Biện chứng của quá khứ

Chủ tịch/ Tổng Giám đốc Investconsult Group
11:52 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Tám, 2014

Hiện tượng bị quá khứ hấp dẫn là hiện tượng phổ biến trong đời sống nhân loại, trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Các dân tộc đều khó chia tay với quá khứ và dân tộc nào cũng có những dấu hiệu đặc trưng cho quá khứ của mình. Tại sao quá khứ lại hấp dẫn và quan trọng đối với loài người như vậy? Sự hấp dẫn của quá khứ là do chính nó hay do con người bất lực và chỉ biết kéo lê quá khứ của mình đến tương lai?

Nhưng đó chỉ là hiện tượng, hãy nhìn sâu hơn vào tâm hồn của mỗi con người để thấy rằng, có con người nào mà không mơ ước về tương lai, có dân tộc nào mà không hướng về tương lai? Quá khứ thật hấp dẫn nhưng quá khứ có vai trò như thế nào đối với tương lai? Tương lai, thực ra là gì và làm thế nào để có được nó? Phân tích về phép biện chứng của quá khứ, hay nói cách khác, về hành trình đi từ quá khứ đến tương lai là để tìm ra đáp án cho những câu hỏi ấy.

I. Con người và thời gian

Trong tất cả những gì mà thiên nhiên ban tặng cho con người, thời gian là món quà quí giá nhất. Đó là món quà kỳ lạ, không những không thêm được mà lại có thể dễ dàng mất đi. Mỗi người chỉ có một sự sinh thành, một tuổi trẻ, một tuổi già, một cái chết. Tiền bạc chia ra những đơn vị giống nhau, thời gian cũng chia ra những đơn vị giống nhau, nhưng điểm khác biệt là, những đơn vị thời gian không bao giờ lặp lại và một khi nó trôi qua thì chúng ta cũng không lấy lại được nó nữa. Bên cạnh đó, quỹ thời gian vẫn luôn luôn hữu hạn cho dù nó khác nhau ở mỗi một con người. Vì thế, nếu chúng ta không có thái độ trân trọng cần thiết, chúng ta sẽ gây ra sự lãng phí thời gian. Mà đánh mất thời gian là đánh mất tất cả.

Con người, cũng như toàn bộ thế giới, không thể tồn tại bên ngoài thời gian. Nếu như những nhà hiện sinh nhấn mạnh vai trò của hiện tại thì con người, theo bản năng, thường hướng về tương lai. Thế nhưng trên thực tế, tương lai và hiện tại đều do quá khứ chi phối. Hơn nữa, đôi khi thật khó phân biệt một cách rõ ràng đâu là hiện tại, đâu là tương lai.

Xét theo ý nghĩa thời gian, hiện tại là ngày hôm nay, quá khứ là ngày hôm qua, và tương lai là ngày mai. Quá khứ luôn là cái đã qua, tương lai là cái ở trước mắt, hiện tại là ranh giới ở giữa hai không gian này và nó luôn luôn là một ranh giới động. Theo cách suy nghĩ thông thường, rõ ràng hiện tại là cái hiện thực nhất, thậm chí có ý nghĩa nhất. Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy cái khoảnh khắc được gọi là hiện tại đó thật ngắn ngủi, đến mức mà con người cảm nhận về nó không sâu sắc bằng quá khứ và thậm chí, con người không đón đợi nó như là tương lai. Trong khi đó, sự tồn tại của quá khứ thực ra là hiện hữu nhất vì nó tạo ra và để lại cho con người tất cả mọi thứ.

Xét theo quan điểm của Decartes, không gian cũng như thời gian phân chia một cách rất minh bạch. Tuy nhiên, chúng ta không nghiên cứu không gian hay thời gian theo quan điểm như vậy, chúng ta không nghiên cứu những cấu trúc của không gian theo định nghĩa thông thường. Ở đây, chúng ta nghiên cứu quá khứ đã hình thành cấu trúc tinh thần của con người như thế nào. Làm thế nào để những giá trị của quá khứ tiếp tục đóng góp cho tương lai? Toàn bộ cái thú vị của cuộc sống là ngày hôm nay, nhưng toàn bộ cái để tạo ra sự thú vị ngày hôm nay lại là ngày hôm qua, và bao giờ cũng vậy, quá khứ là một miền thời gian, một miền không gian hình thành tất cả những gì mà con người có.

Có thể nói, quá khứ là toàn bộ không gian để tạo ra con người, tạo ra kiến thức, tạo ra tâm hồn, tạo ra kinh nghiệm của loài người. Quá khứ là miền thực của mỗi người vì nó gắn liền và xác định một con người cụ thể. Nhìn vào một người, chúng ta có thể biết được về cơ bản quá khứ của họ thông qua việc xem xét chuỗi quan hệ nhân quả, hành vi, thói quen, tính cách, số phận của mỗi người. Triết học phương Đông hay phương Tây đều nói đến mối quan hệ này, và về bản chất, quan hệ nhân quả chính là quan hệ của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Với mỗi cá nhân, mối quan hệ này thể hiện ở những bậc thang khác nhau. Một bức chân dung thực thụ của cá nhân không nằm ở diện mạo mà nằm ở số phận. Số phận mỗi người được tạo nên từ tính cách của chính người ấy. Vậy tính cách bắt nguồn từ đâu? Nó bắt đầu từ những hành vi tưởng chừng ngẫu nhiên của mỗi con người. "Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận". Thực chất của chuỗi quan hệ này chính là quy luật quá khứ hướng đạo tương lai. Quá khứ, nói một cách hình tượng, giống như lằn ray hướng tới tương lai. Trong mối quan hệ của chúng, hành vi là quá khứ của thói quen, thói quen là quá khứ của một tính cách, còn tính cách lại trở thành quá khứ của số phận. Như vậy, con người chính là hệ quả của quá khứ xét về quan điểm thời gian, cho nên con người là hệ quả của văn hoá, hệ quả của lịch sử, hệ quả của triết học.

Nhìn vào chuỗi hành vi có tính chất quyết định đến số phận của con người, chúng ta thấy rõ rằng quá khứ không chỉ chứa đựng cái tốt, quá khứ còn chứa đựng cả cái xấu. Điều đó có nghĩa, không chỉ cái tốt mà cả cái xấu cũng được xem xét trong mối tương quan với quá khứ, hiện tại, tương lai và cũng dựa trên những tiêu chuẩn hình thành trong quá khứ. Không có con người hoàn toàn tốt hoặc con người hoàn toàn xấu mà trong mỗi người có cả hai thứ đó. Chúng được tích tụ qua thời gian và nó là phần có thật trong mỗi một con người. Con người có thể đúng trong hoàn cảnh này, trong tình huống này nhưng chưa chắc đã đúng trong hoàn cảnh khác, trong tình huống khác. Nhưng dù đúng hay sai thì bên trong con người vẫn là một tâm hồn, là một không gian tinh thần có thể uốn nắn lại cho đúng và có thể khắc phục các sai trái.

Nói đến quá khứ là nói đến miền tinh thần của mỗi người, miền tinh thần của mỗi người với tất cả các thành tố của nó chính là toàn bộ quá khứ của người đó. Miền tinh thần của một cá thể phản ánh kích thước tự do bên trong của người đó thông qua phản ánh giá trị con người. Mỗi người có một miền tinh thần riêng của mình. Người nào có đời sống tinh thần phong phú, đa dạng thì chắc chắn người đó có tự do tinh thần. Ngược lại, nếu đời sống tinh thần khô héo thì có nghĩa là tự do bên trong con người không đủ lớn để tạo ra động lực phát triển cho chính mình. Tuy nhiên, không ai thông báo với nhân loại rằng tôi có miền tinh thần này hay miền tinh thần kia, cũng không ai biết chắc chắn miền tinh thần của mình hình dạng ra sao. Nhưng mỗi người cần phải có ý thức làm chủ cái tự do bên trong của mình. Để có thể làm chủ không gian tự do bên trong, con người phải biết được các quy luật của tự do trong không gian ấy. Xác lập các quy luật của tự do diễn ra trong miền tinh thần của con người là một nửa nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học về tự do.

Miền tinh thần không chỉ là các cảm xúc, miền tinh thần còn là miền nhận thức. Tự do là sự dịch chuyển song song giữa ý nghĩ và hành vi,điều đócó nghĩa, ý nghĩ và hành vi là kết quả của tự do bên trong. Tự do bên trong thúc đẩy con người dịch chuyển, nếu sự dịch chuyển ấy không bị ngăn cản thì ở đấy con người có cả tự do bên trong và tự do bên ngoài. Chúng ta cần nhớ rằng, thể hiện sống của con người là hành động, nhưng thể hiện sống của cái trước hành động là ý nghĩ. Vì thế, tự do bên trong không gian tinh thần của con người là nền tảng ban đầu để con người chuẩn bị các hành vi thích hợp. Tự do bên trong đời sống tinh thần sẽ càng mở rộng và phong phú nếu nó được hỗ trợ bởi tự do bên ngoài hay tự do khách quan. Khi tự do là kết quả của sự dịch chuyển song song giữa ý nghĩ và hành vi của mỗi người thì tức là con người làm chủ được cả hai không gian tự do của mình.

Từ những phân tích trên cho thấy, quá khứ là một phần không thể tách rời mỗi con người hay mỗi dân tộc, bởi vì suy cho cùng, nếu ai đó làm được điều ấy thì có nghĩa là anh ta đã phủ nhận sự tồn tại của chính mình. Quá khứ là toàn bộ không gian hình thành nên con người với đầy đủ chân dung, số phận của nó. Do vậy, nhận thức đúng đắn về lịch sử, về quá khứ đã qua và quá khứ đang tới chính là cơ sở để mỗi người, mỗi dân tộc hoạch định tương lai của mình. Trên thực tế, con người vẫn luôn là chính nó nhưng giá trị con người, cả cái tốt lẫn cái xấu thì thay đổi theo thời gian cùng với sự vận động của con người. Vấn đề là mỗi người, mỗi dân tộc phải sống như thế nào để khi ngoảnh đầu nhìn lại có thể tự hào về những gì mà mình đã có, đó cũng chính là bệ phóng cho tương lai tốt đẹp của mỗi một con người.

II. Sự chuyển hóa của quá khứ

1. Định kiến và nuối tiếc

Định kiến là những thói quen tư tưởng, thói quen suy nghĩ, thói quen sử dụng một số chân lý phổ biến, tóm lại là thói quen tinh thần của con người. Bất kể thói quen nào của con người cũng hình thành thông qua định kiến. Đó là kết quả cuối cùng của toàn bộ sự hình thành nhân cách con người trong quá khứ. Nhiều người hay lên án định kiến mà không biết rằng định kiến là một trong những đặc điểm tất yếu của đời sống tinh thần con người. Định kiến là tất yếu vì con người là sản phẩm của quá khứ, quá khứ chính trị, quá khứ văn hoá, quá khứ sinh học. Định kiến chính là ranh giới giữa quá khứ và tương lai, giữa cái cũ và cái mới. Nếu ranh giới ấy tĩnh thì hình thành sự bảo thủ của định kiến. Nếu ranh giới ấy động thì đấy là trạng thái con người kiểm soát được một cách linh hoạt tâm lý định kiến của mình. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa định kiến và bảo thủ, không thấy được sự khác nhau giữa định kiến và bảo thủ chính là không biết phân biệt sự chưa thấy cái lý của cái mới với bệnh bướng bỉnh.

Định kiến là cái có trước khi hành động, ý kiến và năng lực hành động là hai mặt trong tiến trình hành động của con người, mặt tinh thần và mặt vật chất. Một con người không có khả năng để có định kiến thì sẽ không có khả năng có ý kiến. Ngược lại, một người không có năng lực có ý kiến độc lập và kiên định với nó thì cũng không có năng lực để có định kiến. Không có năng lực để có định kiến được gọi là trạng thái thiểu năng tinh thần của con người, con người không có năng lực để kiểm soát hành động của mình, trở thành kẻ trôi dạt giữa ý kiến người này với ý kiến người khác. Con người bao giờ cũng cần đi theo những ý kiến xác định của mình. Xác định các ý kiến của mình về các sự vật và các trạng thái của nó là tiêu chuẩn bắt buộc đối với mỗi người. Nếu ý kiến mô tả đúng đối tượng thì ở khía cạnh nào đó, định kiến ấy phù hợp với năng lực hành động; còn nếu ý kiến không phù hợp với năng lực hành động thì đó là mặt trái của định kiến.

Nhiều người "định kiến" rằng định kiến là sự cố định của quan điểm cá nhân nhưng tôi lại cho rằng, định kiến về việc gì hay với những đối tượng nào không hoàn toàn là cái không thay đổi. Định kiến là những ý kiến xác định của một người về những đối tượng khác khi giải quyết một vấn đề cụ thể. Đó là điều kiện cần và đủ để con người tương tác với nhau. Nhưng như thế không có nghĩa là nó không thay đổi. Nếu con người không có ý kiến của mình thì con người tương tác với nhau bằng gì? Như đã nói, định kiến không phải là khái niệm thời gian, không phải là khái niệm không gian mà là trạng thái con người không thể ra khỏi nó. Con người không bao giờ ra khỏi định kiến mà chỉ có thể dịch chuyển từ trạng thái định kiến này sang trạng thái định kiến khác. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào để con người không dùng một ý kiến tác động lên hai đối tượng đòi hỏi những kiến giải hoàn toàn khác nhau. Nếu lý giải sự việc một cách sai lạc, tác động vào đối tượng bằng những ý kiến không phù hợp với các quy luật vận động của nó thì tức là con người không tự do hành động trước đối tượng ấy. Tôi cho rằng vấn đề cần nghiên cứu ở đây chính là mối quan hệ biện chứng giữa trạng thái định kiến này sang trạng thái định kiến khác. Để thực hiện quá trình dịch chuyển đó, con người cần có những điều kiện gì? Lòng dũng cảm, khát vọng hay là phẩm chất nào khác? Hơn nữa, nghiên cứu vấn đề nhận thức về tính giới hạn của sự chính xác của các ý kiến trong sự biến động không ngừng của sự vật cũng có ý nghĩa to lớn đối với sự thức tỉnh con người trong quá trình nhận thức.

Xét về quy mô, có định kiến cá nhân và định kiến xã hội, xét tính chất của những khảo sát chuyên nghiệp thì có định kiến chính trị học, định kiến kinh tế học, định kiến triết học, định kiến văn hóa. Định kiến là phẩm chất mà mỗi người buộc phải có khi hành động với tư cách là một con người. Tuy nhiên, trong đời sống cá nhân, tự do vẫn mất đi hàng ngày hàng giờ thông qua định kiến. Vậy con người làm thế nào để phát triển trong điều kiện có định kiến? Muốn phát triển, con người luôn luôn phải đo đạc lại độ chuẩn xác của các ý kiến ngày hôm nay để ngày mai có được nhận thức đúng đắn hơn, nếu không, con người sẽ bị kéo lùi về quá khứ. Để làm được như vậy, con người phải tự do, mà trước hết là tự do với chính mình.

Song, trên thực tế, một tâm lý diễn ra rất phổ biến là con người thường nuối tiếc quá khứ, không ra khỏi quá khứ và không ra khỏi những thành tựu trong quá khứ của mình. Nuối tiếc không chỉ tồn tại trong cuộc sống cá nhân mà còn thường xuất hiện như là một khía cạnh tâm lý cộng đồng. Bởi vì, xét từ góc độ thời gian xã hội, so với hiện tại và tương lai, nếu đó là thứ hiện tại và tương lai bị động thì quá khứ đôi khi còn gần gũi hơn với con người. Do đó, nuối tiếc là cảm giác có thực, thậm chí nó còn là tâm lý thường trực của con người. Nhưng chúng ta cần phải rất tinh tế để nhận ra rằng, con người thường không nuối tiếc thành tựu mà khi nhìn thấy sự vắng bóng của các hình ảnh thành tựu ở trong mình, con người nuối tiếc vì đã không có cơ hội để tạo ra những thành tựu ấy. Hoặc, con người thường có xu hướng tự bằng lòng với những gì tuy nhỏ nhưng trong tầm tay hơn là phiêu lưu để có những thành công lớn. Như vậy, xét đến cùng, nuối tiếc biểu hiện tính thụ động cố hữu của con người. Nuối tiếc là không tự do. Nuối tiếc bộc lộ toàn bộ tính chất ngẫu nhiên của các thành tựu có được. Khi ấy, con người nuối tiếc những thành tựu không phải của mình.

Chối bỏ là một hiện tượng tương tự. Chối bỏ là từ chối những thất bại thuộc về trách nhiệm của mình. Cả chối bỏ lẫn nuối tiếc đều là hai cực nhầm lẫn của con người khi nhận thức về vai trò chủ động của mình trong việc kiến tạo cuộc sống. Người ta tưởng nhầm đó là thất bại của mình, cũng như người ta tưởng nhầm đó là thành tựu của mình. Cả chối bỏ lẫn nuối tiếc là những hiện tượng tinh thần có thật nhưng có thật trên sự nhầm lẫn của con người. Tuy nhiên, con người có quyền nhầm lẫn, con người người có quyền chối bỏ lẫn nuối tiếc, cả hai thứ ấy được thể hiện như những nhầm lẫn của con người. Chúng ta nên nhớ rằng nhầm lẫn cũng là một nội dung của đời sống con người. Vì thế, con người cần kiểm nghiệm các kinh nghiệm một cách thường xuyên và mách bảo cho nhau để tránh sự nhầm lẫn.

Có thể nói định kiến và nuối tiếc là những tâm lý cơ bản của con người khi cấu tạo ra mỗi một chặng đường của lịch sử. Quá khứ luôn luôn níu kéo con người, lịch sử luôn luôn níu kéo con người, cái gì làm cho con người có xu hướng luôn luôn quay trở lại quá khứ? Đó chính là sự nuối tiếc, nói đúng hơn, định kiến đã dẫn con người đến trạng thái nuối tiếc. Con người không nhìn thấy mình ở tương lai, vì thế, họ quay đầu lại để tìm kiếm hình ảnh của mình, chiêm ngưỡng thành tựu của mình trong quá khứ. Sẽ không quá khi nói rằng nuối tiếc là một căn bệnh và cũng giống như những căn bệnh khác, bệnh nuối tiếc để lại những di chứng đôi khi rất có hại và dai dẳng. Nuối tiếc làm cho đầu óc con người không có sự tỉnh táo, khách quan. Do đó, con người trở nên thụ động, điều này làm hạn chế khả năng và nghị lực của con người khi đi đến tương lai của mình.

Vậy làm thế nào để giải toả tâm lý ấy? Tôi cho rằng, cần phải giải tỏa bằng cách đem đối chứng nó với toàn bộ thực trạng trì trệ của xã hội trên quy mô định kiến xã hội. Định kiến xã hội là trạng thái xã hội không chuẩn bị được trạng thái tiếp theo của nó, xã hội dừng lại ở đường biên của quá khứ. Nếu đặt câu hỏi quá trình khắc phục định kiến xã hội sẽ đem đến lợi ích hay thành tựu gì cho con người thì chúng ta sẽ có câu trả lời là, nó giúp mỗi người chuẩn bị được chương trình xã hội hay hoạch định được tương lai của mình. Hoạch định tương lai chính là khắc phục trạng thái cứng nhắc, trạng thái bảo thủ của định kiến. Hoạch định tương lai là cách tốt nhất để con người kiểm nghiệm, con người tìm thấy động lực phát triển, không phải ở việc khẳng định những chân lý có trước, mà là ở việc tìm kiếm những lợi ích tiếp theo. Khi con người tiếp tục củng cố kinh nghiệm của mình trong những thành tựu của giai đoạn tiếp theo thì đến chặng tiếp theo nữa, con người lại phải đối mặt với định kiến của chặng trước đó. Vậy, ra khỏi quá khứ hay phá vỡ các định kiến là công việc hàng ngày của con người để phát triển. Phát triển là kết quả tất yếu của việc khắc phục bệnh cứng nhắc hay là khắc phục trạng thái bảo thủ của định kiến.

Con người không có các bằng chứng về sự thành công của mình, về các thành tựu của mình thì con người không có năng lực và ý muốn vươn tới những giới hạn lớn hơn. Ra khỏi tâm lý nuối tiếc cũng chính là ra khỏi những giới hạn của quá khứ. Bởi vậy, rõ ràng, mỗi người phải phấn đấu để đạt đến những nhận thức đúng đắn, vì chỉ những nhận thức đúng đắn mới có thể dẫn dắt con người thoát khỏi những ràng buộc về tâm lý và chấp nhận thay đổi, ngay cả những thay đổi đau đớn nhưng có ích và cần thiết cho sự tiến bộ. Và một mặt quan trọng khác là, xã hội phải có những thành công thực sự trong thực tiễn để con người có thể so sánh và nhận thức được sự phát triển tất yếu của cuộc sống.

2. Thành tựu và tâm lý dùng dằng

Có thể nói, tất cả thành tựu của con người đều có từ trong quá khứ. Thành tựu xác nhận giá trị con người. Nhưng chính thành tựu lại rất có thể dẫn con người đến biên giới của sự trì trệ, làm cho con người chậm chạp trong quá trình dịch chuyển đến những chặng tiếp theo. Tất cả các thành tựu trong quá khứ đều mang một ý nghĩa đối với mỗi người, mỗi dân tộc, chúng tạo ra niềm tự hào trong cảm xúc của con người, do đó, chúng níu kéo con người trong sự say sưa và làm con người khó ra khỏi quá khứ.

Sở dĩ có tình trạng đó là vì yếu tố chủ đạo chi phối cảm giác hạnh phúc của con người chính là những giá trị của quá khứ, mà xét đến cùng, con người nhầm lẫn bởi các yếu tố tạo nên cảm giác hạnh phúc, tự hào. Lòng tự hào là ảnh của thành tựu trong tâm hồn con người. Nếu con người không thật tạo ra thành tựu thì sẽ không có hình ảnh thành tựu trong đời sống tâm hồn. Nói cách khác, nếu thành tựu thực sự là của con người thì ảnh của nó đi cùng với con người, còn nếu đó không phải là thành tựu thật thì nó không có ảnh, do đó không có lòng tự hào chân chính. Lòng tự hào chân chính của con người là thành tựu chân chính của hoạt động trí tuệ, hoạt động đạo đức, hoạt động xã hội của chính người đó. Thành tựu chân chính là kết quả của tự do, kết quả của sáng tạo, cho nên ảnh của nó trong tâm hồn, trong trí tuệ, trong kinh nghiệm con người cũng tự do. Khi ảnh của các thành tựu tự do thì tâm hồn con người cũng tự do, bởi vì ảnh của các thành tựu chính là nội dung của tâm hồn con người. Một con người không có các thành tựu là kết quả của tự do thì ảnh của thành tựu không tự do và miền tinh thần của con người là một miền đầy những thứ bịa đặt. Vì thế mà con người không dám dịch chuyển nữa, họ sợ mất đi ảo ảnh.

Nhưng ngay cả khi con người có thành tựu thật và lòng tự hào thật thì con người vẫn phải tiếp tục tạo thêm thành tựu, bởi cuộc sống luôn thay đổi và vì thế con người cũng phải biến đổi theo. Bất kỳ thứ gì cũng chỉ có giá trị trong những hoàn cảnh, giai đoạn nhất định, và thành tựu nào cũng chỉ có một giá trị nhất định. Hơn nữa, sự lạc hậu hay là sự mất giá của những thành tựu trong quá khứ là biểu hiện lớn nhất và tập trung nhất của cảm giác bất hạnh của con người. Trong quá khứ, con người có thể làm đúng, có thể làm sai, nhưng ra khỏi cái sai chỉ là một mặt của quá trình ra khỏi quá khứ. Toàn bộ lòng dũng cảm của con người trong khi cấu tạo ra tương lai là ra khỏi cả cái đúng của mình. Nếu quá khứ là những thành tựu chân chính thì sẽ tạo ra trạng thái con người luyến tiếc khi rời bỏ những điều đúng đắn. Nếu quá khứ tạo ra một vẻ đẹp thì con người sẽ luyến tiếc khi rời bỏ vẻ đẹp ấy để đến một vẻ đẹp mà hiện tại chưa hình dung ra. Đó cũng là tâm lý rất thông thường của con người. Luôn luôn có một trạng thái dùng dằng, trạng thái phân vân, trạng thái luyến tiếc của con người đối với mọi sự ra đi của mình trong quá trình kiến tạo những giá trị mới cho tương lai. Do đó, cần phải nghiên cứu tâm lý dùng dằng ấy như là một hiện tượng tự nhiên của con người để đánh giá chất lượng quá khứ của con người. Con người không muốn tạm biệt vẻ đẹp của quá khứ để đi tìm tương lai. Vậy, con người đúng hay con người sai khi phân vân, nuối tiếc quá khứ? Có cách nào để con người mang sự đúng đắn, sự hào hùng của quá khứ đến các miền khác của tương lai hay không? Và việc đem sự đúng đắn trong quá khứ, đem những thành tựu của quá khứ để làm vốn tạo dựng cho tương lai liệu có đúng hay không?

Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ, con người phải xác định được giữa thành tích của quá khứ và triển vọng, tức là tương lai, cái gì quan trọng hơn cho hạnh phúc của mình. Rõ ràng nếu không có triển vọng, không có tương lai thì con người không phát triển. Nếu toàn bộ giá trị đã có của con người nằm trong quá khứ thì toàn bộ sự đúng đắn của con người là đi tiếp đến tương lai, và do vậy, con người luôn luôn phải đặt ra nhiệm vụ cho mình là kiến tạo nên một tương lai như thế nào để khi nó trở thành quá khứ thì chất lượng của nó phản ánh giá trị được nâng cao của con người.

Trong quá khứ, con người có thể có thành tựu nhưng nếu không có một miền hợp lý để phát triển tiếp thì tức là con người không có triển vọng. Con người không thể hạnh phúc khi họ xác nhận rằng họ không có triển vọng. Nhiệm vụ của con người là dịch chuyển tiếp. Mọi sự giống nhau của hôm nay và hôm qua đều là bất hợp lý. Vì thế, một trong những biểu hiện hạnh phúc quan trọng của con người là hôm nay khác hôm qua nhưng phải khác theo khuynh hướng tích cực, vì nếu không thì con người kéo lùi tương lai. Con người kéo lùi tương lai tức là con người đang sống lại ở quá khứ. Con người hạnh phúc khi có được những thành tựu trong quá khứ, nhưng nếu như đến biên của quá khứ và tương lai mà con người không chọc thủng được không gian của quá khứ để tạo lập tương lai thì sau cảm giác hạnh phúc ấy là bất hạnh, là không phát triển. Chính vì thế, hạnh phúc bao giờ cũng là sự chung sống giữa thành tựu đã có và triển vọng. Thành tựu của quá khứ không cứu được tương lai của con người nếu con người không tìm thêm được giá trị ở tương lai. Điều đó có nghĩa, toàn bộ sự sáng suốt của con người là phải tìm ra khuynh hướng để phát triển. Vậy khuynh hướng đúng là gì? Khuynh hướng đúng là con người đi đến giới hạn của khả năng để phát triển và lại thấy được một giới hạn khác cao hơn.

Một tương lai tươi sáng mà ở đó mỗi người có triển vọng, có hạnh phúc luôn luôn là hấp dẫn. Con người phải có năng lực thiết kế tương lai, nhưng trước hết là phải có khát vọng về một tương lai của chính mình. Khát vọng không chỉ đơn thuần là ước mơ mà nó còn là sự cố gắng tìm ra con đường đi đến tương lai của con người. Không phải ai cũng có thể thực hiện khát vọng của mình, nhưng nếu không có khát vọng thì không thể có thành tựu. Hơn nữa, khát vọng là biểu hiện tình yêu của con người với cuộc sống, mà tình yêu luôn luôn là động lực cơ bản để con người hoàn thành bất cứ việc gì, con người phải có tình yêu cuộc sống để thiết kế được một tương lai có tính khả thi. Tương lai vô cùng quan trọng với mỗi người, con người phải rèn luyện để có đủ năng lực và tình yêu đối với tương lai của mình. Bằng tình yêu, bằng khát vọng và bằng cả năng lực, con người tưởng tượng và hoạch định tương lai của mình, đồng thời rèn luyện năng lực triển vọng để đi đến miền triển vọng đó.

3. Triển vọng và tất yếu

Như trên đã nói, triển vọng là một khái niệm hết sức quan trọng đối với con người. Về cơ bản, nghiên cứu sự đúng đắn của con người chính là nghiên cứu triển vọng của con người. Khi người ta không nhìn thấy triển vọng thì người ta buộc phải thâm canh trong quá khứ.

Con người không có bằng chứng về sự thành công của mình, về các thành tựu của mình thì con người không có năng lực và ý chí vươn tới các triển vọng. Đó chính là sự nhầm lẫn của con người về giá trị, về thành tựu. Câu hỏi mà mỗi người cần đặt ra không phải là ta đã có thành tích gì, mà quan trọng hơn cả là triển vọng, hay ngày mai của ta là gì? Bởi vì thực ra, con người sử dụng thời gian sống của mình để tạo ra triển vọng. Nói cách khác, bản chất của sự phát triển chính là tìm ra trong quá khứ những kinh nghiệm của sự tiên tiến, những kinh nghiệm tạo ra triển vọng. Nhưng triển vọng nào rồi cũng trở thành sản phẩm của quá khứ. Cho nên con người phải biết tạo ra yếu tố triển vọng của mình một cách liên tục. Sự chấm hết của yếu tố triển vọng trong đời sống tinh thần hoặc đời sống hoạt động của một con người là dấu hiệu tập trung nhất báo hiệu sự trì trệ của cuộc đời người đó.

Vậy làm thế nào để tạo ra triển vọng? Chúng ta biết rằng, tự do là luôn nguồn gốc của mọi năng lực, mọi sáng tạo của con người. Tự do là điều kiện để con người tìm ra khuynh hướng phát triển, con người thay đổi đường đi mà không bị ngăn cản. Có những con người biết đằng trước có bức tường chắn mà vẫn đi, đến đó là tắc, nhưng có người đi hết đến chân tường rồi thì họ rẽ, họ đi tìm lối thoát. Tôi cho rằng triển vọng thực chất là kết quả của việc con người tìm ra lối thoát trước sự bao vây của các tất yếu. Bởi vì tất yếu chính là các biên của không gian phát triển. Một người phát triển hết biên của mình mà không đi tiếp được thì bế tắc, nhưng nếu tìm ra lối thoát trong sự bao vây của các biên thì con người lại có không gian tự do. Do đó, để tạo ra triển vọng, con người phải tìm lối thoát ra khỏi khe hẹp của các tất yếu, phải phá vỡ ranh giới của các tất yếu.

Khi con người tìm ra điều kiện để giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của các tất yếu chính là con người mở rộng không gian tự do, và khi mở rộng được không gian tự do thì con người có triển vọng. Đấy là cảm giác hạnh phúc bền vững. Hạnh phúc đích thực và bền vững là một không gian tinh thần mà ở đấy có sự chung sống, sự hợp tác giữa quá khứ và tương lai, giữa thành tựu và triển vọng. Nếu con người không có quá khứ, hay quá khứ của họ là một hoang mạc thì con người đi đến tương lai như một kẻ vất vưởng, nhưng nếu con người có thành tựu, có quá khứ hào hùng thì họ đi đến tương lai như một người chiến thắng. Nhưng con người có thắng tiếp trong tương lai hay không thì tuỳ thuộc vào việc họ tự giải phóng mình ra khỏi các tất yếu mà họ nhận thức trước đây như thế nào. Nhiệm vụ của loài người là tìm cách giải phóng mình ra khỏi các tất yếu. Người có tầm nhìn là người nhìn thấy cự ly giữa trạng thái hiện nay của mình với các tất yếu, đi tìm cách nới rộng cái tất yếu, vượt qua cái tất yếu này để thay thế bằng cái tất yếu khác và tạo cho mình một triển vọng lớn hơn.

Tương lai là một đại lượng khách quan, nó không đơn thuần là sự tưởng tượng riêng của một con người. Vì hoạch định tương lai chính là sắp xếp, chuẩn bị các năng lực để đón nhận tương lai chứ không phải tạo ra tương lai. Tương lai sẽ đến với tất cả những ai hình dung ra miền triển vọng của mình và rèn luyện được cho mình những năng lực phù hợp với đòi hỏi của miền triển vọng đó. Miền triển vọng chính là sự thuận theo tự nhiên, tức là thuận theo các tất yếu. Người ta nhận ra tất yếu ở thời hiện tại thì dễ, bởi vì người ta va chạm với nó. Nhưng để nhận ra các đại lượng tất yếu trong tương lai như là kết quả của những dự báo thì con người phải dùng đến cả năng lực tưởng tượng và cả tình yêu đối với cuộc sống của mình.

Nhiều khi, con người bấu víu vào một vài bằng chứng phiến diện và không đầy đủ nhưng tạo ra trạng thái muốn lưu lại quá khứ, cho nên, con người không ra khỏi quá khứ được. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là, nếu con người luôn luôn có khả năng thiết kế tương lai của mình ở trên cái phôi liệu là chính con người mình, chính thành tựu của mình thì người ta sẽ ra khỏi quá khứ, ra khỏi ngày hôm qua một cách dễ dàng. Khi lựa chọn khuynh hướng để đi tiếp, thì khuynh hướng ấy phải là kết quả của quá trình ra khỏi quá khứ để đến một miền hiện thực mới. Vậy con người ra khỏi ngày hôm trước như thế nào, bằng những thiết kế dựa trên trí tưởng tượng của riêng mình hay bằng cách thực hiện một lộ trình xã hội đã được hoạch định sẵn?

III. Năng lực đi tới tương lai

1. Năng lực tự giải phóng

Con người luôn phải ra khỏi quá khứ của mình bằng những nỗ lực của chính mình. Để khích lệ con người ra khỏi cả miền quá khứ của một dân tộc thì trước hết phải khích lệ con người ra khỏi quá khứ của chính mình. Tự giải phóng mình ra khỏi quá khứ nhận thức của mình hay hệ tư tưởng, giải phóng mình ra khỏi các ràng buộc văn hóa chính là sự chủ động tìm lại tự do. Mỗi con người phải vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể của quá trình tự giải phóng.

Bản chất của quá trình ra khỏi quá khứ là con người tái thiết lại không gian tinh thần của mình để hình thành năng lực tưởng tượng hay năng lực thiết kế tương lai. Ở đây, chúng ta nghiên cứu con người ra khỏi quá khứ của mình như thế nào, ra khỏi các điều kiện xã hội không thuận lợi cho tự do như thế nào. Con người không thể ra khỏi quá khứ bằng một cuộc đấu tranh tư tưởng, bởi vì bất kỳ cuộc đấu tranh tư tưởng nào cũng chính là sự giao thoa với quá khứ của con người. Khi đấu tranh tư tưởng, con người không hoàn toàn tự do để hoạch định tương lai. Vậy con người làm thế nào để có cách đối xử đúng đắn với quá khứ của mình, và làm thế nào để có đủ năng lực thiết kế ra tương lai?

Trước hết, mỗi người phải luôn ý thức dọn dẹp lại không gian tinh thần của mình. Chính định kiến và sự nuối tiếc khiến con người nấn ná chưa thể ra khỏi quá khứ, do đó, điều quan trọng là phải làm mất đi sự nấn ná của con người, mà muốn vậy, phải có thứ gì lôi kéo con người đi. Có người cho rằng, khát vọng sẽ là cái lôi kéo con người mạnh nhất. Nhưng con người muốn đi một cách nghiêm túc như một người trưởng thành thì chỉ có khát vọng thôi là chưa đủ. Bởi vì khát vọng chỉ là động cơ tạo nên động lực, nhưng con người đi được không phải chỉ bởi động lực mà còn bởi bánh lái, bởi có khuynh hướng. Điều đó có nghĩa là, trước hết, phải chấm dứt sự kiểm soát của quá khứ để con người có thể ra khỏi quá khứ mà không bị níu kéo.

Vậy con người phải lấy gì làm động lực, làm cảm hứng cơ bản cho việc đi đến tương lai của mình? Tính vụ lợi hay lợi ích đóng vai trò gì trong việc khuyến khích con người tiếp tục đi? Chắc chắn, nếu không nhận thức được cái lợi phía trước lớn hơn sự ở lại thì con người sẽ không ra đi. Vậy cái gì tạo ra con đường, tạo ra công nghệ chính xác để con người đi đến một lợi ích lớn hơn so với cái nó đã có hôm qua? Đó chính là tự do. Con người cần tự do để dịch chuyển từ các hướng nhầm lẫn sang những hướng không nhầm lẫn, điều ấy có nghĩa, con người phải có quyền dịch chuyển từ những sai lầm này để đi tìm một lối thoát đúng đắn hơn cho các hành động của mình. Nếu con người không có tự do bên trong tâm hồn tức là con người không ra khỏi những nhầm lẫn của mình, nếu con người không dọn dẹp không gian tinh thần của mình thì không thể có sự phát triển, vì bất kỳ khái niệm nào đặt vào đấy cũng đều trở nên biến dạng và lệch lạc. Thông thường, con người sợ thay đổi, cảm giác sợ thay đổi là một biểu hiện của định kiến. Đôi khi người ta không dám thay đổi vì cứ tưởng rằng cái chỗ mình vừa đạt được đến là quyền lợi, là hạnh phúc thật của mình. Do đó, con người ôm khư khư chúng mà không biết rằng chúng có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tóm lại, miền tinh thần của con người phải là một miền tự do để con người có thể nhẹ nhàng dịch chuyển từ nhận định này, từ nhận thức này, từ kết luận này sang nhận định khác, sang nhận thức khác và sang những kết luận khác.

Tự do chính là cái dẫn dắt con người ra khỏi quá khứ. Mỗi con người phải hàng ngày dọn dẹp không gian tinh thần của mình, hàng ngày phải suy nghĩ, phải sáng tạo và hoàn thiện vẻ đẹp của mình. Hạnh phúc cũng là nơi gặp gỡ của sự may mắn và lòng kiên nhẫn của con người trong việc tự tạo ra vẻ đẹp của mình. Tất cả những người có trách nhiệm với bản thân đều phải luôn luôn nghĩ mình là một nguyên liệu nghệ thuật mà người sáng tạo ra vẻ đẹp cũng chính là bản thân mình. Ra khỏi quá khứ là tạo trên cái phôi liệu của quá khứ bản thiết kế mang chất lượng mỹ học của tương lai. Nếu muốn ra khỏi quá khứ thì phải hình dung và thiết kế ra tương lai. Tương lai mà không hấp dẫn thì con người lại chui vào quá khứ, con người trở thành tù nhân của chính mình.

Tôi cho rằng có bốn điều kiện hết sức quan trọng của tiến trình này, thứ nhất là con người phải ý thức được giá trị của tự do. Tự do là phương tiện số một để có thể bắt đầu tiến trình ra khỏi quá khứ. Con người phải có tình yêu và sự hiểu biết đối với tự do thì con người mới thấy yêu cuộc đời mình. Thứ hai là con người phải có giáo dục. Con người không có giáo dục thì miền ký ức không có đủ kinh nghiệm và trí tuệ, không đủ những chất liệu cho việc thiết kế tương lai. Yêu tự do, có giáo dục, và hơn nữa, con người phải có tự do trên thực tế, tức là dân chủ. Dân chủ là ngôi nhà pháp lý, là ngôi nhà tinh thần của tự do. Chỉ có thể chế dân chủ mới đảm bảo được các quyền tự do của con người. Ba điều kiện ấy cộng với điều kiện thứ tư là không nghèo đói, tức là đảm bảo cho con người có phương tiện thực hiện bản thiết kế, đó là bốn điều kiện để con người có đủ năng lực hình dung và tạo nên một tương lai có chất lượng mỹ học. Chúng ta thấy rằng, con người, nếu không bị các cuộc cạnh tranh thúc ép thì ngay cả sự giàu có cũng không làm cho con người ra khỏi quá khứ. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh rằng, tương lai có chất lượng mỹ học, chứ không phải tương lai của sự giàu có, mới đủ sức hấp dẫn con người ra khỏi quá khứ của mình.

Tóm lại, hành trang để đi đến tương lai thật sự nằm trong chính tâm hồn và kinh nghiệm của con người. Tất cả những gì ở trong quá khứ thì đã tạo ra quá khứ. Nếu con người nhặt những quả thực trong quá khứ để đi đến tương lai thì con người không thể đi đến tương lai. Con người đi đến miền triển vọng của mình bằng tầm nhìn về tương lai và bằng sự nỗ lực của bản thân để tạo ra năng lực triển vọng mà tương lai đòi hỏi. Nếu chúng ta đủ dũng cảm, chúng ta đủ tươi tắn, chúng ta đủ tự nhiên thì chúng ta luôn tìm được những thứ cần cho cuộc sống của mình. Nếu chúng ta dự phòng quá, cẩn thận quá, chúng ta mặc cả với quá khứ và tương lai nhiều quá thì chúng ta không vứt đi được những thứ không còn giá trị. Con người cần có niềm tin vào cuộc sống ngày mai của mình, mạnh dạn vứt bỏ những thứ không cần cho tương lai. Hành trang đi vào tương lai càng nhẹ càng tốt. Tương lai có hành trang của nó và nó cung cấp ngay ở cửa mỗi một ngày cho chúng ta. Tương lai đẹp lắm, chúng ta phải làm cho tâm hồn mình thoáng đãng, phải biết tin vào lẽ phải tâm hồn.

Con người có trách nhiệm thì buộc phải suy nghĩ xa hơn về tương lai chứ không phải về quá khứ. Bài toán ra khỏi quá khứ là bài toán của mỗi người. Mỗi một người sở hữu một tương lai, mỗi một người sở hữu một vốn sống, một không gian sống, một cuộc sống. Con người phải tự phát triển mình, tự chịu trách nhiệm về mình. Không ai có thể thay thế một người để hoạch định tương lai, hoạch định cuộc đời của chính người ấy được. Đó là việc quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

2. Năng lực ra khỏi quá khứ của cộng đồng

Quá khứ của mỗi người là tập hợp con của quá khứ xã hội. Vậy con người khi đã ra khỏi quá khứ của mình thì có được tự do chưa? Chúng ta điều chỉnh các định kiến của mình, điều chỉnh các thói quen tinh thần của mình thì đã đủ đảm bảo rằng chúng ta tự do chưa?

Mỗi người phải tự do với chính mình, với cả quá khứ và hiện tại của mình, đồng thời phải tự mình nỗ lực chứ không thể dựa vào sự hỗ trợ của người khác. Mật độ người ra khỏi quá khứ một cách tự lực càng cao thì năng lực ra khỏi quá khứ của cả cộng đồng dân tộc và cộng đồng cư trú càng lớn. Những người chậm sẽ làm giảm hiệu lực của những người nhanh nhưng nó vẫn tạo ra một miền thực của việc ra khỏi quá khứ. Chúng ta có thể hình dung, nếu một số người dịch chuyển ra khỏi quá khứ chậm thì trong khi phần lớn cộng đồng dân tộc đã bước sang miền triển vọng, họ vẫn cách miền triển vọng của mình một đoạn ngắn, do vậy, tiến trình của cả dân tộc còn có một khoảng trùng với quá khứ. Nếu tất cả mọi người có năng lực như nhau thì cả dân tộc sẽ ra khỏi quá khứ cùng một lúc nhưng đấy là điều không thể có. Chắc chắn, những con người khác nhau thì có tốc độ khác nhau, nhưng vấn đề là, mỗi người phải tự mình thực hiện quá trình ấy. Nếu con người kêu gọi sự hỗ trợ để ra khỏi quá khứ nhanh hơn thì tức là người đó không ra khỏi hay không có đủ năng lực để ra khỏi quá khứ. Sự dịch chuyển mang tính cộng đồng đối với mỗi cá thể là sự dịch chuyển của chính cá thể. Sự dịch chuyển của chính cá thể làm cho mỗi cá thể quan sát và so sánh. Chúng ta có thể tiên tiến trong miền quá khứ nhưng để có tương lai, có hạnh phúc thì phải tạo ra sự tiên tiến trong miền triển vọng của mình. Và đấy chính là nhiệm vụ của mỗi con người ở bất kỳ thời đại nào.

Nếu con người vẫn quanh quẩn với những hình mẫu cũ thì con người không có năng lực phát triển, không có khả năng tưởng tượng ra những yếu tố mới cho sự phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc con người không có tương lai, và đấy là biểu hiện của sự thoái hóa. Dấu hiệu quan trọng chứng minh sự không thoái hóa của cái Tôi là năng lực duy trì liên tục khả năng hình dung ra tương lai. Tương lai là quá trình duy nhất đảm bảo cho sự tiếp diễn của cuộc sống, con người không hình dung ra tương lai nữa thì con người bế tắc. Một dân tộc không hình dung ra tương lai của mình thì chắc chắn con người ở đó không có tương lai tươi sáng. Một dân tộc đóng cửa, không giao tiếp với thế giới bên ngoài mà chỉ quanh quẩn với những vấn đề của mình thì dân tộc ấy bị bỏ quên, bị lạc trong cuộc sống toàn cầu. Vì thế, các dân tộc ấy phải cải cách văn hóa để có một nền văn hóa mở, tạo ra một dung môi tinh thần làm cho con người không lạc hậu và có năng lực tưởng tượng ra tương lai của mình.

Mỗi cá thể cần phải ra khỏi quá khứ và góp phần tạo nên khả năng ấy cho cả dân tộc. Không ai có thể và không ai được quyền dẫn con người đến một miền mà họ không có kinh nghiệm khai thác, không có năng lực để tồn tại. Vậy trách nhiệm của các nhà chính trị ở đâu trong việc tạo ra sự phát triển, tạo ra tự do cho từng cá nhân ra khỏi quá khứ của mình? Trách nhiệm của các nhà chính trị là thực thi một chế độ mà con người hoàn toàn có điều kiện để dịch chuyển đến miền triển vọng. Một thể chế tốt, một thể chế chân chính là một thể chế giúp con người hình dung hay xấp xỉ tương lai của mình.

3. Năng lực triển vọng

Khi con người đi tìm tương lai, đi tìm hạnh phúc nghĩa là tạo ra các triển vọng cho mình. Vậy cái gì quyết định triển vọng của con người? Thực ra, triển vọng là kết quả của rất nhiều thứ nhưng quy lại là năng lực thực tế và năng lực triển vọng. Năng lực thực tế cần cho việc tưởng tượng, thiết kế miền triển vọng của mỗi người và chuẩn bị cho năng lực triển vọng. Năng lực triển vọng là năng lực sống và đáp ứng những đòi hỏi của miền triển vọng. Để tạo ra miền triển vọng, con người phải biết tương lai đòi hỏi những gì. Tương lai đòi hỏi anh phải có năng lực để tồn tại trong nó. Nhưng năng lực ấy đến từ đâu? Nó nằm trong chính sự đa dạng về tinh thần của con người. Vì đa dạng tinh thần là nguồn gốc của đa dạng năng lực. Điều đó có nghĩa, nếu con người tiên lượng được, con người để cho mình phát triển một cách đa dạng thì con người sẽ có những năng lực tiềm ẩn, và vào những lúc cần thiết, bằng tầm nhìn, họ sẽ rèn luyện khả năng phá vỡ ranh giới của các tất yếu đối với những năng lực đã có, và mở ra những năng lực mới. Chính sự đa dạng năng lực giúp con người tìm thấy những miền triển vọng mới. Các miền triển vọng là tất yếu đối với năng lực ở miền triển vọng và con người phải phấn đấu để có được những năng lực đó.

Con người phải dự báo được những năng lực mà mình cần có trong miền triển vọng của mình, cũng chính là hình dung những gì mình có thể làm và những gì mình có thể đạt được trong tương lai. Miền triển vọng chính là miền tinh thần trong tương lai của con người. Con người không thể biết chắc chắn đời sống tinh thần của mình trong tương lai là thế nào nhưng hoàn toàn có thể dự báo, thậm chí, linh cảm thấy nó. Con người có một năng lực bẩm sinh để chú ý đến triển vọng, linh cảm tới triển vọng, phân tích và xây dựng hệ tiêu chuẩn cho miền triển vọng của mình, đấy chính là năng lực thiết kế tương lai. Con người cần có quyền tự do để thực hiện các thiết kế. Không gian vĩ mô, không gian tự do bên ngoài chính là không gian triển khai, không gian tự do bên trong chính là không gian thiết kế, đó là những không gian quyền và không gian năng lực để đi đến miền triển vọng của mỗi một con người.

Miền triển vọng phải là tập hợp các triển vọng thì mới đảm bảo tính bền vững. Một miền triển vọng không thể chỉ bao gồm một loại triển vọng và một loại năng lực vì nếu chỉ có thế, con người lấy gì để sống khi triển vọng đó không còn giá trị? Do vậy, mỗi người phải biết làm phong phú năng lực của mình, đa dạng hoá năng lực triển vọng để tạo ra tập hợp các triển vọng, và con người chỉ có thể làm được điều này khi tính đa dạng của đời sống tinh thần được đảm bảo. Đó là nguyên lý quan trọng để mỗi con người tổ chức ra cuộc sống của mình. Vì tình yêu đối với con người, cần phải chăm sóc tính đa dạng tinh thần của mỗi cá nhân và cả xã hội để đảm bảo tính tương thích của khả năng con người đối với các điều kiện sống, tức là đảm bảo sự đa dạng của năng lực triển vọng.

Con người phải chủ động đối với tương lai của mình, chủ động tìm kiếm và thiết kế tương lai. Bị động đồng nghĩa với việc tương lai của anh được hoạch định bởi người khác, anh trở thành một bộ phận trong tương lai người khác. Xin nhắc lại rằng, không ai có quyền hoạch định tương lai cho con người. Thời đại ngày nay đòi hỏi mỗi người phải trở thành nhà tư tưởng của chính bản thân mình. Khi trở thành nhà tư tưởng, con người sẽ không là nô lệ của tư tưởng, bởi vì con người không theo ai mà theo chính những lẽ phải trong tâm hồn mình. Khi đó, tư tưởng là trạng thái giác ngộ của con người về những kinh nghiệm, là năng lực khái quát những kinh nghiệm thực dụng thành những chỉ dẫn có giá trị tinh thần. Những giá trị tinh thần ấy rất gần với đời sống để hướng dẫn những hành động của con người.

Cuối cùng, một điều quan trọng nữa là con người cần phải rèn luyện năng lực nhận biết cái đẹp, điều đó làm cho miền tinh thần trở nên phong phú hơn. Khi miền tinh thần của con người có chất lượng triết học thì con người đã thay đổi về bản chất, con người từ một kẻ bị động thưởng thức những thứ mình có trở thành một vị sứ giả có thể phát hiện và mách bảo. Phát hiện và mách bảo vừa thể hiện năng lực, vừa thể hiện đạo đức. Nếu phát hiện là năng lực thì mách bảo là đạo đức. Mách bảo con người về vẻ đẹp mà mình phát hiện ra là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức, bởi vì con người truyền bá sự khôn ngoan cho đồng loại thông qua hoạt động mách bảo. Nếu trong miền tinh thần của con người có khả năng để mách bảo thì cũng có nghĩa là con người có năng lực để phát hiện và có đức hạnh để mách bảo. Đấy là những phẩm hạnh tốt đẹp, mang tính hướng thiện để con người có thể chung sống và phát triển.

Nói tóm lại, con người đi từ quá khứ, từ định kiến và nuối tiếc đến tương lai giống như việc xây dựng một lâu đài. Nếu con người đi từ quá khứ để ra một khoảng trống, tức là đi từ một nơi con người đã có được kinh nghiệm đến một miền mà con người không có đủ năng lực để sống thì con người rơi vào sự vô nghĩa. Do vậy, nghiên cứu phép biện chứng của quá khứ là nghiên cứu một tòa lâu đài lịch sử và cách dịch chuyển một lâu đài đã rất đẹp trong lịch sử trở thành một lâu đài đẹp hơn, hiện đại hơn, tiện nghi hơn cho tương lai. Nói cách khác, nghiên cứu quá khứ là nghiên cứu tính kế thừa của đời sống tinh thần, nghiên cứu sự chuyển hóa biện chứng từ quá khứ đến tương lai. Từ đó, chúng ta nhận ra rằng, mỗi một con người phải ra khỏi quá khứ chính là phải thay đổi các tiêu chuẩn mà kinh nghiệm của quá khứ đã tạo ra và tìm kiếm một kinh nghiệm mới phù hợp hơn, tìm kiếm một tương lai có quy mô rộng lớn hơn và quan trọng hơn cả, là tìm kiếm một hạnh phúc bền vững cho cuộc đời mình./.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự do - Tự lập - Tự trọng là những giá trị làm người số một

    12/11/2014Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người. Có những con người nếu mà đầu tư cho nó một chút thì giá của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất vọng...
  • Không gian tinh thần

    15/08/2017Nguyễn Trần BạtNgày nay chúng ta không thể chỉ bàn đến tự do như là quyền tự nhiên cổ xưa nữa, tự do hiện đại phải được khẳng định là các quyền chính trị, các quyền xã hội, các quyền văn hóa, các quyền kinh tế. Quyền con người bao giờ cũng được thể hiện trên cơ sở những khía cạnh như vậy. Không có kinh tế tự do, không được buôn bán làm ăn một cách tự do thì không có quyền tự do kinh tế. Không có các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do cư trú thì con người không có các quyền tự do xã hội.
  • Văn hoá và Hiện tại

    26/08/2015Nguyễn Trần BạtToàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay là gì, nếu không phải là sản phẩm của văn hoá?
  • Văn hoá và Quá khứ

    26/11/2014Nguyễn Trần BạtVăn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng...
  • Văn hoá và Tương lai

    17/05/2014Nguyễn Trần BạtTương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng....
  • Tự do sinh ra con người

    21/04/2007Nguyễn Trần Bạt- Chủ tịch/ Tổng Giám đốc InvestConsult GroupKhái niệm tự do gắn với khái niệm con người. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, hai khái niệm này tạo thành một mối quan hệ cực kỳ mật thiết, quan hệ biện chứng và phát triển. Thế nhưng không chỉ khái niệm tự do mà khái niệm con người từ trước đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và chưa được hiểu một cách nhất quán.
  • Quá khứ và tương lai trò chuyện

    31/12/2006Nguyễn Thị Giông DàiQuá khứ này, anh là kẻ bạc tình bạc nghĩa, một đi không trở lại thế mà người ta lại luôn nhớ về anh. Trong khi tôi đầy khát khao, mong đợi, ngóng chờ thì vẫn chỉ bị coi như một khái niệm. Bí quyết của anh là gì vậy?
  • xem toàn bộ