Cần có cách nhìn mới đối với khái niệm “Bóc lột”
Sự chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý tập trung sang nền kinh tế thị trường buộc chúng ta phải có cách nhìn đổi mới với khái niệm “bóc lột" - một khái niệm có liên quan chặt chẽ cả về lý luận lẫn thực tiễn với một số vấn đề kinh tế và xã hội rất cơ bản hiện nay do thực tế đặt ra cần phải giải quyết.
Trước hết cần phân định rõ khái niệm “bóc lột" trong kinh tế chính trị học và khái niệm “bóc lột" thường dùng trong đời sống hàng ngày.
Trong kinh tế chính trị học, “bóc lột" là một khái niệm khoa học dựa trên luận điểm sau đây của Mác khi nghiên cứu nền kinh tế thị trường: Nhà doanh nghiệp bỏ tiền ra mua công xưởng, trang thiết bị máy móc đồng thời thuê lao động để sản xuất hàng hóa. Sau khi bán xong hàng hóa đó, nhà doanh nghiệp thu lại được tiền vốn đã bỏ ra ban đầu đồng thời còn có thêm được một khoản tiền lãi. Số tiền bỏ ra ban đầu đó được khái quát thành khái niệm khoa học gọi là “tư bản", còn khoản tiền lãi được gọi là giá trị “thặng dư". Mác chỉ rõ nguồn gốc của giá trị thặng dư chính là do lao động tạo ra nhưng không thuộc về người lao động mà lại thuộc về chủ "tư bản" nên thực chất đó là một sự bóc lột hiểu theo nghĩa: “bóc lột giá trị thặng dư”
Như vậy, khái niệm "bóc lột giá trị thặng dư" gắn liền với khái niệm “nềnkinh tế thị trường". Bóc lột giá trị thặng dư là bản chất không thể tách rời của nền kinh tế thị trường. Chừng nào còn tồn tại nền kinh tế thị trường thì chừng đó phải hiểu rằng bóc lột giá trị thặng dư là tất yếu, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Quan điểm chấp nhận bóc lột giá trị thặng dư chính là tiền đề để giải quyết một số vấn đề thực tiễn rất cơ bản sau đây:
1- Kinh tế thị trường chỉ đạt hiệu quả tối ưu, khi thị trường đó tiến tới lý tưởng. Một thị trường được gọi là lý tưởng khi trong thị trường đó việc cạnh tranh được phát huy hoàn toàn. Về mặt lý thuyết, cạnh tranh hoàn toàn chỉ xảy ra khi có:
(a) “trăm người bán, vạn người mua", nghĩa là có một số vô cùng lớn các doanh nghiệp tham gia,
(b) Không ai hơn ai trong việc làm chủ thị trường, nghĩa là không ai có thể và có quyền quyết định được giá cả số lượng cơ cấu hàng hóa mua bán trên thị trường
(c) tất cả người mua và bán đều nắm được đầy đủ các thông tin về thị trường, nghĩa là không ai được ưu tiên hơn ai trong quá trình mua bán.
Như vậy, muốn nền kinh tế nước ta tiến tới một thị trường lý tưởng, kinh doanh đạt được nhiều hiệu quả kinh tế tối ưu thì điều kiện cần đầu tiên là: số lượng doanh nghiệp phải đạt được nhiều đến mức tối đa. Điều này lý giải tại sao nước ta khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, việc đầu tiên là phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp dân doanh. và tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng doanh nghiệp dân doanh sẽ không thể phát triển mạnh được, đầu tư nước ngoài cũng sẽ không thể thu hút nhiều được nếu họ không đạt được mức tối thiểu về lãi. Nên mọi nỗ lực của Nhà nước trên lĩnh vực này, muốn có hiệu quả, phải nhằm vào mục tiêu lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không chấp nhận bóc lột giá trị thặng dư thì không thể giải quyết được cơ bản, lâu dài vấn đề phát triển doanh nghiệp dân doanh và thu hút đầu tư nước ngoài.
2- Đảng và Nhà nước ta đã vạch ra đường lối kinh tế với mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Trong nền kinh tế thị trường, khái niệm giàu không còn nằm trong phạm vi tư liệu tiêu dùng: “ăn, ở, đi lại mà mở rộng sang cả phạm vi tư liệu sản xuất": xí nghiệp, nhà máy, đất đai, cổ phiếu, tiền gửi tiết kiệm…Thực tế cho thấy một cá nhân nhà triệu phú không thể một ngày ăn hết một con bò, ngủ trong vài trăm khách sạn, họ cũng chỉ tiêu dùng cho cá nhân giống như mọi người "bậc trung" khác mà thôi, chỉ khác người “bậc trung" là họ có tài sản là tư liệu sản xuất giá trị bạc triệu.
Nhưng tài sản là tư liệu sản xuất này lại chính là cái đẻ ra lãi - đẻ ra “bóc lột giá trị thặng dư” và do đó ngày càng giàu thêm, nhưng mặt khác sản xuất của toàn xã hội lại nhờ có tư liệu sản xuất này mà ngày càng phát triển. Vì vậy, nếu không chấp nhận “bóc lột giá trị thặng dư" để kích thích sự làm giàu của người dân qua việc tích lũy đầu tư cho sản xuấtthì mục tiêu dân giàu sẽ bị giới hạn và giàu sẽ chạy theo khuynh hướng tiêu xài lãng phí.
3. Đảng viên là những người có phẩm chất chính trị - nghĩa là những người có trách nhiệm đi đầu và thông qua vai trò của mình biến các đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, đồng thời cũng như mọi người dân bình thường khác, họ có cuộc sống cá nhân riêng, có tri thức và năng lực nghề nghiệp riêng phục vụ cho mưu sinh của cá nhân họ.
Trong nền kinh tế thị trường, lực lượng doanh nhân đóng vai trò xung kích, lực lượng này thiếu và yếu thìkhông thể hy vọng về một nền kinh tế hiện đại. Vì vậy, chấp nhận bóc lột giá trị thặng dư chính là mở đường về mặt tư tưởng để thu hút đáng viên là những người vừa có phẩm chất chính trị vừa có năng lực nghề nghiệp vào lực lượng xung kích, khi được điều lệ Đảng cho phép. Nếu đảng viên đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng xung kích, thì lục lượng này sẽ phát triển mạnh hơn và được Đảng lãnh đạo trực tiếp hơn, đi đúng hướng hơn. Đề chủ động giải quyết vấn đề quan niệm Đảngviên với doanh nhân, cần phải dự tính đến thực tế vào năm 2020 khi mà nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Lúc đó nước ta cũng sẽ giống như nhiều nước công nghiệp khác có hàng triệu doanh nghiệp với con số hàng triệu doanh nhân. Đó là một lực lượng lớn mạnh và cực kỳ quan trọng không thể không xem xét khi giải quyết vấn đề nói trên.
Bóc lột giá trị thặng dư chính là phần lãi của chủ doanh nghiệp. Nếu giá trị hàng hóa của doanh nghiệp bán ra cố định khấu hao tài sản là cố định, thì tiền lãi sẽ càng cao, nếu tiền lương trả cho công nhân càng thấp. Vì vậy, bóc lột giá trị thặng dư chính là nguồn gốc sâu xa đẻ ra mâu thuẫn giữa người làm công và giới chủ. tồn tại trong bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào: người làm công thì muốn có lương cao, chủ doanh nghiệp thì muốn có lãi lớn. Vậy, muốn phát triển nền kinh tế thị trường thì Nhà nước phải giải quyết mâu thuẫn này về mặt kinh tế như thế nào? Câu trả lời là:
1/ Trước hết phải chấp nhận bóc lột giá trị thặng dư, đó là một khái niệm khoa học không mang nghĩa xấu của đời thường. Từ đó mà coi trọng, xem lợi nhuận cũng giống như tiền lương chỉ là một hình thức thu nhập của người dân, được xã hội công nhận, Nhà nước bảo vệ, khuyến khích, phát triển. Thực ra doanh nhân không phái là một “phẩm tước" cha truyền con nối, cố định cho một ai. Nhà triệu phú của hôm nay rất có thể ngày mai phá sản, trở thành người làm công, thậm chí trở nên thất nghiệp và ngược lại từ người làm công trớ thành triệu phú trong thời gian ngắn là chuyện luôn luôn xây ra trong mọi nền kinh tế thị trường. Nếu quá trình thứ nhất chiếm ưu thế tuyệt đối thì xã hội sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế. Nếu quá trình thứ hai mạnh hơn thì kinh tế sẽ phát triển. Vì vậy, nội dung của luận điểm nói trên là điều kiện cần để phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nhân, điều kiện số một để phát triển nền kinh tế thị trường.
2/ Chấp nhận bóc lột giá trị thặng dư nhưng phải đảm bảo ở mức sao cho tiền lương trả cho lao động không được dưới giá trị thực của nó. Nếu tiền lương trả cho lao động dưới giá trị thực của nó, thì bóc lột giá trị thặng dư sẽ mang nghĩa xấu của khái niệm “bóc lột" được dùng trong cuộc sống hàng ngày - đó chính là “bóc lột nhân công". Vai trò của Nhà nước là phải chống “bóc lột nhân công" và bảo vệ mọi quyền lợi liên quan cho người lao động. Họ là người trục tiếp làm nên giá trị thặng dư, là lực lượng đông đảo nhất tạo nên xã hội, nên đối với họ, tiền lương phải bảo đảm được cuộc sống, điều kiện làm việc phải luôn được cải thiện, tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và hưu trí phải được bảo hiểm. Chính vì vậy mà ở nhiều nước, luật pháp quy định cụ thể mức tiền lương tối thiểu và điều kiện làm việc, chủ doanh nghiệp phải đóng quỹ bảo hiểm tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và hưu trí, trả tiền.làm thêm giờ, ngày lễ, phép, tết…cho người lao động. Tòa án lao động là cơ quan cao nhất quyết định mọi tranh chấp trong từng trường hợp cụ thể giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.
3/ Hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp bỏ ra ít vốn nhất nhưng giá trị bán ra đạt cao nhất. Nếu điều này đạt được thì tiền lãi của doanh nghiệp và tiền lương của người lao động đều được tăng lên, sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động - một yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh, sẽ khăng khít hơn, vì cả hai cùng tìm thấy lợi ích kinh tế trực tiếp của mình trong việc phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy mà ngân sách nhiều nước, phần dành cho kinh tế đều tập trung phần lớn vào mục tiêu trên, thông qua các biện pháp như: hỗ trợ khỏi sự doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, các biện pháp chống phá sản… Đồng thời giữa Nhà nước và giới doanh nhân có mối liên hệ rất chặt chẽ, qua đó mọi đường lối, chủ trương. chính sách và biện pháp kinh tế của Nhà nước mới thực sự xuất phát từ đòi hỏi của tình hình kinh tế và phục vụ trở lại cho sự phát triển kinh tế.
4/ Phát triển doanh nghiệp dân doanh theo hướng xã hội hóa. Tách giá trị lao động của chủ doanh nghiệp ra khỏi lãi, được tính thành tiền lương như mọi lao động khác. Tiền lãi chỉ còn đơn thuần là tiền phải trả cho người có vốn đầu tư. Qua đó vừa thu hút được mọi người lao động góp vốn đầu tư, vừa hòa đồng lao động của chủ doanh nghiệp vào lao động nói chung tạo ra một sức mạnh đoàn kết thống nhất nhằm mục tiêu: mọi người dân đều giàu, đất nước mạnh. Xã hội hoá cao độ doanh nghiệp dân doanh còn tạo điều kiện cho mọi người lao động tham gia quản lý doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và Nhà nước dễ điều tiết hơn, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng của doanh nghiệp trong một thị trường thế giới luôn có nguy cơ bất ổn. Có thể thấy ở nhiều nước, họ rất coi trọng điều trên. Luật của họ quy đính đến ngay cả tỷ lệ người lao động được tham gia bầu hội đồng quản trị, mặc dù đó là doanh nghiệp dân doanh, thậm chí có trường hợp còn quy định cả người phụ trách lao động của hội đồng quản trị phải do công nhân bầu cử
5/ Phân phối lại thu nhập quốc dân theo hướng: "Lấy của người giàu chia cho người nghèo", thông qua việc đánh thuế lũy tiến theo thu nhập và nâng cao các phúc lợi xã hội cho tất cả mọi người dân. Đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo cân bằng cho một xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường vốn chứa trong nó khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Vì vậy, Nhà nước phải kiểm soát được thu nhập của doanh nghiệp và người dân. Thu nhập càng cao, thuế suất phải càng lớn, và nhờ đó ngân sách nhà nước mới tăng được các khoản chi cho phúc lợi xã hội. Có thể dẫn ra đây cách làm của Đức hiện nay để chọn lọc, tham khảo: Thuế thu nhập (tiền lương hoặc lợi nhuận) áp dụng bắt đầu từ người có thu nhập 16.000 DM/năm với thuế suất bình quân 2,54% và người chịu thuế suất cao nhất là người có thu nhập từ 240.000 DM/năm với thuế suất bình quân 42,68% - tức là gần một nửa, nghĩa là muốn kinh doanh làm giàu để mình hưởng một thì cũng phải để xã hội hưởng một. Tổng số thuế thu nhập mà nhà nước thu được chiếm khoảng gần 1/3 ngân sách hàng năm. Nhưng cũng khoảng một phần ba ngân sách đó dành chi cho an sinh và phúc lợi xã hội cho tất cả mọi người dân không phân biệt làm việc cho Nhà nướchay tư nhân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt