Gen vị kỷ - nguồn gốc của văn hóa nhân loại?
“Cả hai đối tác, những cỗ máy vị kỷ, đều “muốn” có con trai và con gái với số lượng như nhau. Chúng đều đồng ý trong phạm vi đó. Điểm mà chúng không nhất trí là ai sẽ chịu mang gánh nặng về chi phí nuôi dạy từng đứa con trong số này.
Mỗi cá thể đều muốn có càng nhiều con sống sót càng tốt. Cá thể đực hoặc cá thể cái càng có ít bổn phận đầu tư cho bất kì đứa trẻ nào trong số con của chúng thì nó càng có thể có nhiều con hơn.
Một cách dễ dàng để có được trạng thái mong muốn đó là khuyến khích đối tác của bạn đầu tư nhiều hơn phần tài nguyên của nó cho mỗi đứa trẻ, và bạn có thể tự do có những đứa trẻ khác với những bạn tình khác.
Đây sẽ là chiến lược mong muốn của mỗi giới, nhưng cá thể cái khó có thể có được điều đó. Bởi vì cá thể cái bắt đầu bằng việc đầu tư nhiều hơn cá thể đực.
Dưới dạng trứng to và giàu dinh dưỡng, một cá thể mẹ ở thời điểm mang thai đã “bị ràng buộc” sâu sắc hơn so với người cha. Cá thể mẹ sẽ chịu mất mát nhiều hơn cá thể cha nếu đứa con chết đi. Thêm vào đó, nó sẽ phải đầu tư nhiều hơn để nuôi nấng đứa con mới đến mức trưởng thành như đứa con cũ.
Nếu cá thể mẹ dùng thủ đoạn bỏ mặc cá thể cha nuôi nấng con cái khi nó bỏ đi với cá thể đực khác, cá thể cha có thể cũng sẽ trả đũa bằng cách bỏ rơi đứa con vì nó chỉ mất một chi phí tương đối nhỏ khi thực hiện điều này.
Do đó, ít ra là ở những giai đoạn đầu trong sự phát triển của đứa con, nếu có bất cứ một sự bỏ rơi nào xảy ra, có lẽ cá thể cha sẽ là kẻ bỏ rơi cá thể mẹ chứ không có chuyện ngược lại. Tương tự, cá thể cái có thể được trông đợi đầu tư nhiều hơn vào đứa con so với cá thể đực, không chỉ ở giai đoạn bắt đầu mà còn xuyên suốt quá trình phát triển.
Vậy thì, lấy động vật có vú làm ví dụ, cá thể cái là kẻ mang phôi thai trong cơ thể của chính nó, cá thể cái là kẻ tạo ra sữa để nuôi đứa con khi nó được sinh ra, đồng thời cũng là cá thể mang gánh nặng nuôi dạy đứa con trưởng thành và che chở cho nó.
Giới tính “cái” đã bị khai thác, và cơ sở tiến hóa cơ bản cho sự khai thác này là sự kiện trứng lớn hơn tinh trùng.
Dĩ nhiên, ở nhiều loài, kẻ làm cha sẽ phải làm việc vất vả và trung thành trong lúc chăm sóc con nhỏ. Nhưng cho dù thế đi nữa, chúng ta phải lường trước được rằng thông thường sẽ có một vài áp lực tiến hóa tác động lên cá thể đực làm nó đầu tư ít hơn một chút vào mỗi đứa con và để cố có nhiều con hơn với các bà vợ khác.
Thông qua điều này, tôi đơn giản chỉ muốn nói là sẽ có một xu hướng xuất hiện các gen tuyên bố rằng “Cơ thể, nếu ngươi là cá thể đực, hãy rời bỏ bạn tình của mình sớm hơn một chút so với các alen cạnh tranh của ta, những alen sẽ khiến ngươi làm điều đó, và hãy tìm bạn tình khác”.
Những gen này có thể thành công trong vốn gen. Trên thực tế, phạm vi chiếm lĩnh của áp lực tiến hóa này lại thay đổi rất lớn từ loài này sang loài khác. Ở nhiều loài, ví dụ ở các loài chim thiên đường, cá thể cái không nhận được sự trợ giúp nào từ cá thể đực, nó sẽ tự chăm sóc con của mình.
Những loài khác ví dụ như mòng biển Xira lại hình thành một cặp đực cái rất chung thủy, cả hai cùng hợp tác trong công việc nuôi nấng con cái. Ở đây, chúng ta phải giả định rằng sẽ phải có một áp lực đối lập mang tính tiến hóa đang tác động vào: phải có sự trừng phạt cũng như ích lợi gắn liền với chiến lược khai thác bạn tình một cách vị kỷ, và ở những con mòng biển Xira sự trừng phạt có nhiều ảnh hưởng hơn so với lợi ích.
Nói chung, trong bất kì trường hợp nào, cá thể đực chỉ có lợi khi bỏ rơi cá thể cái và con non của nó nếu cá thể cái có đủ khả năng nuôi dạy chúng.
Trivers đã cân nhắc đến các hướng hành động có thể của một cá thể cái đã bị bạn tình bỏ rơi. Cách tốt nhất đối với nó là cố gắng lừa một cá thể đực khác nhận nuôi con của mình và làm cho cá thể đực đó “nghĩ” đứa con này là của nó. Điều này có lẽ sẽ không quá khó nếu đứa con vẫn chỉ ở dạng phôi thai, chưa được sinh ra. Dĩ nhiên, trong khi đứa trẻ mang nửa số gen của mẹ, nó lại không mang một gen nào của ông bố dượng cả tin.
Chọn lọc tự nhiên sẽ trừng trị một cách khắc nghiệt sự cả tin mù quáng như vậy ở cá thể đực, và trên thực tế chọn lọc tự nhiên sẽ ưu ái những cá thể đực đã chủ động giết chết bất kì đứa con riêng nào ngay sau khi chúng cặp đôi với cá thể cái mới.
Đây có lẽ là lời giải thích cho hiện tượng được gọi là hiệu ứng Bruce: chuột đực tiết một loại hóa chất làm cho chuột cái đang có thai sẽ sẩy thai khi ngửi phải. Chuột cái chỉ bị sẩy thai nếu mùi hóa chất đó khác với mùi hóa chất của bạn tình cũ của nó. Theo cách này, một con chuột đực sẽ phá hủy những đứa con riêng có thể có và làm cho bạn tình mới của nó thụ thai nhờ giao phối với chính nó.
Tình cờ, Ardrey xem hiệu ứng Bruce là cơ chế kiểm soát quần thể! Một ví dụ tương tự là hành động của những con sư tử đực khi mới nhập đàn, đôi khi chúng sẽ giết những con sư tử non trong đàn có lẽ là vì những con non đó không phải là con của chúng.
Một cá thể đực có thể thu được cùng kết quả như vậy mà không cần phải giết chết những đứa con ghẻ. Nó có thể củng cố giai đoạn ve vãn kéo dài trước khi nó giao phối với một cá thể cái, do đó xua đuổi tất cả những cá thể đực khác đến gần cá thể cái của nó và ngăn không cho cá thể cái thoát đi.
Nhờ cách này, cá thể đực có thể chờ xem liệu có phải cá thể cái đang mang trong mình một đứa con riêng hay không, và sẽ bỏ rơi cá thể cái nếu như đó là sự thật.
Chúng ta sẽ thấy dưới đây lí do tại sao một cá thể cái có thể muốn có một khoảng thời gian “đi lại” trước khi giao phối. Ở đây, chúng ta cũng có lời giải thích cho việc vì sao cá thể đực cũng muốn điều đó. Miễn là nó có thể tách cá thể cái ra khỏi mọi tiếp xúc với các cá thể đực khác, nó sẽ không phải trở thành kẻ làm việc thiện bất đắc dĩ cho những đứa con của kẻ khác”.
“Chúng ta là những cỗ máy sống – những phương tiện rô-bốt được lập trình một cách mù quáng để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là các gen. Đây là một sự thật vẫn đầy ngạc nhiên đối với tôi.” - Richard Dawkins. |
Richard Dawkins
(Trích Gen vị kỷ - Richard Dawkins, Dương Ngọc Cường, Hồ Tú Cường dịch, Nxb Tri Thức, 6/2011).
Nguồn:Bee.net.vn
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Phật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Ngôn ngữ của đồ vật
22/06/2011Nguyên NgọcChính thể đại diện
20/06/2011Nguyễn Văn TrọngGiới thiệu bản dịch cuốn Phúc ông tự truyện
26/04/2011Hải ÂuMỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX
22/02/2011Đỗ LâmNền Dân Trị Mỹ
11/02/2011