Những yếu kém cần phải thay đổi trong hệ thống

10:20 SA @ Chủ Nhật - 12 Tháng Hai, 2006

"Tha hóa và bất cập trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước có nguyên nhân nằm trong hệ thống, khắc phục những yếu kém này nhất thiết phải khắc phục những yếu kém của hệ thống".

Cải cách đúng là quy luật của phát triển

Suy nghĩ này ra đời vào khoảng những năm 1960, 1970 khi các nước Liên Xô Đông Âu cũ tìm đường cải cách. Các nước Liên Xô Đông Âu cũ đã sụp đổ, nhưng ngày nay những suy nghĩ theo hướng này vẫn đầy ắp tính thời sự. Các cuộc cách mạng các màu sắc đang diễn ra ở nhiều nước trong quá trình chuyển đổi minh chứng tính thời sự này, với không ít sóng gió không phải quốc gia nào cũng chịu đựng nổi.

Trong các ý kiến phản hồi của các bạn gửi đến tôi, cũng có những ý kiến cho rằng chừng nào nước ta chưa chấp nhận thay đổi trong cả hệ thống, sẽ không có cách gì khắc phục được quốc nạn tham nhũng và những bất cập khác của hệ thống chính trị và bộ máy quản lý đất nước. Có một số câu hỏi được đặt ra khá gay gắt.

Tôi xin trình bày suy nghĩ của mình:

Ý nghĩ thứ nhất: Tôi cũng cho rằng nhiều tha hóa và bất cập trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước của nước ta có nguyên nhân nằm trong hệ thống, khắc phục những yếu kém này nhất thiết phải khắc phục những yếu kém của hệ thống.

Nhưng câu chuyện đặt ra là khắc phục như thế nào?

Ý nghĩ thứ hai: Tôi còn cho rằng Đảng và Nhà nước ta đã làm nhiều việc cải cách hệ thống, nhưng nhận thức chưa đúng tầm, làm cũng chưa thật dứt khoát và chưa đúng tầm, có việc làm sai, có việc miễn cưỡng phải làm - nghĩa là thiếu tự giác, còn nhiều sức ỳ và quán tính nguy hiểm, còn những vùng kiêng cấm lẽ ra không được duy trì!

Dưới đây tôi sẽ tìm cách minh họa hai suy nghĩ nói trên của mình về vấn đề hệ thống ở nước ta, để góp phần gợi ra những suy nghĩ của các bạn trong tìm kiếm câu trả lời.

Mỗi quốc gia có một hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và bối cảnh quốc tế riêng, không có một công thức chung nào cho việc thay thế hay sửa đổi một hệ thống. Tuy nhiên, về đại thể, trí tuệ cơ bản của thế giới có hai cách xử lý những vấn đề của hệ thống: (1)cách mạng, (2)cải cách.

Đối với sự nghiệp phát triển một đất nước, một nền kinh tế.., cách mạng thường là phá thì dễ và xây thì khó. Trên thế giới, theo hiểu biết của tôi, chí ít từ Cách mạng Pháp năm 1789 cho đến nay là như vậy.

Kết cục Cách Mạng Pháp 1789 như thế nào, các bạn đã biết: Nó không dựng lên được tòa nhà nó mong muốn và đã thiết kế, nhưng nó góp phần quan trọng mở ra một quá trình phát triển mới. Cách mạng Tháng Mười Nga sau 70 năm xây dựng thành công chính quyền xô-viết, cuối cùng vẫn phải đi tới cải cách, và đau đớn thay là Liên Xô đã đổ vỡ trong cải cách. Đã 15 năm hay gần 20 năm cải cách rồi, mà nước Nga ngày nay vẫn còn khắc phục chưa xong những đổ vỡ đầy ác mộng, vẫn chưa lấy lại được vị thế siêu cường đã từng có.

Tuy nhiên, bình tĩnh ngẫm nghĩ lại thì cơn đại hồng thủy này là có thể hiểu được: Cuộc sống vô cùng phong phú và vận động không ngừng, tư duy của con người thường không đuổi bắt kịp, sự hụt hẫng nào cũng phải trả giá…

Trong khi đó Trung Quốc (đi trước ta 10 năm) và Việt Nam cũng phải cải cách, và cho đến nay hai nước này đã đạt được những thành công đầu tiên để tìm đường đi tiếp.

Như thế lại thêm chuyện mới: Cải cách cũng có nhiều đường, với những hệ quả hay kết quả khác nhau. Song dù thế nào cũng đã ló ra một điều: Cải cách đúng là quy luật của phát triển.

Thành công 20 năm đổi mới là đổi mới hệ thống

Có phải như vậy không?

Tôi thì tin như vậy, và cũng xin thưa ngay: Cải cách đòi hỏi phải có những quyết định quyết liệt, nhưng giải pháp và thực hiện thì phải kiên định và kiên trì, cải cách có nhiều điều không có tiền lệ nên phải rất độc lập tự chủ và sáng tạo, bất kỳ giải pháp và phong cách “mỳ ăn liền nào” cũng sẽ lĩnh đủ như các nước Liên Xô Đông Âu đã từng lĩnh đủ.

Xin nói vào chuyện của nước ta:

Sau 20 năm đổi mới với những thành công bước đầu rất quan trọng, những thành công thay da đổi thịt và nâng cao vị thế của đất nước, chúng ta lựa chọn giải pháp nào cho tiếp tục khắc phục những tha hóa và yếu kém đang tồn tại của hệ thống? Xóa tất cả đi để làm lại từ đầu, hay là tiếp tục cải cách?

Tôi xin để ngỏ câu hỏi này cho suy nghĩ tự do của mỗi người - nghĩa là không áp đặt câu trả lời (mà tôi có muốn áp đặt cũng không được). Tôi chỉ muốn trình bày những suy nghĩ riêng của mình bằng cách tiếp cận những việc 20 năm đổi mới đã làm.

Nhận xét chung nhất của tôi là: 20 năm đổi mới, chúng ta đã và đang bắt tay vào cải cách hệ thống. Những gì 20 năm đổi mới đã làm nên, có căn nguyên cơ bản nằm trong những thay đổi, đổi mới và sự phát triển mới của hệ thống. Xin đừng quên điều này.

Tuy nhiên trong quá trình này còn nhiều mặt chưa với đúng tầm, cả về nhận thức cũng như về hành động, còn nhiều mặt chưa tự giác - nghĩa là còn nhiều việc do tình thế thúc ép - và như đã nói: có không ít việc làm sai.

Từ nền kinh tế khép kín và bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường với tất cả các thành phần kinh tế và hội nhập vào kinh tế thế giới - dứt khoát đó là cải cách hệ thống! Từ quản lý nhà nước của nền kinh tế chỉ huy, sang quản lý nhà nước bằng pháp luật và theo quy luật của thị trường - dứt khoát đó là cải cách hệ thống!..

Suy nghĩ theo hướng này, sẽ tìm thấy Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cải cách khác thuộc về hệ thống! Bây giờ, với việc phấn đấu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước ta đang phải chủ động dấn thêm một bước quan trọng nữa trong cải cách toàn bộ hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý và hệ thống chính sách của đất nước - đấy là những bước cải cách hệ thống rất quan trọng!

Đẩy mạnh đổi mới để khắc phục yếu kém của hệ thống

Đó là những bước tiến rất quan trọng trên con đường cải cách hệ thống. Xin mời suy nghĩ tiếp theo hướng này…

Song đúng là còn nhiều chuyện nhận thức chưa tới tầm, còn nhiều việc “dùng dằng nửa ở nửa về”, còn nhiều chuyện mỗi người không làm đúng việc của mình, còn nhiều vùng chồng lấn hoặc nhiều hiện tượng dẫm đạp lên nhau trong phân công công việc và trong làm việc của hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước, còn nhiều việc làm sai…

Trong toàn Đảng và toàn dân còn nhiều hiện tượng kỷ cương phép nước chưa giữ được như Hiến pháp và luật pháp hiện hành quy định. Trong Đảng còn nhiều việc chưa làm được như Điều lệ của Đảng đòi hỏi đối với toàn Đảng nói chung cũng như đối với từng đảng viên nói riêng…

Tất cả những chuyện này đều có nguyên do từ hệ thống, có những phương diện tệ hại đến mức đang hình thành hay xuất hiện những “văn hóa” bệnh hoạn (“văn hóa phong bì”, “văn hóa quan hệ”, “văn hóa bằng thật học giả” “văn hóa nói dối”…)!

Theo tôi, kết luận cần rút ra là: Cái gì sai, cái gì còn tồn tại thì sửa tiếp, cái gì đã sửa mà chưa đến nơi đến chốn thì quyết làm cho dứt điểm, cái gì phải hướng tới thì cố vươn lên đạt lấy.

Tóm lại, con đường tiếp tục khắc phục những yếu kém thuộc về hệ thống là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới!

Tôi nghĩ rằng: Đã đặt chân lên con đường đổi mới rồi, đã định ra được hướng đi, và đã bước được những bước đầu tiên rồi, phải nhìn xa trông rộng, nhìn trong nhìn ngoài để đi tiếp. Cái gì phải làm và chưa làm được thì cần cố làm bằng được, nhưng dứt khoát đừng dại dột gì xóa đi làm lại từ đầu! Còn dừng lại để cố thủ hay rẽ ngang thì chẳng còn chuyện gì để bàn.

Nhân dân ta - đã không từ một hy sinh nào trải qua 30 năm chiến tranh để giành lại đất nước, đã đổ mồ hôi sôi nước mắt trong 30 năm độc lập thống nhất đầu tiên để tìm đường đi lên, nhân dân ta sẽ không thể chuốc thêm những đổ vỡ mới, sẽ không cam chịu số phận làm vật thí nghiệm cho ”những cuộc cách mạng da cam da quýt” nào đó. Nhân dân ta có đủ bản lĩnh tự bảo vệ mình trước mọi ý đồ như vậy. Tôi đứng về phía suy nghĩ này. Là đảng viên, tôi hiểu đấy cũng là lập trường dứt khoát của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tuy nhiên, câu hỏi nghiêm khắc đặt ra là: Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể đi tiếp trên con đường đổi mới hay không?Nghĩa là có tiếp tục khắc phục được những yếu kém thuộc hệ thống không?

5 vấn đề cần cải cách

Trước khi nêu lên suy của riêng mình để tìm câu trả lời, tôi thừa nhận câu hỏi vừa nêu trên là câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?!”.

Tôi thừa nhận cải cách để khắc phục những vấn đề thuộc về hệ thống là cực kỳ khó, càng những bước về sau càng khó, khó nhất là làm sao cho cải cách của hệ thống chính trị và quản lý nhà nước tiến kịp với cải cách và phát triển của kinh tế.

Có thể kể ra nhiều lắm, song những vấn đề lớn nhất (theo sự hiểu biết của tôi) có lẽ tựu trung lại là:

(1) Hiện nay hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước còn thấp - nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước, còn rất nhiều điều không hợp lý đang tồn tại trong nó.

(2) Mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của nhà nước pháp quyền thế nào là tối ưu nhất cho sự phát triển đất nước? Hiện nay vừa chưa có câu trả lời thỏa đáng, vừa chưa đưa ra được một mô hình ưu việt nào khả thi - nhất là trong thế chế chính trị một đảng – đây thực sự là một vấn đề khó đối với một nước kém phát triển, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nữa...

(3) Chống tham nhũng không đạt được kết quả mong muốn, nguyên nhân chính là mầm mống của tham nhũng nằm trong hệ thống –những việc đã làm được trong chống tham nhũng phần lớn mới chỉ thuộc phạm vi xử lý “phần ngọn”.

(4) Sự xuống cấp trên những phương diện nhất định về văn hóa – xã hội có nhiều nguyên nhân sâu xa nằm trong hệ thống, không thể đơn giản trút mọi tội lỗi lên cơ chế thị trường.

(5) Vấn đề tồn tại lớn nhất mang tính hệ thống nằm ngay trong những vấn đề thuộc nhiệm vụ xây dựng Đảng. Những vấn đề tồn tại lớn nhất này ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước…

Xin để ngỏ những vấn đề này cho sự thảo luận rộng rãi đãi cát tìm vàng, hoặc dành cho những bài viết, những cuốn sách mới cần viết ra...

... và hai ví dụ lớn

Trong phạm vi bài trả lời bạn đọc, tôi chỉ xin đụng chạm vào một hai vấn đề làm ví dụ, với hàm ý nói lên rằng nếu có tâm và có trí tuệ, có ý chí thì vấn đề nào Đảng ta cũng có thể có được giải pháp tốt đáng mong muốn. Không vấn đề nào là không có giải pháp.

Ví dụ 1: bàn về xí nghiệp quốc doanh: Hiện nay trong đổi mới đang nổi lên vấn đề thành lập các tập đoàn kinh tế, với lập luận cần những “quả đấm thép” để cạnh tranh có hiệu quả trên thương trường – dù ở trong nước hay trên thế giới.

Ai không mong cho nước Việt mình có những công ty xuyên quốc gia (TNCs) có thể cạnh tranh ngang ngửa với cả thế giới? Petro Vietnam Nam và Petronas (của Malaysia) ra đời cùng khoảng thời gian 1974- 1975, xin các bạn hãy so sánh hai tập đoàn này với nhau, và sẽ thấy câu chuyện thật đáng buồn cho đất nước ta như thế nào. Hiện nay Petronas kinh doanh và khai thác dầu khí với 31 quốc gia, có nhiều công trình thăm dò và khai thác ở nước ngoài, còn Petro Vietnam?

Bây giờ thành lập tập đoàn kinh tế đang trở thành đề tài nóng hổi ở nước ta. Tôi chỉ xin lưu ý: Trước khi đi tới một quyết định kinh tế nào đó, xin cân nhắc kỹ với cái tâm - ở đây là trách nhiệm đối với đất nước, và với trí tuệ được huy động ở mức cao nhất.

Tôi lấy ví dụ việc thành lập tập đoàn than (hình như còn bao gồm cả nhiều khoáng sản khác nữa). Có nhiều câu hỏi phải đặt ra: Hiện nay năng lượng là vấn đề chiến lược đau đầu đối với cả thế giới, than đối với chiến lược năng lượng của nước ta là gì? Chẳng lẽ là cứ phá môi trường thật nhiều để xuất khẩu than và nhập điện về dùng? Các quốc gia khác họ làm thế nào? Mỗi năm khai thác khoảng 30 chục triệu tấn than, có nghĩa là phải bóc rỡ khoảng hai trăm triệu tấn đất đá, xin hỏi đổ đi đâu? Phải hoàn trả lại môi trường như trước khi khai thác - đòi hỏi này đã được ghi vào luật - thì ngành than hiện nay sự thực sẽ là lỗ hay lãi? Mỗi năm hàng triệu tấn than xuất lậu - thành lập tập đoàn than sẽ giảm bớt được hay làm trầm trọng thêm tình trạng này? Nên duy trì và phát triển Quảng Ninh xanh hay đẩy mạnh khai thác than để tạo ra một Quảng Ninh đen? Khai thác và xuất khẩu nhiều than hơn nữa thì đất nước giầu lên hay nghèo đi?.. Sẽ đi lên kinh tế tri thức với tập đoàn than?

Tôi không rõ những câu hỏi như thế có được đặt ra không và được trả lời như thế nào trước khi đi tới quyết định thành lập tập đoàn than. Đây cũng là một dẫn chứng về những yếu kém của vấn đề thông tin cho dân và vấn đề thực hiện công khai minh bạch trong kinh tế, vấn đề thực hiện dân chủ trong ban hành những quyết định kinh tế lớn mang tầm quốc sách...

Trên tivi tôi chỉ được nghe giải thích: thành lập tập đoàn để có quả đấm thép, tập đoàn không phải là đối tượng quản lý của luật pháp.., thông tin như vậy người dân làm sao biết được mọi ngóc ngách của việc thành lập tập đoàn than? Hay là tôi đã nghỉ hưu nên không đủ thông tin?

Xin nhắc lại chuyện cũ: Khi thành lập các tổng công ty 90 và các tổng công ty 91, lúc ấy cũng được lập luận là để tạo ra những “quả đấm thép”. Xin hỏi: Hiện nay có bao nhiêu tổng công ty 90 và tổng công ty 91 đã thực sự trở thành “quả đấm thép”? Có bao nhiêu trong số những tổng công ty này trong sạch, có hiệu quả, miễn dịch được đối với những tham nhũng và bê bối lớn? Có bao nhiêu trong số những tổng công ty này bị những “quả đấm thép” của tệ nạn tham nhũng và những yếu kém khác nốc-ao hay no đòn - đến mức ngân sách nhà nước đang phải mang nợ lớn? Có bao nhiêu công ty con trong các tổng công ty này là “quốc doanh vỏ”?… Xin công bố công khai để rộng đường dư luận cho những việc có liên quan.

Ngay cả vấn đề như cổ phần hóa đã thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng có không ít cái sai - việc thực hiện cổ phần hóa khách sạn Phú Gia và khách sạn Dân Chủ ở Hà Nội có lẽ là những ví dụ điển hình cần phân tích mổ xẻ kỹ để rút kinh nghiệm. Nói chung hiện nay chúng ta còn đang tránh né cụm từ “tư nhân hóa” cho việc cổ phần hóa, và hình như việc tránh né này bị lạm dụng để che chắn cho không ít chuyện đau đầu trong tiến hành cổ phần hóa… Còn nhiều xí nghiệp quốc doanh lớn đáng cổ phần hóa lắm, nhưng nhà nước vẫn “ôm”. Tình trạng “bao cấp” dưới mọi dạng trực tiếp hoặc trá hình, vô hình hoặc hữu hình chưa xóa bỏ được hết đâu…

Phải thừa nhận, không có giải pháp “mỳ ăn liền” nào cho những vấn đề khó này, có ở trong cuộc mới biết được (nếu để xảy ra những đổ vỡ trong cải cách kinh tế như ở nước Nga theo kiểu làm thất thoát nghiêm trọng tài sản, của cải và nhiều nguồn tài nguyên của quốc gia, người lao động thì bị bật ra khỏi xí nghiệp.., có lẽ nền kinh tế nước ta không chịu đựng nổi). Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận “trì trệ” và “đặc quyền đặc lợi” càng làm cho những cái khó này khó thêm – ví dụ: chỉ riêng vấn đề xóa bỏ “cơ chế chủ quản”, đã được đề ra từ cuối những năm 1980, thế mà đến nay vẫn chưa thực hiện được – mà nguyên nhân chủ yếu thường là vì người chủ quản và khá nhiều kẻ bị chủ quản đều yêu mến cơ chế chủ quản!

Trên thế giới có hàng ngàn, hàng ngàn ví dụ tốt xử lý vấn đề xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, hoàn toàn có thể nghiên cứu để vận dụng có hiệu quả vào nước ta. Cho đến nay nước ta đã cử hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn cán bộ, nhóm hay đoàn ra nước ngoài đi nghiên cứu vấn đề này rồi. Chỉ còn lại câu chuyện có quyết làm hay không thôi!

Ví dụ 2: bàn về xây dựng Đảng: Thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của nhà nước pháp quyền như thế nào có lợi nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước?

Phải nhìn nhận rằng, hệ thống chính trị và hệ thống quản lý nhà nước được tổ chức và vận hành như hiện nay đang tạo ra những vùng “chồng lấn” hoặc những “khoảng trống” rất lý tưởng cho tha hóa, cho bất cập và cho mọi tệ nạn tham nhũng hoành hành… Bài báo nhỏ “Quyền gật và lắc của Quốc hội” (Tuổi trẻ ngày 05/01/2006) đủ phản ánh tình trạng này. Có không biết bao nhiêu sự việc Quốc hội được coi như một cơ quan thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong thực tế có không ít văn bản hay lời nói công khai trên báo chí: Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính tri, Quốc hội đã… Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã…

Sẽ còn nhiều "Bùi Tiến Dũng" nếu không ngăn chặn trước.

Khi báo chí chất vấn bộ trưng Đào Đình Bình tại sao lại bổ nhiệm và sử dụng người như Bùi Tiến Dũng vào chức vụ phụ trách PMU 18, trả lời: đấy là công việc của cấp ủy Đảng hữu trách! Báo chí hỏi đảng ủy tại chỗ vì sao lại để xảy ra chuyện này, trả lời: Bùi Tiến Dũng đã được nhắc nhở, nhưng không chịu nghe lời.

Ông Đào Đình Bình không nói sai, đảng ủy tại chỗ không nói sai. Song cái nguy hiểm nằm ngay ở chỗ không nói sai này! Sự thực đúng 100% như vậy! Sự thực này nói lên những bất hợp lý nằm trong tổ chức, cơ chế và sự vận hành của hệ thống. Sự thực này cắt nghĩa vì sao trước “Bùi Tiến Dũng” hiện tại, đã có không ít “Bùi Tiến Dũng” quá khứ, ví dụ liền kề là Lương Cao Khải... Cũng có nghĩa là nếu còn giữ nguyên hệ thống như thế này, lúc nào đó lại sẽ có những “Bùi Tiến Dũng” mới - nghĩa là sẽ không có khả năng ngăn chặn từ xa những “Bùi Tiến Dũng” mới.

Phải nói cho đến nay bàn tay của cơ chế, của tổ chức - kể cả tổ chức cơ s đảng - và của luật pháp, hầu như không chủ động ngăn chặn được những vụ bê bối, thường thì chỉ với tới được chúng khi chúng bị lộ.., đến nỗi trên báo chí có khi người ta đã phải dùng đến cách xưng hô “Thưa các đồng chí chưa bị lộ!..” Không hiếm chuyện đã “chạy” được chức vụ gì đó rồi thì sau khi nhậm chức phải làm mọi việc để hoàn vốn đã bỏ ra cho việc chạy ghế, rồi còn phải tính chuyện kiếm lãi nữa... Chuyện bí mật công khai này bí mật đến mức cho đến nay, hầu như chưa làm sao bắt được tận tay day tận trán lấy một trường hợp về tội chạy ghế!..

Tất cả những chuyện này giải thích vì sao Tổng bí thư hay Thủ tướng nhiều lần lên tiếng đòi chấm dứt ngay tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, thế mà dưới vẫn không nghe! Cách chức một quan chức yếu kém nào đó – dù ở cấp hạng bét, là việc vô cùng khó khăn ở nước ta...

Những “vùng chồng lấn” và những “khoảng trống” nằm trong hệ thống như thế là nguyên nhân chính vì sao cứ tha hồchống, tha hồ diệt, song những bệnh hoạn này vẫn cứ tha hồ phát triển.

Phải đối mặt với mặt trời!

Đúng đây là bài toán khó.

Nguyên nhân chính là chưa dám vượt qua cái bóng của mình.

Trong một thư phản hồi cho tôi, có lẽ là của một sinh viên, viết: Chọn hướng đi quay lưng lại với mặt trời thì làm sao vượt qua được cái bóng của mình!

Ôi, thà bạn ấy xát muối vào ruột tôi còn hơn!

Tuy nhiên, ngẫm nghĩ thêm, tôi càng tin là quay mặt về phía chân lý thì dứt khoát sẽ vượt qua được cái bóng của mình!

Quả thực trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều chuyện “dùng dằng nửa ở nửa về” - nhân danh yêu cầu “Đảng phải lãnh đạo toàn diện”, nhân danh xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nhân danh vân vân…

Những chuyện “nhân danh” như thế khiến tôi nghĩ: đang tồn tại cách hiểu rất sai lệch về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Không hiếm trường hợp cụm từ “xã hội chủ nghĩa” gán cho nhà nước pháp quyền bị lợi dụng làm bình phong hay sự biện hộ cho những việc làm chẳng dính dáng đến, thậm chí là trái với thể chế của nhà nước pháp quyền sơ đẳng nhất.

Nhân đây cũng xin nói rằng, dù là phát triển thị trường, dù là xây dựng nhà nước pháp quyền, dù là làm những việc gì khác nữa.., không thể c chua thêm cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là mọi chuyện sẽ trở nên hoàn hảo! Không có chuyện này đâu.

Sự chua thêm vào như thế không làm cho chế độ ta tốt đẹp lên, cũng chẳng nâng cao được năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng. Tôi không rõ có một đề tài khoa học nào đã được sản xuất ra - kể cả ở cấp quốc gia, nghĩa là chi phí tiền tỷ - có thể đảo ngược đựơc sự thật này không? Trong khi đó, cuộc sống không có sự chân không hay tĩnh tại, cái gì mất đi thì ngay lập tức sẽ có cái khác chiếm chỗ, cái gì không tốt lên thì ngay tức khắc cái xấu sẽ lấn át. Đấy là quy luật thép trong vận động của sự vật.

Lại phải nhìn thẳng vào sự thật.

Lời giải nằm trong tầm tay của Đảng!

Kết luận cần rút ra không phải là xóa bỏ khái niệm “lãnh đạo toàn diện”. Đã là đảng lãnh đạo thì phải chịu trách nhiệm toàn diện, phải lãnh đạo toàn diện. Nhưng Đảng phải tạo ra cho mình phẩm chất và khả năng làm đúng, làm thật tốt chịu trách nhiệm toàn diện, lãnh đạo tốt toàn diện. Tuyệt đối không được biến tướng nhiệm vụ trọng đại này sang “nắm toàn diện”, cũng như đừng biến tướng nhiệm vụ của “đảng cầm quyền” thành nắm mọi quyền lực!

Hiến pháp hiện hành của nước ta không cho phép làm như thế. Điều lệ Đảng hiện hành cũng không cho phép làm như thế! Đây là sự nhầm lẫn chết người! Khắc phục những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống phải bắt đầu từ khắc phục sự nhầm lẫn này. Nhưng xin nói ngay, chuyện này không dễ, vì nó đối kháng quyết liệt với ma lực của quyền lực và quyền lợi.

Song cũng xin thưa trên thế giới có nhiều đảng cầm quyền ở những nước khác nhau, nhất làcác nước phát triển, đã giải quyết tốt ở mức này mức khác bài toán khó này*; nguyên nhân chính có lẽ là họ làm được cái việc chuyện nào đi chuyện ấy, ai làm đúng việc nấy, đảng là đảng thực sự, nhà nước là nhà nước thực sự, không thể vừa là đảng vừa là nhà nước, càng không thể đảng trong đảng, nhà nước trong nhà nước! Tất cả bắt buộc phải làm việc trong khuôn khổ của hiến pháp!

Như thế rõ ràng là bài toán khó này có lời giải.

Chẳng có một định luật hay quy luật nào bắt Đảng không được học hỏi các đảng cầm quyền trên thế giới cách giải bài toán khó này! Câu chuyện còn lại vẫn là cái tâm và trí tuệ cần phải có để tạo ra ý chí đi tới lời giải đúng.

Đối vế chế độ chính trị có một đảng, thì còn phải xây dựng các đoàn thể quần chúng trở thành “người đại diện thực sự và có thẩm quyền” của các tầng lớp nhân dân khác nhau, có tiếng nói của chính mình đối với Đảng, đối với mọi công việc của đất nước, chứ không phải là biến họ thành “những cánh tay nối dài” của Đảng.

Trong một vài năm gần đây đồng chí nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều ý kiến nói khá rõ vấn đề này, rõ đến mức xin đừng coi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và gìn giữ tình làng nghĩa xóm là nhiệm vụ chủ yếu của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, mà phải làm cho MTTQVN trở thành một trong những cột trụ chính của hệ thống chính trị!.. Đồng chí đã phê phán thẳng thắn hiện tượng “đảng hóa” trong hệ thống chính trị và trong hệ thống quản lý nhà nước… Thiết nghĩ đấy là những ý kiến xác đáng, chứa đựng lời giải mà chúng ta đang tìm kiếm.

Lời giải thực ra đã phần lớn đã nằm trong tầm tay của Đảng: Hiến pháp, Điều lệ Đảng và nhiều bộ Luật hiện hành khác của Nhà nước! Phải học tập lại, làm lại cho đúng và tiếp thục hoàn thiện toàn bộ thể chế hiện có của đất nước. Hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta chưa thể nói là hoàn chỉnh, nhưng khá đầy đủ, cái khó nằm ở chỗ việc thực thi pháp luật nhiều khi bóp méo hoặc vô hiệu hóa pháp luật hoặc các thể chế tốt.

Bàn về sự thay đổi hay chuyển hóa của hệ thống, không thể bỏ qua vấn đề vai trò cá nhân của con người trong hệ thống - ở mọi cấp, mọi thang bậc trong hệ thống. Bên trên tôi đã nói đôi lời về sự bạc nhược của mỗi cá nhân. Tới đây xin nhấn mạnh từng cá nhân trong hệ thống quyết tâm đổi mới, không có lý do gì không thực hiện được đổi mới. Người đảng viên lại càng phải như vậy.

Vai trò cá nhân của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đối với Đại hội VI là một tấm gương sáng cho toàn Đảng noi theo. Nếu từng cá nhân trong hệ thống không có cái tâm và trí tuệ tạo ra ý chí đổi mới, thì đành phải để cho cuộc sống dạy dỗ, chăm sóc thôi - với sự trả giá của tất cả, trước hết là dân!

Chỗ đang đứng ở thời điểm hiện nay của cải cách hệ thống không phải là vạch xuất phát của con số “không”. Sự thật là đất nước ta đã đi được một đoạn đường có ý nghĩa quyết định trong cải cách hệ thống. Đòi hỏi quan trọng hơn nhiều là phải ý thức đúng các mặt tốt hoặc xấu trong những việc đã làm, và xin đừng lúc nào quên càng những bước về sau càng khó, càng đòi hỏi nhiều phẩm chất và trí tuệ – nhưng phải đi tiếp, chứ không thể quay ngang hoặc quay lùi!

Đảng nhất thiết phải đi đầu trong việc Sống và làm việc theo pháp luật!

Vậy là bài toán khó nhất này là về Đảng hiển nhiên có lời giải. Ắt những vấn đề khó khác cũng phải có lời giải.


Tôi e rằng đang có sự hiểu lầm khái niệm đảng cầm quyền. Khi Bác Hồ trong một dịp nào đó nhắc nhở Đảng ta là đảng cầm quyền, tôi hiểu đấy là Bác nhắc nhở đến trách nhiệm nặng nề của Đảng, khái niệm “đảng cầm quyền” ở đây có lẽ nằm trong bối cảnh tư duy của Bác nhìn nhận về hệ thống chính trị tại các nước phương Tây mà bác đã từng sống.

* Lịch sử nhân loại đến nay chưa có nhà nước nào trong sạch đến chân không đâu!

Nguồn:VietNamNet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thời cơ vàng của Đảng ta

    04/11/2010Nguyễn Trung"Thời cơ vàng đang đến của dân tộc, vì vậy cũng chính là thời cơ vàng của Đảng ta! Hoặc là… Hay sẽ là…".