Tiếp xúc cử tri: Bệnh hình thức cũ, nên từ
Nếu như bệnh thành tích trong ngành giáo dục như một chứng kinh niên làm lung lay nền tảng đạo đức, thì với các Đại biểu nhân dân việc tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân chúng đang bị bệnh hình thức chế ngự như một chứng nan y, mà hậu quả cũng không kém phần nguy hiểm...
Cùng với Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, ở các địa phương, hệ thống chính trị đất nước còn có Hội đồng nhân dân ở ba cấp. Xuân thu nhị kỳ đều có các cuộc tiếp xúc không chỉ giữa đại biểu Quốc hội với dân mà còn cả của đại biểu Hội đồng nhân dân với các tầng lớp dân cư. Những tưởng với cấu trúc bộ máy như thế, đâu đâu người dân cũng có thể bày tỏ nguyện vọng thông qua người đại diện của mình. Thế nhưng, thực tế đã diễn ra không như mong muốn.
Dân chúng bức xúc với cơ quan công quyền, không còn là chuyện lạ. Không ít trường hợp viết đơn thư ký tên tập thể, khiếu kiện vượt cấp, tạo ra dư luận xấu trong đời sống chính trị đất nước. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là người dân không có dịp tiếp xúc trực tiếp với người đại diện của mình để bày tỏ nguyện vọng, hoặc người đại diện chưa đủ tin cậy để nhân dân bày tỏ những bức xúc. Một khía cạnh khác, những kiến nghị của dân được tiếp thu nhưng chưa có cách giải quyết thấu tình đạt lý' nên chưa tạo được niềm tin.
Cử tri khác Hội đồng quan chức địa phương
Theo quan điểm "dân chủ đại diện", việc tiếp xúc cử tri thường được tổ chức thông qua việc cử một hội đồng đại diện do chính quyền lựa chọn. Khi các đại biểu về các địa phương, tiếng là tiếp xúc cử tri nhưng thực chất họ chỉ tiếp xúc với những cử tri do chính quyền địa phương lựa chọn, hay nói cách khác là tiếp xúc với Hội đồng quan chức địa phương. Thực chất của Hội đồng này chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền. Những tâm tư và nguyện vọng do họ trình bày, đề đạt đều rất chung chung và đặc biệt là không xung đột lợi ích với chính quyền. Trên lý thuyết, họ là đại cử tri. nhưng trên thực tế đại cử tri không phải lúc nào cũng đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, ý kiến của họ chưa phản ánh được đúng nguyện vọng của người dân, mà chỉ phản ánh được nguyện vọng và lợi ích của Hội đồng quan chức ấy.
Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp mới đây, Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đã phát biểu: Tiếp xúc cử tri sẽ thực chất hơn nếu là tiếp xúc trực tiếp với cử tri chứ không phải là tiếp xúc với hội đồng quan chức địa phương. Có như thế mới thu thập được nhiều ý kiến khác nhau của cử tri ông nói: "Tôi đã nhiều lần . phê phán công khai, tôi không đồng ý việc tiếp xúc cử tri ngồi bàn chữ U, cử tri thắt cavat... Theo tôi, trong ngày tiếp xúc cử tri vẫn có giấy mời đại diện thôn này, thôn kia, nhưng mà ai muốn đến thì đến”.
Dân chủ đại diện chỉ đi vào thực chất nếu làm tốt công tác tiếp xúc cử tri và giải quyết yêu cầu của cử tri. Việc tiếp xúc cử tri cần giải quyết theo hướng không hạn chế người tới dự, tiếp xúc với cử tri có nguyện vọng tiếp xúc' thông báo công khai, rộng rãi địa điểm, ngày giờ và sơ qua nội dung để cử tri có thể định hướng trước các vấn đề cần chất vấn. ghi biên bản nghiêm tức để lần sau kiểm điểm lại. Cần công bố công khai số điện thoại và địa chỉ của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tôn trọng và tìm ra lợi ích đa phương giữa các thành phần dân cư trong xã bằng việc xây dựng một cơ chế cạnh tranh có trách nhiệm, cơ chế đồng thuận.
Không thể có dân chủ thực sự nếu không xây dựng một cơ chế, một bầu không khí cởi mở cạnh tranh lành mạnh. Khi có sự cạnh tranh, có trách nhiệm giữa các thôn, làng, ấp, bản trong cùng một xã, một mặt trách nhiệm gánh vác, giải quyết các công việc trong địa phương sẽ được chia sẻ, ý thức dân chủ của cá nhân sẽ được nâng cao, mặt khác cũng giảm bớt gánh nặng quản lý quá sâu không cần thiết như lâu nay của chính quyền các cấp.
Hướng tới dân chủ thực chất, việc xây dựng một cơ chế đồng thuận xã hội, xây dựng những nguyên tắc chung tất cả vì dân tộc vì đất nước trong điều kiện hiện nay là vô cùng cần thiết. Cần cho người dân một đặc quyền quan trọng nhất "quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương" bên cạnh những quyền biết, bàn, làm, kiểm tra.
Nắm bắt quy luật vận động, xu hướng của dân chủ, vận dụng thực thi dân chủ có hiệu quả đi vào thực chất, tránh khẩu hiệu hay ảo tưởng, đó là cách thức quan trọng nhất nâng cao trách nhiệm của chính quyển ở các cấp. Chỉ khi nào, vấn đề dân chủ được chứng minh bằng chính sự cảm nhận của người dân về giá trị thiết thực mà việc thực thi quy chế dân chủ đem lại, thì lúc ấy dân chủ mới đi vào thực chất.
Bệnh im lặng
Nếu như trong đời sống, im lặng là vàng thì trong quan hệ với cử tri im lặng cũng là một biến tướng của bệnh hình thức. Im lặng thường được thể hiện trong hai trường hợp: Thứ nhất, cử tri được tiếp xúc với người đại diện nhưng không nói gì, thứ hai, đại biểu nắm được bức xúc của cử tri nhưng khi lên diễn đàn nghị trường không đấu tranh cho những bức xúc đó.
Về phía cử tri, khi những bức xúc dẫu được trình bày dưới dạng trực tiếp hay đơn thư nếu không được xem xét nghiêm túc, người dân cảm thấy họ không có chỗ đứng trong đời sống chính trị đất nước nên không còn niềm tin. Khi có chuyện tiếp xúc với với mấy ông Hội đồng hay với đại biểu Quốc hội, họ không muốn tham gia. Nếu được tham gia họ cũng không muốn bày tỏ. Điều đơn giản là, họ đã biết trước kết cục của việc bày tỏ những kiến nghị đó sẽ nhận được gì. Thôi đành tự xoay xở lấy vậy.
Trường hợp im lặng của Đại biểu Quốc hội cũng không ít. Là người theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp, tôi đã thấy có những đại biểu hầu như không bao giờ phát biểu suốt cả kỳ họp, kể cả những phiên họp ở tổ lẫn ở Hội trường. Trước thực tế đó, có người đã thết lên: "Sao các vị giữ mồm, giữ miệng thế“? Phải chăng cử tri của họ không có điều gì để kiến nghị để bức xúc? Đại biểu do dân bầu và có chức trách là đại diện cho dân, nhưng sự thực thay vì phản biện bảo vệ quyền lợi của dân, có người còn né tránh những yêu cầu chính đang của công dân đã bầu ra mình.
Căn bệnh hình thức không chỉ tồn tại ở việc tiếp xúc cử tri mà còn lan tỏa ra khắp mọi hoạt động khác của đất nước. Chủ nghĩa hình thức đã thấm đến tận các tế bào của xã hội, ngay từ việc nhỏ nhất ở thôn, xóm. Những hoạt động tiếp xúc cử tri chỉ là làm cho có, nói nhiều lắm ít khoa trương, mang mục đích tuyên truyền chứ không phải mục đích vì dân đã làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Có lẽ vì thực tế này. nên khi được giữ cương vị mới, trao đổi với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tới việc phải tiếp tục cải tiến việc tiếp xúc cử tri nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri có chất lượng hơn thông qua các chuyên đề cụ thể. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, những tâm tư nguyện vọng của người dân cả nước được đưa ra bàn thảo trên diễn đàn mỗi kỳ họp, để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường