Danh văn ngoại quốc: Ta với tổ tiên ta
Theo nền nếp cũ hay là phá hủy nền nếp ấy để tiến hóa theo những luật lệ mới, hòng đạt được những kết quả mới? Xưa nay phái người trọng nền nếp cũ và phái ưa tiến hóa quá khích vẫn xung đột nhau luôn luôn về tư tưởng.
Maurice Barrès, thuộc về phái trên, có lúc đã khuyên người ta chớ nên hy vọng tiến bộ hơn được tổ tiên. Ông viết:
"Người chết nghĩ và nói bởi ta: tất cả dòng con cháu liên tiếp chỉ là một người. Phải, con người ấy, dưới ảnh hưởng của đời sống xung quanh, có thể biểu dương nhiều phiền phức hơn trước, nhưng sự phiền phức ấy không làm phí cái tính chất của y. Ấy là một trật tự cấu trúc mà người ta làm cho hoàn mỹ hơn lên: bao giờ cũng là trật tự cũ. Thể như một ngôi nhà trong đó người ta thêm một ít lối xếp đặt mới: không những cái nhà ấy vẫn đứng lên trên những nền móng xưa, nó còn giữ những viên đá xưa và bao giờ cũng là cái nhà xưa. Kẻ nào đã hiểu những chân lý chắc chắn đó sẽ bỏ cái cao vọng muốn cảm xúc được hơn, dục vọng được hơn các bậc cha mẹ; họ sẽ tự nhủ: "Ta chính là cha mẹ ta đó".
Cũng vấn đề ấy, sau đây là ý kiến của Remy de Gourmont:
"Lẽ tất nhiên là ta không nên nhủ cho người ta cái bổn phận vô ý thức xui họ làm những việc trái với những cái gì ông cha họ đã làm; nhưng nếu ta giảng dẫn cho họ hiểu rằng họ không sao làm hơn được tổ tiên, để họ phải chán nản, thì cũng không hay gì. Đời người còn có thú chi nếu sống chỉ để làm bắt chước hẹp hòi? Vẫn biết rằng nhiều người chẳng làm được điều gì hơn xưa, và họ bắt chước tổ tiên họ còn hơn là họ bắt chước người ngoại quốc. Cử chỉ như tổ tiên ta. Cần phải dành phần cho tinh thần khởi xướng của cá nhân, dù ở trong một đời sống kém hèn nhất.
Không nên để cho sự sùng bái dĩ vãng trở nên một nguyên tắc áp chế, trái ngược lại với những cái gì tự nhiên nhất và có ích nhất trong sự tiến hóa của cuộc sống.
Sự tôn thờ người chết có thật lành mạnh đối với các cá nhân và đối với các dân tộc không? Có lẽ nó lành mạnh thực nếu nó làm tăng thêm nghị lực, nếu như ở dân tộc La Mã, tổ tiên được coi là những vị thần ta không sao có thể gắng tới đứng ngang hàng được, nhưng đức tính của những vị đó ta cần phải bắt chước. Trái lại, nếu sự tôn thờ ấy chỉ tạo nên tinh thần phục tùng, nhẫn nhục, nếu nó dẫn đến sự sợ hãi tất cả cái gì mới mẻ, thì nó có lẽ là một tôn giáo có hại.
Nước Trung Hoa, dưới ảnh hưởng của Khổng Tử, đã bị đầu độc bởi người chết vậy."
Remy de Gourmont (Promenades littéraires)
Thanh Nghị số 20, 1942
Đinh Gia Trinh (1915-1974) - nhà văn, nhà lý luận văn học, nhà trí thức, cây bút chủ lực, sắc sảo của tạp chí Thanh Nghị trình bày các ý kiến riêng liên quan những vấn đề cấp bách của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Công việc của Đinh Gia Trinh và các đồng nghiệp là lý giải một hướng vận động đã được lịch sử chấp nhận, và mang lại cho nó một vẻ hợp lý, do đó, một tính cách thiết yếu.
Việc này đã được ngòi bút Đinh Gia Trinh thực hiện một cách khéo léo, có sức thuyết phục.
Thứ nhất, ông bình tĩnh trấn an mọi người. Ông bảo: Ta vẫn là ta. Chẳng qua ta chỉ mượn ở phương Tây những men giống, sau đó, tự ta sẽ phát triển “trên cái căn bản cố hữu lưu truyền qua các thời đại”. Một dịp khác, ông nhấn mạnh ngày hôm nay chỉ là sự nối tiếp của một dĩ vãng. Cái dĩ vãng ấy không bao giờ tiêu biến như ta sợ. Trong điều kiện mới, nó sẽ được “thêm thắt và làm cho hoàn thiện hơn”.
Thứ hai, ông có biện hộ nhưng là một sự biện hộ khá thuyết phục cho hiện tượng đã xảy ra. Ai kia bảo học theo nước ngoài là đánh mất mình, còn ông, thì ông cãi lại : “Theo người ta rất có thể chịu một ảnh hưởng ngoại quốc mà vẫn rất thành thực” “Hồn của Việt Nam có thể ở những câu ca dao hát trên bờ ruộng nhưng sao lại không có thể ở cả cái bồng bột của một tấm lòng thanh niên trước cuộc đời?” Có lúc ông nói đến tình, có lúc ông nói đến lý. Và để kết luận, ông mượn một hình ảnh “áo của tổ tiên ta để lại chật quá, ta phải thay áo mới, đó có phải đâu là vong bản, là phụ bạc? Một vài thiên tài trong thế kỷ sẽ chứng rằng cái áo mới ấy rất dễ coi và thích hợp với những nhu cầu mới của thời đại mới.”
Cứ thế, không cần cao giọng chút nào, người trí thức trẻ đã làm được một việc cần thiết, là làm cho nhiều người tin hơn vào một sự đổi thay tuy trái với thói quen, nhưng suy cho cùng, lại là hợp lý.
Khi nêu ra những nhận xét trên, không phải Đinh Gia Trinh chỉ xuất phát từ sự xét đoán trong lý trí, mà còn là những thể nghiệm cá nhân. Nên nhớ rằng cho đến những năm 40 của thế kỷ trước, giới trí thức nước ta vốn được hình thành theo một cách thức rất lạ. Một mặt, họ tiếp nhận văn hoá phương Tây kỹ lưỡng, cặn kẽ. Mặt khác trừ một số quá đặc biệt còn phần lớn họ vẫn có một cách thức riêng để tiếp thu nền văn hoá cổ truyền. Công thức phổ biến đại khái là: Tiếng Pháp, văn hoá Pháp đến từ nhà trường. Còn về với gia đình là văn hoá Hán Việt. Thành thử, trong khi không tiếp tục sống theo tinh thần văn hoá cổ truyền, họ vẫn hiểu nền văn hoá đó đến chân tơ kẽ tóc, và nhân tiếp nhận được những công cụ hiện đại của khoa học xã hội phương Tây, họ lại lấy ngay nền văn hoá cổ truyền kia làm đối tượng để thể nghiệm, tức là bắt tay khảo sát đánh giá lại những di sản mà họ nhuần thấm và bắt đầu thấy tiếc, vì nó đang mất.
(Lời bạt cuốn Hoài vọng của lý trí: tập tùy bút của Đinh Gia Trinh, Vương Trí Nhàn)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá