"Cái chai ném xuống biển" và phim Đừng đốt
Vigny là nhà thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19, là nhà thơ "tháp ngà" đề cao sự cô đơn của thiên tài , chủ nghĩa khắc kỷ và yếm thế, có một quan niệm cao cả về nhiệm vụ nhà thơ. Một bài thơ nổi tiếng của ông là Cái chai ném xuống biển với nội dung như sau: Trong cơn bão, chiếc tầu sắp đắm. Người chỉ huy đút vào trong một cái chai những tài liệu ghi lại những khám phá trong chuyến đi rồi ném chai xuống biển. Sau nhiều tình tiết éo le, chai được vớt lên trong những mắt lưới của một dân chài. Và bản thông điệp của người đã khuất được chuyển tải, giúp ích cho mọi người.
Hai thế kỷ sau, câu chuyện kỳ lạ về nhật ký Đặng Thùy Trâm ngẫu nhiên thuyết minh cho hình tượng "cái chai ném xuống biển" của Vigny bên trời Tây. Vào những năm 1950, việc phát hiện ra nhật ký cô gái Do Thái Anne Franck bị phát xít Đức thiêu sống đã làm náo động thế giới văn minh. Riêng ở Pháp, loại sách bỏ túi đã phát hành hơn 3 triệu bản vào những năm 1958- 2002.
Ở ta, hoàn cảnh khác, không thể so sánh được. Nhưng con số 40 vạn bản Nhật ký Đặng Thùy Trâmphát hành trong 10 tháng sau khi xuất bản quả là một kỷ lục khi những tiểu thuyết dịch hay thường chỉ in vài nghìn bản.
Ngày 22/6/1970, cô bác sĩ Đặng Thùy Trâm, 28 tuổi, hy sinh oanh liệt dưới bom đạn Mỹ trong trận tập kích không quân đánh bệnh xá Đức Phổ tại chiến trường Quảng Ngãi. Trong đống hoang tàn đổ nát, một hạ sĩ thông ngôn quân đội Sài Gòn tên là Hiếu, nhặt được và đọc qua loa mấy trang nhật ký của BS. Đặng Thùy Trâm. Sĩ quan quân báo Mỹ Fred Whitehurst định ném cuốn sổ đó vào đống lửa. Anh Hiếu ngăn lại và bảo "Đừng đốt! Trong đó đã có lửa", Fred nghe lời khuyên, giữ lại cuốn nhật ký và 35 năm sau mới có dịp trả lại cho gia đình BS. Đặng Thùy Trâm. Câu chuyện thực xảy ra như vậy.
Trong hoàn cảnh nào cuốn hồi ký cô Trâm lại trở thành đề tài phim Đừng đốt của Đặng Nhật Minh? Anh tâm sự với tôi: "Quả là hoàn toàn ngẫu nhiên! Tôi rất cảm động khi đọc hồi ký và biết được cuộc phiêu lưu qua bao năm của nó. Sự kiện đó nhắc tôi nhớ đến cái chết anh dũng của cha tôi cũng ở chiến trường miền Nam, BS. Đặng Văn Ngữ, chuyên gia về sốt rét. Tôi tự nghĩ mình có món nợ tinh thần phải trả. Thú thật là chính số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký khiến tôi quyết định làm phim. Ngày đêm nung nấu, tôi viết kịch bản, sau sửa đi sửa lại mãi. Viết vì bức xúc phải viết chứ cũng chẳng nghĩ là sẽ có dịp thực hiện phim.
Rồi một hôm, nhận được điện thoại của Cục Điện ảnh báo là đang có dự án quay phim về Đặng Thùy Trâm. Tôi gửi kịch bản sang và được duyệt" .
Đặng Nhật Minh tuy tuổi đã "cổ lai hy" nhưng vẫn là một nghệ sĩ điện ảnh đầy sức sống. Anh đã thực hiện 15 phim, trong đó hai phim về chiến tranh. Anh bảo " Đề tài chiến tranh không phải là mối quan tâm của tôi. Điều tôi quan tâm là số phận con người, con người đất Việt gắn với chiến tranh, trực tiếp hay gián tiếp".Đừng đốt là phim thứ ba của anh trực diện về chiến tranh.
Cũng là người viết, tôi rất tò mò khi bước chân vào rạp xem phim, muốn biết anh Minh xử lý đề tài này thế nào. Quả là anh có tầm vóc khi gắn sự kiện Nhật ký với sự kiện bảo tồn Nhật ký, trọng tâm vẫn là bản anh hùng ca Đặng Thùy Trâm, nhưng âm hưởng được nâng lên do phần bè hợp tấu, hay như một bức tranh được cái khung thích hợp làm tăng cái Đẹp lên. Một số khán giả có tuổi, nhất là cán bộ chính trị, xem phim có vẻ thất vọng vì phim không tập trung ca ngợi Đặng Thùy Trâm, không nói hết cái hay của Nhật ký. Theo tôi, đó là họ chưa hiểu hết ý đồ của Đặng Nhật Minh!
Phim Đừng đốt có một leit motiv (nhạc đề) là lửa. Vượt lên ngọn lửa bom đạn chiến tranh tàn phá là ngọn lửa lý tưởng thiêng liêng của con người thể hiện trong Nhật ký, những giá trị nhân bản của Đừng đốt. Thoát thai từ chủ đề ấy, phim đã mang một tầm vóc độc đáo. Trước hết, đây là một phim chiến tranh khá đặc biệt. Anh Minh nói: "Tôi muốn làm một phim chiến tranh để nói về hoà bình!" Không giống hàng loạt phim chiến tranh của ta ca ngợi những chiến công anh hùng, thể loại đã bị mòn.
Không phải là phim phản chiến loại Phương Tây không có gì lạ theo Remarque. Vẫn đề cao lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả của Đặng Thùy Trâm trong chiến tranh giữ nước, nhưng rất nhiều hình ảnh nêu lên những đau khổ của thương binh, tình thương bao la và khát khao hòa bình của cô. Nhân cách Đặng Thùy Trâm nói lên tấm lòng cô:
Dù ai có biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta
Đừng đốt mang triết lý "cái chai ném xuống biển" của Vigny. Hiếu và Fred đã vớt được cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm với bản thông điệp nhiều ý nghĩa: Yêu Tổ quốc, yêu con người, tính nhân văn: cái thiện không biên giới, không phân biệt màu da, vượt qua hệ tư tưởng, hòa giải, yêu hòa bình và đời sống chân thực, giản dị... Một bản thông điệp quốc tế!
Xem xong phim, tôi tiên đoán phim sẽ được giải thưởng Quốc tế, được nước ngoài hoan nghênh, mặc dầu một số thanh niên "sính ngoại" không đi xem vì coi thường tất cả cái gì "made in Vietnam"!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc