thoạt đầu giống như một sự tình cờ. Nhưng để gắn bó với công việc này lâu dài, yêu thích và đam mê không chưa đủ. Có lẽ tự học, rèn luyện và kiên nhẫn là những bước bất kỳ ai cũng từng trải qua. Tôi không bao giờ bi quan về văn học trẻ. Thời điểm nào cũng luôn có những cây bút mới mang theo sinh khí của thời họ sống. Những cây bút trẻ ấy sẽ viết theo đúng cách họ quan sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc sống đang trải ra quanh họ.

* Thời đi học của chị hẳn rất thú vị?

- Thời trung học, tôi học trường Lê Quý Đôn. Vào ĐH, tôi học khoa ngoại ngữ ĐH Tổng hợp. Sau đó, tôi thi tiếp vào ĐH Sân khấu điện ảnh, học khoa thiết kế mỹ thuật. Mặc dù không học chuyên ngành văn, nhưng kiến thức học ở ĐH hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc chuyên môn cũng như viết văn về sau. Thú thật, thời đi học của tôi rất đơn giản. Tôi thuộc loại người nếu đã không thích thì coi như không biết gì cả, còn nếu đã thích thì học say mê. Tôi rất thích học. Ở một khía cạnh nào đó, học cũng gần giống như viết. Những việc này cho phép tôi được một mình, quan sát, suy nghĩ nhiều và ngạc nhiên nhiều.

* Điều gì đã thôi thúc chị viết truyện dài Công ty? Những điều chị tâm đắc và muốn gửi gắm đến giới trẻ trong tác phẩm này. Hình như những nhân vật của chị thường là người trẻ, phải chăng chị có nhiều đồng cảm với đối tượng này trong trang viết của mình?

- Tôi viết Công Ty từ đầu năm đến cuối năm 2006. Truyện in nhiều kỳ trên báo Sinh Viên Việt Nam. Thú thật, trước đó tôi rất muốn thử nghiệm mình có thể viết một cái gì hấp dẫn, gây hứng thú cho bạn đọc được hay không? Khi có cơ hội, tôi bắt tay khởi sự ngay. Với Công ty, tôi chỉ muốn truyền tải một thông điệp nhỏ: vượt qua lằn ranh mỏng manh giữa khát vọng và tham vọng, người trẻ sẽ thay đổi như thế nào? Liệu sự trong sáng, bất vụ lợi có thể chiến thắng âm mưu và thủ đoạn hay không?

Tôi làm báo cho giới trẻ nên có cơ hội quan sát người trẻ khá kỹ. Tôi thường hay bị phấn khích khi phát hiện những phẩm chất mới mẻ, những mặt mâu thuẫn khác lạ tồn tại bên trong những người trẻ hiện đại. Tìm tòi và mổ xẻ trên trang viết những phát hiện ấy là sở thích của tôi.

* Chị thường đọc văn của tác giả nào, có bị ảnh hưởng của cây bút nào không? Theo chị, vì sao nhiều bạn trẻ hiện nay quay lưng với văn học trẻ?

- Tôi không quá kén chọn hay ưu tiên đọc riêng, đọc nhiều một tác giả nào. Theo tôi nghĩ, thật sự độc giả không quay lưng với văn học trẻ. Vấn đề là cách biểu hiện của độc giả văn chương không ồn ào như người hâm mộ ca nhạc hay điện ảnh nên dễ gây cảm giác giới trẻ không mặn mà với văn học. Thật sự, tôi luôn đánh giá cao độc giả trẻ hiện tại. Họ không đọc thụ động mà khả năng so sánh, phản biện của họ rất cao.

* Ngoài là một nhà văn, chị còn là một nhà báo công tác tại báo Sinh Viên Việt Nam, chị sắp xếp thời gian ra sao? Công việc làm báo có ảnh hưởng gì đến chuyện viết văn? Có phải vì làm báo cho sinh viên mà tâm hồn chị luôn trẻ trung?

- Làm báo ngốn của tôi gần hết thời gian. Thời gian chính tôi đều dành cho công việc biên tập, viết bài. Tôi phân chia con người mình khá rành mạch. Viết văn và làm báo không ảnh hưởng đến nhau nhiều. Tôi nghĩ một khi đã có cảm hứng và đề tài, kiểu gì cũng thu xếp để viết được. Tôi không biết có phải làm báo cho sinh viên mà đầu óc tôi trẻ trung hay không, bởi vì có nhiều người không làm báo cho giới trẻ nhưng đầu óc còn trẻ hơn tôi rất nhiều. Nhưng tôi luôn tin người trẻ là một nguồn cảm hứng, là mỏ quặng đề tài rất lớn để các cây bút khai thác dài lâu.


Phan Hồn Nhiên và cuộc đối thoại mở
Minh Châu (Theo lethieunhon.com)

Hồn Nhiên là cây bút nữ trẻ của TP.HCM được biết đến gần 10 năm nay với lối viết nhàng, bình thản nhưng lôi cuốn bởi tính đương đại, đi thẳng vào nội tâm lớp người trẻ sống đô thị thời công nghệ cao, toàn cầu hoá, thế giới phẳng… Truyện dài "Công Ty" vừa ra mắt đã gây sức hút mạnh trong Hội chợ Sách 2008 - TP.HCM, bởi chính tính hiện thực của nó. Ngay trong tháng 6.2008, Phan Hồn Nhiên tiếp tục trình làng truyện dài "Mắt Bão".

PV: Đọc truyện của Phan Hồn Nhiên, dù tình tiết có vẻ phức tạp, rắc rối, nhưng cách viết lại không quá gay gắt bạo liệt. Phải chăng chị không dám, hay không muốn viết một cách dữ dội giống nhiều cây bút nữ trẻ khác?

Phan Hồn Nhiên: Có lẽ viết văn là cách thể hiện con người khá chính xác. Với những ý tưởng hình thành từ sự quan sát, hiểu biết, suy nghĩ về cuộc sống và cảm hứng từ không gian, con người chung quanh, nội dung hay ý tưởng của các câu chuyện hình thành trong tôi, đòi hỏi được thể hiện bằng tác phẩm. Bản thân tôi là người sống khá điềm tĩnh, hơi lạnh, nên cách tôi viết cũng thể hiện đúng con người tôi.

PV: Chị viết về tình yêu rất hiện đại, nhưng ít dùng những ngôn ngữ gây "cảm giác mạnh". Chị nghĩ như thế nào về những cây viết nữ trẻ viết về tình yêu rất "hiện sinh", thiên về chiều hướng sex? Nhiên có nghĩ sex sẽ cho tác phẩm hấp dẫn, hút bạn đọc không? Liệu có lúc nào đó Nhiên thử viết về sex?

Phan Hồn Nhiên: Tôi luôn đánh giá cao những cây bút trẻ mạo hiểm, dám đương đầu với thử thách trước đề tài sex. Thật sự, tính dục luôn là một mảng đề tài rất khó với người viết. Khó khai thác và khó viết hay. Ở khía cạnh nào đó, thì các cây bút trẻ - bằng trực giác nhạy bén - hiểu rõ bên dưới bề mặt đời sống, người cùng thời đang chú ý, khao khát, muốn tìm hiểu, bị hấp dẫn bởi điều gì. Và một cách trực tiếp, họ chia sẻ, nói lên tâm tư đó bằng tác phẩm. Đời sống đang cởi mở hơn. Quan niệm về sex cũng thông thoáng. Nếu cái nhìn tính dục trong văn chương đa dạng, được mổ xẻ tinh tế, thì sẽ có tác phẩm đáng đọc. Phê phán "viết sex để gây hấp dẫn, câu khách" là cách nhận xét đôi khi hơi võ đoán. Riêng cá nhân, tôi coi sex là một chất liệu được nhìn nhận công bằng như các chất liệu khác. Nếu cần, thì sử dụng, không có gì phải quá đắn đo hay sợ sệt.

PV: Công Ty là một câu chuyện về những con người trẻ sống, làm việc, trăn trở, yêu, mâu thuẫn nội tâm, thành công, thất bại, ước mơ và cả thất vọng trong bối cảnh đô thị. Chị có ý định tiếp tục viết truyện dài hay vẫn viết truyện ngắn như sở trường của mình?

Phan Hồn Nhiên: "Công Ty" là một thử nghiệm của tôi về thể loại truyện dài, sau một thời gian chuyên tâm viết truyện ngắn. Khi viết "Công Ty", tôi thu lượm được rất nhiều kinh nghiệm mà trước đó tôi không thể có, chẳng hạn như xây dựng cốt truyện, đi tìm chìa khoá hấp dẫn cho tác phẩm, phát triển tính cách, mổ xẻ tâm lý nhân vật. Tôi sử dụng những kinh nghiệm này để thực hiện một truyện dài sắp ra mắt có tên là "Mắt Bão". Có lẽ, "Mắt Bão" sẽ hội tụ nhiều nhất những trải nghiệm của tôi về công việc viết.

Truyện dài, truyện ngắn hay tiểu thuyết không phải là vấn đề tôi bận tâm nhiều. Tuỳ vào ý tưởng hình thành, tôi tự biết lựa chọn hình thức cần thiết để thể hiện.

PV: Phần lớn tác phẩm chị đều đề cập đến giới trẻ thị dân, những trí thức trẻ làm việc cho các công ty nước ngoài, hay "công dân toàn cầu". Vì chị là một "thành viên", vì chị am hiểu "thế giới" của họ? Hay đó là ý thích muốn khám phá chiều sâu bên trong của lớp người trẻ này?

Phan Hồn Nhiên: Có lẽ cả hai lý do chị vừa đưa ra đều chính xác (cười). Tôi thường chỉ dám viết về những gì mình hiểu rõ và thực sự hứng thú. Hiện nay, đang hình thành một lớp trẻ đô thị mới, với con người bên ngoài lẫn bên trong đa dạng và rất đặc trưng. Viết về họ, khai thác chiều sâu bên trong họ thật ra cũng là khai thác chính mình và cuộc sống chung quanh mình.

Tôi quan niệm viết là đối thoại mở. Với chung quanh, và với chính mình. Không cần nói to, nói nhiều, chỉ cần được hiểu thấu, lắng nghe, thì cũng ổn.

PV: Thuộc thế hệ cây viết trẻ 7X, Chị có nhận xét gì về thế hệ cây viết trẻ nữ thế hệ 8X và cả 9X? Chị có thấy mình khác hay giống họ điều gì? Chị nghĩ thế nào khi có những người viết trẻ 8X, 9X đưa lên blog cá nhân những trang viết "tự do", "riêng tư", rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, và nói là "tôi viết cho tôi", song trang viết vẫn cứ "lan toả" theo đường truyền công nghệ thông tin?

Phan Hồn Nhiên: Thế hệ người viết nào cũng có thế mạnh riêng, không thể giống nhau. Khác biệt là đương nhiên. Bằng trang viết, họ sẽ nói lên tiếng nói của thế hệ mình, mà không ai có thể nói thay được. Tôi luôn nghĩ, thời điểm nào cũng luôn có những cây bút mới mang theo sinh khí thời đại họ sống. Những cây bút trẻ ấy sẽ viết theo đúng cách họ quan sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc sống đang trải ra quanh họ.

Văn chương mạng là một xu thế tất yếu. Thế giới văn chương mạng có những thế mạnh và sức hấp dẫn riêng, nhất là với thế hệ viết trẻ. Chẳng hạn khả năng lan truyền tác phẩm nhanh chóng, sự phản hồi trực tiếp, tính tương tác cao giữa độc giả và người viết… Độc giả trẻ hiện nay cũng chọn mạng là một kênh đọc quan trọng không kém gì sách xuất bản truyền thống. Thật ra, khi bắt đầu viết, tâm lý "viết cho tôi" là chuyện thường tình. Nhưng trong quá trình sau đó, sẽ có sự gạn lọc, thay đổi, trưởng thành để người viết trở thành cây bút định hình được phong cách, rồi trở thành nhà văn chuyên nghiệp, nếu có thể.

PV: Trong những cây viết trẻ, chị đọc của ai nhiều? Thích cách viết của ai nhất? Kể từ khi "nhập" vào làng văn chương, chị có bị ảnh hưởng của ai trong phong cách viết? Theo chị, nhà văn trẻ của VN có thể làm nên "sự kiện" văn chương như các nhà văn nước ngoài hay không?

Phan Hồn Nhiên: Khi đọc sách, tôi không để ý tuổi tác của người viết. Vì như thế sẽ tự tạo thành kiến, thiếu công bằng khi tiếp nhận tác phẩm. Nếu sách viết hay, tôi đọc kỹ, chán, thì bỏ luôn để không mất thời gian. Qua quan sát, tôi thấy có cây bút trẻ viết rất cũ kỹ. Có những nhà văn viết đã lâu, nhưng lại thực hiện cuộc vượt thoát, thay đổi chính mình rất ngoạn mục, thể hiện qua những trang văn giàu sinh khí, hiện đại, bất ngờ. Thời điểm hiện nay, tôi quan tâm đến Vũ Đình Giang, Trần Nhã Thuỵ, Dương Thuỵ, Nguyễn Vĩnh Nguyên. Vì là người làm báo, tôi cần quan sát họ ở khía cạnh nghề nghiệp lẫn vai trò của họ trong việc tạo sự thay đổi với văn học trẻ.

Cũng giống các bạn viết thế hệ 8X, 9X hiện nay, khi bắt đầu, tôi cũng nghĩ đơn giản viết cho chính mình. Viết để thể hiện và nói cho được vấn đề của mình. Tôi không ảnh hưởng bởi phong cách của ai ngoài chính tôi. Thế nên trang viết thời kỳ đầu khá ngô nghê, bây giờ đọc lại thấy thật "kinh hoàng". Nhưng tôi nghĩ vậy vẫn hơn là sao chép, mô phỏng, rút tỉa từ người khác. Điều này có thể khiến người viết trẻ nổi tiếng nhanh, có tác phẩm được khen ngợi. Nhưng suy cho cùng, nó có hại, vì không tạo được nền tảng tối quan trọng của người viết là cá tính sáng tạo.

Công việc của nhà văn là sáng tác, theo đuổi ý tưởng, dốc sức để tác phẩm hay nhất như anh ta đã vạch ra. Còn việc tác phẩm đó có làm nên "sự kiện" hay không, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà văn. Có thể tác phẩm vượt trội, nhưng công tác tiếp thị, quảng bá kém thì tác phẩm khó gây được tiếng vang. Ngược lại, cũng có vài tác phẩm tầm tầm, nhưng được lăng-xê rầm rộ nên gây ảo giác với cả người viết lẫn độc giả. Cả hai trường hợp trên đều không tốt với đời sống văn học trẻ!


Vòng xoáy cuộc đời trong 'Mắt bão'(Anh Vân, Vnexpress)

'Mắt bão' là tập truyện dài mới nhất của nhà văn Phan Hồn Nhiên. Tập sách nói về những thăng trầm trên con đường sự nghiệp và cuộc sống của 5 người trẻ tuổi.

Trong vòng xoáy ấy, cuốn theo cùng những cặn bã, rác rưởi của xã hội là những tâm hồn đẹp, những người tốt và cả những tâm hồn yếu đuối mong manh... Đó là một Thái Vinh đáng thương hơn đáng giận, cô gái con nhà giàu, đã chọn cho mình cách sống buông thả. Sinh trưởng trong một gia đình mà món tiền 100 triệu đồng chi ra nhẹ bỗng như không, vì cũng chỉ bằng tiền thay vài cái kính chiếu hậu xe hơi, cô gái non nớt này sớm sành sỏi hàng hiệu, chốn ăn chơi nhưng lại mang tâm hồn lạnh vì thiếu tình thương, thiếu hơi ấm của gia đình.

Đó là một chàng Vĩnh, bề ngoài có vẻ đĩnh đạc, hạnh phúc nhưng bên trong là sự ruỗng mục và hoang hoải dần của tuổi trẻ mất phương hướng trong đời. Đó cũng có thể là Hữu, xuất thân nghèo khó và đi lên bằng cách đạp đổ đối thủ bằng mọi thủ đoạn, miễn sao thu phần lợi về mình.

Cuốn sách dồn nén rất nhiều vấn đề xã hội, về những góc khuất, mặt trái của cuộc sống sôi động ở thành phố lớn: Từ chuyện chụp ảnh nude, đến quan hệ đồng tính, rồi những đấu đá tranh chấp, giành giật chỗ đứng, vị trí trong xã hội. Sách cũng đề cập đến giá trị của chữ hạnh phúc và ý nghĩa của tuổi trẻ, hai thứ mà dù tiền có nhiều đến đâu cũng khó có thể đạt được.

Cảnh mở đầu và kết thúc truyện Mắt bão đều là ở phi trường, nơi đón nhận những cuộc trở về và chuyến ra đi, nơi những chiếc máy bay cất cánh đến mọi miền đất trên thế giới, nơi những người trẻ Việt Nam đầy hoài bão luôn mang khát vọng được vươn ra, bay xa, chiếm lĩnh tri thức và cuộc sống theo cách của họ. Dù toàn truyện Mắt bão nhuốm màu xám và nặng nề tựa như "cơn bão" cuộc đời đang dồn tụ trên đầu những người trẻ, vẫn còn le lói một đốm sáng là nhân vật Hải, chàng sinh viên tự tin, kiên định, luôn đi lên bằng chính năng lực và trái tim của mình.

"Gần hai năm trôi qua kể từ cuộc gặp gỡ lạ lùng. Thời gian tựa cơn lốc xoáy, cuốn theo bao người vào tâm những trận bão khắc nghiệt. Để khi sống sót, nhoài lên từ những đợt sóng lớn, tất cả đều phải thay đổi...", dòng suy nghĩ của Hải ở cuối truyện cũng chính là nỗi day dứt mà bất cứ người trẻ nào khi muốn trụ vững giữa cuộc sống sôi động, đều từng một lần trăn trở.

Phan Hồn Nhiên chưa gọi cuốn sách của mình là "tiểu thuyết" mà chỉ dừng ở mức "truyện dài". Chút e dè này vô tình khiến chị chưa đưa ra được những hướng giải quyết hợp lý cho quá nhiều nút thắt mà chị đã tung ra trên trang viết. Vì thế, còn đôi chỗ trong sách có thể làm độc giả không thỏa mãn. Nhưng dù sao, đây là một trong số ít tác phẩm đã mang đến cho văn học trong nước cái nhìn gần gũi về một lớp người trẻ của xã hội Việt Nam đương đại.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn học trẻ - khát vọng lối đi riêng

    27/04/2008Tiểu QuyênDù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt, không ít nhà văn trẻ đang muốn nói tiếng nói riêng của mình với bạn đọc..
  • Tu bụi

    05/04/2008Trần Kiêm ĐoànCó lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung Phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo Phật hướng vào...
  • Đọc tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt

    18/03/2008TVSau 3 năm im hơi lặng tiếng kể từ khi đoạt giải Văn học tuổi 20, Phan Việt xuất hiện trở lại với một cuốn tiểu thuyết sẽ bắt độc giả phải đọc từ đầu đến cuối...
  • Ăn phở rất khó thấy ngon

    25/02/2008Tản văn của Nguyễn Trương QuýĂn phở rất khó thấy ngon là tập tản văn của Nguyễn Trương Quý. Mọi người vẫn nghĩ những người đi làm công sở là một khối người không có nhiều biến động, chừng ấy mong muốn, chừng ấy nhu cầu và chừng ấy hành động...
  • Ví dụ ta yêu nhau

    11/11/2003Đoàn Thạch BiềnXin giới thiệu các bạn một chuyện tình lâm ly, nên thơ của nhà văn Đoàn Thạch Biền viết năm 1974 (năm 1995 NXB Trẻ đã xuất bản lại lần thứ 3): Mỗi cuốn sách có một số phận. Cuốn sách này cũng vậy. Nó được in lần đầu vào tháng 7 năm 1974 dưới bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh. Và rồi mất hút. 15 năm sau nó mới có dịp in lần thứ hai và 21 năm sau in lần thứ ba. 21 năm đối với một tác phẩm có thể đã là quá dài, cũng có thể là còn quá ngắn, để đánh giá tác phẩm ấy. Nhưng riêng với người viết, hẳn thật sự bồi hồi xúc động. Hệt như người cha gặp lại đứa con đầu lòng, sau 21 năm thất lạc, xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà mình trong một đêm mưa.