Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn
Như chúng ta đều biết, do những điều kiện lịch sử đặc thù, vào khoảng đầu thế kỷ XX, Quảng Nam đã là một trung tâm nóng bỏng của công cuộc tìm đường cứu nước vô cùng quẫn bách và thống thiết sau những thất bại đau đớn của phong trào Cần vương (mà chính Quảng Nam cũng là một trong những trung tâm quan trọng nhất).
Phan Châu Trinh lớn lên và bước vào cuộc đời hoạt động trong chính tình hình đó. Ông ra Huế năm 1902, nhận làm một chức danh quan nhỏ trong bộ Lễ. Chắc chắn ông không hề có ý đeo đuổi con đường hoạn lô. Ông ra Huế là muốn đến đúng giữa trung tâm văn hoá chính trị quan trọng nhất của đất nước hồi bấy giờ, nơi cũng đang có mặt những bậc đại trí của dân tộc, trong đó có cả nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu. Chính ở Huế, cùng các bạn đồng chí, ông đã được tiếp xúc với các “tân thư”. Và trong các bậc đại trí được tiếp xúc với các tân thư thời bấy giờ, ông là người bị lay chuyển dữ dội nhất, sâu sắc nhất, đi đến quyết tâm thay đổi cơ bản và sắt đá nhất, đi đến một đường lối cứu nước mới mẻ triệt để và nhất quán nhất.
Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nói về chuyển biến tư tưởng có ý nghĩa quyết định đó của Phan Châu Trinh như sau:
“Sau khi phong trào Cần vương bị đàn áp ta rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhước điểm cơ bản về văn hoá xã hội Việt Nam, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa của sự thua kém về văn hoá xã hội của xã hội ta so với phương Tây đã đưa đến mất nước, bị đô hộ ngày càng khốc liệt...”. Phân tích này của Hoàng Xuân Hãn là hết sức quan trọng. Khác với tất cả các bậc thức giả, các nhà yêu nước lớn đương thời, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và tìm thấy nguyên nhân sâu xa “đã đưa đến mất nước và bị đô hộ ngày càng khốc liệt” không phải ở đâu khác mà là chính ở trong văn hoá, ở “những nhược điểm cơ bản về văn hoá xã hội của xã hội ta so với phương Tây”. Đây là một chuyển biến có ý nghĩa cách mạng trong phương hướng tìm đường cứu nước – mà trước hết và quan trọng nhất là tìm đúng nguyên nhân mất nước và thất bại đau đớn của tất cả các phong trào cứu nước trước đó mặc dầu vô cùng anh dũng, lẫm liệt – một nhận thức có tính cách mạng và hết sức cơ bản không chỉ về con đường cứu nước, mà về lâu dài, cả về con đường phát triển của dân tộc.
Phan Châu Trinh (1872-1926) Ông là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn. Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo ngày hôm nay... |
Phan Châu Trinh cho rằng sở dĩ chúng ta thua Pháp, mất nước, là vì chúng ta thua họ một thời đại.
Suốt mấy nghìn năm lịch sử trước đó, trong tất cả các cuộc chống xâm lược của Trung Hoa, rất nhiều lần chúng ta đã phải ở trong những tình thế chênh lệch lực lượng rất hiểm nghèo mà bất lợi luôn nghiêng về phía ta. Song dẫu có chênh lệch đến mấy về lực lượng, thì giữa chúng ta và họ vẫn là đồng đại. Đấy đều là những cuộc xâm lược và chống xâm lược trong nội bộ của chế độ phong kiến phương Đông. Lần này khác hẳn; chúng ta đối đầu với những lực lượng cao hơn hẳn chúng ta cả một thời đại. Sự thất bại là tất yếu.
Trước đó, Phạm Phú Thứ là một trong những người đầu tiên đã manh nha nhận ra, việc chúng ta lạc hậu quá xa so với đối phương về khoa học kỹ thuật. Nhưng sự so sánh của Phan Châu Trinh được đặt ở một tầm mức cao rộng hơn nhiều. Ông nhận ra sự lạc hậu về văn hoá cả một thời đại của chúng ta so với đối phương. Ông hiểu rằng đối mặt với phương Tây là chúng ta đối mặt với cả một thời đại khác về văn hoá, mới mẻ và tân tiến. Muốn cứu nước, phải khăc phục chính cái khoảng cách về thời đại đó, phải tự thay đổi dân tộc mình, đưa dân tộc vượt lên hẳn một thời đại mới, để từ đó, trong cuộc đối đầu, đọ sức với họ, giữa ta với họ là những đối thủ bình đẳng, ngang bằng nhau về thời đại. Đây là một bước tiến vĩ đại, một cuộc cách mạng trong tư duy. Về ý nghĩa, nó đưa công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính thức bước sang thời kỳ hiện đại. Nó chủ trương tạo nên một cơ sở văn hoá xã hội mới có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Là người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã nêu ba nội dung cơ bản của phong trào duy tân: Dân trí, Dân khí, và Dân sinh. Ba nội dung đó gắn liền với nhau, nhưng như ta có thể thấy ngay trong cách sắp xếp vấn đề, chìa khoá là dân trí. Ông cho dân trí là quyết định hàng đầu: “Làm thế nào tạo được một số đồng chí (để rồi từ đó tạo được trong toàn dân, điều mà quả thực ông đã làm được một cách tuyệt vời) dám có cái nhìn đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đảo lộn đặc quyền đảo lộn phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán vào một thời xã hội còn tối ngòm ngòm”.
Tức chìa khoá của ông là “khai dân trí” (mở mang dân trí) ông là người có niềm tin khổng lồ vào tri thức của con người, con người có tri thức mới thì sẽ có thể làm nên tất cả, có thể lay trời chuyển đất.
Trong chỗ này có một điều cần chú ý: Phan Bội Châu cũng đã nói đến vấn đề dân trí. Trong Lưu cầu huyết lệ tân thư, ông đề ra “những kế hoạch sẽ cấp cứu đồ tồn” là:
- Mở trí khôn cho dân (khai dân trí)
- Nhức khối khí dân (chân dân khí)
- Vun trồng nhân tài (thực nhân tài)
Nhưng sự khác nhau lớn giữa hai vị họ Phan là về vai trò của nhân dân. Đúng như Nguyễn Văn Xuân nhận định: “Chính từ chủ trương nhân dân tham gia việc nước mà Phan Châu Trinh luôn luôn không gặp và phản đối chủ trương của Phan Bội Châu”.
Vậy quan niệm “con người có tri thức mới” trước đây đối với Phan Châu Trinh phải là nhân dân, toàn dân có tri thức mới (chứ không phải một số ít nhân tài, đương nhiên không hề coi thường vai trò của nhân tài).
Và “tri thức mới” đó trong quan niệm của ông là gì? Ông khẳng định rất quyết liệt: đó là hiểu biết về Dân quyền (ngày nay ta gọi là dân chủ), người dân biết rằng mình có quyền, biết rõ các quyền của mình trong xã hội, trong cuộc sống, trên đất nước, trước thế giới. Theo cách nói ngày nay, có thể ông cho rằng điều cơ bản để tạo nên sức mạnh lay trời chuyển đất là dân chủ về thông tin (“Dân biết”), trao thông tin về những quyền của nhân dân cho chính nhân dân. Ông coi đó là nền tảng cơ bản, là cơ sở của độc lập tự chủ, của vận mệnh đất nước, của tiến bộ xã hội, của hạnh phúc nhân dân, là nội dung và ý nghĩa chủ yếu của độc lập dân tộc, và cũng là sức mạnh vô địch để khôi phục và giữ vững nền độc lập. Thậm chí ông còn cho rằng nếu có thoát khỏi tay ngoại bang, giành được độc lập, mà không có dân quyền, không có dân chủ, dân trí thấp, người dân không giác ngộ về quyền dân chủ của mình và sử dụng có hiệu quả quyền đó để làm chủ đất nước, xã hội, thì cũng là vô nghĩa, nhân dân không thể có hạnh phúc, đất nước không thể phát triển, và như vậy nền độc lập dân tộc cũng không thể vững chắc.
Phong trào Duy tân thực chất là một cuộc vận động cách mạng cơ bản và sâu sắc như ta đã thấy, lại chủ yếu là một cuộc vận động cải cách giáo dục rộng lớn và thật lạ kỳ về nhiều mặt.
Kỳ lạ: - Cuộc cách mạng giáo dục đó được tiến hành ngay dưới một chế độ thực dân hết sức tàn bạo, khắc nhiệt, giữ được thế hợp pháp của nó một cách tuyệt vời.
Khác với Đông Kinh nghĩa thục chủ yếu tập trung vào “giới tinh hoa” (élite) của xã hội, cuộc vận động giáo dục mới ở Quảng Nam, và sau đó lan ra khắp Trung Kỳ, ảnh hưởng lớn đến cả nước, chủ yếu nhằm vào một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng, với tư tưởng cơ bản là thực học, đối với chúng ta ngày nay dường như bỗng trở lên thời sự một cách lạ thường, khi nền giáo dục của chúng ta đang lâm vào sự xuống cấp toàn diện và nặng nề. Nếu chúng ta đủ dũng cảm và trung thực để nhìn nhận nền giáo dục của chúng ta hiện nay thì phải nhận rằng một trong những căn bệnh trầm kha nhất của nó, gây nên sự xuống cấp của chính nó và ảnh hưởng không nhỏ đến sự xuống cấp trong xã hội – bệnh học giả dạy giả, chạy theo hư danh – cũng chính là căn bệnh mà Phan Châu Trinh đã quyết liệt đả kích và kiên quyết cải tạo, và đã cải tạo thành công, trong phong trào duy tân vĩ đại của ông tạo một sức mạnh xã hội to lớn đến không ngờ.
Phan Châu Trinh đã bắt đầu bằng thực học để tạo nên sức mạnh của xã hội và quốc gia, để xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được thật sự nâng cao.
Phải chăng bài học cơ bản ấy, cả con đường đi cụ thể ấy – con đường bắt đầu bằng một cuộc đột phá cách mạng về giáo dục, rất có thể có ý nghĩa thật sự thiết thực đối với chúng ta hôm nay.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900