Chiều hướng ý thức hệ tương lai cho Việt Nam

08:45 CH @ Thứ Năm - 18 Tháng Giêng, 2018

Đây là một đề tài mà tôi chần chừ nửa muốn viết, nửa không muốn viết, từ bao năm nay, nếu không muốn nói là bao chục năm nay, vì theo Karl Popper thì những người chủ trương ý thức hệ chẳng khác nào muốn đóng khung thế giới trong một lồng kính, trong khi đó thế giới biến chuyển từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, vì mỗi một giây, trên thế giới, đều có những tư tưởng mới, những phát minh, sáng kiến mới.

Tôi đồng ý phần lớn quan điểm của K. Popper. Tuy nhiên tôi nghĩ, là một con người hay một dân tộc, một quốc gia đều phải có một dự phóng tương lai để hành động. Điều khác biệt với những người chủ trương ý thức hệ là những dự phóng này không được đưa lên thành định luật và quyết đoán rằng quốc gia đó, nhân loại đó nhất định phải đi theo chiều hướng này, hay chiều hướng nọ, mà những chiều hướng đó có thể uyển chuyển, để thích hợp tùy theo hoàn cảnh, môi trường và thời gian.

Chiều hướng ý thức hệ đó có tính cách hướng dẫn hơn là áp đặt.

Chính trong suy nghĩ đó mà tôi viết bài này, thay vì dùng danh từ “Ý thức hệ tương lai”, tôi xin dùng “Chiều hướng ý thức hệ tương lai.”

K. Popper (1902 – 1994), bạn thân của Albert Einstein, được ông đánh giá là nhà phê bình khoa học, phương pháp khoa học nổi tiếng nhất của thế kỳ 20, qua 2 quyển sách nổi tiếng “La Socité ouverte et ses ennemies”, (Xã hội cởi mở và những kẻ thù của nó), xuất bản năm 1945, và quyển sách “La Pauvreté de l’Historicisme” (Sự Nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử), xuất bản năm 1957, được coi là sách gối đầu giường của 2 Thủ tướng Đức Helmut Schmidt và Helmut Kohl. Ông Edgare Faure, một chính trị gia khôn khéo, tài giỏi của Pháp, cũng đã là Thủ tướng, đã thành lập vào năm 1985 Hội Những Người Bạn của K. Popper.

Năm 19 tuổi, tức là năm 1921, ông vào đảng Cộng sản Áo, nhưng trong một cuộc biểu tình ở Vienne, thủ đô Áo, đã xẩy ra một vụ xô xát, đảng cộng sản đã giết 2 người của đảng xã hội. Trước cảnh tượng đó, ông tự đặt câu hỏi: “Phải chăng người ta có thể nhân danh một cái gì tốt đẹp trong tương lai, để giết người hiện tại?” Câu trả lời là không. Ông rời bỏ đảng cộng sản. Sau đó vào những năm 30, khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, rồi chiếm nước Áo, ông đã rời bỏ Áo, sang dạy học ở Tân Tây Lan, rồi trở về Anh, dạy luận lý và phương pháp khoa học ở trường đại học kinh tế Luân Đôn (London Economic School). Người ta có thể nói ông là một trong những người tiêu biểu chống độc tài, từ độc tài cộng sản sang độc tài phát xít.

Popper đã chỉ trích không những K. Marx mà cả Platon và Hégel, những người chủ trương có định luật lịch sử.

Theo ông, không có định luật lịch sử, ngay cả vấn đề chân lý của khoa học chính xác như hóa học, vật lý, thiên văn cũng chỉ là chân lý phỏng đoán (vérité conjecturelle). Như sự việc quan sát mặt trời mọc, ngày thứ nhất tôi thấy mặt trời mọc ở phương đông, ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng vậy, và từ đó, tôi phỏng đoán là trong tương lai, mặt trời sẽ mọc ở phương đông, chứ tôi lấy bằng chứng gì để quyết đoán là trong tương lai mặt trời sẽ mọc ở phương đông.

Đấy là đối với khoa học chính xác như thiên văn, mà những hiện tượng có thể lập đi lập lại một cách y hệt, còn vậy. Huống chi đối với khoa học nhân văn như lịch sử, kinh tế, chính trị, những hiện tượng không bao giờ lập lại một cách y hệt, mà cho rằng có định luật lịch sử, kinh tế, chính trị là hồ đồ.(1)

Chẳng hạn như K. Marx nói rằng có “Định luật tập trung gia tăng tư bản” (Loi de concentration croissante du capital) là hồ đồ, mà phải nói “Khuynh hướng tập trung gia tăng tư bản” (Tendance de concentration croissante du capital).

Vậy đâu là chiều hướng ý thức hệ tương lai cho Việt Nam:

Đại để, chúng ta có thể nêu ra 4 chiều hướng chính:

I) Chiều hướng nền tảng triết lý, đạo đức căn bản

Nói một cách đơn giản đầu tiên, đó là sau khi cộng sản sụp đổ, chiều hướng nền tảng triết lý, đạo đức căn bản cho một Việt Nam là chiều hướng trở về quan niệm đa tôn giáo đồng qui, tôn trọng những giá trị nhân bản, toàn cầu của con người nói chung và của người Việt nói riêng, trở về tinh thần quốc gia dân tộc, nhưng vẫn biết cởi mở để thâu nhận những tiến bộ từ thập phương.

Thật vậy chúng ta cứ quan sát một vài nước tân tiến hiện nay, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhất là Nam Hàn mới trổi dậy, cũng như chúng ta quan sát sự thiếu phát triển rồi đưa đến sự sụp đổ của những nước cộng sản, thì chúng ta sẽ rõ.

Người ta có thể nói ba nước phát triển trên, tôn giáo giữ một vai trò quan trọng, như Hoa Kỳ, ngoài việc mà ai cũng thấy, đó là khi nhậm chức, tổng thống để tay lên quyển Kinh Thánh, còn có sự việc là đồng tiền giấy 10 $, mặt bên này là hình của Hamilton, Bộ trưởng Kinh tế Tài chánh đầu tiên, mặt bên kia là hình ty Ngân khố, trên đó có viết dòng chữ: “In God We Truth” (Nơi Thượng đế chúng tôi đặt niềm tin).

Bên Nhật, dân chúng tôn sùng vua và vua được xem như con cháu của thần Mặt trời, theo tinh thần của Đạo Truyền thống Nhật Bản (Shintoïsme).

Theo thống kê, thì ở bên Hoa Kỳ 56% dân theo đạo Tin Lành (Protestantisme), 28% theo đạo Công giáo (Catholicisme); bên Nhật, thì 40% theo đạo Nhật truyền thống (Shintoïsme), 38% theo đạo Phật (Bouddisme) ; bên Nam Hàn, thì gần 30% theo đạo Thiên Chúa (Christianisme), gần 30 % theo đạo Phật (Bouddisme).

Theo như Samuel P. Huntington, giáo sư đại học Harvard, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược, là người sáng lập và là một trong những chủ bút của tờ báo Foreign Policy (Chính sách Ngoại giao), trong quyển sách nổi tiếng của ông Le Choc des Civilisations (Sự xung đột giữa những nền văn minh), thì văn minh chính là tôn giáo, theo như định nghĩa của ông.

Theo ông, thế giới có 8 nền văn minh, dựa trên dựa trên những tôn giáo chính: 1) Văn minh Tây phương (Civilisation occidentale, 2) Văn minh Khổng giáo (Civilisation confucéenne), 3) Văn minh Nhật (Civilisation japonaise), 4) Văn minh Hồi giáo (Civilisation islamique), Văn minh Ấn độ giáo (Civilisation hindouiste), 6) Văn minh slave chính thống giáo (Civilisation slave – orthodoxe), 7) Văn minh châu Mỹ Latin (Civilisation latino – américaine) và Văn minh Đen (Civilisation noire).

Chính nhờ tôn giáo mà đã tạo nên văn hóa và văn minh của con người.

Ở điểm này, tôi đồng ý với ông. Nhưng ở điểm sau, tôi không đồng ý, vì ông cho rằng thế giới tương lai sẽ đi đến sự kình chống giữa những tôn giáo, giữa những nền văn hóa, văn minh khác nhau.

Ông viết: “Những tranh chấp nguy hiểm nhất ngày hôm nay đến từ làn ranh giới giữa những nền văn minh lớn” (S.P. Huntington – Le Choc des civilisations – trang 17 – Nhà xuất bản Odile Jacob – Paris – 2000).

Từ đó ông đưa ra tiên đoán tương lai là sẽ có sự đụng độ mạnh (le choc) giữa nền văn minh Tây phương và đạo Hồi (Islam) đứng đằng sau là Trung Cộng.

Ông cho rằng thế giới khô cứng của ý thức hệ vào thế kỷ 20 sẽ nhường chỗ cho thế giới bất ổn của tranh chấp văn hóa, văn minh đứng đằng sau là tôn giáo.

Từ đó ông khuyên những nước Tây phương hãy đoàn kết với nhau: “Sự sống còn của Tây phương (la survie de l’Occident) tùy thuộc ở Hoa kỳ, và những nước Tây phương phải đoàn kết lại với nhau và nên nghĩ rằng văn minh của mình không có tính chất toàn cầu (universel), để đương đầu với những thử thách, đến từ những văn minh khác” (Sách đã dẫn, trang 17+18).

Đây là điểm tôi không đồng ý với ông.

Không nói đâu xa, tôi xin dẫn chứng ngay văn minh Tây phương để phản bác lại.

Văn minh Tây phương bắt đầu và chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Ý hiện nay. Nếu chúng ta xét kỹ, thì đó là tổng hợp của 8 nền văn minh và ít nhất là ba, bốn tôn giáo: văn minh Do Thái giáo, văn minh Thiên Chúa giáo, văn minh Ai Cập, văn minh Hy Lạp, văn minh Romain, văn minh Ả Rập, văn minh Đông Phương và văn minh Dã man "civilisation barbare".

Những la bàn, thuốc súng, máy in, tơ lụa đều đến từ Đông phương. Ngay hàng ngày chúng ta vào ăn một tiệm ăn Tây phương, chúng ta gọi món "Steak" hay "Steak tartare" chúng ta nghĩ là của Tây phương, nhưng thực ra món ăn này đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ. Ngay cả món "sauce" mà người Tây phương thường dùng là "sauce mayonnaise" hay "sauce tartare" cũng vậy.

Điều này nói lên sự hợp tác giữa những văn minh, tôn giáo hơn là sự kình chống.

Ông Huntington chỉ nhìn thấy ngọn mà không nhìn thấy gốc của văn hóa, văn minh, vì con người dù là da vàng, da đỏ, da trắng hay da đen, ở đâu cũng vậy, đều có những nhu cầu căn bản giống nhau, từ vật chất tới tinh thần. Ai cũng vậy, ở nơi nào cũng thế, khi ăn một món ngon, thì đều thấy ngon, không phân biệt mầu da, tôn giáo, địa phương. Chẳng hạn như ngày hôm nay, món phở Việt Nam đã được nhiều người thích, vì nó ngon, chứ không phải nó của Việt Nam. Ai cũng vậy, khi nghe một bản nhạc hay đều lấy làm sảng khoái, khi ngắm một bức tranh đẹp, đều thấy thích thú. Ai cũng muốn những quyền căn bản của mình, như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng v.v…, được tôn trọng. Có ai, dù là da trắng, da đen hay da vàng, lại muốn bị hành hạ, đánh đập vô duyên cớ hay không?

Và chính con người tạo ra văn hóa, văn minh, tôn giáo nên văn hóa, văn minh, tôn giáo có nhiều điểm đồng qui, toàn cầu (universel) hơn là dị biệt vùng, chủng tộc.

Một bằng chứng lịch sử là trên con đường Tơ Lụa nối liền đông tây, người ta thấy trong nhiều hang động có những hình nói lên sự hợp tác giữa những dân tộc và tôn giáo.

Không nói đâu xa, ngay ở Việt Nam chúng ta xưa kia đã có quan niệm tam giáo đồng qui: Khổng, Lão, Phật.

Nước Nhật ngày hôm nay là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, người ta thấy Nhật giáo cổ truyền (Shintoïsme) và Phật giáo (Bouddisme) sống hài hòa, đồng qui, chứ không chống đối nhau. Chẳng hạn như ngày đám cưới hay ngày sinh nhật, thì người Nhật tổ chức theo truyền thống Nhật giáo (Shintoïsme) ; nhưng ngày chết và thờ cúng tổ tiên, thì người Nhật tổ chức theo Phật giáo.

Những quan niệm cho rằng đông tây không bao giờ gặp nhau, tôn giáo luôn kình chống với nhau, đó là những quan niệm chỉ nhìn thấy ngọn, mà không nhìn thấy gốc, đến từ căn bản của con người.

Ngày hôm nay, nếu chúng ta quan sát xã hội Nhật Bản và ngay cả xã hội Nam hàn, chúng ta thấy họ hiện đại hóa, "tây phương hóa", hơn cả tây phương. Ngành điện thoại cầm tay là ngành khoa học hiện đại nhất, vì trong một cái điện thoại nhỏ là có cả một bộ máy "computor" tinh vi, mạnh mẽ, thế mà người Nam Hàn đứng đầu về sản xuất điện thoại cầm tay. Vào mấy tháng cuối năm 2011, hãng Samsung của Đại Hàn bán vào khoảng 27 triệu điện thoại cầm tay, trên hãng Apple, Hoa Kỳ, bán 17 triệu, hãng Nokia, Na Uy, bán 10 triệu cái. Giới trẻ Nhật bản và Nam Hàn có những phương diện sống mạnh và cởi mở hơn cả Tây phương.

Nhưng điều hay của 2 nước này là họ vẫn giữ vững tinh thần tôn trọng phong tục, tập quán tốt đẹp cổ truyền.

Chúng ta có thể ví văn hóa, văn minh mà trong đó tôn giáo giữ một vai trò quan trọng, như một cái cây. Rễ cây là quá khứ, thân cây là hiện tại, cành lá là tương lai. Rễ cây phải mạnh để ăn sâu vào lòng đất, hút sức sống cho thân và cành lá, thân cây phải to để chuyển nhựa, cành lá phải rườm rà để hút tinh khí từ thập phương.

Từ điểm này, chúng ta thấy một sai lầm to lớn của Marx và những chế độ cộng sản. Marx cho rằng để kiến tạo văn hóa, văn minh mới, thì phải thiêu hủy văn hóa, văn minh cũ. Marx viết:

"Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ tất cả những chân lý muôn thuở, họ xóa bỏ tôn giáo và đạo đức thay vì cải thiện nó, và như vậy, họ đi ngược lại tất cả những phát triển lịch sử trước đó." (Marx, Engels – Manifeste du Parti communiste - trang 51 – www.librio.net).

Đây là một trong những lý do chính làm cho chế độ cộng sản sụp đổ, vì như trên đã nói văn hóa, văn minh như một cái cây. Nay vứt bỏ quá khứ, như cắt đứt rễ cây, thì cây làm sao sống.

Vì vậy sự sụp đổ của chế độ cộng sản bắt nguồn ngay từ lý thuyết của Marx. Đấy là chưa nói đến quan niệm bãi bỏ quyền tư hữu, mà Marx cho là khoa học, nhưng chẳng khoa học gì cả, mà ngược lại, là bãi bỏ một nguyên động lực khiến cho con người làm việc, đưa xã hội cộng sản đến chỗ "Cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày".

Ngày hôm nay, 2 nước cộng sản Tàu và Việt Nam thì lại chạy theo tư hữu, tư bản một cách man dại và rừng rú. Mặc dầu Hiến pháp vẫn ghi là không có quyền tư hữu, nhưng những cán bộ bắt đầu từ tổng bí thư, chủ tịch nước, tới thủ tướng, bộ trưởng, tỉnh ủy, huyện ủy v.v…, đều có tư hữu kếch xù, giầu nứt đố, đổ vách. Tài sản có được là nhờ bóc lột man dại, dã man người dân, qua tham nhũng hối lộ.

Hai nước hiện đại hóa mạnh nhất ở Á châu là Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng đồng thời truyền thống trở về nguồn cũng mạnh không kém ở 2 nước này.

Nước Nhật ngoài việc thờ thần Mặt trời, thờ nhà vua, được coi là con cháu của "Thái dương thần nữ", còn công nhận và xuy tôn 12 vị có công trong việc xây dựng nước Nhật, đứng đầu là Hoàng tử Shotoku, người đã thực hiện được tư tưởng "Gộp Đạo" Thần - Phật – Nho, có nghĩa là tổng hợp được niềm tin cổ truyền Nhật (Thần) với 2 tôn giáo đến từ nước ngoài, đó là Phật giáo và Nho giáo. Chúng ta nên nhớ lúc này là vào khoảng thế kỷ thứ 6.(2)

Điều ngạc nhiên, đó là trong 12 vị có công với nước Nhật, người ta thấy có cả tên Tướng Mac Arthur (*), người Hoa kỳ, đã đánh bại nước Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ở điểm này chúng ta mới thấy sự sáng suốt của dân, giới sĩ phu, trí thức và lãnh đạo Nhật bản, vì thể chế dân chủ, hiến pháp, theo đúng nghĩa là những luật căn bản, giúp nước Nhật dân chủ, tránh nạn độc tài quân phiệt thời Đệ Nhị Thế Chiến trước đó, chính là một phần nhờ ông tướng Mỹ này.

Mac Arthur mơ ước "Xây dựng một nước Nhật dân chủ lý tưởng ở Á châu". Điều chắc chắn ở những nước khác là sẽ coi Mac Arthur như kẻ thù (2).

Vì vậy chiều hương ý thức hệ triết lý, tôn giáo, đạo đức tương lai cho Việt Nam là trở về đa giáo động qui: Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành ; trở về tôn trọng những giá trị nhân bản cổ truyền như nhân nghĩa lễ trí tín, phép vua thua lệ làng; nhưng biết cải tổ, canh tân cho hợp thời.

Cần có một Hội đồng Đạo đức quốc gia, sau khi cộng sản sụp đổ, để tạo dựng lại nền tảng đạo đức con người, mà ông cha ta bao đời dầy công kiến tạo trước đây, bỗng chốc bị cộng sản tàn phá, đổ xuống sông, xuống biển một sớm một chiều, vì lý thuyết đấu tranh giai cấp, xúi con đấu bố, vợ chửi chồng, bạn bè tìm cách sát hại lẫn nhau.

Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn xã hội Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, cảnh con giết cha vì mấy trăm $, cảnh thầy cưỡng hiếp học trò, quan lớn cưỡng dâm em trẻ vị thành niên, bằng cấp giả được đăng tải hàng ngày trên báo chí.

Hội đồng này bao gồm những vị đạo đức trong mọi từng lớp nhân dân, tất nhiên là có những vị lãnh đạo của tất cả mọi tôn giáo.

Phải tăng cường giúp đỡ tôn giáo, vì tôn giáo nào cũng vậy, từ đông sang tây, đều khuyến khích con người ăn hiền ở lành, đại đa số những vị tu sĩ đều là những người hy sinh cả cuộc đời nhằm mục đích hướng dẫn đạo đức cho dân, những nhà thờ, chùa, tu viện đều là những trung tâm giáo dục đạo đức từ đời này qua đới khác.

Đạo đức là nền tảng căn bản đầu tiên để xây dựng một xã hội tốt đẹp và phát triển, vì không có đạo đức thì con người sống như loài hoang dã, cầm thú, cắn xé nhau, như hiện trạng xã hội cộng sản hiện nay ở Trung Quốc và Việt Nam.

Ở điểm này, tôi xin lấy một câu trong Kinh Thánh, cách đây cả bao ngàn năm, ám chỉ những kẻ vô thần, nhưng ngày hôm nay áp dụng cho người cộng sản, nhất là giới lãnh đạo, thì rất đúng:

"Nó tự ru ngủ bằng một lý thuyết đơn giản, sai lầm và trái sự thật. Nó tự khoác vào người nó một bộ áo đạo đức giả; nhưng bản chất thật của nó, thì vô cùng gian manh, giảo quyệt, ác ôn và côn đồ. Nó đã hạ thấp hình ảnh cao thượng, tốt đẹp của con người xuống hàng súc vật, rắn rết và bò sát".

Đúng không những cho giới lãnh đạo cộng sản, mà đúng cả cho lý thuyết của Marx (1).

Chiều hướng triết lý tương lai cho Việt Nam là một xã hội có thần, tôn trọng tôn giáo, đến bất cứ từ đâu, xã hội tôn trọng những giá trị cổ truyền, nhưng được cập nhật hóa.

II) Chiều hướng thể chế chính trị

Thể chế chính trị đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đất nước, nâng cao dân trí và văn hóa của một dân tộc. Nó là đòn bẩy giúp sức bật của dân nẩy tung lên cao, nó là mảnh đất mầu mỡ giúp cho kinh tế, văn hóa và con người nẩy mầm, phát triển. Điển hình là 2 nước Bắc Hàn và Nam Hàn, ngày hôm nay.

Nam Hàn phát triển về mọi mặt, trở thành cường quốc kinh tế lớn không những ở Á châu mà cả trên thế giới, là nhờ Nam Hàn biết chấp nhận chế độ dân chủ, mặc dầu mới bắt đầu vào thập niên 80. Trong khi đó Bắc Hàn vẫn theo chế độ cộng sản, chỉ biết tuyên truyền và nói láo, như lời ông Gorbatchev nói, chỉ biết tôn thờ lãnh tụ, chạy đua vũ trang. Không nói đâu xa, hơn 3 triệu người Việt trốn chạy cộng sản, ra nước ngoài, sự đóng góp của họ trên mọi phương diện đều được cả thế giới công nhận, là vì họ sống dưới những chế độ dân chủ.

Chiều hướng thể chế cho Việt Nam tương lai là thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, tôn trọng luật pháp và những quyền căn bản của con người, như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do chính trị, tự do bầu cử, ứng cử v.v…

Tuy nhiên chúng ta không thể "copier", sao chép những hiến pháp, áp dụng không uyển chuyển những thể chế dân chủ của thế giới, mà cần phải làm thế nào để những luật lệ căn bản, thể chế chính trị phù hợp với bản chất dân và địa lý của chúng ta.

Chính ở điểm này, ông Montesqieu, người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Pháp, người chủ trương tam quyền phân lập, trong quyển Về Tinh Thần Luật Pháp "De l’Esprit des Lois", có viết:

"Luật lệ phải gắn liền với tự nhiên (la nature) và những nguyên tắc mà một chính quyền được tạo dựng lên hay nó muốn tạo dựng…. Nó phải liên quan tới địa lý quốc gia (au physique du pays), tới khí hậu nóng lạnh hay điều hòa, tới tính chất của đất đai, tới hoàn cảnh, tới vinh quang hay thăng trầm của quốc gia đó… Nó phải liên quan tới mức độ tự do mà quốc gia đó có thể chịu đựng, tới tôn giáo của người dân, tới sự chịu đựng, tới sự giàu có của họ, tới số lượng, tới thương mại và tập quán của họ." (Montesquieu – De l’esprit des lois – phần dẫn nhập – Nhà xuất bản Flammarion – Paris 2008).

Ở điểm này, chúng ta mới thấy sự ngu dốt, lố bịch, trâng tráo, vô liêm sĩ của giới lãnh đạo và trí thức cộng sản. Chúng đã sao y bản chính nguyên văn từ những hiến pháp Liên Xô, như Điều 4 của Hiến Pháp hiện hành, là sao chép điều 6 của Hiến pháp Liên sô trước kia; chúng đã nhập cảng tư tưởng của Marx, mà những giới trí thức Tây phương cho là cặn bã văn hóa.

Vào thời gian đầu, những người cộng sản cho mình là khoa học, nên kêu gào tính chất toàn cầu của văn minh, văn hóa. Ngày hôm nay để bảo vệ chế độ , không muốn đi theo chiều hướng tiến bộ dân chủ, chính chúng lại kết án tính chất toàn cầu, kêu gọi trở về tính chất đặc thù của văn minh, văn hóa, một cách thái quá, bất cập, kiểu như Khổng Tử nói, đó là bản chất của kẻ tiểu nhân, mặc dầu là "chủ tịch này, thủ tướng nọ".

Thực ra văn minh, văn hóa bao gồm cả tính đặc thù và toàn cầu, điều hay của một dân tộc, là giữ được tính chất đặc thù, nhưng vẫn thâu nhận được những tính chất toàn cầu. Như tôi vừa nói văn minh tây phương là tổng hợp của 8 nền văn minh. Dân Nhật và dân Nam hàn hiện nay đã biết phối hợp hài hòa cái cũ và cái mới.

Lỗi của giới lãnh đạo và trí thức cộng sản vô cùng lớn lao, bắt đầu từ Hồ chí Minh, vì đã không làm được, nói đúng hơn là không muốn làm việc này, đã đổ xuống sông xuống biển văn hóa cổ truyền, rồi nhập cảng tư tưởng ngoại lai Mác Lê Mao. Họ Hồ thản nhiên tuyên bố: "Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao nghĩ hộ". Hoặc Tố Hữu: "Bên kia biên giới là nhà, bên này biên giới cũng là anh em" hay "Thờ Mao chủ tịch và Staline bất diệt".

Điều oái ăm, đó là ngày hôm nay chế độ cộng sản đã bị loại bỏ, chính sách độc khuynh, độc đảng đã bị toàn thế giới lên án, thế mà giới lãnh đạo và trí thức cộng sản vẫn cố bám vào, viện dẫn mọi thứ lý do.

Vì vậy chiều hướng thể chế tương lai cho Việt Nam là đi theo thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do bầu cử, ứng cử, v.v…, tôn trọng những giá trị có tính chất toàn cầu, nhưng vẫn đặt nặng bản sắc dân tộc như Nhật Bản và Nam Hàn.

III) Chiều hướng văn hóa, giáo dục: Đa văn hóa + Đức dục, Trí dục, Thể dục(1)

Chiều hướng văn hóa tương lai cho Việt Nam là đa văn hóa, chấp nhận mọi điều hay, nhân bản của tất cả những nền triết học, văn hóa, văn minh thế giới, loại bỏ những cái xấu nhưng vẫn bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của mình.

Ở điểm đa văn hóa này, chúng ta cần phải loại bỏ đầu óc giản tiện hóa vấn đề, đó là cho rằng mọi người suy nghĩ như nhau thì sẽ tạo nên sức mạnh. Thực ra mọi người suy nghĩ như nhau có nghĩa là chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ đưa đến sự nghèo nàn về tư tưởng và đi đến sự lụm bại về văn hóa, văn minh.

Đây là cách suy nghĩ của những kẻ độc tài và những chế độ độc tài.

Lịch sử nhân loại thế kỷ 20 vừa qua đã chứng minh rõ rằng chế độ độc tài phát xít , bề ngoài có vẻ mạnh mẽ, vì ai cũng suy nghĩ như nhau, ai cũng nhất nhất nghe lời lãnh tụ, nhưng bên trong trở nên ruỗng nát, vì tư tưởng trở nên nghèo nàn, mà một xã hội mà tư tưởng trở nên nghèo nàn, thì không có sức sống, rồi cuối cùng cũng bị sụp đổ.

Thế kỷ 20 vừa qua có nhiều điểm xấu: đó là 2 trận đại chiến, con người đã dùng những thành quả khoa học để chém giết lẫn nhau, phá hoại môi sinh, môi trường; nhưng cũng có những điểm tốt, đó là sự nêu cao dân chủ, nhân quyền qua bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp quốc chấp nhận vào năm 1948. Và từ đó, tự do, dân chủ nhân quyền đã trở thành những sợi dân vô hình nối kết con người với nhau, con người nhất là những người sống dưới chế độ độc tài, niềm hi vọng của họ vẫn là làm thế nào để biết được những tin tức trung thực từ bên ngoài, làm thế nào để những quyền căn bản của họ như quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị, tự do tín ngưỡng v.v.., được tôn trọng. Chính những ước vọng này đã là những sợi dân vô hình nối kết họ lại với nhau, giữa người trong cùng một nước, giữa người trong và ngoài nước. Những sợi dây vô hình này đã là những động lực lớn làm sụp đổ những chế độ độc tài, như độc tài phát xít, quân phiệt, độc tài gia tộc.... Phong trào này vẫn tiếp tục và trở nên mạnh mẽ vào thế kỷ 21, qua những cuộc cách mạng tại các nước Ả rập và Phi châu. Đã bắt đầu lan sang Á châu với Miến Điện...

Mục đích của nhân dân ta hiện nay là để xây dựng lên một nước Việt hòa bình, tự do, dân chủ, ấm no và phồn thịnh, một nước mà trong đó mọi người có cơm ăn áo mặc, những quyền căn bản được tôn trọng, không có cảnh chống đối giai tầng, người này nghi kị người kia, một nước Việt, mà trong đó có đa khuynh, mọi tư tưởng triết học, mọi tôn giáo được chấp nhận, mọi truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta đã dày công kiến tạo được duy trì, mọi tiến bộ khoa học, kĩ thuật được truyền bá, một xã hội mà trong đó con người thật sự là cứu cánh của con người, chứ không phải là vật hi sinh cho một ý thức hệ không tưởng, con người không phải là nạn nhân của dựng lên để phục vụ một thiểu số người, tự nhận là đại diện cho thợ thuyền lao động, cho toàn dânhiện thực được phơi bày mỗi ngày một rõ.

Dân Việt đã lập quốc từ lâu. Văn hóa Việt là một nền văn hóa cổ kính, trải qua nhiều triều đại và mang nhiều tính chất:

Trọng lẽ phải, trọng sự thật: "Nói phải, ông vải cũng phải nghe".

Trọng dân chủ và nền nếp: "Phép vua thua lệ làng."

Trọng nhân bản, trung hậu, lấy con người, lấy gia đình làm gốc: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.", "Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là phận con."

Trọng tính nhân ái, bình đẳng: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", "Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh."

Nhưng vẫn có tính chất tiến bộ, chấp nhận cái hay, cái đẹp của người ngoài: "Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường chán vạn kẻ còn hơn ta", "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn."

Công cuộc đấu tranh để thực hiện xã hội tốt đẹp đó, liên quan đến mọi người Việt.

Mỗi người Việt hãy nên ý thức rằng bảo tồn văn hóa là phát triển văn hóa, bảo tồn văn minh là sáng tạo văn minh, bằng cách chống lại quan niệm cho rằng để làm ra văn hóa mới thì phải hủy diệt văn hóa cũ, để tạo ra văn minh mới, thì phải thiêu hủy văn minh cũ.

Hãy nên trở về nguồn, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận những trào lưu tiến bộ mới, bằng cách:

Nêu cao tinh thần trọng sự thật, trọng lẽ phải, trọng điều thiện, và cũng có nghĩa là chống lại mọi cái gì dối trá, lừa bịp, ác ôn, côn đồ.

Bằng cách nêu cao tinh thần tự do, dân chủ, đa khuynh, đa đảng, và cũng có nghĩa là chống lại những gì độc đoán độc tài, độc khuynh, độc đảng, áp bức bóc lột, đến bất cứ từ đâu, tả cũng như hữu; bằng cách cổ võ văn hóa cởi mở, tự do, chống lại văn hóa nô dịch.

Bằng cách nêu cao tinh thần nhân bản, trung hậu, trọng công bằng, và cũng có nghĩa là chống lại những quan niệm coi con người như những công cụ sản xuất, công cụ hi sinh cho tổ chức, cho một guồng máy nhà nước, cho những dự án lý thuyết không tưởng.

Bằng cách nêu cao tinh thần dân tộc chống lại những gì phản dân tộc, mang dân đi phục vụ những ý đồ bành trướng cuả ngoại bang.

Trở về nguồn, nhưng đồng thời cũng biết phóng tầm mắt ra xa, không để trái tim và khối óc đóng khung trong những thành kiến, những tập quán xấu, những giáo điều của những lý thuyết lỗi thời cách đây cả trăm, cả ngàn năm; mà ngược lại biết để trái tim và khối óc đi tìm những chân trời mới, sẵn sàng đón nhận những ý kiến, tư tưởng mới, những tinh thần lý luận, khoa học của nước ngoài, là để trái tim và khối óc biết hòa nhịp, bước theo đà tiến triển của nhân loại.

Vì bao nhiêu năm cầm quyền cộng sản, đạo đức, kỷ cương bị đảo lộn, giáo dục bị xuống cấp, kiểu "Ba đồng đổi lấy một xu, thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy", vì vậy vấn đề giáo dục Việt Nam phải được đưa lên hàng đầu. Giáo dục phải nhằm 3 mục đích: 1) Đức dục, kiểu các cụ nói: "Tiên học lễ, hậu học văn", 2) Trí dục, 3) Thể dục, vì một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể cường tráng.

Cũng theo các cụ xưa, khi nói đến những đức tính căn bản của con người, thì thường nói đến: Nhân, nghĩa, lễ, trí tín.

Nhân đây là lòng thương người, thương vật, mà trong đó lòng thương bố mẹ là hàng đầu, vì bố mẹ đã sinh ra mình, nuôi nấng và dạy dỗ mình nên người, hoàn toàn trái ngược với quan niệm cộng sản chủ trương bãi bõ gia đình "Vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc". Chính vì lẽ đó mà bất cứ xã hội cộng sản nào đạo đức cũng bị băng hoại, con chém cha, thầy hiếp học trò, hối lộ tham nhũng, bằng cấp giả lan tràn.

Nghĩa là cách hành xử hợp đạo, hợp điều thiện, hợp lẽ phải, có lòng biết ơn, thấy việc bất bình thì ra tay can thiệp, thấy người hoạn nạn thì sẵn sàng giúp đỡ, chứ không bị rơi vào cảnh lãnh cảm, thấy một em bé bị tai nạn xe mà không những không cứu giúp, mà còn cán lên thêm và người đi đường bình thản đi qua như việc gần đây xẩy ra ở Trung Cộng, đã được đăng tải nhiều trên Internet; hay tại Việt Nam đã xảy ra cảnh đứa trẻ chết ngạt trên xe bị thẩy qua cửa sổ, người cha bị đuổi xuống xe trước cảnh thờ ơ cuả hành khách, rồi xe tiếp tục chạy.

Lễ là cách tôn trọng chính mình, tôn trọng người khác, tôn kính bố mẹ và người lớn tuổi.

Trí là sự hiểu biết.

Tín là lòng tin mình, tin người, tin vật, gây được niềm tin nơi người khác.

Ở đây chúng ta thấy các cụ xếp đặt theo thứ tự: thứ nhất là nhân, thứ nhì là nghĩa, thứ ba là lễ, thứ tư là trí, thứ năm là tín. Theo tôi nghĩ thì các cụ xưa có chủ ý, đó là đặt chữ trí xuống hàng thứ tư, vì các cụ nghĩ rằng là con người trí thức thì trước tiên phải là con người, có lòng nhân, biết thương người, thương vật, thấy chuyện bất bình thì can thiệp, thấy người hoạn nạn thì thương, thấy chuyện bất nhân, bất nghĩa thì dám lên tiếng, chứ không hèn nhát, xu nịnh bạo quyền, kẻ trên làm điều gì cũng khen hay, khen phải, để được hưởng chút đặc quyền, đặc lợi của bạo quyền ban phát. Vì trước khi là trí thức, theo như ý các cụ và theo tôi nghĩ, thì phải là con người trước tiên. Chứ có trí mà không có nhân, có nghĩa, có lễ, chỉ mang hại đến xã hội và người chung quanh.

Bởi lẽ đó, chiều hướng giáo dục tương lai Việt Nam phải đưa đức lên hàng đầu, rồi mới tới trí dục và thể dục.

Hơn thế nữa, hình thức giáo dục nên trở về cách giáo dục của Khổng Tử và Socrate, không có giáo dục nhồi sọ, cần có đối thoại thoải mái giữa thầy và trò.

Thật vậy, chúng ta thấy Khổng Tử sống cùng với học trò, cùng học trò trao đổi, cùng nhau tìm chân lý, rất là bình đẳng, chứ không có tính chất áp đặt, tính cách từ chương, rỗng tuếch, học trích cú, tầm câu, biến người trí thức thành một người công chức, chỉ biết phục vụ chính quyền, xa rời dân, xa rời thực tế, cái học sau này của Hán Nho, Tống Nho, Thanh Nho. Trái lại Khổng Tử thường lấy những thí dụ thực tế, thực tiễn, hàng ngày, rồi từ đó thầy trò, bàn bạc, tranh luận, tìm ra chân lý. Tư tưởng của Khổng tử bị làm sai trệch, phần cách mạng như việc mở trường dạy học cho tất cả mọi người không phân biệt giai tầng xã hội; phần dân chủ như Khổng tử thường nói một ông quan tham nhũng, ác ôn còn giết người hơn cả hổ báo, những phần này bị lãng quên.

Socrate bên tây phương cũng vậy, bỏ cả cuộc đời đi "giáo dục dân", nhưng không bao giờ tỏ ra là "giáo dục", là thầy, cùng dân bàn bạc dân chủ về mọi vấn đề, hơn thế nữa Socrate còn dùng phương pháp biện chứng "Đề, Phản Đề và Tổng Đề" để gợi ý cho dân trong đối thoại để tìm tiến bộ, vì theo ông "Nơi nào không có đối thoại, nơi đó không có dân chủ và tiến bộ."

Gần đây, trên báo chí Việt Nam, có sự bàn luận về vai trò người trí thức, có người cho rằng trí thức là người lao động như bất cứ người lao động nào khác, nhưng bằng trí óc, được đánh giá qua công trình làm việc của họ, và trí thức không phải là để phản bác xã hội.

Cách dẫn giải này không sai, nhưng không đủ, vì đánh giá việc làm của người trí thức, một công việc trừu tượng, không giống việc làm cụ thể như làm ra một cái bánh mì hay trồng một cái cây, kết quả thấy trước mắt, còn công việc của người trí thức nhiều khi cùng thế hệ không hiểu, nhất là nhiều khi họ còn bị xuyên tạc, trù dập bởi bạo quyền đương thời. Vì vậy công việc đánh giá này còn tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy thời.

Ngày hôm nay, không ai có thể phủ nhận rằng Khổng Tử và Socrate là đại trí thức, công trình nghiên cứu làm việc của họ được cả nhân loại đánh giá cao, nhưng vào cùng thời thì như thế nào. Khổng Tử bị những bạo chúa, bạo quyền trù dập, đến nỗi có ông vua nọ giết học trò của Khổng Tử, làm mắm và gửi đến cho Khổng Tử. Socrate thì bị bạo quyền xúi dục dân, đưa ông ra tòa án nhân dân, kết án ông "Âm mưu lật đổ chính quyền" kết án ông tử hình, buộc phải uống thuốc độc chết.

Cũng như ở trên tôi có nhắc tới K. Popper, một đại trí thức của thế kỷ 20, nhưng ông bị trù dập, đánh giá sai lầm bởi những người cộng sản và phát xít.

Chính vì vậy mà Khổng Tử có câu: "Một người được cả làng ưa thích chưa chắc là một người nhân. Một người bị cả làng không ưa thích chưa phải là một người vô đạo đức."

Hơn thế nữa, trí là sự hiểu biết, hiểu biết đây là hiểu biết lẽ phải, lẽ trái, điều thiện, điều ác; thức đây là thức tỉnh, mà thức tỉnh đầu tiên là thức tỉnh mình trước, rồi thức tỉnh người chung quanh và xã hội, chính quyền. Phản bác xã hội, phản bác chính quyền cũng là nhiệm vụ của người trí thức, nếu thấy chính quyền, xã hội sai. Tất nhiên trong đó cũng có việc nếu thấy chính quyền và xã hội đúng, thì khen.

IV) Chiều hướng thể chế kinh tế

Kinh tế tự do, tôn trọng thị trường, chỉ chấp nhận sự can thiệp của nhà nước có tính cách hướng dẫn và giúp đỡ, chứ không có tính cách áp đặt, bó buộc.

Ở đây, tôi xin nói rõ về 2 cụm từ "Kinh tế tư bản" và "Kinh tế tự do", thực ra cụm từ kinh tế tư bản là do K. Marx và những người cộng sản dùng để chỉ kinh tế những nước tự do, chứ chính những nước này không nhận mình là kinh tế tư bản, mà là kinh tế tự do. Thật vậy, nếu chúng ta so sánh, thì chúng ta thấy những nước tự do không có một ý thức hệ như những nước cộng sản, chủ trương duy vật biện chứng, duy vật sử quan, chủ trương kinh tế thuộc về nhà nước, do nhà nước quyết định, chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu. Từ đó chúng ta có thể định nghĩa kinh tế tự do là kinh tế chủ trương bảo vệ quyền tự do tư hữu, kinh tế do cá nhân là tác nhân chính, chính quyền chỉ can thiệp để hướng dẫn, điều chỉnh chứ không có tính cách áp đặt, bắt buộc như kinh tế quốc doanh, giá cả là do thị trường quyết định theo khuynh hướng cung và cầu.

Một trăm năm qua, lịch sử đã chứng minh kinh tế tự do đã hoàn toàn chiến thắng kinh tế quốc doanh, đã cho phép những quốc gia theo mô hình kinh tế tự do phát triển tột bực, trong khi đó thì những nước theo kinh tế quốc doanh, tiêu biểu là Nga sô đã sụp đổ và Bắc Hàn đang lâm vào tình trạng dân chết đói.

Ở điểm này, tôi cũng xin nói là có người nhắc tới cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của những nước theo đồng Euro, cho rằng Hoa Kỳ và những nước tây Âu như Ý, Hy lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp là những nước theo kinh tế tự do thì đang bị khủng hoảng, trong khi đó Trung Quốc theo "kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa", thì đang tăng trưởng mạnh và đều đặn.

Từ đó, có người cho rằng mô hình kinh tế tự do, thị trường đã thất bại.

Không hoàn toàn như vậy.

Có thất bại, hay nói đúng ra là phải chăng mô hình điều chỉnh kinh tế thị trường của Keynes đã lỗi thời.

John Maynard Keynes (1883 – 1946)có thể được coi là nhà kinh tế lớn nhất của thế giới vào thế kỷ 20, nếu so sánh với những người trước đó như Adam Smith (1723 – 1790) và Ricardo (1772 – 1823), thì Keynes cũng không thua kém gì.

Theo kinh tế tự do thị trường, thì có khuynh hướng điều chỉnh thị trường qua cung và cầu, tức là khi một món hàng rẻ có nhiều người mua, thì tự nhiên vì rẻ nhiều người mua nên cung thiếu và giá hàng trở nên đắt hơn, hay ngược lại. Tuy nhiên trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1230), trong đó có nước Anh, Keynes quan sát và nhận thấy rằng khuynh hướng điều chỉnh thị trường không xẩy ra, nhất là với người lao động. Giá nhân công càng ngày càng rẻ, mà số nhân công thất nghiệp lại càng tăng. Vì vậy Keynes đã nghĩ ra một mô hình điều chỉnh kinh tế thị trường, mà người ta thường gọi là mô hình kinh tế Keynes.

Là như thế nào?

Keynes cho phép chính quyền, qua ngân sách của mình, có thể thâm hụt ngân sách nhà nước, hay còn gọi là bội chi ngân sách nhà nước vào khoảng 3%, và dùng số tiền này để kích cầu (relance par consommation) hay kích cung (relance par offre). Chính quyền dùng số tiền bội chi tăng lương thợ làm cho khả năng mua sắm của thị trường tăng, một khi có sự tiêu thụ của dân, mà phần lớn là thợ thuyền, thì kinh tế được kích thích và trở nên điều hòa lại; hay kích cung, đó là cũng dùng số tiền này giảm thuế cho các hãng xưởng, hoặc tạo ra công ăn việc làm bằng cách làm những công trình xây cất to lớn, như mở đường, xây nhà thương, trường học v...v…

Người ta có thể nói quốc gia và vị tổng thống áp dụng đầu tiên mô hình điều chỉnh kinh tế của Keynes là Hoa Kỳ với Tổng thống Roosevelt, từ năm 1933, ngay sau khi khủng hoảng kinh tế thế giới. Chính Roosevelt đã vừa kích cung lẫn kích cầu, vừa tăng lương thợ, vừa làm những công trình xây dựng to lớn, và đã thành công mỹ mãn.

Từ năm 1933 tới nay, hầu hết những nền kinh tế Tây phương đều là kinh tế tự do thị trường với sự điều chỉnh của mô hình Keynes. Thêm vào đó có sự điều chỉnh với chính sách tiền tệ qua lãi xuất. Để kích thích kinh tế ngân hàng trung ương có thể giảm lãi xuất, qua đó người dân có thể mượn tiền dễ dãi để làm ăn, hay người ta có thể tăng lãi xuất, nếu thấy có trường hợp lạm phát để giảm lượng tiền tệ trên thị trường.

Mô hình Keynes đã áp dụng từ đó đến nay, ngày hôm nay, nếu thất bại, thì người ta tự hỏi phải chăng mô hình này đã hết hiệu nghiệm.

Thực ra không phải thất bại, hết hiệu nghiệm, mà vì người ta đã quá lạm dụng và đi qua mức qui định của Keynes. Đó là thâm thủng ngân sách chỉ có thể ở dưới 3% và nợ quốc gia cao nhất chỉ có thể là 60% tổng sản lượng quốc gia.

Từ cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới 2008, tới việc các nước Âu châu đang gặp khó khăn kinh tế, trong khi đó kinh tế Trung Cộng vẫn tăng trưởng mạnh và đều đặn, có người nghĩ rằng mô hình phát triển của Trung cộng là lý tưởng hiện nay.

Có phải thế không?

Theo tôi thì không, vì những lý do sau:

Tổng sản lượng quốc gia Trung Quốc phần lớn là dựa vào xuất cảng (hơn 1/3 tổng sản lượng quốc gia), mà xuất cảng được là nhờ những yếu tố sau:

a. Chính sách hi sinh nông thôn cho thành thị, đi đến việc kỹ nghệ hóa một cách rừng rú, man dại, làm cho ô nhiễm môi sinh, môi trường, 80% sông ngòi Trung Cộng bị ô nhiễm, làm cho cả trăm triệu nông dân bỏ miền quê ra tỉnh kiếm việc, bị bóc lột tận xương tủy.

Chính sách kềm lương người thợ ở mức độ thấp nhất, không có bảo hiểm, không có an sinh xã hội, để thâu hút đầu tư ngoại quốc. Người nông dân và công nhân, mặc dầu trong hiến pháp và lúc nào cũng được đảng phong là lực lượng nồng cốt của đảng, nhưng thực tế là bị đảng, trở thành những ông chủ đỏ, cộng thêm với những ông tư bản trắng từ nước ngoài, bóc lột tối đa.

Chính sách kềm giá đồng Nhân dân tệ bám xát đồng Đô la, nhưng lúc nào cũng rẻ hơn từ 15 đến 20% theo giá thị trường.

Làm đồ giả và sao chép trái phép không trả tiền bản quyền.

Tất cả những yếu tố đó đã làm cho giá thành cuả hàng Trung Cộng rẻ, nên có thể xuất cảng nhiều.

Chính sách này đã tàn hại quốc gia về môi trường, bóc lột nông dân và công nhân tối đa, đưa đến những sự bất mãn và mâu thuẫn nội bộ trầm trọng. Đấy là chưa nói đến nạn tham nhũng, những viên chức địa phương tịch thu hay mua rẻ đất của dân, để bán giá cao cho ngoại quốc. Cộng thêm chính sách đàn áp những người đối lập, những dân tộc thiểu số làm nội bộ Trung Quốc luôn trong tình trạng bất ổn. Chính cựu Thủ tướng Trung Cộng, ông Chu Dung Cơ có nói: “Trung cộng là một anh khổng lồ chân bằng đất sét" là vì vậy. Về đối ngoại thì gần đây trong một cuộc họp thượng đỉnh các nước Á châu tổng thống Hoa kỳ, Barack Obama đã tuyên bố: "Trung cộng không hành xử có trách nhiệm như một cường quốc", vì chính sách ép giá đồng nhân dân tệ, chính sách kìm lương người thợ, chính sách xao chép trái phép.

Như vậy, thì câu hỏi đến với chúng ta: Đâu là mô hình kinh tế có thể chấp nhận đươc.

Theo tôi, thì vẫn là mô hình kinh tế tự do, thị trường với sự điều chỉnh của Keynes, nhưng phải tôn trọng lời dậy của ông: Đó là ngân sách quốc gia có thể bị thâm hụt, nhưng không được quá 3% mỗi năm, chính quyền có thể mắc nợ nhưng cũng không thể quá 60% tổng sản lượng quốc gia.

Chúng ta cứ nhìn sơ về kinh tế của những nước Tây phương, thì chúng ta thấy họ đã quá lạm dụng mô hình của Keynes, chẳng hạn như tổng số nợ của Hoa kỳ là 100% tổng sản lượng quốc gia, của Nhật là 200%, của Hy lạp là 200%, của Pháp và của Đức là trên dưới 80%, về thâm hụt ngân sách thì không phải là 3%, mà là 5%, có nước đến 10 % và hơn nữa.

Nếu áp dụng kinh tế tự do thị trường và theo đúng lời chỉ bảo của Keynes, thì kinh tế thế giới sẽ tránh được những khó khăn, bằng cớ là nước Nam Hàn đã giải quyết nhanh chóng nạn khủng hoảng 2008. Tất nhiên trong đó có nhiều yếu tố khác như giới chủ nhân và giới thợ thuyền đã có sự hợp tác giai cấp, cùng nhau bàn bạc để hạ thấp lương của cả 2 phía để nhằm tăng xuất cảng. Giới thợ thuyền của Nam Hàn rất giỏi, có khả năng và có lương tâm nghề nghiệp. Đã từ lâu, qua cuộc thăm dò của tổ chức các nước phát triển (ODCE), người thợ Nam Hàn được coi là người có kiến thức tổng quát cao nhất thế giới. Không những họ có khả năng, mà còn có lương tâm nghề nghiệp cao, làm bất cứ nghề gì, sản xuất bất cứ sản phẩm gì, họ cũng tìm cách làm tốt nhất. Một bằng chứng là hãng Hundai sản xuất xe hơi, bán ở Âu châu, được coi là xe ít có vấn đề nhất, họ dám cho chạy thử 3 tháng, nếu khách hàng không bằng lòng thì trả lại, không mất tiền, và bảo đảm trong vòng 7 năm.

Nước Việt chúng ta ngày hôm nay, so sánh với những nước chung quanh, chưa nói đến thế giới, bị thua kém về đủ mọi phương diện: đạo đức bị suy đồi, bằng cấp giả lan tràn, trẻ em phạm pháp gia tăng, người ta có thể giết nhau dễ dàng vì mấy trăm, mấy chục đô la; giáo dục xuống cấp, đại học Hà Nội là đại học khá nhất Việt Nam, nhưng so với 80 đại học Đông Nam Á thì đứng thứ 80. Ngày hôm nay Việt Nam còn thua ngay cả thời Pháp thuộc, nhưng vào thời đó, đại học Hà Nội đứng đầu các nước Đông Nam Á, về dân trí, chúng ta chỉ cần so sánh 2 tờ báo, tờ báo Nhân dân, với tờ báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, thời Pháp, thì chúng ta thấy sự khác biệt một trời một vực, về cả nội dung và hình thức; để tiến tới trình độ phát triển của Nam Hàn và của Singapour, Việt Nam hiện nay phải mất cả trăm năm, mặc dầu trước đó không xa, trước năm 1975, miền Nam Việt Nam không thua, mà còn hơn cả Nam Hàn.

Đây là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam, phải ý thức điều này, và tìm cách giải quyết bằng cách này hay cách khác.

Paris ngày 21/03/2012


(1)Xin quí vị xem bài: "Sự hồ đồ của Marx", và Một vài suy nghĩ về bài "Thời đại mới, tư tưởng mới" của ông Hoàng Tùng, Công bằng là cào bằng từ trên xuống dưới hay xây dựng từ dưới lên trên qua giáo dục và giới trẻ, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/

(2)Mười hai người lập ra nước Nhật, tác giả Sakaiya Taichi; dịch giả Đặng lương Mô, nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Hà nội.

____________

Chú thích thêm từ Wikipedia:

(*)Thống tướng Douglas MacArthur (26 tháng 1 năm 1880 - 5 tháng 4 năm 1964) là một vị tướng của Hoa Kỳ và là Thống tướng Quân đội Philippines (Field Marshal of the Philippines Army). Ông là Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ trong suốt thập niên 1930 và sau đó đã đóng một vai trò quan trọng trên mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. MacArthur đã nhận được Huân chương Danh dự. Ông được bổ nhiệm chỉ huy cuộc xâm chiếm Nhật Bản mà đã được hoạch định tiến hành vào tháng 11 năm 1945. Nhưng khi thấy không còn cần thiết nữa, MacArthur chính thức chấp nhận sự đầu hàng của Nhật ngày 2 tháng 9 năm 1945.
MacArthur giám sát cuộc chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1951 và được công nhận vì những đóng góp cho những thay đổi dân chủ sâu rộng của đất nước này. Ông chỉ huy Tổng lực lượng quân sự do Liên hiệp quốc lãnh đạo để bảo vệ Nam Triều Tiên trước sự tấn công của Bắc Triều Tiên từ 1950–1951. MacArthur bị Tổng thống Harry Truman cắt chức tư lệnh tháng 4 năm 1951 vì không nghe lời thượng cấp liên quan đến việc ông không tuân theo các chỉ thị của tổng thống.
Ông được biết đến với câu nói quân sự nổi tiếng: "In war, there is no substitute for victory" (Trong chiến tranh, không có gì thay thế được chiến thắng). MacArthur đã chiến đấu trong 3 cuộc chiến lớn (Đệ nhất Thế chiến, Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên) và là một trong 5 người được phong quân hàm Thống tướng (General of the Army).
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự suy thoái của Thế hệ trẻ hay sự chuyển dịch Hệ hình tư duy?

    29/08/2019Nhiều người cho rằng thế hệ trẻ là một thế hệ vứt đi, văn hóa đọc xuống cấp, nghệ thuật – tư tưởng đang trên đà suy thoái. Điều này có đúng hay không? Đó có thể chỉ là góc nhìn tiêu cực đầy định kiến. Book Hunter đã có dịp thực hiện một bài phỏng vấn PGS – TS phê bình văn học Đỗ Lai Thúy...
  • Thế giới quan triết học của các nhà nho trong xã hội phong kiến Việt Nam

    15/10/2014Thạc sĩ Triết học Phạm Thị LoanBài viết góp phần hệ thống hóa và phân tích thế giới quan triết học của các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam, trong đó tập trung vào các khía cạnh cơ bản: quan niệm của các nhà Nho về trời, mệnh và mệnh trời, đặc biệt là quan niệm về con người, về mối quan hệ giữa con người với trời đất. Theo tác giả, với nhiều nhà Nho Việt Nam thời phong kiến, con người không hoàn toàn bị chi phối, khuất phục bởi mệnh và mệnh trời; trái lại, con người có thể cải biến mệnh nhờ vào sự nỗ lực của bản thân mình...
  • Thế giới quan và tôn giáo

    08/06/2009M. Scott PeckCon người càng lớn lên trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người về thế giới và về vị trí của mình trong thế giới đó càng tự nhiên phát triển nhanh. Trái lại, con người càng không lớn lên được trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người càng không phát triển được. Do đó, giữa những thành viên của loài người có một sự biến thiên lạ thường về bề rộng và độ phức tạp của hiểu biết của chúng ta về bản chất của cuộc đời.
  • Thế giới quan – chiếc la bàn định hướng cuộc sống

    27/12/2007Bùi Quang MinhHành trang cuộc sống của mỗi người luôn luôn cần tới những tri thức, trí tuệ sâu sắc. Thế giới quan là thứ không thể thiếu được trong hành trang trí tuệ ấy của mỗi người. Nó là cái cần phải được từng người tự học hỏi, chăm lo, đổi mới để có thể nhìn, hiểu và làm theo những luận điểm tổng quát góp phần như một chiếc la bàn định hướng cuộc sống...
  • Các hệ tư tưởng và môi trường văn hóa, xã hội

    01/01/2006Nguyễn Đức ĐànMôi trường lịch sử, văn hóa và xã hội của Việt Nam cuối thế kỷ XIX và trong nhũng thập kỷ đầu của thế kỷ XX là một môi trường đặc biệt, nóng bỏng những đổi mới về mọi mặt, báo hiệu một thời kỳ đang chuyển hướng mạnh mẽ. Có thể khẳng định đây là thời kỳ bản lề của lịch sử văn hóa dân tộc sau bao nhiêu thế kỷ êm ả, tĩnh tại...
  • Mấy suy nghĩ về việc xác định bản chất của thế giới quan

    23/09/2005Nguyễn Huy HoàngNgày nay, dưới sự tác động của các quá trình dân chủ hoá, nhân đạo hoá, tin học hoá và toàn cầu hoá, việc xác định tình trạng hiện thời của đời sống xã hội và vạch ra con đường phát triển của nó trong tương lai không chỉ là công việc riêng của các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, mà còn cuốn hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp đại chúng. Trong khung cảnh như thế, việc xác định, xây dựng và phổ biến một thế giới quan khoa học và cách mạng sẽ mang lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng.
  • Vai trò của toán học trong sự hình thành và phát triển thế giới quan duy vật

    04/08/2005Nguyễn Kim YếnTriết học là thành tựu nhận thức và hoạt động thực tiễn cải tạo con người và loài người nói chung. Quá trình hình thành và phát triển của triết học diễn ra quanh co, phức tạp và lâu dài. Trong quá trình đó, toán học đã đóng góp một phần rất quan trọng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi làm sáng tỏ vai trò của toán học trong việc hình thành và phát triển thế giới quan duy vật thông qua lịch sử toán học.
  • Khởi đầu xây dựng một Thế giới quan mới

    26/04/2003Bùi Quang Minh ([email protected])Khoa học công nghệ đương đại sẽ cung cấp tư liệu mới, phương pháp tư duy mới làm cơ sở cho việc xây dựng “lâu đài” triết học của thế kỷ 21 định hướng cho con người hiện đại rõ ràng và đúng đắn hơn...
  • Triết học và Thế giới quan (World outlook) là gì?

    27/04/2003Thế giới quan chính là biểu hiện của cách nhìn bao quát (bức tranh) đối với thế giới bao gồm cả thế giới bên ngòai, cả con người và cả mối quan hệ của người – thế giới (tức là mối quan hệ của người đối với thế giới). Nó quy định thái độ của con người đối với thế giới và là kim chỉ nan cho hành động của con người...
  • Vấn đề xây dựng 1 thế giới quan mới

    26/04/2003Minh BùiSuy nghĩ vững chắc những vấn đề Triết lý sẽ đóng góp một vai trò quan trọng với chúng ta...
  • xem toàn bộ