Sống cho thế hệ tương lai
Nhất cử nhất động của chúng ta đều gây tác động tới tương lai. Và thế hệ trẻ là cái chuẩn bất cứ ai cũng phải tính tới khi giải thích đánh giá hành vi của chính mình...
1.
Sau World cup, trong khi dành nhiều giấy mực cho thắng lợi của Italia, dư luận nhiều nước lại đồng thời bàn nhiều về cú húc đầu của Zidan vào một hậu vệ đối phương, đến mức bị thẻ đỏ. Cách bàn tán cũng lạ lắm: Chúng tôi sẽ nói với con cái trong nhà như thế nào đây?!
Một tờ báo Pháp thảng thốt kêu lên như vậy. Nghĩa là người ta cho rằng nhất cử nhất động của chúng ta đều gây tác động tới tương lai. Và thế hệ trẻ là cái chuẩn bất cứ ai cũng phải tính tới khi giải thích đánh giá mọi hành vi của chính mình và người chung quanh.
2. Khi đã định làm việc gì - nhất là những việc phạm pháp, những việc bậy bạ, dân mình thường cũng nghĩ ra nhiều cớ lắm. Như trong cái quốc nạn tham nhũng hiện nay, cái cớ đầu tiên người trong cuộc nói với nhau thường là lương thấp không đủ sống. Nghe có lý lắm!
Người ta chỉ lờ đi một sự thực, sau khi đã ăn cắp đủ no rồi, nhiều người vẫn say máu lao vào cuộc và càng kiếm chác tàn bạo hơn. Tiếp đó, một cái cớ có vẻ chính đáng khác thường được viện ra: con cái. Không để cho nó dốt như mình được, cần có tiền cho con cái học hành. Và không để cho nó khổ cho mình được, cần cho nó biết những lạc thú mới mẻ nhất trên đời.
Vậy là dân ta có kém gì thế giới đâu, ta cũng lo cho tương lai nhiều lắm đấy chứ! Chỉ có điều nỗi lo của ta là lo lộn ngược. Ta sẵn sàng để con ta thành ký sinh trùng ăn bám xã hội chứ không phải những công dân biết sống hết năng lực và tầm cỡ của một con người .
3. Báo Tiền Phong số ra 13-7 có bài của một tiến sĩ người Mỹ khuyên ta dạy con biết chấp nhận thất bại. Bài báo nêu ra 4 cách giúp cha mẹ dạy con. Thỉnh thoảng, hãy để trẻ thua cuộc; yêu cầu trẻ chơi đẹp; dạy con tôn trọng cảm xúc của người khác; khen ngợi sự tiến bộ của trẻ. Bài báo kết lại bằng cái ý “Việc học cách chấp nhận thất bại sẽ dạy cho trẻ tính tự trọng và biết sống hòa hợp với người khác”.
Tôi rất thích cách nghĩ này, bởi có cảm tưởng lúc này đây nhiều người chúng ta hàng ngày sống hiếu thắng quá, kể cả các bạn trẻ. Mà hiếu thắng là thiếu bản lĩnh không biết mình biết người, chỉ thích những cái tiếng hão, trong khi thực chất thế nào không cần biết.
4. Đọc gần hết truyện, thấy Cánh đồng bất tậnthuộc loại khá dữ dằn và phải nói có sắc thái bi quan. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã để cho tác phẩm của mình khép lại bằng mấy dòng hết sức nhân ái. Sau khi trải qua đủ loại sợ hãi đau xót căm giận… vì bị cưỡng hiếp, cô gái tên Nương hướng đầu óc của mình tới cách nghĩ khác “Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăng quăng đang vui sướng, ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn“.
Nhiều bậc cha mẹ thích cái đoạn kết này vì nó giống như chúng ta: biết rằng mình đang sống tội lỗi và hy vọng rằng thế hệ sau sẽ tha thứ. Nếu được bổ sung tôi chỉ muốn nói thêm: Mong sao lớp trẻ không phải sống theo cái kiểu nhiều người hôm nay đang sống! Và trách nhiệm của chúng ta là phải chuẩn bị cho một ngày mai như thế !
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn