Vinashin nợ ai, ai nợ?
" Có ý kiến cho rằng hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỉ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Theo số liệu của HĐQT Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30.6.2010, số nợ của Vinashin 86.031 tỉ, nhưng mà tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỉ. Như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả."
Nếu báo đưa tin đúng thì phát biểu của ông bộ trưởng Vũ Văn Ninh chứa hàm lượng thông tin rất thấp, do đó chưa trấn an được ai.
Một nguyên tắc vỡ lòng của kế toán Việt Nam là tại mọi thời điểm, bảng cân đối kế toán phải thiết lập được đẳng thức: Tổng tài sản= tổng nguồn vốn. Tổng nguồn vốn, đến lượt nó, gồm vốn + vay nợ.
Do đó, bất đẳng thức Nợ < Tài sản là điều hiển nhiên, nó chỉ không xảy ra khi anh làm ăn thua lỗ đến mức lỗ quét sạch toàn bộ vốn đầu tư ban đầu của anh, hay nói cách khác vốn của anh giờ này là con số âm- một trường hợp không còn gì để nói nữa.
Nếu tổng nợ các kiểu của Vinashin đúng là 86.031 tỷ và tổng tài sản đúng là 103.774 tỷ và đây là 2 số liệu ở cùng 1 thời điểm, ta có thể suy luận vốn chủ sở hữu của Vinashin (vốn điều lệ+ lợi nhuận tích góp qua các năm) = 103.774-86.031=17.743 tỷ.
Suy ra, tỷ lệ Vốn Chủ sở hữu/Tổng nguồn vốn là 17,1%, hệ số đòn bẩy (Nợ/Vốn Chủ sở hữu) là 4,85, những số liệu không phải là tốt, tình hình tài chính không phải là lành mạnh, nhưng chưa đến nỗi nguy kịch. Tuy nhiên, tôi ngờ rằng diễn giải về những con số này chưa thật rõ ràng nên chưa thể kết luận như thế.
Trước hết ta phải rõ nợ 86.031 tỷ là gì? Vinashin nợ ai?
Nợ ngân hàng và nợ dưới dạng phát hành trái phiếu là những thứ được nói đến đầu tiên và cũng là những khoản có giá trị lớn nhất trong cơ cấu nợ của các doanh nghiệp. Nhưng nợ không chỉ bao gồm chừng ấy, nó còn là nợ người lao động (lương hàng tháng trời chưa trả), nợ nhà nước (thuế hàng tháng trời chưa đóng), nợ nhà cung cấp (mua thép, mua dầu của người ta mà cả năm trời chưa trả triệu nào). Những cái này cũng rất dễ hiểu.
Nợ còn có thể là nợ khách hàng nữa. Thông thường khách hàng đầu ra nợ Vinashin nhưng cũng có thể ngược lại. Đó là khi người ta ứng trước tiền cho anh để anh đóng tàu cho người ta, xây kho nổi cho người ta mà anh mãi chưa làm. Tất nhiên trong những thứ hạch toán vào mục “khách hàng trả trước” này có những khoản không còn áp lực trả nợ nữa khi chính KH bỏ hợp đồng, chịu mất tiền đặt cọc, Vinashin mất những thứ hùng hục làm ra rồi bỏ đó, nhưng như báo chí đưa tin hồi năm 2008, đã có nhiều KH như PVN thắc mắc về tiến độ thực hiện hợp đồng của Vinashin khi tiền ứng trước đã ứng lâu rồi mà sản phẩm mãi chẳng thấy hồi âm.
Nếu 86.031 tỷ chỉ là 1 phần chứ không phải là tất tật các khoản nợ vừa nêu thì không thể tính toán ra những con số 17,1% hay 4,85 như phía trên được, nghĩa là tình trạng của Vinashin cần chờ phân tích thêm.
Bây giờ, ta giả định 86.031 tỷ là tất tật các khoản nợ và 103.774 tỷ là tổng tài sản của Vinashin ở cùng thời điểm. So sánh giữa nợ với tài sản là 1 thứ cần làm, tuy nhiên để đánh giá được khả năng trả nợ ta phải phân tích sâu hơn vào từng hạng mục, trong nợ, và trong tài sản.
Nợ thì như tôi vừa viết có rất nhiều dạng. Vay ngân hàng có vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn với các lịch trả nợ thiết kế khác nhau. Các khoản ngắn hạn tạo áp lực phải trả nợ ngay, xưởng anh đắp chiếu trùm chăn tất nhiên không lấy đâu ra tiền mà trả nợ phải xin dãn xin khoanh hoặc đảo vòng vòng; các khoản dài hạn được ân hạn, các khoản trái phiếu trả cuối kỳ áp lực tạm thời còn thấp nhưng đến hạn trả sẽ rất khác.
Tài sản, thì gồm nhiều thứ:
- Tài sản cố định như xưởng đóng tàu chẳng hạn-OK, hiện nay tình hình kinh tế chưa thuận lợi, hợp đồng ít thì nó làm việc cầm chừng, rồi mai này BDI tăng liên tục, thị trường thuận lợi trở lại, hợp đồng phi vào tơi tới, hãy đợi Vinashin vào vai Thánh Gióng! Tất nhiên kịch bản trong mơ này chỉ xảy ra khi khối TSCĐ của Vinashin chỉ chưa gặp thời thôi chứ rất chi là văn minh, bằng không, nếu nó là những thứ giá trị sổ sách tuy lớn nhưng thực tế chỉ là đống sắt vụn như những con tàu đắt tiền như tàu Hoa Sen không có khả năng sinh lợi đang hoen rỉ dần dần thì thôi khỏi nói!
- Tài sản dài hạn còn là xây dựng cơ bản dở dang, ví dụ như những xưởng đóng tàu đang xây dựng nửa chừng, Vinashin phải vay dài hạn để đầu tư vào đó, nhưng đầu tư dàn trải vào nhiều nơi quá, mỗi nơi một “ít”, xưởng đóng tàu chạy dọc bờ biển hình chữ S mà chưa cái nào ra hồn. Thị trường có hồi phục thì xưởng đóng tàu vẫn chưa vào cuộc để đáp ứng nhu cầu thị trường được vì chưa xây xong. Để xưởng xong xuôi vẫn cần phải đầu tư tiếp, vẫn chờ vay tiếp. Như vậy, tài sản dạng đang XDCB dở dang quá lớn thì như đang ôm 1 quả bom nổ chậm.
- Tài sản dài hạn còn là đầu tư dài hạn các kiểu, như thành lập Cty con (50-100% vốn Cty mẹ, nắm quyền kiểm soát các công ty khác mà lại hoạt động trong những lĩnh vực anh không có kỹ năng nghề nghiệp để kiểm soát), góp vốn liên doanh liên kết (không nắm quyền kiểm soát lệ thuộc vào trình độ quản lý của anh khác), mua cổ phiếu các Cty khác v.v. Những khoản đầu tư này ra sao, khoản nào đem lại lợi nhuận, khoản nào là ném tiền qua cửa sổ, khoản nào có khả năng được cứu như 1 thương vụ đầu tư cổ phiếu được chuyển qua SCIC? .v.v, không làm rõ tính chất của những khoản đầu tư này, chỉ nói chay con số vo tròn sẽ không trấn an ai được.
- Đến tài sản lưu động, nó có nhiều hạng mục nhưng 2 hạng mục được nói nhiều nhất là phải thu khách hàng và hàng tồn kho. Phải thu có khả năng thu hồi được nợ hay không, bao nhiêu khách hàng bùng nợ, bao nhiêu khoản nợ khó đòi, bao nhiêu khách hàng tử tế trung thực sẵn sàng trả nợ đấy nhưng tình hình bi đát quá nên lực bất tòng tâm v.v. Hàng tồn kho đối với Vinashin không chỉ là tàu chưa bán (liệu có bán được không?, thị trường có nhu cầu đối với loại tàu nào?), thép để trong kho chưa đưa vào sản xuất (thép đóng tàu đấy nếu không dùng thì có bán được cho ai khác không, khi toàn ngành đóng tàu sa sút?) mà còn là chi phí SXKD dở dang, một nửa con tàu đang đóng dở chẳng hạn. Nghĩa là cùng 1 con số phải thu hay hàng tồn kho nhưng nếu chất lượng của những hạng mục này khác nhau ta sẽ được những bức tranh hoàn toàn khác biệt.
Nhưng vấn đề là "chủ nợ" Vinashin nào, hay câu hỏi “ai nợ”?
Như đã nói, đầu tư dài hạn của Vinashin có việc góp vốn lập các Cty con. Từ nãy đến giờ là nói Vinashin mẹ. Cty mẹ này, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đúng là đã từng có tư cách pháp nhân, như sách đã chép: “Tập đoàn Kinh tế Vinashin được thành lập theo Quyết định số 103/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/5/2006 và Quyết định 104 QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam”. Đến giờ G 30/6/10 chuyển theo luật doanh nghiệp, Tập đoàn (tức Cty mẹ) đã có quyết định chuyển đổi thành Cty TNHH NN một thành viên Vinashin. Số nợ 86.031 tỷ có lẽ là số nợ của Cty mẹ này.
Còn cách hiểu tập đoàn theo nghĩa cả gia đình, cả mẹ+các con thì tập đoàn dạng này không có tư cách pháp nhân nào cả, nhưng số liệu tài chính của mẹ+con được thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất mà Cty mẹ phải chịu trách nhiệm. Tổng nợ của toàn gia đình Vinashin với bên ngoài (loại trừ các khoản nợ nội bộ giữa mẹ với con, giữa các con với nhau) tất nhiên là một con số khác hẳn với tổng nợ của riêng mình Cty mẹ. Mà con số này mới là con số khủng khiếp trong khi tổng vốn chủ sở hữu của cả gia đình không sánh được tương xứng, vốn tự có của mẹ đầu tư vào con thì phần đầu tư đó chỉ tính 1 lần không thể lấy vốn mẹ+vốn con được, nếu nhìn toàn nhóm, toàn “tập đoàn”, chắc chắn số liệu chung sẽ bi đát hơn nhiều.
Có thể nói Vinashin chỉ biết góp vốn cho công ty con Vinashinlines thôi, Vinashinlines có tư cách pháp nhân đàng hoàng, là Cty độc lập, nó nợ ai (vay ai đó mua tàu) thì đó là trách nhiệm của nó, cho nên chẳng cần nhìn toàn nhóm như thế. Nhưng trên thực tế rất nhiều ngân hàng cho những ông công ty con của Vinashin vay với bảo lãnh của Cty mẹ Vinashin.
Nếu công ty con không trả được nợ thì Vinashin mẹ phải trả thay. Những khoản này nếu không tính cho Cty mẹ thì con số nợ của Vinashin có thể tạm coi là dễ chịu, nhưng nếu tính sẽ không còn dễ chịu như bộ trưởng Ninh định trấn an các đại biểu Quốc hội của chúng ta nữa.
Nguồn:Cavenui Blog
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá