Quan niệm giáo dục “Tự Tân” của Phan Bội Châu
Mấy nghìn năm thói quen tụchủ,
Giày tan tành mà mủ lại thối hoăng.
Nào họcthuật, nào văn chương,
Nào tư tưởng, tinh thầnđều cũ rích.
Áo vá mãi còn gì mà chẳng rách,
Nhà dột lâu, tường vách có còn đâu!
Sáu câu thơ trên đây là của cụ Phan Bội Châu trong tập Lời gia huấn, trích từ bài nhan đề là "Tự Tân", nói lên những nhận xét của cụ về nền văn hóa, giáo dục Việt Nam vào đầu thế kỷ trước.
Cụ Phan là một trong các nhà giáo dục cách mạng vĩ đại nhất của Việt Nam, đã từng sống hầu hết cuộc đời cho công cuộc canh tân đất nước tại hải ngoại để rồi trở về sống âm thầm trên đất mẹ. Nhắc nhở đến sự nghiệp chính trị của cụ, ta thấy cụ chẳng thành công như ước nguyện trong nguyện trong nỗ lực thay đổi cục diện quốc gia, như chính cụ đã tự kiểm điểm trong Lời tự phán:
Than ôi! Lịch sử tôi mà có gì. Chỉ là một bộ lịch sử hoàn toàn thất bại!
Nhưng những từ tưởng và hoạt động giáo dục của cụ ai suy ngẫm về các vấn đề canh tân văn hóa giáo dục, canh tân xã hội.
Sau bao nhiêu năm bôn ba hải ngoại, mong tìm đường cứu nước nhưng thất bại, cụ Phan Bội Châu nhận thức được rằng căn bản của vấn đề cứu nước, dựng nước phát triển đất nước chính là vấn đề giáo dục con người. Vì vậy, trong suốt thời gian bị an trí ở Bến Ngự, Huế, từ cuối năm 1925, cụ cố gắng đem hết tâm huyết về mục đích của sự học (tại các trường Quốc học và Đồng Khánh), viết sách làm thơ để răn dạy con cháu (Lời gia huấn), để giáo dục quốc dân (Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri trong tập Giác quần thư) và nêu lên quan niệm rất mới, rất sáng tạo, rất tiến bộ của cụ về giáo dục theo tinh thần Khổng giáo (Khổng học đăng). Tư tưởng giáo dục của cụ Phan mà ta có thể rút ra từ các tác phẩm này rất phong phú, có thể là đề tài cho những công trình nghiên cứu giáo dục Việt Nam về sau này.
Trong bài này, người viết chỉ tập trung tìm hiểu khái niệm Tự Tân của cụ, một khái niệm giáo dục của cụ vào thời ấy, nhưng lại rất hiện đại đối với nền giáo dục nước ta và cường điệu, vì các nhà giáo dục trên thế giới chỉ mới làm quen với khái niệm này trong thập niên 1960, sau khi John Gardner đưa ra khái niệm Self-Renewal (Tự đổi mới) của ông trong một cuốn sách nổi tiếng mang tên ấy vào năm 1963. Đối chiếu hai khái niệm Tự Tân của Phan Bội Châu với Self-Renewal của Gardner có lẽ không phải là việc làm thích hợp, vì John Gardner chắc chắn không hề đọc một chỗ nào của Phan Bội Châu, cũng như cụ Phan không thể biết đến những kẻ sinh sau đẻ muộn. Nhưng có điều kỳ lạ là cả hai khái niệm đều phát xuất từ nhu cầu đổi mới bản thân của mỗi con người như là yếu tố căn bản cần thiết cho sự đổi mới xã hội. Cả hai đều nẩy sinh từ sự nhận thức rằng phong trào giải phóng cá nhân ra khỏi những ràng buộc xã hội của thế kỷ XIX dần dần tàn lụi, cũng như lý tưởng tôn thờ cá nhân càng ngày lại thấy phải đi kèm với ý thức trách nhiệm. Do đó, cái quan niệm giáo dục nhằm phát huy tự do cá nhân hơn là giúp cho cá nhân thích ứng với xã hội không còn hấp dẫn đối với các nhà giáo dục trên thế giới, kể cả các cường quốc siêu kỹ nghệ ngày nay.
Quan niệm Tự Tân của cụ Phan nẩy sinh từ một xã hội còn bị nô lệ, và chính bản thân cụ cũng bị tước đi thứ tự do mà Trời ban cho mọi sinh vật:
Cá trong bể rộng mặc sức vẫy vùng,
Chim trên trời cao thahồ bay liệng.
Đạo trời đặt định mìnhđược tự do...
(Nghĩa hai chữ Tự Do - Giác quần thư)
Nhưng điều khiến cụ đau lòng là, thay vì được hưởng thứ tự do ấy, cụ đã phải chứng kiến vào thời bấy giờ thứ tự do mà cụ gọi là "đạo tặc"(l)
Xưa nay thần thánh quý trọng tựdo,
Há như aiđâu, ăn càn, nói loạn,
Chânhươu tay vượn, miệng khướu mắt đồi,
Lêu lổng, rông dài, toàn không đạo đức,
Đó là đạo tặc, há phải tự do
Haiđường khác nhau, ai ơi xin xét.
(Giác Quần Thư)
Qua bài "Nghĩa hai chữ tự do" trích dẫn trên đây, ta thấy cụ Phan quan niệm tự do như một trạng thái thiên nhiên, như ánh sáng mặt trời, như không khí ta thở, mà người và vạn vật đều có quyền được hưởng và những gì ngăn chặn sự thụ hưởng, ấy là độc đoán, giả tạo và nghịch lại, sự nghiêm khắc lên án thứ tự do vô trách nhiệm, vô đạo đức, bị thúc đẩy và khuyến khích bởi lợi danh, quyền thế và những dục vọng ích kỷ, thấp hèn.
Với quan niệm tự do như vậy, ta thấy cụ gần gũi với Tôn Dật Tiên hơn là với John Gardner, như đoạn trích dẫn bài viết của Tôn Dật Tiên về cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa như sau:
…Tại sao Trung Hoa đang trải qua một cuộc cách mạng? Nói thẳng ra mục tiêu của cuộc cách mạng của chúng ta trái ngược hẳn với mục tiêu các cuộc cách mạng Âu châu. Người Âu châu đã nổi dậy và tranh đấu cho tự do bởi vì họ có quá ít tự do. Nhưng chúng ta thì lại có quá nhiều tự do mà không có tinh thần liên đới, không có khả năng đề kháng, cho nên chúng ta mới trở thành những bãi cát lỏng lẻo, cho nên chúng ta mới bị xâm lăng bởi chủ nghĩa đế quốc ngoại lai và phải chịu áp lực cua sự kiểm soát kinh tế và những cuộc thương chiến của các cường quốc. Để có thể có khả năng chống cự mạnh mẽ, chúng ta phải đập tan tự do cá nhân, kết hợp lại thành một khối vững chắc như tảng đá cứng tạo thành bằng xi măng trộn lẫn với cát…
Để hiểu rõ hơn quan niệm tự do và Tự Tân của cụ Phan Bội Châu, ta cần phân tích kỹ nguyên văn bài "Nghĩa hai chữ tự do" (trong Giác quần thư) và "Bài hát chữ Tự Tân" (trong Lời gia huấn) của cụ Phan Bội Châu. Bài “Nghĩa hai chữ Tự Do" đã được người viết chép toàn văn trong sách Suy nghĩ về Văn hóa Giáo dục VN (tập 01, NXB Trẻ). Phần dưới đây là nguyên văn bài "Tự Tân", tiếp theo là lời phân tích của người viết.
1. Thế nào là con người Tự Tân?
Bài hát chữ Tự Tân
Cơ tạo hóa xoay vần cùng tắc biến,
Nghĩa tùy thời thiên chuyển cũng là thường,
Cuộc Á, Âu trông đó làm gương,
Người mới mới sao ta đương cũ cũ.
Mấy nghìn năm thói quen tục hủ,
Giày tan tành mà mủ lại thối hoẵng.
Nào học thuật, nào văn chương,
Nào tư tưởng tinh thần đều cũ rích.
Áo vá mãi còn gì mà chẳng rách,
Nhà dột lâu tường vách có còn đâu?
Nếu ta giữ lấy bo bo,
Hình bùn, tượng gỗ có đâu thánh thần.
Nào hôn, nào tang lễ, tế văn,
Bao tiền của biết bao thờ tục hủ.
Nào rọng lợn, đầu bò, nào tấm lòng tróc hổ
Khắp năm châu không tất một mình trơ.
Nếu tổ tiên còn sống đến bây giờ,
Hẳn quẹt mắt lắc đầu vì chúng nó.
Phòng người bệnh bịt bùng không khí cổ,
Nếu chẳng thấy e hòm vỏ phải mau mau.
Nghiệp trăm năm lo mạnh lo giàu,
Phải theo thế lựa chiều mà đổi mới.
Hình thức nếu hữu hình thời hữu hoại,
Có lẽ đâu hủy hoại đến tinh thần.
Chữ rằng cẩu nhật tân, hựu nhật tân,
Đường lối mới phải lần lần tiến bộ.
Sóng bạc mây vàng chen sắc đỏ,
Mưa Âu, gió Mỹ chân trời Nam.
Mới gì hay càng mới càng làm,
Dù núi đổ sông trào ta chẳng quản.
Nhưng mới có hai đường khác hẳn,
Vỏ da cùng lòng ruột khác nhau.
Vỏ da ta có kể gì đâu,
Lòng ruột phải dồi trau cho mới mẻ.
Hô một tiếng "Tự Tân" vạn tuế,
Đoàn già trông lũ bé có ngần này.
Đỉnh tân, cách cố ai hay!
(Bài hát chữ Tự Tân - Lời gia huấn)
Tóm lại, theo cụ Phan trong bài thơ trên đây, con người Tự Tân là "tự giải thoát khỏi những thói quen tục hủ, những tư tưởng và tinh thần cũ rích, và mặt khác, chú trọng đến sự canh tân tinh thần hơn là tự trói mình với sự ham chuộng hình thức". Rồi cụ kết luận bằng một lời than vãn: Mấy ai biết được thế nào là “đỉnh tân cách cố” (Theo cái mới, thay đổi cái cũ). Vì vậy, ta cần tìm hiểu rõ hơn nữa quan niệm của cụ Phan về vấn đề này, qua các tác phẩm khác của cụ.
2- Đỉnh tân cách cố
Như cụ Phan đã viết trong bài Tự Tân trên, con người Tự Tân là con người dứt khoát bỏ không chút do dự những "thói quen tục hủ” để rồi:
Mới gì hay, càng mới càng làm,
Dù núiđổ sông trào ta chẳng quản.
Thế nhưng thái độ "dứt khoát" của cụ Phan không giống như Hoàng Đạo, một nhà văn thuộc lớp sau nhưng sống đồng thời với cụ, dám ngang nhiên chống lại phái Trung dung thịnh hành và có quyền thế đang cố gắng, nhưng không biết làm thế nào, dung hòa văn hóa cũ và văn hóa mới. Đối với Hoàng Đạo, không có vấn đề dung hòa hay chọn lọc, vì dung hòa hay chọn lọc chỉ đưa đến thái độ “do dự, rụt rè", không biết lấy tôn chỉ gì mà giữ hay tước bỏ. Chỉ có một con đường duy nhất là con đường Âu hóa dứt khoát và rõ rệt:
Không sợ lời dị nghị, cần phải quả quyết Âu hoá một cách mạnh bạo ngay từ bây giờ.
(HoàngĐạo - Mười điều tâm niệm)
Với Phan Bội Châu thì không phải như vậy. Cái học cũ và cái học mới không phải như "hai dòng nước chảy trên trái núi xuống, nhưng một dòng chảy về phía đông, dòng chảy về phía tây" như Hoàng Đạo đã viết. Theo cụ cả hai cái học cũ và mới "tương thành cùng nhau mà quyết không tương phản", như cụ đã nói rất rõ trong bài "Phàm lệ" của cuốn Khổng học đăng (sẽ chép toàn bài ở phần cuối bài viết này):
…Học cũ không phải là trần hủ, mà học mời vẫn không phải phù hoa.
Nếu học cho đến tinh thần thời ví như làm nhà học cũ là nền tàng, mà học mới tức là tài liệu, hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết sách này là muốn điều hòa học cũ và mới, hai bên tương thành cùng nhau, mà quyết không tương phản.
…Tác giả nói học cũ là nói chân triết lý của Á châu từ thuở xưa, nói học mới là c hỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.
Xem như vậy, đối với con người Tự Tân của Phan Bội Châu, không có sự chối bỏ quá khứ mà chấp nhận có sự tiếp nối và thay đổi. Con người Tự Tân không nô lệ tự hỏi mình với những tư tưởng và giá trị cổ xưa, bởi vì những giá trị ấy đã có sinh thì có diệt, đã có diệt, thì phải có sự tái sinh với ý nghĩa mới và sức sống manh liệt hơn. Muốn bảo tồn những giá trị cũ chỉ có cách là hồi sinh và đổi mới, như John Campbell đã viết:
…Chỉ có sinh mới chính phục được tử ... Trong tâm hồn và thể xác chúng ta, nếu chúng ta muốn được hưởng sự tồn tại lâu dài, phải có sự hồi sinh liên tục để vô hiệu hóa sự tái diễn không ngừng của cái chết.
Con người Tự Tân Phan Bội Châu không coi tư tưởng của thánh nhân là bất khả xâm phạm, là tồn tại nguyên vẹn đời đời, cho dù thánh nhân ấy là Khổng Tử:
Giang san tử hy sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Dịch nghĩa:
Sông núi mất rồi, ham gì sống thừa,
Thánh hiền vắng vẻ, đọc chi sánh nát
( Phan Bội Châu )
3. Bệnh hình thức
Một thứ xiềng xích thứ hai nữa mà con người Tự Tân phái phá vỡ, vì nó là nguyên nhân hủy diệt mọi cố gắng canh tân, mọi khả năng phát triển và sáng tạo của con người, đó là lòng ham chuộng hình thức mà coi nhẹ giá trị tinh thần.
Cái bệnh hình thức xưa kia đã khiến cho một số tiền nhân chúng ta chỉ biết “cân đai áo mũ làm chức phận, đương nhiên lấy thu gà đầu heo làm năng sự tất hỉ". Ngày nay cũng cái bệnh hình thức đã chôn vùi bao nhiêu tài năng sáng tạo để theo đuổi danh vọng quyền thế. Sự hủy hoại tinh thần do căn bệnh hình thức không phải chỉ diễn ra ở cá nhân mà có thể cả ở các định chế, các tổ chức giáo dục, xã hội, kinh tế, tôn giáo. Các định chế ấy bao giờ cũng khởi sự được thiết lập do lòng nhiệt thành và lý tưởng cao cả. Nhưng một khi định chế phát triển, những cơ sở và phương tiện vật chất càng ngày càng lớn lao thì đồng thời đức tin cũng dần dần bị suy giảm. Câu nói của vị Giám mục người Anh John Jewel:
"Ngày xưa kia, chúng ta có những bình rượu lễ bằng gỗ và những vị tu sĩ bằng vàng, ngày nay ta có những bình rượu lễ bằng vàng với những tu sĩ bằng gỗ" hay một câu nói khác cũng của vị Giám mục ấy: "Chúng ta xây nhà thờ, nhưng đồng thời cũng diệt luôn đức tin", quả vẫn còn đúng với thời hiện đại.
Cụ Phan Bội Châu cũng đã bày tỏ mối hoài nghi tương tự như thế trong bài hát Tự Tân:
Hình thức nếu hữu hình thời hữu hoại,
Có lẽ đâu hủ bại đến tinh thần.
Do đó, theo cụ, Tự Tân không phải là sự thay đổi hình thức mà là sự canh tân tâm hồn:
Vỏ da ta có kể gì đâu,
Lòng ruột phải trau dồi cho mới mẻ.
Cụ đã lên án mạnh mẽ cái bệnh hình thức trong nền giáo dục mới thời bấy giờ trong bài diễn thuyết tại trường Quốc Học Huế ngày 17/3/1926 như sau:
...Tới lúc bây giờ hình thức học đường tuy là khác học đường khoa cứ ngày xưa vẫn nhiều, da vỏ bề ngoài hình như vừa mắt, nhưng xét đến tinh thần cốt tủy có khác gì vượn học tiếng người. Đạo đức cũ đã sạch sành sanh, và văn hóa mới chẳng có chút gì dây vướng ở học đường, ra rồi chưa có thành tựu gì, mà chỉ thấy cái bình rượu Tây, túi cơm Tây, giá đồ Tây, ngồi xe Tây, ngày ngày rộn rực trước mắt người ta. Tuy cũng có vài người phảng phất văn minh, nhưng mà cầu cho cái tinh thần chân văn minh thì giống như muôn người không được một.
Cái sai lầm lớn lao của giáo dục vào thời bấy giờ mà cụ Phan đã nêu lên cũng trong bài diễn thuyết ấy, chính là ở mục đích của người học, nội dung việc đào tạo và sự vận dụng kiến thức của người học sau khi tốt nghiệp. Về mục đích của sự học, cụ viết:
Khi mới cắp sách đi học thì mục đích sở tại đã chí dụng vinh thê ấm tử, ấm áo no cơm, vậy nên lưu độc, lưu độc vô cùng, đến nỗi gia đình trụy lạc, xã hội hôn ám, thành ra cái thảm hoạ, nhà không nhà, nước không nước, suy cho đến lẽ thì chỉ vì mục đích người ta vào học đã lầm lỗi quá nhiều, mới nên ra nông nỗi thế...
Về nội dung đào tạo, cụ viết:
…Gọi rằng giáo dục chẳng qua là một đường khoa cử văn từ đó thôi. Không có thương học nên công nghiệp hỏng, không có nông học nên nhân dân không biết đường khai khẩn, không có pháp luật nên nhân dân không biết giữ lấy quyền lợi, đến nỗi vì ngu nên yếu, vì nhác nên nghèo, đã yếu lại nghèo, nước mới không nên nước...
Về sự vận đụng kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sao cho ích nước lợi dân thì cụ có lời khẩn cầu thống thiết:
…Lại có một lời rất thống thiết xin ngỏ cùng anh em: những sự phí dụng của các anh em khi ở nhà học, cho đến tiền bổng cấp khi các anh em đã ra làm việc rồi, một sợi tơ, một hột gạo đều là giọt máu mồ hôi của dân ta, ngày đêm ép nặn cho say no cái bụng sở cầu của anh em. Đến khi kết quả, gọi rằng y học sinh mà có bổ ích được chút gì cho vệ sinh nhân dân, gọi rằng công nghệ học sinh, thương mãi học sinh mà có được một tí gì hay cho đường thực nghiệp của nhân dân, gọi rằng nông lâm học sinh mà đến các sự khai hóa địa lợi thì cũng chẳng thấy một mảy gì là thành công.
Thế thì các anh chí khổ lòng cho cha mẹ bà con các anh tuôn đổ từng giọt máu, giọt mồ hôi, mà các anh chỉ thành ra những cái bầu rượu Tây, cái túi cơm Tây, cái giá áo Tây, thế thì cái tuồng nô lệ có một ngày kia chưa rõ kết cuộc ra thế nào! Dân nước ta tuy ngu nhưng không lẽ nín được mãi...
4. Những con người khó Tự Tân
Tuy vào cuối cuộc đời, cụ Phan đã viết khá nhiều sách, làm nhiều bài thơ về giáo dục gia đình, giáo dục quần chúng, nhất là giáo dục tầng lớp tri thức thời bấy giờ, cụ cũng biết rõ rằng sự nghiệp đổi mới con người, đổi mới xã hội là một vấn đề hết sức khó khăn. Nhưng cụ vẫn tin tưởng vào vấn đề Tự Tân và trông cậy vào giới trẻ:
Hô một tiếng Tự Tân vạn tuế,
Đoàn giả trông lũ bé có ngần này!
Thế nhưng, đối với cụ, ở vào thời đại nào cũng vậy, có bảy hạng người khó có thể Tự Tân được. Đó là:
1. Những kẻ "không để lòng vào nhân đạo", tức là những người tự cho mình là đúng, không chịu tu sửa thân mình theo đạo lý làm người (tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân).
2. Những kẻ đã "mất hết nhân tâm".
3. Những kẻ có sẵn thành kiến, không hiểu được "chân triết lý Á Đông thuở xưa" nên cho lối học cũ là cổ hú, không biết thấu đáo "khoa học tối tân có ích cho nhân sinh" nên cho lối học mới là phù phiếm.
4. “Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt"
5. "Hạng người muốn loè loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc"
6. "Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chửng tộc làm mồi vinh thân".
7. Hạng người không có chí khí, không có suy nghĩ độc lập, chỉ muốn làm "nô lệ cho người đời xưa" hay "nô lệ cho người đời nay".
Đó là bảy hạng người không những khó có thể tự tân được mà còn có thể ngăn chặn sự đổi mới xã hội và sự phát triển đất nước. Do cũng là những hạng người mà cụ Phan khuyên không nên đọc các tác phẩm của cụ, như chính cụ đã viết trong lời nói đầu của cuốn sách Khổng học đăng, mà toàn bản văn được chép lại dưới đây để độc giả tham khảo.
Khổng học đăng phàm lệ
1. Mục đích của người làm bản sách này là cốt phù trì nhân đạo, nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc.
2. Lại cốt phát huy chân lý để duy trì nhân tâm, bởi vì nhân tâm còn xấu thời thế đạo chẳng bao giờ tốt. Vậy nên ai đã mất hết nhân tâm thời chắc không muốn đọc bản sách này, mà tác giả cũng xin chớ đọc.
3. Tác giả lại muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho đến tinh thần thời ví như làm nhà học cũ là nền tảng, mà học mời tức là tài liệu, hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà, và cần thứ nhất là không bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách này là muốn điều hòa học cũ với học mới, hai bên tương thành cùng nhau, mà quyết không tương phản. Nếu ai chưa để mắt vào bản sách này mà trước đã có những ý kiến sẵn: hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới, hễ có ý ấy thời xin chớ đọc.
4. Tác giả nói học cũ là nói chân triết lý của á châu từ thuở xưa, nói học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.
Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu! Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hót gạt mề đay kim khánh đâu! Vậy nên tác giả xin trước với ba hạng người:
a/ Hạng người chỉ biết tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng,
b/ Hạng người muốn loè loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc,
c/ Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân
Ba hạng người ấy, tác giả xin chớ đọc đến quyển sách này, mà tác giả cũng chắc trước rằng họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái giá trị rất cao, là muông chim, là lục súc, là ma quỷ, yêu tinh, thời bản sách này nói nhân đạo họ đọc làm gì?
Hễ ai đọc bản sách này, trước phải tập định một cái chí khí tự nhiên rằng "Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Ba Lạp Đồ (Plato), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant) chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý y như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiển, ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi”. Có khi ấy thời đọc quyển sách này mới thích.
Nếu ai chưa đọc quyển sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc.
Huế, mùa xuân Kỷ tỵ (1929)
Sào Nam Phan Bội Châu
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn