Để biết là mình không biết...
TIN BUỒN
Chưa bao giờ việc học được toàn xã hội chúng ta quan tâm như mấy năm vừa qua. Ta đã bàn nhiều về những điều mà xã hội phải lo cho người học, nhưng còn bản thân người học phải lo thế nào cho việc học của chính mình thì có lẽ còn ít được bàn tới. Trong một đời người thì việc học ở nhà trường có thầy có lớp nhiều lắm cũng khoảng mươi, mười lăm năm, còn ngoài ra để học suốt đời thì chủ yếu là tự học.
Học là để hiểu biết. Học có thầy có lớp thì sẽ thu được những hiểu biết mà người khác nghĩ là mình cần được biết. Tự học thì tức là tự mình đi tìm những gì mà mình thấy là cần biết. Cho nên, tự học đòi hỏi tính chủ động, tự mình phải biết là mình biết gì, chưa biết gì và muốn biết gì, rồi mới tìm học cái mà mình muốn biết đó.
Từ ngàn xưa, theo sách Luận ngữ, Khổng Tử đã dạy học trò: "Việc chi mình biết, nhận là biết; việc chi mình không biết, nhận là không biết; ấy là biết vậy".
Lời dạy này tôi được học từ thuở còn bé, nhưng càng lớn lên, càng được học nhiều, tôi càng cảm thấy thực hiện được lời dạy tưởng như đơn giản ấy mới khó lắm thay! Khi còn cắp sách đến trường thì chẳng phải băn khoăn, cái gì cũng coi là chưa biết, nghe thầy dạy mà biết; nhưng khi phải học mà không còn sự dạy bảo của thầy, một mình với sách vở, với tài liệu, thì trước cái mênh mông của tri thức, nhiều khi mình không biết nên bắt đầu từ đâu, nên xoay xở thế nào.
Thậm chí, ngay khi đã định hướng được chủ đề mà mình muốn học, nên đọc sách gì, học theo cách nào, không phải lúc nào cũng dễ xác định ngay được. Cũng vẫn là những câu hỏi tưởng như đơn giản: biết gì, không biết gì, muốn biết gì, mà tình huống mỗi lúc một khác, không ít khi dẫn mình lạc lối.
Tôi thường gặp tình huống: khi học một quyển sách, đọc từ đầu đến cuối tưởng rằng mình đã hiểu cả, nhưng rồi lần sau đọc lại mới phát hiện ra rằng mình đã hiểu sai cả, và điều đó không phải chỉ xảy ra một lần. Kinh nghiệm đó lặp đi lặp lại với sách này rồi sách khác dạy cho tôi một ý thức cảnh giác với những gì mà mình tưởng là đã hiểu. Cho nên, phân biệt cho được cái biết và cái chưa biết, cái hiểu và cái chưa hiểu quả thực không dễ.
Vậy, hiểu là thế nào nhỉ? Tôi nghĩ rằng hiểu phải là nắm bắt được cái cốt lõi bản chất của một tri thức, hay như người ta thường nói, cái hạt nhân "chân lý" chứa đựng trong tri thức, thậm chí cả vẻ đẹp của tri thức đó. Khi đọc một quyển sách, thoạt đầu ta tiếp xúc với câu chữ, với ngôn ngữ, rồi với các lập luận từ câu này sang câu khác. Ta nghĩ rằng ta đã hiểu là vì các câu chữ rõ ràng, lập luận hợp logic... Nhưng lần sau ta nhận ra ta đã hiểu sai, là vì bản chất của tri thức thường nằm đằng sau, ẩn bên trong cái vỏ hình thức của những ngôn ngữ và lập luận đó. Còn vẻ đẹp của tri thức thì họa hoằn lắm ta mới phát hiện được qua hình bóng của những ánh chớp tư tưởng đã từng xuất hiện ở những giây phút thần kỳ nào đó của sự sáng tạo, mà chỉ những cảm thụ đặc biệt nào đó mới phát hiện ra được.
Cho nên, đọc sách mà muốn hiểu được sâu sắc một tri thức thì thường phải tìm lại được quá trình sáng tạo nên tri thức đó, mà ta nhớ rằng cách trình bày một tài liệu (khoa học) thường đòi hỏi tuân theo một logic diễn dịch (hình thức), gần như theo con đường ngược lại với logic của quá trình sáng tạo!
Trên đây là nói về sự hiểu và không hiểu một tri thức mà đối với nó có một cách hiểu đúng duy nhất. Nhưng ngày nay, nhận thức của con người càng ngày càng động chạm đến những vấn đề phức tạp, khó có một tri thức nào về những vấn đề như vậy có thể được xem là duy nhất đúng, thì cái hiểu và không hiểu lại càng khó phân biệt hơn nhiều.
Khoa học, trước yêu cầu nhận thức cái phong phú, đa dạng và phức tạp đó của thiên nhiên và cuộc sống, cũng không còn tự đặt cho mình mục tiêu phát hiện các "chân lý" phổ biến nữa, mà trở thành "khiêm tốn" hơn, khoa học xem mục đích của mình là tìm kiếm các cách "giải quyết vấn đề", các câu trả lời cho những vấn đề mà con người gặp phải trong cuộc sống của mình. Cuộc sống luôn luôn đặt ra các câu hỏi về thiên nhiên, về vũ trụ, về thế giới, về sự sống, về kinh tế, về xã hội, về văn hóa, v.v..., con người tùy trình độ của từng thời đại mà có những câu trả lời khác nhau, có thể không tuyệt đối đúng nhưng phù hợp với nhận thức của thời đại và giúp con người có những cách hành xử thích hợp với thời đại mình.
Theo nhà khoa học nổi tiếng Louis Pasteur, khoa học cứ bằng cách tìm kiếm câu trả lời cho hàng loạt những câu hỏi kế tiếp như vậy mà đạt dần đến những vấn đề cốt tủy của tự nhiên. Từ những quan niệm thô sơ thời Aristote, Democrite đến cơ học Newton, rồi từ Newton đến thuyết tương đối Einstein và vật lý lượng tử của thời đại chúng ta, những câu hỏi về vũ trụ và vật chất cứ liên tiếp có được những câu trả lời khác nhau, cái "đúng" của từng thời dẫu không là đúng thật vẫn giúp con người thúc đẩy cuộc sống tiến lên.
Cũng như vậy, vấn đề "công bằng" xã hội đã được đặt ra từ thời cổ Hy Lạp, rồi đến thời cách mạng dân chủ tư sản, qua thời cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu thế kỷ 20, và đến nay nó vẫn là một vấn đề cơ bản được tranh luận cho một mô hình xã hội ở thế kỷ 21, có thể có một định nghĩa "đúng" cho khái niệm đó hay không vẫn còn là một câu hỏi. Toán học, một ngành khoa học thuần lý, có tự chứng minh được một định lý khá thú vị (định lý Tarski): "Khái niệm "đúng" toán học là không thể định nghĩa được trong toán học".
Như vậy, trong môi trường mà cái đúng và không đúng của tri thức không được phân biệt rạch ròi, thì vấn đề hiểu, không hiểu cũng cần được đặt ra một cách uyển chuyển hơn. Thường gặp nhất là về cùng một vấn đề có thể có nhiều lý thuyết khác nhau, nhiều cách giải đáp khác nhau, mình chỉ biết một cách rồi xem cách đó là duy nhất đúng, thì đó là biết mà là không biết, hay nói đúng hơn, là không biết là mình không biết.
Trong những trường hợp như vậy, để khắc phục cái "không biết" là mình không biết thì cách tốt nhất là mở rộng các cuộc thảo luận và tranh luận, để nhiều cái biết khác nhau được phát biểu, đua tranh với nhau, rồi qua chọn lựa mà tìm cho mình cái biết thích hợp nhất (chứ chưa hẳn đúng nhất), và tạm bằng lòng với cái biết tương đối đó. Cho nên, để biết là mình không biết trong môi trường mới, phức tạp hiện nay, thì điều cần thiết là biết lắng nghe, chấp nhận việc tranh luận giữa nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề.
Biết mình không biết là khởi đầu của việc học và tự học, nó cũng là khởi đầu của mọi sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo khoa học. Cho đến nay, khoa học đã đạt được rất nhiều thành tựu rực rỡ. Nhưng, những câu hỏi chưa có trả lời đặt ra cho thế kỷ mới cũng càng ngày càng nhiều. Hy vọng rằng với tinh thần "biết là còn nhiều điều mình chưa biết" sẽ giúp cho chúng ta thêm năng lực sáng tạo để tìm được câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi đó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015