Chiến tranh

11:35 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Tư, 2009

Chiến tranh là một chủ đề thường xuyên được đề cập tới đến nỗi người ta đã khẳng định rằng chiến tranh là khởi nguồn của tất các nền văn học. Chiến tranh cũng được minh hoạ rất nhiều bằng hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, ca hát, điện ảnh (đặc biệt số lượng rất nhiều những phim được gọi là phim "chiến tranh" nhưng cũng là phim "về Chiến tranh": x. Nhà Độc tài, Ngày dài nhất, Ngày tận thế)

Văn bản : Homère,L’Iliade. Bài ca chàng Roland, đầu thế kỉ XII. "Cuộc chiến Pichrocholine" trong tác phẩm Gargantua của Rabelais, 1532-64. Corneille, Le Cid, 1636. La Bruyère, Những tính cách, X, 1688-96. Voltaire, Candide, chương II, III, 1759. “Fabrice ở Waterloo”, trong tác phẩm Tu viện Chartreuse thành Parme, của Stendhal, chương III, 1839. Hugo, Trừng phạt, 1853, Những người khốn khổ, phần 2, quyển II và II, 1862 ; Huyền thoại những thế kỉ, 1859-63 . Tolstoi, Chiến tranh và Hòa bình, 1865- 69. Zola, Tháo chạy, 1892. Barbusse, Lửa, 1916. Martin du Gard, Những người nhà Thibault(Mùa hè 14), 1922-40. Céline, Cuộc du hành thâu đêm suốt sáng, 1932; Miền Bắc, 1960. Giraudoux, Cuộc chiến thành Troie sẽ không diễn ra, 1935. Malraux, Hi vọng, 1937.

A. Thể hiện đề tài chiến tranh

1. Tầm quan trọng của đề tài chiến tranh xuất hiện:

  • Nhất là trong những nền văn học thời nguyên thuỷ, và chủ đề chiến tranh có chiều hướng giảm dần theo sự phát triển ngày càng nhanh của văn hoá và văn minh của các xã hội ấy ;
  • Khi chiến tranh được lấy làm đề tài và chiếm hết chỗ của tác phẩm (x. Tháo chạy, Lửa, Hi vọng); song chiến tranh chỉ có thể cung cấp vài giai đoạn (x. Candide, Tu viện Chartreuse thành Parme) hay làm nền cho tác phẩm (x. Quỷ ở trong mình, vừa tiếu thuyết vừa phim), đồng thời chiến tranh được xử lí như một chủ đề quan trọng ;
  • Trong thể loại tiểu thuyết lịch sử (x.Dân vùng Chouans1, Năm chín ba, Chiến tranh và Hoà bình), tiểu thuyết châm biếm (td. Rabelais, Voltaire) tiểu thuyết viễn tưởng (x. H.- G. Wells2, Chiến tranh giữa các hành tinh; x. Science-fiction-khoa học viễn tưởng), và sử thi, thể loại đặc biệt về đề tài chiến tranh.

2. Phản ánh xã hội:

  • Gợi lại chiến tranh theo sau tiến bộ kĩ thuật, và hình ảnh mà người ta đưa ra về cuộc chiến (x. các mục B và C) biến đổi tuỳ theo những loại vũ khí được sử dụng : đánh giáp lá cà đòi hỏi sự gan dạ, trong khi những phương tiện hiện đại (từ những vũ khí được phóng đi, đã bị phê phán bởi những kị sĩ trong cuốn Girad thành Vienne, đến những quả đạn trái phá, bom, hơi độc, bom napan vũ khí hoá học) làm tan biến khái niệm về sự lựa chọn của cá nhân và phủ nhận rằng giá trị cá nhân của con người từ nay về sau có thể thay đổi số phận của người ấy. Ở thế kỉ XX, chỉ có máy bay và những đội quân biệt phái, những đội du kích (td. Kháng chiến) là còn giữ được một tầm cỡ cá nhân nào đó (x. mục C) ;
  • Với tiến trình dân chủ hoá chiến tranh (đặc biệt là việc gọi nhập ngũ theo lứa tuổi từ những năm 1792-1793), sự quan tâm của các nhà văn đã chuyển từ những người đứng đầu (chỉ có những người đứng đầu xuất hiện trong L’Iliade, những anh hùng ca, những tiểu thuyết hiệp sĩ, những bi kịch, trong những thể loại này những người lãnh đạo, chỉ huy tạo thành một tầng lớp tinh hoa có tài chinh chiến thích hợp để người ta thấy xuất hiện những bậc anh hùng: chính vì thế mà văn học đưa ra hình ảnh phấn khích của họ thông qua các nhân vật Roland, Lancelot, Rodrigue) sang binh lính (x. những truyện của Daudet và Maupassant viết về cuộc chiến tranh 703 trong đó đại đa số các nhân vật không vượt quá hàm đại uý); việc miêu tả các sĩ quan cao cấp ngày càng bị phê phán thậm chí còn bị coi là đối nghịch (x. Cuộc du hành thâu đêm suốt sáng) trong khi việc miêu tả binh lính trình bày họ như những người bình thường, không anh dũng, cũng không hèn nhát; họ là những nạn nhân đôi khi có thể thoát khỏi chiến tranh, nhưng họ thường thấy mình không thích ứng trở lại với cuộc sống thường dân. Chỉ có văn học hiện đại mới có thể chỉ rõ hơn tất cả các nền văn học trước nó, là làm sao chiến tranh không còn đồng nghĩa với vinh quang nữa ;
  • Những dân thường cũng được kể ra như những nạn nhân, nhất là khi những phương tiện hiện đại cũng ít kiêng dè họ như ít kiêng dè những người lính.
  • Rất hiếm nữ tác giả và nhân vật nữ còn ít hơn, mặc dù có vài trường hợp đặc biệt (td. những người Amazones4, Jeanne d’Arc, Christine de Pisan5, Margaret Mitchell6) ; phụ nữ chỉ giữ một vai trò thứ yếu: ngay cả khi họ rất anh hùng, họ thường chỉ làm tăng giá trị của đàn ông.

B. Một hình ảnh có giá trị

Cuộc chiến của những chiến binh luôn có những người tán dương nó; chiến tranh được lí tưởng hoá trong truyền thống sử thi vì những lí do sau đây :

  • Chiến tranh là sự cần thiết tất yếu và thậm chí được coi như bản đặc tính cơ bản linh thiêng: “Chiến tranh là một tai hoạ do Chúa tạo ra để trừng phạt chúng ta và lúc nào chúng ta cũng sẽ có thể bị trừng phạt: Nó là hậu quả của những dục vọng, là một sự nối tiếp của tội lỗi, mà tham vọng và tội lỗi lại bất tử” (Bossuet);
  • Chiến tranh là một sự đền tội, một sự thanh lọc để "giữ cho loài người khỏi thối rữa và ẩm mốc" (Lord Byron7);
  • Chiến tranh tạo thuận lợi cho tiến bộ, nó quất một roi vào con ngựa kinh tế và nghiên cứu khoa học kĩ thuật ;
  • Song, nhất là, đối với một số vài nhà văn, nó là nguồn của những đức tính: can đảm, anh hùng, vượt qua chính mình, ý thức về nghĩa vụ, về Tổ quốc (x. Nation-quốc gia), về sự hi sinh; chiến tranh khiến con người không chìm đắm trong chủ nghĩa duy vật chất.

C. Một hình ảnh mất giá

Nhưng chiến tranh đã luôn luôn có những người gièm pha nó, đặc biệt là trong số những nhà thuyết giáo đạo lí (td. Montaigne, Erasme, Rabelais, Pascal, Boileau, La Bruyère, La Rochefoucauld, Fénelon, Voltaire, Alain), những luận chứng của những người này thường sơ lược hơn luận chứng của những người tán dương nó.

1. Những luận chứng tố cáo tính phi lí của chiến tranh:

  • Chiến tranh là một cuộc tàn sát lẫn nhau chẳng còn gì là anh hùng nữa (x.mục A 2) và được thể hiện ra bằng một cái chết thương tâm và những đau khổ hàng ngày;
  • Những lí do của cuộc xung đột hay những nguyên nhân gây tranh chấp thường vớ vẩn đến phi lí (td. "sinh ra bên này hoặc bên kia dòng nước" trong tác phẩm của Pascal, cuộc cãi cọ của những người nướng bánh trong tác phẩm của Rabelais, cái tát của Démokos trong tác phẩm của Giraudoux);
  • Chiến tranh làm con người thấp hèn và làm con người bộc lộ ra những cái xấu xa tồi tệ nhất (hèn nhát, tàn bạo, thèm khát, độc ác, giả dối, hằn thù, khinh thường người khác...)
  • Chiến tranh làm nhân loại thụt lùi trong khi phá huỷ những nền nghệ thuật và khoa học.

2. Những phương tiện tố cáo:

  • Các nhà văn vẽ nên những cuộc chiến tranh trong hiện thực của nó: những đau khổ, vai trò hạn chế và chẳng có gì vinh quang của những người lính (x. mục A 2);
  • Để làm được như thế, các nhà văn thường viện đến sự quy tụ vào một điểm nội tại (x. Narration-tường thuật), phương pháp này thu hẹp trường nhìn về chiến tranh và cản trở việc miêu tả theo kiểu sử thi (x. Fabrice ở Waterloo; x. thủ pháp này trong điện ảnh, đó là không sử dụng lối quay toàn cảnh các trận đánh lớn và dùng máy quay chủ đạo),
  • Sự ngắt quãng trong câu chuyện của những giai đoạn phân chia cách nhìn cuộc chiến tranh thành từng phần và làm giảm tầm quan trọng của nó (td. Stendhal);
  • Một kĩ thuật gây ấn tượng khoét sâu hố ngăn cách giữa nhận thức những sự việc và việc trình bày nguyên nhân của những sự việc ấy nhằm tố cáo bản chất của cuộc chiến tranh (x. Candide, Fabrice trong cuộc chiến tranh "của họ");
  • Mỉa mai giễu cợt cũng là một vũ khí, nhất là đối với Voltaire "tình nhân loại, phép xử thế, tính khiêm tốn, sự điều độ trong sinh hoạt, sự dịu dàng, sự khôn ngoan, lòng hiếu thảo sẽ thế nào đây và quan trọng thế nào đối với tôi, trong khi mà nửa livre 8 chì bắn đi từ khoảng cách sáu trăm bước chân làm cơ thể tôi vỡ tan ra thành từng mảnh, và như vậy tôi chết ở tuổi hai mươi trong đớn đau quằn quại không thể tả được" (Tự điển triết học);
  • Kêu gọi những tình cảm nhân đạo (td. đưa ra trước mọi người những đứa trẻ, những phụ nữ, những đôi tình nhân bị xé nát).

1 Les Chouans : những người nổi dậy theo phe Bảo hoàng chống lại cách mạng Pháp ở những vùng phía tây nước Pháp (trong những năm 1793-1795).

2 H.- G. Wells (1866-1946) : nhà văn Anh, tác giả nhiều tiểu thuyết châm biếm, truyện tưởng tượng khoa học.

3 cuộc chiến tranh 70: chiến tranh Pháp - Đức năm 1870.

4 Amazones: theo thần thoại Hi Lạp, bộ tộc Amzones gồm toàn phụ nữ thiện chiến ở vùng ven biển Đen, họ giết con trai khi mới sinh ra và đốt bầu vú để có thể bắn cung chính xác.

5 Christine de Pisan (1365-1430), nữ nhà văn Pháp,

6 Margaret Mitchell, (1900-1949), nữ tiểu thuyết gia Mĩ, tác giả tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió

7 Bayron (George Gordon Lord (1788-1824): nhà thơ Anh, người ca ngợi các anh hùng của những cuộc nổi dậy. Ông chết giữa những người khởi nghĩa Hi Lạp chiến đấu cho độc lập của đất nước họ khiến ông trở thành điển hình anh hùng của nhà văn chiến đấu cho chính nghĩa.

8 livre =nửa cân, nửa livre =l/4 cân

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lịch sử và chiến tranh

    30/04/2014Nguyễn Hiến Lê dịchChiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra, khi loài người bắt đầu văn minh nó đã không bớt, mà khi chế độ dân chủ xuất hiện, nó cũng không giảm. Trong 3421 năm gần đây chỉ có 268 năm là không có chiến tranh. Chúng ta đã chấp nhận rằng chiến tranh là hình thức phát triển nhất của sự ganh đua, sự đào thải tự nhiên...
  • Thánh chiến

    11/09/2009Cao Huy ThuầnTôi có hai hình ảnh nước Mỹ ở trong lòng: một nước Mỹ siêu cường đã thả bom trên đất nước tôi và một nước Mỹ rất nhạy cảm với lý tưởng đã chống lại việc thả bom đó. Chiến tranh Việt Nam kết thúc, phần chính là nhờ ở sức chiến đấu của dân tộc tôi, nhưng cũng nhờ ở sự đóng góp rất lớn của chính dân tộc Mỹ. Vì sao? Vì dân tộc Mỹ rất nhạy với lý tưởng và chiến tranh Việt Nam rốt cục đã đặt ra cho dân tộc Mỹ một vấn đề đạo đức, một vấn đề lương tâm
  • Chiến tranh - Hệ quả & hệ lụy

    18/04/2009Nguyễn Tất ThịnhXã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!