Tư tưởng Phan Châu Trinh và các giá trị khai sáng

10:06 CH @ Thứ Năm - 01 Tháng Sáu, 2017

Xem thêm:

Tóm tắt

Thông qua việc phân tích các triết lý của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh và so sánh chúng với các giá trị Khai Sáng – những giá trị mà cho tới ngày nay vẫn được ghi nhận là tiến bộ và là nhân tố chính tạo lập nên sự văn minh của thế giới hiện đại, tiểu luận muốn cụ thể hóa và làm rõ sự “tương đồng” hay “tương thích” của tư tưởng Phan Châu Trinh và các giá trị Khai Sáng. Từ đó, góp phần hay bổ sung cho một cách hiểu hay một ứng dụng các nội dung của tư tưởng Phan Châu Trinh vào việc giải quyết các “vấn đề căn bản của dân tộc Việt Nam”.

Từ khóa: Tư tưởng Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh, Khai sáng, căn tính, trí thức, xã hội, văn minh, tự do, đạo đức, luân lý, khế ước xã hội, chính quyền, Việt Nam

A. Mở Đầu

  1. Từ bài phát biểu của Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam

Trong bài diễn thuyết của Tổng thống Barack Obama khi sang thăm Việt Nam, một trong những nội dung quan trọng nhất là việc thành lập Đại học Fulbright, với tính chất bất vụ lợi và khởi tạo môi trường tự do học thuật. Tại đấy, như nguyên văn của bài diễn thuyết: “… sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh, kỹ thuật và tin học, và nghệ thuật, mọi thứ từ thơ Nguyễn Du, đến triết lý Phan Châu Trinh đến toán học Ngô Bảo Châu”. So với thơ Nguyễn Du và toán học Ngô Bảo Châu, thì có lẽ việc những triết lý (tư tưởng) của Phan Châu Trinh được gọi tên – như một trong những dẫn chứng tiêu biểu nhất, là một bất ngờ thú vị.

Chi tiết đó càng trở nên đặc biệt hơn nếu chúng ta nhớ ra rằng: Tổng thống Barack Obama đã là Tiến sĩ của Trường Luật Harvard và trực tiếp giảng dạy môn Luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Chicago suốt một thời gian dài, trước khi sự nghiệp chính trị có thăng tiến đột biến và ông trở thành người đứng đầu nhánh hành pháp của hệ thống chính trị Hoa Kỳ.

Hiểu theo một cách nào đó, thì sự ghi nhận của Tổng thống Barack Obama cho thấy, Tư tưởng Phan Châu Trinh, cũng như thơ Nguyễn Du và toán học Ngô Bảo Châu, là những sản phẩm trí tuệ của con người Việt Nam, mà có thể “sánh ngang”, “vươn tới” hay chí ít là “tương thích” với các giá trị đã tạo nên sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Đồng thời, sự ghi nhận đó cũng có thể hiểu là một “gợi ý” hay một “chỉ dấu” về tư tưởng Phan Châu Trinh như là một “định hướng” hay “giải pháp” cho những “vấn đề căn bản của dân tộc Việt Nam”; đó là “gợi ý” hay “chỉ dấu” của Barack Obama – một trong những Tổng thống suất sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và là người đã được trao giải Nobel Hòa Bình.

  1. Đến những khó khăn trước câu hỏi về “vấn đề căn bản của dân tộc Việt?”

Xuyên suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam, không khó khăn để có thể lấy ra những dẫn chứng cho thấy”dấu hiệu của một năng lực hay sức sống vô cùng mạnh mẽ”, tựu trung lại thì sự sinh tồn và thống nhất của dân tộc Việt trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử chính là minh chứng hùng hồn nhất cho “năng lực” đó. Năng lực của dân tộc Việt Nam, ở tầm vĩ mô – trong từng cá nhân, lẫn trong tầm vĩ mô – toàn thể quốc gia, là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khi đảo ngược lại vấn đề, ta lại gặp rất nhiều khó khăn trước một câu hỏi: “Vậy thì, tại sao với một “năng lực” đã được thử thách qua chiều dài lịch sử như vậy, mà dân tộc Việt lại hết lần này đến lần khác trải qua những thời khắc đen tối và cũng không thể trở nên thịnh vượng (hóa rồng) trong thời kỳ đương đại?”.

Câu hỏi đó là vô cùng hóc búa và “cay đắng”. Khi mà, có quá nhiều sự ghi nhận cho thấy,nhiều quốc gia khác với những điểm tương đồng như Việt Nam (thậm chí có nhiều điểm thường được đánh giá là không “tiềm năng” bằng Việt Nam), lại có thể có được những thành tựu không thể phủ nhận; và hoàn toàn có thể hiểu là đã “vượt lên trước” so với Việt Nam. Tiêu biểu như việc Thái Lan thế kỷ 19 vẫn là 1 trong 2 quốc gia giữ được sự tự chủ, dù cũng không kịp “cải cách” để trở nên hùng cường như Nhật Bản. Hay thuyết phục hơn là việc toàn bộ các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) và phần lớn các nước Đông Nam Á (các nước ASEAN ngoại trừ các quốc gia Đông Dương) đều có nền kinh tế phát triển hơn Việt nam trong thời kỳ hiện tại.

Mâu thuẫn hay vấn đề đã nêu trên chính là “vấn đề căn bản của dân tộc Việt”. Đó cũng là “câu hỏi gốc”, có tính tiền đề để lý giải các hiện tượng trong quá khứ, đưa ra các giải pháp có tính căn bản cho từng cá nhân lẫn toàn thể dân tộc Việt trong hiện tại và định hướng cho những “chiến lược” trong tương lai.

  1. Và một suy tư về việc “sử dụng” tư tưởng Phan Châu Trinh trong hiện tại

Mâu thuẫn đã nêu trên trở nên sáng tỏ trước quan điểm cho rằng: chính những nhân tố tạo nên “năng lực hay sức sống vô cùng mạnh mẽ” lại đồng thời cũng là những nhân tố đưa dân tộc vào những giai đoạn đen tối và kìm hãm sự phát triển trong hiện tại. Hay nói cách khác, vấn đề nằm nội tại ngay trong “căn tính Việt”, “các nguyên tắc vận hành của xã hội Việt” hay như cách mô tả của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh, vấn đề nằm sâu trong “toàn bộ cơ tầng văn hóa Việt”.

Những giải pháp có tính tạm thời, được xây dựng trên cơ chế “tức thời, xoa dịu và thỏa hiệp”, chỉ có thể tạm thời đem lại cho từng con người và toàn thể dân tộc miếng ăn “vừa đủ”, danh phận “sáo rỗng” và sự ổn định “gượng gạo”. Nếu một giải pháp không xuất phát từ sự nhận thức đúng đắn, không chạm được hoặc không thể chạm được vào sâu thẳm “cơ tầng văn hóa” thì chỉ là những “liều thuốc giảm đau” có tính tức thời và trước sau gì cũng sẽ đưa dân tộc vào một thời khắc bi ai khác, khi những thách thức ở bên ngoài trở nên khắc nghiệt hơn. Muốn có một sự thay đổi thực sự, phải thực lòng xuất phát từ vấn đề căn cốt là “toàn bộ nền văn hóa Việt” – đó chính là luận điểm chủ đạo của Tư tưởng Phan Châu Chinh về một giải pháp cho dân tộc Việt, đó cũng chính là quan điểm được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng, đã có quá nhiều lời khen ngợi, quá nhiều lời tán dương hay hô vang những khẩu hiệu về Tư tưởng của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh: nhưng có ít hơn nhiều những công trình nghiêm túc, sâu sắc, đi sâu đối chiếu và phân tích các luận điểm một cách khoa học; và có lẽ là vô cùng ít ỏi những con người “thực tâm” suy ngẫm và hành động theo con đường mà Bậc tiền bối đã chỉ ra.

Đáng lo ngại hơn, có không ít người sử dụng tên gọi “Tư tưởng Phan Châu Trinh” như một thứ “vũ khí đối trọng”, một “công cụ” cho những hành động “cực đoan”, cho những phát ngôn “nâng bi sáo rỗng” hay cho những mưu toan “đầy vụ lợi”. Nghiêm trọng hơn, những điều trên lại có xu hướng ngày càng phổ biến trên môi trường Internet, làm méo mó nhận thức của mọi người, đặc biệt là nhận thức của các bạn trẻ. Những phương pháp trên dễ dàng trở thành “miếng mồi ngon” cho những “lời xuyên tạc”, những kẻ “chuyên đi bôi nhọ” hay những “mưu đồ chính trị”… của những con người cơ hội, giáo điều, cứng nhắc hoặc vô cảm. Và đau xót hơn, nó đi ngược lại với chính tư tưởng của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh và làm “hoen ố” niềm tin của xã hội và đặc biệt là của thế hệ trẻ về một tương lai văn minh và tốt đẹp.

Bằng việc phân tích và so sánh với các tư tưởng Khai Sáng, tôi viết tiểu luận để tôn vinh Bậc tiền bối Phan Châu Trinh nhân 91 năm ngày mất của người. Nhưng tôi tuyệt nhiên KHÔNG VIẾT để suy tôn hay tuyên truyền nhằm tạo dựng một “thần tượng” xa vời. Tất cả phải dựa trên những căn cứ thực tế và phương pháp khoa học. Tôi tin rằng, bằng cách làm như vậy, tôi có thể tránh được những “sai lầm” mà tôi vừa phê phán.


Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 24/3/1926). nhà thơ, nhà văn và là nhà hoạt động chính trị hàng đầu thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.

.
B. Nội dung:

  1. Về các thuật ngữ “khai sáng” và các thời kỳ “khai sáng”

“Khai sáng” là thuật ngữ thường được dùng để chỉ giai đoạn thế kỷ 18 tại châu Âu. Giai đoạn “bùng nổ” các hệ thống triết học của các triết gia vĩ đại, tạo nên những bước ngoặt trong nhận thức của con người, có ý nghĩa quyết định trong việc tạo lập nên giá trị tiến bộ trong thế giới hiện đại. Đồng thời, đây cũng là thời điểm xảy ra các cuộc Cách mạng Tư sản, bước ngoặt đưa thế giới vào một giai đoạn phát triển mới chưa từng có trong lịch sử.

Tuy nhiên, nếu hiểu rộng ra một chút, với ý nghĩa rằng Khai Sáng chính là thời điểm hay giai đoạn mà loài người “bừng tỉnh” thoát khỏi “những cơn mê” và trở nên “trưởng thành” hơn về nhận thức, những nhận thức đó chính là tiền đề để tạo nên những thành tựu cả về văn hóa, chính trị, xã hội đỉnh cao trong lịch sử. Với cách hiểu này thì có lẽ thuật ngữ Khai Sáng sẽ hợp lý hơn về ngữ nghĩa và có nhiều giai đoạn hay thời điểm khác cũng có thể coi là có tính “Khai Sáng”, ở đây, trong tiểu luận này, vẫn dùng thuật ngữ “Khai Sáng” theo cách gọi phổ biến.

Có những giai đoạn trong thời kỳ cổ đại có thể coi là giai đoạn Khai Sáng của loài người với sự xuất hiện của những triết gia, nhà tư tưởng hay những tôn giáo lớn, cả ở phương Đông và phương Tây. Tiêu biểu nhất ở phương Tây là các triết gia Hy Lạp cổ đại với: Socrates, Plato, Aristotle và Epicurus… Ở phương Đông tiêu biểu với Khổng Tử, Lão Tử, Đức Phật và các triết gia Ấn Độ. Di sản mà các triết gia Cổ đại để lại, bất chấp những thách thức của thời gian, đặc biệt là ở giai đoạn Trung Cổ, vẫn có những ảnh hưởng tới lịch sử thế giới cả ở giai đoạn cận đại và hiện đại.

Ngoài “hai thời kỳ Khai Sáng” lớn đã nêu trên thì ngay trong lịch sử hiện đại và đương đại, cũng có những sự kiện mà toàn bộ hoặc phần lớn loài người “bừng tỉnh” khỏi những “cơn mê lớn”. Như ở thời điểm thế kỷ 19 -20, khi mà mặt trái của chủ nghĩa tư bản dẫn tới các cuộc chiến tranh thế giới, toàn thể nhân loại phải trả giá hiểu và buộc phương Tây phải điều chỉnh để nhận thức lại về chủ nghĩa tự do cổ điển, nhận thức lại vai trò của nhà nước (tiêu biểu là sự hình thành và sự phát triển của kinh tế học Keynes), dẫn tới những quan điểm về nhà nước phúc lợi hay sau này là nhà nước kiến tạo. Ở một nhánh khác, ở cuối thế kỷ 20, khi các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu cũ “bừng tỉnh”, những thách thức của thực tiễn khiến Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã và buộc phải mày mò về một con đường mới. Những sự kiện trên có thể không mang tính chất “tiêu biểu” hay “bước ngoặt” to lớn như 2 thời kỳ khai sáng, nhưng hoàn toàn có thể ghi nhận như một sự “trưởng thành” trong nhận thức của toàn thể loài người.

Trong tiểu luận này, khái niệm “các giá trị Khai Sáng” được nhắc chủ yếu là các giá trị được tạo lập ở thế kỷ 18 tại châu Âu, tuy nhiên, có sự liên hệ với giai đoạn Cổ Đại và các tư tưởng ở các thời kỳ khác của lịch sử.


Con người tự do, trước hết là nhờ thoát khỏi "cơn mê lớn"...
.

  1. Các giá trị Khai sáng thời kỳ Cổ đại

Trình bày một cách đầy đủ về các nội dung Khai Sáng trong một tiểu luận là điều không thể, mục tiêu của phần này là thông qua tư tưởng của các triết gia và các sự kiện có liên quan để tạo dựng một cái nhìn sơ lược về các giá trị Khai Sáng ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại.

Các giá trị Khai Sáng thế kỷ 18 đã được “gieo mầm” từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Về mặt tư tưởng, di sản mà thời kỳ này để lại có thể khái quát qua các điểm sau:

  • Nỗ lực lý giải thế giới và tình yêu đối với tri thức. Tiêu biểu là thông qua việc hình thành nên thuật ngữ “philosophy” tức là “yêu sự thông thái”.
  • Thái độ của các triết gia đối với cường quyền. Tiêu biểu là cái chết của Socrates.
  • Tinh thần hay phương pháp đối với di sản của tiền bối: tri thức và hiểu biết phải liên tục gia tăng, chân lý là khát vọng tối cao đối với những trí thức. Tiêu biểu là quan điểm của Aristotle: “Tôi yêu Platon, nhưng tôi yêu chân lý hơn”.
  • Những quan điểm cơ bản về bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học và triết học chính trị được hệ thống hóa. Tiêu biểu là tác phẩm của Platon như “Cộng Hòa”, “Đối thoại Socratic” hay của Aristotle như “Chính trị luận”, “Siêu hình học”…



Bức tranh "Cái chết của Socrate" (La Mort de Socrate, 1787), họa phẩm của Jacques-Louis David, hiện được trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. Việc xét xử Socrate là một cuộc xét xử chính trị do chính thể buộc tội ông làm suy yếu sự lãnh đạo của Nhà nước, còn đó là sự đấu tranh đến hơi thở cuối cùng của ông để bảo vệ lẽ phải và đức hạnh.

.

Về mặt thực tiễn, sự phát triển rực rỡ về văn hóa, văn học, nghệ thuật của Hy Lạp dựa trên cơ sở của sự tự do thể hiện (mà tiêu biểu là sự hình thành các quảng trường lớn) và sự thành công về mặt quân sự và bành trướng lãnh thổ của đế chế La Mã, vốn được vận hành bởi chế độ nghị viện ở thời kỳ ban đầu; đã tạo ra những tiền lệ và niềm tin cho các nhà tư tưởng Khai Sáng về sau.

Chính vì những di sản đã nêu trên, nên dù các Giá trị Khai Sáng ở thời kỳ cổ đại bị “che lấp” bởi Thần học và Tôn giáo trong thời kỳ Trung Cổ thì sau giai đoạn Phục hưng, khi mà có các điều kiện hội tụ tại thế kỷ 18, các giá trị Khai Sáng đã “bùng nổ” và tạo nên bước ngoặt. Có thể nói, trong thời kỳ Cổ đại, các luận điểm và triết lý của Phương Đông cũng không hề thua kém các tư tưởng của Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, do thiếu đi hai yếu tố sau (yếu tố về phương pháp và yếu tố về nền tảng được hệ thống hóa) nên không phát triển được vào các giai đoạn sau này.

  1. Các giá trị Khai Sáng tại thế kỷ 18

Những tiền đề chothời kỳ Khai Sáng tại châu Âu (và cả Bắc Mỹ) vào thế kỷ 18 bao gồm:

  • Cảm hứng hay “hạt giống” được gieo mầm từ giai đoạn Cổ Đại, thời kỳ Hy Lạp – La Mã
  • Nền tảng giáo lý của Kitô giáo, đặc biệt là những luận điểm trái ngược nhau về con người (sinh vật thấp hèn ti tiện mang tội tổ tông nhưng lại cũng là giống loài được nhào nặn từ hình hài của Chúa). Sự bất đồng trong việc lý giải Kinh Thánh, tạo thành sự chia cắt giáo hội và đặc biệt là việc Đạo Tin lành hình thành trong thời kỳ Cải cách là tiền đề tư tưởng và cấu trúc xã hội trong những tư tưởng Khai Sáng.
  • Chủ nghĩa nhân văn, các thành tựu về khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật và cấu trúc xã hội châu Âu thời kỳ đó.
  • Sự thành công của Cách mạng công nghiệp làm thay đổi căn bản nền tảng kinh tế và cấu trúc xã hội châu Âu thời kỳ đó.


Cách mạng công nghiệp ở Châu Âu

.

Những nội dung chính yếucủa các giá trị Khai Sáng thế kỷ 18:

  • Thay đổi nền tảng nhận thức luận: đề cao vai trò của Lý tính và ở khía cạnh nào đó là của kinh nghiệm, tạo ra đối trọng trong tư duy với niềm tin tôn giáo. Từ đó hình thành nên quan điểm: mọi kiến thức, tri thức đều phải chịu sự tra vấn. Từ cơ sở đó, các Triết gia Khai Sáng truy vấn các niềm tin và định kiến cũ tại thời kỳ đó, kể cả các quan niệm về tôn giáo, nhà nước, đạo đức vốn được hình thành và “bảo kê” bởi các nguyên lý hay niềm tin tôn giáo kinh viện và giáo điều. Tiêu biểu là: René Descartes (1596-1650) với châm ngôn: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”; Kant với các tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy… David Hume, John Locke với các quan điểm về nhận thức Duy nghiệm.


Bức tượng Người suy tưởng của nhà điêu khắc Rodin lấy cảm từ câu nói nổi tiếng "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" của triết gia Pháp René Descartes (1596–1650)

.

  • Thay đổi quan niệm về mối tương quan giữa con người và con người, con người và nhà nước, con người và xã hội. Hình thành nên những quan niệm mới để tạo lập một xã hội văn minh như: quyền tự nhiên mặc định vốn có của mỗi người mà không ai có thể xâm phạm được, sự bình đẳng trước pháp luật. Các văn bản như Hiến pháp Mỹ, khẩu hiệu của cuộc Cách mạng Pháp đều xuất hiện vào thời kỳ này và trở thành cơ sở cho những lý luận hiện đại…
  • Quan điểm Khế ước xã hội về sự hình thành các quốc gia và những chuyên khảo về việc làm thế nào để có một chính quyền tốt. Tiêu biểu là các tác phẩm: Thomas Hobbes với tác phẩm “Leviathan”, John Locke với “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, Rosseau với “Khế ước xã hội” và đặc biệt là Montesquieu với quan điểm về Tam quyền phân lập…
  • Sự hình thành và hoàn thiện của lý luận về Chủ nghĩa tư bản, mà nổi bật nhất là tác phẩm “Của cải của các quốc gia” của Adam Smith. Tuy nhiên, sẽ công bằng hơn khi cho rằng chủ nghĩa tư bản là con chung của: David Hume, John Lock và Adam Smith.
  • Những quan điểm đột phá về đạo đức và giáo dục. Đặc biệt là Kant với “Phê phán Lý tính thực hành” và Rosseau với “Émile hay là về giáo dục” dù hai quan điểm có nhiều khác biệt nhưng đều tác động mạnh mẽ tư tưởng của thời đại.
  • Các quan điểm về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật. Tiêu biểu là Voltaire: “Tôi không tán thành điều anh nói, nhưng tôi bảo vệ đến chết quyền được nói của anh” và Kant trong tiểu luận: “Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?”.
  • Quan điểm mới về nữ quyền: Mary Wollstonecraft (1759-1797) với tác phẩm Tuyên ngôn về các quyền của phụ nữ.


Các triết gia Khai Sáng tiêu biểu

.

Sự kế thừa và phát triển của các lý luận Khai Sáng ở thời kỳ saumột cách tiêu biểu

  • John S. Mill với tư tưởng về Tự Do, nhận diện mối đe dọa mới, thực sự đối với tự do cá nhân và các “thiết chế” xã hội, bảo vệ tự do cá nhân trên cơ sở “thuyết công lợi” – Tác phẩm “Bàn về tự do”. Đồng thời, cùng nhấn mạnh ảnh hưởng của nền tảng nhận thức của nhân dân và cách tổ chức chính quyền để có thể có “một chính thể tốt thực sự cho tất cả chứ không phải cho đa số” – tác phẩm “Chính thể đại diện”.
  • Gustave Le Bon, với các phân tích sâu sắc về Tâm lý học đám đông, tâm hồn các dân tộc hay tâm lý học các cuộc cách mạng. Tác phẩm: “Tâm lý học đám đông”, “Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc”, “Cách mạng Pháp và tâm lý học các cuộc Cách mạng”…
  1. Tư tưởng Phan Châu Trinh và các giá trị Khai Sáng

Công bằng mà nói, các luận điểm của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh chưa thể gọi là một hệ thống triết học có thể so sánh với các triết gia Khai Sáng. Tuy nhiên, với sự nhất quán trong chuỗi triết lý và đặc biệt là việc có sự tổng kết – hệ thống hóa vào cuối đời tại 02 tiểu luận: “Đạo Đức và Luân lý Đông Tây” và “Quân trị Chủ nghĩa và Dân trị Chủ nghĩa” thì hoàn toàn có thể gọi hệ thống các triết lý – luận điểm của Bậc tiền bối Phan Châu Trinh là một Tư Tưởng. Và bằng việc so sánh các luận điểm tiêu biểu của Tư tưởng Phan Châu Trinh với các giá trị Khai Sáng, ta có thể hiểu được di sản mà Bậc tiền bối đã để lại.

  • Điểm đột phá về phương pháp: Tách bạch “Đạo đức và Luân lý” tạo cơ sở cho việc liên tục phát triển và tiến tới tiệm cận chân lý

“Xưa nay ta học chỉ đọc ngoài miệng thôi, ít khi chịu tách bạch cho phân minh từng nghĩa nên nhiều khi hiểu lầm. Như chữ đạo đức và luân lý ta thường cho là một nghĩa chớ không biết rằng đạo đức là đạo đức, luân lý là luân lý. Đạo đức gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi…. Đạo đức đã như thế thì không có mới có cũ, có Đông có Tây nào nữa, nghĩa là nhất thiết đời nào, người nào cũng giữ được đạo đức ấy mới là trọn vẹn. Dầu nhà bác học xướng ra học thuyết nào khác nữa, dầu các chính thể khác nhau hoặc dân chủ, hoặc quân chủ, hoặc cộng sản đi nữa, cũng không tài nào vượt qua khỏi chân lý của đạo đức, nghĩa là đạo đức thì không bao giờ thay đổi được.

Luân lý thì không thể. Luân lý có thể thay đổi được luôn. Luân lý thì mỗi người mà khác”.

(Đạo đức và Luân lý Đông Tây, Phan Châu Trinh)

“… Nhưng một tập đoàn của những vị linh mục, ví dụ một đại hội nhà thờ, hay giai cấp (Classis) đáng kính (như họ tự mệnh danh như thế giữa người Hòa Lan) có nên được có thẩm quyền tuyên thệ với nhau tự cho mình có bổn phận với một biểu tượng nào đó bất di bất dịch, để thực hành càng mạnh hơn một chính sách đỡ đầu tối cao trên đầu mỗi người trong hội viên của họ và qua đó trên đầu nhân dân, và từ đó vĩnh viễn hóa chính sách ấy không?

Tôi nói: Điều ấy hoàn toàn không thể được. Một thỏa ước hầu chận đứng vĩnh viễn tất cả những khai sáng lâu dài hơn của loài người, được ký kết như thế, là tuyệt đối không được và không thể có được; và ngay cả trong trường hợp nó được xác nhận bởi một quyền lực tối cao, bởi hội đồng nhà nước và những hiệp ước hòa bình trọng thể nhất. Một thời đại không thể tự câu kết với nhau và thề nguyền đặt thời đại kế tiếp trong một tình trạng, mà trong đó đối với thời đại đi sau mọi khả năng mở rộng những tri thức còn nhất thời, để tẩy sạch những sai lầm, và có thể tiến xa hơn trong sự khai sáng đều bị tiêu diệt. Điều đó sẽ là một tội ác nghịch lại bản chất con người, mà định nghĩa nguyên thủy của nó nằm chính trong sự tiến bộ ấy: và như thế những kẻ hậu sinh hoàn toàn có quyền bác bỏ những quyết định đã được chấp nhận một cách vô thẩm quyền và càn bậy…” (Trả lời câu hỏi Khai Sáng là gì?, Kant)

Như đã phân tích ở trên, các tư tưởng phương Đông không phát triển được vì thiếu đi sự phát triển liên tục (tiêu biểu là quan điểm về ngũ hành, có sự thay đổi, tương tác nhưng không có sự phát triển, tiêu hóa). Về sau, đã là lời “thánh hiền” thì chỉ có “tầm chương trích cú” chứ không được phân tích, phê phán hay “đánh đổ”. Từ đó không có bước phá triển đột phá. Bằng quan điểm về “Đạo đức” và “Luân lý” Bậc tiền bối Phan Châu Trinh đã ‘gieo mầm’ về việc phát triển lý luận phê phán liên tục để phát triển, tiền đề cho việc thoát khỏi “phương pháp” của Phương Đông.

  • Quan điểm ôn hòa, xây dựng đất nước văn minh trên cơ sở nâng cao nền tảng nhận thức của nhân dân hơn là nỗ lực thay đổi đất nước thông qua các cuộc cách mạng bạo lực. Tiêu biểu qua khẩu hiệu “Chi Bằng Học” và “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”

“Nhưng sự kiện một Quần Chúng (Publikum) tự mình khai sáng cho mình, điều ấy có triển vọng… Khai sáng bằng một cuộc cách mạng có lẽ sẽ chỉ đem đến sự truất chế một chế độ chuyên chế độc tài và sự đàn áp đầy tham muốn hưởng lợi và cai trị người khác của cá nhân độc tài, nhưng không bao giờ đem đến một sự sửa đổi chân chính thật sự cho cách thể tư duy cả; ngược lại những định kiến mới lại sẽ được sử dụng giống hệt như những cái cũ dùng để làm đường lối chỉ đạo cho đám lau nhau vô đầu óc kia.” (Trả lời những câu hỏi Khai Sáng là gì?, Kant)


“… Làm cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn của một dân tộc thì lại rất khó.” (Cách mạng Pháp và tâm lý các cuộc cách mạng, Le Bon)

“Cá tính của một dân tộc và những tín ngưỡng của dân tộc ấy: đó là chìa khóa cho định mệnh của nó” (Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc, Le Bon)

“Yếu tố thứ nhất của chính thể tốt là phẩm hạnh và trí tuệ của những con người hợp thành cộng đồng” (Chính thể đại diện, J.S.Mill)

Đây là quan điểm đã khiến Tư tưởng Phan Châu Trinh không thể trở thành quan điểm chủ đạo, đem lại độc lập tự do cho dân tộc trong thời kỳ Pháp thuộc. Tuy nhiên, lại trở thành đặc biệt phù hợp trong thời đại ngày nay, khi mà xu hướng hòa bình và đối thoại trở thành giải pháp chủ đạo, được ghi nhận là giải pháp tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn.

  • Phê phán quyền lực Gia trưởng thứ nuôi tư tưởng chuyên chế toàn trị phương Đông.

Ta thử xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo việc đời, thì cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi các cửa ông lớn này, ông lớn nọ để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.” (Đạo đức và Luân lý Đông Tây, Phan Châu Trinh).

“Xã hội kỳ cựu nhất, và là xã hội duy nhất có tính cách tự nhiên, là gia đình, ngay cả như vậy, con cái chỉ duy trì sự liên hệ với người cha chừng nào chúng còn cần để tồn tại. Khi nhu cầu này chấm dứt thì sự ràng buộc tự nhiên đó cũng tự giải tỏa.

Khi con cái giải thoát khỏi sự phục tùng của người cha, và người cha không còn bị bắt buộc phải lo cho con cái nữa thì tất cả trở nên độc lập với nhau…” (Khế ước xã hội, Rosseau).

“Vậy thì quyền lực của cha mẹ đối với con cái, xuất phát từ bổn phận vốn có của họ, là để chăm sóc chúng ở giai đoạn chưa trưởng thành… nhưng khi đã đạt đến trạng thái khiến cha anh là người tự do thì anh cũng tự do… nhưng hai loại quyền lực này quyền lực chính trị và quyền lực gia trưởng là hoàn toàn tách rời và phân lập nhau, được xây dựng trên những nền tảng rất khác nhau” (Khảo luận thứ hai về chính quyền, Locke).

Phê phán một cách sâu sắc về quyền lực gia trưởng là điểm nổi trội, là nỗ lực giải quyết căn bản các vấn đề trong “căn tính Việt” của tư tưởng Phan Châu Trinh. Chính quyền lực gia trưởng là chỗ dựa cho quyền lực toàn trị, tạo nên một mớ “hổ lốn lý tính loằng ngoằng”, khóa chặt sự tự do tư duy trong mỗi con người Việt, Sự không rõ ràng giữa “nước” và “nhà” đã từng giúp dân tộc Việt có thể sinh tồn trong quá khứ, nhưng lại chính nhân tố tạo ra sự không minh bạch, vô kỷ luật và trở thành rào cản “khóa chặt” năng lực của người Việt, khiến dân tộc Việt không thể tiến xa và phát triển nhanh để “hóa rồng”.

  • Phê phán vai trò của tầng lớp lao động trí óc Việt

“Chẳng những vua quan chuyên chế mà thôi, họ còn lập mưu kéo cả kẻ làm cha, kẻ làm chồng vào cạm độc ác ấy nữa để cho tiện việc chuyên chế của bọn họ. Một bọn hủ nho mắc cạn còn vẽ rắn thêm chân vào, đem những tư tưởng rất nông nổi truyền bá ra để trói buộc dân gian…

… Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược, nào chạy xuôi, dầu có ruộng, dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cần được lấy chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay!...

… Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi, trừ hại, tự cường, tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ nước ngoài tràn vào mà thôi”. (Đạo đức và Luân lý Đông Tây, Phan Châu Trinh).

Một trong những bi ai lớn nhất của dân tộc Việt là thiếu hụt đi một tầng lớp trí thức thực sự. Trong lịch sử, phần đông là những người mưu sinh bằng nghề học chữ làm quan, chứ rất ít người tự ý thức mình là người gánh vác công việc tư duy cho toàn xã hội, Lâu lâu, trong những giây phút ngặt nghèo, lại may mắn có một hai người xuất sắc xuất hiện. Chưa bao giờ dân tộc Việt thực sự hình thành một tầng lớp thực sự. Thiếu đi một tầng lớp trí thức thực sự. Tức là dân tộc Việt thiếu đi những giải pháp để lựa chọn. Cũng không có một tầng lớp để điều hòa và cân bằng tư tưởng xã hội. Tất yếu dẫn đến những phản ứng cực đoan.

  • Phê phán phương pháp cai trị quân chủ, ủng hộ các quan điểm phát triển đất nước dân chủ, ủng hộ quyền tự do ngôn luận.

Những quan điểm về tự do ngôn luận của tư tưởng Phan Châu Trinh thể hiện rất rõ qua việc Bậc tiền bối phê phán chính sách cấm học trò, nho sinh bàn chuyện chính trị của Triều đình nhà Nguyễn rất quyết liệt. Đồng thời, việc cổ vũ cho các quan điểm, thượng tôn pháp luật, dân chủ và tự do cũng hết sức sâu sắc trong tiểu luận “Dân trị chủ nghĩa và Quân trị chủ nghĩa”.

“… Khốn nạn thay cái tính loài người; thấy người ta tôn trọng mình bao nhiêu thì mình lại thêm kiêu hãnh bấy nhiêu; thấy người ta kính nể mình bao nhiêu thì mình lại càng tự thần tự thánh bấy nhiêu; người ta chiều chuộng mình thì mình lại muốn ngồi lên đầu người ta; Không những thế lại muốn truyền cho con cháu từ đời này qua người khác như cái gia tài riêng của mình. Đất muốn cho ai thì cho như là bán ruộng, còn dân thì làm như bọn mọi vậy…

... Vua Á Đông thì họ không làm như thế. Họ lựa ở trong các lời nói của ông Khổng, ông Mạnh hoặc ở trong sách cổ có những câu nói có nhiều ý nghĩa để họ dựa vào đó; Họ lập ra pháp luật để bó buộc, cai trị dân; cái ngôi vua thì gọi là con Trời, nhưng họ cũng cứ xưng họ là người, chẳng những họ không đứng ra cái ngoài hàng bà con của dân mà họ lại đứng vào cái hàng thân thiết của dân, như là ta nói “quân, sư, phụ”, lại thường nói “Vua, Cha, Chồng”. Dù ở chốn hương thơm rách nát không biết ông vua thế nào, nhưng mà họ thấy đứng vào hàng cha, chồng thì họ cũng đứng vào đám thân thiết. Dân ngu thì họ cứ kính cứ yêu, chứ họ có biết đâu đến hồi giận của ông vua thì ông giết cả ba họ người ta, chớ có khi nào làm hại làm ác như thế, Còn khi cha mẹ đẻ ta ra, thì đói, no, sống, chết thế nào cũng ở trong tay mẹ ta, nào ông vua có biết đến đâu. Thế mà đến hồi tuổi ta lồng lộng lớn lên thì đánh một tiếng là “Tôi trời con vua”. Ông vua muốn cho sống thì được sống, ông vua muốn cho chết thì phải chết, ta không có thể chối cãi lại được, là nghĩa lý gì…

… Trong nước đã hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp, Cái quyền chính phủ cũng bởi hiến pháp quy định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau…” (Dân trị chủ nghĩa và Quân trị chủ nghĩa, Phan Châu Trinh).

.

C. Kết luận

“Có người hỏi luân lý ta mất thì ta có đem luân lý của Âu châu về ta dùng hẳn có được không?

Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?

Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy”. (Đạo đức và Luân lý Đông Tây, Phan Châu Trinh).

Ông Nguyễn Đông Hào, cháu ngoại cụ Phan, chuẩn bị cho lễ giỗ lần thứ 90 tại nhà thờ Phan Châu Trinh ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?

    08/09/2020Thái Kim Lan, Phạm Toàn, Phạm Minh NgọcTri thức, đặc biệt là tri thức triết học có tầm bao quát nhiều thời đại, liên kết toàn bộ lịch sử loài người tới từng vấn đề thời sự của mọi nơi, mọi lúc trên hành tinh. Một tiểu luận "Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì?" của Immanuel Kant, triết gia Đức viết năm 1783, đặt nền móng cho kỷ nguyên Khai Sáng của nhân loại, vẫn mang những giá trị hết sức thời sự với người Việt chúng ta...
  • Cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh và những trớ trêu lịch sử

    27/03/2019GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc LanhHôm nay: ngày giỗ - hơn nữa, ngày giỗ thứ 90 - cụ Phan Châu Trinh. Nhớ tới tổ tiên, con cháu biết đâu kể đấy, mong tái hiện ngày càng đầy đủ về bậc tiền bối. Dịp này, tôi xin điểm lại vắn tắt đôi điều tôi thu nhận được - và tỉnh ngộ ra - trong quá trình tìm hiểu di sản của Cụ...
  • Khai sáng, suy ngẫm từ một điển hình Nhật Bản

    02/04/2018Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19...
  • Triết học Kant: Từ khai sáng nhân loại đến đạo đức của người Việt

    26/05/2017Phạm TrangVới những lý giải thế giới quan của triết học Kant về lý tính - cơ sở lý luận cho đạo đức của xã hội loài người - ai đã soi vào cũng đều im lặng nhận ra và tự sửa mình...
  • Tại sao hôm nay chúng ta chậm chạp trong việc nghiên cứu Phan Châu Trinh?

    10/04/2017Vương Trí NhànDù đã nhất trí với nhau trong nhận định rằng Phan Châu Trinh xứng đáng là nhân vật “ đinh và đỉnh” của lịch sử hiện đại, nhưng hầu như chúng ta vẫn chưa tìm được câu trả lời tại sao như vậy và nếu thế thì tư tưởng chủ đạo ở Phan là gì...
  • Phan Châu Trinh với tư tưởng canh tân đất nước

    21/03/2017Lê Thị HươngChí sĩ Phan Châu Trinh lựa chọn một con đường, một hướng đi mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng theo ngọn cờ dân chủ tư sản, để làm được điều đó, trước tiên nhà cách mạng hô hào, cổ động quốc dân mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, nhằm làm cho thương gia người Việt giành ưu thế trên chính mảnh đất quê hương mình...
  • Vì sao Obama nhắc tới Phan Châu Trinh trong bài phát biểu “chạm trái tim”?

    03/06/2016Vì sao một Tổng thống Mỹ như ông Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải một nhà Duy Tân nào khác và điều đó gợi mở cho chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay?
  • Tinh thần "khai sáng"

    15/01/2016Duy LinhTôi cho rằng cái mà tôi và nhiều bạn trẻ khác đang thiếu chính là một tinh thần “khai sáng”...
  • Nhớ về buổi nói chuyện “Trưởng thành và Khai sáng” ngày 14/7/2011

    05/08/2015Một người trên 18 tuổi thì được coi là trưởng thành nhưng là trưởng thành về mặt sinh học. Một người chỉ được coi là “trưởng thành” về mặt trí tuệ và nhận thức khi người đó được “khai sáng” thông qua “sự học”, “thực học” và “biết học”. Đó là người có suy nghĩ và tư duy độc lập, dám nghĩ và dám tin để từ đó biết lỗi, biết ơn, biết sáng tạo, có khả năng phân biệt đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu; biết cái gì đáng khinh, cái gì đáng trọng…
  • Khai sáng và phản khai sáng

    09/01/2015Thế kỷ XVIII, Kant đã đưa ra định nghĩa về Khai sáng: "... Khai sáng là sự dũng cảm DÁM sử dụng bộ não của mình để nhận thức mà không bị lệ thuộc và những người khác..."
  • Giáo dục và vai trò của những người trẻ "Khai sáng"

    05/08/2014Kiều Hải (thực hiện)Tròn 5 năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hội nhập và khẳng định nội lực và để phát triển, theo TS Ngô Tự Lập (Chủ nhiệm bộ môn KHXH-NV và Kinh Tế, Khoa Quốc Tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội),đất nước cần những người trẻ có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, như tinh thần khai sáng...
  • Khai sáng là gì?

    02/02/2014Michel FoucaultBản thảo “Khai sáng là gì?” của Foucault xuất hiện lần đầu qua Anh ngữ in trong The Foucault Reader (1984), do Paul Rabinow biên tập, Catherine Porter chuyển ngữ. Cũng như Kant trong tiểu luận Trả lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì?/ Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?, Foucault viết bài này nhằm trả lời và tranh luận với Jürgen Habermas (về sự phê phán trong Diễn ngôn triết lý của Hiện đại/ Der philosophische Diskurs der Moderne) và với Walter Benjamin về Baudelaire, mà tôi sẽ bàn tới sau phần dịch thuật.
  • Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng

    12/05/2012Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
  • Giáo dục khai sáng

    01/09/2011TS. Hồ Thiệu HùngNgày khai giảng năm học mới đang đến gần. Guồng máy giáo dục sẽ lại được
    huy động hết công suất cho việc dạy và học. Trong bối cảnh giáo dục
    “phải đổi mới căn bản và toàn diện” nhằm phục vụ công cuộc đào tạo nguồn
    nhân lực, tương lai của nước nhà đang được định hình qua tầm vóc trí
    tuệ và bản lĩnh của thế hệ ngồi trên ghế nhà trường hôm nay. Tầm vóc này
    phụ thuộc vào mức độ được khai sáng của thế hệ trẻ.
  • Tư tưởng, phong trào Khai Sáng là gì?

    09/10/2010Bùi Quang MinhPhong trào Khai sáng là phong trào bắt đầu thời thế kỷ 18 ở châu Âu, coi việc tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng tiến bộ, nâng cao các chuẩn mực đạo đức và tri thức khoa học (chứ không phải tôn giáo, điều giáo điều có sẵn) là những phương tiện quan trọng để biến đổi cuộc sống xã hội, con người, làm cho nhân loại tiến bộ.
  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

    27/09/2010Bùi Quang MinhĐể ý nhiều bạn trẻ, trung niên, và cả bậc cao niên lảng tránh bàn luận việc lớn nhỏ của đất nước, dân tộc hay của chính họ, tôi nhận thấy nguyên nhân chung họ đưa ra là: “Ôi dào, rách việc, nghĩ nhiều thì cũng đến thế, việc khó để người khác lo”. Có phải họ lười suy nghĩ, hay là họ ích kỷ cá nhân, họ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ về dân quyền và việc quốc gia hay là họ đang thờ ơ với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình chăng? Họ chưa trưởng thành dù cho cơ thể và địa vị xã hội của họ đã lớn...
  • xem toàn bộ