Thói hư tật xấu của người Việt: tha hóa tự nhiên, đáng chê cười
Chưa trưởng thành trên phương diện công dân
(Phạm Quang Sán, Nước ta đã dùng đượcphép luật văn minh chưa? Đông dương Tạp chí,năm 1914)
Nước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hóa cũng đã lâu nhưng ví với các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao. Nộp thuế là của tiêu chung mà còn có người dân ẩn lậu, đi lính là giữ cho mình mà còn có người trốn tránh, đê điều cấm phòng thân lừa ưa nặng không đánh không đi, lại có những kẻ nay trộm mai cướp không để cho dân yên nghiệp.
Nhìn đâu cũng thấy chuyện đáng chê cười
(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Sự xấu hổ, Hữu thanh, năm 1921)
Trong một họ tôn trưởng thời lèm nhèm, con em thời vô lại, trai ăn trộm đánh bạc, gái làm biếng chửa hoang, nhà thờ tổ có kẻ rỡ ngói bán, ngày giỗ tổ uống rượu để rức nhau(1), nhà bác cưới con gái nhà chú không được tiền thời sinh sự để trở hôn, người này chết vợ con người kia có sự bất bình thời sinh.sự để ngăn cản việc tống táng... ấy là những sự xấu hổ của một dòng họ.
Trong một làng đàn anh chỉ ăn bẫm, đàn em chỉ kiện nhau, đình điếm tồi tàn, đường bến rác uế, tiếng chửi mất mạ ở ngoài đồng, tiếng chửi mất gà ở trong xóm, nhà nào có tang ma thời quan viên hạch sách sự ăn uống, nhà nào có thất hỏa(2)thời hàng xóm láng giềng đến hôi đồ... ấy là những sự xấu hổ của một làng...
(1) nhiếc móc nhau.
(2) bị cháy
Tha hóa một cách tự nhiên
(Võ Liêm Sơn, Văn minh nước Việt Nam, năm 1929)
Nước ta, đạo Khổng Mạnh dĩ đức báo oán là chữ nhãn, dĩ tiểu sự đại là chữ trí, ai chết mặc ai không học chữ kiêm ái, dở khôn dở dại cứ giữ đạo trung dung(1), trải mấy ngàn năm vua tôi cha con quan dân thầy trò từ trên chí dưới cứ ở trong phạm vi cái đạo đức ấy đã gây nên một nến văn hóa rất có đặc sắc cho đến ngày nay. Này anh thử xem, cúi đầu tận ngực phú quý không hay kiêu, đánh bạc phá nhà tiền tài không biết lặn(2), thờ kẻ trên có lễ phép thì mồng năm ngày Tết đưa miếng tới quan, đãi kẻ dưới có lòng thành thì chú bếp cậu bồi ngồi xe chung cùng vợ, cha mẹ nói ngang quan sang nói trái con dân cũng cứ phụng tùng(3), ăn giỗ đi trước lội nước đi sau xã hội chỉ theo trật tự(4). Ánh thử thắp đuốc văn minh mà soi khắp thế giới coi thử có nước nào như nước Việt Nam ta không?
(1) đoạn này có ý mỉa mai, cho rằng người mình thường hiểu sai đạo lý Khổng Mạnh. Những chữ nhân, chữ trí cũng như chữ kiêm ái chữ trung dung thật ra không phải có nghĩa như tác giả dẫn ra ở đây mà nhiều khi ngược lại.
(2) ăn gian.
(3) phụng ở đây có nghĩa là tin theo, tùng cũng là theo.
(4) vẫn tiếp tục dùng cách nói mỉa.
Quá thiết thực hóa tầm thường
(Lương Đức Thiệp, Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944)
Người Việt không quan niệm cái gì thái quá. Từ cung điện lăng tẩm của vua chúa đến đền đài miếu mạo của dân gian mọi thứ đều khuôn theo sở năng kinh tế và xã hội. Khuôn khổ chùa Đế Thiên Đế Thích và thành Đồ Bàn đều ra ngoài trí tưởng tượng. Vê học thuật cùng tư tưởng không có chủ nghĩa siêu hình nào. Vật lộn với cuộc sống qủa eo hẹp hàng ngày nơi đồng ruộng hoặc miệt mài vào sách thánh kinh hiền, người ta ít rảnh thời giờ theo cuộc suy tưởng triền miên. Cũng vì thiết thực mà người Việt tín ngưỡng để rút phần lợi ích thiển cận của tôn giáo tại ngay kiếp này, nhiều hơn là mong linh hồn được giải thoát mãi tận kiếp sau.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh