"Cơn sốt” nhật ký chiến tranh
Thành công vang dội của "Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là hiện tượng chưa có tiền lệ trên thị trường sách, các phương tiện truyền thông, cả trong tâm tưởng độc giả và toàn xã hội, nhất là lớp trẻ. Một số học giả đã đưa ra những kiến giải về “cơn sốt” này...
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Giới trẻ tìm thấy những điều gần gũi với mình
Nhật ký chiến tranh đang gây cảm xúc mạnh mẽ với thế hệ @. Lý giải điều này như thế nào? Thời đại đã thay đổi rất nhiều, và cuộc sống hiện tại thì “cuốn” mọi người theo rất nhanh, sức “cuốn” đó tạo nên những khoảng trống làm cho các bạn trẻ thấy hẫng hụt. Phải chăng các bạn trẻ đã tìm được trong những trang nhật ký chiến tranh những điều thực sự rất gần gũi với mình và đã chấp nhận ngay?
Đó không chỉ là những người lính cầm súng lao lên chiến hào, mà là những con người cụ thể với đầy ắp những ước mơ, hoài bão, niềm vui, nỗi buồn…
Đối với những người làm sử thì những cuốn nhật ký, hồi ký bao giờ cũng là nguồn tư liệu quý giá. Mặc dù mỗi con người là một thế giới riêng, nhưng cũng đều nằm trong một bối cảnh lịch sử chung, và những điều họ viết trong nhật ký, hồi ký đều tạo ra những nhận thức về lịch sử tương đối chính xác.
Vì sao môn sử không hấp dẫn các em, mà nhật ký chiến tranh thì hoàn toàn ngược lại? Tôi nghĩ rằng cách viết sử của chúng ta hiện nay còn ở trong tình trạng tạm gọi là vô nhân xưng, thiếu bóng dáng con người, thì chính những cuốn nhật ký chiến tranh là cái bổ sung rất phong phú, hấp dẫn, và đặc biệt là rất thuyết phục bởi vì đó là…nhật ký. Khi mà chúng ta đang hướng đến hội nhập, nên chăng biến những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh để phục vụ cho thời bình.
Hiện tượng nhật ký chiến tranh cũng cho thấy chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo tồn ký ức, lâu nay chúng ta rất quan tâm đến bảo tồn những di tích vật thể mà quên mất rằng ký ức cũng là một di sản phi vật thể. Nhất là với thực tiễn lịch sử đất nước ta, với cuộc chiến tranh hào hùng như vậy, thì mỗi một con người đi vào cuộc chiến tranh đó đều có thể là những pho sử liệu rất quý.
Tôi rất tâm đắc với anh Đặng Vương Hưng - Người đã sưu tầm những cuốn nhật ký chiến tranh - ở chỗ thông qua những trang nhật ký đó điều quan trọng là giúp các em nhận thức ra một sự thực, giúp các em “nhìn rõ” thế hệ cha anh hơn. Chứ nhật ký chiến tranh không phải để cung cấp những tri thức cụ thể về chiến tranh cho các em, và cũng không nên đòi hỏi bạn trẻ buộc phải chú tâm vào đó.
Chúng ta hướng đến tương lai, với những bạn trẻ cảm thấy có chỗ dựa vững chãi ở sau lưng là sức mạnh tinh thần của những thế hệ đi trước.
Cũng cần nói thêm rằng, việc viết hồi ký ở nhiều nước là trách nhiệm xã hội, đồng thời cũng là quyền lợi xã hội, nên các nhân vật có vị trí nhất định trong đời sống xã hội, không nhất thiết là nhà chính trị, thường quen với việc viết hồi ký.
Ở ta, việc này gần đây cũng có xuất hiện, nhưng tôi nghĩ là các ngành chức năng cần khuyến khích nhiều hơn thể loại nhật ký cũng như hồi ký, thì sẽ bảo tồn được rất nhiều ký ức quý báu cho dân tộc. Tôi cũng nghĩ rằng, lịch sử không phải là một tấm gương lớn để trước mặt, vì cứ để trước mặt thì chỉ thấy những đỉnh cao ở phía sau lưng mình, nhưng nếu để nó như là một tấm gương chiếu hậu cỗ xe, thì lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác…
Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn (biên soạn giới thiệu cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”: Chúng ta đã phát hiện ra “cái mỏ” mới
Theo tôi, chúng ta nên làm từ tốn, chắc chắn và đặc biệt hiệu quả. Nếu không cẩn thận, nếu không đầu tư công sức, chúng ta sẽ biến nhật ký thành thứ “hàng chợ” - một thứ đại trà, gây phản cảm. Trong 40 năm làm nghề tôi chưa từng thấy hiện tượng như thế này bao giờ.
Hồi trước từng có Sống như anh, đã khơi động sự xúc cảm của toàn xã hội. Nhưng hồi ấy cuộc sống có những điều kiện khác, bây giờ lại khác. Độc giả bỏ tiền ra mua sách, chứ không phải ấn sách vào tay người ta. Độc giả có quyền chọn lựa, nếu không thích người ta bỏ ngay, không đọc đâu. Cho nên giới thiệu một cuốn sách nào trên báo cũng phải “đắt”.
Mai Thời Chính - Giám đốc NXB Thanh niên: Xuất bản nhật ký chiến tranh là nhiệm vụ của toàn xã hội
Với tư cách là Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên, ông bình luận gì về “cơn sốt” đăng tải nhật ký chiến tranh của những liệt sỹ trẻ tuổi trên nhiều tờ báo?
Hiện nay xã hội đang rất quan tâm về những cuốn nhật ký, hồi ký của những người đã trực tiếp kinh qua các cuộc kháng chiến. Điều đầu tiên khiến độc giả hưởng ứng vì đây là thể loại rất chân thực. Hơn nữa, tác giả là những con người hết sức bình thường. Thí dụ: anh Thạc là một sinh viên, chị Trâm là một bác sỹ...
Nhưng qua những trang viết của họ sẽ giúp cho thế hệ hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha anh đã suy nghĩ, đã sống và làm việc như thế nào. Trong các diễn đàn tôi đã nhiều lần cám ơn báo chí đã chắp cánh cho những cuốn sách nói chung, những cuốn nhật ký như vừa rồi nói riêng, đi đến mọi miền đất nước và “làm tổ” trong lòng bạn đọc.
NXB Thanh niên đã có công rất lớn trong việc giới thiệu một tác phẩm có khả năng giáo dục lý tưởng cho thanh niên. Anh có tin cuốn sách sẽ góp phần khơi dậy lý tưởng sống và trách nhiệm xã hội cho thanh niên hiện nay ?
Đúng là hiện nay có một bộ phận thanh niên có một số lệch lạc trong quan niệm sống, lý tưởng sống. Những cuốn nhật ký trên chính là tấm gương giúp họ soi vào quá khứ để nhận ra mình và sống tốt hơn.
Hiện nay chúng tôi đang triển khai tái bản một số cuốn hồi ký đã làm từ những năm trước, như: Nhật ký Bê Trọc, Nhật ký Chu Cẩm Phong. Có thể chúng tôi cũng sẽ giới thiệu lại Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký Trần Đăng, Nhật ký Nam Cao... Dù cho không tạo nên những “cơn sốt” như Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm nhưng việc làm đó vẫn có ý nghĩa lớn. Nó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò của báo chí và xuất bản.
PGS.TS Xã hội học Mai Quỳnh Nam: Nhật ký chiến tranh khẳng định lại giá trị cơ bản của dân tộc
Tôi cũng là một người lính, đọc những tác phẩm đó, tôi như gặp lại chính bản thân mình. Thí dụ chuyện của anh Thạc rất gần gũi với tôi. Nhật ký của anh Thạc, chị Trâm và nhiều liệt sỹ trẻ vô danh khác đã nói lên tiếng nói của cả một thế hệ.
Việc xuất bản các cuốn hồi ký, nhật ký từ thời chiến tranh, cũng như việc đăng tải các tác phẩm đó trên báo chí là rất cần thiết. Bởi nó làm cho người ta có điều kiện sống lại lịch sử, khẳng định lại giá trị cơ bản của dân tộc.
Việc làm đó nên tiến hành thường xuyên, có hệ thống, và đi vào thế tương đối ổn định, gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, nhân sinh quan, quan niệm lý tưởng đối với người trẻ, đặc biệt là nghĩa vụ của họ đối với đời sống xã hội và quan hệ cá nhân của họ đối với cộng đồng.
Điều này cần đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt