Chính thể đại diện
Representative government (Chính thể đại diện), On Liberty (Bàn về tự do)và Utilitarianism (Chủ nghĩa công lợi) là ba tác phẩm được chọn lựa như các tác phẩm tiêu biểu của John Stuart Mill trong bộ sách Great Books Of The Western World (Encyclopedia Britanica, 1994). Chính thể đại diện là một tác phẩm thuộc lĩnh vực triết học về chính trị và xã hội được xuất bản năm 1861.
Chính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. J.S. Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử. |
Vì vậy tác phẩm này cung cấp cho ta những tri thức khả tín để hiểu được cơ sở của nền dân chủ phương Tây. Từ đó ta mới có căn cứ để nhận dạng xã hội phương Tây hiện đại một cách chính xác.
Chính thể đại diện (Representative government), Bàn về Tự Do (On Liberty) và Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) là ba tác phẩm được chọn lựa như các tác phẩm tiêu biểu của John Stuart Mill trong bộ sách Great Books Of The Western World (Encyclopedia Britanica, 1994). Chính thể đại diện là một tác phẩm thuộc lĩnh vực triết học về chính trị và xã hội được xuất bản năm 1861. Như vậy tác phẩm này được viết cách đây đã gần một thế kỷ rưỡi và người ta có thể đặt câu hỏi liệu nó có thể có giá trị gì với độc giả Việt Nam ngày nay? Đó cũng là câu hỏi mà người dịch tự đặt ra cho mình khi bắt tay vào công việc đầy khó khăn và mạo hiểm là dịch một tác phẩm không mấy “hấp dẫn” như tác phẩm này.
Theo hiểu biết của tôi thì đây là một trong các tác phẩm kinh điển về nền dân chủ phương Tây. Cùng với tác phẩm Nền dân trị Mỹ của Alexis Tocqueville[1] tác phẩm Chính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. J.S. Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử. Vì vậy tác phẩm này cung cấp cho ta những tri thức khả tín để hiểu được cơ sở của nền dân chủ phương Tây. Từ đó ta mới có căn cứ để nhận dạng xã hội phương Tây hiện đại một cách chính xác. Đất nước ta đã chọn lựa hội nhập với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế thì nhất thiết phải hiểu biết về những đối tác của mình.
Hơn thế nữa, hai chục năm đã trôi qua kể từ khi đất nước ta chọn lựa chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Những biến đổi kinh tế dẫn đến nhiều đổi thay lớn, tốt cũng như xấu, trong xã hội. Tình hình tất yếu đòi hỏi phải có những điều chỉnh đối với các thiết chế tổ chức xã hội và để làm điều này đúng đắn thì phải học hỏi tri thức của nhân loại. Chúng tôi cho rằng tác phẩm Chính thể đại diện của J.S. Mill xứng đáng để chúng ta quan tâm tham khảo. Tác phẩm này từ thời Minh Trị đã được người Nhật dịch sang tiếng Nhật với nhan đề “Chính thể đại nghị”. Chúng tôi không dùng cách chuyển ngữ này vì e ngại độc giả hiểu lầm chủ đề của tác phẩm chỉ giới hạn thảo luận về loại chính thể có hình thức nghị viện nhất định. Nhưng trong suy tưởng của J.S. Mill thì “chính thể lý tưởng tốt nhất là hình thức chính thể trong đó chủ quyền, hay quyền kiểm soát tối cao như một phương sách cuối cùng, được trao cho toàn thể khối tập hợp cộng đồng; mỗi một công dân không chỉ có tiếng nói trong việc vận dụng chủ quyền cơ bản ấy, mà còn ít nhất cũng thỉnh thoảng được yêu cầu tham gia thực sự vào việc cai trị bằng cách đích thân thực hiện một chức năng nào đó, mang tính địa phương hay tổng quát.” (chương III). Ông viết: ”Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo nên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ; xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ.”(Chương II)
Như vậy chúng ta thấy ông không có ý đề ra một khuôn mẫu hình thức cứng nhắc nào để đạt được chính thể lý tưởng mà luôn ý thức rõ ràng rằng mỗi dân tộc phải tự tìm cho mình một kiểu cách tổ chức các thiết chế, sao cho thích hợp nhất với các đặc điểm cũng như trình độ tiến bộ của dân chúng. Có thể nêu ra một số điểm quan trọng trong nội dung tác phẩm như sau:
1) Tình trạng của dân chúng quyết định sự thành bại của chính thể.
J.S. Mill lưu ý rằng các thiết chế chính trị là sản phẩm của con người, có nguồn gốc và toàn thể sự tồn tại nhờ cậy vào ý chí con người, chúng có vận hành được hay không là tùy thuộc vào dân chúng. Theo ông cần phải có ba điều kiện sau:“Dân chúng, mà hình thức chính thể dự tính thiết lập cho họ, phải thuận nguyện chấp nhận nó, hay ít nhất cũng không bất mãn đến mức tạo nên chướng ngại không vượt qua được trong việc thiết lập nó. Họ phải thuận nguyện và có khả năng làm những gì cần thiết để giữ cho chính thể đó đứng vững. Họ phải thuận nguyện và có khả năng làm những gì được đòi hỏi ở họ để cho chính thể đó có thể hoàn thành được các mục đích của nó. Từ ngữ “làm” ở đây được hiểu bao gồm cả sự nhẫn nhịn lẫn hành động. Họ phải có khả năng đáp ứng các điều kiện cho hành động và các điều kiện cho sự tự kiềm chế, những cái cần thiết cả cho việc giữ chính thể tồn tại lẫn cho việc giúp nó đạt được các mục đích, hiệu quả lợi ích mà chính thể gửi gắm vào đó.”(chương I) Ông nhấn mạnh thêm rằng: “Nếu chúng ta tự hỏi rằng một chính thể tốt trong mọi ý nghĩa của nó, bao gồm từ người hèn mọn nhất tới người quyền quý nhất, phụ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện gì, chúng ta sẽ thấy rằng điều chủ yếu nhất bao trùm lên mọi thứ khác chính là phẩm chất của các con người hợp thành cái xã hội mà chính thể đang vận hành trong đó.”(Chương II)
Nhìn lại lịch sử cổ đại của thế giới, J.S. Mill cho rằng con người thường bắt đầu từ trạng thái hoang dã “trong đó mỗi người sống cho bản thân, không phải chịu bất cứ kiểm soát bên ngoài nào”. Sự khai hóa đầu tiên cho loại dân chúng này là họ phải học được sự tuân phục, “nhưng không phải bằng cái cung cách như biến cải họ thành một dân chúng nô lệ.” Bởi vì “chế độ nô lệ trong mọi chi tiết của nó thật quá ghê tởm…cho nên chấp nhận chế độ nô lệ trong bất cứ tình huống nào của đời sống hiện đại là rơi trở lại vào tình trạng còn tồi tệ hơn cả tình trạng dã man.” Ông nhận xét như sau về tính nô lệ của con người: “Một nô lệ, đúng với tên gọi, là người đã không học được cách tự giúp mình. Anh ta chắc chắn đã tiến được một bước từ tình trạng hoang dã. Anh ta còn chưa học được bài học đầu tiên cần thiết của một xã hội chính trị. Anh ta mới học được rằng cần phải tuân phục. Nhưng cái mà anh ta tuân phục chỉ là một mệnh lệnh trực tiếp. Đó là đặc trưng của các nô lệ bẩm sinh, không có khả năng thích ứng hành vi của mình theo quy tắc hay luật pháp. Họ chỉ có thể làm cái gì họ được ra lệnh, và chỉ vào lúc họ được lệnh làm cái đó. Nếu cái người làm họ sợ sệt đang đứng trước họ và đe dọa trừng phạt họ thì họ tuân theo; nhưng khi người đó quay lưng lại thì công việc sẽ không được làm.”(Chương II)
Vì vậy ông suy luận rằng: “cái hình thức chính thể hiệu quả nhất đưa được một dân chúng vượt qua giai đoạn tiếp theo của tiến bộ, sẽ vẫn còn chưa phải là thích đáng cho họ, nếu nó làm điều đó bằng một cung cách sẽ gây trở ngại hoặc sẽ làm cho họ trở thành không thích hợp cho bước tiến kế tiếp sau nữa. Những trường hợp như thế là rất thường gặp và là những sự kiện đáng buồn nhất trong lịch sử. Hệ thống đẳng cấp Ai Cập, chế độ chuyên chế gia trưởng Trung Hoa, đều đã từng là công cụ rất thích hợp để đưa các quốc gia ấy lên đỉnh cao văn minh mà họ đã đạt tới. Nhưng sau khi đạt tới điểm đó rồi thì họ bị đưa vào một sự ngưng trệ lâu dài do thiếu thốn tinh thần tự do và cá tính; các thiết chế đã đưa họ đi xa được như vậy lại làm cho họ không có khả năng tiếp thu những điều kiện cần thiết cho cải tiến; và bởi vì các thiết chế không bị đập tan để nhường chỗ cho những cái khác, cho nên sự cải tiến thêm nữa đã bị dừng lại.” Ông nhấn mạnh thêm:” Như vậy, sẽ không thể hiểu nổi vấn đề thích ứng của các hình thức chính thể với các tình trạng xã hội, nếu chỉ tính đến có bước tiếp theo mà không tính đến tất cả các bước xã hội sẽ phải làm; phải tính đến cả hai thứ: cái có thể dự kiến và cái ở tầm xa hơn không xác định, không nhìn thấy được vào lúc hiện tại.”(Chương II)
J.S. Mill dành nhiều trang viết để phản bác ý kiến khá phổ biến thời đó cho rằng nếu đảm bảo có được một nhà vua chuyên chế tốt thì chế độ quân chủ chuyên chế sẽ là chính thể tốt nhất. Ông phân tích rõ: “Một chế độ chuyên chế tốt có nghĩa là một chính thể, trong đó dù ở chừng mực phụ thuộc vào ông vua chuyên chế, các quan chức nhà nước không thực hiện các cuộc đàn áp công khai, nhưng điều khiển mọi quyền lợi tập thể của dân chúng thay cho dân chúng, suy nghĩ mọi chuyện liên quan đến quyền lợi tập thể thay cho dân chúng, tâm trí của dân chúng được hình thành bởi sự từ bỏ năng lực của chính mình và thuận tình với sự từ bỏ ấy. Phó mặc mọi thứ cho Chính Quyền giống như phó thác cho mệnh trời cũng đồng nghĩa với việc không quan tâm gì đến những thứ ấy và cam chịu chấp nhận mọi kết quả, dù không vừa ý, như các trừng phạt của Tự Nhiên. Ngoại trừ một số ít những người ham học hỏi có mối quan tâm trí tuệ đến việc suy luận cho riêng mình, thì trí tuệ và tình cảm của toàn thể dân chúng đều hàng phục trước các quan tâm vật chất; khi các quan tâm vật chất ấy được đảm bảo thì tâm trí và tình cảm của họ hướng tới các cuộc vui chơi và trang sức cho cuộc sống riêng tư. Nói vậy tức là nói rằng, nếu các chứng cứ lịch sử có một giá trị nào đó, một kỷ nguyên suy thoái của dân tộc đã đến: ấy là giả sử như dân tộc đã có cái gì đó đạt được rồi để mà suy thoái từ cái đó. Nếu dân tộc ấy chưa từng vươn lên cao hơn điều kiện của một dân tộc Phương Đông thì trong điều kiện ấy họ sẽ tiếp tục trì trệ.” Và ông kết luận: “Một chính thể chuyên chế tốt là một ý tưởng hoàn toàn trá ngụy (ngoại trừ như phương tiện cho mục đích nhất thời nào đó), trên thực tế nó trở thành những điều hão huyền vô nghĩa và nguy hiểm nhất.” (Chương III)
Vào thời kỳ J.S. Mill viết tác phẩm này (1861) các chính thể đại diện theo cách hiểu của ông đã trở thành hiện thực ở nhiều quốc gia phương Tây. Những trải nghiệm chính trị của Hoa Kỳ và nước Anh được ông chú trọng nhiều nhất. Ông hiểu rõ rằng những thiết chế đang hoạt động hiệu quả ở những nước này tương hợp với hoàn cảnh lịch sử, trình độ dân trí cũng như tính cách của dân chúng các nước đó; những thiết chế ấy rất có thể sẽ không thích hợp cho những hoàn cảnh cụ thể khác. Điều quan trọng là chính thể phải có hiệu quả đem lại lợi ích cho dân chúng, trước mắt cũng như trong triển vọng lâu dài, và ông coi đó là đặc tính của chính thể lý tưởng tốt nhất. Vì vậy ông viết: “Một chính thể hoàn toàn mang tính nhân dân chỉ là một tổ chức xã hội có khả năng nhận ra mọi đòi hỏi của đặc tính ấy. Tính ưu việt thể hiện trong cả hai bộ phận phân chia tính ưu tú của một hiến pháp chính trị. Một chính thể vừa cai trị tốt, vừa thúc đẩy các hình thức tốt hơn và cao hơn của tính cách dân tộc, sẽ được tán thành nhiều hơn so với bất cứ tổ chức xã hội nào khác.”(Chương III)
Trong hình dung của ông xã hội phải đã đạt tới trình độ văn minh để cho mỗi cá nhân ít nhiều đều ý thức được các quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với tư cách một công dân: “Tính ưu việt của chính thể có liên quan đến hiện trạng an sinh dựa trên hai nguyên tắc của tính chân lý phổ quát và tính có thể áp dụng được, cũng như của các đề xuất tổng quát bất kỳ có thể đặt vào trong mối quan hệ với các hoạt động của con người. Nguyên tắc thứ nhất là, các quyền và lợi ích của mỗi cá nhân bất kỳ chỉ được an toàn không bị coi thường khi bản thân cá nhân ấy có khả năng và thường xuyên có ý định đương đầu bảo vệ chúng. Nguyên tắc thứ hai là, sự phồn vinh chung sẽ đạt tới tầm cao hơn và được phân phối rộng rãi hơn, tỷ lệ theo với số lượng và sự đa dạng của các năng lực cá nhân tham dự vào việc thúc đẩy sự phồn vinh ấy.
Đặt hai đề xuất đó trong một dạng chuyên biệt hơn cho việc áp dụng trong hiện tại;con người chỉ được an toàn khỏi bàn tay gây ác của các kẻ khác theo một tỷ lệ với việc họ có được quyền lực để tự bảo vệ mình (self-protecting); và họ chỉ đạt được kết quả ở mức độ cao trong cuộc tranh đấu với Thiên Nhiên, theo một tỷ lệ với việc họ được tự lập (self-dependent), dựa vào việc họ có thể làm được gì, hoặc riêng rẽ hoặc phối hợp, hơn là dựa vào những cái người khác làm cho họ.”(Chương III)
J.S. Mill đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tính tích cực trong dân chúng thể hiện ở những con người mạnh mẽ biết tự tạo lập cuộc sống hạnh phúc cho mình bằng chính bàn tay của mình và có ý thức tự bảo vệ cuộc sống ấy: “Một điều kiện không thể thiếu được trong hoạt động của con người là: không có ý đồ nào nhằm bảo vệ quyền lợi cho người khác, dù chân thành đến đâu đi nữa, lại có thể làm họ tự trói buộc chân tay mình. Một sự thật còn hiển nhiên hơn nữa là chỉ có bằng chính bàn tay của mình mà con người mới có thể cải thiện đáng kể và lâu bền cho hoàn cảnh sống của mình. Thông qua ảnh hưởng liên kết của hai nguyên lý đó mà mọi cộng đồng tự do mới tránh được nhiều hơn khỏi bất công và tội ác xã hội, và đạt được nhiều hơn phồn vinh thịnh vượng so với các cộng đồng khác, hoặc so với chính bản thân họ, sau khi họ bị mất đi tự do của mình.” Ông phê phán dư luận xã hội thường thiên vị về phía tính cách thụ động:“Các tính cách mạnh mẽ có thể được ngưỡng mộ, nhưng những người ngoan ngoãn dễ bảo là những người được người ta ưa thích hơn.” Theo ông thì sự tiến bộ của loài người đều nhờ vào tính tích cực: “Tính dám làm, khát vọng tiến lên, nỗ lực thử nghiệm và làm những cái mới mẻ vì lợi ích của bản thân hay của người khác, đó là cha đẻ ngay cả của các tài năng lý thuyết, nhưng chủ yếu là của các tài năng thực hành.” Ngược lại, tính thụ động là nguyên nhân của sự trì trệ lạc hậu: ”Tính thụ động, không có chí, không có ham muốn là những cản trở đối với sự cải tiến, những cản trở còn tai hại hơn so với bất cứ định hướng sai nào đối với năng lực; và chỉ thông qua những tính cách đó thôi, một khi chúng tồn tại trong đông đảo quần chúng, thì bất cứ định hướng sai lầm nào của một thiểu số năng động cũng đều dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Chính những cái đó là nguyên nhân chủ yếu vẫn kìm giữ đại đa số nhân loại ở trong trạng thái dã man và bán khai.” Ông nhận xét:”Các nhà cầm quyền vô trách nhiệm cần sự im lặng của những kẻ bị trị hơn là cần tới bất cứ tính tích cực nào, ngoại trừ tính tích cực mà họ khống chế được.”(Chương III) Vì vậy J.S. Mill cho rằng tính thụ động của dân chúng là một trở ngại cho việc áp dụng chính thể đại diện.
Một trở ngại phổ biến khác nữa đối với Chính thể đại diện, ấy là khi dân chúng ham muốn được có địa vị quyền lực áp đặt lên đồng bào mình nhiều hơn là ham muốn được có tự do và độc lập cá nhân. J.S. Mill viết: ”Có những dân tộc mà đam mê cai trị người khác mạnh hơn nhiều so với ham muốn độc lập cá nhân, đến nỗi chỉ vì cái bóng của cái này mà họ sẵn sàng hy sinh toàn bộ cái kia… Một cá nhân trung bình trong số họ sẽ ưu tiên lựa chọn cơ hội, dù có xa vời và khó xảy ra đến đâu đi nữa, được chia phần đôi chút về quyền lực để áp đặt lên đồng bào của mình, hơn là lựa chọn sự chắc chắn, cho bản thân mình cũng như cho các người khác, rằng không phải chịu đựng một quyền lực không cần thiết áp đặt lên mình. Đó là các yếu tố của một dân tộc săn tìm địa vị; ở đó đường lối chính trị của họ chủ yếu được xác định bởi sự săn tìm địa vị; ở đó chỉ có sự bình đẳng là được quan tâm chứ không phải sự tự do; ở đó cuộc tranh đoạt của các đảng chính trị chỉ là những cuộc đấu đá để quyết định xem quyền can thiệp vào mọi chuyện sẽ thuộc về giai tầng này hay giai tầng kia, hay có lẽ đúng hơn, sẽ chỉ thuần túy thuộc về nhóm chính khách này hay nhóm chính khách nọ, ở đó ý tưởng ấp ủ của nền dân chủ chỉ thuần túy là mở cửa mọi công sở cho sự tranh đua của mọi người, thay vì của một ít người.” Ông nhận xét rằng xét trong tư cách một dân tộc thì dân chúng nước Anh không có nhược điểm đó: ”Họ không có chút thiện cảm nào với niềm đam mê cai trị, trong khi đó lại rất quen thuộc với các động cơ của lợi ích riêng trong việc mưu cầu chức vụ; họ thích chức vụ phải được thực hiện bởi những người không mưu cầu mà nhận được nó như một hệ quả của địa vị xã hội. Nếu những người nước ngoài hiểu được điều này thì có thể sẽ dễ giải thích một số mâu thuẫn bề ngoài trong cảm nhận chính trị của người Anh: sự sẵn sàng không do dự của họ để được cai trị bởi các giai tầng cao hơn kết hợp với rất ít sự quy lụy cá nhân đối với các giai tầng ấy, khiến cho không có dân tộc nào lại ưa thích đến thế việc kháng cự lại quyền uy nếu nó vượt quá giới hạn quy định nào đó, hay lại quả quyết đến thế trong việc luôn nhắc nhở những người cầm quyền của họ rằng, họ chỉ tự nguyện để cho cai trị họ trong cách thức mà bản thân họ ưa chuộng nhất. Vì thế, săn tìm địa vị là hình thức tham vọng mà người Anh, xét về mặt dân tộc, hầu như rất xa lạ với nó.(Chương IV)
Những đòi hỏi của J.S. Mill về các ưu điểm mà dân chúng cần phải có để cho chính thể đại diện phát huy hiệu quả tốt tuy thật hữu lý nhưng có lẽ cũng không có nhiều dân chúng đáp ứng được. Có lẽ vì vậy mà nhiều quốc gia đi theo hình thức dân chủ phương Tây lại đạt những thành quả tiến bộ không mấy khả quan. Phải chăng vì vậy mà có người nào đó đã chua chát nhận xét rằng “mỗi dân tộc đều có được một chính phủ xứng đáng với họ”?
Đối chiếu với xã hội của ta thì các trở ngại còn lớn hơn nữa. Chúng ta trải qua lịch sử hàng ngàn năm của nền chuyên chế vương hữu hóa toàn bộ đất đai, thần dân hóa toàn thể dân chúng theo nguyên tắc “dưới trời đâu chẳng là đất của vua, sống trên đất ai chẳng là tôi của vua”. Ý thức hệ Nho giáo chính thống ngự trị mấy trăm năm đã khiến cho “người trẻ trở thành con cháu, người có tuổi trở thành cha chú, chỉ có những gia đình lớn nhỏ mà không có xã hội, không có nhà nước, không có con người mà cũng không có công dân”.[2] Nếu một dân chúng nhất thời còn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của chính thể dân chủ thì trách nhiệm của các nhân tài yêu nước là phải hợp lực khai minh cho dân chúng. Đó chính là ý nghĩa của cuộc vận động duy tân ở nước ta đầu thế kỷ XX với ý đồ Chấn dân khí, Khai dân trí, Hậu dân sinh. Đó cũng là ý nghĩa của cuộc vận động duy tân của Nhật Bản thời Minh Trị.
J.S. Mill cũng khẳng định điều này:” Một dân chúng có thể còn chưa sẵn sàng cho các thiết chế tốt đẹp, nhưng việc nhen nhóm lên lòng mong ước có được các thiết chế ấy phải là phần việc cần thiết cho sự chuẩn bị. Giới thiệu và biện minh cho một thiết chế hay một hình thức chính thể cá biệt, soi sáng minh bạch các ưu thế của nó, đó chính là một trong những phương thức và thường là phương thức duy nhất trong tầm tay để giáo dục dân trí cho một dân tộc, không phải chỉ để tiếp thu và yêu sách thiết chế ấy mà cũng là để cho thiết chế ấy vận hành được. Những nhà yêu nước Italia trong thế hệ trước cũng như hiện nay đã hàm ý gì về việc chuẩn bị cho dân chúng Italia giành tự do trong thống nhất, nếu không phải là kích động họ đòi hỏi điều đó?”
2) Chức năng của các bộ phận quyền lực hợp thành chính thể đại diện.
a) Quyền lực kiểm soát tối thượng thuộc về nhân dân thông qua các đại diện.
Trong suy tưởng của ông ý nghĩa của Chính thể đại diện là ở chỗ “toàn thể dân chúng hay một phần đông đảo nào đó của nó, thực thi quyền lực kiểm soát tối thượng thông qua các đại diện được họ bầu lên theo định kỳ; cái quyền lực ấy phải tồn tại ở đâu đó trong mọi hiến pháp.” Các đại diện ở cấp quốc gia tạo thành Hội đồng được gọi là Quốc hội hay Nghị viện, ấy là bộ phận nắm quyền lập pháp. Ông cho rằng: ”Có một sự khác biệt triệt để giữa việc kiểm soát công việc của chính quyền và việc thực sự làm công việc đó.” Và khẳng định: ”tất cả các nước hiểu biết hệ thống đại diện trong thực tiễn đều thừa nhận rằng các hội đồng đại biểu đông người không nên làm công việc [quản lý của] chính quyền. “ Hơn thế nữa, quốc hội nhân dân cũng không thích hợp với việc cai trị hay áp đặt chi ly cho những người có chức vụ chính quyền: ”Bất cứ ngành hành chính công nào cũng là một công việc có kỹ xảo bao hàm những nguyên lý riêng đặc thù của nó và những quy tắc truyền thống, nhiều điều trong lĩnh vực này, nếu không từng trải qua thực hành công việc một thời gian nào đó, thì không thể có hiểu biết thực sự; những người chưa từng làm quen với nghiệp vụ trên thực hành có lẽ sẽ không sao đánh giá đúng được bất cứ điều gì trong lĩnh vực này.” Ông nhấn mạnh: ”Các lợi ích phụ thuộc vào việc làm của một công sở, các hậu quả pháp lý đi theo sau mỗi kiểu cách đặc thù của việc điều hành công sở, [những thứ này] đòi hỏi phải có một loại tri thức được rèn luyện đặc biệt cho việc xét đoán để cân nhắc và lượng định chúng, loại tri thức này hiếm khi thấy được ở những người không được dạy dỗ, cũng giống như hiếm thấy khả năng cải cách luật pháp ở những người không học tập nó một cách chuyên nghiệp.” Cho nên một hội đồng đông người như quốc hội không nên tự mình quyết định về những hành vi đặc biệt của việc cai trị. Can thiệp như vậy trong hoàn cảnh tốt nhất sẽ chỉ là “sự thiếu trải nghiệm ngồi phán xét sự trải nghiệm, sự dốt nát phán xét tri thức”. Còn nếu có thêm động cơ lợi ích can thiệp vào thì kết quả sẽ tồi tệ hơn nữa.
Ông đưa ra kết luận: ”Trách nhiệm đích thực của một quốc hội đại diện đối với các vấn đề của chính quyền không phải là quyết định chúng bằng biểu quyết của mình, mà lo liệu sao cho những người phải quyết định các vấn đề ấy là những người thật sự thích hợp.”
Ngay cả công việc lập pháp thì quốc hội đông người cũng không nên trực tiếp làm: ”Công việc làm luật pháp cần thiết phải được thực hiện bởi các trí tuệ, không những phải được rèn luyện và kinh qua thử thách mà còn phải được huấn luyện làm nhiệm vụ nghiên cứu dài lâu và cần cù; khó mà tìm thấy loại công việc vận dụng trí óc nào khác có sự đòi hỏi nhiều đến như vậy đối với những người thực hiện.” J.S. Mill cho rằng phải có một Ủy ban lập pháp gồm những chuyên gia về luật pháp (thể hiện yếu tố trí tuệ) chuyên trách soạn thảo các đạo luật. Quốc hội giữ quyền phê chuẩn (thể hiện yếu tố ý chí).
Ông kết luận: ”Thay cho chức năng cai trị hoàn toàn không thích hợp với mình, chức năng đích thực của một quốc hội đại diện là giám sát và kiểm soát chính phủ, soi ánh sáng của tính công khai lên các hành vi cai trị, buộc chính phủ phải giải trình và biện minh tất cả các hành vi ấy khi bất cứ ai đó thấy chúng đáng nghi ngờ, phê bình chỉ trích chúng nếu thấy chúng đáng lên án, và nếu những thành viên chính phủ lạm dụng sự tín nhiệm trong các công việc được giao phó hay thực hiện chúng theo một cung cách xung đột với tinh thần cân nhắc vì quốc gia, thì đuổi họ ra khỏi nhiệm sở và bổ nhiệm những người kế nhiệm, hoặc là bằng cách công bố, hoặc là bằng cách thực hiện trên thực tế.”
J.S. Mill quan niệm rằng các cơ quan đại diện “không phải là một chọn lọc từ những trí tuệ chính trị lớn nhất của đất nước mà qua ý kiến của những người này rất khó suy ra đúng được ý kiến của dân chúng”, nhưng “là một mẫu chính xác cho mọi trình độ trí tuệ trong nhân dân, mà tất cả đều được quyền có tiếng nói trong các sự nghiệp công cộng. Phần việc của họ là chỉ ra những gì cần thiết, là cơ quan đưa ra các đòi hỏi của dân chúng và là một nơi để tranh cãi lật đi lật lại mọi ý kiến liên quan tới những việc chung dù lớn hay nhỏ; cùng với việc này là kiểm tra giám sát bằng sự phê bình và cuối cùng là rút lại sự ủng hộ đối với những quan chức cao cấp trên thực tế quản lý việc công hay những người bổ nhiệm những quan chức ấy.”(Chương V)
J.S. Mill dành chương VI để bàn về“những yếu kém và những nguy cơ có khả năng xảy ra với chính thể đại diện”. Ông chia các khuyết tật của chính thể nói chung ra làm hai loại: âm tính (negative) và dương tính (positive). Khuyết tật âm tính là nếu hình thức chính thể không tập trung được đầy đủ quyền lực vào tay những người cầm quyền để họ hoàn thành nhiệm vụ. Khuyết tật âm tính khác là không làm cho những tài năng cá nhân, đạo đức và tính tích cực của nhân dân được sử dụng đầy đủ. Những xấu xa và nguy cơ dương tính bao gồm sự thiếu phẩm chất trí tuệ cao cũng như việc chịu ảnh hưởng của các lợi ích không đồng nhất với sự thịnh vượng chung của cộng đồng.
Ông dẫn ra nhiều trải nghiệm lịch sử châu Âu làm cơ sở cho những suy tưởng của mình. Ông chú ý tới chế độ quan liêu, dù dưới hình thức quân chủ hay quý tộc, vì nó có được kỹ xảo cai trị với những viên chức được huấn luyện. Ông cho rằng Chính thể Tự do phải học tập điều này, vì“sự tự do cũng không sản sinh ra được những hiệu quả tốt đẹp nhất của nó và thường sụp đổ toàn bộ, nếu không tìm được phương tiện để kết hợp sự tự do với nền hành chính được huấn luyện và thành thạo nghiệp vụ.” Ông đưa ra kết luận: ”Không thể tạo ra được sự tiến bộ nào hướng tới đạt được một nền dân chủ thành thục, trừ phi nền dân chủ thuận nguyện để cho công việc đòi hỏi sự thành thạo phải được làm bởi những người thành thạo. Một nền dân chủ có khá nhiều việc để làm bằng cách tự đảm bảo cho mình đủ năng lực trí tuệ để làm công việc đích thực của mình, ấy là giám sát và kiểm tra.”
Ông xem xét nguy cơ chịu ảnh hưởng của các lợi ích độc ác, tức là các lợi ích mâu thuẫn với lợi ích chung của cộng đồng. Phần lớn những cái xấu xa xảy ra ở các chính thể quân chủ và quý tộc đều xuất phát từ nguyên nhân ấy:”Lợi ích của một giai tầng cầm quyền, dù là giới quý tộc hay vương triều quý tộc, là vơ về cho mình đủ mọi thứ đặc quyền bất chính, đôi khi nhét đầy túi của họ bằng những tổn hại cho nhân dân, đôi khi chỉ là có xu hướng tự đưa mình lên địa vị ở trên những người khác, hoặc cũng chính là vậy nhưng diễn tả bằng những lời khác, ấy là dìm những người khác xuống dưới mình. Nếu như nhân dân bất bình, mà dưới sự cai trị như vậy chắc hẳn phải bất bình, thì lợi ích của nhà vua hay giới quý tộc là giữ cho trí tuệ và sự giáo dục của nhân dân ở mức thấp, kích động gây bất hòa trong dân chúng và thậm chí ngăn chặn không cho họ được sung túc để dân chúng khỏi “no cơm lại dửng mỡ chống đối…”. Nhưng J.S. Mill không cho rằng nền dân chủ lại được miễn nhiễm với căn bệnh này chỉ bởi vì nó phục vụ cho lợi ích chân chính của đa số dân chúng. Ông lập luận rằng nếu giả sử hành vi của những người cầm quyền được quyết định duy nhất bởi lợi ích “chân chính” của họ thì các chế độ chuyên chế hẳn cũng đã không tồi tệ đến thế. Ông cho rằng:”Không phải là chuyện lợi ích [chân chính] của họ là gì mà là chuyện họ cho rằng lợi ích của họ là gì, ấy mới là điều quan trọng khi xem xét cách cư xử của họ.” Vì vậy mà nền dân chủ cũng có nguy cơ từ phía những người cầm quyền bị tha hóa vì quyền lực. Ông nhận xét: ”Thời điểm mà một người, hay một giai cấp thấy được mình đã có quyền lực trong tay, thì quyền lợi cá nhân của một người hay quyền lợi riêng của giai cấp sẽ chiếm một mức độ quan trọng hoàn toàn mới mẻ trong con mắt của họ. Thấy mình được các người khác sùng bái, họ trở thành những người tự sùng bái mình, và nghĩ mình có quyền tính giá trị của mình cao hơn gấp trăm lần so với người khác …” Ông viết tiếp: ”Đó là ý nghĩa của cái truyền thống mang tính phổ quát dựa trên trải nghiệm phổ quát của những con người bị đồi bại bởi quyền lực. Ai cũng biết rằng, hẳn là ngu ngốc khi suy luận từ chuyện con người là thế nào hay làm gì ở địa vị dân thường để kết luận rằng anh ta sẽ là y hệt như thế hay làm y hệt như thế khi trở thành một bạo quân trên một ngai vàng; là chỗ mà những phần xấu xa trong bản chất con người của anh ta được mọi người đón nhận và hùa theo trong mọi tình huống, thay vì bị kiềm chế và giữ gìn trong sự lệ thuộc tùy theo mỗi tình huống trong cuộc đời của anh ta và tùy theo mỗi người ở xung quanh anh ta. Hẳn cũng là ngu ngốc như vậy, khi nuôi dưỡng một hy vọng tương tự đối với một giai cấp; [như] giai cấp bình dân, hay bất cứ giai cấp nào khác. Cứ cho là họ hằng luôn khiêm tốn và biết nghe theo lẽ phải, nhưng còn có một quyền lực chi phối họ mạnh hơn là những thứ đó, chúng ta phải chờ đợi một sự thay đổi hoàn toàn về phương diện này, khi bản thân họ trở thành quyền lực hùng mạnh nhất.”
J.S. Mill bàn về hai nguy cơ của nền dân chủ: nguy cơ về trình độ trí tuệ thấp trong hội đồng đại biểu và trong công luận kiểm soát hội đồng; và nguy cơ về sự lập pháp giai cấp dựa vào bộ phận đa số số học bao gồm toàn bộ những người cùng một giai cấp. Theo ông thì hai tệ trạng này bắt nguồn từ sự lầm lẫn trong quan niệm về dân chủ: ”Hai ý tưởng rất khác nhau thường bị lầm lẫn dưới cái tên dân chủ. Ý tưởng thuần khiết của dân chủ theo định nghĩa của nó là chính quyền của toàn thể nhân dân do toàn thể nhân dân đều được đại diện bình đẳng. Nhưng, nền dân chủ như thông thường vẫn được hiểu và cho đến nay vẫn được thực hành là chính quyền của toàn thể nhân dân do chỉ riêng một đa số dân chúng được độc quyền đại diện.” Ông đòi hỏi bất cứ tầng lớp nào cũng phải được có đại diện. Một đa số cử tri sẽ luôn có một đa số đại biểu; nhưng một thiểu số cử tri cũng phải luôn luôn có một thiểu số đại biểu. Ông viết: ”Các nhóm thiểu số phải được đại diện đầy đủ, ấy chính là một phần mang tính bản chất của nền dân chủ. Không có điều này thì không thể nào có dân chủ thực sự mà chỉ là màn trình diễn giả dối của dân chủ mà thôi.”
Ông lập luận rằng: ”Trong mỗi chính quyền đều có một lực lượng nào đó mạnh hơn tất cả các lực lượng còn lại; và cái lực lượng mạnh nhất ấy có khuynh hướng muốn vĩnh viễn trở thành quyền lực duy nhất.” Nếu cái lực lượng chiếm đa số ấy ”đàn áp thành công mọi ảnh hưởng đối địch, đúc nặn mọi thứ theo kiểu mẫu của nó, lúc ấy tại đất nước đó sự cải tiến chấm dứt và sự suy tàn bắt đầu.” Ông nhận xét rằng “Không có cộng đồng nào tiếp tục tiến bộ dài lâu mà lại không có lúc xung đột giữa lực lượng mạnh nhất và lực lượng đối địch nào đó trong cộng đồng…”
Ông dành nhiều phần trong chương này và các chương sau để bàn về cách thức tổ chức bầu cử sao cho các bộ phận có trí tuệ chiếm thiểu số trong dân chúng có thể có được đại diện của mình một cách công bằng, và “để cho không một giai cấp nào, dù là giai cấp đông đảo nhất, sẽ có thể quy giản tất cả mọi thứ, ngoại trừ bản thân nó, thành ra thứ vô nghĩa về chính trị, và chỉ đạo đường lối lập pháp và hành pháp theo lợi ích giai cấp độc nhất của nó. Vấn đề là tìm ra được phương tiện ngăn chặn sự lạm dụng ấy mà không phải hy sinh những ưu thế đặc trưng của chính thể nhân dân.” (Chương VIII)
J.S. Mill cảnh báo về nguy cơ thống trị độc quyền của giai cấp đông người nhất:”Trong cái thứ được gọi không đúng là nền dân chủ ấy, thực ra là sự thống trị độc quyền của những giai cấp lao động, mọi giai cấp khác không được đại diện và không được lắng nghe, lối thoát duy nhất khỏi sự lập pháp giai cấp trong hình thức hẹp hòi nhất và sự ngu dốt chính trị trong hình thức nguy hiểm nhất, hẳn là nằm ở sự sắp xếp sao cho người không học thức phải chọn người có học thức làm đại diện và làm theo ý kiến của họ. Có thể mong chờ một cách hợp lý là có một sự sẵn sàng nào đó để thực hiện điều này, và mọi thứ đều phụ thuộc vào việc vun đắp lòng tự nguyện ấy đến mức cao nhất. Thế nhưng, một khi được trao quyền lực chính trị vô hạn, nếu các giai cấp lao động tự nguyện tán thành một sự giới hạn đáng kể sự bảo thủ ý kiến và sự ngoan cố của mình, họ hẳn sẽ chứng minh được mình là những người khôn ngoan hơn bất cứ giai cấp nào nắm quyền lực tuyệt đối đã từng biểu hiện bản thân, hoặc, trong trường hợp ngược lại, tôi xin mạo hiểm nói rằng, họ rồi cũng sẽ tự biểu hiện mình dưới ảnh hưởng tha hóa ấy.”(Chương XII)
J.S. Mill đặc biệt coi trọng việc giữ gìn đạo đức chính trị của giới cầm quyền:”Chắc không có kiểu cách nào mà các thiết chế chính trị lại có tác hại về mặt đạo đức - gây ra cái xấu lớn hơn thông qua tinh thần của các thiết chế ấy - nhiều hơn là bằng cách diễn tả các chức năng chính trị như một ân huệ được ban phát, như một thứ mà nếu ai muốn thì phải hỏi xin thủ kho, thậm chí phải trả tiền nếu thứ ấy được trù tính cho lợi ích riêng biệt của anh ta. Người ta chẳng ai ưa thích trả những số tiền lớn để được phép hoàn thành một nhiệm vụ khó nhọc. Plato đã có một quan điểm đúng đắn hơn nhiều về những điều kiện cho sự cai trị tốt, khi ông khẳng định rằng những người được tìm kiếm để trao cho quyền lực chính trị, ấy đích thị là những người không muốn nhận nó nhiều nhất, và rằng cái động cơ duy nhất khả dĩ dựa vào được để thuyết phục những người thích đáng nhất chịu nhận lấy sự trói buộc của việc cai trị, ấy là nỗi e ngại sẽ bị cai trị bởi những người xấu xa.”(Chương X)
b) Hoạt động của bộ phận hành pháp.
J.S. Mill dành chương XIV để bàn về hoạt động của bộ phận hành pháp trong Chính thể đại diện. Ông cho rằng cách thức phân chia các ban ngành như thế nào cho tiện lợi là tùy thuộc tình hình cụ thể của mỗi quốc gia, nhưng cần phải tuân thủ một số quy tắc hoạt động để đảm bảo hiệu quả cho công việc. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân trách nhiệm rõ ràng; ông khuyên “không nên có nhiều ban bệ độc lập với nhau để giám sát những bộ phận khác nhau của cùng một toàn thể tự nhiên…” Ông khẳng định: “Ở đâu mà mục tiêu muốn đạt được là đơn nhất (như là có một quân đội đầy năng lực) thì quyền uy được ủy nhiệm để đạt được mục tiêu ấy phải cũng là đơn nhất như vậy.” Ông đặc biệt coi trọng việc xác định trách nhiệm cá nhân: ”Như một quy tắc chung, mỗi chức năng hành pháp, dù là ở cấp trên hay cấp phụ thuộc, phải là nhiệm vụ được chỉ định của một cá nhân nào đó. Cần phải để cho tất cả bàn dân thiên hạ đều thấy rõ ai đã làm mọi việc và do thiếu sót của ai mà mọi việc đã bị bỏ lại không làm xong. Việc gánh trách nhiệm sẽ là một con số không, một khi không ai biết người nào phải chịu trách nhiệm.” Ông đặc biệt phê phán kiểu cách chịu trách nhiệm tập thể: “Sự thể sẽ tệ hại nhiều hơn nữa, khi bản thân hành động chỉ xuất phát từ một đa số - như trong trường hợp một Ban hay một cơ quan - bàn thảo trong cuộc họp kín, không ai được biết, hoặc giả trong trường hợp đặc biệt nào đó, chẳng ai biết một cá nhân thành viên nào biểu quyết ủng hộ hay chống lại hành động ấy. Việc gánh trách nhiệm trong trường hợp này chỉ là danh nghĩa mà thôi. Bentham đã nhận xét thật tài tình rằng “Ban bệ là bình phong.” Cái mà “Ban bệ” làm là hành động chẳng của ai cả; và chẳng có ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành động đó.”
Ông nhận xét rằng vị bộ trưởng chỉ là một nhà chính trị đơn thuần, dù có thể là người có năng lực nhưng thường thiếu tri thức cụ thể trong lĩnh vực phụ trách. Vì thế phải cung cấp cho ông ta các nhà cố vấn nghiệp vụ. Hội đồng cố vấn phải mang tính tư vấn thuần túy: quyết định tối hậu phải duy nhất thuộc về chính vị bộ trưởng. Nhưng các cố vấn “phải được đặt trong những điều kiện sao cho họ không thể không bày tỏ một ý kiến, và ông ta thì không thể không lắng nghe và xem xét những đề xuất của họ, dù ông ta có chấp nhận chúng hay không.” Ông nhấn mạnh: ”Các thành viên của Hội đồng chỉ có trách nhiệm của các cố vấn; nhưng từ những tài liệu có thể trình ra được, và nếu Nghị viện hay công luận tìm đến thì những tài liệu ấy luôn được trình ra, ai cũng biết mỗi người đã tư vấn điều gì và anh ta đã đưa ra những lý lẽ gì cho lời khuyên của mình…”
Theo quan niệm của J.S. Mill “Toàn bộ công việc của chính quyền là việc thuê người làm khéo léo; việc định phẩm cho việc thải hồi thuộc loại đặc biệt và chuyên nghiệp, không thể được phán xét đúng đắn ngoại trừ những người chia sẻ một số những phẩm chất ấy, hay có kinh nghiệm thực tế với chúng. Công việc tìm kiếm những người thích hợp nhất cho việc thu nhận vào làm việc công - không phải là tuyển lựa xem ai tốt nhất trong những người xin làm, mà phải tìm cho ra người tuyệt đối tốt nhất…” Ông nhấn mạnh trách nhiệm của vị bộ trưởng trong việc tuyển lựa và bãi chức nhân viên: ”Tất cả các viên chức công mà không được bổ nhiệm thông qua một kiểu cách thi tuyển công khai nào đó, thì phải được tuyển lựa dựa trên trách nhiệm trực tiếp của vị bộ trưởng mà họ sẽ phục vụ dưới quyền…Viên chức bổ nhiệm [người khác] phải là người duy nhất có quyền bãi chức bất cứ nhân viên cấp dưới nào mà theo trách nhiệm pháp lý đáng phải bị bãi chức…”
J.S. Mill cho rằng các bộ phận dịch vụ công của nền hành pháp phải dựa vào tầng lớp công chức chuyên nghiệp. Theo ông thì đó là nhóm người đông đảo và quan trọng, “không thay đổi theo sự đổi thay của chính trị mà ở lại trợ giúp cho mọi bộ trưởng bằng kinh nghiệm và truyền thống của mình, cung cấp cho bộ trưởng những tri thức nghề nghiệp, điều khiển các chi tiết về quản lý dưới sự giám sát chung của ông ta”; đó là những người “bước vào nghề nghiệp từ lúc còn trẻ giống như các nghề nghiệp khác, với niềm hy vọng được thăng tiến lên những bậc cao hơn trong tiến trình cuộc sống của mình…” Để được tuyển dụng, những người này phải qua “một kỳ thi công khai, được tiến hành bởi những người không dính líu đến chính trị, và thuộc cùng một giới và có cùng phẩm chất với những người chấm thi các danh hiệu của các trường Đại học.” Kỳ thi tuyển dụng phải dựa trên tri thức thông thường được dạy trong giáo dục phổ thông: ”Để xác định xem anh ta có được giáo dục tốt hay không thì anh ta phải bị chất vấn trong những vấn đề mà người có giáo dục tốt nào cũng phải biết, ngay cả khi kiến thức ấy không trực tiếp liên quan đến công việc mà anh ta sẽ được bổ nhiệm.”
c) Hoạt động của cơ quan đại diện địa phương.
J.S. Mill dành chương XV để bàn về các cơ quan đại diện địa phương. Ông cho rằng chỉ dựa trên nguyên tắc phân công lao động cũng đủ thấy rõ có vô số những trách nhiệm đa dạng phải chia sẻ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Ông nhấn mạnh: “Không chỉ đòi hỏi phải phân chia riêng rẽ các viên chức hành pháp (một mức độ phân chia tồn tại dưới mọi chính thể), mà ngay cả sự kiểm soát nhân dân đối với các viên chức ấy cũng chỉ có thể thực thi có lợi thông qua một cơ quan riêng rẽ.”
Ông nhận xét rằng hệ thống cơ quan đại diện địa phương ở nước Anh là không đầy đủ và thiếu chính quy.Vậy nên phải có sự đại diện thành phố hay tỉnh lỵ bổ sung thêm vào sự đại diện quốc gia, và cần xác định xem các hội đồng đại diện địa phương nên được thành lập như thế nào, và phạm vi các chức năng của những hội đồng ấy là gì. Ông cho rằng: “…việc giáo dục tinh thần cho dân chúng ở các công việc địa phương giữ một vai trò quan trọng hơn so với những công việc chung của nhà nước, và nhất là trong trường hợp này, những lợi ích sống còn không phụ thuộc quá nhiều vào chất lượng của việc quản lý, nên cho phép ta ưu tiên xem trọng mục đích giáo dục tinh thần hơn là chất lượng quản lý công việc chung của cả đế chế.”
Ông xác định trách nhiệm của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương như sau: ”Công việc chính của quyền uy trung ương là đưa ra chỉ dẫn, còn của quyền uy địa phương là áp dụng chỉ dẫn ấy. Quyền lực có thể được địa phương hóa, nhưng tri thức thì phải trung ương hóa để thành hữu ích nhất; ở đâu đó phải có một tiêu điểm để thu thập lại mọi tia sáng phát tán ra, sao cho những ánh sáng sai lạc và đổi màu luôn tồn tại ở mọi nơi, có thể tìm được chỗ có thứ cần thiết đặng hoàn thiện và làm sạch chúng.” Ông nhấn mạnh: ”Các địa phương có thể được phép quản lý tồi tệ lợi ích của riêng họ, nhưng không được làm thiệt hại lợi ích của những người khác, cũng như không được vi phạm các nguyên tắc công bằng giữa người này với người kia, chính là trách nhiệm của Nhà nước phải duy trì sự tuân thủ nghiêm ngặt những điều này.” Ông phản đối ý kiến đòi để cho chính quyền địa phương tự lo liệu việc giáo dục chính trị và huấn luyện dân chúng: ”Chỉ là một sự giáo dục yếu kém, nếu kết hợp sự ngu dốt với sự ngu dốt và rồi để mặc họ, nếu họ quan tâm đến tri thức, thì tự mò mẫm tìm đường đến nó không ai giúp đỡ, nếu họ không quan tâm đến tri thức, thì sẽ làm với sự thiếu hiểu biết. Cái cần phải có là những phương tiện để khiến cho sự ngu dốt tự ý thức được mình ngu dốt, và có khả năng hưởng lợi ích bằng tri thức; tập cho các đầu óc vốn chỉ biết hành động theo lề thói hàng ngày làm quen với giá trị của các nguyên tắc…”
Ông kết luận như sau: ”Một chính phủ toan tính ôm đồm làm mọi thứ thì thực có thể so sánh được với người thày giáo mà ông Charles de Rémusat đã mô tả, cái ông thầy làm hết mọi bài tập cho học trò; ông thày ấy có thể rất được lòng các học trò, nhưng ông ta dạy chúng chẳng được bao nhiêu. Mặt khác, một chính phủ tự mình chẳng làm một điều gì mà bất cứ ai cũng có khả năng làm được, cũng chẳng chỉ dẫn cho một ai biết làm điều gì đó theo cách thức nào, thì chính phủ ấy cũng giống như một trường học không có thày dạy, mà chỉ có học trò làm thày giáo, là những người bản thân họ chưa hề được dạy dỗ bao giờ.”
3) Một số chủ đề liên quan đến đặc thù của nước Anh thế kỷ XIX.
Thời kỳ J.S. Mill viết tác phẩm này là lúc mà nước Anh đã đạt tới mức độ công nghiệp hóa (cơ giới) rất cao với số lượng công nhân chiếm đa số dân chúng. Bộ phận dân chúng này vẫn còn sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn và bị thất học nhiều; công việc phổ cập giáo dục của nước Anh hồi đó còn chưa có nhiều tiến bộ. Mặt khác, đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Anh dưới triều đại Nữ hoàng Victoria (Victorian Age) với nhiều cuộc cải cách chính trị để thích ứng với trào lưu dân chủ của châu Âu và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó J.S. Mill đặc biệt lo lắng với nguy cơ chuyên chế của số đông thất học bị thao túng bởi các chính trị gia mị dân khiến cho những tài năng trí tuệ của đất nước nằm trong nhóm thiểu số có thể không được tham chính. Vì vậy ông ủng hộ kế hoạch của ông Hare nhằm đảm bảo cho các nhóm thiểu số có được đại diện một cách công bằng. Ông cũng mong muốn để những cá nhân trí tuệ cao của đất nước được quyền có nhiều lá phiếu hơn những công dân bình thường trong bầu cử. Những kiến nghị này không thích hợp với thời đại hiện nay ít nhất cũng do việc phổ cập giáo dục ở các nước Âu Mỹ đã tiến bộ nhiều so với thời đại của J.S. Mill.
Thời đại của J.S. Mill nước Anh là một đế chế rộng lớn bao gồm nhiều lãnh thổ hải ngoại trong đó có thuộc địa Ấn Độ. Ông dành chương XVIII để bàn về quan hệ giữa mẫu quốc và các nước phụ thuộc. Ngày nay hệ thống thuộc địa đã bị xóa sổ và khái niệm các nước phụ thuộc đã thành quá khứ lịch sử. Tuy vậy, chương viết này cũng rất lý thú vì cho ta biết được suy tư của một triết gia thời khai sáng đối với vấn đề khá nhạy cảm này như thế nào, đồng thời cũng hé mở cho ta biết được một số vấn đề lịch sử của quan hệ mẫu quốc-thuộc địa từ một góc nhìn ít nhiều khách quan của một học giả.
Để kết thúc bài giới thiệu này tôi muốn nói đôi lời về nội hàm của việc học hỏi tri thức nhân loại qua các tác phẩm kinh điển về triết học xã hội. Truyền thống học tập của ta vốn mang tính từ chương và thụ động do thói quen kính cẩn tiếp thu lời dạy của thánh nhân. Trong quá khứ sách phải là sách thánh hiền nên sách cũng được xem là chân lý. Những gì sách viết là khuôn mẫu để ta áp dụng theo. Khi có sách nào bị kết án là độc hại thì tất cả mọi người phải tránh xa nó, chỉ tàng trữ sách độc hại thôi cũng đã đủ bị kết tội rồi. Quan niệm hiện đại về học hỏi các trước tác của tiền nhân đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác.
Trước hết khái niệm tri thức về triết học xã hội hàm ý một tri thức khoa học. Có nghĩa rằng tri thức ấy được xây dựng trên một nền tảng lôgic đúng đắn và khớp nối được với các quan sát thực tế ở một mức độ nhất định. Có loại tri thức như vật lý học được gọi là khoa học chính xác vì hệ thống lý thuyết của nó được mọi người trong giới chuyên môn thừa nhận như một hệ hình (paradigm) và mọi quan sát thực nghiệm đều phù hợp chính xác với lý thuyết. Tri thức triết học xã hội có nhiều điểm khác biệt: không có một lý thuyết nào được mọi người trong giới chuyên môn nhất trí thừa nhận, tức là luôn có nhiều hệ hình khác nhau. Mỗi lý thuyết chỉ khớp nối được với các quan sát thực tế (các bằng chứng lịch sử hay các số liệu thống kê xã hội) cho một bộ phận nào đó và trong một chừng mực nào đó. Điều này không đáng ngạc nhiên vì đối tượng của vật lý học là một hệ vật chất nhất định (như nguyên tử hydro chẳng hạn) không thay đổi theo thời gian, không phụ thuộc vào vị trí địa lý: ngày nay tại bất kỳ quốc gia nào nếu lặp lại thí nghiệm mà các nhà vật lý tiền bối đã thực hiện trăm năm trước đây thì ta vẫn thu được kết quả y hệt. Trong khi đó đối tượng nghiên cứu của triết học xã hội là cộng đồng con người. Cùng một thời đại vẫn tồn tại những cộng đồng xã hội có những đặc thù khác biệt nhau. Một cộng đồng xã hội nhất định cũng lại biến đổi theo thời gian: dân chúng nước Anh thế kỷ XX là những con người khác với dân chúng nước Anh thế kỷ XIX. Ngay như mỗi đơn vị của một xã hội nhất định (một con người cụ thể) cũng biến đổi theo dòng trôi của cuộc đời anh ta. Sự bất định này khiến cho người ta khó hình dung được có một lý thuyết khoa học nào đó khả dĩ tạo thành hệ hình duy nhất cho lĩnh vực triết học xã hội.
Sự hiểu biết về con người sinh học đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ học thuyết Darwin và việc khám phá gen di truyền; những thành tựu này là cơ sở cho các nghiên cứu hiện đại về con người. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực nghiên cứu hệ thần kinh nhưng các nhà khoa học vẫn còn chưa biết được ý thức con người hình thành thế nào và cũng không dám chắc có khi nào sẽ biết được. Vậy mà nhiều kết quả khoa học của các nhà chuyên môn đã bị đám công chúng bên ngoài giới học thuật diễn giải bừa bãi, tạo thành một số định kiến phản nhân văn và gây ra nhiều hậu quả tai hại cho loài người. Một câu hỏi thường hay được nêu ra trong những lúc “trà dư tửu hậu”: hành vi của con người được quyết định bởi gen di truyền hay do giáo dưỡng? Câu hỏi mang tính phân đôi này dẫn đến xuất hiện hai phe chống đối nhau, mỗi phe đi theo một khẳng định. Những kẻ cực đoan của cả hai phe đã tạo ra những tội ác diệt chủng khủng khiếp chống lại loài người: những lò thiêu người của phát xít Đức (để hủy diệt các nguồn gen xấu!) và những cây cuốc đập sọ người của bọn đao phủ Khmer đỏ (để hủy diệt các thành phần xấu do giáo dưỡng!). Các nhà sinh vật học hiện nay khẳng định rằng bản thân câu hỏi mang tính phân đôi này là không đúng đắn. Các kết quả nghiên cứu khoa học không hề cho phép một sự quy giản thô thiển đến thế về con người. Việc coi giáo dưỡng là đối luận (antithesis) của di truyền chỉ gây hiểu lầm không đáng có, làm cản trở các nghiên cứu khoa học về hành vi. Tốt nhất là nên lặng lẽ chôn cất câu hỏi xưa cũ ấy vào nấm mồ của nó.[3]
Vậy thì ở trong cõi nhân sinh mờ ảo này ta nên quý trọng và biết ơn vị học giả đã dày công khảo cứu, khai sáng cho ta dù chỉ một phần nào chân lý; mặt khác ta phải động não suy xét cách thức lập luận của vị học giả ấy, đồng thời đối chiếu với những sự kiện thực tế (lịch sử cũng như hiện tại) mà ta quan tâm để phán xét mức độ khớp nối của lý thuyết với thực tại. Tóm lại, ta nên theo lời khuyên về khai minh của I. Kant: Hãy mạnh dạn sử dụng trí tuệ!
Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2007
[1] Nền Dân trị Mỹ, Bản dịch của Phạm Toàn, NXB Tri thức, 2006.
[2] Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn hóa, 1995, trang 49.
[3] Frans B.M. de Waal, The End of Nature versus Nurture, Scientific American, December 1999, p.56-61
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Đường về nô lệ
28/04/2011Bùi Quang Minh giới thiệuGiới thiệu bản dịch cuốn Phúc ông tự truyện
26/04/2011Hải ÂuMỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX
22/02/2011Đỗ LâmNền Dân Trị Mỹ
11/02/2011Học cách sống*)
21/01/2011Khánh PhươngPhê bình Văn học Con vật lưỡng thế ấy
19/01/2011Đỗ Lai Thúy