Tiền
Ngay từ thời Pháp thuộc, khi tôi còn là một cậu bé mặc áo dài thâm, quần chúc bâu trắng, đi guốc mộc, đội mũ cát trắng, đi học tiểu học, tôi đã được đọc trên báo Truyền bá của Nhà xuất bản Tân Dân một định nghĩa về tiền.
"Tiền mua được tất cả, trừ đường lên trời".
Ngay từ ngày đó, tôi cũng đã hiểu được rằng: Đường lên trời ở đây là đường lên thiên đàng, (khái niệm đường vào vũ trụ, thời đó chưa có trong tôi), mà thiên đàng vốn là không có, và sẽ không bao giờ có, cho nên định nghĩa ấy chỉ còn lại: "Tiền mua được tất".
Sau này, khi đọc được nhiều sách hơn, tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, tôi biết thêm được những phương ngôn tục ngữ nói về tiền, có câu na ná với định nghĩa của người phương Tây kia: "Có tiền mua tiên cũng được". Tôi cũng biết được những tác dụng của đồng tiền: "Đồng tiền liền với ruột", không "liền" là mất liền. Lại như "nén bạc đâm toạc tờ giấy" đây là tờ giấy gì vậy? Nó có thể là biên bản phạt vạ, là tờ giấy thông báo thuế, là đơn kiện, thậm chí là cả những bản án "đã thành án", và vân vân. Tôi nhớ trong kho tàng truyện tiếu lâm Việt, và cả trong kho tàng "chuyện vui" của Trung Quốc cùng có một chuyện giống y như nhau: Có hai anh mang nhau tới cửa quan kiện nhau. Một anh "khôn" hơn tính rằng: "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", cho nên đã đem năm mươi nén bạch đến "mua quan", mua lấy phần thắng, quan lớn nhận lễ và hứa cho anh ta thắng kiện, nhưng khi xử kiện quan lớn đó đã xử cho người kia thắng kiện, anh thua liền xòe cả bàn tay ra trước mặt quan có ý nhắc: "Tôi đã mua ông với giá năm mươi nén bạc...". Quan lớn điềm nhiên cười cũng xòe bàn tay ra, nhưng lật lên úp xuống hai lần, rồi điềm nhiên đáp:
- Cái lý của nó nặng hơn anh...
Thì ra anh thắng kiện đã "mua quan" với giá 100 nén bạc...
Trong hai câu chuyện giống hệt nhau ấy, tôi thích câu chuyện của Trung Quốc hơn, bởi chỉ một âm "lý", quan lớn phát ra, nó lại mang được hai nghĩa là "cái lý" và "cái lễ", vì hai chữ "lý" và "lễ" đồng âm khác nghĩa, nhưng đều đúng trong trường hợp này.
"Nén bạc đâm toạc tờ giấy" đến nỗi cụ Nguyễn Khuyến cũng phải than phiền:
Có tiền, việc ấy mà xong nhỉ,
Đời trước làm quan cũng thế a?
Tiền quan trọng tới mức, không có nó, lập tức anh thành kẻ ăn mày:
Ăn mày là ai
Ăn mày là ta.
Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày...
Trong những năm "quá độ sang chủ nghĩa xã hội", tôi còn được nghe cả một bài đồng dao dài dằng dặc, nói về sức mạnh đồng tiền:
Tiền là Tiên là Phật,
Là sức bật lò xo,
Là quan to chức lớn,
Là... là...
Tôi lại nhớ tới thời sinh viên, cả thời đi làm cán bộ của mình, trong những lớp học triết học, chính trị, các thầy giáo thường hay nhấn mạnh vào một chi tiết - tôi không nhớ được nguyên văn, mà chỉ nhớ cái ý: Cần một đồng xu lãi, mà phải đào mả bố lên, bọn tư bản nó cũng đào.
Nhưng bây giờ khi ta đã mở cửa, chèo kéo, mời mọc được các nhà tư bản nước ngoài vào mở xí nghiệp ở nước ta, nhiều khi họ còn bỏ ra những khoản tiền khá lớn làm từ thiện, tài trợ các công trình xây dựng, thậm chí đứng ra một mình đảm đương những cuộc thi với giải thưởg lớn hàng tỷ đồng... Vậy là ta đã "lãnh đạo" được họ, "cải tạo" được họ rồi sao?
Tôi có đem nỗi băn khoăn này hỏi một người bạn đang là chủ nhiệm khoa Mác - Lê của một trường cao đẳng. Ông đã chỉ ngón tay vào mặt tôi thân mật nói:
- Kinh điển đấy! Kinh điển đấy! Cần một đồng xu lãi, phải đào cả mả bố lên cũng đào... kinh điển đấy...
- Thế sao, bây giờ họ lại dễ dãi với mình về tiền nong đến thế?
- Thế ông tưởng họ "cho không" mình đấy à? Họ "mua" mình đấy!
- Mua gì mà lại đi làm chiếc bánh chưng to đùng, thuộc vào hàng kỷ lục ghi nét, gói "lá đỏ" đúng màu cocacola, chứ không đậm đà bản sắc dân tộc "bánh chưng xanh... câu đối đỏ"? Và cuối cùng phải mang đi tiêu hủy, chứ không đem nuôi bọn trẻ con cơ nhỡ lang thang, như họ nói, như ta nói?
Bạn tôi không trả lời tôi, mà quay sang lẩy Kiều:
Trong tay sẵn có đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen sá gì!
Một người bạn khác, có mặt tại đó, cao tuổi hơn chúng tôi, nói như minh họa thêm với giọng nửa giận nửa buồn:
- Sức mạnh của đồng tiền trong việc mua mua bán bán kiểu đó, còn lắm chuyện trớ trêu hơn thế đến vạn lần. Các ông cứ chú ý mà xem, trên các "sân khấu tài trợ" những chỗ trang trọng nhất, trước kia chỉ để khẩu hiệu cùng các thứ khác, với đầy vẻ tôn nghiêm thì bây giờ vì đồng tiền, người ta đã thay thế vào đó những thứ "siêu mỏng", "siêu nhẹ", "siêu thấm"... "siêu thảnh thơi", thử hỏi, như vậy cái đồng tiền nó đánh mình tan tác ra thế, thì còn ra cái thể thống gì nữa chứ?
Ông lão "cố chấp", "ngoan cố" vẫn tiếp tục "mở cửa" cho những bực bội của mình.
- Lại như cái đội bóng, gọi là "màu cờ sắc áo" của quốc gia đó, cũng vì tiền mà "đem đầu" tới cửa nhà giàu, van bà chủ kinh doanh này, xin ông chủ ngân hàng kia để được "bán đứt" cái "danh hiệu", cái "thương hiệu" của mình cho họ, để được "thay tên đổi họ", để được khoác lên người mình cái tên của hãng băng vệ sinh kia, hoặc tên của hãng quần áo su chiêng si líp nọ... Thật khốn khổ, thê thảm cái đồng tiền... Đồng tiền "đẫm máu" đã phá tan hết mọi thứ danh dự cũng như lòng tự trọng.
Rồi "học giả" mua "bằng thật", đi thi thì mua giám thị, mua điểm của thầy chấm thi... mua một hai điểm thiếu, mua từ không điểm (0) lên 6, 7, 8 điểm... rồi "mua án"...
- Mua án?
- Mua từ án đang điều tra sang "đình chỉ điều tra", mua từ tù ngồi sang án tù treo, mua từ án treo sang "trắng án"... Tóm lại, có tiền mua được tất, và "Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo" (Nguyễn Khuyến), miễn là lấy được "giải", còn dầu mỡ, bùn đất lấm lem bám trên người, thì bật nước nóng lên, tắm một cái bằng Camay, hay Bond là sạch sẽ tinh tươm, y như mới, trắng bong, trong sạch, cho nên đừng có bảo họ là dại là điên - Bạn tôi lại ngâm thơ Nguyễn Khuyến:
Ai rằng ông dại với ông điên,
Ông dại mà ông biết lấy tiền...
- Thời xưa khi nhân loại còn lấy những vỏ sò vỏ hến, những nút dây thắt, làm vật ngang giá, làm "đồng tiền", thì mọi sự thật tốt lành, nhưng khi nhân loại đúc ra những đồng tiền vàng, tiền bạc, rồi in ra tiền giấy thường, tiền giấy polyme thì nhân loại đã hãm hại chính mình...
- Ôi chao! Tiền! Tiền! Tiền đâu!... "đầu tiên"...
Lại ông bạn cao tuổi nhất đưa ra ý mới, như tổng kết:
- Xét cho cùng, bản thân đồng tiền là có công, cái tội là tội ở con người hư hỏng...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh