Nhớ lại nhà báo Đào Trinh Nhất
Ông quê ở xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhưng sinh ra và lớn lên ở Huế. Là con trai cụ Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, một bậc túc nho tiến bộ có tư tưởng duy tân hồi đầu thé kỷ XX, Đào Trinh Nhất đã có một vốn cổ học ban đầu, lại tìm cách vào Sài Gòn xin làm bồi tàu cho một hãng vận tải đường biển chạy đường Sài Gòn – Marseille, đến Paris năm 1926, theo học một trường báo chí, và sớm thực hành viết những bài đầu tiên cho báo Việt Nam hồn.
Từ năm 1929 về nước, định cư ở Sài Gòn, cộng tác với các báoCông Luận, Thần Chung, Phụ nữ Tân văn, Đuốc nhà Nam, Việt Nam, rồi lần lượt tiến lên làm chủ bút cho các báo Việt Nam, Phụ nữ Tân văn, Mai… Trong các năm 1930 – 1932, làng báo Sài Gòn có suy tôn 4 nhà báo xuất sắc, được mệnh danh là nhóm Tứ đại, gồm các ông Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ và Đào Trinh Nhất.
Đến năm 1932, vì viết cuốn sách nhan đề Thế lực khách trú và vấn đề di dân ở Nam Kỳ có nội dung vạch trần thế lực kinh tế và thủ đoạn của khách trú lũng đoạn kinh tế Việt Nam, nên bị gian thương Hoa kiều thu mua, tiêu huỷ sách và tổ chức vu khống, với mục đích hạ uy tín Đào Trinh Nhất trước nhân dân và chính quyền sở tại. Sau vụ vu khống ấy, ông không còn làm cho Phụ nữ Tân văn nữa, mà đến đầu năm 1933, ông sang tiếp sức cho luật sư Phan Văn Thiết, để làm chủ bút tuần báoTân văn, rồi tuần báo Thế giới Tân vănnổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1945.
Đến cuối năm 1939, ông bị thực dân Pháp ở Nam kỳ ra lệnh cho lên xe lửa trục xuất khẩn cấp về Bắc ngày 1-8-1939, như luật sư Phan Văn Thiết đã đưa tin trên báoDân chúng số Xuân Canh Tý (1960). Ở Hà Nội, ông cộng tác với Nguyễn Doãn Vượng giữ chân chủ bút tuần báo Trung Bắc chủ nhật hơn 5 năm (1940-1945) cho đến ngày kháng chiến toàn quốc 19 – 12 – 1946 thì tản cư ra khỏi vùng tạm chiếm của Pháp, đến 1947 – 1948 hồi cư về Hà Nội, viết báo Việt Thanh, Cải tạo.
Đến đầu năm 1951, vì một cơn bạo bệnh hen suyễn, ông lìa trần ngày 18 tháng Giêng năm Tân Mão, tức 23-2-1951.
Nhà báo Bạch Diện, trên báo Dân chúng Xuân Canh Tý (1960) còn viết về ông với những lời cảm động: “Đào quân chết trong cảnh thanh bần.
Điều làm cho anh em ký giả được hài lòng phần nào đối với vong hồn của bậc đàn anh xứng đáng ấy là: do sáng kiến may mắn của ông Trần Tấn Quốc, những bạn và những đồng bào có bụng liên tài đối với Đào quân đã hùn tiền nhau mà xây được cho ông một ngôi mộ vẻ vang, ấm cúng. Ngôi mộ mà anh chị em ký giả không bao giờ quên đến dâng cúng nhang đèn, hoa quả trong các ngày lễ Thanh minh và Nguyên đán”.
Ngày ông nằm xuống, ở trong Nam (Sài Gòn) thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác có câu đối viếng:
Đàn Tân văn nổi tiếng tài danh, ra Bắc vào Nam, giọt máu còn nơi dòng Nghĩa thục.
Làng hãn mặc nhiều duyên tri kỷ, vàng rơi ngọc xót, nửa đời giờ tỉnh giấc Liêu trai.
Còn ở ngoài Bắc, nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí có thơ khóc ông:
Tin về: anh mất buổi xuân sang
Gang tấc, thương ôi! Mấy dặm đàng
Cán viết Tự do treo sợi tóc
Cửa đàn ngôn luận rủ cờ tang
Mất anh, nước mất trang cao sĩ
Còn nước, anh còn tiếng đại lang
Đồng nghiệp xiết bao tình cảm kích
Khóc anh, đâu phải lệ đôi hàng!
(Tuần báo Cải tạo, số 134 ngày 10-3-1951).
Về mặt hoạt động báo chí của Đào Trinh Nhất, xin để giới báo chí luận bàn đánh giá.
Riêng về mặt biên khảo lịch sử, thiết tưởng giới sử học nước ta cũng không thể nào quên ông.
Một nhà nghiên cứu sử học công phu
Chỉ riêng khi làm công tác thông kê có thể chưa được đầy đủ, chúng ta cũng không thể quên bảng danh sách 21 tác phẩm ông đã viết:
1. Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ(Nhà in Thuỵ Ký 1942, Hà Nội).2. Cái án Cao Đài(nhà in Rey và Curiol 1929, Sài Gòn). 3. Việt sử giai thoại (Nxb Cộng lực 1934 Hà Nội, tái bản 1943). 4. Nước Nhật Bản 30 năm Duy tân (nhà in Đắc Lập Huế 1936). 5. Đời cách mệnh của Phan Bội Châu (dịch cuốn Ngục trung thư, 1938).6. Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến 1886 – 1895 (Cao Xuân Hữu in Hải Phòng, 1936. Nxb Đại La tái bản 1945 Hà Nội. Nxb Tân Việt tái bản 1957, Sài Gòn). 7. Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917(Nxb Quốc dân Thư xã Hà Nội, 1946. Nxb Tân Việt tái bản ở Sài Gòn, 1957). 8. Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương Quế xuất bản 1937 ở Chợ Lớn). 9. Đông Kinh nghĩa thục(Nxb Mai Lĩnh 1938 Hà Nội). 10. Vương Dương Minh – người xướng ra học thuyết lương tri và tri hành hợp nhất (xuất bản ở Hà Nội, 1944, Tái bản ở Sài Gòn, 1951). 11. Con trời ngã xuống đất đen(Nxb Người bốn phương, 1944 Hà Nội). 12. Chu Tần tinh hoa (Nxb Cộng lực, 1944 Hà Nội). 13. Vương An Thạch (xuất bản ở Hà Nội 1943, tái bản ở Sài Gòn 1960).14. Liêu trai chí dị(Bốn Phương xuất bản 1950, Sài Gòn). 15. Thần tiên kinh(dịch của Alan Kardec 1930). 16. Đông Chu liệt quốc (3 cuốn)1929. 17. Cô Tư Hồng (1942). 18. Kẻ bán trời (1942). 19. Con quỷ phong lưu(1943).20. Bùi Thị Xuân (1944). 21. Lê Văn Khôi(1944).
Nhìn vào 21 tác phẩm thống kê như trên, người ta đã có thể thấy, chỉ ở góc độ số lượng, sự đóng góp không nên quên của Đào Trinh Nhất đối với sử học Việt Nam cận đại và hiện đại.
Có những tác phẩm được in ra trong lúc Đào Trinh Nhất còn sống, cũng có không ít tác phẩm còn được tái bản lúc tác giả đã qua đời, chứng tỏ giá trị còn tồn tại của nó.
Một nhân cách sử học đáng trọng
Ông đi vào nghiên cứu và biên khảo lịch sử với một quan điểm rất đúng đắn.
Năm 1936, khi cho ra đời cuốnNhật Bản 30 năm Duy Tân, ông đã cho in Vài lời nói trước: “Sau hai mươi mấy tháng công phu tìm kiếm góp nhặt những tài liệu cần dùng, tôi đánh bạo viết ra cuốn sách này, trong tâm não chỉ có mấy quan niệm sau đây là cốt yếu.
Một là, để đóng góp vào kho sách quốc văn một cuốn sử học.
Bao giờ đọc sử cũng là một điều cần dùng bổ ích cho sự học vấn, sự tấn hoá của người ta. Cuộc hưng vong suy thịnh của quốc gia dân tộc này, vẫn có thể do nơi sử học làm tấm gương nên soi hay là dấu xe nên tránh cho quốc gia dân tộc. Nếu muốn soi gương sáng, theo dấu hay, chúng ta nên biết chuyện Nhật Bản duy tân tự cường, cũng như nên học sử Pháp quốc văn minh cách mạng cùng là các nước tấn hoá hùng cường khác.
Hai nữa, Nhật Bản duy tân tự cường thật là một hiện tượng lạ lùng trong lịch sử thế giới nhân loại. Càng những dân tộc nào đang yếu muốn mạnh, ngu muốn khôn, dở muốn hay, hèn muốn giỏi, lại càng nên tìm tòi xem xét cho biết cái hiện tượng tấn hoá xưa nay có một đó.
Lẽ thứ ba, về kinh tế và chính trị. Ta với Nhật là hàng xóm láng giềng. Người ta phải biết căn nguyên và lực lượng của những kẻ từ cận lân bang, để hoặc lựa chọn có thể cùng ai thâm giao, hoặc phòng ngừa ai có thể thừa cơ bắt gà đập chó nhà mình, không chừng có lúc ra mặt xâm vườn lấn đất của mình nữa là khác…
Bởi vậy, tôi thường suy nghĩ, nếu như chúng ta không ráng phấn phát tự tồn, e một ngày kia không xa, đến những việc làm mối lợi lặt vặt, chẳng phải chỉ có Hoa kiều là tay kình địch mà thôi đâu, sẽ thêm người Nhật nữa. Phải biết chính lúc này là lúc Nhật đang tầm ngầm bố trí thực hành cái chính sách Nam tiến”.
Cái quan điểm phải hiểu người, để lo bảo vệ mình, quả là một quan điểm cần thiết trong thời đại hội nhập. Nhìn người để thấy cái gương gì cần theo, cái họa gì cần tránh, đó là cái phương châm thiết thực dẫn dắt Đào Trinh Nhất đi vào con đường biên khảo lịch sử, mà không chỉ làm nhà văn.
Vậy rồi, tháng 10 năm 1936, viết xong cuốn sách, ông đã ghi: “Vậy thì cuốn sách này chính là một cuốn sách nên viết ra, mà viết ra chắc không đến nỗi vô ích cho quốc dân đồng bào”.
Cái tâm của nhà sử học thật sự đã có, rất đáng quý, trong nhân cách sử học của Đào Trinh Nhất.
Một tinh thần dân tộc đáng quý
Cái nhìn đối với nước ngoài của Đào Trinh Nhất đã chứng tỏ là một cách nhìn khoa học, khoáng đạt.
Còn cái nhìn đối với nước mình của Đào Trinh Nhất lại là cái nhìn của một người nghiên cứu có lập trường dân tộc sâu sắc.
Từ năm 1924, sau khi phân tích theo phương pháp logic và nhìn hiện tượng “thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” qua quá trình lịch sử, Đào Trinh Nhất đã nhận thấy rõ cái thế lực của Hoa kiều thao túng kinh tế thương mại của miền Nam, ông nêu ý kiến: “Thương gia Bắc kỳ vào trong ấy buôn bán, phải tổ chức với nhau ra một cơ quan gì, thí dụ như Phòng Thương mại, để làm trụ mới được. Người Bắc buôn bán thịnh vượng được, sao không lập ra một Phòng Thương mại An Nam? Điều đó, ngay đến người Pháp như ông chủ báo Eveil Economique là M. Cucherousset cũng lấy làm lạ, và từng nói rằng: “Trong lúc ở xứ Đông Pháp này, người Pháp có Phòng Thương mại Pháp, người Hoa có Phòng Thương mại Hoa kiều, còn người bản xứ An Nam thì không?”
Đào Trinh Nhất đã phân tích rõ cái thế lực khách trú ấy cả trên cơ sở dữ liệu khoa học và trong thực tế lịch sử – xã hội. Bằng những dẫn chứng cụ thể, ông đã giải thích được rất xác đáng: “Đại phàm trong trường kinh tế chiến tranh, quyết hơn thua với nhau, không cần gì có dao sắc gươm dài, không cần gì phải có đạn to súng lớn, mà chỉ nhờ vào một đội quân, gọi là đội quân “tư bản”. Người Tàu sang đất Nam kỳ mà làm được ông chủ trong trường công nghệ tư bản như ngày nay, toàn là nhờ sức của đội quân “tư bản”.
Tư bản của họ ở đâu ra? Nói rằng họ vẫn ở bên Tàu sang để buôn bán sinh lợi, thì cũng có thể, mà nói rằng: ấy là họ vơ vét được của ta, thì cũng chẳng phải là không?
Ở chương III, khi phân tích tư bản của người Tàu trong Nam kỳ – mấy ông vua tiền bạc. Cái thế lực kim tiền của họ, Đào Trinh Nhất đi đến nhận xét: “Ta đã biết họ giàu co như thế rồi, ta lại phải nên biết họ giàu có như thế, cho nên cái thế lực kim tiền của họ to lắm. Một vài người từng giao tiếp với Hoa kiều nhiều, và chịu khó tò mò xem xét những cách hành động của họ, rất là kín đáo, thâm trầm, khôn ngoan, độc ác; hễ làm việc gì – không cái gì là thương mại, công nghệ trưng thầu, mua bán chi chi, đều lấy thế lực kìm tiền mà rẫy hết cả”.
“Xem đại khái thì ta cũng đủ biết họ bố trí cuộc buôn bán là lấy Chợ Lớn làm nơi tích trữ, mà lấy lục tỉnh làm trường tiêu thụ, hãng buôn to, tiệm buôn nhỏ, làm ỷ giốc cho nhau, rất là vững chãi”.
Đào Trinh Nhất đã tinh mắt nhận ra: “Hoa kiều buôn bán ở ta mà được thịnh vượng cũng là bởi có độc quyền. Nếu ta cũng làm nghề ấy, buôn hàng ấy, thì họ hạ nhiều độc thủ làm cho ta phải thất bại ngả nghiêng, khó có cái thế gì mà tranh lại với họ. Ví dụ họ chế thứ gì mà ta cũng chế thứ ấy, thì lập tức họ hạ ngay giá xuống trong mấy tháng trời chịu lỗ, là mình đủ chết”.
Không những họ bịt đường tiến thủ của ta ở trong nước mà thôi, họ lại bịt đường của ta trực tiếp giao thông với ngoại quốc nữa… Buôn bán vào độc quyền cũng ở tay họ, không thể cho ta biết rằng thứ này đem ra bán ở đâu, thứ kia đem vào mua từ đâu, hoặc như có tìm cách được trực tiếp giao thiệp gì chăng nữa, thì dễ có khi mua không ai bán, khi bán không ai mua, vì bao nhiêu đường lối ngạch nguồn đều bị họ rào rấp cả.
Trong Nam kỳ dùng hàng Tàu nhiều quá, từ già trẻ lớn bé, không có một người nào không có cái quần áo hàng Tàu.
Chẳng phải đâu thông thường như quần sồi, áo vải, đến những hàng tơ lụa của Tàu như cẩm châm, lục soạn, vóc nhiễu tiêu thụ ở Nam kỳ nhiều quá, những thứ hàng này sản ở bên Tô Châu, Hàng Châu phần nhiều, mà chỗ xuất phát là Thượng Hải. Người mình có người biết thóp cái tổ chức của nó ở đấy, bèn giao thiệp thẳng với mấy cửa hàng tơ lụa to ở Thượng Hải, thoạt tiên mấy chuyến thì cũng mua bán được như thường giá có rẻ thật, về sau thấy bên ấy bán mỗi ngày một cao, trừ tiền thuế nhập cảng chưa nói còn so với giá mấy cửa hàng tơ lụa của khách trú bán ở đây, thì lại thành ra đắt hơn; sau mới biết té ra bọn thương gia Hoa kiều bên này điều đình với những nhà bên kia đừng bán… thủ đoạn của họ như vậy, đã thâm hiểm hay chưa.
Cái độc quyền to nhất của bọn Hoa kiều trong Nam kỳ là ở nghề buôn thóc gạo… Sau cuộc buôn thóc gạo, đến cuộc buôn tơ lụa, vải sợi, tạp hoá… Nói tóm lại… “Trong trường buôn bán hễ chiếm được độc quyền, thì độc quyền chỉ lợi cho một người, một hội … mà có hại to khắp cả, vì một thứ hoá sản gì mà đã có độc quyền thì chỉ có tham lợi mà không có cạnh tranh. Không cạnh tranh, chẳng những không tiến bộ, mà lại có hại, hại cho đường sinh hoạt, đường tiến thủ của rất nhiều người, bởi thế cho nên, không kể là thứ độc quyền gì, cũng lối độc quyền như thế nào, đều là đáng ngờ, đều có hại hết cả.
Sự phân tích như trên của Đào Trinh Nhất quả là còn giá trị đến ngày nay, bởi nó xuất phát từ một tầm nhìn khoa học – lịch sử.
Ông còn dẫn ra một người Pháp hiểu xứ ta nhiều, là luật khoa tiến sĩ Lafargue viết một quyển sách về Vấn đề di dân của người Tàu ở Đông Pháp (L’Inmigration Chinoise en Indochine)” có đoạn ông nói rằng:
“Người Tàu sang kiều cư ở bên Đông Pháp này chuyên chú vào việc buôn bán, mà cũng phải thú thật rằng chính phủ có ý muốn gia tâm khuyến khích họ trong con đường này, thành ra mắc phải cái nhầm to, khiến cho ta phải ân hận lắm”.
Mượn vào cả lời ân hận chính của cả người Pháp ấy nữa, Đào Trinh Nhất mới kết luận là: “Nghiệm lời người viết bài ấy, nói những từ năm nào, mà xem cái tình thế buôn bán của Hoa kiều trong Nam kỳ, vẫn đúng như thế, mới biết người Tàu sang doanh nghiệp ở ta, phần nhiều vẫn giữ cái cổ tập từ xưa, cái căn tính không tốt, lại nhờ được sức đàn hộ đủ cả mọi mặt, không trách nào trong thương trường ta, người Hoa kiều tung hoành đến thế được”.
Đó là nhận xét kết luận ở một thời, nhưng nhiều khía cạnh trong kết luận vẫn là xuất phát từ một tinh thần dân tộc đáng quý, cần thiết cho sự bảo vệ lợi ích dân tộc của mọi thời.
Một tinh thần yêu nước chân chính
Đào Trinh Nhất chính thức ra mắt với độc giả như một nhà biên khảo lịch sử là từ năm 1936, khi ông Cao Xuân Hữu đứng in lần đầu ở Hải Phòng cuốn sách Phan Đình Phùng – một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời. Năm sau, ông lại cho in ở Sài Gòn cuốn Việt Nam Tây thuộc sử với lời tựa có câu:
“Hình như trong thế gian không có một nước nào trải qua nhiều phen vong quốc cho bằng nước Nam mình.
Thuở xưa Bắc thuộc 3 lần, trước sau 1050 năm. Ngày nay Tây thuộc chưa biết đến bao giờ.
Vậy thì sự bại vong của ta có lai lịch và duyên do thế nào, ta càng phải nên tìm tòi, hiểu biết.
Về chữ Pháp, biết bao cố đạo, quan binh, nhà chính trị, nhà văn học từng viết ra hàng trăm quyển sách nói về công cuộc chinh phục nước Nam. Chúng tôi rất lấy làm tiếc chỉ xem được ít nhiều, vì có lắm quyển hiện nay ở xứ ta không thư viện hay tư gia nào còn. Rất đỗi lúc bấy giờ có một người Đức (Rudolphe Lindau) nhờ có những người Đức ở Sài Gòn thông tin, mà viết bài đăng tải trong Revue des Deux Mondes tại Paris, và một người Nhật (hải quân Đại tá Tăng Căn Tuấn Hổ) đã từng sang tận nước Nam xem việc giao chiến rồi viết ra 6 cuốn Pháp – Việt giao binh ký. Ấy là chưa nói tới các báo Âu Mỹ thuở đó mỗi ngày đều có thông báo tin tức về việc chinh phục nước Nam.
Thế mà sách ta chỉ có lơ thơ một tập Dương sự thuỷ mạt ký là sách chữ Hán sao lục bằng tay thêm một vài tập dã sử hay truyện ký lẫn mất trong dân gian. Mấy món tài liệu vụn vặt mà quý hoá đó, sưu tầm ra được không biết công phu đáng mấy mà nói.
Tuy vậy, muốn đối chiếu mỗi việc quan hệ, muốn cho độc giả được nghe cả hai tiếng chuông, chúng tôi đã đem hết tâm lực ra sưu tập vừa tài liệu sách Tây, vừa tài liệu chữ Hán, càng nhiều chừng nào, càng hay chừng ấy.
Vì tài liệu phức tạp và sự tích dồi dào, nên chúng tôi phải in ra làm 6 tập mới đủ. Khởi sự từ lúc người Tây phương mới đến nước ta, cho tới điều ước bảo hộ 1884 là kết liễu. Phàm một việc gì có chi tiết quan hệ xa gần đến lịch sử ta vong quốc, trải qua những trận đánh trong Nam ngoài Bắc, những việc giao thiệp của hai bên, chúng tôi ráng thâu góp cho được thoả lòng muốn biết nhiều nghe rộng của chư vị độc giả”.
Với lối làm việc khách quan và khoa học như trên, mặc dầu Đào Trinh Nhất viết rằng “bộ sách này viết ra chỉ là một việc tìm tòi thâu góp tài liệu tản mát từ các nơi mà ráp lại, chẳng hề có ý tự cho là một tác phẩm hoàn toàn”, nhưng người đọc ngày nay chắc chắn phải thấy giá trị sử học đáng quý của nó.
Theo tác giả, bộ sách gồm 6 tập, nhưng trên thư tịch Việt Nam ngày nay và các thư viện công tư thì chỉ còn cuốn I. Có thể các tập tiếp sau chưa xuất bản được hết, hay bởi đã in rồi những đã tuyệt bản. Nhưng chỉ biết rằng, sách Việt Nam Tây thuộc sử đã được nhà xuất bản Đỗ Phương Quế ở 41 đại lộ Tổng đốc Phương Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) xuất bản năm 1937.
Cùng với cuốn sách về những nguyên nhân, duyên cớ của việc bị ngoại xâm đô hộ, tác giả Đào Trinh Nhất còn viết cuốn Phan Đình Phùng – một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời nghiên cứu về nhà lãnh đạo văn thân yêu nước đã tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp (1886-1895) ở 4 tỉnh Thanh Hoá – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình. Đến năm 1957, nhà xuất bản Tân Việt ở Sài Gòn còn in lại lần thứ tư, với nhan đề Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895). Mặc dù theo Nxb thì bản in lần thứ tư năm 1957 sau khi tác gải đã qua đời từ 1951, được giấy phép số 969 của Nha Thông tin Nam phần Việt Nam, có ghi chú là “có nhiều đoạn bổ thêm tài liệu trước kia chưa in”, nhưng đối chiếu kỹ cả hai cuốn Mai Lĩnh, Tân Việt, ta sẽ thấy cuốn in sau của Tân Việt (1957) lại ít tài liệu hơn so với cuốn in trước (1973) khi tác giả còn sống.
Chính số tư liệu và nhiều hình ảnh in chụp ở bản 1937 mới giúp độc giả biết được một phần sinh hoạt và hưởng ứng của đồng bào dân tộc thiểu số ủng hộ nghĩa quân Phan Đình Phùng, đặc biệt là chân dung các vua Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Đồng Khánh, các Toàn quyền Pháp Doumer, Rousseau, De Lanessan.
Ngoài những sự kiện được ghi chép sưu tầm, cuốn sách còn những văn liệu bằng chứng rất sáng giá. Về việc nghĩa quân bắt trị tội tên tay sai Đình Nho Quang từng mạt sát người anh hùng kháng chiến Phan Đình Phùng, tác giả đưa ra lời thư hắn nhiếc “ông chỉ nằm bẹp trong núi, không chịu ra hàng, để ban đêm thì làm hùm làm beo, còn ban ngày thì làm chồn làm cáo”, phải ra lý do khiến nghĩa quân trừng trị kẻ làm tay sai cho giặc.
Viết về một nhân vật tay sai khác, như Hoàng Cao Khải, tác giả là người đầu tiên đã đưa ra bức thư dụ hàng của Hoàng Cao Khải và bức thư trả lời khẳng khái của Phan Đình Phùng, lời lẽ thật nhẹ nhàng mà thâm tình, đau đớn, tử tế mà cương quyết.
Cũng trong chương 16 viết về việc tên tay sai Nguyễn Thân nhận lệnh quan thầy Pháp ra Hà Tĩnh càn quét, truy lùng Phan Đình Phùng. Thân ra Hà Tĩnh chẳng bao lâu thì trong chiến khu, lãnh tụ họ Phan lâm trọng bệnh, mất trong căn cứ Đại Hàm (núi Quạt). Thân chưa hề giáp chiến với Phan Đình Phùng lần nào, mới chỉ càn quét dân làng dưới chân núi. Thế mà y làm một việc đê tiện là may một lá cờ hiệu thật lớn, trên viết bốn chữ “Tặc Phùng bố tử” cho quân phi ngựa về kinh báo tin thắng trận. Nhưng việc làm đê tiện nhất của Nguyễn Thân đã tự phơi bày tội ác đối với dân tộc, qua bức thư gửi cho Toàn quyền Paul Doumer, được tác giả Đào Trinh Nhất đưa ra công khai: “Lúc ấy (1886), tôi ra Quảng Nam đánh đám giặc Văn thân là Hoàng Hiệu chống cự với Nhà nước Bảo hộ bấy lâu… Tôi bắt được 25 tên phó tướng, Hiệu trốn thoát, chạy về núi Ngũ Hành, sau tôi cũng bắt sống được, bỏ vô cũi mà giải về Huế.
Thưởng đền tấm lòng tận trung của tôi đối với nước Pháp, chính phủ Cộng hoà lúc bấy giờ ban tặng Bắc đẩu Bội tinh ngũ hạng cho tôi.
Cách đấy ít lâu, tỉnh Bình Định lại có loạn dấy lên nữa; nhà nước sai tôi đi tiễu phỉ lần thứ nhì, tôi dẹp được giặc giã. Nhân việc đánh giặc thành công, quan Toàn quyền Picquet và quan Khâm sứ Hector xin Chính phủ Cộng hoà ban thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tứ hạng.
… Sở dĩ tôi phụng mạng đem quân ra Nghệ Tĩnh là cốt để tróc nã tưóng giặc Văn thân Phan Đình Phùng khởi loạn đã 10năm, mặc dầu nhà nước đã ra sức đánh dẹp mãi mà không được. Nhân tôi có công lao như thế, Chính phủ Cộng hoà thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tam hạng và đức Hoàng đế vời tôi về kinh làm Phụ chánh Đại thần”.
Văn thân Nghệ Tĩnh họp nhau, soạn ra câu đối truy điệu cụ Phan, ý tứ sâu sắc, văn tự hùng hồn. Đào Trinh Nhất dịch như sau:
“Anh hùng thành bại kể chi, dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau. Mặc châu đúc khí linh anh, trung hiếu hẹn hoà cùng sử sách. Ngao ngán nhẽ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng. Phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Vả bây giờ rông bay mây ám, xót xa việc thế khôn lường, những thương La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc.
Trời đất xưa nay thế mãi. Đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phương tuấn kiệt. Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay! Đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng. Sao dời vật đổi, ngoảnh đầu người cũ phải bồn chồn. Đương lúc này gió thổi, nhạn lìa căm giận lòng trời cay nghiệt, riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rặng trăng sao”.
Viết cuốn lịch sử ký sự Phan Đình Phùng, tác giả đã vận dụng ngòi bút biên khảo pha chất ký sự văn chương, khôi phục được truyền thống vẻ vang, quật cường của tiền nhân, lại cũng cho thấy được tinh thần ái quốc tràn trề tình cảm của chính mình.
Cống hiến cho sử học của ông còn có những quyển Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917, Đời cách mệnh Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt sử giai thoại, Con trời ngã xuống đất đen… Những tập sách lịch sử ấy gồm một số sự kiện đã được quốc sử Việt Nam ghi lại một cách vắn tắt, khô khan. Ở đây, với nét đặc biệt của một nhà sử học kèm với bút pháp pha lẫn văn ký sự nên đi sâu vào tâm hồn, trí óc người đọc. Một bút pháp viết sử rất đáng rút kinh nghiệm cho đời sau.
Và với Đào Trinh Nhất, ngày nay đọc lại ông, chúng ta cũng thấy lối văn chép sử của ông sinh động, trung thực, khác hẳn lối văn chép sử kinh điển, nặng tính chất ước lệ. Phải chăng đấy là điểm độc đáo của ngòi bút sử học Đào Trinh Nhất? Chỉ biết rằng ông đã thành công trong việc dùng ngòi bút biên khảo pha chút ký sự để phản ánh được lịch sử một cách sinh động và trung thực.
Trong nhiều cuốn sách viết về đề tài lịch sử của ông, cuốn nào cũng chứa đựng những chuyện hay về người thực việc thực có trong lịch sử. Đoạn thì dẫn sách ta, đoạn thì dẫn sách Tàu, sách Tây, đủ cả, y như một bài khảo cứu. Lời văn lại rất lưu loát, câu văn có ý vị, khác hẳn với lối văn chép sử là lối văn đã nhạt nhẽo lại rườm rà, khiến nhà sử học lão thành Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố khi đề tựa sách của Đào Trinh Nhất đã gọi ông là “một nhà sử học văn chương”.
Nguồn:
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý