Nhớ về buổi nói chuyện “Trưởng thành và Khai sáng” ngày 14/7/2011
Xem thêm:
Bùi Văn Nam Sơn học triết học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn từ 1964 - 1968, sang Đức du học từ năm 1968, sau đấy định cư và giảng dạy triết tại Đức.
Sau hơn 40 năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài, ông trở về Việt Nam và bắt đầu sứ mệnh là chiếc cầu nối giữa khối tri thức khổng lồ của tinh hoa triết học nhân loại và người Việt đồng thời góp phần tạo điều kiện cho tầng lớp trí thức có căn bản học thức và phẩm hạnh đường hoàng.
“Khai sáng” và “trưởng thành” là một cặp luôn song hành với nhau, cái trước là tiền đề, cái sau là hệ quả; cái trước là điều kiện, cái sau là kết quả. Một người được coi là trưởng thành chỉ khi họ được khai sáng và ngược lại, một người được khai sáng thì bất luận tuổi tác ra sao cũng được coi là trưởng thành.
"Khai sáng là khả năng thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ để sử dụng tri thức của mình (một cách độc lập) mà không cần sự chỉ dẫn của người khác”. Nhà triết học Đức nổi tiếng Immanuel Kant khẳng định như vậy trong tiểu luận “Thế nào là khai sáng?”.
Một người trên 18 tuổi thì được coi là trưởng thành nhưng là trưởng thành về mặt sinh học. Một người chỉ được coi là “trưởng thành” về mặt trí tuệ và nhận thức khi người đó được “khai sáng” thông qua “sự học”, “thực học” và “biết học”. Đó là người có suy nghĩ và tư duy độc lập, dám nghĩ và dám tin để từ đó biết lỗi, biết ơn, biết sáng tạo, có khả năng phân biệt đúng - sai, hay - dở, tốt - xấu; biết cái gì đáng khinh, cái gì đáng trọng…
Không có tư duy độc lập, không ý thức được quyền và nghĩa vụ thực sự của công dân, khó có thể có “người lớn”, người trưởng thành, người được khai sáng. Đầu thế kỷ XX, nhà thơ Tản Đà có viết: “Dân hai lăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. Câu thơ thật ý nhị và sâu sắc, nó chỉ có thể xuất phát từ sự trải nghiệm, sự quan sát tinh tế, sâu sắc đời sống xã hội và một sự khái quát tài tình.
Ngót trăm năm đã trôi qua, định đề mà tiền nhân đặt ra vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, cho dù dân đã không còn là “hai lăm triệu” nữa!
Vấn đề là làm thế nào để được khai sáng, hay nói cách khác, hành trình để trở thành “người lớn”, người trưởng thành cần phải trải qua những “công đoạn” nào, con đường nào?
Buổi nói chuyện suốt 2 tiếng, trên tinh thần “Lùi một bước để cùng suy nghiệm”, diễn giả đã truyền một thông điệp mạnh mẽ rằng, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH phải là một con người tự do, phải phản tỉnh, phải dũng cảm. Người trưởng thành phải trải qua một quá trình gian khó mà mỗi người phải "giết cha" *)
Chừng nào bạn còn chưa giết vài người thì bạn sẽ chẳng bao giờ trở nên trưởng thành. Bạn phải giết bố mẹ mình, bạn phải giết thầy giáo mình, bạn phải giết những người lãnh đạo của mình. Họ tất cả đều la hét bên trong bạn, và họ không cho phép bạn trở thành người đã lớn - họ cứ giữ bạn còn ngây thơ. Họ làm cho bạn thành phụ thuộc, họ không cho phép bạn độc lập.)
Không gì dễ dãi bằng việc làm một con người không trưởng thành: ta không phải chịu trách nhiệm, ở nhà có ba mẹ chỉ cách làm, ở công ty có sếp chỉ đạo... “Bé dại” hay “to đầu mà dại” đến dễ dàng làm sao bởi ta ai chả muốn: sướng thân, nhẹ đầu, an nhàn, sung sướng, không vướng bận trách nhiệm, không phải đi sâu tìm hiểu gì cho nhọc thân… Làm một người trưởng thành thì phải quyết định, chịu trách nhiệm với cái đầu của mình, dù rất gian khổ, khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Đất nước đã bỏ lỡ hơn 100 năm và bây giờ chúng ta vẫn phải quay trở lại nói về điều cơ bản như NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH – Phải tự sử dụng trí khôn của mình để quyết định một việc gì đó không cần sự hướng dẫn của người khác. Chúng ta phải tiếp bước con đường cụ Phan Châu Trinh đã đi để xóa bỏ những câu nói đầu thế kỷ 20 mà nay vẫn còn nguyên giá trị " Dân hai nhăm triệu ai người lớn, nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con". (Tản Đà, 1929)
Trưởng thành và Khai sáng hòa quyền vào nhau và làm ta không người lớn khôn. Người châu Âu, châu Mỹ đã trải qua thời kỳ rất dài nhiều lần Đại khai sáng, còn khu vực khác thì chưa thấy.
Các thuật ngữ do con người tạo ra có vận động, phát triển – ví dụ như từ Tự Do nội hàm tiến bộ của nó làm thay đổi, lay chuyển xã hội. Từ “Tự do” khi về đến châu Á dịch từ freedom sang dùng theo nghĩa Hán là Tự tung tự tác, vô pháp vô thiên – đó là nội hàm xấu. Phương Đông thời đó giáo dục trưởng thành manh nha như lời dạy Khổng Tử
“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học
Tam thập nhi lập
Tứ thập nhi bất hoặc
Ngũ thập tri thiên mệnh
Lục thập nhi nhĩ thuận
Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”
nghĩa là:
Ta mười lăm tuổi mới quyết chí mà học
Ba mươi tuổi lập thân (có nghề nghiệp)
Bốn mươi tuổi không còn nghi ngờ
Năm mươi tuổi biết mệnh trời
Sau mươi nghe gì cũng thấy phải
Bảy mươi tuổi tùy theo lòng muốn gì mà làm, không câu nệ gì cả.
Chúng ta thiếu khoa học, lý luận và công cụ cho “lý thuyết trưởng thành”. Trong khi đó, phương Tây trưởng thành là triết lý giáo dục, là môn học cốt lõi cho sư phạm giáo dục.
Trưởng thành không phải là về mặt sinh lý mà phải mang 5 đặc tính (phải có 5 năng lực):
2) Tự trị
3) Năng lực tham dự đời sống chính trị, xã hội
4) Khả năng phản tư, phản tỉnh về chính mình và thế giới
5) Thiết kế cuộc đời một cách đích thực: làm chủ cuộc sống và tương lai của mình .
3 nhà triết học tiêu biểu gây dựng nên nền móng giáo dục trưởng thành là:
2) Emmanuel Kant với luận văn ngắn với tựa “Thế nào là khai sáng?”
3) Triết gia Adorno phát triển tư tưởng của Kant với việc đào thoát khỏi cái bóng tư tưởng “người cha tinh thần”. Đã trưởng thành đòi hỏi có hành động “giết cha tinh thần”*)
Jean Jacques Rousseau là người chủ trương "dân chủ", "bình đẳng" trong tác phẩm "Xã hội khế ước luận" (Du contrat social, 1762). Phần tinh túy nhất cho giáo dục của ông là học thuyết và triết lý của ông về giáo dục được trình bày trong cuốn “Émile hay những vấn đề về giáo dục”. đây là một công trình triết luận đồ sộ về bản tính của con người. Rousseau đặt nhiều câu hỏi triết học và chính trị về mối quan hệ giữa cá nhân và Xã hội. Ở đây ông phân tích quá trình trưởng thành bao gồm 03 yếu tố: 1) Tự nhiên; 2) Đồ vật; 3) Con người. Trong khi Tự nhiên và Đồ vật là những thứ bất động, hay nói chính xác hơn là rất ít biến động trong một thời gian dài, thì con người là khả biến. Do đó, con người đóng yếu tố quan trọng trong sự trưởng thành. Tạm gọi hai cái đầu tiên là "thiên chân". Ông đặt ra câu hỏi: "Làm sao có thể bảo tồn được thiên chân khi dấn mình vào cuộc sống xô bồ và đồi bại không tránh khỏi của xã hội?"
Qua câu chuyện giả tưởng về cậu bé Émile được người thầy giáo dục từ lúc mới chào đời cho đến khi lập gia đình và trở thành người "công dân lý tưởng", Rousseau phác họa một triết lý và phương pháp giáo dục giúp cho "con người tự nhiên" có đủ sức khỏe thể chất và nghị lực tinh thần để đương đầu với những thử thách trong cuộc đời. Khó có thể nói hết về tầm ảnh hưởng rộng rãi và sâu đậm của Rousseau đối với hậu thế.
Học thuyết của Rousseau về giáo dục có sức tác động mạnh mẽ, góp phần hình thành các phương pháp sư phạm khoan dung, xem trọng tâm lý lứa tuổi của giáo dục hiện đại... Đến với Rousseau là đến với trung tâm của bước ngoặt thời đại giữa "trật tự cũ" và "trật tự mới". Do đó ông không chỉ là nhà lý luận xã hội mà còn là nhà lý luận giáo dục; và việc ông là cả hai đồng thời có ảnh hưởng sâu đậm ngang nhau trên hai lĩnh vực cho thấy mối liên kết nội tại chặt chẽ giữa những biến chuyển có tính bước ngoặt xã hội ở thế kỷ XVIII ở châu Âu và việc ra đời nền tân - giáo dục cách đây hơn 2 thế kỷ.
Tác giả nhắc đến vài câu ấn tượng trong cuốn sách:
- " Con người tự do đích thực chỉ muốn cái mình có thể và chỉ làm những gì phù hợp với mình "
- " Đào tạo con người với tư cách là tác nhân cải tạo xã hội chứ ko chỉ là nhân tố tái tạo xã hội "
- " Mọi thứ từ bàn tay tạo hoá mà ra đều tốt; mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người.Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác, con người hoà trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa, con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nô lệ của mình, họ đảo lộn mọi thứ, họ làm biến đổi xấu xí mọi thứ, họ ưa sự dị dạng, các quái vật, họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế, họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy, họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ."
- "Việc học tập đích thực là học tập về thân phận con người, ai trong chúng ta biết chịu đựng tốt hơn các điều hay điều dở của cuộc đời này là người được giáo dục tốt hơn cả, do đó ta dễ nhận ra sự giáo dục đích thực ở trong các giới huấn ít hơn là ở trong luyện tập…"
Xem 4 clips dưới đây về buổi nói chuyện.
Clip số 1:
Clip số 2:
Clip số 3:
Clip số 4:
*)Giết cha với nghĩa sau: Mọi người đều được nuôi nấng lớn lên như đứa trẻ. Đó là con đường đầu tiên của bạn vào thế giới; đó là cách bạn đã được huấn luyện trong nhiều năm, để vẫn còn là đứa trẻ. Mọi thứ đều bị ra lệnh và bạn được trông đợi phải vâng lời. Bạn đã trở thành rất phụ thuộc - bạn bao giờ cũng cứ tìm hình ảnh người bố, bạn bao giờ cũng cứ tìm những người có uy quyền để bảo cho bạn điều gì phải làm, điều gì không nên làm.
Trưởng thành ngụ ý hiểu biết để quyết định cho bản thân mình, hiểu biết để có tính quyết định theo cách riêng của mình. Đứng trên đôi chân của mình - đó là điều trưởng thành là gì. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra bởi vì bố mẹ làm hỏng gần như mọi đứa trẻ, nhiều hay ít. Và thế rồi có trường phổ thông và cao đẳng và đại học - chúng tất cả đều sẵn sàng làm hỏng bạn...Rất hiếm khi ai đó trở nên trưởng thành..."
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn