Vinashin, kết quả thí điểm
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến Tập đoàn Vinashin không chỉ vì kết quả kinh doanh. Nhớ lại, ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Kinh tế Vinashin, trên cơ sở tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Trong năm 2006 còn ra đời nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác.
Trước đó, tháng 10-2005, Chính phủ bảo lãnh huy động trái phiếu quốc tế được 750 triệu USD, dành cả cho Vinashin. Theo Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2008, Vinashin giải ngân xong món tiền lớn này, sử dụng cho 219 dự án và chỉ có 56 dự án hoàn thành đồng bộ, còn 163 dự án (75%) dang dở. Cũng từ món tiền lớn, Vinashin cho các đơn vị thành viên vay lại, 100% không trả được khoản lãi 57,2 triệu USD (tính đến ngày 31-12-2008).
Cùng nhiều hỗ trợ vay trong nước, đến nay Vinashin nợ khoảng 90.000 tỷ đồng, khi bất ổn hiện rõ, Tập đoàn này vội dừng loạt dự án. Một chuyên gia kinh tế nhận định, trong ba năm đầu tư hơn 3 tỷ USD vào các dự án và chỉ mấy tháng đã quyết định ngừng vài chục dự án với tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, rút khỏi liên doanh có vốn góp dự tính 1 tỷ USD, cho thấy Vinashin không có khả năng quản lý kinh tế và kỹ thuật.
Trả lời báo Tiền Phong ngày 3-7, TGĐ điều hành Vinashin Trần Quang Vũ nói, công nghiệp tàu thủy là ngành tổng hợp nên “tham vọng tạo ra một ngành công nghiệp tổng hợp”. Vinashin đầu tư hàng loạt dự án từ đóng tàu đến vận tải biển, cảng biển, sản xuất thép, xi măng. Rõ ràng, tập đoàn kinh tế khép kín không còn phù hợp ở thời hội nhập toàn cầu.
Ngày nay một nền kinh tế quốc gia khép kín cũng được ví như một nền kinh tế tự cung tự cấp. Nguyên tắc quản trị tập đoàn, mỗi thành viên tham gia một hay một số công đoạn trong quá trình tạo ra sản phẩm, còn phải sản xuất được loại sản phẩm trong phân khúc thị trường quốc tế để tăng tính chuyên nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng thiết bị máy móc.
Vinashin còn tham gia dự án sản xuất bia, sứ, dịch vụ hàng không, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, nhà đất, nhập khẩu ôtô xe máy, và cả kinh doanh vật tư nông nghiệp, trồng thanh long, khóm…để đa dạng hóa ngành nghề. Cuối năm 2009, con số công ty con và công ty liên kết của Vinashin lên tới 200.
Hậu quả như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn trả lời báo chí ngày 2-7: “Quản lý tài chính, công nợ, dòng tiền… còn hạn chế, yếu kém. Có những việc đầu tư rồi, mua tàu rồi, về đến đây các cơ quan nhà nước mới biết, Bộ GT-VT không biết, Thủ tướng không biết”.
Một chuyên gia kinh tế nói: “Doanh nghiệp phải đi vay bằng uy tín của bản thân không phải bằng uy tín quốc gia. Tự mình đi vay, họ sẽ tính toán, suy nghĩ cẩn trọng hơn và sử dụng hiệu quả hơn”.
GSTS Trần Ngọc Hiên, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của UBMTTQ Việt Nam, phân tích: “Việc thí điểm hình thành Vinashin và một số tập đoàn kinh tế khác có những điểm không tuân thủ đúng quy luật của kinh tế thị trường”.
Nguyên tắc hoạt động doanh nghiệp để ổn định trong cơ chế thị trường là phải được thị trường giám sát. Mọi nhà đầu tư có quyền và có thể giám sát mọi hoạt động của doanh nghiệp, nếu lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định không đúng, nhà đầu tư sẽ phản ứng. Còn giám sát qua cơ quan chủ quản, HĐQT là người nhà với nhau, thực tế cho thấy ít có hiệu quả.
Cho nên, bất ổn của Vinashin có thể là bài học tốt cho quản trị kinh tế quốc gia để có ứng xử đúng quy luật với các doanh nghiệp nói chung.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá