Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu dưới nhãn quan triết học
Với xuất phát điểm là quan niệm coi triết học như là tư tưởng của con người trở thành sự tự nhận thức về cuộc sống và thế giới, tác giả đã trình bày những suy nghĩ của mình về chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu từ góc độ triết học. Theo tác giả, chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu được hình thành trên những nguyên lý triết học mà ông coi là nền tảng, như lẽ sống chết, quan hệ giữa lý và khí, tự do và bình đẳng, độc lập và tự cường dân tộc... Từ góc độ triết học, tác giả đã luận giải những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc ở Phan Bội Châu, khi quy giản chúng về một số nguyên tắc chủ đạo và từ đó đi đến kết luận: chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu đã vượt qua giới hạn tầm nhìn Nho giáo, tiếp thu các giá trị tư tưởng phổ biên của thời đại để đi đến hai mục đích lớn là giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới.
Sách về cuộc đời cụ Phan Bội Châu (1867-1940) là một danh sĩ và là nhà cách mạng Việt Nam, hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc.
.
Lý luận về phát triển dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hoá là một đòi hỏi cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra cho các nhà lý luận Việt Nam. Việc nhìn nhận lại tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó có chủ nghĩa dân tộc với điển hình là nhà dân tộc chủ nghĩa Phan Bội Châu, là một gợi ý cho việc xây dựng những nền tảng lý luận này.
Tư tưởng của Phan Bội Châu, đặc biệt là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông, đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ, như sử học, văn học, chính trị, lịch sử tư tưởng... Tuy nhiên, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Phan Bội Châu vẫn là một vấn đề lý thú, cần chú trọng đi sâu tìm hiểu dưới nhãn quan triết học.
Trong bài viết này, chúng tôi xuất phát từ quan niệm coi triết học như là "tư tưởng của con người trở thành sự tự nhận thức về cuộc sống, thế giới và tất cả các sự vật, hiện tượng, bao gồm mọi phạm trù của tôn giáo, nghệ thuật, khoa học, toán học và tư duy logic" - sự tự nhận thức mang tính hệ thống, phản ánh các vấn đề chung nhất, khái quát nhất của thế giới và cuộc sống, có tính định hướng vượt qua những thách đố lịch sử.
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam đã có rất nhiều tư tưởng phản ánh sự tự nhận thức của người viết về cuộc sống và thế giới. Trong một chừng mực nhất định, những tư tưởng đó đều mang tính hệ thống và khái quát cao, được lấy làm cơ sở cho hành động và tư duy, được triển khai, cụ thể hoá vào lĩnh vực tư tưởng, vào các hoạt động xã hội khác và do vậy, chúng là các tư tưởng triết học hay có tính triết học. Ngoài ra, cũng đã có những tư tưởng phái sinh từ các nhận thức nền tảng mang tính triết học. Việc sử dụng quan niệm triết học như trên để khảo sát các tư tưởng trong lịch sử nhằm tìm ra giá trị triết học, tính chất triết học hay ý nghĩa triết học của chúng chính là xem xét, nghiên cứu các tư tưởng đó được nhãn quan triết học.
Trước thế kỷ XX, cái làm nên nội dung tư tưởng triết học Việt Nam chủ yếu là các nguyên lý siêu hình của ba đạo Nho - Phật Đạo Chỉ đến cuối thế kỷ XIX, những nội dung ấy mới phần nào được bổ sung bởi các tư tưởng của làn sóng Tân thư, Tân văn du nhập vào Việt Nam lần thứ nhất, bởi tiếng vang Duy tân của Nhật Bản, Trung Quốc, dẫn tới sự ra đời của xu hướng canh tân trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Và, đến đầu thế kỷ XX, tư tưởng Việt Nam nói chung, tư tưởng triết học nói riêng, đã có những chuyển biến đáng kể bởi tác động trực tiếp và gián tiếp của văn hoá Châu Âu và phong trào cải cách của các nước Châu Á. Những xu hướng Tây hoá xuất hiện dưới ảnh hưởng trực tiếp của văn hoá âu châu đã dẫn tới sự xuất hiện phong trào thơ mới, tiểu thuyết lãng mạn và hiện thực phê phán trong văn học, các trường phái hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc... trong nghệ thuật. Về chính trị, đó là sự xuất hiện các xu hướng tư tưởng cải cách, duy tân, vận động cách mạng theo hướng dân chủ hoặc bạo động và cũng có cả xu hướng cầu an, nô lệ.
Dưới tầng sâu của các xu hướng chính trị, văn học, nghệ thuật đó là những tư tưởng triết học. Chính ảnh hưởng của các triết thuyết phương Tây đã phá vỡ những nội dung tư tưởng triết học truyền thống, dẫn tới các xu hướng khác nhau trong đời sống tinh thần người Việt nửa đầu thế kỷ XX. Điển hình cho sự chuyển đổi nội dung tư tưởng triết học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX là tư tưởng của Phan Bội Châu. Khảo sát nền tảng triết học trong chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu giai đoạn hai thập niên đầu thế kỷ XX, chúng ta có thể hiểu thêm về một đặc trưng cơ bản và nổi bật nhất của tư tưởng triết học Việt Nam trong giai đoạn này nói riêng, trong toàn bộ lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam nói chung đó là tính dung hợp trên cơ sở của tinh thần yêu nước, mà Phan Bội Châu là đại biểu xuất sắc.
Vào năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: "Có một chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam". Các nhà nghiên cứu phương Tây, như George Boudarel, Davit Marr, William Duiker... khi khảo sát lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam mà Phan Bội Châu là người đứng hàng đầu.
Một chủ nghĩa không chỉ cần nguyên lý, mà còn phải mang một hình thức cố định với 5 điều kiện: là nguyên lý chỉ đạo trong toàn bộ cuộc sống, là luật chi phối mọi suy tư, là giá trị căn bản để đánh giá mọi sinh hoạt, là nhận thức và chất liệu cho thẩm mỹ và được thể hiện trong cơ cấu, tổ chức, giáo dục… Với những điều kiện đó, Phan Bội Châu hoàn toàn thể hiện là một nhà dân tộc chủ nghĩa xuất sắc. Bài viết này không đi sâu vào luận chung các nội dung trong chủ nghĩa dân tộc mà Phan Bội Châu đã hiến dâng cả cuộc đời để xây dựng, vun đắp và thực hiện, mà chỉ mong góp thêm một vài suy nghĩ về những nền tảng triết học của chủ nghĩa dân tộc đó.
Từ trước tới nay, khi đánh giá về tư tưởng Phan Bội Châu, chúng ta thường né tránh thuật ngữ “chủ nghĩa dân tộc" hay "nhà dân tộc chủ nghĩa", bởi lo ngại một sự đối lập với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa dân tộc trong phạm vi khu vực châu á và các nước thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX, chúng ta phải thừa nhận đây không phải là trường hợp đơn nhất, cá biệt của Việt Nam, và phong trào này ở các nước thuộc địa đã có những đóng góp lớn vào sự biến đổi cục diện thế giới trong toàn cảnh của nó.
Với tư cách một đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam giai đoạn hai thập niên đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu đã chứng tỏ năng lực nhạy bén tiềm tàng của dân tộc trước những thách thức của thời đại. Chủ nghĩa dân tộc ở Phan Bội Châu, xét trên khía cạnh nào đó, đã bị thời đại vượt qua, bởi ở đó, có những điểm bất cập dựa trên quan điểm chủng tộc, bạo động, Tây phương hoá (qua mô hình Nhật Bản)... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam và thế giới, xem xét lại chủ nghĩa dân tộc của ông dưới ánh sáng mới của quan niệm hiện đại, tiến bộ về văn hoá, đặc biệt là xem xét các nguyên lý triết học nền tảng trong chủ nghĩa dân tộc của ông, vẫn có nhiều điểm thú vị, mang ý nghĩa thời đại.
Phan Bội Châu không đưa ra một khái niệm hay định nghĩa nào về triết học, nhưng ngay từ khoảng 1903 - 1905, ông đã viết một tiểu luận với tiêu đề “triết luận". Trong đó, ông xếp các vấn đề sau vào lĩnh vực triết học: lẽ sống chết, sự báo ứng của quỷ thần, các nhà tôn giáo, số trời, lý và khí, thuyết tự do, thuyết bình đẳng, thuyết độc lập, thuyết tự cường, vấn đề cứu nước... Chỉ cần đọc qua những tiêu đề trên, chúng ta đã thấy quan niệm của ông về triết học hết sức hỗn hợp.
Quan niệm này là kết quả trực tiếp, mang tính hình thức của sự đung hợp bước đầu, sơ sài và mang tính hình thức giữa quan niệm của Nho giáo với những quan niệm của các học thuyết tư tưởng phương rây mới du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là qua con đường Tân Thư, Tân văn và dưới nhãn quan của các Nho sĩ cấp tiến. Nói cách khác, quan niệm về triết học và các khái niệm triết học ở Phan Bội Châu không phải là kết quả logic của quá trình tự nhận thức mà chỉ là sự "du nhập", "nhập khẩu các tri thức triết học, chính trị từ bên ngoài. Ông không đưa ra một sự phê bình nào đối với các khái niệm mới du nhập, mà chỉ lựa chọn chúng trên cơ sở tri thức Nho giáo sẵn có và dựa vào nhu cầu giải phóng dân tộc khi đó. Hơn nữa, khi giải quyết các vấn đề được coi là thuộc lĩnh vực triết học này, Phan Bội Châu đều lấy mục đích giải phóng dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, thương nòi làm hệ quy chiếu, khiến cho việc giải quyết vấn đề được lái theo chủ đích vận động yêu nước rõ rệt. Điều đó cho thấy một thực tế là, bản thân Phan Bội Châu đã đồng nhất triết học với chính trị về mặt nhận thức. Với ông, mục đích độc lập dân tộc là mục đích tối cao và duy nhất của cuộc đời, của người làm trai sinh ra trong thời vong quốc.
Khảo sát toàn bộ những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc ở Phan Bội Châu, chúng ta có thể có thể quy giản về một số nguyên tắc lớn sau:
1) Độc lập dân tộc là mục đích tối cao, duy nhất.
2) Tất cả những cách thức, thủ đoạn, đường lối, chiến lược, lực lượng nào có khả năng thúc đẩy thực hiện được mục đích độc lập dân tộc đều được hoan nghênh.
3) Lợi ích dân tộc, thể diện dân tộc là trên hết.
Ba nguyên tắc này được chính Phan Bội Châu khẳng định: "Một đời người định mưu, chỉ cốt hỏi ở nơi mục đích, cầu lấy được ở năm phút đồng hồ cuối cùng. Đến như thủ đoạn phương châm, tuy có lúc cải cách, mà cũng không kể". Đây cũng là ba nguyên tắc chi phối toàn bộ hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu, là tiêu chí, hệ chuẩn giá trị mà ông sử dụng trong sáng tác thơ văn để "chấn dân khí", giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ba nguyên tắc này đều được xây dựng trên tinh thần yêu nước mãnh liệt của ông.
Nắm vững ba nguyên tắc này để soi rọi vào cuộc đời cách mạng của Phan Bội Châu, chúng ta thấy hoàn toàn dễ hiểu khi ông từ một nhà khoa bảng có thể nhẹ nhàng quẳng gánh công danh, lao vào con đường đầy chông gai vì sự nghiệp cứu nước. Chúng ta cũng sẽ hiểu được vì sao Phan Bội Châu có thể thay đổi cách thức tổ chức hoạt động cứu nước một cách nhanh chóng và thức thời từ Đông đu cầu viện sang Đông du cầu học, từ tổ chức Duy tân hội năm 1904 chuyển sang thành lập Việt Nam quang phục hội năm 1912 rồi chuyển thành tổ chức Việt Nam quốc dân đảng năm 1924, từ chủ trương bạo động chuyển sang tuyên truyền nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, vun trồng nhân tài, rồi quay lại hình thức đấu tranh bạo động, ám sát...
Sáng ngày 26/12/2017, Bộ TT-TT đã phát hành bộ tem kỷ niệm 150 năm ngày sinh Phan Bội Châu (1867-1940)
.
Tất cả những thay đổi đó của Phan Bội Châu hoàn toàn tuân thủ tinh thần tuỳ thời, bám sát vào phân tích tình hình thực tế quần chúng cách mạng trong nước và những biến động trên thế giới. Ngay chủ trương cầu viện Nhật Bản của ông cũng không phải là một chủ trương bất biến. Lập luận có tính triết học của ông về tư tưởng đồng chủng, đồng văn dựa trên thuyết nhân chủng học của Mantous chỉ là nhằm khai thác tối đa sự ủng hộ của chính phủ Nhật đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam mà khi đó, ông là người chủ trương. Lập luận này được coi là hữu ích cho mục đích cầu viện trong bối cảnh thập niên đầu thế kỷ XX, khi mà một Nhà nước của giai cấp vô sản chưa có dấu hiệu ra đời và nước Nhật như là cái phao cứu sinh hiện thực, duy nhất trong tầm nhìn của nhà yêu nước. Nếu xét toàn bộ tiến trình hoạt động vận động cách mạng của ông, chúng ta thấy tư duy phê phán của ông đã nhận thức được từ rất sớm giới hạn của chủ trương đó cũng như hoàn cảnh thực tế Nhật Bản khiến cho chủ trương của ông bị phá sản. Việc ông kết giao với các nhóm chính trị Trung Quốc, vận động họ ủng hộ cách mạng Việt Nam, việc ông sớm tiếp xúc với Tham tán đại sứ quán Nga, đại diện của Chính phủ “lao nông" (như từ dùng của Phan Bội Châu) ở Bắc Kinh vào năm 1920 và đi tới thoả thuận về việc cử người sang Nga học tập... đã chứng tỏ Nhật Bản không phải là nước duy nhất ông hy vọng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đặc biệt, nghiên cứu các tài liệu do chính Phan Bội Châu viết, chúng ta thấy ông đặt tầm quan trọng của nội lực, của sức mạnh quần chúng trong nước lên hàng đầu, chứ không phải là chủ trương trông chờ ngoại viện.
Điểm qua một vài nét biểu hiện chủ yếu nhất về chủ nghĩa dân tộc mà Phan Bội Châu đã kiên cường xây dựng trong suất khoảng 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy ông đã vượt qua giới hạn tầm nhìn Nho giáo, nhanh chóng tiếp thu các giá trị tư tưởng phổ biến của thời đại và sử dụng nó với một hiệu quả tối đa có thể vào phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chủ trương dân tộc chủ nghĩa của Phan Bội Châu được thể hiện thành hai mục đích lớn là giải phóng dân tộc và xây đựng một nước Việc Nam mới. Mô hình nước Việt Nam mới được Phan Bội Châu cụ thể hoá trong tác phẩm "Tân Việt Nam". Căn cứ vào đó, chúng ta thấy mô hình nước Việt Nam mới của ông là mô hình một Nhà nước quân chủ lập hiến với lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của giai cấp tư sản thời đang lên ở Châu Âu. Tuy nhiên, tư tưởng của Phan Bội Châu về những giá trị này thể hiện tính không tưởng một cách rõ ràng, bởi ở ông chưa hình thành những ý niệm nền tảng nhất, thực sự đảm bảo cho sự tồn tại và bảo vệ các giá trị nhân văn ấy. Nhưng đây cũng là điều có thể hiểu được, bởi mục đích cấp thiết và tối cao với ông khi đó là độc lập dân tộc. Độc lập trước rồi xây dựng sau. Và, đây cũng là vấn đề mà thời đại Phan Bội Châu vấp phải về mặt lý luận trong bối cảnh cơn "mưa Âu gió Mỹ" vừa tràn tới Việt Nam. Cần phải có thêm thời gian để những tinh hoa tư tưởng đó thấm vào hồn dân tộc. Đó là một vấn nạn tinh thần có tính thực tiễn cấp bách mà phải thế hệ sau Phan Bội Châu mới có thể giải quyết.
Đứng ở góc độ hiện đại để nhìn nhận, chúng ta thấy khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Phan Bội Châu mới chỉ là sự cụ thể hoá, hiện thực hoá, chứ chưa phải là sự vượt lên trên xu hướng cải cách xuất hiện ở Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX trên phương diện tầm tư duy triết học. Xu hướng này thống nhất với xu hướng của Phan Châu Trinh (chỉ khác ở trình tự và biện pháp thực hiện) ở chủ trương hiện đại hoá đồng nhất với Tây phương hoá - một chủ trương phổ biến trong phong trào dân tộc ở các nước phi tư bản đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nếu như vậy, liệu có thể nhận định về tầng lớp lãnh đạo phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ở Việt Nam (mà Phan Bội Châu là một đại diện) là công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn quá độ do các sĩ phu tư sản hoá lãnh đạo hay không? Chúng tôi cho rằng, nhận định trên là hợp lý, khi xét xu hướng tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu, mặc dù, chúng tôi mong muốn được thảo luận thêm về điều này trên phương diện triết học bằng việc đưa ra một số ý kiến về nền tảng triết học trong chủ nghĩa dân tộc của ông.
Trước khi dấn thân vào trường học thực tiễn vận động cứu nước, Phan Bội Châu đã trang bị cho mình một nền tảng tri thức Nho giáo uyên bác và căn bản nhất, trong đó có những nguyên lý triết học về thế giới và nhân sinh. Những nguyên lý triết học này đã đóng vai trò kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn của Phan Bội Châu cho tới tận cuối đời (nếu như có ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây thì đó chỉ là những yếu tố bổ sung, thêm vào, chứ không làm biến đổi các nguyên lý nền tảng trong tư duy của ông). Điều này càng được khẳng định khi chúng ta xem xét các tác phẩm cuối đời của ông, như Khổng học đăng, Chu dịch diễn giải.
Nghiên cứu sự triển khai các tư tưởng của Phan Bội Châu về mọi vấn đề, trong đó có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chúng ta có thể quy giản tư tưởng triết học của Phan Bội Châu về ba thành tố cơ bản nhất. Đó là:
Thứ nhất, những nguyên lý siêu hình của Nho giáo mà thuyết tam tài làm nòng cốt (thế giới quan).
Thứ hai, quan niệm về vai trò của con người theo Nho giáo (Nhân sinh quan).
Thứ ba, nguyên tắc "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Nho giáo (phương pháp tư duy và hành động).
Trong quan niệm thế giới quan, Phan Bội Châu đi theo xu hướng đề cao vị trí của con người trong tam tài.
Trong quan niệm về nhân sinh quan, ông kế thừa tư tưởng lấy con người làm gốc của Khổng Tử và tư tưởng tu dưỡng nhân cách lý tưởng của Nho giáo với các phẩm chất "phú quý bất năng đâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất", với lý tưởng chính trị tu, tề, trị, bình.
Trong phương pháp - cách thức tư duy và hành động, Phan Bội Châu tuyệt đối tuân thủ phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Cụ thể, với ông, đạo nhân là bất biến, độc lập dân tộc là bất biến. Trên cơ sở đó, ông sẵn sàng tiếp thu các quan niệm, các họe thuyết khác (trên những khía cạnh không đối lập với đạo Nhân, giúp mở rộng và làm sáng tỏ thêm đạo Nhân), sẵn sàng tuỳ thời hành động, thay đổi, họe tập mọi biện pháp, cách thức, liên kết với mọi nhóm chính trị không đối lập với mục đích độc lập dân tộc, khả dĩ phục vụ cho mục đích độc lập dân tộc.
Hoà quyện, thấm đượm trong mọi nền tảng tư duy và hành động nêu trên của Phan Bội Châu là tinh thần yêu nước nồng nàn mà chúng ta có thể ví như đung môi nuôidđưỡng và bao chứa đời sống của ông.
Với việc sử dụng tinh hoa tinh thần của Nho giáo kết hợp với một số giá trị tinh thần tiến bộ của phương Tây vào việc giải quyết vấn nạn của dân tộc trong thời đại của mình theo phong cách rất riêng của Việt Nam là tinh thần dung hợp lấy giá trị yêu nước làm bệ đỡ, Phan Bội Châu đã góp phần xây dựng nên một chủ nghĩa dân tộc đặc sắc ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX, một chủ nghĩa dân tộc trong đó bao chứa nhiều giá trị tiến bộ của dân tộc và nhân loại.
Nhìn lại lịch sử và đối chiếu với hiện tại, liệu chúng ta có thể kết luận rằng, Chủ nghĩa dân tộc của thế hệ Phan Bội Châu vẫn còn rất nhiều ý nghĩa hiện đại?
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh Hanyi7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015