Vì sao Obama nhắc tới Phan Châu Trinh trong bài phát biểu “chạm trái tim”?

11:25 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Sáu, 2016

Vì sao một Tổng thống Mỹ như ông Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải một nhà Duy Tân nào khác và điều đó gợi mở cho chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay?

LTS: Trong bài phát biểu được đánh giá “chạm tới trái tim” của người Việt Nam, Tổng thống Obama đã nhắc tới "tư tưởng Phan Châu Trinh" như đại diện của tri thức Việt Nam. Vì sao một Tổng thống Mỹ như ông Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải một nhà Duy Tân nào khác và điều đó gợi mở cho chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay. VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Trần Ngọc Vương xoay quanh vấn đề này.


GS Trần Ngọc Vương, Khoa Văn học, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phóng viên:Trong bài phát biểu trước 4.000 người Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama đã nhắc tới "tư tưởng Phan Châu Trinh" như một đại diện của tinh túy tri thức Việt Nam, cùng với thơ Nguyễn Du và toán học Ngô Bảo Châu. Vậy, tư tưởng Phan Châu Trinh có vai trò thế nào trong dòng chảy tư tưởng Việt Nam, thưa GS?

GS Trần Ngọc Vương: Đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tiến bộ xã hội trở thành công việc cấp bách mà như diễn đạt của người đương thời là "lửa xém lông mày". Thế nhưng, vào thời điểm đó, tầng lớp trí thức mới ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, những tư tưởng cách tân thực tế đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 ở những trí thức lớn như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ… Cuộc đấu tranh giữa 2 xu hướng cách tân và thủ cựu diễn ra lúc sôi động, lúc âm ỉ trong gần suốt thế kỷ thứ 19 kể cả trước khi có mặt của Chủ nghĩa thực dân cho tới khi Chủ nghĩa thực dân hiện hữu tại Việt Nam.

Trong cái áp lực chung là nếu không tự đổi mới thì cái mới ngoài mong muốn sẽ xuất hiện và làm cho cái chủ thể từng bước bị tiêu vong, từ cục bộ đến toàn thể, triều đình nhà Nguyễn đã lựa chọn cách ứng xử "cách tân để thủ cựu", một lối "đổi mới" mang tính ứng phó, chỉ nhằm mục đích giữ lại cái cũ. Đây cũng là quá trình mà triều Nguyễn đi từ "hòa" đến "hàng" trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp.

Trong bài phát biểu của mình vào chiều 24/5 tại Hà Nội, khi nói về hợp tác giáo dục Việt - Mỹ và sự thành lập Đại học Fulbright ở Việt Nam, Tổng thống Obama nói:

Sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào chính sách công, quản trị và kinh doanh, kỹ thuật và tin học, và nghệ thuật, mọi thứ từ thơ Nguyễn Du, đến tư tưởng Phan Châu Trinh đến toán học Ngô Bảo Châu.

Phong trào Cần Vương tiếp sau đó thực chất vẫn là nhằm duy trì "hồng đồ" của cha ông để lại. Và cuộc đấu tranh này cũng nhanh chóng thất bại với những bi kịch nội bộ càng ngày càng lớn. Câu chuyện của Phan Văn Bình, cha của Phan Châu Trinh thực chất cũng là một bi kịch như vậy.

Phan Văn Bình vốn là một võ quan và cũng đi theo tiếng gọi của phong trào Cần Vương trong đội quân của Lê Hiệu ở khu vực Lưỡng Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi - PV). Tuy nhiên, vì một sự việc hiểu lầm, Phan Văn Bình đã bị chính nghĩa quân khép cho tội phản bội và giết chết ngay trước mặt con trai là Phan Châu Trinh khi đó mới chỉ 13 tuổi. Đó là một cú sốc lớn đối với Phan Châu Trinh.

Đối diện với phong trào Cần Vương bằng chính mạng sống của cha mình, Phan Châu Trinh vẫn tiếp tục đi học, chuyên tâm với nghiệp khoa cử và đỗ tới Phó Bảng. Tuy nhiên, ngoài học "chữ thánh hiền" Phan Châu Trinh cũng là người tiếp cận rất sớm với các tài liệu tân văn, tân thư và ông đọc các tài liệu này một cách có ý thức, tiếp nhận và phản biện quyết liệt hơn so với những người khác.

Việc tiếp cận sớm với tân thư, tân văn đã giúp Phan Châu Trinh hiểu được những vấn đề của thế giới hiện đại, tiếp cận với tư tưởng Khai sáng đã làm thay đổi châu Âu trước đó. Cần chú ý rằng, Khai sáng không phải là một "phong trào" mà là một "truyền thống" ở phương Tây được đặt nền móng vững chắc từ nhiều thế kỷ trước đó. Cuộc Cách mạng xã hội Pháp diễn ra vào cuối thế kỷ 18 thế nhưng những thay đổi trong nhận thức xã hội đã lần lượt "vỡ ra" từ thế kỷ thứ 16.

Bản chất của tư tưởng Khai sáng chính là nguyên lý: Sự đổi mới, cách tân phải có nền tảng từ nhận thức, từ hệ hình tư duy, hệ hình văn hóa. Đó là quá trình chuyển từ thần học sang khoa học, từ tư duy siêu nghiệm tư biện luận lý sang tư duy thế tục, duy lý. Từ sự duy lý hóa, thế tục hóa xã hội mới ba động và tạo ra tất cả những điều khác.

Phan Châu Chinh với tất cả trải nghiệm cá nhân, bi kịch gia đình cũng như truyền thống học vấn và khát vọng cá nhân cũng đã lựa chọn con đường đó cho Việt Nam.

- Điều khiến tôi thắc mắc là vì sao Obama lại nhắc tới Phan Châu Trinh chứ không phải là một lãnh tụ nào khác của phong trào Duy Tân, như Phan Bội Châu?

- Trong cả một thời kỳ dài người ta thường hay nhóm sự đa dạng trong hành xử của các thủ lĩnh phong trào vào một vài người nào đó mà không nhận ra sự khác biệt giữa họ. Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cũng thuộc trường hợp như vậy khi người ta coi hai ông là đại diện nổi bật nhất của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam.

Nếu xét ở chiều sâu, trong cách cổ vũ, tập hợp lực lượng và dương ngọn cờ đổi mới, người ta có thể nói về nói về 2 cụ Phan. Thế nhưng thực chất, Phan Châu Trinh là nhân vật phức tạp hơn, phong phú hơn về mặt nhận thức và "rắc rối" về tư tưởng.


Phan Châu Trinh được đánh giá là người có tư tưởng dân chủ sớm so với các nho sĩ tiến bộ đầu thế kỷ 20.

Phan Bội Châu là một nhân cách là người vĩ đại, một con người có trái tim lớn, lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt. Ông cũng nổi tiếng là người tài ba trong chốn học hành, được coi là "người hay chữ nhất nước". Nói cách khác, về nhân cách cá nhân Phan Bội Châu hấp dẫn nhiều người. Do đó, với tư cách là người đứng đầu phong trào, Phan Bội Châu được coi là một vị huynh trưởng không thể chối cãi.

Tuy nhiên, Phan Bội Châu tiếp xúc với tân thư muộn hơn so với Phan Châu Trinh. Do đó, việc hiểu biết các vấn đề của thế giới hiện đại của ông không cập nhật bằng Phan Châu Trinh. Cho nên về mặt tinh thần, Phan Bội Châu là "con đẻ" của phòng trào Cần Vương. Đây cũng là lý do Phan Bội Châu quyết tâm theo đuổi con đường đấu tranh vũ trang, sử dụng bạo lực.

Phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu khởi xướng là cuộc vận động thất bại. Bởi mục đích ban đầu người chủ xướng ra nó sang Nhật là để cầu viện, xin quân tiếp viện, mua vũ khí, thực hiện sách lược truyền thống là "nội công ngoại kích". Dùng đấu tranh vũ trang tái lập lại phong trào đấu tranh vũ trang. Tới khi sang Nhật, gặp Lương Khải Siêu và các chính khách nhật, Phan Bội châu mới vỡ ra rằng, việc thực hiện các mục tiêu bằng phương pháp truyền thống hãy còn xa lắm.

Nói như vậy để thấy rằng, tư tưởng Phan Bội Châu chưa ra khỏi hệ hình tư duy truyền thống. Và trong thực tế, Phan Châu Trinh không đồng tình với tư tưởng của Phan Bội Châu và không ít lần hai người tranh cãi dù về quan hệ cá nhân, hai người vẫn rất kính trọng, vị nể nhau. Trong lá thư gửi Toàn quyền Beau, Phan Châu Trinh từng nói rằng: "Toàn bộ cái học của Phan Bội Châu chẳng qua chỉ là 'Chiến quốc sách' mà thôi".

Nói cách khác, với Phan Châu Trinh, mô hình lý thuyết, hệ hình chính trị mà Phan Bội Châu theo đuổi rất là cổ. Điều này phản ánh rằng trong mắt Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu không kịp nhận thức xã hội hiện đại. Và đánh giá ấy, tôi cho là khách quan và công bằng về mặt tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu.

- Vậy điều gì làm nên sự khác biệt trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, thưa GS?

- Trong bối cảnh cá nhân và xã hội như vậy, Phan Châu Trinh sớm nhận ra cái khó khăn của công cuộc cải tạo xã hội và những chặng đường gập ghềnh của tiến bộ xã hội. Vì vậy, khác với Phan Bội Châu chủ trương sử dụng bạo lực, Phan Châu Trinh chủ trương đi theo con đường khai sáng với tư tưởng khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Chủ trương mà Phan Châu Trinh đề xướng, coi là nhiệm vụ cấp bách phải làm cho nhân dân Việt Nam là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

- Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.

- Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…

Phan Châu Trinh hiểu rất rõ rằng, không có những điều đó làm nền tảng thì việc khuấy động phong trào thì chỉ dựng lại ngọn cờ cũ, đi lại con đường cũ, gặp thất bại những cái cũ đã từng xảy ra. Đấy là lý do sâu xa vì sao ông ấy không chủ trương bạo động, "ám xã" như Phan Bội Châu mà chủ trương “minh xã” - tức mọi hoạt động của ông đều minh bạch và công khai.

Bên cạnh đó, khác với chủ trương cầu viện ở nước ngoài của Phan Bội Châu và nhiều người, Phan Châu Trinh lại chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" (Dựa vào người Pháp để cải tạo xã hội). Ở đây, Phan Châu Trinh đã nhận ra mặt thứ hai của Chủ nghĩa thực dân, ấy là mặt xây dựng chứ không chỉ là mặt phá hoại. Tôi cho đó là cái nhìn tiến bộ và xa hơn rất nhiều so với Phan Bội Châu.

Từ góc độ của mình Phan Châu Trinh nhìn ra đường hướng "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" không phải là đường hướng không sáng suốt. Chúng ta chứng kiến một thực tế về sau này là chính hệ thống giáo dục của nước Pháp đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức mà chúng ta vẫn gọi là "thế hệ vàng của trí thức Việt Nam". Và chính những trí thức này sau đó đã góp một phần rất lớn trong việc loại bỏ Chủ nghĩa thực dân và tạo nền móng cho một xã hội hiện đại tại Việt Nam. Có nhìn như thế thì mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ.

- Thế nhưng dường như trong một thời gian khá dài trước đây người ta đã không nhìn thấy điều này trong tư tưởng của Phan Châu Trinh, thưa GS?

- Đúng như vậy, trong một thời gian khá dài, Phan Châu Trinh được coi như một người theo xu hướng cải lương, thiếu tinh thần mạnh mẽ của "thiết huyết", điều mà người ta tìm thấy ở Phan Bội Châu.

Khoảng vài chục năm trở lại đây, khi ta nhìn lại mối quan hệ với những cựu thù như Pháp, Nhật, Mỹ thì ta lại thấy rằng, bản thân thực thể ấy cũng không đứng yên, bản thân thực thể ấy trong quá trình phát triển của nó cũng tồn tại những mâu thuẫn. Đây là nguyên tắc nhận thức mà Marx thể hiện nhất quán, sáng suốt trong việc đánh giá vị trí vai trò của Chủ nghĩa thực dân Anh ở Ấn Độ.

Trong 2 bài viết về vấn đề này, bằng cái nhìn rất thấu thị với những tác động đa chiều của Chủ nghĩa thực dân với một xã hội thuộc địa, Marx nói rất rõ là tất cả sự kiến tạo của người Anh ở Ấn Độ, bất chấp nguyện vọng chủ quan của kẻ thực dân tất yếu đến một ngày người Ấn Độ nổi dậy chống lai người Anh và trục xuất họ ra khỏi Ấn Độ. Và thực tế sau này đã chứng minh dự báo của Marx là đúng.

Và người ta cũng bắt đầu đánh giá lại tư tưởng của Phan Châu Trinh. Từ chỗ được coi là một nhà cải lương, thiếu "sắt và máu", Phan Châu Trinh được đánh giá như một nhà yêu nước, nhà tư tưởng có chủ trương đường lối sáng suốt. Bằng chứng cho quá trình phản tư này chính là việc tên ông được lấy đặt cho một quỹ văn hóa đang ngày càng có uy tín và một trường đại học mang tinh thần khai phóng rất cao. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được rất nhiều trí thức trong và ngoài nước cộng hưởng.


Tổng thống Mỹ Obama đã nhắc đến tư tưởng Phan Châu Trinh như đại diện cho tri thức Việt trong bài phát biểu của mình. Ảnh: Phạm Hải.

Việc một Tổng thống Mỹ như Obama nhắc tới tư tưởng Phan Châu Trinh gợi mở với chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay, thưa GS?

- Thực tế, Obama không phải là lãnh đạo phương Tây đầu tiên nhắc tới tư tưởng Phan Châu Trinh. Trước đó, cũng đã có nhiều người khác xiển dương con đường mà Phan Châu Trinh lựa chọn. Điều này đặt ra cho chúng ta một yêu cầu phải quay lại, nhận thức lại và thực hành lại con đường mà Phan Châu Trinh đã lựa chọn cho Việt Nam.

Chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế tri thức, với nỗ lực xây dựng nền văn hóa độc lập nhưng đa dạng, toàn diện và thông tuệ, với việc nhìn nhận vai trò động lực của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả phải được đặt trên nền tảng dân chủ hóa, thế tục hóa, duy lý hóa và trong bối cảnh ngày nay cần nói thêm cả toàn cầu hóa nữa. Đó chính là khi chúng ta thực hiện được tư tưởng tiến bộ mà Phan Châu Trinh đã đề xướng.

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh và những trớ trêu lịch sử

    27/03/2019GS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc LanhHôm nay: ngày giỗ - hơn nữa, ngày giỗ thứ 90 - cụ Phan Châu Trinh. Nhớ tới tổ tiên, con cháu biết đâu kể đấy, mong tái hiện ngày càng đầy đủ về bậc tiền bối. Dịp này, tôi xin điểm lại vắn tắt đôi điều tôi thu nhận được - và tỉnh ngộ ra - trong quá trình tìm hiểu di sản của Cụ...
  • Phan Châu Trinh, Nelson Mandela, San Suu Kyi với Văn hóa và Giáo dục

    20/04/2018Chu HảoMột thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần Khai dân trí-Chấn dân khí của Phan Châu Trinh vẫn còn sống mãi, và chúng ta vẫn đang tiếp bước người xưa...
  • Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX

    26/12/2017Vĩnh Sính“Khi Pháp mới đến Đông Dương, nước An Nam đã chín muồi trong tình cảnh nô lệ”! Trong hoàn cảnh đất nước bi đát như thế, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai sĩ phu, hai bậc đại hào kiệt đi hàng đầu trong vận động giành lại độc lập dân tộc vào giai đoạn giao thời 25 năm đầu thế kỷ XX. Tuy cùng chung hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan trên một số vấn đề căn bản của đất nước lại rất khác nhau, thậm chí có khi tương phản...
  • Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh?

    30/05/2016Nhà văn Nguyên NgọcNói chuyện lịch sử bao giờ cũng cần rất thận trọng. Nói lịch sử với lớp trẻ càng cần thận trọng hơn. Về Phan Châu Trinh, nhân vật sáng chói đầu thế kỷ XX của chúng ta, ít ra cũng cần cố gắng nói với những người trẻ hôm nay rằng ông từng thống thiết nhận ra những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang. Vậy thì chính lớp trẻ hôm nay phải tiếp tục...
  • Lời nói chuyện của Tổng thống Obama cùng các bạn trẻ YSEALI

    30/05/2016Nam Hoàng dịchMột trong những điều làm tôi hứng thú nhất trong những chuyến đi ra nước ngoài là được ra khỏi những văn phòng chính phủ và có thời gian với các bạn trẻ như các bạn. Điều đó là niềm vui. Nó mang đến cho tôi sự lạc quan phi thường về tương lai...
  • Phan Châu Trinh và lòng tin vào sức mạnh của tri thức văn hóa

    17/03/2016Nguyên NgọcNgày 24/3 vừa qua, chúng ta có một kỷ niệm lớn: 80 năm ngày mất của Phan Châu Trinh và sau đó mấy hôm, ngày 4/4 kỷ niệm 80 năm đám tang vĩ đại của ông mà Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản hồi đó đã viết: “trong lịch sử người An nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”...
  • Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX

    03/11/2015Đỗ Hòa HớiVề Phan Châu Trinh, trước đây đã có nhiều người nghiên cứu, nhất là về vai trò, vị trí của ông đối với phong trào cách mạng đầu thế kỷ. Tuy nhiên, do phương pháp, trình độ nhận thức, cững như do hạn chế về tư liệu mà sự đánh giá về ông cũng có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Vấn đề Phan Châu Trinh trong điều kiện cho phép hiện nay đặt ra trước các nhà nghiên cứu nhiều khía cạnh mới mẻ. Trong bài viết này tác giả cố gắng tìm hiểu những đóng góp của ông vào sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX như là một thử nghiệm, một sự lựa chọn con đường phát triển cho dân tộc...
  • Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời chí sĩ Phan Châu Trinh

    07/05/2015TS. Nguyễn Văn Dương1900 (28 tuổi): Đậu Cử nhân thứ 3, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu...
  • Phan Châu Trinh cũng giống Lý Quang Diệu?

    30/03/2015Trần Công Hưng“Người Việt Nam có Hồ Chí Minh thì người Singapore có Lý Quang Diệu”. Cả Hồ Chí Minh và Lý Quang Diệu đều là người khai sinh ra dân tộc, đều là những là lãnh tụ vĩ đại. Một người đưa dân tộc nhỏ bé thắng người khổng lồ Mỹ, một người đưa đảo quốc tý hon không tài nguyên thành cường quốc kinh tế. Nhưng gần đây...
  • Phan Châu Trinh, nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ

    24/03/2015GS. Trần Văn GiàuNhân lần giỗ thứ hai của GS Trần Văn Giàu (24/11, tức 11/10 Âm lịch) Hồn Việt đăng sau đây bài Phan Châu Trinh – nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ, một tác phẩm sử học tầm cỡ của giáo sư, để bạn đọc tham khảo...
  • Tư tưởng canh tân sáng tạo nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX của chí sĩ Phan Châu Trinh

    26/09/2014Đỗ Hòa HớiVới sự nghiệp đổi mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và hiện đại hóa văn hóa dân tộc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Qua tìm hiểu chí sĩ Phan Châu Trinh, chúng tôi thấy ông là một tấm gương mạnh dạn canh tân và sáng tạo nền văn hóa dân tộc vào thời điểm đầu thế kỷ XX.
  • Phan Châu Trinh và một số vấn đề văn hóa tư tưởng hôm nay

    29/07/2014Vương Trí Nhàn... Phan Châu Trinh mang lại một cách nghĩ mới về các vấn đề quốc gia dân tộc. Sự phát triển tư tưởng ở ông đánh dấu một bước ngoặt trong việc tiếp nhận văn hóa tư tưởng phương Tây ở VN. Ông cũng có cách nhìn nhận hiện đại đối với các vấn đề thiết cốt như tình trạng đời sống tinh thần của dân tộc trong lịch sử, từ đó có quan niệm riêng về yêu nước về dân chủ -- những quan niệm sâu sắc tới mức mà xem ra ở vào thời điểm đầu thế kỷ XXI , nhiều người chúng ta vẫn còn chưa với tới được.
  • Chi Bằng Học - tư tưởng Phan Châu Trinh

    31/01/2012Phan Châu TrinhVậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”...
  • xem toàn bộ