Nói gì về Vinashin lúc này?
Bạn hỏi tôi nghĩ gì, nên nói gì về Vinashin vào lúc này khi biết chúng tôi là những người trong nghề, đã đồng hành cùng biết bao anh em công nhân và kỹ sư từ những bước đi chập chững đầu tiên của con tàu máy hơi nước năm 1967 cho tới những buổi lễ hoành tráng bàn giao con tàu chở ô tô to lớn bên bờ vịnh Hạ Long tháng trước… Nhiều lắm, nhiều điều cần nói lắm cho một hành trình 40 năm nghề nghiệp, nhưng trên hết là nỗi đau đớn, tủi buồn cho một ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao của chiến lược biển quốc gia giờ đây là đầu đề đàm tiếu của xã hội, một gánh nợ cực kỳ lớn cho toàn dân tộc, là mối đe dọa mất việc làm của hàng vạn con người từng hy vọng vào những buổi ký kết những hợp đồng đóng tàu đầy hứa hẹn… Và tự giận mình, dù đã phát biểu, đã có những ý kiến phản biện, đã can ngăn, nhưng còn quá yếu ớt trong khi ngành đóng tàu ngày càng trượt dài khỏi lộ trình đúng đắn mà đáng ra nó phải theo…
Lấy đóng tàu xuất khẩu làm quốc sách, làm mũi nhọn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một vấn đề to lớn như thế nhưng hình như đã không được thực hiện theo đúng quy trình cần có. Không có công trình nghiên cứu về các khía cạnh kỹ thuật, kinh tế toàn cầu, an ninh quốc gia, không hội thảo khoa học, không phản biện, hình như tất cả cũng giống chiếc tàu Hoa Sen giá 90 triệu USD được “quyết” trong một chốc một lát, nếu không nói là quyết ngay bên bàn nhậu… Nhiều người đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng chính khủng hoảng lại là tiền đề phải đặt ra cho kinh tế đóng tàu mà các giáo trình sơ giản nhất đã chỉ dẫn, cũng như xây dựng phải tính đến động đất, cho nên việc cam kết “sẽ trả hết nợ” là chuyện hứa hão nếu không nói tới biện pháp “con trẻ” là bán đất vì bản chất của nghề đóng tàu trong điều kiện bình thường đã là một thứ kinh doanh với lãi ròng rất thấp, gần như không có lãi. Cái nghề đặc thù khó nhằn này lại vô cùng cần thiết cho một quốc gia biển đảo, mà các yêu cầu về tàu thuyền cho bảo vệ chủ quyền, cho đánh bắt cá, cho chuyên chở người bệnh từ Phú Quý, Lý Sơn… về đất liền vẫn là một khoảng trống trong khi đó cơn say mê “gia công” tàu cho nước ngoài đã tiêu hết các nguồn lực mà hy vọng lập lại được rất khó xảy ra.
Trong những ngày này, người ta thường nhắc tới trách nhiệm của các cá nhân, những yêu cầu gay gắt đòi xử lý, một việc làm rất cần thiết với những kẻ tội phạm kinh tế nhưng có lẽ quan trọng hơn là làm cách nào “cứu” ngành đóng tàu. Không thể tiếp tục bơm tiền cho nó mà có lẽ chẳng còn nguồn tiền nào có thể bơm cho nó vô tội vạ như trước đây, mặc dù có những số tiền yêu cầu rất chính đáng vì bản chất của đóng tàu cần rất nhiều tiền vốn. Cái cần nhất, như chúng tôi đã kêu gọi từ nhiều năm nay là phải trả lời cho được câu hỏi: chúng ta đóng tàu để làm gì? Tại sao phải dồn toàn bộ nguồn lực cho một ngành kinh tế, xưa nay khá xa lạ với một nước nông nghiệp? Vì Chiến lược biển Quốc gia, vì muốn đi tắt đón đầu ư? Vậy Chiến lược biển Quốc gia là gì? Vào lúc này, cần xem xét nghe lại một cách nghiêm túc những ý kiến phản bác của nhiều tác giả như Huỳnh Thế Du, Trần Vinh Dự, David Dapice..., nhiều ý kiến của các nhà kỹ thuật kinh tế trong ngành đóng tàu mà lâu nay “giữ im lặng”… cũng như cần tranh luận với Tiến sĩ Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, người đã “ bác bỏ” quan điểm của nhóm các nhà kinh tế nói trên. Trên cơ sở các luận chứng kinh tế kỹ thuật nghiêm túc, hệ thống chính trị quản lý đất nước cần có những quyết định dứt khoát: đóng cửa các cơ sở, dự án thiếu luận chứng, căn cứ, hoành tráng, chơi trội, muốn “đứng thứ tư thứ năm trong hàng ngũ đóng tàu thế giới”; tập trung mọi nguồn lực cho các cơ sở, dự án gắn liền với các yêu cầu vận tải, đánh bắt, bảo vệ chủ quyền trên biển; cố cứu giữ các thành quả công nghệ vừa thu lượm được dù với giá rất đắt do đầu tư dàn trải, thiếu bài bản, đặc biệt là các lớp kỹ sư và công nhân vừa được chạm tay tới nhiều công nghệ mới; duy trì và phát huy các thiết bị công nghệ mới rất đắt tiền, kể cả cần bố trí, phân phối lại, bổ sung cho phù hợp.
Hiện nay có tình trạng có đơn vị làm ăn tốt, được khách hàng nước ngoài tín nhiệm nhưng không thực hiện được công việc vì bị đánh đồng với nhiều đơn vị thua lỗ trong tập đoàn, không nhận được tiền ứng của khách hàng vì ngân hàng chặn nợ. Vậy hình thức tổ chức tập đoàn hay tổng công ty đóng tàu phải ra sao, để gắn liền với toàn bộ nền công nghiệp, để không còn tình trạng là một “bộ công nghiệp con con”, cũng có nhà máy sơn ở Bình Dương, có cán thép Cái Lân, cáp điện Đà Nẵng… để cố chứng minh cho được là “nội địa hóa 60%”, một khái niệm kinh tế-kỹ thuật chỉ có ở Việt Nam!!! Và cả khu đất đẹp đẽ tại Hòa Lạc có xứng đáng dành riêng cho bể thử tàu, rồi cái dự án Đại học Đóng tàu Vinashin là những ý kiến “bốc đồng” hay thực sự là một đòi hỏi thực tế nghiêm túc?
Hơn lúc nào hết, thực tế đòi hỏi phải giải quyết căn cơ những vấn đề mà Vinashin đã đặt ra. Tất cả phải vì quyền lợi của dân tộc, quyền lợi của một đất nước với tấm bản đồ mà 2/3 rực rỡ màu xanh biển cả.
Công nghiệp đóng tàu đi về đâu?
(Đỗ Thái Bình, Tia Sáng, 03/09/2009)
Trong dịp đến thăm nhà máy Nam Triệu vào cuối năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất các hướng đi của ngành đóng tàu nhằm khắc phục những khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, đó là hướng về sản xuất phục vụ trong nước và sửa chữa. Vậy công nghiệp đóng tàu của chúng ta vừa qua đã tiến triển như thế nào?
Một ngành công nghiệp trồi sụt!
Tra cứu bất kỳ một trang nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như hàn lâm nói về công nghiệp đóng tàu, ta cũng bắt gặp những dòng chữ cảnh báo về một ngành công nghiệp “trồi sụt”, đầu tư rất lớn, phụ thuộc mạnh mẽ vào các biến động địa chính trị toàn cầu, và thường chỉ thực hiện với một ý chí quốc gia mạnh mẽ tức là được Nhà nước bảo trợ. Chính vì những đặc điểm đó, nên không phải quốc gia nào có bờ biển, có nhân lực là dám mạo hiểm đầu tư lớn, lấy đóng tàu làm trọng tâm phát triển. Có thể nhìn sang các nước ASEAN láng giềng, sang Ấn Độ mà nền công nghiệp đã ở mức cao hơn.
Đồ thị có trong bất kỳ cuốn giáo trình nào về kinh tế đóng tàu:cột đứng là số triệu tấn tàu đóng được trình bày theo thang lô –ga, cột ngang là theo các năm ,cho tới năm 1983. Cho thấy sự trồi sụt ghê gớm cùa ngành công nghiệp đòi hỏi đầu tư lớn nước ta từ lâu. Nhưng “liệu pháp đóng tàu” như người ta thường gọi lại là một phương thuốc hữu hiệu kích thích nền kinh tế, kéo cả ngành công nghiệp cùng tiến lên mau chóng. Trừ trường hợp Trung Quốc phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu trong các năm gần đây để xuất khẩu, nhưng cũng phục vụ cho nhu cầu nội địa của một tỷ người và các chiến lược bành trướng đại dương, “liệu pháp đóng tàu” như ta đều biết, đã được Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc đã áp dụng thành công. Khi quyết định phát triển công nghiệp đóng tàu Việt Nam để xuất khẩu, chúng ta tin rằng các nhà hoạch định chính sách mong muốn nó là “liệu pháp” để góp phần mau chóng công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, với những mục tiêu như “nội địa hóa 60% con tàu”, “đứng thứ tư thế giới trong bảng sắp các quốc gia về số tàu đóng được”…Và thế là, trong một thập kỷ qua, việc đóng tàu đã được đầu tư và phát triển tới chóng mặt. Từ các xưởng nhỏ bé vào đầu những năm 90 tại Hải Phòng và Quảng Ninh, ngày nay Tập đoàn Vinashin đã rải khắp từ sát biên giới Việt - Trung tới Cà Mau với những nhà máy đang xây dựng dở dang, để có thể đóng được các con tàu khổng lồ có tải trọng lên đến nửa triệu tấn, với nhiều ụ đà, đất đai, phân xưởng với hàng chục cần cẩu to lớn bắt mắt từ đằng xa …
Nhưng, như quy luật “trồi sụt” của nó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đến. Trong cuộc gặp các lãnh đạo tập đoàn với Thủ tướng, lãnh đạo ngành Hàng hải Vinalines đã nói rõ: Tàu bè nay quá rẻ, giá chỉ còn một nửa hay một phần ba, đây là cơ hội ngàn vàng để đổi mới đội tàu biển! Thời của đóng tàu xuất khẩu đã qua mau chóng !
Cái giá của những bài học
Thực ra, trong mười năm qua, ngành đóng tàu chúng ta đã học được nhiều bài học to lớn. Từ chỗ chỉ biết kỹ thuật, công nghệ “hệ 1” một thuật ngữ trước đây hay dùng để chỉ công nghệ của Liên Xô và các nước XHCN anh em xưa, nay chúng ta đã tiếp xúc mạnh mẽ với công nghệ “hệ 2”. Tại cuộc triển lãm Vietship hoành tráng về đóng tàu vào hồi đầu năm nay, chúng ta có thể bắt gặp cả một thế giới công nghệ của thế kỷ 21, có cả những Roll-Royces Anh, KVH Hoa Kỳ… những cái tên khổng lồ gắn với công nghiệp vũ trụ. Một đội ngũ các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đã làm quen với các phần mềm chuyên dùng, phương pháp đóng tàu module, các cách trang trí tàu oufit năng suất cao…Tất nhiên, để có được những tiến bộ kỹ thuật đó, chúng ta cũng đã phải trả bằng một cái giá nhất định: Những lỗi kỹ thuật – quản lý to lớn, giá bán tàu thường bị chèn ép…Nhưng điều mong muốn nhất là ngành đóng tàu cùng phát triển với tất cả các ngành công nghiệp khác đã diễn tiến ra sao? Nội địa hóa đã tiến triển thế nào? Cuộc hội thảo về chủ đề này do Vinashin tổ chức tại nhà máy Nam Triệu tháng 10 – 2008 vừa qua đã trả lời câu hỏi này: Đóng tàu không lôi kéo được các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, chỉ lèo tèo vài đại biểu từ các ngành công nghiệp khác tới tham dự hội thảo mặc dù chủ nhà tiếp đón rất lịch thiệp. Các nhà máy của Vinashin vẫn phải tiếp tục nhập các bu lông chuyên dùng, các chốt cửa kín nước… những phụ tùng nhỏ nhặt nhất cho các con tàu. Chỉ có dự án sản xuất thép với Lion Malaysia mà Vinashin góp vốn bằng “đất” mới góp phần tăng giá trị “nội địa hóa”! Vậy cái “liệu pháp” này có góp phần chữa trị được nền kinh tế hay làm cho nó thêm trầm trọng?
Hướng cho nội địa và sửa chữa
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là hướng ngành đóng tàu phục vụ cho nhu cầu trong nước và sửa chữa tàu đáng ra phải là mục tiêu đầu tiên ngay từ khi hoạch định chiến lược phát triển. Người khổng lồ Hyundai đầu tư vào nước ta, ngay từ đầu đã đi từ sửa chữa. Đến nay Hyundai- Vinashin tại Nha Trang đã trở thành một địa điểm chữa tàu có uy tín trên bản đồ sửa chữa tàu toàn cầu, làm giàu và rạng danh thêm cho Hyundai – Mipo, nhưng tiêu diệt môi trường cả một vùng ven biển giàu đẹp chỉ vì những người hợp tác không ràng buộc những công nghệ “sạch”. Các nhà máy đóng tàu như Saigon Shipyard của Tập đoàn Singapore đầu tư vào Cát Lái Sài Gòn, Marine Strategy của Úc đầu tư vào khu công nghiệp Đông Xuyên Vũng Tàu đều có kết cấu hợp lý, không quá “hoành tráng” và chắc chắn làm ăn có lãi. Việc chuyển hướng chiến lược cho ngành đóng tàu thực ra không phải dễ dàng vì nhiều dự án lớn phục vụ xuất khẩu đang làm dở dang, phục vụ cho nội địa tức là các nhu cầu vận tải, khai thác biển, giữ vững chủ quyền …không có nghĩa là không cần đầu tư vì đã “sẵn nong sẵn nia” mà trái lại vẫn cần được đầu tư đúng hướng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là lĩnh vực yếu nhất hiện nay. Trước hết, chúng ta cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch đóng tàu đã đề ra, xác định rõ mục tiêu. Từ đó, cần có quyết định thu gọn phạm vi phát triển. Công việc này không dễ dàng vì đóng tàu đã được “rải đều” hầu như khắp mọi tỉnh ven biển. Thay vì “rải đều” theo chiều dọc địa lý, phải có những cơ chế chính sách buộc các bên có quyền lợi gắn liền với đóng tàu như hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, hàng hải, ngư nghiệp, dầu khí, du lịch…để tạo thành một sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện Chiến Lược Biển.
Nguồn:Tia Sáng, 12/07/2010
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá