Tính chủ quan trong tác động nhân tạo vào đời sống tự nhiên

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
04:56 CH @ Thứ Sáu - 22 Tháng Năm, 2015

Trước hết, phải khẳng định, nghiên cứu về cải cách là nghiên cứu có tính trừu tượng, về mặt lý thuyết là xây dựng các chương trình cải cách lấy con người làm trung tâm.

Trước đây, hầu hết các chương trình cải cách chủ yếu đặt con người quay xung quanh sự phát triển, tức là lấy phát triển làm trọng tâm. Quan điểm như vậy là hoàn toàn sai lầm. Nó xuất phát từ sai lầm của các chính phủ cho rằng cải cách là công cụ vạn năng, có thể tiến hành đối với tất cả các đối tượng và các mức độ khác nhau để tạo ra sự phát triển mà thực chất chỉ là sự tăng trưởng. Do đó, con người bị uốn nắn theo các chương trình cải cách, trở thành đối tượng bị động của những hoạch định tương lai của chính mình.

Trong thời đại ngày nay, con người trở thành trung tâm của sự phát triển. Sự phát triển bắt nguồn từ con người là sự phát triển bền vững nhất. Do đó, con người là trung tâm của cải cách và cải cách là để phát triển.

Phê phán sai lầm của các chính phủ khi tiến hành cải cách chính là để chỉ ra rằng, không thể không nghiên cứu về tính giới hạn của nhưng tác động có tính chất nhân tạo, tính chất kế hoạch, tính chất chủ động của con người vào đời sống phát triển. Tại sao lại như vậy? Đó là vì cải cách, như đã khẳng định ở phần đầu, là sự điều chỉnh lớn đối với các cấu trúc chính trị, văn hóa của xã hội, do đó thông qua cải cách, các chính sách vĩ mô tiệm cận tiến trình phát triển tự nhiên của đời sống xã hội.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiến hành cải cách thành công và hiệu quả mà không tiềm ẩn rủi ro cho tương lai, cho con người, không tạo ra sự đứt gẫy đối với các cấu trúc của cuộc sống. Chúng tôi cho rằng, nếu tìm đến một giới hạn hợp lý hay độ thấm của các chính sách vĩ mô, thì các cuộc cải cách sẽ dường như hợp lý hơn. Nói cách khác, tính hợp lý, tính khoa học của các cuộc cải cách chính là độ thấm của các chính sánh vĩ mô. Vậy thì độ thấm của các chính sách vĩ mô được đánh giá thế nào là hợp lý? Theo chúng tôi quan niệm thì chính là chúng ta tôn trọng sự phát triển tự nhiên đến mức nào. Nối toàn bộ tiến trình phát triển dựa vào những chính sách của các nhà nước và các chính phủ, dựa vào những chính sách của các định chế và các thể chế không đủ để cấu trúc ra sự phát triển bền vững, mà con người cần phải nhận thức ra các giới hạn hợp lý của phát triển, trong đó lấy mục tiêu là tôn trọng các quy luật tự nhiên, tức là con người, với tư cách là trung tâm của phát triển, có thể chủ động tác động vào các quy luật tự nhiên đến mức nào thì đảm bảo được tính bền vững của phát triển.

Với cách đặt vấn đề như thế, phát triển tự nhiên là tất yếu hay can thiệp là tất yếu? Rõ ràng, sự khác biệt giữa con người với những sinh vật khác là con người có ý thức, do đó sự tác động một cách nhân tạo đến tiến trình phát triển, tức là hoạt động có ý thức, là quan trọng nhất. Nhưng đôi lúc hoạt động có ý thức lại hạn chế con người. Vậy thì, đối với sự phát triển của con người, ý thức quan trọng hơn hay phần sinh học của nó quan trọng hơn? Thực ra chưa ai đặt ra câu hỏi này, ai cũng xem phát triển là một tiến trình tự nhiên mà không xem ý thức là một yếu tố tham gia vào quá trình phát triển của con người. Thậm chí, người ta chỉ mới xem ý thức như là một dấu hiệu để chứng tỏ mình là con người. Càng ngày đối diện với sự xuất hiện của các khái niệm như nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, vấn đề tư tưởng... người ta càng thấy rằng các sản phẩm của ý thức đã tham gia một cách nhộn nhịp hơn vào tiến trình phát triển. Cần phải phân định tỷ lệ -hay vai trò của những yếu tố tự nhiên và những yếu tố sinh học phát triển tự nhiên của con người với sự tham gia của ý thức. Chúng ta không có năng lực để đo đạc một cách chính xác nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dự báo được con người phải nhận ra giới hạn hay nhận ra sự rủi ro mà hoạt động ý thức mang lại. Phải nói rằng, do các hoạt động mang chất lượng ý thức cải tạo thiên nhiên để phát triển mà con người đang phá vỡ sự cân bằng sinh thái và tiêu diệt các nguồn sống của mình.

Kiểu sản xuất như Trung Quốc bây giờ nếu không sớm được thức tỉnh thì đấy là một trong những cách loài người tàn phá tương lai của mình. Nhiệm vụ của con người chính là nhận ra các giới hạn của mình và điều chỉnh các hành động, điều chỉnh các chương trình phát triển cho phù hợp. Liệu chúng ta có tiếp tục duy trì tốc độ phát triển như thế này trong thế kỷ XXI được không? Nếu tiếp tục phát triển bằng cách tăng trưởng 10-15% như thế này, nếu tiếp tục lấy GDP làm mục tiêu thì nhân loại sẽ bị đẩy đến đâu? Chính vì thế, chúng tôi cho rằng về mặt lý luận, cần phải làm cho con người, mà đầu tiên là các thể chế, các nhà nước, nhận ra giới hạn của con người khi tác động vào tiến trình phát triển.

Con người phải nhận ra mình là trung tâm của cải cách và chính sự chín chắn của con người tạo ra tính chừng mực của sự phát triển. Con người thường sai lầm nhiều hơn đúng đắn, do đó, con người phải trả giá cho sự lãng phí các nguồn năng lượng sống nhiều hơn là thu được lợi ích từ việc khai thác các nguồn năng lượng đó. Nếu coi phát triển con người là trung tâm của sự phát triển, thì cải cách chính là khắc phục những rủi ro của sự phát triển hay đảm bảo tính bền vững của các nguồn sống của con người. Chính vì thế, nếu không giáo dục, không bắt đầu từ sự phát triển của con người, phát triểển về ý thức của con người, phát triển về đời sống tinh thần của con người, để làm cân bằng lại những hành vi tiêu cực của ý thức con người, thì con người trở thành trung tâm của sự phá hoại chính mình.

Phát triển con người là cách thức quan trọng nhất và gần như duy nhất để khắc phục rủi ro mà con người tạo ra cho chính mình. Do vậy, cải cách văn hóa và cải cách giáo dục đóng vai trò rất lớn vì chúng lấy con người làm trọng tâm. Tóm lại, mọi cuộc cải cách phải tạo ra sự phát triển nhưng tiêu điểm là giúp con người nhận ra các giới hạn của mình trong từng khía cạnh của đời sống.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, đối với các quốc gia đang phát triển, cải cách dường như là công cụ cơ bản để tạo ra sự phát triển hay để tạo ra năng lực chủ động của sự phát triển. Nhưng chính năng lực chủ động của sự phát triển, chương trình chủ động của sự phát triển cũng tiềm ẩn nhược điểm cơ bản cần tránh nhất của con người, đó là tính chủ quan. Thực tế cũng cho thấy căn bệnh phổ biến của các chương trình chủ động là tính chủ quan, tức là chính con người, khi hoạch định và thực hiện các chương trình phát triển, không nhận ra ranh giới giữa mức độ hợp lý của sự chủ động của mình và sự chủ quan mang tính bản năng của mình. Do đó, con người cần khắc phục tính chủ quan của mình trong cải cách bằng cách nhận thức tính chừng mực hay giới hạn của cải cách. Giới hạn của các cuộc cải cách là đường biên hay đường giao nhau hợp lý giữa sự phát triển tự nhiên của cuộc sống với các chương trình cải cách hay các chương trình chủ động của con người. Rõ ràng, con người phải xác định giới hạn của các cuộc cải cách, phải tuân thủ các quy luật của đời sống phát triển tự nhiên thì mới cải cách được. Nếu đi quá giới hạn đó thì tức là con người lộng hành trong cuộc sống của chính mình và điều này dẫn đến mọi kết cấu của cuộc sống bị phá vỡ. Và đây không còn là cách mạng nữa mà là phá phách. Trong lịch sử nhân loại không chỉ có các cuộc cách mạng mới có ý nghĩa phá phách mà có những cuộc phá phách thuần tuý. Số lượng các cuộc phá phách thuần tuý lớn hơn nhiều so với các cuộc cách mạng, do đó mới có sự biến mất của các nền văn minh. Trong thời đại của chúng ta, với mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, nhân loại đang tiến hành một cuộc phá phách khổng lồ trên phạm vi toàn cầu. Cho nên ranh giới này đóng vai trò hết sức quan trọng, nó đòi hỏi con người phải cảnh giác không chỉ với ranh giới giữa cải cách và cách mạng mà còn giữa cách mạng và sự phá phách. Sự phá phách về môi trường đang là sự phá phách lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nếu như các cuộc cách mạng là kết quả của sự thay đổi toàn diện mang chất lượng chính trị thì sự thay đổi nói chung mang chất lượng nhận thức chứ không đơn thuần là chất lượng chính trị. Sự thay đổi là hiện tượng thể hiện sự mất cân bằng nhận thức, hay là sự mù lòa về nhận thức của con người đối với thân phận của mình và của cộng đồng.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: