Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX
Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng lòa,
Đêm sao đêm mãi thế ru mà?
(Tú Xương, “Đêm dài”, đầu thế kỷ XX)
Khoảng một trăm năm trước, khi tại các quầy rượu, quán cà-phê ở những thành phố tiêu biểu cho văn hóa Tây phương vào cuối thế kỷ XIX như Paris, Vienne, Berlin, khách văn nhân nghệ sĩ gặp nhau đàm luận về những tư trào trong văn học nghệ thuật Tây phương lúc bấy giờ như “nghệ thuật vị nghệ thuật” (l’art pour l’art), chủ nghĩa duy mỹ (aestheticism) hay trường phái tự chiêm ngưỡng (narcissism), thì ở xứ Đông Dương xa xôi bên kia nửa vòng trái đất, nước ta hãy còn im lìm trong giấc nồng của đêm dài mất nước và ngay cả cái tên Việt Nam vẫn chưa được mấy ai nghe biết đến. Ngọn lửa Cần Vương kháng chiến cuối cùng ở Vũ Quang do Phan Đình Phùng lãnh đạo cũng đã bị dẹp tắt (1896). Dưới chính sách của toàn quyền Paul Doumer là triệt để khai thác nhân lực cùng tài nguyên của xứ thuộc địa này nhằm phục vụ tối đa cho quyền lợi của mẫu quốc, từ 1902 - năm ở Hà Nội người Pháp rầm rộ làm lễ khánh thành cầu Doumer (tức cầu Long Biên sau này) - Đông Dương bắt đầu mang lại những lợi lộc kinh tế và tài chánh cho nước Pháp trong khi tuyệt đại đa số người Việt phải chịu cảnh tôi đòi ngay chính trên quê hương của họ. Về sau, khi viết hồi ký Doumer đã kiêu hãnh ghi lại như sau: “Khi Pháp mới đến Đông Dương, nước An Nam đã chín muồi trong tình cảnh nô lệ”!
Trong hoàn cảnh đất nước bi đát như thế, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai sĩ phu, hai bậc đại hào kiệt đi hàng đầu trong vận động giành lại độc lập dân tộc vào giai đoạn giao thời 25 năm đầu thế kỷ XX. Tuy cùng chung hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan trên một số vấn đề căn bản của đất nước lại rất khác nhau, thậm chí có khi tương phản. Trong nhiều năm gần đây, sau nhiều lần đọc lại các trước tác của hai nhận vật kiệt hiệt này, chúng tôi nhận thấy có nhiều kinh nghiệm của người xưa - thành công cũng như thất bại - vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày nay.
Trong khuôn khổ bài viết này, ta hãy thử nhìn lại vị trí và đánh giá vai trò của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX.
“Gọi hồn nước”
Vào những năm đầu thế kỷ XX, làn sóng duy tân từ Nhật Bản dội sang nước ta qua những "tân thư" (sách mới) và "tân văn" (báo mới" của Lương Khải Siêu cùng các nhà cải lương Trung Quốc khác. Những trang sách "tân thư" "tân văn" mang đến cho các sĩ phu yêu nước không khí rạo rực của cuộc Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản và khí thế sôi sục của Mậu Tuất Chính biến (1898) ở Trung Quốc. Sĩ phu Việt Nam lần đầu tiên nghe đến các học thuyết dân chủ, dân quyền, chủ nghĩa lập hiến và làm quen với các tên nghe lạ tai như Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Lư-thoa (Rousseau), Phúc-lộc-đặc-nhĩ (Voltaire), v.v... Từ chỗ "ếch ngồi đáy giếng thấy bao nhiêu trời", họ bắt đầu có tầm nhìn "doanh hoàn" (toàn cầu) - dĩ nhiên điều này không có nghĩa là ai ai nay cũng có thể nhìn một cách khách quan về đất nước hay về thế giới bên ngoài. Quan điểm cạnh tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua (survival of the fittest) qua thuyết tiến hóa xã hội (social Darwinism) của Dật-nhĩ-văn (Darwin) mà ngày đó hãy còn gọi là thuyết "vật cạnh" (vạn vật cạnh tranh để sinh tồn), "thiên diễn luận" (sự tiến hóa tự nhiên của sự vật) hay thuyết "tự do đào thải", khiến họ ý thức sâu sắc hơn về hiểm họa mất nước.
Phan Bội Châu về sau đã ghi lại trong tự truyện: "Tôi vì xem những pho sách ấy mới hiểu qua được tình hình cạnh tranh ở trong hoàn hải, thảm trạng đất nước diệt chủng lại càng kích thích trong đầu sâu sắc hơn"[1]. Nỗi lo diệt chủng cũng được nhắc nhở trong bài "Đề tỉnh quốc dân ca" (không rõ tên tác giả) lưu truyền rộng rãi trong nước vào năm 1906:
Nỗi diệt chủng bề thương bề sợ
Nòi giống ta biết có còn không?
Trong hàng ngũ các sĩ phu yêu nước vào đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu có lẽ là người đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thức tỉnh hồn nước. Thơ văn Phan Bội Châu có ảnh hưởng sâu rộng đối với người đọc không chỉ vì những dòng thơ Phan mang nhạc điệu trầm hùng thiết tha, khi rạo rực sôi nổi, mà cũng vì những gì Phan nói lên thường khơi dậy nỗi nhục mất nước và kích động những cảm xúc sâu xa của tình tự dân tộc. Những câu sau đây ngày ngay đọc đến ta vẫn thấy xao xuyến trong lòng, huống hồ là đối với độc giả sống trong tình trạng "mất nước" vào đầu thế kỷ XX:
Lời huyết lệ gửi về trong nước,
Kể tháng ngày chửa được bao lâu
Nhác trông phong cảnh Thần châu,
Gió mây phẳng lặng dạ sầu ngẩn ngơ...
Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn,
Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn,
Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau...
("Hải hoại huyết thư" (1906), Lê Đại dịch)
Hoặc giả:
Than ôi! Lục tỉnh Nam Kỳ
Nghìn năm cơ nghiệp còn gì hay không
Mịt mù một giải non sông
Hỏi ai, ai có đau lòng chăng ai...
("Ai cáo Nam kỳ phụ lão" (1907), Phan Bội Châu tự dịch)
Trong bài "Sinh văn cụ Phan Sào Nam" (1940), Huỳnh Thúc Kháng đã diễn tả một cách sống động về sức rung cảm lòng người của ngòi bút Phan Bội Châu:
Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một,
giữa từng không mù cuốn mây tan,
Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt
giấy mưa tuôn sấm nổ.
Núi cao reo bốn phía dậy vang,
Buồng kín tỉnh ngàn năm giấc ngủ[2]
Do ảnh hưởng văn thơ của Phan Bội Châu, mà "hàng nghìn thanh niên đã cắt cụt tóc bím, vất hết sách vở văn chương cử tử cùng cái mộng công danh nhục nhã gắn trên đó, lìa bỏ làng mạc, nhà cửa vợ con, rồi băng ngàn lội suối, bất chấp mọi nỗi đói thiếu, nguy hiểm, khổ sở, để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật mà học hỏi và trù tính việc đánh Tây" [3]. Ngoài ra, cũng cần để ý là ảnh hưởng của Phan Bội Châu không chỉ giới hạn trong những thế hệ trưởng thành trong nửa đầu thế kỷ XX, mà ngay cả trong thời gian "đất nước phân kỳ", bất luận Nam Bắc, văn thơ Phan đã khơi dậy lòng yêu nước của không biết bao nhiêu thanh niên.
Ý thức "Quốc gia Quốc dân"
So với người cùng thời, Phan Bội Châu sớm ý thức về vận mệnh đất nước và cũng là một trong những sĩ phu đầu tiên đối đầu với các vấn đề liên hệ đến Việt Nam như một "quốc gia quốc dân" (nation-state).
Vì từ "quốc gia quốc dân" (hay "nhà nước quốc dân") vẫn chưa được nhắc đến ngay trong các cuốn từ điển tiếng Việt, Anh Việt hay Pháp Việt, v.v... xuất bản gần đây (những năm cuối cùng của thế kỷ XX!), ta thử tạm mượn định nghĩa của từ này trong một cuốn từ điển tiếng Nhật Bản - một ngôn ngữ có nhiều từ vựng hiện đại "xuất cảng" sang chữ Hán và tiếng Việt vào buổi đầu thế kỷ XX.
Trích:
Kokumin kokka ("Quốc-gia quốc-dân", hay "nhà nước quốc dân"): một quốc gia thống nhất được hình thành dựa trên cơ sở của ý thức về sự đồng nhất của quốc dân, hay dân tộc (Nihongo daijiten [Nhật-Bản-ngữ đại-từ-điển], Tokyo: Kôdansha, 1989, trang 691).
Ngay từ hồi chưa xuất dương, Phan đã từng đi chu du nhiều nơi trong nước - miền Nam xứ Nghệ (quê Phan) từ Huế vào Nam Ngãi, Bình Phú, rồi Gia Định, cho đến tận vùng Thất Sơn ở Châu Đốc; miền Bắc từ Nam Định, Hà Nội, lên tận rừng Yên Thế của Đề Thám - nhằm tìm cách kết giao đặng mưu đồ việc nước với những người có nghĩa khí, từ sĩ phu tới các "hảo hán" trong giới "lục lâm giang hồ" sống ngoài vòng pháp luật. Trong thời kỳ Đông Du (1905-1909), hàng ngày tiếp xuvs và lo việc ăn học cho các thành viên từ Nam chí Bắc, Phan ý thức sâu sắc về tình trạng thiếu đồng thuận giữa người Việt với nhau do một lý do khá đơn giản: đây là lần đầu tiên các thanh niên này có dịp tiếp xúc, đối thoại và sinh hoạt với nhau. Trong Việt nam quốc sử khảo (1908), Phan nêu lên 5 điều khiếm khuyết trong dân trí nước ta: hay nghi kỵ lẫn nhau, coi trọng những điều xa hoa vô ích (như trong việc hôn nhân, cúng bái, v.v ...), biết lợi mình chứ không biết hợp quần, tiếc của riêng mà không nghĩ đến lợi chung, biết thân mình mà không nghĩ đến việc nước [4]. Ý thức "quốc gia quốc dân" trong tư tưởng cũng như hành động của Phan phải nói là một sự đề kháng đối với chính sách "chia để trị" của chính quyền đô hộ, khác hẳng với đầu óc địa phương hẹp hòi thường thấy ngay ở các nhân vật tai to mặt lớn trong nước lúc bấy giờ. Bình tình mà nói, bệnh chia rẽ, óc địa phương không chỉ do chính sách cai trị của người nước ngoài, bởi lẽ ngay khi người Việt nắm lấy vận mệnh đất nước, vẫn không thấy những biện pháp tích cực nhằm khắc phục tư tưởng cục bộ "ăn cây nào, rào cây ấy" hay tình trạng "phép vua thua lệ làng". Đóng góp của Phan trên mặt này ngay từ hồi đầu thế kỷ đúng là một điểm son đáng trân trọng, cần được ghi nhớ.
Cũng cần để ý rằng "vong quốc" (mất nước), "đồng bệnh" (cùng bệnh) và "quang phục" (khôi phục vinh quang đã mất) là những từ thông dụng trong thuật ngữ chính trị ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam - ba nước "cùng mang bện mất nước" - vào đầu thế kỷ XX. "Vong quốc" ở đây có nghĩa là mất độc lập, mất chủ quyền. Phan Bội Châu giải thích: "Gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy đều không đủ tư cách làm một nước" [5]. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mã những nỗ lực khôi phục độc lập ở ba nước Đông Á nói trên thường lấy tên "quang phục": vận động lật đổ triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc do Thái Nguyên Bồi khởi xướng năm 1904 lấy tên là Quang phục Hội (về sau gia nhập Đồng minh Hội của Tôn Dật Tiên); ngày Hàn Quốc lấy lại độc lập, thoát khỏi ách cai trị của người Nhật gọi là ngày Kwangbok (tức Quang Phục, 15/8/1945); và cái tên Việt Nam Quang phục Hội do Phan Bội Châu cùng các đồng chí thành lập ở Quảng Đông (1912) cũng không ngoài nghĩa đó.
Việt Nam - Từ Quân chủ tới Dân chủ
Ai là người đầu tiên phổ biến cái tên Việt Nam vào đầu thế kỷ XX? Trả lời câu hỏi thoạt nhìn có vẻ vô-thưởng-vô-phạt này sẽ giúp ta nhận thức rõ hơn về vai trò của Phan Bội Châu và Quang phục Hội.
Quốc hiệu "Việt Nam" nguyên đã có từ đầu thời vua Gia Long, nhưng trên thực tế không mấy khi được sử dụng. Sử sách chép là vua Gia Long lúc đầu khi mới lên ngôi (1802) muốn đặc quốc hiệu là Nam Việt, nhưng vua Gia Khánh nhà Thanh không chấp thuận, lý do là quốc hiệu này khơi lại chuyện Triệu Đà và chính quyền cát cứ ở nước Nam Việt đời Hán ngày trước. Thanh triều chỉ chấp thuận sai sứ sang phong vương sau đó hai năm (1804) khi quốc hiệu Nam Việt đã được đổi ngược lại thành Việt Nam [6]. Bước sang thế kỷ XX, trong khi người nước ngoài đều dùng tên "An Nam" để chỉ nước ta, theo thiển ý của chúng tôi, Phan Bội Châu là người đầu tiên đã phổ biến cái tên Việt Nam ngay từ khi mới sang Nhật Bản. Bằng cớ là Phan đã dùng tên Việt Nam trong các trước tác viết trong thời kỳ Đông Du: Việt Nam vong quốc sử (1905), Tân Việt Nam (1906), Việt Nam thảm trạng (1907?), Việt Nam quốc sử khảo (1908). Ngoài ra, sau khi giải tán Duy Tân Hội, như đã nói ở trên, Phan cùng đồng chí cũng đã dùng tên Việt Nam (thay vì An Nam hay các tên khác) khi đặt tên Việt Nam Quang phục Hội vào năm 1912.
Tuy Quang phục Hội có một lịch sử đáng chú ý, nhưng điều ngạc nhiên là trước đây ít người nói tới. Những điều giới thiệu sau đây có thể tìm thấy ngay trong "Phan Bội Châu niên biểu" (hay "Tự phán") chứ không phải tìm đâu xa xôi. Trước hết, Quang phục Hội không chỉ là hội đoàn theo nghĩa thông thường mà trên hết thực tế là một "chính phủ lâm thời" (lưu vong), có quy định cả quốc kỳ, quân đội (Việt Nam Quang phục Quân), quân kỳ, và phát hành cả giấy bạc (dưới dạng "quân dụng phiếu") "in bằng điện, tinh xảo như giấy bạc Tàu". Quang phục Hội cũng đã quy định lá quốc kỳ đầu tiên của Việt Nam. Theo lời kể lại của Phan Bội Châu, "một sự quái lại" là trước đó "nước ta chỉ có cờ hoàng đế mà không có quốc kỳ". Bởi vậy, Quang phục Hội mới "chế định cờ ngũ tinh" (năm ngôi sao) làm lá quốc kỳ đầu tiên. Năm ngôi sao trên lá cờ này có hình liên kết với nhau (ngũ tinh liên châu), tiêu biểu cho ba kỳ của Việt Nam, cộng thêm Lào và Cămpuchia (!). Quốc kỳ Quang phục Hội có nền vàng, tượng trưng cho nhân chủng da vàng của người Việt, màu hồng của năm ngôi sao biểu tượng cho vị trí phương Nam của nước Việt ("Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng"). Hình dạng quân kỳ cũng giống như quốc kỳ, điểm khác nhau là thay vì hồng tinh (sao hồng), quân kỳ dùng bạch tinh (sao trắng), nhằm "tỏ rõ mục đích" của Việt Nam Quang phục Quân là "cốt đánh đổ chính phủ người da trắng".
Tôn chỉ "độc nhất" của Quang phục Hội là "khôi phục nền độc lập của Việt Nam" và thành lập một nước "cộng hòa dân quốc". Nói một cách khác, với sự thành lập của Quang phục Hội, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chủ nghĩa quân chủ đã bị phủ nhận và chủ nghĩa dân chủ "được xác định". Dĩ nhiên Phan Bội Châu đã đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển hướng đường lối của Quang phục Hội [7]. Cho dù việc thay đổi "ngọn cờ quân chủ" (mà Phan Bội Châu đã đề cao để chống Pháp lúc xuất dương) thành lá cờ dân chủ phần nhiều là do ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh lịch sử nửa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, sự kiện này có ý nghĩa như một khúc nhạc dạo đầu báo hiệu sự cáo chung của chế độ quân chủ ở nước ta mà trên thực tế sẽ xảy ra trong quá trình ba, bốn mươi năm sau đó.
"Bạo động kịch liệt" và bế tắc
Khác hẳn với chủ trương ôn hòa của Phan Châu Trinh là duy tân để tự cường rồi mới dành độc lập; Phan Bội Châu chủ trương bạo động, một phần vì bản tính ("sinh bình tôi vốn ôm chủ nghĩa cấp khích" [8]) và một phần do áp lực của "bọn anh em trong phái cấp khích ở Nghệ Tĩnh... hối thúc tôi trong việc quân giới" [9].
Lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp bằng phương tiện võ trang (quân sự), đối với Phan, là phương cách duy nhất để lấy lại độc lập cho Việt Nam. Tuy nhiên, Phan cho rằng người Việt tự mình không địch nổi người Pháp, do đó phải cậy vào một cường quốc khác. Sở dĩ Phan và các đồng chí trong Duy Tân Hội chọn Nhật Bản để cầu viện vì Nhật là nước "đồng văn đồng chủng" mà lại vừa mới thắng Nga. Sau khi bị nhà đương cuộc Nhật trục xuất khỏi Nhật, Phan chuyển hướng, muốn liên kết với các nước "đồng bệnh" - trước hết là Trung Quốc - chống lại "cường quyền". Tuy nhiên, suốt đời Phan không rời chủ nghĩa Liên Á (Asianism), tin rằng nếu không có sự giúp đỡ của các nước "đồng văn đồng chủng" như Trung Quốc, Nhật Bản... thì Việt Nam không thể nào lấy lại độc lập.
Phan Châu Trinh (1872-1926) Ông là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn. Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo ngày hôm nay... |
Nhận thức về quan hệ quốc tế của Phan vừa lỗi thời vừa rất chủ quan. Có thể nói một trong những lý do khiến Phan thất bại là vì mặc dầu đứng trong tư thế người lãnh đạo một phong trào chống Pháp, Phan không bao giờ có ý định tìm hiểu về người Pháp và nước Pháp. Theo phương châm ngày xưa "kẻ thù của địch là bạn ta", Phan ngỏ ý cầu viện một cách bừa bãi với các nước mà Phan coi là có quyền lợi xung đột với Pháp lúc bấy giờ: Đức, Nga, và đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Phan cả tin và chủ quan về những "nước bạn", rồi với trạng thái tâm lý được diễn tả và châm biếm qua câu ca dao "Thương thì thương cả đường đi, ghét thì ghét cả tông chi họ hàng" (hoặc "Thương thì trái ấu cũng tròn, không thương trái bồ hòn cũng méo"), Phan tưởng rằng những "nước bạn" sẽ là những đồng minh muôn thuở, bất luận trong tình huống nào và vô hình trung cho rằng "Pháp là nước duy nhất có ý đồ xâm chiếm Việt Nam". Vì Phan hoạt động trong giai đoạn mà ý thức hệ (hệ tư tưởng) chính trị chưa chia phối hàng ngũ người Việt trong nước cũng như hải ngoại, nên mặc dầu những thuật ngữ Phan dùng có thể khác những thuật ngữ của các thế hệ sau, nhưng phải nói trạng thái tâm lý nói trên vẫn thể hiện đậm nét trong quan niệm đối ngoại của Việt Nam ít ra mãi cho đến gần đây.
Chủ trương bạo động của Phan Bội Châu tùy thời điểm có mức độ khác nhau. Chẳng hạn, sau khi sang Nhật để xin viện trợ quân sự chống lại Pháp, Phan gặp Lương Khải Siêu, và sau khi nghe lời khuyên chí tình của họ Lương, Phan mới chuyển hướng sang việc gửi thanh niên sang Nhật du học. Qua bút đàm, Lương khuyên Phan: "Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập... Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài". Mặc dầu thời kỳ Đông Du là khoảng thời gian mà chính Phan xem là "đắc ý" nhất trong đời, Phan vẫn còn vương vấn với khuynh hướng "bạo động" nên cũng không hết lòng tin tưởng vào vai trò của giáo dục. Phan mượn câu nói của Mã-Chí-Nê (Mazzini) làm chủ thuyết của mình: "Giáo dục dữ bạo động đồng thời tịnh hành" (Giáo dục và bạo động cùng tiến hành song song) [10]. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật (1909), bôn ba sang Xiêm, rồi cuối cùng trở về Quảng Đông thành lập Quang phục Hội (1912), Phan chủ trương "bạo động kịch liệt" nhằm "tìm cái sống trong muôn vạn cái chết" và những mong bạo động sẽ là "môi giới để cải lương giáo dục"!
Trái hẳn với Phan Bội Châu, châm ngôn của Phan Châu Trinh là "Vọng ngoại tắc ngu, bạo động tắc tử" (Không nên cậy vào nước ngoài, cậy vào nước ngoài là ngu; không nên bạo động, bạo động là chết) và "ỷ Pháp cầu tiến bộ" mà trên thực tế có nghĩa là phải tạm thời chấp nhận chính quyền thuộc địa nhằm mở mang dân trí và cải cách chế độ cai trị của người Pháp, rồi từng bước phục hồi nền độc lập quốc gia. Khi bị tù ở Côn Đảo, Phan Châu Trinh đã từng nói: "Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài chỉ diễn cái trò 'đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai', không ích gì... mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình, Triều Tiên, Đài Loan là cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp" [11].
Phan Châu Trinh là nhà sĩ phu đầu tiên hô hào dân quyền ở nước ta [12]. Ông chống bạo động, dấy phong trào duy tân "chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh" và chủ trương "tự lực khai hóa" không phải vì ươn hèn sợ hãi, mà bở vì ông thấy dân trí nước ta còn quá thấp. Theo ông, trong tình trạng như vậy thì dầu có giành được độc lập "cũng không phải là điều hành phúc cho dân". Ông là người quả cảm, có khí phách, không sợ hiềm nghi hay gièm pha, dám đưa ra một chủ thuyết khác hầu hết mọi người đương thời. Phan Tây Hồ là một nhà cách mạng theo đúng nghĩa của nó.
Vì Phan Bội Châu theo chủ thuyết bạo động nên không phải ngẫu nhiên mà phần lớn những sinh viên du học ở Nhật và Trung Quốc vào đầu thế kỷ (dưới ảnh hưởng của Phan) đã học những trường quân sự, và đại đa số những người này cuối cùng đã hy sinh trong những vụ bạo động, mưu toan ám sát người Pháp cùng những người Việt cộng tác với chính quyền thuộc địa, hay các binh biến lẻ tẻ. Than tiếc cho sự việc này, Phan Châu Trinh đã viết: "Phải chi dùng số người xuất dương đó phân tán trong nước, đem trí thức, trình độ cao đó khiến cho mười mấy triệu người trong nước cũng có trí thức cao lên để tranh dành với Pháp" [13]. Bởi vậy, trong lời tựa của tập tự truyện "Phan Bội Châu niên biểu" mà tác giả đã viết với sự cân nhắc và phản tỉnh sâu lắng trong tuổi già, Phan Bội Châu ghi: "Chân trời góc bể gần ba mươi năm, vì liên lụy với tôi mà kẻ chết người tù, họa tràn quận quốc, độc trôi đồng bào... Anh em chúng ta nếu xem cái gương thất bại trước mà gấp lo tìm cách cải lương, sẽ mở ra một lối thành công sau...". Phan Bội Châu khuyên đồng bào nên xem cuộc đời họat động của mình như một "chiếc xe đã bị lật đằng trước nhằm cảnh giác" (tiền xa phúc, hậu xa giới) mà mở lối thành công. Những lời này của Phan Bội Châu nên được xem như là những lời phản tính và nhắn nhủ chân thành của một nhà đại hào kiệt "có lòng thương nước" nhưng vô tình đã "không biết cái đạo thương nước". Bình luận về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã có những nhận xét sắc bén và thẳng thừng như sau: "Ông Phan Bội Châu tư chất thông minh, chí khí rất to lớn, sớm có quan niệm quốc gia. Trong thời đại nước Việt Nam chuộng khoa cử, ông cũng là người có học thức lầm lạc (mậu vọng) những dụng công rất nhiều, lòng tự tin mãnh liệt, cho nên những ưu và khuyết điểm cùng tập quán của dân tộc Việt Nam đều ăn sâu vào não tủy ông ta. Cho nên có thể cho ông là người xứng đáng đại biểu cho tập tánh của người Việt Nam." Hoặc giả: "Ông là người lịch sử dân tộc trên hai ngàn năm, nào ưu điểm, nhược điểm đã hun đúc thành con người đó" [14].
Nền độc lập mà Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cùng các sĩ phu khác vào đầu thế kỷ hằng mơ ước ngày nay đã về trong tay người Việt. Nhưng vấn đề dân chủ, dân trí, dân sinh mà Phan Chu Trinh hằng nhắc nhở từ đầu thế kỷ vẫn là những vấn đề hiện thực nóng bỏng của đất nước sau chiến tranh. Thực tâm giải quyết những vấn đề này sẽ mang lại sinh khí cho dân tộc, đất nước nhờ đó sẽ được hồi sinh.
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là hai nhân vật kiệt hiệt của đất nước, nhưng chỗ đứng của họ trong cuộc hành trình dân tộc trong 100 năm qua lại khác nhau như âm với dương. Mặc dầu chúng ta cần đánh giá vai trò thức tỉnh hồn nước và ý thức quốc gia quốc dân của Phan Bội Châu, nhưng đồng thời cần nhận thức rằng Sào Nam tiên sinh không phải là người đã đề xướng dân chủ, dân trí và dân sinh. Làm việc đó đã có tiếng nói hùng hồn của Phan Chu Trinh. Bởi vậy, khi đọc lại những lời Tây Hồ viết vào đầu thế kỷ, ta vẫn nghe sang sảng tựa hồ như tiên sinh đang đăng đàn diễn thuyết đâu đây.
Tháng 8-1999
Tham khảo:
[1] "Tự phán" (TP, tức Phan Bội Châu niên biểu) (Huế: Nhà xuất bản Anh Minh, 1956), trang 27. Khi trích dẫn từ sách này, chúng tôi đã tham khảo nguyên văn chữ Hán và đôi khi đã sửa đổi vài chỗ trong bản dịch quốc ngữ cho sát với nguyên văn và nghe thuận tai hơn.
[2] Xem Nguyễn Q. Thắng, "Huỳnh Thúc Kháng - Con người và thơ văn" (Sàigòn: Phủ Quốc-Vụ-Khanh đặc trách văn hóa, 1972), trang 278
[3] Đặng Thai Mai, "Văn thơ Phan Bội Châu" (Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học, 1967), trang 105.
[4] Xem "Việt Nam quốc sử khảo", trong "Những tác phẩm của Phan Bội Châu" (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1982), trang 223-237.
[5] Như trên, trang 217
[6] Xem Kawamoto Kunie, "Etsunanjin no ketsuda" (Quyết đoán của người Việt), trong cuốn "Kanji minzoku ketsudan" (Quyết đoán của những dân tộc dùng chữ Hán) do Hashimoto Mantaro, Suzuki Takao và Yamada Hisamu biên soạn. (Tokyo: Taishukan Shoten, 1987), trang 481.
[7] Về các tư liệu trích trong phần này, xem "Tự phán", trang 146-154.
[8] "Tự phán", trang 150.
[9] NTT, trang 51
[10] "Tự phán", trang 53
[11] Minh-Viên Huỳnh Thúc Kháng, "Thi tù tùng thoại" (Sàigòn: Nam Cường, 1951), trang 105.
[12] Xem Nguyễn Văn Xuân, "Phong trào Duy Tân" (Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1995), trang 107.
[13] Phan Chu Trinh, "Pháp Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam" (Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp), bản dịch của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Văn Tường, trong Nguyễn Q. Thắng, "Phan Chu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm" (TP Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 1987), trang 252.
[14] Như trên, trang 251-254.
Nội dung khác
Nói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh