Có những thứ quan trọng hơn tiền
Điều gì khiến một người có mức lương gần 4 triệu USD mỗi năm từ bỏ công việc để nhận mức lương mới thấp hơn 20 lần? “Phụng sự đất nước”. Đó là câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson với sinh viên ở Hà Nội.
Buổi trưa 8-9-2006 ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, sinh viên hối hả tìm vào hội trường. Họ đang tìm cho mình một chỗ ngồi thật tốt để có thể tham gia buổi giao lưu với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson.
Hàng trăm sinh viên ngồi chật cứng các hàng ghế, ra cả lối đi và hành lang bên hông. “Với chúng tôi, ông là một nhân vật lớn và rất thú vị không chỉ vì chức vụ đang đảm nhiệm mà là vì trước kia ông đã từng là chủ tịch Tập đoàn tài chính - ngân hàng nổi tiếng thế giới Goldman Sachs Group với mức lương vài triệu USD/năm” - cô sinh viên năm 4 khoa kinh tế quốc tế K45B Nguyễn Lan Anh chia sẻ.
Trên sân khấu, Bộ trưởng Paulson tỏ ra thoải mái với chiếc áo sơmi màu xanh nhạt tô điểm bằng chiếc cà vạt màu xanh đậm nới lỏng. Vị bộ trưởng 60 tuổi xăn nhẹ chiếc tay áo dài tay, bắt đầu câu chuyện: "Tôi vô cùng cảm kích với sự chào đón và chờ đợi của các bạn. Các bạn là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế VN trong tương lai, tôi hi vọng các bạn sẽ có những ý tưởng tốt, táo bạo góp cho sự phát triển vươn lên của nền kinh tế VN trong khu vực và thế giới”.
Ông đứng trên sân khấu di chuyển liên tục và tâm sự. Theo ông, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng hội nhập mạnh mẽ giữa các nền kinh tế và sự thay đổi đó là liên tục. So với lần đến VN năm 1994, VN đã thay đổi quá nhanh nhưng theo ông, “các bạn, đừng ngại thay đổi vì trong quá trình thay đổi chúng ta sẽ học được nhiều điều thú vị, nó giúp chúng ta hội nhập tốt hơn trong cuộc sống”.
Ông bảo các bạn sinh viên phải có tầm nhìn dài hạn, kiên định với định hướng mà mình đã đặt ra. “Mục tiêu ngắn hạn thì không hẳn là không tốt nhưng thành công trong cuộc đời chính là sự đầu tư dài hạn. Tất nhiên không phải mọi chuyện đều dễ dàng. Khi chúng tôi nói chuyện với các doanh nghiệp VN, một trong các vấn đề mà họ đau đầu là các lao động trẻ thường nhanh chóng bỏ công việc đang làm khi nhìn thấy một cơ hội có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Quan điểm của tôi là có rất nhiều điều còn quan trọng hơn tiền và rất có giá trị, đó là kiến thức. Có thể đặt ra mục tiêu kiếm tiền trong giai đoạn ngắn nhưng đừng quên mục tiêu học hỏi, trau dồi kiến thức cho cả cuộc đời. Điều kế tiếp mà tôi muốn nhắn nhủ với các bạn chuyên ngành kinh tế là hãy có niềm tin vào cuộc sống, liêm khiết và có tinh thần đạo đức trong công việc. Hãy biết cân bằng giữa cuộc đời và công việc.
Rất nhiều người kết thúc sự nghiệp của mình và nói rằng tôi đã đạt được thành công trong nghề nghiệp nhưng trong cuộc sống cá nhân lại hết sức đáng buồn. Vì vậy hãy dành thời gian cho đời sống hằng ngày của bạn".
Nói đến đây ông bước xuống hội trường và chờ đợi câu hỏi của các sinh viên. Hàng loạt câu hỏi khác về lĩnh vực tài chính ngân hàng, về nhận định của ông về sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài ở VN, về hội nhập WTO, chống phá giá, tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa... được các sinh viên đưa ra.
“Tại sao ông lại từ bỏ một công việc mang lại cho ông nhiều lợi nhuận và mức lương cao trên 3,8 triệu USD/năm để làm việc ở một vị trí mà mức lương chỉ khoảng 200.000 USD/năm?”. Câu hỏi của một nữ sinh viên khiến cả hội trường vang tiếng vỗ tay. “Tôi rất ít khi gặp phải một câu hỏi như thế này - ông Paulson vừa cười vừa trả lời - đúng là tôi đã nhận được rất nhiều lợi ích từ chức vụ này nhưng tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình đóng góp lại những kinh nghiệm và kiến thức để phục vụ cho đất nước”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn