Thư châu Âu: 'Hãy luôn làm cho đứa trẻ bận rộn'
Thưa quý anh chị,
Bạn tôi không mấy khi bực tức một điều gì đó lâu. Nhưng hôm nọ, chat với bạn mới biết, bạn đang cáu. Bạn, một người Việt đang sống và làm việc ở Đức, bảo rằng một đồng hương đã nửa đùa nửa thật với bạn trong một bữa nhậu rằng, “cho con gái học nhiều làm gì, sau này liệu có phát triển được không”.
Bạn viết cho tôi: “Tôi không hiểu những người Việt như anh ta sang châu Âu làm gì. Nếu sang đây chỉ để ôm khư khư những quan niệm cố hữu về con gái như thế, tốt nhất là cậu ta nên về nước và sống sau những lũy tre làng, với quan điểm cổ hủ về phụ nữ đã khiến bao bé gái vừa ra đời đã vục đầu vào bếp, làm vợ và làm mẹ, khi còn chưa được hưởng thụ những điều tốt đẹp của cuộc đời”.
Học sinh ở châu Âu rất bận rộn, nhưng không phải để trở thành cái máy
Anh viết thêm: “Tôi có con gái. Và tôi ghê sợ những quan niệm giáo điều về phụ nữ của người Việt. Tôi tưởng sang đến đây rồi thì những người Việt sống trong môi trường văn minh và bình đẳng này sẽ nghĩ khác và học những gì mang tính tiến bộ. Hóa ra, họ vẫn vậy, co mình trong cộng đồng”.
***
Tôi đồng ý với anh. Cũng là cha của một đứa con gái đang học lớp 6, tôi rất thích quan sát những đứa trẻ cùng trang lứa và cách giáo dục của các ông bố bà mẹ Italy với con cái mình.
Những người mới lần đầu tiếp xúc với họ sẽ thấy một điều: bọn trẻ bận rộn quá. Chúng học từ sáng đến chiều ở trường. Sau khi tan học, có những đứa trẻ được bố mẹ đến đón và cho ăn một chút pizza, trước khi đưa chúng học ngoại khóa, có thể là bơi lội, đá bóng, thể dục nhịp điệu, học kịch hay nhảy ballet...
Những đứa không đi học ngoại khóa thường được đưa đến công viên, chơi đến tối mới về ăn cùng gia đình. Những ngày cuối tuần, bọn trẻ không đến trường, thì cũng không mấy khi ở nhà. Chúng được gia đình đưa đi công viên, đi tham quan các bảo tàng, các buổi triển lãm, các buổi dã ngoại hoặc tham gia các chương trình hướng đạo. Chúng không phải đi học thêm, không bị nhồi nhét đủ thứ kiến thức nặng nề khác vào đầu, mà học và tham gia ngoại khóa với một sự thích thú đặc biệt.
Nhìn chương trình học ở trường, có thể nhận ra là chúng học các môn cơ bản không nhiều, còn lại là các môn liên quan đến khoa học và nghệ thuật.
Con gái tôi kể, ở lớp có những giờ học rất đặc biệt, như giờ lịch sử âm nhạc. Giờ học ấy, cô giáo luôn đưa ra thông tin về ngày sinh, ngày mất của các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng thế giới, sau đó cho chúng nghe nhạc của họ. Hoặc, cô nhắc đến sự ra đời của những tác phẩm âm nhạc gần hoặc đúng ngày diễn ra tiết học nhất, sau đó giao cho bọn trẻ về nhà tìm kiếm thông tin để viết một bài luận nhỏ. Hôm rồi, con gái về kể, cô giáo nói về nhạc blues, nhân cái chết của B.B.King...
Những buổi học như thế, lũ trẻ nhớ lâu lắm, nhập tâm lắm, và khi về nhà, chúng thường được tạo thêm điều kiện để tìm hiểu về những gì chúng đã học.
Thật hiếm thấy đứa nào cắm mặt vào iPad hay iPhone mà người ta vứt cho chúng để “giải trí”, khi người lớn không biết phải làm gì với chúng, cho chúng chơi để khỏi quấy họ, hoặc khi thấy chúng quá rảnh rỗi. Và cũng thật hiếm thấy đứa trẻ nào ở đây sống quá thụ động.
Marina, cô giáo dạy piano của con gái tôi, bảo: “Những đứa trẻ cần được bồi bổ về mặt tâm hồn qua các môn nghệ thuật, không phải để tạo ra các thiên tài, mà đơn giản là để hình thành nhân cách và vốn sống. Điều đó quan trọng không kém gì những môn học chính khóa ở trường. Những đứa trẻ cần phải luôn bận rộn, và bố mẹ phải giúp chúng bận rộn với việc chơi mà học”.
Sự bận rộn kiểu Tây ấy khác biệt hoàn toàn với gánh nặng học hành của những đứa trẻ trong môi trường giáo dục ở ta.
***
Tôi cứ nghĩ mãi về việc như báo chí đưa tin, Tổng thống Obama đang nói thì một đứa trẻ cắt lời vì ông nói quá lâu, hay có một đứa trẻ viết thư gửi lên tổng thống hay thủ tướng.
Chuyện đó có thể là một điều gì không tưởng theo cách giáo dục của ta, nhưng là bình thường ở bên này. Bởi chính bọn trẻ ở lớp con gái tôi từng có dịp được cô giáo cho viết thư để gửi lên... giáo hoàng. Bởi chúng tự tin, tự lập, không ngần ngại nói lên chính kiến và được khuyến khích thể hiện điều đó hàng ngày, thông qua môi trường giáo dục và ý thức xã hội.
Bận rộn không phải để trở thành cái máy, mà thành những cá nhân có ích cho xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn