Nguyễn Trường Tộ và nhu cầu của thời đại
Trên mặt hành tinh của chúng ta có dân tộc hình thành sớm, có dân tộc hình thành muộn; có dân tộc phát triển, có dân tộc suy tàn. Việt Nam là một dân tộc hình thành sớm, phát triển sớm và đã trải qua nhiều thời kỳ trầy trật. Điều cực kỳ đáng tiếc là dân tộc chúng ta đã bỏ qua nhiều thời cơ quý báu để phát triển mạnh mẽ. Nếu cứ luẩn quẩn hoài trong cái vòng kinh tế tiểu nông khép kín trên một mặt bằng dầy dặc những kinh nghiệm cha truyền con nối, điều chắc chắn là không thể tiến xa và sẽ mãi mãi dừng lại ở “tiến bộ bước đầu”. Và có lẽ điều ân hận lớn nhất là khi tư duy và trí tuệ Việt Nam đã đạt tới mức Nguyễn Trường Tộ vào nửa sau thế kỷ XIX, một lần nữa lại bị bỏ qua không hề có một thể nghiệm hoặc thực thi. Nghiên cứu về Nguyễn Trường Tộ, tôi thấy ở ông một tấm lòng vì đất nước, một tầm vóc trí tuệ của dân tộc, một nhu cầu của thời đại, một bi kịch của một thời kỳ lịch sử, một tấm gương sáng cho muôn đời.
Nguyễn Trường Tộ – một tấm lòng vì đất nước
Người xưa có câu: “Cái quan luận định” (khi đậy nắp quan tài rồi thì luận hay hoặc dở mới xác định). Thế nhưng nắp quan tài của Nguyễn Trường Tộ đã đóng lại cách đây tròn 120 năm mà lời luận bàn hay dở vẫn chưa định xong. Đủ hiểu những con người ở tầm cỡ lớn thật không dễ dàng đánh giá. Nhưng người ta có thể cứ tiếp tục bàn về điều này điều khác, còn tấm lòng ưu ái với dân tộc và đất nước của Nguyễn Trường Tộ thì hầu như không ai dám hé răng phủ nhận. Có thể nào không xúc động trước những dòng huyết lệ sau đây:
“Vì tôi là kẻ tự biết rõ mình, thấy mình một cách chính xác, bao nhiêu những việc thế tình nham hiểm, hoạn hải ba đào không việc gì không biết nên mới cam tâm chịu ba tội ấy (tức là tội thân phận hèn mọn dám nói việc cao xa, tội “ở trong vòng của quân địch mà lại ôm chí khác” và tội bị nghi kị mà vẫn hiến dâng ý kiến) chuốc lấy mối lo không phải phận sự của mình, ôm lấy những việc khó làm, chỉ đó mới có thể giữ được. Người xưa xét người không xét ở thành bại mà xét ở chỗ có hay không có tấm lòng. Có lòng mà gặp thời đắc dụng là điều may. Có lòng mà gặp thời không tốt, đến phải cô quạnh không chỗ nương thân lại còn mắc tội là điều rất không may. Nhưng nếu lấy điều khoan dung nhân hậu mà xét, thì nhìn vào lầm lỗi của một người có thể biết được lòng nhân hậu của người đó. Huống chi tôi nay như con cá voi ở giữa bể, trong gia đình không hệ luỵ vợ con, ngoài xã hội không lo bị cấm chế, thế mà biết nhớ về cố đô căm giận quân thù (…) việc đời được mất vinh nhục tôi đều xem như ngoại vật, chỉ cần bảo toàn lấy cái điều rất quý ở nơi mình là đủ rồi, nhưng thấy người có việc bất bình cũng phải tuốt gươm cứu giúp, mà bản tâm không mong người báo ơn. Chỉ khi nào không mong người báo đáp, người ta mới làm được những việc phi thường, khẳng khái. Tôi xin dâng mấy bài “Thiên hạ phân hợp đại thế luận”, “Tế cấp luận”, “Giáo môn luận”… để cho ngụm nước nơi vũng chân trâu nhờ sông ngòi có thể chảy thấu ra biển cả. Được thế thì nước đổ qua trăm dặm may ra có thể giúp ích được ít nhiều. Như thế, tôi dẫu chết vùi nơi nơi chốn mường mọi cũng tỏ được tấm lòng không quên nguồn gốc” (Trần tình, tr.15-126).
Giữa một triều đình chỉ coi trọng tước vị, hằng ngày hàng giờ nghĩ chuyện tranh chấp, cấu xé, giành giật danh lợi mà Nguyễn Trường Tộ thốt ra những lời than thở cho số phận người dân và lo sợ cho tình thế đất nước:
“Than ôi! Dân chúng phụng sự quan trên, nạp thuế nạp tô, để mong được sống yên thân, thế mà bây giờ lại lấy những thứ nuôi sống người để làm hại người, nỡ khiến dân chúng vấp phải họa binh đao, nỡ tranh giành cái nhỏ mà bỏ cái lớn, cũng như muốn bảo tồn cành lá mà lại đem đốn cả cội gốc. Cho nên mới nói: “Không sợ thế giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc. Lòng người đã rời rạc, đã muốn chóng mất thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi, cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó chịu chết mà giữ cho” (Thiên hạ đại thế luận, tr. 110).
Có thể trích dài dài nhiều đoạn nữa. Nhưng thôi, như thế cũng phần nào hiểu được tấm lòng cao cả ưu ái với dân của một con người luôn luôn thao thức cùng đất nước. Cứ bình tâm đọc lại hơn 50 bản viết tay còn sót lại đủ thấu hiểu tấm lòng Nguyễn Trường Tộ. Với con người đã vắt kiệt cả tim óc mình để suy nghĩ và hiến dâng những kế sách làm cho dân giàu nước mạnh mà được đối xử như thế. Nguyễn Trường Tộ đau buồn là phải, nhưng đáng đau khổ hơn nữa là cho đến nay, đã hơn một thế kỷ trôi qua, thế mà đây đó trong giới nghiên cứu học thuật của ta vẫn còn tình trạng xơ cứng, kỳ thị, cầu toàn bảo mạng, đến nỗi chỉ mang ra bàn bạc những điều hay điều tốt, điều bổ ích của người xưa mà lòng vẫn run sợ, né tránh. Những chủ trương, kế sách sáng suốt tốt đẹp của Nguyễn Trường Tộ mà được sớm thực thi thì đất nước Việt Nam này làm chi phải lâm vào tình thế bi thảm, nhục nhã. Thế mới biết, cho hiểu được một tấm lòng cũng cần phải có một tấm lòng. Người xưa hẳn cũng ngậm cười khi cảm nhận hậu thế đã ít nhiều hiểu được tấm lòng của mình. Nhưng dẫu lòng có hiểu lòng vẫn là trong phạm vi sơ khởi, hiểu được trí tuệ và tư tưởng của nhau mới đáng mặt tri âm.
Nguyễn Trường Tộ – một trí tuệ của dân tộc
Một dân tộc từ 3.500 năm trước đây đã kiến tạo nên một nền văn hoá trống đồng độc đáo quả thật là có thể kiêu hãnh ngẩng cao đầu nhìn ra thế giới. Dân tộc ta đã biết nghĩ bằng đầu sớm hơn so với nhiều dân tộc khác. Nhưng không rõ từ lúc nào lại xảy ra một tình trạng đáng buồn: chuyển từ trạng thái nghĩ bằng đầu sang trạng thái nghĩ bằng bụng. Có thể từ cuối đời Trần chăng? Hình như khi đã luôn miệng tụng “Tử viết… Tử viết…”, người ta thấy không cần phải nghĩ bằng đầu cho thêm mệt. Cả một nền học vấn và học thuật quốc gia chủ yếu sử dụng trí nhớ mà thôi. Càng nhớ nhiều – nhất là nhớ kinh sách của Bắc quốc – càng tỏ ra có trình độ cao – Từ vua đến dân chỉ có biết “nghĩ bụng rằng” và lo sao cư xử cho đúng lễ nghĩa, đạo lý – cái đạo lý tiểu nông của một dân tộc sống chủ yếu bằng kinh nghiệm, đem tất cả năng lực sáng ý, sáng dạ của mình dồn cho sự nhớ và sự bắt chước – nhớ nhiều là giỏi, bắt chước khéo là tài. Một xã hội tiểu nông rơi vào tình trạng tự Hoa hóa như thế kéo dài hàng nghìn năm. May mắn thay, vẫn còn có những cái đầu Việt Nam có khả năng suy nghĩ.
Thử hỏi Bà Trưng, Bà Triệu và phụ nữ nước nhà mà lại rơi vào cái món đạo lý “tứ đức tam tòng” và yên chí thấm nhuần cái tín điều “nam tôn nữ ti” thì sẽ tìm đâu ra các bậc nữ anh hùng?
Thử hỏi Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… lại cứ rập khuôn đúng Tôn Ngô binh pháp thì sao lập nổi các võ công oanh liệt mà giữ vững nền độc lập?
May thay, trong số những cái đầu biết nghĩ độc lập và sáng tạo ấy lại có thêm cái đầu Nguyễn Trường Tộ!
Nguyễn Trường Tộ suy nghĩ và bàn đủ mọi kế sách để làm cho dân giàu nước mạnh. Chưa có ai bàn luận về đủ các lãnh vực như ông: chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hoá xã hội… mà lãnh vực nào ông cũng đề xuất những ý kiến hết sức mới mẻ, sáng suốt, táo bạo. Chỉ cần thực thi dăm ba kế sách của ông một cách khéo léo đã đủ tạo ra những biến đổi khiến cho đất nước phát triển mạnh mẽ.
Hãy nghe ông dạy vua cách trị nước: “Nhìn ra các nước phương Tây, vua các nước thường giao việc nước cho các đại thần mà chu du các nước để mở rộng kiến văn, không phải lo việc bên trong nữa, vì đã có nhiều người lo giữ cho rồi. Sở dĩ được như thế vì danh nghĩa đã lập, ngôi vị đã định, lý chính, thế đồng, phải trái thiên hạ đều biết, xử sự hợp với công luận, tung hoành liên kết nước lớn nước nhỏ, hoà hiếu với các nước, một người làm trái thì cả đám gỡ cho. Ngày nay việc cai trị được lâu dài yên ổn đều do ở sự biết kết hợp, khác với thời xưa lấy bùn mà trét kín cửa để tự bảo vệ là thế” (Khai hoang từ – tr.161).
Cách đây 120 năm, Nguyễn Trường Tộ đã chủ trương, đã hô lớn: “Nên mở cửa chứ không nên khép kín”. Thật là một tầm nhìn chiến lược cực kỳ rộng lớn! Ông mang gương của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan ra phân tích, chứng minh. Ông thống thiết nói với vua quan triều Nguyễn về cái lợi của việc mở cửa để giao lưu với các nước:
“Còn các nước ở xa ta như Nga La Tư, Anh Cát Lợi, Phú Lãng Sa, Áo Đại Lợi (Phổ Lỗ Sĩ cho đến các nước bao phía nam Bắc Địa Trung Hải, ven đông Xích hải, cho đến các nước nhỏ hẹp thuộc Ấn Độ Dương, cho đến 20 nước thuộc Nam Mỹ, các nước ấy thuỷ chung sở dĩ được giàu mạnh không nước nào không do mềm dẻo mượn tài người, mời gọi khách du lịch, người buôn bán, khuyến khích công nghiệp, siêng năng nông nghiệp, khai hoang khai mỏ, tiếp xúc giao thiệp với các nước, cùng điều hay điều lợi, trao đổi công việc. Trước tiên do Bồ Đào Nha mở đầu rồi đến các nước trên thế giới làm theo và đều hiệu quả, ngày nay đều được rực rỡ như sao trên trời mà chưa thấy có bậc kỳ tài nào nổi lên chống lại việc làm đó (…) Như thế thì qua con đường ngoại giao, thế giới có thể hoà hợp nhau không phân biệt văn minh hay dã man, tất cả đều thuận lợi. Tôi xem khắp đông tây tất cả các nước ven biển từ nước hạng nhất đến nước hạng ba, không nước nào không tuân theo đường lối này. Chỉ riêng một mình nước ta thi hành đường lối khác. Cho nên thiên hạ cho ta là một nước ly kỳ đệ nhất” (Di thảo số 555-tr.409).
Ôi! Giá như các nhà nghiên cứu của ta biết đưa những kế sách của Nguyễn Trường Tộ hiến cho các Đồng chí Cộng sản của ta ở Đông Âu và Liên Xô tham khảo, học tập thì đâu đến nổi các đảng anh em mình rơi vào tình trạng “sập tiệm”. Hoài nghi khoa học thì tốt, nhưng đa nghi thì vô cùng tai hại. Đúng như Nguyễn Trường Tộ phân trích, lý giải bằng một chuỗi liên châu luận rất chí lý:
“Đa nghi thì không tin ai cả. Không tin thì sinh ngờ vực, không ưa. Không ưa thì sinh ra thiên lệch tổn hại trí xét đoán. Trí hại thì sinh ám muội, công việc dễ bị sai lầm. Việc sai lầm thì sinh tai hại. Tai hại sinh thì gây nhiều lo âu, nhiều lo âu thì tâm loạn mà sinh nhiều sợ hãi. Nhiều sợ hãi thì không còn nhuệ khí mà sinh nhu nhược. Nhu nhược thì mọi việc gặp việc gì cũng trông trước ngó sau do dự không quyết đoán. Trong lòng không có ý kiến quyết đoán thì không phân biệt được lợi hại, không biết nên lấy cái nào bỏ cái nào cho đúng. Như vật thì khi bị hoạn nạn bên ngoài đến tấn công, ý kiến sẽ bất đồng, mình và người rời rạc, thế lực mỗi ngày một giảm sút, tất cả đều do căn bản từ sự nghi ngờ mà phát sinh ra cả” (Di thảo số 55 tr. 410).
Chắc chắn đó không phải chỉ là những nghĩa lý đáng học cho một người hay cho một đời. Có thể nói không quá đáng rằng Nguyễn Trường Tộ đã có một trí tuệ rất lớn, một thế đứng rất cao để nói to lên những điều cực kỳ sáng suốt, hệ trọng. Ông chỉ ra cho nhà vua thấy rằng phải giao thiệp ngay với Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha… để dùng những cường quốc này kiềm chế Pháp, do đó mà ta giữ thế cân bằng ổn định. Ông khuyên nhà vua phải cử người hiền tài đi du học các nước và chớ có lo người ta đi rồi người ta không trở về. “Dân là dân ta, họ không thể cưỡng ép đi theo họ được”.
Thiếu vốn ư? Hãy vay của dân và vay nợ nước ngoài, đừng sợ mất thể diện: “Tôi thấy các nước phương Tây, nhiều nước vay tiền các nhà buôn lớn để giải quyết các việc cần gấp sau đó sẽ từ từ hoàn lại. Nước càng lớn nợ càng nhiều. Thế nhưng chưa ai bảo như vậy là yếu hèn hay sai lầm kế sách. Tôi xin có ý kiến là hãy sai người đến các thương gia ở Hương Cảng tạm vay độ tám, chín triệu quan (tôi đảm bảo chắc chắn có thể vay được) mỗi năm ta sẽ trả tiền lời cho họ, hoặc giao ước ta sẽ trả hàng hoá cho họ rồi tính giá khấu trừ” (Di thảo số 44. Tr.358).
Về giáo dục, ông yêu cầu bỏ lối học từ chương cử nghiệp, coi trọng cái học thực dụng. Ông đề nghị phải hướng việc học và việc thi vào tình hình hiện tại nhằm giải quyết những công việc hiện tại của đất nước: “Xin cho các trường quốc học, tỉnh học, các trường tư và các bài thi hương, thi hội đều chú trọng vào tình hình hiện tại như luật lịch, binh quyền, các chính sự về công hình lại lễ, tất cả đều được nói thẳng không giấu giếm, có gì tệ hại, có cái gì hay ho, cái gì nên để lại, cái gì cần thay đi, những cái gì cần thiết trước mắt, những cái có thể phân tích tỉ mỉ sát với đúng hợp thời thì được coi là trúng cách, còn những chuyện cũ thì chỉ là thứ yếu” (Di thảo số 18, tr.194).
Nhưng điều độc đáo và thú vị nhất là ông đề nghị đưa môn luật vào kì thi-Lịch sử ghi nhận: Hồ Quý Ly là người đầu tiên đưa Toán vào kỳ thi. Nguyễn Trường Tộ là người đầu tiên đề nghị thi về luật.
Điều thứ hai là ông đề xuất một học vị mới: “Nếu ai tinh thông các sách về máy móc kỹ thuật của phương Tây, có ích cho việc thực dụng thì dịch ra, theo bản đồ vẽ lại hoặc 1 bộ, 2 bộ, 3 bộ không hạn chế, những sách dịch ra lấy 1.000 trang làm tiêu chuẩn, để nạp lên Bộ rồi cùng với Tây soát duyệt xét không sai thì ban cho là cử nhân tại gia” (Di thảo số 18.tr. 195).
Những kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ quá nhiều, kể mãi không xiết và đều bổ ích. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là ông yêu cầu khuyến khích việc học khoa học kỹ thuật và công nghệ đóng tàu thuỷ: “Vả chăng về việc đại thuyền và cơ khí thì trước đây đã trình bày sơ lược rồi. Nếu muốn mua các thứ đã có sẵn thì phải theo cách đó mới được. Hoặc muốn sang nước họ học tập chế tạo những thứ đó, theo tôi, phải có những người khéo tay, chọn lấy khoảng ba bốn mươi người từ 30 tuổi trở lên, đi học chế tạo, lại cần có những người thông minh chọn lấy 10 người từ 25 tuổi trở lên, đi học đại số, vi phân cùng các môn trọng lực học, quang học, v.v… hai khoản này thiếu một không thể thành việc” (Di thảo số 7, tr.157).
Và quan trọng nhất là ông đề nghị mở mang thương nghiệp, mở rộng quan hệ ngoại thương: “Lại xin để cho những nhà giàu ở gần cửa bể có thể mua tàu lớn vượt bể để chở những đồ vật nước mình dư không dùng đến bán ở các nước, rồi lại chở về những thứ cần thiết dùng cho nước mình và đánh thuế nhập khẩu để tăng thêm những thứ cần dùng trong nước. Nếu người nào mua về được nhiều thứ có lợi cho nước thì cân nhắc và ban thưởng để khuyến khích họ cố gắng thêm. Đấy là một điều lợi lớn” (Di thảo số 5, tr.143).
Nguyễn Trường Tộ đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế vì ông hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này: “Chế ngự được nhân tâm là do trị lý việc kinh tế. Và duy trì được đời đời dài lâu là nhờ ngoại giao” (Di thảo số 13, tr.174).
Ông đề nghị lập khoa nông chính và xuất bản bộ sách Nông chính toàn thư để dạy dân làm nông nghiệp theo phương pháp mới. Cần lập Bộ canh nông để chỉ đạo dân làm nông nghiệp: “Bởi nông nghiệp là gốc, ăn mặc và hàng trăm nhu cần cho đời sống đều nhờ nông nghiệp. Người xưa nói: “Người ta không có cái ăn cái mặc thì không còn đạo vua tôi”. Nếu con đường này không phát triển dồi dào thì dân lo kiếm ăn cho khỏi chết đói còn chưa kịp, rảnh đâu mà nghĩ đến việc lễ nghĩa” (Tế cấp bát điều, tr.251).
Ông phản đối lối học văn chương phù phiếm rất vô bổ cho đời sống: “Còn học văn chương, dù có giỏi khai, thừa, chuyển, hợp, rành cách thanh bình, thượng, khứ, nhập, một may lỡ sa cơ lỡ vận, cần ấm no cho một thân mình còn chưa được nói gì đến chuyện làm cho dân no ấm” (Tế cấp bát điều, tr/252).
Ông chủ trương dùng pháp trị và bảo “ai giỏi luật sẽ được làm quan”. Ông đề nghị đưa khoa luật vào kỳ thi. Và đặc biệt, ông có một luận điểm rất đẹp nói về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức: “Nếu trong nước không có luật, thì dù có vạn quyển sách cũng không thể trị được dân (…) Khổng Tử nói “Chép những lời nói suông bằng thân hành ra làm việc”. Thử xem có những nhà Nho suốt đời đọc sách, đáng lẽ cử chỉ của họ phải khuôn thước cho đời, vậy mà tại sao có nhiều người cuộc đời của họ và sự ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác? Nếu bảo luật pháp chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì quyền pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không? (…) Chỉ sợ con người không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác” (Tế cấp bát điều, tr. 253-254).
Nếu giới nghiên cứu pháp luật quan tâm đến những điều di huấn này hẳn đã giúp đỡ giới lãnh đạo ta xây dựng được một nhà nước pháp quyền sớm hơn, xã hội sẽ sớm ổn định, lành mạnh. Đáng ngạc nhiên là ta hay trích dẫn sách ở Liên Xô, ở Đức và có nhiều quan điểm không đúng về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức. Âu cũng là do ta nằm quá lâu trong vòng vây của ý thức hệ tiểu nông nên vẫn giữ vững truyền thống coi Tình là trọng, coi Lý là nhẹ và vạn vật bất đắc dĩ. Mấy nhà lý luận văn học của ta gần đây lại hô lớn và cứ nhấn đi nhấn lại dạy dỗ các nhà văn là phải chú ý đến chữ Tâm. Ô, nếu cứ đeo bám mãi một cái Tâm-tiểu-nông tưởng cũng còn gay go lắm. Phải chăng đã đến lúc nên hiểu rằng phải mau chóng chuyển từ cái Tâm-tiểu-nông sang cái Tâm-công-nghiệp. Đáng sợ thay cái sự khủng hoảng về lý luận.
Ta luôn luôn nhắc nhau rằng “phải kế thừa truyền thống”, “phải nối gót ông cha”. Thế mà ông bà ta dạy bảo bao nhiêu điều hay lẽ phải ta không quan tâm nghiên cứu, cứ đi nhập ngoại linh tinh rồi hoảng lên vì tình hình “xuống cấp”. Chẳng lẽ tình hình xuống cấp của xã hội ta hiện nay, giới nghiên cứu lý luận không chịu phần trách nhiệm hay sao? Trí tuệ và tư duy của dân tộc mình vào nửa sau thế kỷ XIX đã phát triển tới mức Nguyễn Trường Tộ, chẳng đáng tự hào lắm sao! Chúng ta có tội lớn nếu tiếp tục dửng dưng với những di sản văn hoá và tư tưởng quý báu này. Nguyễn Trường Tộ và tiếp sau là Nguyễn Lộ Trạc, Bùi Viện, Đặng Huy Trứ và cả một loạt sĩ phu yêu nước của phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… Rồi tiếp nữa là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… đêm ngày khóc ra máu và gầm lên tiếng kêu Đổi Mới. Chẳng lẽ con cháu lại có thể làm lơ mà dẫm chân tại chỗ được sao?
Chúng ta nghiên cứu Nguyễn Trường Tộ chính là nghiên cứu cái trình độ trí tuệ và tư duy của người Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XIX. Trí tuệ và tư duy của Nguyễn Trường Tộ-Việt Nam đâu có thua kém trí tuệ và tư duy của Phúc-trạch Dụ-cát (Nhật Bản), đâu có thua kém bất cứ trình độ trí tuệ và tư duy của bất cứ dân tộc nào trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vấn đề còn lại là phải tạo ra được những cái tai biết nghe, những cái đầu biết phục thiện, và những cái tay biết làm, hay nói khác đi là phải tạo ra được cái môi trường có khả năng tiếp nhận những hạt giống tư tưởng Nguyễn Trường Tộ.
Môi trường ấy ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX là chưa có. Một nghịch lý buồn cười và luôn luôn tái diễn trong lịch sử đối với các dân tộc nhược tiểu là thắng về quân sự nhưng kém cảnh giác là rất dễ thua về văn hoá. Hơn ngàn năm Bắc thuộc, phong kiến Trung Hoa không đồng hoá nổi ta nhưng lạ thay, cứ sau mỗi lần chiến thắng ngoại xâm phương Bắc thì giai cấp phong kiến cầm quyền của ta lại tự nguyện học hỏi những định chế, thiết chế của đối phương, nghĩa là tự-Tống Nho-hoá một cách khá hào hứng và tự mãn; cộc xâm lăng văn hoá diễn ra một cách lặng lẽ, hồ hởi, hoà bình và cực kỳ dai dẳng, kẻ bị xâm lăng lại tỏ ra thích thú khi được rập theo khuôn mẫu của thánh hiền phương Bắc và đến các triều vua Nguyễn thì trình độ tự-Tống Nho-hoá đã đạt đến tột đỉnh. Người ta mê muội đến mức vơ tất ôm tất, cả hay lẫn dở, rồi lại cho rằng tất cả đều là truyền thống tốt đẹp của dân tộc (!), cần có trách nhiệm bảo toàn “Các phép của tiên vương nhất thiết không được thay đổi” (lời vua Tự Đức). Tiên vương bao gồm cả Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh và ngược lên tận Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.
Nực cười thay! Cũng là các thứ nhập ngoại, nhưng người ta bài bác kịch liệt mọi thứ “ngoại mới” cho dù nó tiến bộ và giữ khư khư cho kỳ được mọi thứ “ngoại cũ” cho dù nó đã lỗi thời. Cũng may là ta có một thứ làng – xã hết sức bền vững nên cái ngoại không dễ vào, nhưng cái nội thì cũng vững bền đến mức khó mất rồi trở thành bảo thủ, trì trệ.
Cho nên thẩm định và giữ lại những gì đúng là bản sắc, là cốt cách tốt đẹp của dân tộc cũng không phải là điều dễ. Vấn đề này cần phải thảo luận, tranh luận khá vất vả.
Điều chắc chắn là cái hệ ý thức tiểu nông mà tư tưởng Tống Nho là hạt nhân chủ yếu đã cản trở mọi sự đổi mới và phát triển trên đất nước này.
Cũng đã nhiều năm, tôi băn khoăn tự hỏi “Tại sao sống trên một vùng đất có tới hàng nghìn km bờ biển mà dân tộc Việt Nam mình hàng nghìn năm qua cứ quay lưng ra biển rồi cam tâm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời?”.
Mà dân tộc mình đâu có kém cỏi về mặt sông nước. Thời đức Tổ Hùng Vương đã từng vẽ mình để cự nhau cùng thuỷ quái; thời Trần và thời Nguyễn Tây Sơn thì đã từng có những đội thuyền chiến làm kẻ thù khiếp vía. Kỹ thuật đóng thuyền còn ghi trong sử sách hoặc lưu dấu trên mặt trống đồng. Thế mà ông bà ta chưa bao giờ tổ chức được một đội thương thuyền vùng vẫy biển cả. Thuyền buôn nước ngoài đến nước ta thì sẵn, còn thuyền buôn nước ta đi ra nước ngoài trở thành hiếm hoi.
Tinh thần cộng đồng LÀNG – XÃ mạnh tới mức không ai muốn rời làng; tha phương cầu thực là chuyện bất đắc dĩ, thân phận người ngụ cư thật đáng phàn nàn, lại thêm sách thánh hiền đã dạy: “Phụ mẫu tại bất viễn du (cha mẹ còn tại nhà con cái không được đi chơi xa). Đi chơi xa còn không dám, huống hồ đi làm ăn nơi đất khách quê người. Tinh thần tiểu nông định cư cùng với cái đạo hiếu phụng thờ cha mẹ kiểu Khổng-Mạnh đã cột chặt người dân quê vào cộng đồng Làng-Xã. Với ý thức ấy, đánh giặc giữ làng, giữ nước thì tốt, nhưng để làm công việc kinh doanh trên thương trường thì muôn phần trở ngại. Với lại thương nhân vốn là một giai tầng bị khinh thường miệt thị. Chính sách trọng nông ức thương của các vương triều phong kiến càng khiến cho nền kinh tế hàng hoá vừa nảy mầm đã bị dập vùi, thui chột. Một môi trường xã hội như thế, tư tưởng Nguyễn Trường Tộ làm sao có đất sống.
Cho nên không chỉ đau xót cho Nguyễn Trường Tộ mà chủ yếu là đau xót cho cái cảnh ngộ bị thảm của dân tộc: cần cù, thông minh, tài trí, giàu tài nguyên như thế mà cứ đành lùi lại, lẽo đẽo ở phía sau thiên hạ.
Chẳng lẽ lại chưa cần tính sổ triệt để với hệ thức tiểu nông, với tư tưởng Tống Nho để tạo điều kiện cho dân tộc tiến bước?
Thật đáng giật mình khi thấy giáo sư L.Vandermeersh khuyến cáo ta nên dừng lại ở mức cộng đồng. Tinh thần ý thức cộng đồng ta đã dư thừa, không giải phóng cho xong từng thành viên của cộng đồng để tạo ra ý thức cộng đồng mới thì làm sao có thể đuổi kịp bạn bè. Ta phải giải quyết hoàn hảo cái công đoạn giải phóng cá nhân, trao đầy đủ và thực sự các quyền tự do cho mỗi công dân được quy định trong hiến pháp. Điều quan trọng là tránh mọi cực đoan, luôn luôn tạo cho từng cá nhân cái ý thức giữ mối liên hệ với cộng đồng để khỏi sa vào trạng thái cô đơn, chán chường, bế tắc.
Tất nhiên có thể tìm thêm được nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng theo tôi, nguyên nhân gốc của sự cản trở dân tộc tiếp thu tư tưởng cấp tiến kiểu Nguyễn Trường Tộ chính là cái hệ ý thức tiểu nông cộng với tư tưởng Tống Nho đã tồn tại dai dẳng hàng nghìn năm trên đất này.
Có lẽ cũng không nên vội coi nó là tàn dư vì thực tế đã chứng minh nó vẫn đang sung sức và có khả năng tác oai tác quái trên nhiều lĩnh vực của đời sống, gây cản trở cho công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay. Đấu tranh để thanh toán nó, đòi hỏi chúng ta phải tiếp nhận kinh nghiệm sống của Nguyễn Trường Tộ.
Cơ sở của Dòng Thánh Phaolô ở Sài Gòn, đăng trên báo MISSIONS CATHOLIQUES năm 1876
Nguyễn Trường Tộ – một nhu cầu của thời đại.
Đổi mới là nhu cầu của mỗi con người, nhu cầu của sự phát triển. Người xưa đã nói: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân” (mỗi ngày phải mới, càng ngày càng phải mới hơn). Không đổi mới là ngưng trệ, là tự huỷ diệt. Đổi mới là nhu cầu của dân tộc và nhu cầu của thời đại. Toàn thế giới vào thập niên cuối của thế kỷ đang xôn xao đổi mới.
Cách ta hơn trăm năm Nguyễn Trường Tộ đã đáp ứng nhu cầu đổi mới của dân tộc và thời đại nhưng tư tưởng của ông đã không được tiếp nhận. Nhưng như thế không có nghĩa là nó có thể cứ chối bỏ ông mãi mãi. Đã là nhu cầu thì sớm muộn vẫn phải tiếp nhận Nguyễn Trường Tộ. Sau một thế kỷ mới tiếp nhận là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Vấn đề quan trọng là phải hiểu đúng Nguyễn Trường Tộ như là nhận thức ra cái chất xám của bản thân dân tộc. Dân tộc đã ký mã di truyền tinh hoa vào Nguyễn Trường Tộ. Vậy nghiên cứu để sử dụng chất xám này sao cho đạt hiệu quả cao nhất, đó là trách nhiệm của chúng ta, những người làm công tác nghiên cứu văn hoá dân tộc. Và trách nhiệm hàng đầu chắc phải thuộc về những người đang lãnh sứ mệnh dìu dắt nhân dân, quản lý đất nước.
Nguyễn Trường Tộ có mặt mạnh và mặt yếu của mình. Điều đó không có gì lạ. Ông thoát thai từ cửa Khổng, tất nhiên không thoát khỏi sự ô nhiễm tư tưởng Tống Nho. Một trí tuệ tuyệt vời như ông mà vẫn hồn nhiên vận dụng kinh Dịch để lý giải một cách sai lệch nhiều hiện tượng xã hội-và có lúc ông đã vướng chân vào thuyết định mệnh, ông cũng chẳng thấy hết được bản chất và những mưu mô thâm độc của kẻ thù ngoại xâm. Ông viết: “Về thiên đạo: vận trời từ Tây sang Đông. Theo Hà đồ thì thuỷ ở phương Bắc, hoả ở phương Nam, kim ở phương Tây, mộc ở phương Đông. Thuỷ diệt hỏa, kim diệt mộc là lẽ tất nhiên của trời đất luôn luôn như vậy”. Do đó ông cho rằng việc các nước ở Phương Tây xâm chiếm các nước phương Đông là “số mệnh trời định” cả và ta không nên chống lại mệnh trời: “huống hồ nước Việt ta là một nước bé nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời, làm những việc thiên hạ khó làm được. Chỉ có một cách hoà. Hoà là không cưỡng lại ý trời” (Di thảo số 1).
Tất nhiên đây là một quan niệm phi khoa học và phi dân tộc. Nhưng cũng chẳng nên trách ông về những hạn chế có tính lịch sử kiểu này. Chỉ cần lưu ý rằng cho đến thập niên cuối thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội của ta vẫn còn bị quan điểm này chi phối thì đủ hiểu di hoạ của hệ tư tưởng Tống Nho còn dai dẳng biết chừng nào.
Trừ đi tất cả những gì gọi là hạn chế, lệch lạc ở ông, ta vẫn không khỏi kinh ngạc về độ sáng suốt và tầm vóc tư duy chiến lược kiêm sách lược của ông. Vậy cái gì đã tạo nên cấp độ và tầm vóc tư duy ấy?
Nếu tôi không nhầm, chính là do ông chưa bao giờ quên mình là dân của một nước đang lâm nguy, là con của một dân tộc từng nổi tiếng anh hùng đang sa vào một tình thế đau khổ nhục nhã.
Sự gắn bó máu thịt ấy đã tạo cho ông sức mạnh của lý trí và sự sáng suốt trong tư duy, đồng thời cũng tạo cho ông một nhân cách đáng kính nể.
Nguyễn Trường Tộ – một tấm gương cho muôn đời
Mỗi danh nhân là một tấm gương hết sức độc đáo cho đời học tập.
Nguyễn Trường Tộ đã bỏ ra cả cuộc đời để học tập và suy nghĩ cho dân tộc, vì dân tộc. Ông tiên đoán trước 15 năm rằng thế nào đất nước cũng sa vào tình thế khốn quẫn bi đát. Ngày đêm ông suy nghĩ, cả trong giấc mơ ông cũng không ngừng suy nghĩ mong tìm ra một lối thoát cho dân tộc. Ông trải lòng mình, trí tuệ của mình, tư duy của mình lên từng trang điều trần. Bệnh tật đến mức gần thành tàn phế, ông vẫn không ngừng suy nghĩ và viết ra mọi kế sách. Ông ý thức được rằng chỉ riêng “Tế cấp bát điều” của ông phải thực hành hàng trăm năm chưa xong; ông không hề ảo tưởng, nằm trên giường bệnh mà ông đã nhìn thấy chúng ta hôm nay, hình dung được tình cảnh của đất nước tận hôm nay.
Cái ý chí kiên cường của ông thật đáng khâm phục: “Tôi tuy tài kém nhưng lòng dạ có thừa, có chí nhưng không có phận, cho nên mắt thấy được gì, lo suy tính được gì, thì cứ tưởng như mình có thể làm được việc lớn vậy. Tôi quyết không vì thế mà thay đổi chí hướng hay dám để cho lòng nguội lạnh. Cho nên lâu nay tôi đã trình bày dông dài mà không ngờ rằng những chuyện đó ngoài phận sự của mình” (Tế cấp bát điều. tr. 277).
Đó là một ý chí gang thép. Đọc lại những trang di thảo của Nguyễn Trường Tộ, tôi cảm thấy lòng ông lúc nào cũng ngùn ngụt bốc cháy, trí tuệ ông bao trùm và toả rạng thế kỷ.
Tự hào về ông, tôi càng tự hào về dân tộc ta đã sản sinh ra những con người siêu việt như ông, tự hào về non sông đất nước ta, đã hun đúc nên một tầm vóc trí tuệ như ông. Tư tưởng Nguyễn Trường Tộ là đỉnh của tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX, vì thế cần được nghiên cứu nghiêm túc trong mọi loại viện nghiên cứu, cần được giảng dạy nghiêm túc trong mọi loại nhà trường của ta hôm nay.
Tháng 10-1991
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá