Tái cơ cấu Vinashin theo hướng nào?

09:52 SA @ Thứ Sáu - 24 Tháng Chín, 2010
Cho đến nay, kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa được công bố, ngoài một vài thông tin lẻ tẻ cho thấy việc tái cơ cấu đã khởi động. Vì thế lòng dân không yên, bởi mọi tổn thất mà Vinashin đã gây ra, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ do người dân chịu. Dưới đây là mấy vấn đề mà công luận quan tâm liên quan đến việc tái cơ cấu tập đoàn này.

1. Ai điều hành tái cơ cấu?

Chính phủ đã lập ra một ban chỉ đạo, đứng đầu là một Phó thủ tướng, với các thành viên gồm nhiều quan chức cấp cao các bộ liên quan. Song cần khẳng định rằng nhiệm vụ của ban chỉ đạo chỉ là chỉ đạo, không điều hành. Trực tiếp điều hành phải là đội ngũ quản lý của Vinashin.

Nhưng chính những người này đã lái con tàu Vinashin đi đến thảm trạng hiện nay. Thực tế đó khiến người dân không an tâm khi thấy những người như thế được giao nhiệm vụ thực thi tái cơ cấu. Cho nên vấn đề cấp bách hàng đầu là việc tái cơ cấu chính đội ngũ cán bộ quản lý Vinashin, từ công ty mẹ cho đến các công ty con, cháu. Việc bắt tạm giam một vài cán bộ quản lý cũ có dấu hiệu vi phạm pháp luật chỉ là một phần của việc tái cơ cấu này.

2. Cần minh định phạm vi tái cơ cấu, toàn bộ tập đoàn (gồm công ty mẹ và tất cả các công ty con cháu) hay chỉ tái cơ cấu công ty mẹ và một số công ty thành viên?

Vấn đề đặt ra là tập đoàn Vinashin bao gồm một công ty mẹ và rất nhiều công ty con cháu có sở hữu khác nhau, trong đó mỗi công ty con cháu vẫn là một pháp nhân độc lập, tuy có liên hệ kinh tế với các đơn vị trong tập đoàn, nhưng vẫn có cuộc sống riêng. Cho nên qua tái cơ cấu, phải xác định được trách nhiệm của mỗi pháp nhân độc lập này đối với thực trạng hiện nay, nếu không sẽ có tình trạng “trăm dâu đổ đầu công ty mẹ” và “đục nước béo cò”.

3. Vấn đề xác định vốn và nợ thực của Vinashin

Hiện nay người dân mới biết mấy con số tổng quát: tổng tài sản của Vinashin là 104.000 tỉ đồng, tổng nợ là 86.000 tỉ, trong đó nợ đến hạn khoảng 14.000 tỉ, riêng nợ lương và bảo hiểm xã hội khoảng 234 tỉ. Vì không có kiểm toán nên không thể biết mức độ chính xác của những con số trên, nhưng dù sao nó cũng cho thấy được “bờ vực phá sản” mà Vinashin đang đứng. Ở đây có hai điểm cần chú ý làm rõ :

a) Tài sản và nợ nêu trên là thuộc về công ty mẹ hay của toàn tập đoàn? Về tài sản, nếu tổng hợp toàn tập đoàn thì đã trừ đi những tài sản hình thành từ đầu tư chéo lẫn nhau giữa các thành viên chưa? Nếu chưa trừ, có nghĩa là con số tổng tài sản đã công bố cao hơn thực tế.

Thêm nữa, theo lời lãnh đạo một công ty cổ phần thành viên, công ty mẹ thực tế không đầu tư một đồng vốn nào vào công ty cổ phần của ông, nhưng trên danh nghĩa lại nắm 30% vốn điều lệ, như là giá trị thương hiệu Vinashin gắn vào tên công ty. Trường hợp này chắc không phải là duy nhất. Cho nên trong tổng tài sản của công ty mẹ chắc còn có tài sản vô hình với tên gọi là “thương hiệu” kiểu này, do đó nó lại “phồng” thêm nữa.

Về nợ cũng vậy, tổng nợ đã công bố là nợ riêng của công ty mẹ hay là tổng hợp nợ của toàn tập đoàn? Có làm rõ điều này mới có cơ sở xác định đúng tài sản hiện có của công ty mẹ và từng công ty con cháu, dù chỉ là giá trị trên sổ.

b) Tổng tài sản và nợ nêu trên chắc chắn là tính theo giá trị sổ sách, vì vậy rất cần phải kiểm kê và đánh giá lại nhằm xác định đúng giá trị thực mới có thể tìm ra biện pháp tái cơ cấu phù hợp. Nếu đánh giá lại tài sản, chắc chắn giá trị tổng tài sản sẽ thấp hơn con số 104.000 tỉ đồng. Về nợ cũng phải xác định lại cho chính xác.

4. Công luận rất quan tâm tới phương án tái cơ cấu sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu nợ

a) Khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh là điều phải làm ngay, vì đó là điều kiện để bảo tồn thương hiệu Vinashin, để sử dụng những cơ sở vật chất - kỹ thuật và lực lượng lao động đã có. Về phương hướng, Bộ Chính trị đã vạch ra. Bây giờ phải cụ thể hóa thành những phương án, kế hoạch trước mắt và dài hạn phù hợp với khả năng thực tế và chiến lược kinh tế xã hội của nước ta đến năm 2015 và 2020.

Được biết một phương án khôi phục sản xuất kinh doanh đã được vạch ra với dự kiến từ năm 2013-2014 Vinashin sẽ có lãi và sau năm 2015 sẽ ổn định. Liên quan đến vấn đề này là việc tái cơ cấu tổ chức của tập đoàn theo hướng chỉ giữ lại những đơn vị trực tiếp gắn với phương hướng sản xuất kinh doanh mới. Các đơn vị khác có thể tổ chức thành những công ty nhà nước mới, hoặc cổ phần hóa, hoặc tư nhân hóa nhằm sử dụng được những cơ sở vật chất- kỹ thuật và lao động hiện có.

b) Tái cơ cấu nợ. Trong điều kiện hiện nay, cần thấy hết tầm quan trọng của vấn đề nợ và trả nợ. Phải thấy rằng chính vì không trả được nợ đến hạn, nên thực trạng nguy khốn của Vinashin mới phơi bày ra. Hơn nữa, nếu không thương thảo được về cơ cấu lại nợ thì theo Luật Phá sản, các chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố Vinashin đã lâm vào tình trạng phá sản. Tình hình sẽ còn phức tạp hơn.

Trong tái cơ cấu nợ, có hai vấn đề đáng lưu ý là hoãn, giãn nợ đến hạn và vay mới. Tuy nợ cũ đến hạn chưa có tiền để trả, nhưng vấn đề vay mới vẫn phải đặt ra vì cần có những khoản đầu tư bổ sung. Hiện nay dù Nhà nước đã quyết định cấp bổ sung vốn điều lệ cho Vinashin, nhưng nếu chỉ có vậy, tình hình vẫn không thể thay đổi căn bản. Vấn đề là các chủ nợ có chấp nhận cho hoãn, giãn nợ và có thể cho vay tiếp hay không. Phải nói trong thực trạng này, Vinashin có “ưu thế” của doanh nghiệp nhà nước!

Được biết trong số 1,35 tỉ đô la Mỹ nợ nước ngoài hiện nay, có 750 triệu là trái phiếu chính phủ, tức là về danh nghĩa, đây là khoản nợ của Chính phủ, không phải của Vinashin. Về khoản nợ 600 triệu đô la, tuy là trái phiếu doanh nghiệp, nhưng nếu tính rằng trước 1-7-2010, khi Vinashin chưa chuyển thành công ty TNHH một thành viên, thì nó vẫn là doanh nghiệp nhà nước, do đó Nhà nước phải chịu trách nhiệm vô hạn. Chủ nợ không đòi được nợ từ Vinashin, thì có thể đòi Chính phủ, tức là đòi chủ sở hữu doanh nghiệp.

Tuy vậy khả năng thương thảo việc hoãn, giãn nợ của Vinashin với các chủ nợ nước ngoài là có, chỉ có điều là vì thế mà chỉ số tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế đã bị sụt giảm như đã thấy. Còn số nợ 57.000 tỉ đồng của các ngân hàng trong nước, với sự chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề hoãn, giãn nợ không phải là không thể. Chỉ có điều cần nhớ rằng việc hoãn, giãn nợ chỉ là biện pháp tình thế, giải nguy trước mắt, trước sau người dân vẫn phải trả những khoản này.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vinashin và lỗ hổng tài chính

    16/09/2010Anh VũSau khi Tập đoàn Vinashin không còn khả năng trả nợ, người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn của Vinashin? Nếu quản lý, giám sát tốt, chắc chắn sẽ không dẫn tới tình trạng như hiện nay...
  • Để không còn một Vinashin

    04/09/2010Nguyễn Ngọc BíchVượt qua những sự xúc động khác nhau đối với Vinashin, tôi xin giải thích tình trạng của nó theo quan điểm quản trị kinh doanh hay quản trị xí nghiệp (business management) để hy vọng trong tương lai sẽ không còn một vụ như thế...
  • Quản trị quốc gia nhìn từ điều hành của Vinashin

    26/08/2010Phùng Hoàng CơChúng ta hình dung năng lực quản trị và điều hành của các lãnh đạo Vinashin hiện nay như là khả năng bình thường của bé trai 10 tuổi ăn được 02 bát cơm nhưng được bố mẹ giao ăn 04 bát cơm. Đứa trẻ sẽ phản ứng điều gì?
  • Thuyền Rùa và thuyền Cổ lâu

    17/08/2010Đỗ Thái BìnhĐọc cuốn tự truyện kể lại đời mình của ông chủ tập đoàn Hyundai, có lẽ ai cũng phải xúc động trước ý chí, quyết tâm dời non lấp biển của Chung –Ju-Yung. Sau những thành công trong xây dựng, chàng thợ hồ học vấn tiểu học ở tuổi năm 55 nhảy sang lĩnh vực đóng tàu. Cần có số vốn 80 triệu đô la để dựng nhà máy, Chung đã sang London, cố thuyết phục Ngân hàng Barclays. Bằng cấp anh đâu? Quá trình kinh nghiệm đóng tàu của anh đâu?
  • Nói gì về Vinashin lúc này?

    24/07/2010Đỗ Thái BìnhTrước tình hình Vinashin hiện nay, các nhà quản lý đất nước cần có những quyết định dứt khoát: đóng cửa các cơ sở, dự án chỉ cốt chơi trội; tập trung mọi nguồn lực cho các cơ sở, dự án gắn liền với yêu cầu vận tải, đánh bắt, bảo vệ chủ quyền trên biển; cố cứu giữ các thành quả công nghệ vừa thu lượm được dù với giá rất đắt do đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, đặc biệt là các lớp kỹ sư và công nhân vừa được chạm tay tới nhiều công nghệ mới; duy trì và phát huy các thiết bị công nghệ mới rất đắt tiền, kể cả cần bố trí, phân phối lại, bổ sung cho phù hợp.
  • Tái cơ cấu... tư duy

    11/07/2010Lâm Chí Công“Nợ nần của Vinashin” - gõ cụm từ này vào công cụ tìm kiếm Google lúc 10 giờ ngày 6.7, chỉ trong 0,19 giây đã cho 47.000 kết quả, trong đó liền sau danh xưng lừng lẫy, hoành tráng Vinashin là “nợ nần chồng chất”, “thua lỗ nặng”, “tái cơ cấu và những ẩn số”...
  • Vinashin, kết quả thí điểm

    06/07/2010Sáu NghệDư luận đang đặc biệt quan tâm đến Tập đoàn Vinashin không chỉ vì kết quả kinh doanh. Nhớ lại, ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Trong năm 2006 còn ra đời nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác...
  • Vấn đề Vinashin – nhìn từ nhiều phía

    06/07/2010PGS TS Vũ Trọng KhảiCác tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, theo quy định của Chính phủ, đột nhiên phải thu gom hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp con. Các doanh nghiệp này từ trước đến giờ “không quen biết” gì nhau, nằm ở rải rác khắp nơi, nay cùng “chui” vào một “rọ quản lý” của tập đoàn...
  • xem toàn bộ