Cụ Phan Bội Châu đóng phim ở Huế năm 1926

06:32 CH @ Thứ Sáu - 12 Tháng Giêng, 2018

Ngày 6-1-1926, tại nhà thị lang bộ Binh, Huế (nay là Đài truyền thanh Huế, ở góc đường Mai Thúc Loan - Đinh Tiên Hoàng) cụ Phan Bội Châu đã đóng phim.

Nhan đề phim: Phan Bội Châu

Xưởng phim: Asia Film

Chủ nhân: Hương Ký Photo - Hà Nội.

Nội dung phim: Cuộc đời của nhà sĩ phu yêu nước qua ba thời kỳ:

- Thời kỳ hoạt động trong nước trước 1905.

- Thời kỳ hoạt động ở ngoài nước 1905-1925.

- Thời kỳ bị bắt đưa về nước.


Diễn viên chính: Phan Bội Châu

Diễn viên phụ: trên 30 người đóng vai sinh đồ..

Đó là những chi tiết chính về phim Phan Bội Châu. Chúng ta biết được nhờ một tin đăng trên tờ Trung Bắc tân văn ngày 14-1-1926.

Cuốn phim hiện nay ở đâu? Trong hoàn cảnh chiến tranh đã qua và với điều kiện bảo quản phim ảnh cũ hiện nay, ta ít có hy vọng tìm được. Chúng tôi đã thử tìm ở viện Thông tin Khoa học xã hội (Hà Nội) nhưng không thấy có. May ra, có thể tìm thấy ở Pháp, vì năm 1954 Pháp đã chuyển một số tư liệu quý của ta về Pháp. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể dựa vào các tin tức, các mục quảng cáo trên báo hằng ngày để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời, nội dung cuốn phim và mưu đồ của người dựng phim cùng chính quyền thực dân hồi bấy giờ.

Cụ Phan bị Pháp bắt cóc ở ga Bắc Trạm, Thượng Hải vào tháng 6-1925 và đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội dưới tên là Trần Văn Đức. Dù vậy, nhân dân vẫn hay tin cụ Phan bị bắt và một luồng dư luận mạnh mẽ lên án hành động hèn mạt và vi phạm quốc tế công pháp của thực dân, đòi trả tự do cho cụ Phan nổi lên khắp trong và ngoài nước. Bất đắc dĩ, thực dân phải đưa cụ ra Hội đồng Đề hình xét xử và kết án khổ sai chung thân nhà chí sĩ yêu nước.

Thực dân đã tính nhầm. Trước tòa, cụ Phan đã dõng dạc lên án thực dân Pháp, hùng hồn bác bỏ mọi luận cứ buộc tội cụ. “Tôi có cái lưỡi, cái bút không được dùng cho nên tôi phải bỏ nước mà đi… Tôi không biết chống Pháp là phạm tội tử hình ư? Nhưng có quan hệ gì cái chết!...” Tòa án xử cụ Phan trước dư luận, trở thành tòa án buộc tội thực dân Pháp. Các bài tường thuật vụ xử án được đăng trên các tờ Thực nghiệp dân báo, Đông pháp thời báo như là những cuốn phim sống động làm xúc động mọi người. Các tờ báo tay sai của thực dân, trước đòi hỏi của độc giả, cũng đã phải đăng lại các bài tường thuật trên. Lần đầu tiên người dân bị áp bức lên tiếng công khai thừa nhận cụ Phan là nhà ái quốc, nhà đại ái quốc.., và yêu cầu thực dân Pháp trả tự do cho cụ.


Va-ren, tên toàn quyền Đông Dương buộc lòng phải trả tự do cho cụ Phan nhưng một chuỗi âm mưu nhằm hạ uy tín cụ Phan đã được sắp đặt, tính toán.

Trước hết, chúng buộc cụ phải về Huế ngay sau đó và sắp xếp cho cụ ở nhà Nguyễn Bá Trác (25-12-1925). Trác vốn là một học sinh Đông Du về đầu hàng Pháp và nay làm đến Thị lang bộ Binh (1). Ở trong nhà một tên phản bội, cụ Phan tránh sao khỏi bị nghi ngờ, dị nghị của đồng bào. Trác lại ngăn cản đồng bào yêu nước thăm viếng cụ Phan. Lợi dụng lúc cụ Phan còn bàng hoàng xúc động, ngay trong ngày đầu tiên ở Huế, Nguyễn Bá Trác đã xui xử cụ làm những việc có hại cho uy tín cụ: tờ “Thông cáo toàn quốc” và cuốn phim Phan Bội Châu!

Tờ Trung Bắc tân văn đăng tin:

Hôm 6/1 mới rồi, một nhà chụp ảnh ở Hà thành có đến nơi công thự của quan Binh bộ thị lang Nguyễn Bá Trác là nơi tạm trú của ông Phan Bội Châu, xin làm phim chớp ảnh, được ông Phan bằng lòng cho làm”.


Tính ra mới hơn mười ngày về đến Huế. Chắc chắn việc quay phim đã được Nguyễn Bá Trác “bàn” với cụ Phan và điều chắc chắn hơn nữa là phải có ý kiến của mật thám Pháp. Hương Ký - Nguyễn Bá Trác - mật thám Pháp đã thỏa thuận một âm mưu nhằm xuyên tạc trắng trợn cuộc đời hoạt động của Phan Bội Châu, ly gián nhà yêu nước với đồng bào và hạ thấp uy tín của cụ Phan như ta sẽ thấy trong các chi tiết sau đây.

Lợi dụng kỹ thuật phim ảnh hồi đó còn là phim câm (?), nội dung tùy thuộc vào lời thuyết minh, Hương Ký đã quay đoạn đầu của cuốn phim với lời thuyết minh như sau:

Hồi thứ nhất là lúc tiên sinh còn ở nước nhà… Ông Phan mặc quốc phục, chít khăn lượt Bắc, bận áo Sa tàu, chân đi giày hạ, tay cầm quạt Thanh, đứng diễn thuyết với một bọn sinh đồ hơn 30 người về cái chủ nghĩa Pháp Việt đề huề” (T.V.N. nhấn mạnh).

Xuyên tạc bất chấp sự thực đến như thế thì không thể trắng trợn hơn được! Trang phục của cụ Phan mà Hương Ký mặc cho cụ rõ ràng là muốn mô tả một Phạm Quỳnh thứ hai! Không có gì là dáng dấp của một ông đồ nghệ yêu nước, tác giả của “Lưu cầu huyết lệ tân thư”, phú “Bái thạch vi huynh” và là người sáng lập Duy Tân hội!

Đoạn thứ hai, thời gian cụ ở nước ngoài, sự lợi dụng trang phục lại càng rõ nét:

Hồi thứ nhì… mặc đồ Trung Hoa, bận một cái áo nhiễu màu xanh lợt, dài lướt thướt đến tận gót chân, ngồi trên chiếc ghế bằng gỗ mun chạm lọng, trông chẳng khác gì một nhà thượng lưu nhân vật nước Tàu vậy” (T.V.N. nhấn mạnh).

Còn đâu hình ảnh một Phan Bội Châu “lặn lội đất khách, mưa nắng dãi dầu, ngủ giữa núi tuyết, khóc giữa sân Tàu”!

Hồi thứ ba Phan Bội Châu trở thành một Bùi Quang Chiêu; chứ không phải hình ảnh một tù quốc sự, đầu cạo trọc, đứng trước vành móng ngựa, sang sảng buộc tội Pháp:

Hồi thứ ba là lúc tiên sinh trở về tổ quốc… bận đồ nỉ màu nâu sẫm, may theo Ăng-lê, đi một đôi dày đen mốt Hoa Kỳ, cổ thắt cravate. Tiên sinh lại có viết mấy dòng chữ đại tự để chụp vào trong phim ảnh nữa”.

Mấy chữ đại tự đây là Tuyên cáo quốc dân đồng bào, một bài tuyên cáo viết lúc còn xúc động và chưa rõ mưu cơ thâm độc của thực dân đã làm xôn xao dư luận một thời!

Cuốn phim đã hoàn tất, đã được quảng cáo sẽ chiếu ở rạp Cinéma Tonkinois, phố Hàng Quạt Hà Nội. Sau khi được quan Thống sứ cho phép cùng lúc với các phim Tấn tôn Bảo ĐạiNinh lăng Khải Định! Một phim như thế chắc chắn sẽ được quan thống sứ đồng ý. Dù sao chi tiết trên quảng cáo: “đợi quan thống sứ đồng ý”, cho dù là một thủ tục kiểm duyệt đối với bất cứ phim ảnh nào, vẫn là một chi tiết tăng thêm lòng háo hức của khán giả và tầm quan trọng của cuốn phim.

Chúng tôi không rõ phim đã thực sự được chiếu chưa nhưng hiện nay chúng tôi đã tìm được những chiếc ảnh cụ Phan với trang phục như đã tả trong phim phù hợp với lời tuyên cáo của Hương Ký về việc phát hành 6 kiểu ảnh của cụ Phan và lời đe dọa những kẻ nào in lại hoặc vẽ lại sẽ bị đưa ra trước pháp luật vì vi phạm bản quyền tác giả!

Cho hay dưới chế độ thực dân, phim ảnh rất sớm đã trở thành một công cụ tuyên truyền chống cách mạng và mức độ xuyên tạc của nó trắng trợn chẳng thua gì các phương tiện khác. Một điều đáng ghi nhận là cụ Phan Bội Châu, đã bị đánh lừa để trở nên một diễn viên điện ảnh có thể là đầu tiên của Việt Nam và phim Phan Bội Châu phải chăng là phim đầu tiên được quay trên đất Huế?

Huế, tháng 5-1983
T.V.N

(Tài liệu tham khảo: - Báo Trung Bắc Tân Văn tháng 1,2,3 - 1926)
(2/8-83)


Tượng Phan Bội Châu tại Huế


-----------
(1) Chức thị lang tương đương với chức thứ trưởng ngày nay, sau thượng thư và tham tri.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu dưới nhãn quan triết học

    26/12/2017Lê Thị LanChủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu được hình thành trên những nguyên lý triết học mà ông coi là nền tảng, như lẽ sống chết, quan hệ giữa lý và khí, tự do và bình đẳng, độc lập và tự cường dân tộc... Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu đã vượt qua giới hạn tầm nhìn Nho giáo, tiếp thu các giá trị tư tưởng phổ biên của thời đại để đi đến hai mục đích lớn là giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới...
  • Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX

    26/12/2017Vĩnh Sính“Khi Pháp mới đến Đông Dương, nước An Nam đã chín muồi trong tình cảnh nô lệ”! Trong hoàn cảnh đất nước bi đát như thế, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai sĩ phu, hai bậc đại hào kiệt đi hàng đầu trong vận động giành lại độc lập dân tộc vào giai đoạn giao thời 25 năm đầu thế kỷ XX. Tuy cùng chung hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan trên một số vấn đề căn bản của đất nước lại rất khác nhau, thậm chí có khi tương phản...
  • Quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền (*)

    29/10/2015Nguyễn Văn HòaBài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu về dân quyền, cũng như ý nghĩa của tư tưởng dân quyền đó đôi với việc thực hiện quốc quyền , tức là quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, bài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu cho rằng: muốn thực hiện được quốc quyền, chế độ chính trị của Việt Nam khi đó phải chuyển từ quân quyền sang dân quyền theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại, với việc nâng cao dân trí thông qua giáo dục.
  • Quan niệm giáo dục “Tự Tân” của Phan Bội Châu

    28/10/2014TS Dương Thiệu TốngNhững từ tưởng và hoạt động giáo dục của cụ Phan Bộ Châui suy ngẫm về các vấn đề canh tân văn hóa giáo dục, canh tân xã hội đáng để chúng ta quan tâm đến...
  • 100 năm nhìn lại Duy Tân hội và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu

    25/06/2013Ðinh Kim PhúcSự thất bại của cụ Phan và sự thất bại của các phong trào do Cụ khởi xướng do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng hơn hết là có nhiều yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Nhưng sự nghiệp mà ông để lại như hàng lớp con người yêu nước, các cơ sở cách mạng ở Hàng Châu, Quảng Ðông, Quảng Tây, Thái Lan... là những nền tảng cơ bản để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và nâng nó lên tầm cao mới vào những năm 20 của thế kỷ XX...
  • Quan niệm của Phan Bội Châu về bản tính của con người

    13/06/2007Nguyễn Văn HòaPhan Bội Châu - nhà tư tưởng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong khoảng hai chục năm đầu của thế kỷ XX đã để lại dấu ấn khá đậm nét về vấn đề con người trong lịch sử tư tưởng của dân tộc. "Cùng thời với Phan Bội Châu, không thấy ai đả động tới vấn đề con người nhiều bằng Sào Nam"...
  • Ảnh hưởng của “Tân thư” trong tư tưởng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh

    17/07/2006PGS. PTS. Lê Sĩ ThắngĐối với các nhà nho Việt Nam yêu nước hồi đầu thế kỷ - những người đã từng bị Nho giáo bưng tai bịt mắt, đã thấy được ở một chừng mực nào đó sự lạc hậu của nhà trường Nho giáo và đang khao khát giải thích nhiều vấn đề có liên quan đến sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì “Tân thư" đã có sức hút mãnh liệt...
  • Ảnh hưởng triết học phương Tây trong quan niệm của Phan Bội Châu về con người

    22/10/2005Đỗ Thị Hoà HớiPhan Bội Châu là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông được coi như chiêc cầu nối giữa truyền thông và hiện đại. Trong tác phẩm Nhân sinh Triết học, về nền học vấn của phương Đông, trên cơ sở những giá trị dân tộc, Phan Bội Châu đã biết cách tiếp nhận những giá trị hiện đại của triết học phương Tây, đặc biệt là vấn đề phương pháp để làm mới quan niệm về con người. Trong tác phẩm này, nghiên cứu về con người của ông được sử dụng qua các khái niệm nhân thể, nhân tính, nhân dục, nhân cách, nhân sự. Qua đó, ông khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, đồng thời, kêu gọi nhân dân biết cách giữ lấy giá trị truyền thông cũng như tiếp nhận những giá trị mới phù hợp của thời đại để đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người...
  • xem toàn bộ