Tinh thần Đại học
Socrate / Tô Cách Lạp Để, là một hiền triết Hy Lạp sống ở thế kỷ thứ IV trước TC; Tăng Tử là một học trò của Khổng Tử đã chép lại lời giảng của Khổng Tử thành sách Đại Học là một trong Tứ Thư của Nho Giáo; Abélard, học trò của St Anselme, giảng độc viên danh tiếng của Đại Học Paris lúc khởi thủy, thế kỷ thứ XII; Merleau- Ponty, là giáo sư triết học đương thời ở Collège de France , Pháp; Conant, viện trưởng Đại học đường Harvard, Mỹ mới hồi hưu.
Một buổi tối mùa Thu năm Nhâm Dần, cùng với vài người bạn họp nhau trong phòng sách: áp vào bốn bức tường là những giá sách uy nghi: những rặng sách chuyên môn còn thơm mùi giấy mới vững vàng đứng với những kinh truyện cổ xưa; triết lý sát cánh cùng khoa học, văn nghệ sánh vai với học thuật. Câu chuyện tự nhiên cũng lên tới những vùng cao rộng, ở đó chỉ có những luồng gió tinh thần. Mọi người thành ra Socrate, Tăng Tử, Abélard, Merleau-Ponty và Conant.
GIỚI THIỆU
Socrate:Từ tôi đến các bạn, cách xa nhau hai mươi bốn thế kỷ. Trên địa hạt về sự hiểu biết của ngoại vật, sự tiến bộ thực sự là khủng khiếp, và một người Hy Lạp cổ tỉnh dậy như tôi sau một liều thuốc độc quá mạnh, cũng phải nhận rằng có sự tiến bộ trong lịch sử. Nhưng tôi không hay đã có gì thay đổi trong tâm hồn của người ta? Và cái học đời nay khác trước những gì?
Abélard:Ba trăm năm sau Tô Phu tử,ở nước Do Thái Thiên Chúa đã hiện ra, lấy tinh thần để linh hóa tâm hồn của người ta. Và đến đời tôi, Abélard, những Đại học đường đã mọc ra, ở Paris, ở Oxford và khắp Âu Châu, để tất cả mọi người có thể cùng nhau bình luận về những vấn đề tinh thần.
Tăng Tử:Trước Tô tiên sinh ít lâu, ở Á Đông có Khổng Khâu mà chúng tôi, những người được nghe lời nói của Người cũng như ngàn đời về sau, đều gọi là Phu Tử. Khổng Phu Tử đã đem cái Đại Học của Người và truyền dạy lại cho các sĩ phu ở Phương Đông, và tôi, Tăng Tử chép lại những câu nói của Người.
Socrate:Đại học là gì? Cả hai bạn đều nói đến Đại học. Trong đời tôi chỉ biết có một cái học, để thành người thiện, để đạt được cái chí thiện của người. Đại học của Khổng Khâu khác chăng? Đại học của Abélard khác chăng? Tinh thần Đại học ngày nay khác chăng và đã đạt được tới mức nào, các bạn của đời bây giờ có thể cho chúng ta cùng biết không?
Merleau-Ponty:Tôi là một triết gia người Pháp sinh sau Platon, học trò của Socrate, nhiều lắm và cũng sau cả Karl Marx mà bóng hình còn in trong thời đại.
Socrate:Marx, phải chăng là người đã lộn ngược biện chứng pháp?
Merleau-Ponty:Có thể, nhưng không phải là biện chứng pháp của Socrate, mà là biện chứng pháp của Hégel kia.
Socrate:Vậy thì ta không nói tới nữa. Còn Bạn?
Conant:Tôi là Conant, James B. Conant, chuyên môn về giáo dục ở Đại học đường Harvard, tỉnh Boston, Hoa Kỳ.
ĐẠI HỌC LÀ GÌ ?
Socrate:Hay lắm, tất cả các Bạn đều là người Đại học. Hai ngàn bốn trăm năm Đại học gần như là liên tục tất nhiên phải là một cái gì soi sáng cho loài người. Nhưng riêng tôi vẫn không biết Đại học là gì cả. Hồi sinh thời, tôi khoác một tấm áo vải thô và đi khắp mọi nơi, đường phố, hội hè, trong tiệm bán hàng hay nơi chợ búa, ở sân vận động cũng như sau một bữa tiệc với bạn bè, chỗ nào cũng có thể là chỗ để học. Đại học cũng thế chăng?
Tăng Tử:Khổng Tử có trường, nhưng ra khỏi trường chỗ nào cũng có thể là trường cả. Xe của Phu tử ở đâu thì đạo ở đó. Phu tử đã truyền Đại học cho môn đồ trong một lúc dừng bước luân lưu, nhân một câu hỏi về Lễ giáo.
Conant:Tất cả mọi sự đều đã khác. Đại học ngày nay trước hết là một trường sở.
Socrate:Nếu thực như vậy, phải chăng Đông và Tây đã có thể gặp nhau được, nhưng xưa và nay thì không thể cùng chung quan niệm?
Merleau-Ponty:Tô hiền triết lại trào lộng rồi. Một phải chăng cũng là nhiều, và trong cái xưa phải chăng đã có cái nay ? Ở thời buổi này, tả cũng có thể gặp được hữu thì không có cái gì không gặp được nhau. Ngay sau đời Socrate, Platon cũng đã mở trường, và ngay sau Platon, Aristote cũng lại mở trường.
Abélard:Nhưng Academia của Bá Lập Đồ / Platon và Lycoeum của Á Lịch Tư / Aristote có phải là những Đại học đường theo nghiã ngày nay không?
Merleau-Ponty:Điều ấy dĩ nhiên là không rồi. Không có một học đường nào ở thời Thượng cổ mà có thể gọi bằng chữ Universita như những Đại học bắt nguồn từ thời Trung cổ và đang nảy nở khắp nơi trên thế giới ngày nay. Abélard chắc có thể nói cho chúng ta biết những trường Đại học khi mới phôi thai như thế nào?
Abélard:Trường Đại học Paris bắt đầu bên lề đường, không có nhà để học, gần như không có bàn ghế để ngồi, và sinh viên với giáo sư đàm luận trên rơm rạ.
Socrate:Sự khác biệt với những trường Thượng cổ ở đâu?
Abelard:Trước hết là khác nhau ở người dạy. Trong thời Khổng Khâu cũng như ở Cổ Hy lạp, mỗi trường có một Phu tử; lời thày dạy là thánh ngôn, học trò vấn và thầy giảng.
Merleau-Ponty:Và ngay khi diễn trình biện chứng, Phu tử cũng vẫn nói một mình.
Abélard:Ngay từ đầu, các trường Đại học mọc lên ở nơi nào quần tụ nhiều thầy…
Merleau-Ponty:Và vì thế một Đại học đường không bao giờ chết sau một chén thuốc cigue…
Socrate:Tôi hiểu tại sao bạn Conant nói rằng Đại học là những trường sở. Mỗi trường Đại học là một cơ sở, một định chế không phụ thuộc vào một người nào, dầu người ấy là sáng lập, cũng không gò bó vào một dòng tư tưởng và không thu hẹp ở một thời gian. Nhưng còn người đi học thì sao? Người đi học phải chăng cũng là một yếu tố quan trọng của một học đường?
Abélard:Người đi học thì thời nào cũng vẫn là người đi học. Ở khắp mọi nơi đến, lúc nào cũng là người trẻ tuổi, tâm hồn ở rộng để đón tất cả những hạt giống mới, với sự thèm khát hiểu biết, với tham vọng biến đổi cuộc đời. Họ cùng với các thày dạy, họp thành những “Phường” có những danh hiệu khác nhau.
Socrate:Phường là gì?
Merleau-Ponty:Phường là một hình thức tổ chức nẩy nở trong những văn minh Trung cổ. Những người cùng chung một hoạt động hội lại với nhau để tự cai trị, để giữ những quyền lợi chung và để dạy những người trẻ tuổi muốn học nghề.
Socrate:Như phường thợ đóng giày, phường buôn vải hay phường thầy thuốc, có phải không?
Merleau-Ponty:Đúng thế.
Abélard:Các phường sinh viên bao gồm cả thầy và trò, học cùng nhau, hỏi lẫn nhau, che chở nhau, giúp đỡ nhau.
Socrate:Thời nay có còn thế không?
Merleau-Ponty:Các phường đã mất cùng với xã hội xưa; nhưng cái tinh thần đoàn kết vẫn còn sống ở các trường Đại học xứng đáng với tên ấy. Với quan niệm “Đại học là cái học suốt đời”, giáo sư thời nay càng gần sinh viên hơn bao giờ hết và khi cần vẫn sẵn sàng “xuống đường” cùng với các sinh viên để đòi hỏi tự do của trí thức và tranh đấu cho những quyền lợi chính đáng của thanh niên học hỏi.
Conant:Cũng nhờ đoàn kết ấy mà ở Đại học, sự tưởng tượng được quy tụ với sự hiểu biết một cách thường xuyên.
SỰ CHUNG ĐỤNG CỦA NHIỀU THẾ-HỆ-TRÍ-THỨC
Socrate:Bạn Conant có thể giảng nghĩa rõ hơn được không?
Conant:Tuổi trẻ phải chăng là tuổi giàu tưởng tượng, nhiều sáng kiến táo bạo nhưng thiếu kinh nghiệm và hiểu biết?
Socrate:Tôi nhận điều này là đúng.
Conant:Còn thầy dậy, thường là những nguời hiểu rộng biết nhiều, kinh nghiệm vững chãi, nhưng nhiều khi đã bắt đầu nhuốm tuổi và cằn cỗi?
Socrate:Tuy nhiên cũng có người, học hỏi tuy nhiều mà vẫn giữ được sự bồng bột của một trí tuệ còn trẻ.
Conant:Các trường Đại học quý chuộng những người này như những bảo vật , và nếu Socrate có thể tới làm giáo sư ở Harvard được, thì chúng tôi sẵn sàng trả lương rất hậu và dành cho tất cả cá điều kiện để làm việc.
Merleau-Ponty:Thực đúng là một người Mỹ !
Conant:Dù sao sự chung đụng của những trí thức trẻ và dồi dào tưởng tượng với những người giàu kinh nghiệm và hiểu biết tạo ra ở các trường Đại học một bầu không khí chứa đựng rất thuận lợi cho sự cấu tạo và thực hiện những ý tưởng mới. Một nhà triết học dạy ở trường Harvard , ông Whitehead, có nói rằng: “Trường Đại học truyền thụ sự hiểu biết, nhưng truyền thụ bằng cách khêu gợi tưởng tượng … Một trường Đại học mà không thành công được trong việc ấy thì không có lý do gì để hiện hữu. Cái không khí khích lệ ấy, do sự học hỏi và suy xét với trí tưởng tượng hình dung, làm biến đổi tất cả sự hiểu biết.”
Socrate:Biện chứng này không giống cách biện chứng của tôi, nhưng không phải là không nghe được. Bạn Conant muốn nói rằng: những trường sở Đại học trước hết là những nơi để người trước dắt người sau, người sau đẩy người trước, có phải không? Và điều đáng khuyến khích là những công cuộc học hỏi tìm tòi ở Đại học chính là những cuộc cộng tác và sự chung sức của thầy và trò?
Conant:Tôi không biết đây có phải là một viễn quả của tổ chức những phường sinh viên ở thời Trung Cổ hay không? Nhưng theo ý tôi, trường Đại học là nơi chung đúc những lớp trí thức mới bằng các dùng sự vững chãi tinh thần của các ông thầy làm những cọc trụ để uốn nắn tuổi trẻ cho vươn lên cao thẳng đúng chiều; đồng thời, lại nhờ được cái sinh lực dồi dào của những người trẻ tuổi để khích động những người đã tiến hơn vài bước và đang muốn ngừng lại với những thành công tạm thời.
Socrate:Chúng ta đã biết Đại học bắt đầu như thế nào và trong thực tế là gì. Đại học là những trường sở ở đó lớp này qua lớp khác, thầy và trò cùng học hỏi, cùng tiến tới, trong sự đoàn kết tâm trí . Thầy chỉ là những người đi học đã nhiều tuổi và biết nhiều, trò thì là những bậc thầy của ngày mai. Như thế đã đủ định rõ thế nào là Đại học chưa?
MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠI HỌC
Tăng Tử:Cái học của Đại học dùng làm gì ? và đạo của Đại học là gì?
Merleau-Ponty:Chúng tôi xin được lĩnh giáo trước về cái Đạo của Đại học theo Khổng Khâu và cái công dụng của Đại học trong Khổng giáo.
Abélard:Như thế, chúng tôi sẽ có thể so sánh và biết được cái hay cái dở của hai nền tảng Đại học xưa và nay, và có lẽ tìm được chân lý của một nền Đại học lý tưởng.
Merleau-Ponty:Tôi xin Abélard hôm nay hãy hoãn không bàn Sic et Nonvề vấn đề này nữa. Bữa nay chúng ta chỉ tìm hiểu Đại học mà thôi.
Tăng Tử:Than ôi ! Đạo của Khổng phu tử đã bị người đời sau làm sai lạc đến nỗi rằng lời thực của Phu tử cũng không còn nguyên vẹn nữa. Tôi nhớ rằng Phu tử dạy Thái Học tức là cái học bao gồm, mà về sau người ta chép là Đại học, rồi giảng như Chu Hi là cái học cho người lớn ! Hay là cái học cho người chấp chính ! Và các Nho gia sau nữa lại mâu thuẫn đến nỗi dùng sách Đại học làm cuốn sách đầu tiên để bước vào Nho giáo !
Đạo của Đại học là ở sự làm sáng cái đức sáng của trời cho và coi người khác như chính bản thân.
Socrate:Ở điểm này, đạo của Khổng Khâu cũng không xa ý nghĩ của tôi. Và tôi nghĩ rằng nếu trong hai việc này, ta đạt được đến cái Chí Thiện thì …
Tăng Tử:Khổng tử cũng nói đúng như thế: tại chỉ ư Chí Thiện.
Merleau-Ponty:Vậy thì Đại học của Khổng tử là một ngành của Triết học.
Abélard:Nhưng khác ở chỗ Khổng học là cái học để tu thân còn Triết học là cái học để tìm hiểu chân lý bằng cách suy luận.
Merleau-Ponty:Khác nhau cái khác của Đạo và Học.
Conant:Tôi xin phép trở về với vấn đề Đại học. Theo thiển ý, giá mà Khổng tử nói là “ Đại học chi đạo, tại…tân dân”, chứ không phải là “tại thân dân”, thì có lẽ cũng không xa quan niệm của chúng tôi về Đại học là mấy.
Tăng Tử:Chính là sau tôi, có kẻ sửa chữ thân dân thành tân dân, và cũng chính Chu Hi lại nói rằng tân dân là đúng, thành ra cho đến nay hậu thế vẫn lầm. Làm như Tăng này và các môn đồ của Tăng không viết nổi được chữ thân ! Thân,nghĩa là yêu mà gần, nhưng thời xưa chữ thân còn giữ cái nghĩa mạnh, cái nghĩa nguyên thủy của nó, là coi như chính thân mình.
Conant:Như vậy, theo ý Tăng Tử, Đại học ngày nay không phải là Đại học hay Thái học của Khổng Tử ?
Tăng Tử:Tôi nghĩ rằng không.
Conant và Merleau-Ponty:Tôi cũng nghĩ thế.
Socrate:Thế thì chúng ta có thể lặp lại được câu hỏi lúc nãy của Tăng tử.
Tăng Tử:Rằng Đại học bây giờ dùng làm gì ? Có công dụng gì ? Câu hỏi thứ hai về Đại học chi Đạo, tự nhiên không còn nữa.
Conant:Tôi trả lời một phần câu hỏi này: Trường Đại học là nơi đào luyện những trí thức mới, nghĩa là những người lãnh đạo tinh thần và chỉ huy các hoạt động trong xã hội.
Socrate:Lãnh đạo việc bảo vệ bờ cõi, như cái trường lý tưởng mà Platon đề nghị có phải không ? Các bạn chắc đều biết rằng Platon đã muốn có một nền giáo dục đặc biệt cho những người được chọn để giữ nước, trong cuốn Cộng hòa luận. Platon còn dám gán cả ý nghĩ ấy cho tôi, tuy tôi không khi nào nghĩ thế.
Tăng Tử:Tây phương cũng giống Đông phương cả ở những điểm ấy hay sao ?
Conant:Nước nào cũng có những trường kêu là Đại học Quân sự, từ nước Mỹ, nước Nga, cho đến những nước như Việt Nam ; nhưng thường thì những trường này biệt lập chứ không nằm trong những trường Đại học của chúng tôi vì những lý do an ninh không giống những lý do mà Platon đã nêu lên.
Socrate:Thế còn lãnh đạo tinh thần và lãnh đạo hoạt động của xã hội thì sao ?
Conant:Trong cái thế giới phức tạp ngày nay, sự sống còn của một nước tùy thuộc rất nhiều ở sự thịnh vượng chung và ở sự đồng tâm sáng suốt của dân trong nước.
Socrate:Thời Thượng cổ cũng vậy.
Abelard:Thời Trung cổ cũng thế.
Tăng Tử:Á Đông cũ không khác.
Merleau-Ponty:Nhưng ngày xưa, sự thịnh vượng chỉ tùy thuộc vào quân đội mà thôi. Quân đội mà hùng mạnh thì chiếm cứ được nhiều đất đai và bắt được nhiều nô lệ để phục dịch: đó là sự thịnh vượng ngày xưa. Hơn thế nữa, ngay xứ mà thịnh vượng không có quân đội hùng mạnh thì chỉ chóng làm miếng mồi ngon cho các lân bang. Còn sự đồng tâm của dân trong nước là một điều mà những người cầm quyền thời xưa gọi là vua hay hoàng đế ,bạo chúa hay thủ lãnh, hay bất cứ gì đi nữa, cũng đều không cần biết tới, miễn là có một số quân tinh nhuệ dưới chướng để bảo vệ cho mình là đủ.
Chúng tôi thời nay là những người thừa hưởng gia tài của thế kỷ thứ 18. Ở thế kỷ này có hai việc xảy ra: một là cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, hai là cuộc Cách mạng Pháp.
Conant:Và Cuộc Cách mạng Mỹ nữa. Đúng như thế, vì sự thịnh vượng trước hết là kết quả của những khám phá khoa học và sự áp dụng kỹ thuật.
Merleau-Ponty:Và kết quả của những cuộc Cách mạng chính trị hay xã hội là sự thức tỉnh của quần chúng trước những vấn đề công quyền.
Socrate:Đại học phải chăng là chỗ để khám phá khoa học , để đào tạo kỹ thuật gia và để nghiên cứu những vấn đề công quyền và công ích ?
Conant:Nếu chúng ta thêm vào đó một điểm nữa là ở Đại học, trong bất cứ khoa nào, lúc nào người ta cũng hướng về biên giới của sự hiểu biết để thăm dò những vùng đất mới, thì có lẽ chúng ta đã nói hết công dụng của Đại học trong thời đại này.
Abélard:Sự lãnh đạo tinh thần phải chăng cũng ở những điều ấy ?
Merleau-Ponty:Khoa học, kỹ thuật, luật pháp, kinh tế , đã đều thành ra những phần quan trọng của tinh thần, đối với con người của thế kỷ thứ hai mươi. Nhưng còn văn chương, mỹ thuật, triết học, văn hóa nữa, là những hoạt động mà người ta dễ công nhận là “tinh thần” hơn là những khoa quan trọng ở Đại học.
Abélard:Còn tôn giáo, tức là vấn đề tâm linh ?
Merleau-Ponty:Đã từ lâu rồi, khoa thần linh học, với tất cả những gì đòi hỏi lòng tin nhiều hơn là sự hiểu biết, đã tách rời ra khỏi các trường Đại học và thu về những trường mở riêng cho các tu sĩ của các tôn giáo. Ở các trường Đại học, nếu người ta nói đến những vấn đề ấy, thì tức là nói triết lý. Các trường Đại học không phụ thuộc đạo nữa.
Abélard:Người ta đã đi xa quá, từ khi tôi bắt đầu đem triết lý vào thần linh học.
TINH THẦN ĐẠI HỌC
Tăng Tử:Có một điều mà Tăng này chưa thấu đáo, là ở Đại học ngày nay chia ra nhiều khoa như thế thì làm sao có thể đạt tới được chỗ “quán chi”.
Conant:Câu hỏi của Tăng tử là một câu hỏi rất trọng hệ, nhưng với câu này chúng ta đã sang một mục khác về tinh thần Đại học.
Socrate:Vậy thì ta bàn luôn về tinh thần Đại học.
Abélard:Đại học là những trường sở, là những khối hay những phường sinh viên, nhưng trường Đại học là thực sự, hiện hữu trong thực tế. Nếu thế thì tinh thần Đại học là gì, nếu không phải là cái Danh chung…
Tăng Tử:… cái Đức
Socrate:… cái Cứu cánh hay Ý tưởng.
Merleau-Ponty:Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quá thiên về một triết thuyết nào cả, dầu là của Khổng giáo, của Socrate hay của Abélard. Chúng ta hãy thử phân tích cái tinh thần Đại học xem đã.
Tăng Tử:Xin được nghe.
Merleau-Ponty:Thực ra thì có lẽ không có một điều gì mà chúng ta chưa nói đến. Sự nẩy nở của Đại học, từ lúc khởi thủy ở Thế kỷ thứ Mười Hai đến nay đã bộc lộ ra một tinh thần thuần nhất rất đặc sắc., trong một xã hội phi lý và mập mờ . Chính là nhờ ở cái tinh thần này mà một phần nào có được sự ổn định trong xã hội, đồng thời thúc đẩy những biến đổi làm cho xã hội tiến bộ dần dần và mỗi ngày mở rộng hơn.
Socrate:Tôi có cảm tưởng như Merleau- Ponty cũng đang đắm mình trong một triết thuyết. Phải chăng đây là triết lý hiện sinh hay là triết lý của phi lý ?
Conant:Tôi cũng nghĩ như Socrate; tuy nhiên, bỏ ra ngoài những chữ quá đặc biệt của triết học đi, tôi cũng gần hoàn toàn đồng ý với Merleau-Ponty.
Socrate:Tôi muốn xin phép được trở lại những đường lối cổ lỗ của tôi. Merleau-Ponty nói rằng ta đã chạm đến vấn đề tinh thần Đại học rồi. Có phải khi chúng ta nói rằng ta ở Đại học chia ra nhiều khoa chăng ?
Conant:Đại học chia ra nhiều khoa vì tới một trình độ nào đó người ta phải chuyên môn, nghĩa là thu hẹp sự học và sự làm của mình trong một địa hạt nhỏ để sực học được đến nơi và công việc được tinh vi vững chãi,
Tăng Tử:Không thể cách trí và quán chi được nữa chăng?
Conant:Ở trong thực tại của thế giới ngày nay, đó là một điều không thể thực hiện được nữa, nếu hai chữ ấy được hiểu là biết hết cái biết của người ta và bao trùm được hết cái học và cái làm của thiên hạ.
Tuy nhiên, ở Đại học không có cái nguy hại của sự chuyên môn hẹp hòi và quá đáng. Đây là một điểm rất quan trọng trong tinh thần Đại học. Ở trong bất cứ ngành nào và ngay ở những trường hợp sự chuyên môn đưa tới một trình độ rất cao, sự học ở Đại học vẫn có những cửa ngõ bỏ ngỏ để sự hiểu biết của mỗi người được mở rộng sang cả những phạm vi khác của sự hiểu biết.
Socrate:Có thể được không?
Conant:Những cố gắng liên tiếp của Đại học cũng đã có khá nhiều kết quả.
Merleau-Ponty:Vả lại chúng ta cũng không nên quên rằng khi đã tới một trình độ nào đó, dầu chỉ là ở trong chuyên môn, tri thức của ta cũng mở rộng ra nhiều ở những điạ hạt liên quan, vì sự tương đồng của nhiều điều căn bản.
Conant:Hơn nữa, sự tổ chức một trường Đại học thường tập hợp tất cả các khoa trong cơ sở, đề cho luôn luôn có những sự gặp gỡ, trao đổi và cộng tác rộng rãi khoáng đạt giữa các ngành của sự hiểu biết và giữa các cá nhân làm việc trong Đại học.
Socrate:Luật khoa gần gụi được với Văn khoa ?
Abélard:Văn khoa qua được Triết lý ?
Socrate:Triết lý nhìn sang được Khoa học ?
Abélard:Khoa học chung sống với Y khoa ?
Socrate:Y khoa đụng chạm đượcvới Luật khoa ?
Abélard:Và tất cả các khoa đều có thể soi sáng nhau, học hỏi nhau, góp sức với nhau ?
Conant:Đúng thế. Ở Đại học, sự học tụ chứ không tán, hợp chứ không ly, và nhờ thế mà có thể thực hiện được sự chuyên môn mà không mất hết cái ý quán chi.
Merleau-Ponty:Hơn thế, sự chung đụng tạo ra bầu không khí rất thuận lợi cho sự nẩy nở những quan niệm mới và cho sự tìm tòi.
Socrate:Đây có lẽ khác tinh thần Đại học mà Conant có nói chạm tới lúc nẫy: sự học của Đại học luôn luôn hướng về những địa hạt vẫn còn tối tăm, chưa được khai thác.
Merleau-Ponty:Phải rồi cái học ở Đại học được đưa tới chỗ cùng cực của sự biết, đến những điều người ta chưa biết.
Tăng Tử:Tử viết: Tri chi vi chi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã. Biết là biết, không biết là không biết, thế là biết vậy.
Merleau-Ponty:Câu nói của Khổng tử quả đã làm sáng được thế nào là thực học. Nhưng không những sinh viên phải có thực học, lại còn phải cố gắng đặt được những câu hỏi xác thực về những điểm “bất tri”. Sự học và sự hỏi, với một tầm quan hệ ngang nhau, luôn luôn đi sát với nhau để bổ túc lẫn nhau.
Conant:Và sự tìm tòi đi theo. Tìm tòi chính là một hoạt động biểu hiệu cho tinh thần Đại học.
Merleau-Ponty:Thực ra thì đặt được một câu hỏi tức là đã gần giải quyết được vấn đề rồi.
Abélard:Có một điều gì có thể có một giải pháp vĩnh viễn không?
Merleau-Ponty:Dĩ nhiên là không. Các câu hỏi phần nhiều kế tiếp nhau, xong câu này lại lộ ra câu khác, dần dần đưa đến mộ tổng hợp bao quát, và cũng có khi đưa tới một kết quả bất ngờ , hoàn toàn trái ngược, làm đảo lộn tất cả những căn bản cố định.
Conant:Đại học chính là nơi tổ chức những sự học hỏi hướng về chỗ vô định, ngõ hầu làm lùi những điểm còn tối tăm trong sự hiểu biết. Ở đây trí tò mò, óc sáng kiến được nuôi dưỡng uốn nắn để thực hiện những khám phá và những phát minh mới lạ…
Merleau-Ponty:… để cấu tạo những quan niệm phì nhiêu nghĩa lý, để xây dựng những phương pháp hay tạo tác những phương tiện hiểu biết tân kỳ.
Socrate:Ta có thể gọi điều này là óc thám hiểm.
Conant:Hay là tinh thần tiến bộ.
Merleau-Ponty:Hay là sự bất mãn. Đó là một điểm rất quan trọng trong tinh thần Đại học. Sự tiến bộ của loài người, ở tất cả các phương diện, hoàn toàn nhờ ở sự bất mãn của một số người. Đại học là quê hương của sự bất mãn, và vì thế đã là nơi ấp ủ những mầm mống của nhiều tiến bộ, trên địa hạt xã hội,văn hóa cũng như khoa học.
Socrate:Có gặp trở lực gì ở những người cầm quyền không?
Abélard:Ngay từ đầu khi các trường Đại học mới phôi thai, sinh viên đã phải chịu những hành hạ của cảnh sát chính quyền.
Merleau-Ponty:Còn giáo sư thì không những là bị bắt bớ giam cầm, còn có khi bị Giáo hoàng phế bỏ ra ngoài đạo, như chính trường hợp của Abélard. Lịch sử tranh đấu của Đại học đã có những trang đẫm máu; và nhờ thế ngày nay, sự tự do tư tưởng mới được công nhận là một quyền bất khà xâm phạm ở Đại học đường.
Abélard: Bất khuất và tự do cũng là những điểm quan hệ của tinh thần Đại học. Sự giảng dạy tự do. Sự tìm tòi tự do. Sự can đảm của tinh thần.
Socrate:Sự tự do có thể đi đến đâu ? Có giới hạn gì không ?
Merleau-Ponty:Sự tự do ở Đại học có thể đi xa lắm và chỉ có giới hạn là sự thật. Vì sự học ở Đại học luôn luôn đi sát biên giới của sự hiểu biết và sự tìm tòi có nghĩa là vượt qua biên giới, nên bất cứ lúc nào cũng có thể gây nên sóng gió nếu gặp những người cầm quyền câu nệ hẹp hòi, dù trong phạm vi thế quyền hay thần quyền. Hơn nữa, tất cả cái học ở Đại học, kể cả những khoa trừu tượng nhất, đều có gốc trong sự thực và chứa đựng những công việc thực tế. Ở đây tri và hành quấn quýt lấy nhau, dựa vào nhau, thúc đẩy nhau. Mỗi quan niệm mới có thể là một quan niệm cách mạng, về vật lý, sinh lý, hay chính trị kinh tế, hay triết học và văn chương cũng thế.
Tăng Tử:Tri hành hợp nhất là một ýtưởng hệ trọng; Đại học có cả sự biết và làm không ?
Merleau-Ponty:Thực ra thì cái vạch ngăn cách sự biết và làm rất mỏng manh và gần như là không có. Có khi việc làm đi trước cái biết, có khi biết đã rồi mới làm sau. Ở trong cái này đã có cái kia rồi, nên phân biệt tri và hành là giả tạo. Auguste Comtengày trước cũng đã nói: “Hiểu, do đó biết trước, biết trước do đó hành động.”
Nhưng mà người ta dễ dàng công nhận cái quyền tự do hiểu biết và tìm tòi ở Đại học bao nhiêu thì người ta khó khăn đối với sự tham gia hoạt động của người Đại học bấy nhiêu.
Socrate:Ở tất cả các lãnh vực hay chỉ riêng về mặt chính trị thôi ?
Merleau-Ponty:Bắt đầu thì chỉ riêng về phương diện Tôn giáo. Tôn giáo ở thời Trung cổ chi phối hầu hết tư tưởng của người ta: giảng triết lý có thể là phản đạo, cũng như nói là trái đất tròn hay nói rằng máu lưu thông từ tim qua phổi.
Sự nghi ngờ về phương diện chính trị mới có trong thời gian gần đây chứ chưa lâu và hiện nay cũng vẫn còn. Đó là kết quả sự phát xuất những chủ nghĩa chính trị. Những cuộc thanh lọc trong Đại học đã lên tới cực điểm ở những chính thể độc tài, tự coi mình là độc quyền nắm giữ chân lý, như ở Nga sau cuộc cách mạng 1917, ở Đức sau khi Hitler cướp chính quyền. Nhiều nước hiện nay cũng bắt chước những lề lối ấy, vì sợ rằng một vài giáo sư Đại học có thể lãnh đạo được một số thanh niên và tạo ra một luồng gió đối lập hại cho chính quyền đang tại chức.
Socrate:Ngày sinh thời của tôi đã có vấn đề ấy rồi.
Merleau-Ponty:Họ quên mất rằng những biến động xã hội có thể sâu rộng sau một phát minh mới về khoa học, nhiều hơn là vì chính kiến của giáo sư. Chẳng hạn, nếu không có cuộc cách mạng kỹ nghệ và sự bành trướng quá đà của kỹ thuật trong những năm khởi thủy của nền kinh tế máy móc, thì sẽ không phát sinh ra một giai cấp vô sản và cũng làm gì có Karl Marxvà cộng sản chủ nghĩa ? Nếu thời đại của chúng ta không chế phục được nguyên tử năng và chế tạo được óc điện tử, biết đâu cục diện thế giới đã chẳng hòn toàn đảo lộn ?
Socrate:Lúc nãy Merleau-Pontynói rằng Đại học là một yếu tố để ổn định xã hội. Bây giờ lại cũng Merleau-Pontynói rằng tất cả các ngành Đại học đều có thể thúc đẩy được những cuộc biến động sâu rộng trong xã hội. Như thế có mâu thuẫn không?
Merleau-Ponty:Mới nghe qua, có thể là hai ý tưởng trái ngược nhau, nhưng theo tôi, hai ý tưởng ấy bổ xung cho nhau chứ không tiêu hủy nhau. Vì rằng không có một xã hội nào ngừng đọng hết, nhưng không ai biết xã hội ngả về hướng nào cho đến khi xây dựng được một nền Đại học vững chắc.
Conant:Đại học không phải là những cái đảo ở giữa xã hội. Đại học nhận cái trách nhiệm của mình đối với xã hội. Ngược lại, xã hội cũng công nhận chức vụ hướng đạo và địa vị tiền phong của Đại học. Đó là sự liên quan giữa Đại học và xã hội. Đó cũng là một điểm quan trọng trong tinh thần Đại học. Ta tạm gọi là tinh thần trách nhiệm của Đại học.
Abélard:Tuy vậy, người ta vẫn trách rằng Đại học là những cái tháp ngà ngăn cách trí thức với dân chúng.
Conant:Những lời trách ấy sẽ không còn nữa một khi người ta hiểu rằng những cái tháp ngà ấy càng cao bao nhiêu thì sự tiến bộ của cả nước càng nhanh bấy nhiêu. Khi Einstein khám phá ra luật căn bản của sự tương đối mà chỉ có vài người trong giới khoa học hiểu được, có ai ngờ rằng đó là chìa khóa để giải phóng nguyên tử năng và để chinh phục không gian ? Khi các nhà bác học cặm cụi trong gian phòng thí nghiệm để tìm cách cấy những tế bào của thận con khỉ, ai biết trước được rằng những thí nghiệm này mở đường cho ta chế phục được siêu vi trùng ? Nếu nền Đại học trong một nước thấp lè tè ở trình độ những người nào đó, đang trách rằng cái học Đại học viển vông hay cao kỳ, thì thực là một điều đáng buồn cho cả nước. Ở nước tôi, từ khi lập quốc, chúng tôi, cá nhân cũng như chính phủ, đã đầu tư rất nhiều vào các trường Đại học để cho Đại học có những phương tiện, để tạo ra một đời sống Đại học và xây dựng xã hội Đại học cho xứng đáng, và chúng tôi rất lấy làm hãnh diện với nền Đại học của chúng tôi.
XÃ HỘI ĐẠI HỌC
Abélard:Conant quan niệm xã hội Đại học như thế nào ?
Conant:Tôi là một người Mỹ. Theo cái truyền thống của nước Mỹ từ khi độc lập, tôi nghĩ rằng chỉ có xã hội dân chủ mới có đủ điều kiện để sống trường tồn. Socrate chắc là không nghĩ thế.
Socrate:Ý kiến của tôi không quan hệ trong thế giới ngày nay.
Conant:Xã hội Đại học tất nhiên cũng phải là một xã hội xây dựng trên tinh thần dân chủ. Không phải là trong xã hội này, người ta có quyền lập đảng để đòi quyên lợi, hay vài năm một lần đi bỏ phiếu vào trong thùng để bầu một người đại diện đâu. Như thế chỉ có dân chủ ở hình thức. Trong một nước lớn với đủ các lớp người, tất nhiên phải dùng đến những hình thức xuống cấp ấy. Trong cái xã hội nhỏ và chọn lọc của Đại học, đời sống dân chủ phải ở trong tinh thần, nghĩa là mỗi người đều có trách nhiệm tương xứng với khả năng của mình, và xã hội thì là của chung, mở rộng cho tất cả những người tài đức.
Socrate:Như thế là công bằng, và tôi đồng ý rằng công bằng là đức tính quan hệ nhất trong một nước.
Conant:Chúng tôi nghĩ đấy là dân chủ. Đại học phải là một xã hội mở, không có sự kỳ thị gì…
Merleau-Ponty:Kể cả sự kỳ thị chủng tộc ?
Conant:Kể cả kỳ thị chủng tộc, kỳ thị nam nữ, kỳ thị giai cấp hay bất cứ một cái gì ở quá khứ hay tuơng lai đã làm hay sẽ làm chia rẽ loài người và làm ta thiệt những tài năng một cách phi lý. Ở Đại học chỉ có một tiêu chuẩn là tài năng để định giá trị của một người. Bất cứ ai, mặc dầu là sinh trưởng ở một nơi sang hay hèn, da trắng hay có mầu, cũng vào được Đại học và trở nên những người lãnh đạo. Đây là cái nguyên tắc của xã hội mới, của dân chủ. Đại học góp phần rất nhiều vào sự xây dựng dân chủ bằng cách mở rộng những vách ngăn trong trong xã hội lớn, và dĩ nhiên là chính Đại học cũng phải là một xã hội dân chủ lý tưởng.
Merleau-Ponti:Tinh thần dân chủ thấm nhuần Đại học;cách dạy học, phương thức tổ chức công việc, sự thảo luận tự do, tinh thần trách nhiệm, tất cả đều hướng về xây dựng dân chủ.
Socrate:Trời đã gần sáng. Chúng ta ngồi đàm luận với nhau cũng khá lâu rồi. Tôi cảm ơn các bạn đã góp ý, một đôi lúc rất là nhiệt thành, về một vấn đề mà tôi không biết.
Tăng Tử:Trước khi chia tay, Tăng Tử muốn hỏi thêm một lời: Chúng ta đã xét về Đại học Từ Âu sang Mỹ; không biết rằng những nước nhỏ hay những nước mới, có thể có một nền Đại học theo đúng tinh thần Đại học hay không ?
Merleau-Ponty:Tinh thần Đại học khôngphải một ngày mà tạo ra được. Sau tám trăm năm, Đại học mới thực sự là trưởng thành.
Conant:Nhưng những nước mới không bắt buộc phải theo đúng vết xe của chúng tôi và phạm lại cả những lỗi lầm của chúng tôi trong lịch sử. Tất cả những nước mới độc lập hay khai quốc đều có ngay những trường Đại học. Ngay từ đầu, có lẽ cũng chưa thể có được tinh thần Đại học, cũng như ở nước tôi cách đây năm muơi năm, nhưng rồi sẽ có. Chỉ có chuyện chóng hay chầy, và sự đó là tùy ta.
(Sài Gòn, Mai 1964)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn