Ông nhắng & trẻ
Người ta thường quên tuổi Phạm Toàn vì tiếng cười ông còn giòn lắm, vì dáng điệu ông vẫn “nhắng” lắm, và vì sức nghĩ, sức viết của ông còn kinh lắm.
Phạm Toàn là ai?
Phạm Toàn là nhà giáo. Ông từng làm việc ở trường giáo dục thực nghiệm của ông Hồ Ngọc Đại, từng viết sách về công nghệ dạy văn. Ông lại viết sách về tâm lý học giáo dục, nhận lời của nhà xuất bản và bắt tay viết ngay, chỉ sau mấy tháng là bản thảo đã xong, rồi sách in ra, dày dặn, đọc thích. Phạm Toàn nhà giáo bức xúc giáo dục, hễ có dịp, có diễn đàn là ông nói, ông phát biểu, ông viết bài. Thế vẫn chưa đủ, ông tập hợp một nhóm các bạn trẻ có năng lực và tâm huyết, thuyết phục họ cùng ông lập ra nhóm Cánh Buồm và biên soạn một số bộ sách lớp 1. Sách ra, dư luận nhiều chiều trái ngược. Mặc, ông thấy cần thiết và đúng đắn thì ông làm. Công việc này hiện đang cuốn hút hết tâm trí và thời gian tuổi già của ông.
Nhà văn Châu Diên Phạm Toàn luôn hài hước, tươi trẻ
Nhà giáo Phạm Toàn và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Xuân Bình
.
Phạm Toàn là nhà văn Châu Diên. Nhà văn đã được nhà giáo cho hưởng cái tính vui nhộn, hài hước đem vào truyện. Đọc truyện ông cứ là phải tủm tỉm, gật gù trên từng con chữ, câu văn, từng chi tiết, đối thoại, rồi từ đó mới ngẫm thấy và luận ra ý nghĩa. Ngẫm rồi vẫn lại phải cười với/cùng tác giả. Một dạo, hộp thư điện tử của ông đề tên là photovidai@...(“ photo” là viết tắt tên ông “phờ tờ”). Sau ý chừng vẫn thấy mình vĩ đại nhưng biết nên che giấu đi, thế là ông đổi lại email thành photokhiemton@... Bút danh Châu Diên còn được ông để ở các bản dịch văn học, triết học, sử học, như Mặc cảm của Đ( Đới Tư Kiệt), Nền dân trị Mỹ (Alexis de Tocqueville), Nhà tiên tri ( Kalil Gibran)…
Phạm Toàn là một người con hiếu nghĩa. Bà mẹ ông là em gái tổng đốc Lê Hoan mới mất vài năm trước, thọ gần trăm năm. Hồi bà còn sống, chủ nhật nào ông cũng cưỡi xe gắn máy từ nội thành qua sông Hồng về Đông Anh thăm mẹ, nên tôi có định rủ rê ông đi đâu thì ông dặn là phải chừa chủ nhật ra. “Tao mà vắng về một tuần là cụ lại hỏi mấy bà chị tao thằng Toàn đâu mà không thấy, hay nó lại làm gì bậy bạ rồi sợ không dám về thăm mẹ”, ông nói và cười, nhưng mắt rưng rưng. Tôi bảo anh thế là sướng quá rồi, ngoài bảy lăm còn được mẹ nhắc nhở, mắng mỏ. Khi mẹ chuyển bệnh, ông được các bà chị ngoài tám mươi phân công viết điếu văn. Thế là ông chấp bút dự thảo “Lời điếu đọc tại lễ tang cụ Lê Thị Ngoạn, do bà chị cả Phạm Thị Khang đọc ngày 1-4-2015”. Ngày tháng ấy nghĩa là không phải, nghĩa là ông muốn mẹ mình sống mãi. Nhưng mệnh trời không ai cưỡng được, nên ông cứ viết sẵn điếu văn cho mẹ, giọng điệu cứ bình thản, mà thực ra đây là viết cho mình, nén nỗi đau biết mình sẽ mất mẹ, để nhận từ mẹ cho mình những điều được mất ở đời khi mình cũng đã tuổi cao. “Cụ Lê Thị Ngoạn đã chuẩn bị cho cuộc ra đi rất thanh thản, chắc chắn vì cụ đã tha thứ cho chúng tôi mọi điều chúng tôi đã từng sai trái có thể có, và cũng vì cụ yên tâm với những điều con cháu đã đạt được”. Nói về mẹ như vậy cũng là một cách an nhiên tự tại của Phạm Toàn.
Phạm Toàn sang năm Tân Mão là vừa tám chục tuổi ta. Nhưng gặp ông khó ai nghĩ đây là ông già bát thập, vì tiếng cười ông còn giòn lắm, vì dáng điệu ông vẫn “nhắng” lắm, và vì sức nghĩ, sức viết của ông còn kinh lắm. Năm ngoái, mừng ông bảy mươi chín âm, tôi có làm mấy vần thơ này tặng ông, nay chép ra đây mừng ông hưởng mùa xuân tám phần mười thế kỷ.
* Sinh một Phạm Toàn
Cha mẹ sinh ra một Phạm Toàn
lọt lòng đã có tính đi hoang
mà ngoài bảy mươi về bên mẹ
mỗi chiều chủ nhật đứa con ngoan
Trời đất sinh ra một Phạm Toàn
cầm tinh con khỉ chốn rừng hoang
hiếu động nghịch tinh tôn hành giả
quậy tung giáo dục với văn đàn
Vợ con sinh ra một Phạm Toàn
duyên nợ vợ chồng khéo đa mang
tình mới nghĩa xưa vui vẻ gánh
gái trai thành đạt nhẹ thân nhàn
Phụ nữ sinh ra một Phạm Toàn
ngông nghênh đầu trọc hoá dịu dàng
ríu rít vây quanh em và cháu
đi đâu cũng có bóng một nàng
Bè bạn sinh ra một Phạm Toàn
phờ tờ vĩ đại rất ring rang
mắng mỏ thằng này khen thằng nọ
đầu xanh tóc bạc cùng cười vang
Châu Diên sinh ra một Phạm Toàn
văn chương cười dọc lại khóc ngang
ru chàng Hamlet thiu thiu ngủ
chợt nghe đầu núi sấm nổ ran
Giáo dục sinh ra một Phạm Toàn
lo lắng tương lai chẳng ngại gàn
cải cách thực nghiệm rồi làm sách
cánh buồm đón gió giữa tràng giang
Phạm Toàn sinh ra một Phạm Toàn
tưởng đâu vô sự chẳng lo toan
nhưng càng cao tuổi càng thêm sống
càng thấy trong lòng nhưng bất an
Tóm lại sinh ra một Phạm Toàn
khóc cười lăn lóc cõi nhân gian
chớp mắt cuộc đời như mây nổi
vẫn vang giọng nói tiếng cười oang.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchTôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Bài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])