Nhân đọc "Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hoá" của Vĩnh Sính
Để hiểu rõ tại sao Nhật Bản phát triển được như ngày nay, trước hết ta phải quay về một thế kỉ rưỡi trước xem họ đã canh tân thế nào. Những đoạn dưới đây được trích dẫn, hoặc lấy ý, từ cuốn sách được đề cập bên trên.
Vào thời Minh Trị (bắt đầu từ năm 1868), Nhật Bản đã bắt đầu công cuộc canh tân đất nước mạnh mẽ bằng cách tích cực học hỏi và tiếp thu văn minh Tây phương. Họ cử người sang các nước tiên tiến học hỏi với phương châm rất thiết thực là "nước nào giỏi cái gì, ta học cái ấy". Vì theo quan niệm của họ, cách bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất là tiếp thu văn hoá Tây phương, theo dạng "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", để có thể cùng đua tranh với các cường quốc.
Người đứng đầu trong công cuộc canh tân này là Fukuzawa Yukichi (1835-1901), ông đã đi bôn ba khắp châu Âu và Hoa Kì để tận mắt học hỏi những điều hay của văn minh Tây phương, để rồi về nước góp sức mình vào việc thức tỉnh dân chúng Nhật Bản hòng có thể bắt kịp các cường quốc Tây phương. Fukuzawa đã từng phát biểu rằng: "Phương sách giữ gìn độc lập không thể tìm đâu ra ngoài văn minh. Hiện nay nước Nhật đang tiến lên đài văn minh cũng chính vì để bảo vệ độc lập quốc gia. Độc lập quốc gia là mục tiêu và nền văn minh của quốc dân là phương tiện để đạt mục tiêu đó".
Nhằm tiếp thu văn hoá Tây phương, Nhật Bản vào thời Minh Trị đã cho dịch rất nhiều bộ sách giá trị của những học giả nổi tiếng Tây phương lúc bấy giờ. Có thể nói nửa đầu thời Minh Trị (1868-1889), phong trào dịch thuật ở Nhật Bản để giới thiệu tư tưởng Tây phương đã phát triển cực kì mạnh mẽ, với số lượng sách dịch rất đáng nể. Đây là một số sách tiêu biểu đã được Nhật Bản cho dịch vào thời đó:
- Self-Help (Tự trợ luận) của Samuel Smiles (1812-1904);
- The Theory of Legislation (Lí luận về lập pháp), Principle of the Civil Code (Nguyên lí dân luận), v.v. của Jeremy Bentham (1748-1832);
- On Liberty (Tự do luận), Representative Government (Chính thể đại nghị), v.v. của J. S. Mill (1806-1873);
- Social Statics (Tĩnh học xã hội), Education (Giáo dục), v.v. của Herbert Spencer (1820-1903);
- De l’esprit des lois (Tinh thần luật pháp) của Montesquieu (1689-1755);
- Du contrat social (Xã hội khế ước luận) của J. J. Rousseau (1712-1778).
Đó chỉ mới là những tác phẩm, những tác gia, nhà tư tưởng tiêu biểu; ngoài ra người Nhật còn cho dịch vô số các sách thuộc khoa học xã hội cũng như văn học của những quốc gia như Đức, Ý, Áo, Bỉ, Hà Lan, Nga, v.v..
Chính nhờ phong trào dịch thuật này, mà người Nhật đã cho ra đời những từ, những thuật ngữ mới để giới thiệu những khái niệm mới mẻ bên Tây phương. Những từ Hán-Việt mà Việt Nam ta dùng ngày nay có nhiều từ xuất phát từ Nhật Bản, ví dụ như "triết học", "diễn thuyết", "không gian", "thời gian", "lập trường", "thủ tục", v.v..
Nhờ canh tân mạnh mẽ, Nhật nhanh chóng trở thành cường quốc của châu Á, mở đầu bằng việc đánh bại người láng giềng khổng lồ Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1895, rồi thắng luôn cả Nga trong cuộc chiến Nga-Nhật 1905. Hai trận thắng liên tiếp này đã làm rúng động cả phương Đông, đặc biệt là Việt Nam. Phong trào Đông Du ở Việt Nam do các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh khởi xướng chính là vì thấy được thành quả của Nhật đạt được, và muốn đi theo họ nhằm tìm lại chủ quyền cho nước nhà.
Cũng phải nói thêm, tuy Nhật Bản và Việt Nam cùng tiếp thu nền văn hoá Hán học của bên Trung Hoa, nhưng cách tiếp thu mỗi bên khác nhau. Cả hai cùng coi Trung Hoa là thầy; nhưng trong khi Việt Nam coi đó là một người thầy mẫu mực, là một khuôn thước trong đời sống tư tưởng, thì Nhật Bản lại học người thầy đó để có thể tránh xa những cái tiêu cực, những điều không hay, lỗi thời của Hán học.
Ngoài ra, ở trong truyền thống người Nhật trước đó đã có sẵn những điều kiện để giúp họ sẵn sàng tiếp thu những cái mới mẻ sau này. Hãy thử so sánh với Trung Hoa: ở Trung Hoa, hoàng đế là người chiếm địa vị độc tôn, không ai có thể sánh ngang, là người vừa được nể trọng, vừa có uy quyền nhất. Trong khi đó ở Nhật, từ thời Kamakura (1185), Nhật đã có thêm tầng lớp võ sĩ (samurai), do vậy Thiên hoàng tuy là người được nể trọng nhất, là một đấng chí tôn, nhưng lại không có uy quyền bằng Shogun (Tướng quân) - một đấng chí cường; và ngược lại, Shogun có quyền thế, nhưng lại không được dân chúng kính trọng bằng Thiên hoàng. Từ xưa, trong tâm trí người Nhật luôn có sự hiện diện cùng lúc của hai khái niệm. Đó chính là cái điều kiện sẵn có để sau này đến thời Minh trị, người Nhật có thể tiếp thu một cách dễ dàng những tư tưởng phương Tây, vì khi anh đã chấp nhận hai khái niệm thì đương nhiên anh sẽ chấp nhận được khái niệm thứ ba, thứ tư, và như thế thì tinh thần tự do sẽ được nảy sinh, con người ta sẽ dễ dàng tiếp thu cái mới để mà phát triển.
---
Có thể nói, cuốn sách ""Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hoá" của Vĩnh Sính đúng là một viên ngọc trong đá, và được bán đại hạ giá tại hội sách của Fahasa với giá rẻ bèo một cách vô lí: 6 tiền (giá bìa là 59 tiền, giảm tới 90%). Đúng như một câu cửa miệng mà nhiều người thường hay nói vui: ở Việt Nam đang diễn ra một sự thật rằng, sách hay thì ít người đọc.
Nguồn:DKD blog
Nội dung khác
Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Ngôn ngữ của đồ vật
22/06/2011Nguyên NgọcChính thể đại diện
20/06/2011Nguyễn Văn Trọng