Giá trị và đối diện thực tế
Có ý kiến cho rằng, khu phố cổ (KPC) Hà Nội hiện chỉ còn là "phố cũ trên nền cổ", "là phố khổ"… Nhưng nói thế đã chính xác chưa? Thực tế, phố cổ vẫn đang sở hữu một giá trị không đo đếm hết; và lâu nay, nó đã ghi nhận một lượng trí tuệ, tâm huyết của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước và các thế hệ dân cư. Vấn đề chỉ là và phải là phát huy khối trí tuệ ấy thành động lực bảo tồn và tiếp sức cho phố cổ như thế nào?
Hà Nội đang bước vào ngưỡng cửa nghìn năm tuổi. Cùng với những băn khoăn từ danh hiệu "di sản" và cả những chuyện nhỏ như chỉnh trang mặt phố; hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần dành cho phố cổ một cái nhìn thực sự khách quan. Báo Hà Nội mới giới thiệu loạt bài "Phố cổ Hà Nội: Ứng xử thế nào cho phải?".
Sau nhiều nỗ lực bảo tồn, khai thác KPC Hà Nội, những người có trách nhiệm và yêu mến "băm sáu phố phường" vẫn băn khoăn: Ứng xử thế nào với một thực thể sống động mang tên "di tích" ấy? Phố cổ còn gì, mất gì; giá trị là đâu và làm sao để tiếp tục bảo tồn bền vững? Rất cần một lòng tin để đối diện với thực tế và giữ gìn những giá trị đã ở tầm di sản đô thị quốc gia.
Tầm vóc di sản
KPC Hà Nội là quần thể kiến trúc độc đáo, mang đặc trưng riêng với các phố nghề như Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc... Nó còn được biết đến với hệ thống công trình kiến trúc đặc biệt như đình Kim Ngân, đền Bạch Mã, chùa Cầu Đông... Nhà ở KPC được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dựa trên nền móng được hình thành từ những thế kỷ trước với kết cấu gỗ, mái lợp ngói, vì kèo có nhiều họa tiết trang trí. Hiện nay, KPC Hà Nội có hơn 84.000 người dân sinh sống và hoạt động buôn bán trên diện tích gần 100ha, thuộc 10 phường của quận Hoàn Kiếm.
Được công nhận là Di tích quốc gia (năm 2004), KPC Hà Nội coi như có "dấu triện" khẳng định vị trí của mình với giá trị đã mang tầm di sản quốc gia. "Phố cổ Hà Nội phải được coi là di sản đô thị, trong đó có những di tích. Ứng xử với cấu trúc đô thị hiện sinh ấy với nhiều giá trị như văn hóa, lối sống… không thể chỉ bằng cách bảo tồn, không thay đổi như di tích. Đặc biệt là không thể bảo tàng hóa phố cổ" - GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ khẳng định.
GS Lê Văn Lan từng nói: "Căn bản và thực chất, phố cổ là di sản khổng lồ của lịch sử và văn hóa kinh kỳ… mà giá trị tinh túy được biểu đạt chủ yếu ở phần phi vật thể; người chuyên chở, thi triển cái di sản này là người dân phố cổ". Một cách nói khác, như KTS trẻ Hoàng Thúc Hào - người vừa cùng cộng sự nhận giải nhất cuộc thi kiến trúc "Vì Hà Nội hôm nay và ngày mai": "Phong cách kiến trúc nguyên bản nhà ống, vì kèo ư, còn ít lắm. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là lưu giữ, điều hòa tinh thần phố thị nơi đây".
Phố Hàng Vải. Ảnh: Quốc Trường
Tầm vóc di sản của phố cổ còn được biểu hiện ngay trong câu hỏi "sức hấp dẫn phố cổ là đâu để du khách vẫn cứ mải miết đến chốn này?", KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng "đó là nét duyên phố cổ còn phảng phất và một đời sống sôi động phố thị đặc trưng". Có thể hiểu vì sao trước đây, nữ KTS trẻ người Pháp gốc Việt Nathalie Nguyễn đã chọn cách tìm hiểu độc đáo: nghỉ đêm tại nhà người bạn trong phố cổ để sớm tinh mơ thức dậy mở cánh cửa gỗ nhỏ trên ban công, nhìn ngắm và lắng nghe những chuyển động của một Hà Nội tưởng như chỉ còn trong ký ức. Quả nhiên, cái không gian 100 hécta này không giống một nơi nào trên thế giới. Ở đó đến một chiếc muôi gỗ trong gánh hàng quà cũng biết kể một câu chuyện về Hà Nội cổ.
"Phố cổ phải tự tin về giá trị của mình"
Sau 3 năm phối hợp với Việt Nam thực hiện chương trình nghiên cứu "Bảo tồn và phát triển bền vững khu phố cổ Hà Nội" (2007-2010), GS Fukukawa Yuchi - Trưởng đoàn nghiên cứu của Trường Đại học Chiba (Nhật Bản) - đánh giá: "Mặc dù phố cổ Hà Nội đã thay đổi, nhưng vẫn còn không ít ngôi nhà cổ, mặt phố còn nhiều giá trị quý cần phải được bảo tồn".
Mặc dù phố cổ Hà Nội đã thay đổi, chỉ còn lại một phần nhỏ những dấu tích, vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Trao đổi với Hànộimới, Nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng khẳng định: Cho dù chỉ còn lại một phần nhỏ những dấu tích của phố cổ thì vẫn cần bảo tồn vì nó chở theo cái hồn đời sống kinh kỳ; cho dù dấu ấn "chẳng thơm cũng thể hoa lài" ở cái nơi nhiều chen chúc, chật chội ấy đã mai một đi nhiều, nhưng nếu cố gắng thì vẫn sẽ gìn giữ được". Nếu đặt chân lên những bậc cầu thang không thể nhỏ hơn, ngoắt ngoéo hơn được nữa để thăm gia đình 3 thế hệ nghệ nhân Phạm Chí Bích (phố Hàng Nón), ta sẽ hiểu bề sâu tự tin của tinh thần phố cổ. Nơi đây có xưởng sản xuất trống, có "siêu thị" mi ni về nhạc cụ dân tộc thu hút nhiều người nước ngoài, đặc biệt là nơi sản xuất và thử nghiệm chiếc đàn nón độc đáo số 1 Việt Nam chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Vì thế, các chuyên gia kiến trúc đều khẳng định: "Phố cổ cần tự tin vào giá trị của mình".
Đối diện thực tế
Việc chúng ta chưa lập hồ sơ đề cử KPC Hà Nội là di sản thế giới cho thấy sự thận trọng và cách nhìn nhận đúng về KPC của chính quyền và nhân dân Hà Nội, của các bộ, ngành có trách nhiệm.
Đó cũng sẽ là tiền đề cho việc ứng xử của nhà quản lý, người dân Việt Nam, người dân Hà Nội với phố cổ. Trong đó, hệ thống giải pháp phải bao gồm "Bảo tồn - cải tạo - phát triển" như ý kiến của GS-TS Hoàng Đạo Kính rằng: "Bảo tồn không đối kháng với phát triển và cải tạo phải là khâu quan trọng đứng giữa. Nếu như năm 2003, trên Báo Nhân Dân, GS Lê Văn Lan còn bày tỏ băn khoăn "không, hoặc chưa thấy một công trình nào về "người phố cổ" để xem nguồn gốc, nhu cầu của họ có muốn, hoặc cần sinh sống mãi ở những ngôi nhà phố cổ này không; có còn chăng và làm sao giữ được tiếng nói hồ Gươm thanh lịch…", thì đến nay, đã thấy không ít "lắng nghe" tiếng nói người phố cổ, đã thấy cách giải quyết vấn đề bảo tồn được đặt trong mối quan hệ bảo đảm cuộc sống của cư dân nơi đây.
Tuy nhiên, tính chất một di sản đô thị hiện sinh khiến phố cổ đang từng ngày từng giờ "bung" ra bao nỗi niềm. Không phải nơi đâu cũng là "mặt phố" kiếm ra tiền. Còn cả một cộng đồng cư dân rất lớn đang sống phía sâu trong những không gian rất chật hẹp, với nhà vệ sinh "ra cài ngoài, vào cài trong", thậm chí dùng cả phương tiện vệ sinh thùng, như trở về từ thế kỷ trước… Đâu đâu trên các "phố Hàng" cũng có thể tìm thấy sự "vỡ ra", sự "co giãn", "chằng chịt", bức bối của không gian sống.
Những thách thức trong điều hòa đời sống dân sinh nhằm "giữ cho KPC một liều lượng ồn ào vừa đủ, tránh làm phiền nhiễu, thậm chí xâm hại đến không gian văn hóa kinh kỳ" (KTS Ngô Doãn Đức) xin được chia sẻ ở bài sau.
* "Phố cổ có sức hấp dẫn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế bởi đây là một siêu thị kiểu cổ; xưởng sản xuất kiểu cổ và đại siêu thị ẩm thực. Nó sẽ còn tồn tại ngay cả sau thời kỳ hậu công nghiệp" (GS Hoàng Đạo Kính). * Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam - KTS Ngô Doãn Đức: "Nếu như Venice (Italy) trật tự đến bài bản, thì phố cổ Hà Nội có cái ồn ào nhất định, có nét hấp dẫn riêng. Mua bán, trao đổi ngay vỉa hè, từ ban công xuống, lạ, gần gũi và ấm áp". |
>> Phần tiếp theo:Di tích bị sức ép đô thị
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh