Nhà thơ Lê Đạt và Tình U75
Tuổi 80 “lão tướng” Lê Đạt lại tiếp tục lên đường vào trận thơ mới có tên gọi “U75 từ tình” (NXB Phụ Nữ, 2007). Có lẽ để giúp bạn đọc khỏi phải vắt óc đoán trận chữ rất biến hóa của mình ngay từ cách đặt tên tập thơ, ông đã dành phần phi lộ để định nghĩa từ tình.
“Đã có lúc tôi ngờ rằng các nhà thơ tình ít nhiều đều có họ với Từ Thức. Đều gặp Thiên thai ít nhất một lần trong đời và vĩnh biệt nó suốt đời. Từ tình là những từ thức trong sâu thẳm ta phút giây tống biệt”. Và “ Thơ chính là từ tình, cũng có nghĩa tự tình tức là yêu đơn thương, yêu thất tình, yêu bóng”.
Tập thơ gồm 2 phần : Thơ và đoản ngôn. Phần thơ ngoài một số bài thơ nổi tiếng như Át cơ, Thu nhà em, Quan họ... đăng thêm, còn lại chủ yếu là những bài thơ mới thể haicâu độc đáo. Một nguyên tắc mà những người sáng tác đều hiểu rõ, đó là viết càng ngắn càng khó.
Thơ hai câu vừa là sáng tạo, vừa là thách thức nhiều rủi ro với người thơ tự nhận (được mệnh danh là) phu chữ. Cho dù Lê Đạt xưng danh tình U75 một cách hài hước theo cách nói thời thượng bây giờ thì những câu thơ vẫn nhiều vang vọng, đa nghĩa mang tên “a còng, 8X”: Áo gió buồm lên thân biển động/Lưng thuyền chành sóng ngực cồn trăng (Phong cảnh), Xuân sớm liễu rờn hoa thể dục/Ngó đèn hơi ngực phố đầy em(Hồ sớm), Mê lộ đào cờ thế ngàn năm trước/Lòng trần hoa lần gỡ nước ghềnh xuân (Cờ thế)...
Tình U75 trẻ, nhưng những chiêm nghiệm U75 và hơn nửa thế kỷ thâm canh thơ của ông thì thật buồn, sâu xa và thoát tục: Trọn đời trọ góc nhìn thiên hạ/Cam tâm làm khách lạ bản thân (Trọ), Nghìn năm tu chưa thành chính quả/Hồn hoa bay bướm thả trắng rừng (Hoa đại), Xuân én hẹn mùa chờ hoa đi mất/Lộc xanh thừa thiếu suất một ngã tư (Mùa chờ)...
Còn nhớ cách đây vài năm, ở tuổi U75 Lê Đạt phát bệnh cũ, mất ngủ triền miên. Ông khá bi quan về sức khỏe của mình và đọc tôi nghe câu thơ Đường: Bất tài minh chủ khí/Đa bệnh cố nhân sơ (Không có tài thì minh chủ coi thường/Lắm bệnh tật thì bạn cũ cũng nhạt xa). Thời kỳ này để lại dấu ấn trong “Tình ca mất ngủ”: Bạn phần lớn đều đã thay địa chỉ/Tái định cư vùng ngoại thị Yên Kỳ/Đó có bãi đánh cầu lông không nhỉ/Mưa bụi hồ sớm liễu rủ ta đi (Tái định cư).
Viết về cõi bên kia mà vẫn hóm, vẫn hài hước một người thích đùa. Thế rồi bằng nỗ lực phi thường, ông đã vượt lên bệnh tật, bền bỉ viết để hôm nay có tập thơ mới trên tay bạn đọc.
Phần Đoản ngôn là một nét độc đáo riêng rất Lê Đạt trong “Từ tình U75”. Có thể gọi đó là những truyện mini, những cách ngôn đã đúc rút ở mức tối giản, bàn đến nơi về việc nghề, việc đời và việc thơ, được thể hiện thật hóm hỉnh (đôi khi trào lộng) và sâu sắc theo tiêu chí chữ ngắn, tình dài, nghĩa nặng.
Những đoản ngôn thường bất ngờ, nhiều dư âm và đa nghĩa. Phải chăng đó là lý do nó trữ lượng gần nửa tập thơ này của ông? Người đọc có thể tìm thấy những đồng cảm riêng, còn với người viết bài thì những câu thế này thật thú vị: Người quân tử dùng mắt để nhìn/Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm (Khác biệt), Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân (Kẻ thù), Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan(Tham quan), Chữ không cấp sổ đỏ cho bất cứ nhà văn nào (Sổ đỏ), Nhiệm vụ của thơ không phải sản xuất ra chân lý, mà những chất cường cảm, những viagra phục tráng khả năng chân lý(Nhiệm vụ của thơ), Trong mọi động tác chân, kỵ nhất là động tác dậm chân tại chỗ, vì nó động mà không đậy (Dậm chân) v.v...
Nhà thơ Lê Đạt: Vật lộn suốt đời bở hơi tai với chữ
Đoàn Khánh, Tổ quốc
Nhà thơ Lê Đạt đã cống hiến gần như cả cuộc đời mình cho thơ và vì thơ Việt Nam. Trong những ngày cuối năm Đinh Hợi, ông đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà thơ kiệm lời, kiệm thời gian với Báo điện tử Tổ Quốc.
Phóng viên: Chữ bầu lên nhà thơ Lê Đạt hay Lê Đạt bầu lên chữ?
Nhà thơ Lê Đạt: Nhà thơ Valéry của Pháp từng nói: “Thượng đế bao giờ cũng miễn phí cho nhà thơ câu thứ nhất” - “Để khuyến khích anh ta tiếp tục câu thứ hai đừng xoàng quá”. Những câu thơ hay thường là sản phẩm của công ty hợp doanh giữa thượng đế và phu chữ. Nhà thơ phải suốt đời cần cù chữ. Phải có sự trao đổi giữa chữ và nhà thơ và nhà thơ với chữ, nhà thơ phải dân chủ với chữ, phải để chữ có quyền dân chủ và tham dự cuộc bầu cử.
PV: Người ta thường nói “ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy”, vậy chữ và hồn vía của nhà thơ khác nhau như thế nào?
Nhà thơ Lê Đạt: Quan niệm Đông phương “Văn dĩ tải đạo” nghĩa là ý tưởng có trước và ngôn ngữ chỉ để truyền tải ý tưởng. Tuy nhiên, quan niệm này không còn phù hợp với văn thơ hiện đại.
Trong sáng tác, các nhà thơ thường phải lập tứ, lập ý, chữ chỉ để diễn đạt ý. Nhưng với tôi, văn và ý ngang nhau, cũng có thể ý có trước hoặc văn có trước, nếu ý đến trước thì phải tiếp nhận nó, và nếu chữ đến trước thì phải mở cửa mời nó vào, không được đuổi nó đi. Nhà thơ phải lễ phép với chữ. Nhà thơ quan liêu với chữ là nhà thơ vứt đi.
PV: Vậy cuốn “U75 Từ tình” ông vừa xuất bản có phải là một minh chứng?
Nhà thơ Lê Đạt: Chúng ta thường quen với việc đề ra một chủ trương rồi làm thơ thực hiện chủ trương. Nhưng với tôi, khi bước vào bài thơ ta phải quên chủ trương đó đi. Một nhà văn từng phát biểu: Tác phẩm nói lên sự thất bại của mọi chủ trương lý luận có trước! Khi viết phải tự do, phải thoải mái, phải vui. Nếu viết cứ theo lý thuyết thì cả đời sẽ buồn bã và có khi trở thành nhà thơ chán đời.
PV: Cùng thế hệ của ông có ai cùng quan niệm sáng tác giống ông không?
Nhà thơ Lê Đạt: Cùng thời với tôi có Trần Dần, Đặng Đình Hưng…
PV: Theo ông, lớp trẻ ngày nay học được từ ông những gì về việc chọn chữ, bầu chữ?
Nhà thơ Lê Đạt: Lớp trẻ cũng có những ưu điểm của họ chứ, tôi cũng học được khá nhiều từ họ, không nên nghĩ đơn phương họ phải học gì từ mình. Người trẻ thường làm thơ rất già, vì họ nói bằng tiếng nói của thế hệ cha mẹ cho đến khi trưởng thành ra ở riêng nói bằng tiếng nói của mình, lúc đó họ mới trở thành trẻ.
Lớp trẻ có những cái “vụng về” và tôi học cái vụng về của họ.
Có một điểm trong thơ trẻ mà tôi thấy hơn mình là họ thái độ dứt khoát phủ nhận, không muốn nói bằng tiếng nói cũ, vay mượn mà bằng tiếng nói của chính mình.
PV:Ông nhìn nhận thế nào về các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ trẻ hiện nay?
Nhà thơ Lê Đạt: Họ có một ý muốn rất tốt là phủ nhận tiếng nói cũ, tiếng nói thông dụng. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói cho mình thì cần phải xây dựng dần dần, rất lâu chứ không thể mì ăn liền được. Họ phải rất bình tĩnh, suy ngẫm thật kĩ, và quan trọng phải biết mình thế nào, không nên để các phương tiện truyền thông làm ảnh hưởng đến việc sáng tác của mình. Với sự phát triển của thông tin và truyền thông như hiện nay, việc lăng-xê, quảng bá cho các nhà văn nhà thơ trẻ quá mức sẽ làm cho họ hoang tưởng, điều đó là không tốt. Văn hóa ngại nhất sự hô hoán.
PV: Ở tuổi 80, ông thấy mình còn háo hức với mùa xuân không?
Nhà thơ Lê Đạt: Tôi háo hức với mùa xuân chứ. Có người từng hỏi tôi “Bao giờ ông thôi làm thơ?”, tôi trả lời rằng tôi là người làm thơ tình đã 60 năm nay, thất bại nhiều hơn thành công mà vẫn chưa chán tình. Tôi chỉ thôi làm thơ tình khi thế giới không còn đàn bà nữa, cũng có nghĩa là hết mùa xuân.
PV: Được tiếp chuyện với ông, thấy ông vẫn là một nhà thơ rất trẻ. Năm mới ông có dự định gì cho sáng tác của mình?
Nhà thơ Lê Đạt: Tôi tiếp tục làm một tập đoản ngôn. Độ hai ba trăm trang gì đó. Già rồi nên có lẽ nên viết ngắn. Vả lại từ trẻ tôi vốn là một nhà thơ nghèo nên hết sức tiết kiệm.
Khẩu hiệu của tôi là: “Chữ ngắn, tình dài, nghĩa nặng”, thơ không nên nói nhiều quá!
Xuân mới đang đến, xin chúc ông mạnh khoẻ và thật nhiều niềm vui bởi đó là liều thuốc tinh thần mà mọi người dành tặng ông, để ông tiếp tục con đường sáng tác trường kì!
Bất động sản
Một số V.I.P. quan tham đã trở thành một thứ bất động sản kiểu mới. Họ bất động và không ai động được tới họ.
Nói dối
Trong các tội nói dối, có lẽ dối già là đáng tha thứ nhất. Người Pháp vốn đa tình đã gọi nó là một tội xinh (péchémignon)
Luật đất đai
Vĩ nhân ít nhiều đều vi phạm luật đất đai. Họ ăn tốn diện tích quá.
Thanh tra thời gian
Thanh tra thời gian có nhiệm vụ định kỳ kiểm tra khu ghế V.I.P. tàu xuyên lịch sử và khẽ nhắc nhở “Quý ông quý bà đã ngồi nhầm số”.
Tàu nhanh
X. nhà phê bình cấp ưu tú là khách thường xuyên của những chuyến tàu nhanh. Ông mắc chứng xấu bụng nghề nghiệp.
Cách ngôn
Đời ngắn - Khiếu nại dài.
Mượn văn
Cái may lớn nhất trong đời Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả Kim Vân Kiều truyện, có lẽ là được Nguyễn Du mượn văn, ăn trộm tên ông khỏi danh sách tự hủy của quên lãng.
Giải lao
Nhà thơ X. nổi vì quá nhiều phao tiếp thị - Ông muốn chìm chốc lát để giải lao cũng không được. Thật bất hạnh!
Phi lý
Người ta luôn khiển trách văn học là không cao ngang tầm thời đại. Đó là một khiển trách phi lý và tức cười.
Thời đại cao 1m80 hay 2m. Thế kỷ XIX là một thế kỷ bí bét về chính trị nhưng lại sinh ra Truyện Kiều. Vậy Truyện Kiều cao hay thấp hơn thời đại?
Chủ nghĩa hậu hiện đại
Chủ nghĩa hậu hiện đại không được giá vì thiếu mặt tiền.
Giải khuyến khích
Bài Hai Kâu sau đây:
Gắng chữ với thời gian tri kỷ
U thất tuần bồ nhí mộng hăm
được giải khuyến khích của cuộc thi thơ tuần báo Trẻ.
Nghe đồn, X. nhà thơ già trong ban giám khảo đã viết nhận xét:
“Chữ hăm cùng với chữ hâm một vần.”
Và đề nghị cho giải nhất.
Nhưng theo luật định, ông chỉ có quyền bỏ một phiếu.
Thời trang và tu từ
Thời trang là thuật của phái đẹp.
Tu từ là thuật của nhà thơ, một phái đẹp khác.
Thiện ý
Các đấng cứu thế nhiều khi làm khổ loài người vì chính thiện ý của họ. Họ thường mắc bệnh sốt ruột.
Nitsơ
Đọc đâu đó ở Nitsơ:
Tôi có một số ý tưởng hay họ toan tính dung tục hóa chúng thành những chân lý.
Câu đố
- Một thứ lương không tổ chức nào của xã hội loài người chi trả nổi?
- Lương tâm.
Tham quan
Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan.
Tình dục
Về khoản văn chương tình dục, hình như phái yếu mạnh hơn phái khỏe.
Tôi chẳng việc gì phải thắc mắc về thế thượng phong của họ.
Tôi chỉ hơi tiếc họ quá ư nghiêm túc.
Nhớ Rôlăng Báctơ, tác giả cuốn “Diễn ngôn si tình” (Le discours amoureux) nổi tiếng:
“Tôi thích vừa tình dục nóng (hot) và ưu tiên tình dục mát (cool)
Tình dục nóng là đua tốc độ.
Tình dục mát là đua đường trường.
Hãy xem mốt chị Hương (Xuân) chơi tình:
Đầu sư há phải gì bà cốt
Bá ngọ con ong bé cái lầm
Hay
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay
Tổ sư Bồ đề khoa tình dục học, Frơt, nổi danh nghiêm túc, cũng không quên món khai vị mà ông định danh là khoái lạc sơ bộ (plaisirs prêliminaires) trong mơ- nuy tình.
Văn hóa người
Bản năng động vật đơn thuần chỉ có hai cách ứng xử: tấn công ở thế mạnh, chạy ở thế yếu.
Cách ứng xử thứ ba: đối thoại, là bước đầu tiên của văn hóa người.
Parménit
Parménit, nhà triết học nổi tiếng thế kỷ thứ V trước C.N. là tác giả của câu nói rất hiện đại sau đây:
“Người ta ít phát biểu những ý kiến của mình mà thường phát biểu những dư luận”.
Thấy và tìm
Jăng Cốctô có một nhận xét đặc biệt sâu sắc về người bạn Picatxô của mình:
- Đối với Picatxô, điều quan trọng nhất là cường độ. Ông thấy trước, và tìm sau.
Hiền tài
Hiền tài, hay “hỗn” tài đều là nguyên khí quốc gia. Các nghệ sĩ nòi đều ít nhiều dính một trọng tội: Tội kháng chỉ.
Tác phẩm
Mọi tác phẩm xuất sắc đều là những đứa con cầu tự.
Kẻ thù
Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân.
Phạm trù của tư tưởng
Bình giảng Nitsơ, nhà triết học hàng đầu của nước Pháp, Dơlơzơ viết:
Những phạm trù quan trọng của tư tưởng chưa phải là cái sai cái đúng mà là cái cao thượng, cái thấp hèn. Không nên quên có những chân lý của sự bần tiện.
Thơ cổ điển và hiện đại
Trong một bài thơ cổ điển, nghĩa thường đến đúng hẹn. Trong một bài thơ hiện đại, nghĩa thường đến trễ giờ.
Lý trấu
Cô X., phóng viên báo Thời Trang, hỏi nhà thơ già Y.:
- Sao không thấy bác xuất hiện trên truyền hình?
- Nhà đài chưa đủ thiết bị kỹ thuật cao cho một chương trình “Người vô hình”.
Chúa Lời
Chúa Lời là bầu chủ của các nhà thơ.
Nhu cầu
Nhu cầu là ham muốn bị quản thúc tại chỗ.
Ưu điểm
Trong đơn gửi Hội Nhà thơ, phần ưu điểm, nhà thơ X viết: "Chưa từng một lần bị ra tòa vì mưu toan ám sát thời gian".
Chữ tác, chữ tộ
Các đấng thánh hiền dạy tông đồ phải chống lại bản thân, họ thường hiểu phải chống lại kẻ khác.
Dạy dỗ
Một trong những lầm lẫn lớn của loài người là quá hi sinh dạy dỗ người khác đến mức quên tự dạy dỗ bản thân.
Chính vì vậy mà tôi đánh giá rất cao Môngtenhơ nhà tư tưởng Pháp kiệt xuất thế kỷ XVI.
Tác phẩm cơ bản của Môngtenhơ đồng thời cũng là tác phẩm hàng đầu trong tủ sách nhân loại có tên là Tiểu luận (Essais)–Essai theo ngữ căn tiếng Pháp có nghĩa là Thử bút - Lời kết luận của Môngtenhơ là một câu hỏi Tôi biết gì? (Que sais je?). Niềm tin của ông là sự hoài nghi.
Không có hậu
Lộ trình của nhiều nhà cách tân thường không có hậu. Họ đi từ những phân tích mở và độc đáo đến những kết luận đóng và độc đoán.
Hai nhà văn
- Vônte là một kẻ ki bo về tiền nong nhưng hào phóng về trí tuệ. Ông đã hiến toàn bộ gia tài và tư tưởng đồ sộ của mình cho quỹ chữ thập đỏ chống cường quyền.
- Nécvan là một nhà thơ điên. Trong bóng tối của sự vô thức ông tự treo cổ lên cột đèn. Đó là di chúc ánh sáng cuối cùng của nhà thơ.
Xỉa răng
Nghe chuyện Villiers de L’Jsle-Adam khi sắp qua đời trên giường bệnh yêu cầu một cái tăm xỉa răng, tôi đinh ninh đó là một chuyện bịa 100% hay chí ít cũng là một trò diễn “môve gu” của nhà văn nổi tiếng kì quặc này.
Với thời gian, cùng việc giao lưu với các đại gia văn hoá nhân loại, tôi mới vỡ lẽ... Giác ngôn đâu như của Nitsơ:
- Chân lý phát từ miệng người nào ra mang hơi thở của người đó.
Các nhà tư tưởng phải cẩn thận lắm trong việc vệ sinh răng miệng mới được.
Biến tấu : Bọn tham quan thường mắc bệnh thối mồm vì ăn bẩn không xỉa răng-Chúng là một lũ vô liêm xỉa.
Tự điển mới
Quan tham gồm những kẻ có quyền tham quan và cầm nhầm tài sản của Nhà nước.
Có vị thẩm phán đề nghị xử lý hành chính họ thật nghiêm về lỗi thiếu trách nhiệm cũng như sơ ý và phạt họ 50.000 tiền pôlime, tiền có độ an toàn cao (!!!)
Bình đẳng giới
Không có con hoang chỉ có những người bố khai hoang trái phép. Ngôn ngữ bình đẳng giới gọi họ là lâm tặc.
Cúng cơm bác Nguyễn Phở
Giáo điều là những kẻ vô văn hoá ẩm thực ăn chủ nghĩa cả lông.
Thành khẩn
Nhà phê bình cả tiếng Thanh Đa là một bút phủ. Ông đã mấy lần mưu toan chém nhà thơ Ngang một nhát chết tươi.
Trong một bài lý luận dài “Phấn đấu cho những Đồng Xuân” ông tố cáo:
“Thái độ ngoan cố bôi đen chế độ khiến ta không khỏi đánh dấu hỏi về lòng yêu nước của tác giả”
Ai cũng tưởng Ngang đánh bài “Với tranh”. Không Ngang trả lời công khai bằng văn bản trên báo“Chấm com” :
Tôi chịu ông.
Ký tên đã sửa: Dọc
Nghệ thuật sắp đặt
Nghệ thuật sắp đặt có một nhược điểm: Nó thường quên chỗ của tác giả.
Đó là một điểm mạnh trong bố cục nhân sự.
Tình yêu
Tình yêu có thể là phát minh tốt đẹp nhất, cũng nguy hiểm nhất của văn hóa người. Theo báo cáo mới nhất của W.L.O (World Love Organization): ¾ thế giới thành niên bị bệnh thất tình cấp hay mãn tính
Tiệm tranh
Họa sĩ X. chủ tiệm tranhTương lai là một doanh nhân thành đạt và một nghệ sĩ phá sản.
Nội dung khác
Hồi ký Hồ Hữu Tường: Một góc lịch sử làng báo
21/03/2018Phạm Quang HuyRobert Langdon tái xuất trong cuốn sách mới nhất của Dan Brown
09/02/2018Thu HoàiBí mật và sức mạnh ẩn chứa trong 'Ngôn từ' của Sartre
09/02/2018Hòa BìnhĐêm Núm Sen: Những cái êm rất xóc!
14/08/2017Mai Anh TuấnViết Kinh Bắc, trường hợp Trần Thanh Cảnh
23/07/2016Hoài NamTiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái
15/06/2016Trần Xuân TiếnĐi tìm cái tôi đã mất
29/05/2006Nguyễn KhảiĐọc tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt
18/03/2008TVĂn phở rất khó thấy ngon
25/02/2008Tản văn của Nguyễn Trương QuýĐến với “thế giới số” – ai là ai?
23/01/2008Đọc sách Suối Nguồn
19/12/2007Hoàng Hải VânThiên thần và ác quỷ
03/12/2007Nhật Quỳnh