Bản chất của chiến tranh và hòa bình
Thưa tiến sĩ Adler,
Giống như hầu hết mọi người, tôi cũng hoang mang trước tình trạng căng thẳng và khủng hoảng quốc tế hiện nay. Chúng ta không có vẻ đang có chiến tranh mà chúng ta cũng không có vẻ gì là đang có hòa bình. “Chiến tranh” là gì? Đây đang là thời chiến tranh hay thời hòa bình? Liệu “bình an dưới thế” có là một khả năng hiện thực cho loài người?
D.D.
Cách hiểu chiến tranh đơn giản và phổ biến nhất cho rằng là chiến tranh là tình trạng xung đột võ trang giữa các quốc gia. Do vậy, hòa bình là tình trạng hoặc giai đoạn không xảy ra xung đột võ trang gì cả. Theo cách nhìn này, Mỹ đã lâm chiến từ tháng 4. 1917 đến tháng 12. 1918. Rồi Mỹ có hòa bình cho đến tháng 12.1941 khi nó tham gia Thế chiến 2.
Nếu cách nhìn chiến tranh và hòa bình này là đúng, chúng ta hẳn đã có hòa bình từ ngày kết thúc Thế chiến 2 ngoại trừ vụ can thiệp vào nước Triều Tiên. Nhưng cũng ít người khẳng định rằng giai đoạn chiến tranh và hòa bình đơn giản là không áp dụng cho giai đoạn hiện nay được. Thực vậy, chúng ta ghi nhận đặc trưng thời kỳ này là thời kì chiến tranh lạnh, để phân biệt với chiến tranh nóng của việc trực tiếp cầm súng đánh nhau.
Nên quan điểm của chúng ta về chiến tranh phải được mở rộng để bao hàm được cả chiến tranh võ trang và các trận đánh ngoại giao, viện trợ kinh tế và tuyên truyền. Chiến tranh vẫn là chiến tranh, cho dù “nóng” hay “lạnh”. Cuộc tranh giành quyền lực và uy thế giữa các quốc gia lúc nào cũng xảy ra. Chỉ có phương tiện là thay đổi, và chuyện những phương tiện này sẽ là lực lượng võ trang, áp lực ngoại giao hay các phương cách phi bạo lực khác thì còn tùy tình hình.
Như thế, suy diễn kế tiếp là: hòa bình không chỉ là một điều ngược lại với chiến tranh - sự vắng mặt của xung đột võ trang. Chúng ta có thể thấy nền hòa bình đích thực, tích cực giữa các nước là gì bằng cách xem xét tình hình trong các cộng đồng quốc gia, tiểu bang hay địa phương. Trong xã hội dân sự của chúng ta, hòa bình và trật tự, không chiến tranh, là tình trạng bình thường của sự vật. Ý nghĩa và mục tiêu bao trùm của xã hội dân sự là hòa bình và trật tự. Chính quyền dân sự tạo ra hòa bình dân sự. Các cá nhân vi phạm luật pháp là những kẻ phá rối hòa bình và phải được xử lý thích đáng.
Những nhà tư tưởng lớn trước đây rất hỗ trợ chúng ta trong ba cách thức xem xét vấn đề chiến tranh và hòa bình. Họ cho chúng ta thấy rằng định nghĩa rộng về chiến tranh là định nghĩa đúng. Họ chứng tỏ mối quan hệ giữa hòa bình dân sự và chính quyền dân sự. Và họ cũng chỉ rõ làm sao cách nhìn này có thể áp dụng cho cộng đồng quốc gia.
Thucydides cũng ý thức như chúng ta rằng một sự hòa ước thường chỉ là sự ngừng bắn trong cuộc chiến vốn không còn tiếp diễn. Hobess(1) nhận thấy “chiến tranh không chỉ nằm trong trận đánh hoặc hành vi chiến đấu” mà còn ằm trong ý định chiến đấu, thái độ thù địch giữa các quốc gia. Và trong thế kỷ 20, Veblen thấy rằng “tình trạng chiến tranh là mối quan hệ tự nhiên giữa cường quốc này với cường quốc khác”. Thuật ngữ “chiến tranh lạnh” có thể là mới, nhưng thực trạng nó miêu tả là điều rất cũ rồi.
Điều quan trọng hơn với chúng ta trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay là những cái nhìn thấu suốt vào mối liên quan giữa hòa bình và luật pháp mà những tác phẩm lớn trình bày. Locke nhận thấy rằng chỉ có hai cách dàn xếp xung đột giữa con người với nhau - đó là luật pháp hoặc sức mạnh - và nơi nào không có luật pháp thì sức mạnh sẽ là trọng tài tối hậu. Con đường của luật pháp chính là con đường của hòa bình.
Kant áp dụng phân tích này cho bối cảnh quốc tế mà ông xem như một tình trạng vô chính phủ không có luật pháp trong đó quyền của kẻ mạnh vẫn chiếm ưu thế. Ông kêu gọi các nước thoát khỏi tình trạng dã man này và gia nhập một liên minh các quốc gia trong đó luật pháp và hòa bình chiếm ưu thế. Dante(2) từ nhiều thế kỷ trước đó, đề nghị một chính quyền toàn cầu đơn nhất để tạo ra hòa bình lâu dài cho toàn nhân loại.
Điểm giống nhau giữa các nhà tư tưởng này là: hòa bình là tình trạng mà trong đó con người sẵn sàng dàn xếp tranh chấp bằng thảo luận thay vì bạo lực. Hòa bình dân sự hiện nay phổ biến tại tất cả những xã hội được xây dựng hợp pháp. Một tình trạng chiến tranh – có khi “nóng” có khi “lạnh” – lại phổ biến giữa các quốc gia. Việc có thể đạt được nền hòa bình thực sự trên qui mô toàn cầu hay không thì còn là vấn đề nhiều tranh cãi. Một số người tin rằng nền hòa bình thế giới đòi hỏi phải có một chính quyền toàn cầu. Người khác lại muốn đạt được bằng phương cách khác. Nhưng có một luận điểm chung rằng hòa bình không chỉ là sự vắng mặt của chiến đấu võ trang, mà là một trật tự tích cực trong đó ý chí muốn dàn xếp tranh chấp một cách hòa bình chiếm được ưu thế.
Trái với rất nhiều cách ăn nói bừa bãi, chính hòa bình, chứ không phải chiến tranh, mới đúng với bản chất con người. Cicero(3) và nhiều nhà tư tưởng khác đã chỉ ra chính xác rằng chiến đấu và hăm dọa nhau là cách cư xử của dã thú, trong khi bàn bạc rốt ráo mọi vấn đề và lắng nghe lẽ phải là cách thức của con người. Hòa bình là cần thiết phải có không những cho cuộc sống vật chất mà còn cho cả sự tồn tại đích thực của con người.
(1) Thomas Hobbes (1588 - 1679): triết gia và lý thuyết gia chính trị người Anh. Trong "Leviathan thủy y quái", 1.651). ông ủng hộ chế độ quân chủ tuyệt đối như là phương tiện duy nhất để kiểm soát những xung đột về quyền lợi và ham muốn của con người, đồng thời bảo đảm quyền tự bảo toàn và hạnh phúc của họ.
(2) Alighiery Dante (1265 - 1321): nhà thơ Ý. Tập thơ La Divine Comedy của ông là một trong những kiệt tác văn chương thế giới. Ông còn viết tác phẩm Demonardina (The Monarchy “Chính thể quân chủ”). Ông dính líu vào những hoạt động chính trị và bị buộc phải rời bỏ quê hương Florence của mình để định cư tại thành phố cổ Ravenna thuộc miền Đông bắc Ý.
(3) Marcus Tullius Cicero (l06 - 43 tr. CN): triết gia, nhà văn, chính khách La Mã. Ông là nhà hùng biện xuất sắc nhất của thành Rome trong suốt sự nghiệp chính trị của mình
Có xóa bỏ chiến tranh được không?
Thưa tiến sĩ Adler,
Tiên tri Isaiah đã nhìn thấy trước về một thời đại khi “không còn chiến tranh gì nữa”. Phải chăng đây là lý tưởng xa vời sẽ đạt được khi “nước Chúa trị đến”, hay chúng ta có thể đạt được nền hòa bình vĩnh cửu ngay bây giờ? Sẽ không thể có một thay đổi hoàn toàn trong bản chất con người để loại bỏ chiến tranh sao?
E.M.
E.M. thân mến,
Các nhà tư tưởng lớn trong quá khứ đã cho chúng ta vài ý tưởng về việc ngăn chặn chiến tranh. Một vài người trong số đó tin rằng có thể xóa bỏ chiến tranh bằng một chính quyền toàn cầu, điều đó yêu cầu việc từ bỏ phần nào chủ quyền quốc gia. Theo họ, cần có những định chế mới chứ không phải sự biến cải tinh thần của con người.
Dĩ nhiên, nhiều tác giả xem việc xóa bỏ chiến tranh là không đáng mơ ước và cũng không khả thi. Machiavelli (1) và Hegel xem chiến tranh là chuyện nghiêm trọng nhất của các quốc gia có chủ quyền, một điều không thể bị xóa bỏ cũng như chủ quyền quốc gia là không thể bị cắt bớt. Hegel xem chiến tranh là tốt về mặt tinh thần cho các quốc gia.
Ngược lại, Dante ở thế kỷ 13 và Kant, thế kỷ 18, cho rằng hòa bình thế giới là mục tiêu mà loài người có nghĩa vụ, về mặt đạo đức, phải đạt tới. Cả hai ông đều nghĩ rằng mục tiêu ấy chỉ có thể đạt được thông qua việc liên kết các quốc gia trên thế giới thành một chính quyền duy nhất dựa trên luật pháp và công lý. Kant tuyên bố “Lý trí thực tiễn về đạo đức, vang lên trong chúng ta lời phủ quyết không thể đảo ngược được: Không có chiến tranh nữa”. Mệnh lệnh này kêu gọi mọi quốc gia “thoát khỏi tình trạng dã man phi luật pháp và gia nhập một Liên minh các quốc gia.”
Nếu không vượt qua Hội Quốc Liên trước đây hoặc Liên Hiệp Quốc hiện nay, thì một liên minh các quốc gia cũng chẳng đi đến đâu. Như các tác gia ủng hộ thành lập liên bang Mỹ đã thừa nhận, chúng ta phải vượt xa hơn một khối liên hiệp lỏng lẻo để tới một “khối thống nhất hoàn hảo hơn” nếu chúng ta muốn thiết lập hòa bình giữa các dân tộc lân bang.
Nhưng, bạn có thể hỏi, tại sao một chính phủ toàn cầu lại là con đường duy nhất để đạt được hòa bình thế giới? Thứ nhất, vì chiến tranh là tình trạng tự nhiên giữa các quốc gia độc lập. Sử gia Hy Lạp cổ Thucydides và triết gia Anh thế kỷ 17 Hobbes chỉ ra rằng các quốc gia có chủ quyền không thực sự sống trong hòa bình với nhau ngay cả những khi họ không đánh nhau.
Thucydides nhận thấy cái được gọi là “hòa ước” không tạo ra hòa bình, nó chỉ tạo được đình chiến võ trang. Hobbes ghi nhận rằng các quốc gia chủ quyền luôn có chiến tranh với nhau, hoặc là chiến tranh lạnh với các âm mưu và thủ đoạn ngoại giao hoặc là chiến tranh nóng với sắt thép và súng đạn. Hobbes nói rằng “Chiến tranh không chỉ nằm trong trận đánh hoặc hành vi chiến đấu”. Nó tồn tại bất cứ nơi nào mà con người không thể dàn xếp những dị biệt của họ mà không sử dụng đến bạo lực như giải pháp sau cùng. Hòa bình không có nghĩa là sự vắng mặt các xung đột nghiêm trọng giữa con người với nhau. Nó không đòi hỏi con người phải trở nên các vị thánh hay thiên thần, và sống với nhau trong tình anh em hoàn hảo. Những điều như thế sẽ không bao giờ xảy ra trên mặt đất. Hòa bình đơn giản chỉ là tình trạng mà trong đó con người có thể dàn xếp mọi dị biệt của họ bằng đối thoại thay vì bằng bạo lực.
Điều này giúp chúng ta nhận ra một lý do khác về việc chính quyền toàn cầu trở thành con đường duy nhất đi tới hòa bình thế giới. Để thay bạo lực bằng đối thoại, cần có một chính quyền. Nếu điều này đúng trong nội bộ từng quốc gia thì nó cũng rõ ràng với Cicero thời cổ La Mã và John Locke nói:
"Có hai loại tranh đua giữa con người với nhau, một do luật pháp chi phối. Và một do bạo lực quyết định; và hai lối tranh đua này có một bản chất là khi cái này kết thúc thì cái kia khởi đầu.”
Nhưng để dàn xếp những xung đột của con người bằng luật pháp thay vì bằng bạo lực, bạn cần có một chính quyền với quyền hạn soạn thảo, áp dụng và thi hành luật pháp. Chúng ta biết rằng hòa bình dân sự tùy thuộc vào chính quyền dân sự - tại Chicago, Illinois hay Mỹ thì cũng vậy. Thế thì tại sao không áp dụng cho toàn thế giới? Nếu chính quyền địa phương là cần thiết cho hòa bình địa phương, thế thì không thể suy diễn rằng một chính quyền toàn cầu là cần thiết cho hòa bình thế giới sao?
Bạn có thể thừa nhận rằng điều đó là cần thiết, và thậm chí khả thi về mặt lý thuyết; nhưng, bạn có thể tự hỏi, điều đó có thể khả dĩ và thực hiện được trong tương lai gần hay không?
Những nhà tư tưởng lớn trong quá khứ không cho chúng ta câu trả lời nào trước câu hỏi đó. Họ đem lại cho ta các nguyên lý tư duy mạch lạc về vấn đề này, nhưng việc chúng ta có giải quyết được nó hay không thì còn tùy thuộc vào thiện chí muốn suy nghĩ mọi chuyện cho rốt ráo và quyết tâm hành động khôn ngoan hơn trong tương lai. Cho dù chúng ta có làm được điều đó hay không thì lời tiên tri của bạn cũng tốt đẹp như của tôi.
(1) Niccolò Machiavelli (1469 - 1527): tác gia, chính khách và lý thuyết gia chính trị người Ý. Tác phẩm chính, The Prince (“quân vương”), và những tác phẩm nhiều ảnh hưởng mà bá đạo khác về thuật trị nước của ông khiến tên ông đồng nghĩa với sự xảo quyệt và lừa dối.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)