Giới thiệu bản dịch cuốn Phúc ông tự truyện

11:33 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Tư, 2011
1. Về bản dịch cuốn Phúc ông tự truyện

Cách đây khoảng bảy tám năm, khi làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, trong giờ học môn “Chính sách ngoại giao của Nhật Bản”, người viết bài này đã được giảng viên giới thiệu về Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch Dụ-Cát) như là một nhà ngoại giao thông qua việc ông tháp tùng một số phái đoàn của Mạc phủ Edo đi tham quan Mỹ và các nước Châu Âu. Sau mỗi chuyến đi Mĩ hoặc Châu Âu trở về Nhật, Fukuzawa Yukichi đã viết nhiều bài giới thiệu về nền văn minh Mĩ và các nước phương Tây. Ông đã cùng các đồng nghiệp dịch thuật, viết sách và sáng lập ra trường Đại học Keiō Gijuku Daigaku (Khánh-Ứng Nghĩa-Thục Đại-Học) để giảng dạy, truyền bá những luồng tư tưởng văn minh tiến bộ của phương Tây cho thanh niên Nhật Bản đương thời. Ông chủ trương phải phát triển đất nước để đuổi kịp các nước văn minh phương Tây.

Từ đó trở đi, có dịp tiếp xúc thêm với một số trước tác khác của Fukuzawa Yukichi, tôi càng hiểu hơn về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông. Lịch sử Nhật Bản đánh giá ông là nhà tư tưởng tiến bộ, nhà giáo dục có ảnh hưởng rất lớn tới con đường dân chủ hóa, phát triển đất nước vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Ông là người đã có công đóng góp đáng kể vào phong trào phương Tây học, dịch thuật những sách về triết học, xã hội, dân chủ và khoa học kĩ thuật phương Tây sang tiếng Nhật. Nhờ đó, người Nhật có thể tiếp cận tới nền văn minh phương Tây được nhanh chóng hơn.

Vào đầu thế kỉ thứ 21, để tưởng nhớ về người sáng lập ra Đại học Keiō Gijuku Daigaku, Nhà xuất bản của trường này (Keio University Press) đã biên tập và cho in lại toàn bộ các trước tác của Fukuzawa Yukichi thành Fukuzawa Yukichi toàn tập, bao gồm 12 cuốn, chứa đựng những trước tác tiêu biểu của ông. Trong đó, có một tập là Phúcôngtựtruyện (Fukuō Jiden), nghĩa là Tựtruyện của Fukuzawa Yukichi. Bản dịch tiếng Việt Phúcôngtựtruyện này vừa ra mắt bạn đọc sau hơn 100 năm ngày mất của Fukuzawa Yukichi.

Cùng vào thời gian tìm hiểu một số tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, tôi đã được biết một số người cùng chung ý tưởng dịch thuật các tác phẩm về triết học, chính trị, kinh tế và khoa học kĩ thuật sang tiếng Việt. Chúng tôi đã thành lập một Nhóm dịch trẻ và kết quả của những trao đổi trong nhóm này là sự ra đời của Công ty cổ phần sách Alpha (Xin tham khảo trên website của công ty theo địa chỉ: www.alpha-book.com). Dịch giả Phạm Thu Giang cũng là một thành viên của Nhóm dịch trẻ. Phạm Thu Giang là một sinh viên cao học, đang nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản, rất quan tâm đến cuộc đời, sự nghiệp của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi. Phạm Thu Giang có khả năng dịch sách của ông từ nguyên bản tiếng Nhật và đã chọn cuốnPhúcôngtựtruyệncuốn sách dịch đầu tay. Theo nhận định của tôi, bảndịch này của dịch giả Phạm Thu Giang khá thành công. Trong tương lai không xa, có thể chúng ta sẽ có thêm bảndịch thứ hai của dịch giả Vĩnh Sính, nhà nghiên cứu gốc Việt về Nhật học và lịch sử Việt Nam ở Canada, người đã và đang có những công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản, của Phan Bội Châu và các nhà trí thức Việt Nam trong phong trào Duy Tân và Đông Du cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.

Là người trao đổi với dịch giả trong suốt quá trình dịch, cũng là người đã đọc cuốnPhúcôngtựtruyện từ nguyên bản tiếng Nhật và bảndịch đầu tiên của dịch giả, tôi đã có dịp hiểu biết thêm về Fukuzawa Yukichi. Càng đọc các trước tác của Fukuzawa Yukichi, tôi càng hiểu được sự ảnh hưởng của ông tới xã hội Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Qua cuộc đời của chính Fukuzawa Yukichi, tôi đã hình dung được phần nào sự phát triển của Nhật Bản từ cuối thế kỉ thứ 19, tiếp tục phát triển trong thế kỉ 20, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Con đường phát triển Nhật Bản có cội nguồn sâu xa từ những chính sách mở cửa của Mạc phủ Tokugawa (Đức Xuyên) và phát triển mạnh hơn trong thời Minh Trị (bắt đầu từ năm 1868) với phong trào duy tân, kí kết những hiệp ước giao thương, ngoại giao và quân sự với chính phủ Mĩ cũng như các nước phương Tây.

Ngày nay, tìm hiểu về những người có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của Nhật Bản trong thời kì Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin), chúng ta không thể không kể đến Fukuzawa Yukichi và những trước tác của ông. Thật đáng tiếc, cho đến nay, ở Việt Nam những trước tác được dịch ra tiếng Việt của Fukuzawa Yukichi còn rất hạn chế. Sau cuốn Khuyến học(Gakumon no susume) của dịch giả Chương Thâu làbản dịch cuốn Phúcôngtựtruyện này của Phạm Thu Giang.


2. Vài suy nghĩ sau khi đọc cuốnPhúcôngtựtruyện

Phúcôngtựtruyện(Fukuō Jiden) được bắt đầu viết vào năm Minh Trị thứ 30 (Đinh Dậu, 1897), đã được đăng trên suốt 67 số của tờ Thời sự tân báo (時事新報 Jiji Shinpō), bắt đầu từ ngày 1/7/1898 đến ngày 16/2/1899. CuốnTựtruyện gồm 15 chương, là những lời bộc bạch về chính cuộc đời tác giả Fukuzawa Yukichi. Ông đã trải qua nhiều biến đổi của cuộc đời, đã chứng kiến nhiều thăng trầm của xã hội Nhật Bản trong thời đoạn chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ quân chủ lập hiến, từ thời “bế quan tỏa cảng” sang thời “mở cửa đón nhận văn minh phương tây”, phát triển Nhật Bản thành một cường quốc. Cuốn sách là sự phản ánh chân thực về xã hội Nhật Bản đương thời.

Đọc cuốnPhúcôngtựtruyện và tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cuối thời Edo, tôi chợt có suy nghĩ so sánh với lịch sử Việt Nam cùng thời và đã nhận thấy một số điểm tương đồng cũng như dị biệt giữa hai nước. Theo tôi, từ đó bạn đọc có thể hiểu được con đường phát triển Nhật Bản và rút ra nhiều bài học cho công cuộc phát triển Việt Nam ngày nay. Ở đây, tôi xin được trình bày một số so sánh về tình hình Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cũng như những suy nghĩ của mình sau khi đọc cuốnTựtruyện này.

Vào nửa đầu của thế kỉ 19, trước khi Fukuzawa ra đời, xã hội Nhật Bản và Việt Nam có một số điểm khá tương đồng. Ở Việt Nam, đất nước vừa thoát ra khỏi thời kì Trịnh Nguyễn phân tranh và thống nhất dưới sự cai trị của triều đình nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long năm 1802) ). Còn ở Nhật Bản, các cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm võ sĩ cũng đã chấm dứt, đất nước thống nhất dưới chính quyền Tokugawa (Đức-Xuyên) từ những năm đầu của thế kỷ 17. Tuy nhiên, thời kỳ thống nhất dưới chính quyền Tokugawa ở Nhật dài hơn rất nhiều so với thời kỳ thống nhất ở Việt Nam. Thời Edo bắt đầu từ đầu thế kỉ thứ 17, sau khi Tokugawa Ieyasu giành chiến thắng trong trận giao chiến Sekigahara và thâu tóm toàn bộ quyền lực từ các nhóm võ sĩ. Thời đó, Việt Nam và Nhật Bản đều nằm trong tầm ngắm của các nước phương Tây trong hành trình tìm kiếm thị thường buôn bán và thuộc địa. Điển hình thời đó là hải quân và tàu buôn của Anh, Mĩ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha v.v… với những khẩu đại bác phô trương quyền lực. Họ ghé vào các cảng ở phương Đông, vừa dương oai vừa đưa chiếu thư tới triều đình các nước đòi thương lượng về việc mở cảng giao thương buôn bán.

Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Việt Nam đều là những nước phong kiến, chịu ảnh hưởng lớn của nền giáo dục theo nền giáo dục Hán học. Fukuzawa đã phê phán lối học từ chương khoa cử trong cuốnTựtruyện của ông: “Lớn lên, tôi cũng tự nhìn mẫu chữ học viết theo, nhưng khi đó lại vào trường theo Tây phương học, coi tất cả những Nho gia ở trên đời là đối địch và việc họ làm từ A đến Z tôi đều không hợp ý, nhất là về hành trạng, phẩm cách của họ. Miệng thì luôn nói Nhân, Nghĩa, Trung, Hiếu mà khi bắt tay vào làm thì không có khí thế chút nào. Rất không hay là ở chỗ cứ uống rượu, làm thơ, viết thư pháp giỏi thì họ đánh giá cao. Tất cả mọi hành động của họ tôi đều thấy không hợp với mình. Và thế là chúng tôi, những người theo Tây phương học quyết định làm một cuộc đả phá[1] . Hơn nữa, nhiều người trong chính quyền không am hiểu về khoa học kĩ thuật, pháp luật, đặc biệt là công việc buôn bán và kế toán. Trong cuốnTựtruyện, Fukuzawa Yukichi có đề cập đến việc thanh toán tiền mua tàu trong chuyến đi Mĩ thứ hai của phái đoàn Nhật. Ở Việt Nam, các quan lại triều đình cũng có các khuynh hướng khác nhau và thậm chí đối lập nhau. Người có hiểu biết về phương Tây (ví dụ như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký của Việt Nam) thì chủ trương mở cửa đất nước, phát triển quan hệ giao thương, tiếp nhận làn sóng văn minh của các nước phương Tây. Nhưng người theo Hán học lại bảo vệ ý kiến đóng cửa và tìm cách chống lại sự thâm nhập của văn minh phương Tây.

Vào thời điểm 1875, ở Nhật đã xuất hiện một mhóm trí thức có ảnh hưởng to lớn tới Nhật Bản, đó là hoạt động của nhóm Khai sáng Minh Lục Xã (明六社Meirokusha). Fukuzawa Yukichi cũng là một thành viên của nhóm Khai sáng này [2]. Họ đã tạo nên những cuộc bút chiến về việc lựa chọn con đường phát triển Nhật Bản giữa hai trường phái chính: trường phái mở cửa đón nhận văn minh phương Tây (nhóm Khai sáng, đa phần những nhà Hà Lan học) và trường phái "nhưỡng di" (đóng cửa không cho phương Tây vào buôn bán) trên báo chí Nhật đương thời. Trong nhóm Khai sáng, Fukuzawa Yukichi là một người hoạt động tích cực. Ông nhận định xã hội phương Tây phát triển hơn Nhật là do dựa vào ba điểm chính 1) dân chủ hóa xã hội: tự do cá nhân, tự do phát biểu chính kiến; 2) Hệ thống giáo dục dựa trên nền tảng khoa học và kĩ thuật, một nền giáo dục thực học; 3) một hệ thống pháp luật nghiêm minh và công bằng. Cả ba nhận định này của ông đều được thuật lại trong cuốnPhúcôngtựtruyện. Cả trong bài “Thoát Á luận”, ông cũng đã từng bày tỏ quan điểm: Muốn tiếp nhận nền văn minh phương Tây, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước này, Nhật Bản phải đổi mới tư duy (nhân tâm), thay đổi chính phủ thủ cựu bằng chính phủ mới, nền giáo dục Hán học bằng nền giáo dục khoa học kĩ thuật. Ở đó, trí thức có nhiệm vụ phải truyền đạt nền văn minh tới toàn thể dân chúng [3] .

Cho tới năm 1858, triều đình nhà Nguyễn ở Việt Nam đang ở thế yếu, các tàu phương Tây (như Mĩ, Pháp, Hà Lan...) vào yêu cầu nhà Nguyễn mở cửa để thông thương, kí các hòa ước, nhưng triều Nguyễn lúc bấy giờ quyết định "bế quan tỏa cảng", không kí kết các hòa ước với các nước khác, mà chỉ kí hòa ước với Pháp do sự thân Pháp của vua Gia Long. Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam bị thực dân Pháp thôn tính vào năm 1858. Ở Nhật Bản, đầu thời Edo, Mạc phủ Tokugawa cũng thực hiện chế độ “bế quan tỏa cảng”, chống sự xâm nhập của tôn giáo phương Tây và ngăn cấm cả những người Nhật đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, cuối thời Edo, Mạc phủ có nhiều chính sách cởi mở hơn như kí Hiệp ước Kanazawa với Mĩ năm 1854 [4] . Năm 1868, Mạc phủ Tokugawa sụp đổ, chính quyền Meiji (Minh-Trị) lên thay thế, tiếp tục kế thừa việc mở cửa đất nước của chính quyền Tokugawa. Vì thế, làn sóng văn minh phương Tây tràn vào Nhật nhanh chóng hơn. Sự du nhập sách vở, những giá trị dân chủ và nền giáo dục khoa học theo kiểu phương Tây đã làm thay đổi tư duy của các "võ sĩ Samurai". Theo tôi, đây là một trong những nguyên nhân chính để Nhật Bản không bị các nước phương Tây xâm lược và trở thành cường quốc từ cuối thế kỉ 19. Sau này Nhật trở thành cường quốc đã mang quân đi xâm chiếm các nước xung quanh trong đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai. Cũng cần nói thêm, khoảng giữa thế kỉ 19, Thái Lan (Siam) cũng đã kí hòa ước với nhiều nước phương Tây khác nhau và là nước thứ hai ở phương Đông cùng với Nhật đã tránh được sự xâm lược và thôn tính của các nước phương Tây. Qua những sự kiện này chúng ta thấy quan hệ với những người phương Tây đã mang lại hòa bình cho Nhật Bản và Thái Lan. Quan niệm này khác hẳn với quan niệm của người Việt Nam và người Trung Quốc.

Từ những sự kiện trongcuốn Tựtruyện, tôi nhận thấy, tổng thể nhận thức về các nước phương Tây và tình hình thế giới của người Nhật rất khác với người Việt cùng thời. Khi người phương Tây đến, người Việt Nam thường nghĩ họ đến với mục đích xâm lược, cho rằng họ đến là kẻ thù. Điều này có lẽ do ảnh hưởng của lịch sử bị ngoại bang xâm lược để lại và ảnh hưởng không nhỏ cho đến cả thời hiện đại. Thời Tokugawa Nhật Bản tuy đã mở cửa với thế giới phương Tây thông qua phong trào Hà Lan học, nhưng còn khá hạn chế. Nhưng sang thời Minh Trị duy tân, chính phủ mới đã thay thế chính phủ cũ, vừa kế tục công cuộc mở cửa đất nước, vừa đổi mới tư duy (phong trào duy tân), chính trị, ngoại giao cũng như chính sách phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật. Do đó đã mở đường cho Nhật Bản phát triển thành một cường quốc từ cuối thế kỉ thứ 19. Trước thời Minh Trị duy tân (từ năm 1868), chính quyền Tokugawa đã tiếp xúc với phương Tây qua hiệp ước giao thương giữa Nhật và Hà Lan. Từ đó, Nhật mở cảng Nagasaki tiếp nhận nhiều người Hà Lan. Nhật Bản cũng chấp nhận mở cửa buôn bán (giao thương) với các thương gia người Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính quyền Tokugawa thời đó đã dành riêng cảng Nagasaki ở đảo Kyushu để giao thương với bốn nước này. Cuối thời Tokugawa, Nhật Bản còn mở thêm cảng Yokohama theo hiệp ước kí kết với Mĩ. Người Nhật đã tiếp thu được kĩ thuật hàng hải bằng cách mua tàu của Hà Lan, của Mĩ và của Anh. Vào cuối thời Tokugawa và Minh Trị, Nhật Bản đã tiến hành cải cách giáo dục trên phạm vi toàn quốc. Vào khoảng năm 1870, Nhật Bản mở trường dạy về kĩ thuật hàng hải và kĩ thuật đóng tàu, sản xuất vũ khí, huấn luyện hải quân. Sau đó, một số công ty đóng tàu của Nhật đã ra đời. Đó chính là nguồn lực đem lại sức mạnh chinh phục các nước khác và mở rộng buôn bán thương mại. Tôi cho rằng Nhật Bản trước thời Minh Trị duy tân đã có những phát triển hơn hẳn so với Việt Nam và các nước Châu Á vì Nhật Bản không bị ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh, đất nước thống nhất dưới chính quyền Tokugawa khá lâu dài và cũng do Nhật Bản đã tiếp cận với khoa học kĩ thuật phương Tây sớm hơn. Hơn ba trăm năm thống nhất dưới chính quyền Tokugawa và Minh Trị cùng với sự tiếp thu nhạy bén những giá trị văn minh phương Tây đã làm cho Nhật Bản trở thành cường quốc.

Khác với Nhật Bản, Việt Nam tiếp cận làn sóng duy tân của Nhật khá muộn màng. Hơn nữa, bối cảnh của Việt Nam khác với Nhật Bản, nên các phong trào duy tân đã không thể thành công. Năm nay là tròn một trăm năm ngày phát động các phong trào duy tân (Duy Tân, Đông Du của Phan Bội Châu và Đông Kinh Nghĩa Thục của các chí sĩ yêu nước khác). Phong trào Duy Tân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục của Việt Nam đã thất bại do sự khác nhau về điều kiện và hoàn cảnh lịch sử. Phong trào Duy Tân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục ở đã chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng tiến bộ của Fukuzawa Yukichi và phong trào duy tân thời Minh Trị ở Nhật mà dịch giả Chương Thâu đã nói tới trong Lời giớithiệu cho bảndịch tiếng Việt cuốnKhuyến học(Gakumon no susume) và Lời dẫnbảndịchPhúcôngtựtruyện(Fukuojiden) của dịch giả Phạm Thu Giang.

Càng đọc cuốnTựtruyện, tôi càng hiểu được tâm trạng của các sĩ phu yêu nước ngày trước của Việt Nam cũng như Nhật Bản, càng hiểu được sự kiêu hãnh về sức mạnh khoa học, kĩ thuật của các nước phương Tây thời đó như thế nào. So với ngày nay, những hiểu biết trí tuệ, đặc biệt là công nghệ cao, tinh thần tự do tư tưởng cá nhân cùng một chế độ dân chủ cởi mở của các nước phát triển đã thu hút rất nhiều tiền của và nhân lực từ các nước nghèo hơn. Đó chính là việc mà các nước nghèo như Việt Nam chúng ta cần phải học từ những bài học lịch sử phát triển của Nhật Bản. Tình hình thế giới đã có đổi khác, chúng ta không còn lệ thuộc vào các nước phát triển như thuộc địa như thời thế kỉ 19, nhưng chúng ta có thể lệ thuộc vào các nước phát triển theo cách khác. Tinh thần độc lập tự tôn, đoàn kết và hòa hợp dân tộc, tinh thần và truyền thống dân tộc, độc lập tự do về tư tưởng chỉ đạo, cải cách giáo dục và việc đưa ra những chính sách ngoại giao thích hợp là những bài học có thể rút ra được từ bối cảnh của Nhật Bản thời Fukuzawa Yukichi.


3. Về một số tư tưởng của Fukuzawa Yukichi thể hiện qua Phúcôngtựtruyện

Ngay từ thời đó, Fukuzawa Yukichi đã có quan niệm mới về việc học, rằng mỗi người trong xã hội từ các nhà học giả uyên bác, những viên chức nhà nước địa vị cao đến những người nông dân nghèo và những người buôn bán nhỏ đều có những chức năng riêng và cần thiết trong xã hội, không nhất thiết cứ phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống của Nho học hủ lậu. Ông phê phán lối học ấy trong xã hội Nhật đương thời: ”Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức.[5] .

Theo Fukuzawa Yukichi, một xã hội phát triển cần những con người có đầu óc tự do và tinh thần suy nghĩ độc lập. Ông phê phán về việc viên chức lệ thuộc nhiều vào chính phủ đương thời: ”Khi nền tảng cơ bản của chính phủ duy tân được định hình, không chỉ võ sĩ trên khắp nước Nhật, mà cả con của trăm họ Hyakushō và em của Chōnin, đại để tất cả những người biết chút chữ nghĩa đều muốn trở thành viên chức chính phủ. Nhân dân trên cả nước đều nghĩ, nếu không dựa vào chính phủ thì không lập được thân, mà không hề có ý nghĩa tự thân độc lập.”. [6]Ông cũng đã phê phán cả một số du học sinh: “Thỉnh thoảng có những học sinh tu nghiệp ở nước ngoài về và nhiều người rất nghiêm chỉnh đến chỗ tôi, lòng đầy nhiệt huyết bảo rằng không bao giờ có ý nghĩ sẽ làm quan chức suốt đời cho chính phủ. Vì từ đầu tôi đã không kì vọng gì điều đó, nên cũng chỉ nghe cho qua chuyện. Nhưng lâu lâu không thấy “tiên sinh giương tinh thần độc lập” ấy đâu, hỏi ra mới biết đã chễm chệ thành một thư kí cho bộ nào đó. Theo kiểu kẻ nào gặp vận may thì thành quan to ở địa phương, nên tôi không ngăn gì chuyện đó. Sự tiến thoái của mỗi con người là tự do, tự tại của họ, nhưng việc tất cả mọi người trên đất nước này đều hướng đến mục đích duy nhất là chính phủ và nghĩ chắc chắn rằng, không còn cách lập thân nào khác chính là hủ phong còn rớt lại của nền giáo dục Nho gia[7] . Ngay từ thời đó, Fukuzawa Yukichi đã nhận thấy trong xã hội Nhật Bản rằng “Con người là sâu mọt của xã hội”, và chế độ ơn huệ của người làm ơn và của người mang ơn đã tạo ra sự khó xử trong quan hệ xã hội. Có lẽ mối quan hệ khó xử này đã tạo ra cơ hội cho tham nhũng vì người hàm ơn và ban ơn vô hình chung tự cảm thấy nhận quà là điều hiển nhiên, còn người được nhận ơn luôn cảm thấy áy náy khó xử trong quan hệ ứng xử. Trong xã hội phát triển, rất cần một mối quan hệ sòng phẳng và tách bạch giữa quan hệ cá nhân và quan hệ trách nhiệm trong công việc. Mối quan hệ sòng phẳng và trách nhiệm tận tụy với công việc của người Nhật thể hiện rất rõ trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các đồng nghiệp trong các công ty Nhật hiện đại.

Về giáo dục, ông là người tiên phong chuyển từ chế độ giáo dục từ chương khoa cử sang kiểu thực học. Cũng qua những lời bộc bạch về cuộc đời học tập và dịch thuật của Fukuzawa Yukichi, tôi thấy, việc dịch thuật các sách phương Tây sang tiếng Nhật là một bài học lớn cho Việt Nam. Việt Nam vẫn cần phát triển phong trào dịch thuật trong giai đoạn hiện nay song song với việc dạy và học ngoại ngữ. Nhật Bản vào thời của Fukuzawa Yukichi có lẽ đã thành công trong việc khuyến khích phong trào dịch thuật. Nhiều tác phẩm kinh điển về triết học, kinh tế chính trị xã hội của phương Tây đã được dịch sang tiếng Nhật. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều những tác phẩm kinh điển này.

Nhân dịp bảndịchcuốnPhúcôngtựtruyện, một trong những trước tác của Fukuzawa Yukichi ra mắt bạn đọc Việt Nam, tôi rất hi vọng sau khi đọc cuốnTựtruyện này sẽ có những độc giả ấp ủ và nung nấu hoài bão dịch thuật các tác phẩm khác của ông sang tiếng Việt.

Để kết thúc bài viết, tôi rất mong các độc giả dù cầm trên tay cuốndịch của dịch giả Phạm Thu Giang hoặc nguyên bản tiếng Nhật sẽ bị cuốn hút vào những dòng tự thuật về cuộc đời của một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của Nhật Bản và từ đó sẽ tự rút ra cho mình được nhiều bài học quý giá.

Australia ngày 5 tháng 10 năm 2005

© 2005 talawas



[1]Fukuzawa Yukichi, Fukuojiden, nguyên bản tiếng Nhật và bảndịch của Phạm Thu Giang.
[2]
Vĩnh Sính, Hội trí thức Khai sáng Meirokusa, nguồn Internet:http://www.thoidai.org/ThoiDai4/200504_VSinh.htm
[3]Fukuzawa Yukichi, “Thoát Á luận” (Datsu-A-Ron), bảndịch của Hải Âu và Kuriki Seiichi.
[4]Morton, W.S. và J. Kenneth Olenik (2005), Japan–Its History and Culture, 4th Edition, McGraw-Hill Inc., New York, USA.
[5]Fukuzawa Yukichi, Sđd.
[6]Fukuzawa Yukichi, Sđd.
[7]Fukuzawa Yukichi, Sđd.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thoát Á luận

    08/06/2019Fukuzawa Yukichi - Hải Âu, Kuriki Seiichi dịchTừ thế kỷ 19, Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản) đã viết: "Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này".